II, Chí anh hùng

Tiếng trống dồn canh vừa điểm, chiếc mỏ neo nặng trịch rời tay gã phu lái, chìm dần rồi mất hút dưới lòng sông. Sau vài lần kéo thử để kiểm tra độ bám, gã trụ vững chân, tay gồng sức siết sợi thừng vào phần móc gắn trên mạn thuyền. Xong xuôi, gã quay người lại, hồ hởi nói với vị tướng trẻ đang đứng ngay cạnh: "Bẩm tướng quân, thuộc hạ đã thả neo rồi ạ."

"Ta thấy rồi, cho ngươi lui." Vị tướng nhẹ giọng đáp lời gã. Rồi chợt nhớ còn việc cần căn dặn, chàng liền gọi với theo. "Đừng quên cử người ở lại trông thuyền, sáng sớm mai khởi hành."

Gã phu lái cúi đầu vâng lệnh rồi mau chóng rời khỏi. Đợi bóng gã khuất hẳn, bấy giờ chàng mới rảo bước xuống thuyền, tranh thủ vươn vai, làm vài động tác nắn xương, chỉnh khớp. Đầu gối hơi nhức, sống lưng mỏi nhừ, hai mắt trĩu nặng... đó là tất cả những gì Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng cảm nhận được khi chàng đặt chân lên bờ. Nhiều năm trời vừa rèn luyện, vừa cầm quân, đêm ngày suy tính việc nước, chưa bao giờ chàng thấy người ngợm uể oải như bây giờ. "Có lẽ là tại mất ngủ." Chàng gật gù, tự đưa ra một câu trả lời mà bản thân thấy hợp lý.

Trở về từ hội nghị, Trần Bình Trọng đã nắm trong tay kế sách chiến lược mà triều đình thông qua, đồng thời xác định đâu là những nơi trọng yếu cần chia người trấn giữ. Quan gia và các tướng cũng bàn bạc rất kỹ, tính toán làm sao để ngoài tuyến phòng thủ chính còn bố trí thêm nhiều hướng tấn công và đường tiếp viện, sẵn sàng ứng phó tùy vào tình hình thực tế.

Nhìn chung, mọi phương án đều đã được dự liệu tỉ mỉ đến từng chi tiết. Điều đó giúp gánh nặng trong lòng chàng nhẹ đi phần nào. Nhưng nhẹ đi không có nghĩa là biến mất hẳn. Từ ngày hay tin lũ giặc phương Bắc lăm le xâm chiếm bờ cõi, những ưu tư, trăn trở của người làm tướng vẫn luôn quẩn quanh tâm trí Trần Bình Trọng, khiến chàng bao đêm liền thức trắng vì lo nghĩ. Trải qua đôi lần binh biến, chàng biết rõ ranh giới sinh tử ở nơi chiến trường mong manh như ngọn đèn trước gió. Kế hoạch chuẩn bị dẫu có hoàn hảo tới đâu thì con người cũng không lường hết được trăm sự biến thiên của trời đất. Và đôi khi, chỉ vài thứ nhỏ nhặt, tưởng chừng vô hại lại trở thành mấu chốt làm xoay chuyển cục diện, gây ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc. Thân là tướng lĩnh, trên phụng mệnh thiên tử, dưới bảo hộ muôn dân, chàng thường nhắc nhở bản thân phải thật cẩn trọng, không được phép lơ là hay phạm sai lầm...

"Hửm? Cái gì thế nhỉ?"

Mạch suy nghĩ bỗng bị cắt đứt bởi cảm giác nhồn nhột lạ lùng sau gáy, Trần Bình Trọng hơi cau mày, đưa tay lên sờ thử. Rất nhanh, chàng nhận ra đấy không phải thứ cảm giác tạo nên từ vật thể hữu hình, nó thực chất là loại linh cảm chỉ xuất hiện khi người ta bị kẻ khác theo dõi!

Thoáng giật mình, chàng liền đảo mắt nhìn quanh một lượt. Trong trí nhớ của Trần Bình Trọng, bến thuyền này thường đông đúc vào mỗi buổi sáng và trở nên vắng vẻ khi chiều tà, nay cũng không ngoại lệ. Trước mặt chàng, nền trời đã chuyển dần sắc tím. Vài mảnh nắng cuối ngày nằm rải rác, lẫn trong những triền mây không ngăn nổi bước chân bóng tối âm thầm phủ lên vạn vật. Trên thân cổ thụ đằng xa, ánh sáng yếu ớt từ ngọn đuốc cắm hờ cháy leo lét chực tắt vô tình điểm thêm vào không gian cái nét u hoài, tịch mịch đến rợn ngợp. Giữa cảnh tranh tối tranh sáng, Trần Bình Trọng phát hiện ở chỗ bụi lau nằm chếch hướng tay phải, cách chàng vài bước chân có hai đứa trẻ đang giương mắt lên nhìn chằm chằm. Khoé miệng bỗng co rút như phải gió, chàng vuốt mặt, tự nhiên thấy người mệt hơn hẳn:

"Hoá ra là hai đứa chúng bay..."

Biết chú đã trông thấy mình, Đình Thư thích chí cười rộ đoạn chạy ào về phía chàng, vừa chạy vừa gọi lớn: "Chú Trọng ới ời ơi!"

"Nó tới rồi." Chàng khẽ thở dài, cõi lòng ảo não không thôi. Xưa nay, Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng nổi tiếng can trường, bất khuất. Chàng không sợ kẻ địch mạnh, cũng chẳng ngại giáo gươm sắc bén. Thế nhưng, có một điều khiến vị mãnh tướng này phải nhức nhức cái đầu, ấy là giọng nói lanh lảnh như tiếng chim oanh, chim ca suốt ngày ra rả bên tai của cô cháu gái Đình Thư. "Và cả mấy trò nghịch rách giời nó bày ra nữa." Chàng ngầm bổ sung thêm.

"Chú Trọng, nay chú đi họp Quan gia đã nói những gì thế?" Trần Quốc Toản nhanh chân đến bên cạnh chàng, gương mặt cậu đầy vẻ mong chờ. "Chú mau kể đi chú!"

"Đúng rồi, chú Trọng kể chuyện đi ạ, Quan gia có nói khi nào sẽ cho quân đánh không?"

"Chú Trọng..."

"Chú..."

Như sợ lỡ mất chuyện quan trọng từ triều đình, Quốc Toản và Đình Thư thi nhau bám riết lấy chàng, đứa lớn quàng vai bá cổ, đứa bé thì níu tay, quyết hỏi cho kỳ được. Chàng nghe tiếng chúng léo nhéo mà ù hết tai, bèn giơ tay lên ngăn lại:

"Trật tự!"

Nói rồi, chàng nghiêm mặt hướng về phía nàng Thư, giọng trầm xuống: "Cái đó để sau, ta phải hỏi tội con trước đã, Đình Thư."

"Sao lại là con!" Nàng há hốc miệng, giả vờ ngơ ngác. "Con có làm gì đâu ạ?"

"Còn dám nói không làm gì." Chàng nheo mắt, bật ra một tiếng cười lạnh. "Thế trả lời ta nghe thử, ai là người tết dải lụa vào đuôi con ngựa chiến của Thượng tướng Thái sư [8]?"

Không ngoài dự đoán, gương mặt Thư lập tức ngẩn ra. Hình ảnh con chiến mã oai dũng với bộ lông đen tuyền buộc dưới gốc đa bất chợt hiện về trong tâm trí, Thư mấp máy môi, định lấp liếm nhưng ánh mắt sắc bén của Bảo Nghĩa hầu đã khiến những lời bao biện nghẹn cứng ở cổ họng. Rốt cuộc, nàng đành lí nhí thừa nhận:

"Dạ, là con ạ."

"Tốt lắm." Trần Bình Trọng gật gù, chắp tay sau lưng. "Vậy ai là người rải cánh hoa lên thuyền của Nhân Huệ vương [9]?"

"Dạ, cũng là con ạ." Thư ỉu xìu đáp, tay mân mê vạt áo. Chú Trọng đã hỏi tới nước này, nàng tự biết có trăm cái miệng cũng không chối tội nổi. Thôi thì thành thực nhận lỗi, chí ít còn vớt được chút khoan hồng.

Đứng cạnh nàng, Trần Quốc Toản nín thinh, vừa thấy buồn cười vừa lo ngay ngáy. Cái lo của cậu đột nhiên nở rộng rồi vỡ tung khi Bảo Nghĩa hầu lấy từ túi áo ra một chiếc giày thêu hoa lấm lem bùn đất, chậm rãi đưa đến trước mặt Đình Thư. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, bên trong giày ấy vẫn còn nguyên một cặp sâu rau béo mập đang ngoe nguẩy... ngoe nguẩy...

Bằng sự bình tĩnh mà đến chính mình cũng phải kinh ngạc, Trần Bình Trọng hít vào một hơi, đoạn mỉm cười nói:

"Sau làm việc xấu thì giấu cho kỹ vào, nhớ chưa Thư?"

Ôi chao ôi, có mà nhớ đến già luôn ấy chứ!

Sẽ sàng "vâng" một tiếng, Đình Thư xụ mặt nhận lấy chiếc giày, bụng bảo dạ thôi thế là xong. Kỳ này chú Trọng đã biết hết chuyện, vậy xem ra nàng khó tránh khỏi cảnh ngồi chép phạt binh thư tới mòn nghiên rạn bút. Ông chú nhà nàng hiền như ông Bụt, đối với nàng và Chiêu Hiến [10] chẳng bao giờ quát tháo, mắng mỏ nghiêm khắc giống lúc chú cầm quân. Thay vào đó, nếu nàng phạm lỗi, chú sẽ cho nàng chép phạt, chép hết non nửa thỏi mực thì ngưng. Thư không đếm nổi số lần mình bị chú phạt, chỉ nhớ đống sách từng chép xếp lên sắp sửa cao ngang vai nàng.

"Hình như là tầm này?" Thư trầm ngâm, xòe mười ngón tay ra ước chừng thử.

Trong lúc nàng mải tính toán, Bảo Nghĩa hầu dời sự chú ý sang Trần Quốc Toản. Cậu chàng nãy giờ im thin thít, thấy chú nhìn mình thì nhe răng cười sượng. Cái tội của cậu mới thực là to, nhưng Quan gia đã bỏ quá cho rồi. Trần Bình Trọng không định nhắc lại hay trách mắng thêm, chỉ lãnh đạm hỏi:

"Trần Quốc Toản, chú mày có nhớ năm nay mình bao tuổi không?"

Câu hỏi bất ngờ nằm ngoài dự tính của Toản, cậu sửng sốt, ấp úng nói: "Dạ, mười lăm ạ...

"Ừ, mười lăm tuổi." Chàng chép miệng, tay choàng qua vai kéo Toản lại gần, thủ thỉ vào tai cậu nhóc. "Nam nhi chí lớn là lẽ thường tình, chú mày vội chút cũng không vấn đề gì! Nhưng nghe Hưng Đạo Vương nói đấy, phàm là người tướng quên mình để báo ơn vua mà không làm cho lòng sĩ tốt cũng như mình thì tướng ấy chưa phải tướng lập công giỏi... [11]"

"Ý chú là sao?"

Quốc Toản lặng người, nhất thời không hiểu ẩn ý đằng sau câu nói của Bảo Nghĩa hầu. Cậu hoang mang ngước lên, cố tìm đáp án trong mắt người bên cạnh nhưng chỉ thấy bóng tối mịt mùng. Im lặng hồi lâu, Trần Bình Trọng đưa tay xoa đầu Toản, ôn tồn giảng giải: "Ý của ta là, muốn làm nên chuyện lớn thì phải đắp được cái nền chắc chắn kia đã. Có nền rồi hãy tính đến chuyện dựng cột, mà phải dựng sao để dẫu mưa giông bão bùng, đất trời ngả nghiêng thì cột cũng không nghiêng ngả theo."

Ngừng lại đôi chút để Toản có thời gian suy nghĩ, chàng nói tiếp: "Giờ chú mày về rèn cho tốt phận mình, rèn mình xong thì rèn binh, rèn lính. Rèn cho bền gan vững chí, cho lòng sĩ tốt trăm người như một, hướng về đại nghĩa. Chuẩn bị kỹ càng bao nhiêu, phần thắng trong tay càng lớn bấy nhiêu, rõ chưa?"

Quốc Toản không vội đáp ngay, cậu yên lặng nghiền ngẫm từng lời chú nói. Lát sau, Toản chắp tay vái tạ Bảo Nghĩa hầu, chừng như đã thông suốt điều gì.

"Chú Trọng dạy phải, cháu có hơi nóng vội nên cư xử lỗ mãng." Cậu mỉm cười, đáy mắt thấp thoáng ánh lửa. "Từ nay xin vâng lời chú, lấy đó làm gương ạ!"

Gió lạnh thổi tới, luồn qua tán cây, nhẹ lay bóng đuốc lập lòe. Nguồn sáng tù mù như có như không chẳng thể giúp Toản trông rõ biểu cảm trên mặt Bảo Nghĩa hầu. Chợt, cậu nghe tiếng chú thở dài: "Thế giặc lần này vừa mạnh vừa đông, cũng chưa biết chúng định giở trò gì tiếp nên chú mày cứ bình tĩnh, sau không thiếu phần đâu mà lo. Nào nó đến rồi đánh thoải mái, mà đánh thì nhớ tóm thằng cầm đầu ấy!"

"Vâng, thế để nào cháu tóm được nó rồi chú thưởng cho cháu nhé!" Toản nửa đùa nửa thật, xoa xoa hai bàn tay vào nhau. "Thưởng lớn thì càng thích ạ."

"Đánh giặc còn nghĩ đến thưởng thế này thì chết, chú mày to gan quá rồi đấy."

"Thế gian sợ nhất thằng liều mà chú, giờ có mười tướng giặc cháu cũng đánh hết!"

Những tràng cười của hai chú cháu phút chốc xua tan đi bầu không khí nặng nề. Cùng lúc ấy, Đình Thư vừa từ bỏ công cuộc liệt kê tội lỗi bản thân. Hai bàn tay nàng tính nhõn ra chỉ có mười ngón và hai mươi tám đốt, cộng luôn cả chân vẫn chưa bằng hai phần ba chồng sách ở phủ. Thư ngó sang, thấy chú và anh bàn chuyện vui quá bèn lân la góp giọng vào:

"Chú Trọng ới, chú cho con đi đánh giặc với..."

Chẳng để nàng nói đến lời thứ hai, ông chú đã thẳng thừng gạt phắt: "Không được."

Đình Thư nhoẻn miệng cười, sớm biết kết quả nên nàng không cố chấp cự nự. Thay vì khóc lóc rồi ăn vạ như mọi khi, nàng bắt đầu đặt câu hỏi cho những điều thắc mắc bấy lâu: "Nhưng tại sao thế ạ? Chú và cha đưa con lên kinh, cho con học binh thư ở chỗ giáo thụ Tần, cho con học võ cùng chị Dương, chị Khánh thuộc quân Ngũ Yên, cũng cho con theo chân đến xem quân Thánh Dực Dũng Nghĩa luyện tập. Vậy mà con xin đánh giặc thì chú lại không cho..."

Những câu hỏi dồn dập của Đình Thư vô tình xuyên trúng tim đen, chạm vào nỗi niềm canh cánh trong lòng Trần Bình Trọng. Ký ức cũ dần hiện lên, kéo tâm trí chàng trôi về một ngày xa lắm. Là ngày mà nữ ân nhân từ thuở thiếu thời trước khi tạ thế đã gửi gắm đứa con gái duy nhất cho chàng, nhờ chàng bảo vệ nó nếu mai đây đất nước loạn lạc. Ngày hôm ấy, chàng đã tự hứa với chính mình, hứa với cả ông tri huyện Thanh Liêm, tức cha của Thư rằng sẽ xem nàng giống như con đẻ mà tận tình đối đãi, so với Chiêu Hiến không có nửa phần thua thiệt. Mặc cho những kẻ ác mồm bao năm dị nghị chàng vác tù và hàng tổng, Trần Bình Trọng vẫn luôn âm thầm bảo bọc và yêu thương nàng như thể nàng chính là một phần máu mủ của mình.

Quan tâm săn sóc là thế, chàng đương nhiên biết Đình Thư là phận con cầu tự [12], sinh ra sở hữu thiên phú khác thường nên từ lâu ngầm nuôi chí lớn tung hoành thiên hạ. Hiểu điều đấy nên chàng không ngại cho con bé theo học đủ loại kinh thư, võ nghệ; cũng dung túng để nó thỏa sức phá phách hết lần này đến lần khác. Ở cương vị của mình, Bảo Nghĩa hầu có thể chiều ý nàng nhiều chuyện, nhưng riêng chuyện xung quân thì không, chắc chắn không!

Trầm mặc giây lát, chàng quyết định chốt lại thế này:

"Ta không đồng ý đâu, con còn đòi nữa là ta đem con gả đi đấy."

Những tưởng Thư nghe vậy sẽ sợ, nào ngờ nàng như đã chờ câu này của chú từ lâu, chớp mắt nói ráo hoảnh: "Thế chú gả con cho anh Toản đi ạ, con về ở với anh Toản cũng được!"

Trong trí óc non nớt của nàng, cái sự "gả đi" đơn thuần là việc con trai đến đón con gái về nhà mình ở, giống như công chúa Thụy Bảo về nhà chú Trọng hồi mấy năm trước. Thư thì thích chơi với anh Toản lắm, vì những trò nghịch của hội các anh khiến nàng hứng thú hơn cả. Nếu về nhà anh, nàng không lo bị ai bắt phạt nếu có lỡ đùa vui quá trớn. Chưa kể, mai này anh ra biên ải, thể nào cũng sẽ đưa nàng theo cùng. Thư chỉ nghĩ tới vậy, nhưng lời nàng nói làm ông chú Trọng và Trần Quốc Toản được một phen choáng váng.

"Em... em bảo gì cơ Thư? Em muốn lấy anh thật á?" Quốc Toản mặt mũi nóng bừng, ấp a ấp úng mãi không ra một câu hoàn chỉnh. "Thế... thế khi nào... anh qua..."

"Qua gì mà qua! Ta có đồng ý gả cháu cho chú mày đâu?" Nghe chừng mọi thứ sắp đi hơi xa, Trần Bình Trọng ngắt ngang lời Toản, lảng nhanh sang chuyện khác. "Để hai đứa chúng bay lấy nhau rồi gây họa thì khéo ta phải tội với ông giời. Thôi, về nghỉ hết cho ta, trời tối như hũ nút mà còn đứng nói mãi."

"Chú khó tính quá, cái này không được, cái kia cũng không được." Nàng ca cẩm bằng cái giọng nhão nhoẹt hệt bà cụ non sau khi thuyết phục ông chú thất bại. "Hời ơi, anh hùng thiếu đất dụng võ thì khác gì anh hùng rơm đâu?"

Để ngăn Thư kì kèo dông dài, Bảo Nghĩa hầu một mực xua hai đứa trẻ về quán trọ, chấm dứt cuộc trò chuyện bằng sự im lặng và tảng lờ như thói quen. Hành động của chàng khiến Thư ngày càng nảy sinh thêm nhiều nghi vấn. Nhưng dù con bé có tò mò, tìm đủ mọi cách để đoán ý chú thì kết quả nhận về vẫn luôn là một dấu hỏi to đùng. Bây giờ và cả sau này, lý do ông chú cương quyết cấm nàng xung quân mãi mãi là bí ẩn mà Đình Thư chẳng thể tìm thấy câu trả lời ở bất cứ đâu. Bởi lẽ, người duy nhất biết sự thật sẽ mang nó đi theo mình tới tận giây phút cuối cùng.

Dẫn:

Tháng mười hai, năm Thiệu Bảo thứ sáu 1284 (Nguyên, Chí Nguyên năm thứ 21), giặc Thát xâm phạm lãnh thổ Đại Việt, cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần hai chính thức bắt đầu.

-

Chú thích:

8, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải

9, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư

10, Quận chúa Chiêu Hiến, con gái danh tướng Trần Bình Trọng, sau là Huy Tư hoàng phi - Chiêu Từ Hoàng thái hậu, bà là phi tần của vua Trần Anh Tông, mẹ của vua Trần Minh Tông

11, Trích "Binh Thư yếu lược" - Trần Quốc Tuấn

12, Con cầu tự: nghĩa là con cầu ở chùa, con cầu tự thường là những đứa trẻ được sinh ra từ cha mẹ hiếm muộn

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top