Chương 78: Lời hứa
Từ hồi Quan gia và Thượng hoàng cùng các vương hầu tướng lĩnh họp bàn ở Bình Than, nhân dân Đại Việt lại bắt đầu rục rịch. Đi về bất cứ nẻo đường nào cũng đều nghe thấy tiếng rèn đúc khí giới, tiếng quân lính tập luyện reo hò sôi nổi, và từng đoàn người tấp nập chuyển tải quân lương. Ai ai cũng có nhiệm vụ của mình, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới.
Ngay cả Lưu Vân thường ngày ham chơi cũng đã theo cha chuyên tâm học y thuật, phòng khi có việc cần đến. Bởi thế, dạo gần đây An Tư không còn xuất cung nữa, nàng tự biết thân biết phận không muốn hoàng huynh lo lắng, càng không muốn người thương phân tâm để mà lo việc nước việc quân. Thay vào đó nàng cùng các cung nhân bận rộn đan giỏ đựng tên, may túi vải, may áo mền mùa đông cho các binh sĩ, cũng gọi là góp chút công sức của mình. Có mỗi hôm vừa rồi nhân hội thề ở Đồng Cổ, nàng đánh liều xin hoàng hậu cho xuất cung cốt cũng chỉ để nhìn hắn một lát cho thỏa cái nỗi nhớ nhung bấy lâu. Trông hắn có vẻ gầy hơn, sắc mặt cũng mệt mỏi nhưng ánh mắt vẫn kiên cường, sáng ngời ngợi như sao mai lấp lánh.
Trời tối muộn, cơm nước xong xuôi An Tư lại đi đến chiếc bàn gần cửa sổ đang để ngổn ngang vải vóc và kim chỉ, nàng cầm chiếc áo gấm màu xanh đang thêu dở hai chữ "Trần Viễn" nơi ngực trái, và tiếp tục đưa mũi kim thêu nốt những nét còn lại.
***
Sau khi hội thề kết thúc, Trần Viễn theo lệnh Quan gia lên mạn Tây Bắc thị sát, mãi cho tới tận hôm nay mới trở về. Trời nhá nhem tối, vừa vào thành hắn đã vội tiến cung diện kiến vua để bẩm báo lại những điều đã thấy.
Đại tư xã cấu kết với gian thương Hồi Hột đẩy giá mua cỏ dại lên cao, dân chúng thấy lời lãi nên đổ xô đi trồng cỏ thay vì trồng lúa như mọi năm, dẫn đến hậu quả là khan hiếm lương thực. Cũng may vụ việc được phát hiện kịp thời, nên đã xử trí tên Đại tư xã đó và vận động dân trên ấy quay lại với nghiệp làm nông thuần túy.
Trần Khâm gặp hắn trong đình cạnh hồ Thủy Tinh, gió hè mát rượi xua tan đi cái oi ả khiến người ta cũng dễ chịu hơn. Sau khi nghe hắn bẩm báo xong, chàng im lặng một hồi rồi đột nhiên giữa khoảng không gian đặc quánh đang bị bao trùm bởi bóng tối, chàng bỗng buột miệng hỏi người đối diện về kế sách chống giặc. Hệt như năm xưa Tiên đế cũng từng hỏi cha hắn khi giặc Thát tràn vào.
Trần Viễn kinh ngạc trong giây lát, nhớ lại cách đây ít ngày khi hắn quay về Yên Sơn thăm sư phụ, nhân tiện cũng hỏi việc này. Bấy giờ ông ấy trầm ngâm hồi lâu rồi dùng ngón trỏ làm bút, nước trà làm mực viết lên mặt bàn một chữ "dân". Lúc này khi được vua hỏi, hắn cũng làm tương tự, dùng ngón tay miết lên bàn đá lạnh ngắt chữ "dân".
Trần Khâm cau mày, có khi hiểu cũng có khi không hiểu, mù mờ như sương đêm dưới mặt hồ. Chàng bèn hỏi:
"Ý chú là...?"
Trần Viễn trầm tư hướng ra mặt hồ lăn tăn gợn sóng, không gian yên tĩnh thi thoảng còn nghe được cả tiếng loài cá quý quẫy đuôi nghịch nước. Hắn đáp:
"Bẩm, Tuân Tử thời Chiến Quốc từng viết Quân giả, chu dã, thứ nhân giả, thủy dã; thủy tắc tái chu, thủy tắc phúc chu. Nghĩa là vua là thuyền, dân là nước, nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền. Qua đó cũng thấy được vai trò quan trọng của dân. Muốn củng cố giang sơn, đánh đuổi giặc thù thì phải làm cho dân chúng đồng lòng, một lòng ủng hộ triều đình. Muốn thế trước tiên phải khiến dân chúng tin tưởng, toàn tâm toàn ý dốc sức cùng triều đình bảo vệ non sông."
Nghe xong những lời này, Trần Khâm bỗng thấy nhẹ nhõm như gỡ được tảng đá trong lòng, tầng tầng lớp lớp sương mù cũng dần tan biến đi. Bấy giờ, chàng thoáng mỉm cười, thâm tâm đã tự có những dự tính riêng.
Không còn chuyện gì nữa, Quan gia cho phép hắn được cáo lui. Khi ra đến sân rồng rộng lớn của điện Thiên An, bước chân hắn chậm lại rồi quay đầu rẽ sang hướng hậu cung. Đi qua mấy cung điện lớn nhỏ nằm im lìm trong màn đêm tối tĩnh mịch, lại qua vườn Xuân Quang rộng lớn ngợp kỳ hoa dị thảo tỏa hương thơm ngát. Khi tới ngã tư, trên hành lang dài hun hút hắn bỗng loáng thoáng thấy một bóng người, bởi trời tối nên không rõ ai chỉ khi người đó đến gần, hắn mới biết đó là Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư. Ông ta bước đến chào hắn, hắn cũng đáp lễ. Sau, ông nói:
"Chiêu Thành Vương, chuyện lần trước ở bên Bình Than ta còn chưa có dịp cảm tạ ông."
Trần Viễn mỉm cười, đáp:
"Không có gì, chẳng qua ta cũng không muốn uổng phí một tướng tài mà thôi, quốc gia lâm nguy rất cần những người như ông phù trợ."
"Ta hiểu, dù sao vẫn cảm ơn ông đã nói giúp." Khánh Dư chắp tay, khom lưng, cúi đầu với người đối diện.
Trần Viễn chỉ đành gật đầu, rồi ái ngại đỡ ông ta lên. Trong bóng tối, hắn ngờ ngợ nhìn ra nét buồn bã hiện lên trong đáy mắt Khánh Dư, rồi hắn nhìn lại con đường ông ta vừa đi qua thì cũng lờ mờ đoán ra được phần nào. Con đường ấy dẫn tới cung Mộc Miên của Thiên Thụy, người mà lẽ ra ông ta không nên gặp vào lúc này. Khẽ thở dài, lắc đầu. Hắn nói:
"Ta có điều này muốn nhắc nhở ông, ta có thể xin giúp ông một lần, nhưng nếu còn tái phạm thì ta cũng không chắc sự nhân từ của Quan gia có còn đủ lớn để ban phát cho ông lần nữa hay không?"
Đôi mắt Khánh Dư lóe sáng rồi trầm xuống, như đã hiểu được ý tứ của hắn, ông hơi cúi đầu và đáp:
"Ông hiểu lầm rồi, ta đến gặp nàng ấy cũng chỉ muốn nói lời từ biệt."
"Từ biệt?"
Lần này, đến lượt Khánh Dư thở dài. Trong giọng nói khó giấu nổi sự tiếc thương.
"Phải, nàng ấy đã xin Quan gia đến Văn Úc để xuất gia cầu phúc cho muôn dân." Thực ra ta đoán, nguyên nhân có lẽ cũng là vì ta. Ngừng lại một chút, ông nói tiếp. "Nhưng rốt cuộc nàng ấy vẫn không chịu gặp ta."
"Thì ra là vậy."
Chỉ là tiếng than vô nghĩa, Khánh Dư không nói thêm gì, ông cúi chào cáo biệt rồi xoay người rời đi. Trần Viễn đứng ngẩn ngơ nhìn theo bóng người khuất dạng trong đêm tối rồi mới nhấc chân hướng về cung Họa Nguyệt.
...
Tiếng chuông gió bên hiên khẽ động, hương sen nhàn nhạt theo sương đêm len lỏi vào phòng. An Tư thoáng rùng mình, nàng dừng mũi thêu. Đưa mắt nhìn xa xăm qua cửa sổ, nàng bỗng hoang hoải về những ngày hội yến cùng nhau đan tay nhảy múa, hay những ngày nàng đánh đàn, chàng thổi sáo trong thủy đình, và cả những lần chèo thuyền hóng mát trên sông Tô Lịch đầy gió.
"Đang nhớ ta à?"
Chiếc ôm đột ngột đến từ phía sau khiến An Tư giật thót, cơ thể căng cứng, nàng toan hô lên vì tưởng kẻ trộm, chỉ đến khi giọng nói trầm ấm quen thuộc kia phả vào tai thì nàng mới buông lỏng người. Gương mặt hốt hoảng dần chuyển sang sắc đỏ thẹn thùng, e ấp như một đóa hồng liên chớm nở.
Hắn siết chặt tay, mũi áp sát vào suối tóc mềm mại của nàng, mắt nhắm hờ mà hít hà hương thơm. Nàng giả bộ chối bay:
"Ai thèm nhớ chàng chứ."
"Thật không?"
"Thật."
"Vậy ta về đây." Hắn lạnh lùng buông tay, vờ vịt rời đi nhưng nàng đã kịp ngăn lại.
"Đừng đi." Nàng ngượng nghịu, giọng nói có chút hờn dỗi. "Em thừa nhận, em rất nhớ chàng. Chàng đi biền biệt, chẳng nói một lời cũng chẳng thư từ gì khiến em ngày đêm lo lắng."
Trần Viễn biết sai, cũng bởi công vụ bận bịu quá, hắn thực chỉ muốn làm xong rồi trở về với nàng. Vội kéo nàng vào lòng, hắn cúi đầu xuống áp sát vào mặt nàng rồi như có điều gì thôi thúc mãnh liệt, hắn đặt lên môi nàng một nụ hôn ngấu nghiến mút trọn bờ môi ngọt ngào ấy hồi lâu mới dứt, giọng hắn trầm ấm bên tai:
"Ta xin lỗi, vì đã khiến nàng lo lắng."
An Tư khẽ mỉm cười, nàng dựa đầu vào vòm ngực rắn chắc của hắn, vòng tay qua eo và ôm ghì lấy hắn cho khỏa lấp nỗi nhớ mong đang trống trải trong lòng. Giọng nàng nỉ non:
"Hứa với em, từ giờ trở đi dù ở bất cứ đâu hay làm gì thì chàng cũng phải cho em biết chàng vẫn sống, vẫn bình an để trở về."
Trần Viễn im lặng. Chiến tranh xảy ra, bản thân hắn là tướng của triều đình ắt sẽ phải cầm quân xông pha trận mạc, đứng nơi đầu sóng ngọn gió là điều khó tránh khỏi. Chiến trường khốc liệt, ranh giới sống chết khi ấy cũng chỉ cách nhau trong gang tấc, không thể nói trước được gì. Chính vì vậy, hắn đã suy nghĩ rất lâu khi có ý định xin Thượng hoàng ban hôn, nhưng cuối cùng vẫn đành hoãn lại. Nhỡ có điều chẳng may xảy ra, hắn không muốn vì hắn mà nàng lỡ mất nhân duyên với người khác.
"Được, ta hứa với nàng. Nhưng... nàng cũng vậy nhé. Dù xảy ra chuyện gì cũng phải sống, phải bình an."
"Vậy chúng ta ngoắc tay."
Một lời đã định, nhưng đâu ai biết tương lai sẽ xảy chuyện gì? Lời hứa khi ấy, liệu có giữ trọn hay chăng?
...
Mùa thu, tháng bảy, sai trung phẩm Hoàng Ư Lệnh và nội thư gia Nguyễn Chương sang Nguyên gặp hoàng tử Thoát Hoan, Bình chương A Lý Hải Nha ở Hồ Quảng để đòi trả lại các sứ đã bị bắt giữ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top