Chương 3: Đóa hoa dành dành
Thụy Bà Công chúa nhìn tôi trông giận lắm, nhưng trước mặt hai vị hoàng tử không dám mắng bèn bảo Thu Cúc đưa tôi đi sửa soạn lại. Tôi biết mình sai, bèn ngoan ngoãn nghe theo, sau đó lại ngay ngắn ngồi trong phòng học thêu thùa. Lúc Thụy Bà công chúa gọi tôi ra, hai vị hoàng tử đã ra về. Người kêu tôi ngồi lại gần rồi thở dài:
– Lúc trước thì có Quốc Tuấn (1), bây giờ thì là công chúa.
Quan gia ơi là quan gia, người đúng là không để ta yên mà.
Tôi trong bụng nghĩ không biết Quốc Tuấn là ai, để chút phải hỏi Thu Cúc mới được, lại nhìn thấy công chúa không có vẻ chán ghét mình lắm liền cười cầu hòa, công chúa thấy vậy liền lừ mắt rồi sai người đưa tôi đi thăm mẹ.
Nghe nói Ngự Sử Đại Phu theo lệnh Quan gia mới sang triều Nguyên bàn về chuyện cống nộp nên trong phủ có vẻ đìu hiu (2). Mẹ mặc áo tứ thân, tóc để xõa, người ngồi trên võng, mắt hướng nhìn xa xăm, tôi chạy tới ôm chầm gọi “mẹ”, người mới giật mình nhìn xuống tôi một cái. Thanh Mai đi sau đã khúc khích cười:
– Công chúa ơi là công chúa, người vào hoàng cung rồi mà vẫn như thế à?
Tôi vẫn ôm mẹ, quay đầu lại phía sau, làm mặt khỉ với Thanh Mai khiến cô ấy vừa bực mình lại vừa buồn cười. Mẹ đỡ tôi rồi ngồi dậy, kéo ra sập gụ ngồi, rồi bảo:
– Nếu ta biết thế này, lúc trước đã dạy dỗ con cẩn thận hơn rồi. Hoàng cung không phải là chốn thông thường. Người ở trên cao thì có làm sai cũng không bị phạt. Thụy Bà Công chúa dù tốt nhưng cũng không thể che chở cho con được, hơn nữa so với người trong cung, đều là hoàng thân quốc thích, con đâu thể sánh được với quan hệ máu mủ ruột thịt đó.
Tôi thấy mẹ bảo vậy liền vội nói:
– Chẳng phải mẹ cũng là công chúa sao. Con là con của mẹ, vậy cũng là hoàng thân quốc thích rồi
Nói xong lại cười hì hì, ngó nghiêng lung tung. Mẹ vén nhẹ tóc mái tôi sang một bên rồi khẽ thở dài, nhỏ giọng:
– Chỉ e là vì ta mà con sẽ phải chịu thiệt thòi
Tôi ở lại phủ ăn cơm cùng mẹ rồi mới về. Người trong phủ đối với chúng tôi rất khép nép, tôi vốn vô tâm vô tư không để ý nhiều, sau này nghĩ lại mới biết thì ra đó là họ dè chừng chứ chẳng phải vì kính nể địa vị công chúa.
Từ sau lần thất thố với hai vị hoàng tử, tôi ở trong cung không còn dám trèo cây nữa, vì thế nên buồn chán. Nhân lúc mọi người đang nghỉ trưa, tôi liền trốn ra ngoài. Đi thơ thẩn một lúc thì mới phát hiện là bị lạc đường đang đứng trên một chiếc cầu nhỏ, phía dưới là một ao sen, xung quanh là mấy cây nhãn chi chit quả. Một mùi thơm thoang thoảng xung quanh, tôi đưa mắt quan sát thì thấy có mấy khóm hoa bên cạnh ao sen, liền vội vàng chạy ra xem. Ngay bên bờ ao là mấy bụi cây nhỏ, lá xanh khá to, làm nổi bật những đóa hoa trắng muốt. Đứng từ xa đã thấy hương thơm thoang thoảng, lại gần mới phát hiện hương thơm này quả thật rất đặc biệt, tôi cứ thế hít lấy hít để còn lẩm bẩm tự hỏi:
– Không biết là hoa gì mà thơm quá
Chợt đằng sau phát ra tiếng cười nhẹ kèm theo một giọng nói êm ru nghe quen quen:
– Đấy là hoa dành dành
Tôi quay phắt lại phía sau, trước mắt là Đông cung thái tử. Chàng lúc này mang áo tiêu kim phụng tử, dưới ánh nắng chói chang ban trưa các hình thêu rồng phượng bằng kim tuyến trên thân áo khiến người ta có cảm giác xung quanh chàng là ánh hào quang đang tỏa sáng. Lần thứ hai gặp chàng, tôi lại ngây ngô nhìn chàng một lúc. Lần này chàng không cười, lặng lẽ đi đến bên cạnh tôi, nhìn vào ao sen rồi nói:
– Không ngờ ao sen này cũng có cá.
Nói xong lại trầm mặc. Tôi theo hướng chàng nhìn nhưng chẳng rõ chàng nhìn đi đâu, cũng chẳng dám nhiều lời, cứ thế lặng lẽ đứng bên cạnh chàng mà ngắm những bông hoa trắng thơm ngát kia, thầm nghĩ hoa đẹp thơm nhưng tại sao lại chẳng hợp với phong cảnh này – trông như những bông hoa dại. Được một lúc, chàng khẽ nói “Đến lúc về rồi”; nói xong liền xoay người bước đi. Tôi ở lại lâu hơn một chút, cũng không rõ là vì cái gì. Chỉ cảm thấy muốn đứng ở chỗ chàng đã đứng một lúc, nhìn về hướng chàng đã nhìn một hồi, nhưng mãi cũng không nghĩ ra chàng đang nhìn cái gì, chỉ thấy bóng một cung điện nguy nga phía xa xa, sau này mới biết thì ra đó là Thiên An Ngự Điện.
Đó là 3 ngày trước khi chàng được bệ hạ nhường ngôi.
Tháng hai, Nguyên Phong năm thứ 8, Hoàng thái tử Hoảng lên ngôi Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Thiệu Long năm thứ nhất, xưng làm Nhân Hoàng; vua Thái Tông lui về Bắc Cung làm Thái Thượng Hoàng. (3)
____________________
(1) “Các điển tích về Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn”
http://edu.go.vn/e-tap-chi/tin-bai/7/35/147/244/cac-dien-tich-ve-hung-dao-dai-vuong-tran-quoc-tuan.html: Năm 4,5 tuổi, Trần Hưng Đạo theo cha là Đức Khâm Minh Thái Vương (tức Trần Liễu) đi Ái châu, là nơi giam cầm trọng tội. Trưởng Công chúa Thuỵ Bà thương anh cả vô tội bị đầy, bèn năn nỉ anh kế là Thái Tông, xin nhận Trần Hưng Đạo làm con đem về Thăng Long nuôi dạy. Để tránh sự soi mói ghẻ lạnh của triều đình, Trần Hưng Đạo được trưởng công chúa Thuỵ Bà gửi tại chùa Phật Quang (làng Khúc Thủy, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Tây) nhờ trụ trì chùa dạy dỗ cho tới năm lên 10.
(2) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Sai Lê Phụ Trần, Chu Bác Lãm sang Nguyên.
Lúc này, sứ Nguyên sang đòi lễ vật hằng năm, đòi tăng thêm tiến cống, lung tung không định. Vua sai Lê Phụ Trần đi sứ, lấy Bác Lãm làm phó. Cuối cùng qui định 3 năm một lần tiến cống, coi là thường lệ.
(3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top