I, Thư
Tháng Mười, tiết trời đương độ thu phân. Từ mạn Đông Bắc, gió heo may chầm chậm thổi tới, xua bóng mây ngàn đổ xuống dòng Lục Đầu Giang [1]. Trên bến Bình Than [2], màu nắng của thu đã phai nhạt dần.
Đứng ngấp nghé gần bờ sông, Đình Thư hơi cúi người, tay cầm ngọn lau nhúng vào mặt nước đục ngầu, đôi mắt to tròn khẽ chớp. Được một lát, nàng nhấc tà váy, cất bước chạy lại chỗ cậu thiếu niên đang nằm vắt chân chữ ngũ trên bãi cỏ, cười phá lên:
"Triều rút rồi, anh Toản ơi!"
Nghe tiếng gọi, thiếu niên ấy chống tay đứng dậy, phóng tầm mắt ra xa. Khoảnh khắc trông thấy từng đợt sóng nước mênh mang kéo nhau về phía đường chân trời, đôi mắt cậu lập tức sáng rực, sáng còn hơn mặt trời ban trưa:
"Rút rồi, thế là chú sắp về đấy."
Rồi hai đứa nhấm nháy nhìn nhau cười, vẻ tinh quái hiện trên mặt chúng khiến mấy tay lính gác đằng sau sợ toát mồ hôi. Linh cảm có điềm chẳng lành, một gã lẩm nhẩm trong miệng:
"Đừng gây chuyện, xin đừng gây chuyện gì nữa..."
Thấy gã vậy, ba gã bên cạnh cũng khấn trời theo. Không phải ngẫu nhiên, bọn họ bị đích thân tướng quân cử ra đây trực bến. Lúc trước, ở thành Thăng Long, văn võ bá quan ai cũng từng vài lần bắt gặp cảnh công chúa Thụy Bảo tất tả chạy đi "lùa" hai đứa trẻ này. Chúng thường chơi chung với lũ trẻ được Hưng Đạo vương nhận nuôi - toàn nhân tài song đứa nào đứa nấy nghịch như quỷ!
Mấy gã không nhớ tên đứa con gái, nhưng thằng nhóc... à không, phải là vị Hoài Văn hầu tên Trần Quốc Toản kia vừa mới sáng nay suýt gây đại họa: giữa lúc bề trên luận bàn chính sự, chẳng hiểu cậu ta ăn gan hùm ở đâu mà dám liều mạng chạy đến xô xát với quân cấm vệ, sau lao ra mũi thuyền rồng đòi bệ kiến.
"Cho giặc mượn đường là mất nước, mong Quan gia minh xét!" [3]
Hình như, Toản đã nói vậy trước bậc cửu ngũ chí tôn. Hành động của cậu hết sức bốc đồng, lẽ thường phải bị trừng trị theo đúng phép nước. May mắn thay, Quan gia khi biết được tâm ý của Toản liền có lời ngợi khen, tha cho lần này [4]. Sau đó, dù không phủ nhận tài năng của Toản, nhưng trong mắt mọi người, bao gồm cả đám lính gác, Hoài Văn hầu vẫn còn quá nhỏ để can dự chuyện lớn.
"Phải chi cậu ta trầm tính được như Hoài Nhân vương thì hay rồi." Mấy gã lắc đầu ngao ngán, nghĩ đến tình cảnh trước mắt chỉ đành buông một tiếng thở dài. Ngày hôm nay, Quan gia cho vời đủ vương hầu tôn thất cùng trăm quan đến Lục Đầu Giang chính là để bàn kế sách đối phó với lũ giặc Nguyên. Lính canh phòng bọn họ theo xa giá về đây, ngoài việc hộ tống Quan gia còn giúp tăng cường thêm lực lượng vào hàng ngũ cấm quân bố trí dọc các bến thuyền, đảm bảo hội nghị trên sông diễn ra an toàn, bí mật tuyệt đối. Mấy gã ban đầu được phân gác ở vũng Trần Xá [5]. Sau vụ ẩu đả với Hoài Văn hầu, họ phải chuyển sang canh chừng cậu ta ở bến Bình Than, chán không để đâu cho hết.
Liếc thấy mấy tên lính gác mặt mày ủ ê, chốc chốc lại ngó qua phía mình, Đình Thư bật cười thúc eo Quốc Toản, kín đáo ra hiệu:
"Chà, giờ anh nổi tiếng quá! Đoán xem lát về chú có mắng chúng ta không?"
"Nếu có thì Thư cứ năn nỉ chú là được. Em giỏi nhất chuyện này mà?" Cậu chàng khịt mũi, biết tội mình to nhưng vẫn tự tin đáp lại.
Đình Thư bĩu môi: "Nhưng nay họp lớn, còn có cả Thượng hoàng đến dự. Nhỡ chú mà đánh thì em chạy trước nhé."
"Thế anh sẽ mách chú là em cũng..."
Không để Quốc Toản kịp nói hết câu, nàng Thư nhanh nhảu chen vào: "Ơ nào, anh Toản, ai lại như thế nhờ? Thôi em không chạy đâu, hứa nhá? Hứa là anh không mách nhá?"
"Em ngoan thì anh sẽ xem xét!"
Toản mỉm cười ranh mãnh, đưa tay xoa đầu nàng. Biết cậu nói đùa, Đình Thư phồng má, giọng phụng phịu ra chiều hờn dỗi: "Anh mách chú là chết cả đôi đấy, mình cùng phe mà!" Vế sau nàng nói rất khẽ, chỉ đủ để cậu nghe được.
Thực tế, trong phi vụ "đại náo" sáng nay, Trần Quốc Toản không đi một mình. Vì cần xuất phát sớm, cậu chọn lên chung thuyền cùng Hoài Nhân vương Trần Quốc Kiện. Khi đến nơi, cả hai tình cờ gặp Đình Thư - cháu gái nuôi của Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng, cũng là người em vô cùng thân thiết với Toản. Nàng theo chú đi dự họp, do không có phận sự nên quanh quẩn dạo chơi gần đó.
Đã nửa tháng không gặp, Quốc Toản cố ý nán lại với Thư một lát rồi mới vào trong. Tuy nhiên, lúc vừa đặt chân xuống bến, cậu chợt thấy Quốc Kiện đứng to tiếng với đám cấm quân. Hỏi ra mới biết, Kiện muốn đường đường chính chính vào dự, nhưng dù có nói thế nào, bọn họ vẫn một mực từ chối, còn bảo các cậu tuổi nhỏ chưa đủ tư cách.
"Nhỏ tuổi ư?" Cảm thấy bản thân bị coi thường, Quốc Toản bấy giờ lửa giận bừng bừng, tuốt gươm xẵng giọng. "Bọn ta mang tước vương hầu. Nay triều đình họp trăm quan bàn việc nước. Lẽ nào các ngươi lại muốn cản đường?"
Một cấm vệ quân bước lên chắp tay hành lễ. Hắn nhìn thẳng cậu, mặt lạnh tanh không chút biến sắc:
"Bẩm hầu gia, bẩm vương gia, xin các ngài thứ lỗi cho. Đây là ý của Quan gia, quân lệnh như sơn, chúng thần không thể làm khác!"
Đã nghe câu này đến mòn cả tai, Quốc Kiện phát nản vỗ vai cậu, nhỏ giọng can ngăn:
"Bỏ đi Toản, nói nhiều mệt hơi! Đợi Quan gia hồi kinh chúng ta sẽ diện kiến ngài."
"Như thế muộn mất." Toản bực bội thầm nghĩ. "Chẳng lẽ phải hạ hết bọn họ thì mới vào được?"
Nhắc chuyện đánh nhau, tuy võ thuật của cả hai rất khá, nhưng trông Quốc Kiện không có vẻ gì là muốn xung đột. Vốn lành tính, Kiện chỉ lẩm bẩm nói hỗn đôi câu rồi tức tối bỏ về trước. Thân cô thế cô, Quốc Toản ngó đám quân binh cầm theo khí giới, tự dưng thấy cũng... hơi khoai.
Mang mọi thứ kể lại với Đình Thư, nàng biết không thể dùng lời lẽ thuyết phục cấm quân, bèn nghĩ ra một kế. Hai đứa kiên nhẫn chờ sang giờ Ngọ, khi binh lính đã vãn và thuyền Quan gia trở về bến. Đợi phu lái neo thuyền xong, Đình Thư tháo giày trèo lên cây ngồi, không quên thả xung quanh mấy con sâu rau nhặt được hồi sáng. Rồi nàng bắt đầu khóc, khóc rất thê thảm. Vài binh lính nghe động vội chạy ra xem, sự chú ý dồn cả sang chỗ Đình Thư. Ngay lúc ấy, cậu lao vào đẩy đám cấm quân ngã nhào, thành công tiếp cận Quan gia.
Nói tóm lại, Đình Thư chính là "đồng phạm" tiếp tay cho Trần Quốc Toản.
"Này, kể ra cũng sợ Thư nhỉ?" Đang ngẩn ngơ, nghĩ thế nào, Toản bỗng kéo tay áo nàng, giọng hơi chùng xuống. "Nhỡ có ai thấy em rồi nói lại với chú..."
"Anh không mách thì chú không biết đâu." Đình Thư cười xòa, nháy mắt lém lỉnh. "Vả lại, em giúp anh một tay vì anh có lý do chính đáng! Chuyện tên Hữu thừa tướng Toa Đô đem năm mươi vạn quân, lấy cớ đánh Chiêm Thành để mượn đường nước ta đã truyền đi khắp Đại Việt. Sau bao lần gây hấn không thành, ý đồ xâm lược của chúng lộ liễu đến mức cỡ em còn nhìn ra được, anh sốt ruột muốn tập hợp binh sĩ là điều dễ hiểu thôi!"
Quốc Toản sững sờ nhìn cô bé trước mặt, lời của nàng khiến tâm tư cậu như nổi lên từng đợt sóng ngầm.
Đúng như Đình Thư nói, sau lần thất bại vào năm Nguyên Phong thứ bảy [6], quân thù vẫn luôn tìm đủ mọi cách để chèn ép nước Nam. Mới độ năm ngoái, vua nhà Nguyên đòi quan gia sang chầu. Thừa biết âm mưu của chúng, ngài vờ cáo bệnh, rồi cử chú mình là Trần Di Ái cùng Lê Tuân và Lê Mục đi thay. Nhưng giặc nào có ngồi yên chịu phép. Đầu năm nay, chúng lại rục rịch đưa quân sang, tính lập gã Trần Di Ái đã bị mua chuộc làm thiên tử, cố tình gây sức ép buộc Quan gia thần phục. Trước động thái ngông cuồng ấy, triều đình kiên quyết không nhún nhường, cho người qua tận nơi chặn đánh và thành công phá vỡ thế trận của chúng. Kể từ đó, mối quan hệ giữa đôi bên chính thức lao dốc, không cách nào vãn hồi.
Và sớm mai đây thôi, khi vó ngựa Nguyên - Mông tràn tới, chiến tranh sẽ lại nổ ra, muôn dân bách tính lại rơi vào đau khổ lầm than. Nghĩ đến cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, cậu thật sự không thể chờ đợi thêm nữa. Với nhiều người, họ cho rằng việc cậu làm hôm nay đơn thuần chỉ là phút bồng bột, nông nổi tuổi trẻ. Nhưng sâu trong thâm tâm, cậu luôn mong Quan gia sẽ hiểu cho lòng mình. Ở tuổi mười lăm, khát vọng lớn nhất của Trần Quốc Toản là được cùng ba quân tướng sĩ đứng lên bảo vệ non sông đất nước.
"Mấy chục năm rồi, lũ giặc kia có khi nào từ bỏ tham vọng thôn tính nước ta đâu." Thở hắt ra một hơi, cậu nhắm mắt, ngả lưng xuống bãi cỏ xanh rì. "Cái giống sói đói phương Bắc đấy, đã bị đánh cho tan tác thế mà vẫn còn nhiễu nhương."
"Sói gì chứ, chúng chỉ ngang với đỉa thôi!" Đình Thư phe phẩy cọng lau trên tay, không nhanh không chậm sửa lời cậu. "Mà đã là đỉa, cứ phải cho tí vôi nó mới chịu được."
"Ha, em nói hay lắm! Vậy anh sẽ về gom đủ cả vôi lẫn muối, đợi ngày đổ vào cho chúng biết mặt." Quốc Toản ôm bụng cười sặc, cười đến nỗi hai vành tai đỏ ửng lên. Trước giờ vẫn vậy, Đình Thư này ít tuổi hơn cậu mà khẩu khí lúc nào cũng như giấu dao bên trong. Thật không uổng công Bảo Nghĩa hầu năm xưa lặn lội đường xa, tìm đến tận nơi nhờ cậy giáo thụ Lê Tần để thầy dạy chữ cho nàng. Bảy tuổi theo chú về Thăng Long, Phạm Đình Thư đã bộc lộ những tư chất xuất chúng khiến ai nấy kinh ngạc. Lắm khi, chính bản thân Toản cũng quên mất, nàng Thư năm nay chỉ mới... mười một tuổi.
"Phải rồi, có cái này anh chưa hỏi em." Sực nhớ chuyện quan trọng, cậu liền quay sang Đình Thư, ánh mắt đầy nghi hoặc. "Rốt cuộc, em làm cách nào mà chú lại đồng ý cho đi cùng thế?"
Để tránh tai mắt của bọn nội gián, sẵn tiện khảo sát địa hình phục vụ cuộc chiến, Quan gia đã quyết định tổ chức hội nghị ngay tại Lục Đầu Giang thay vì ở Thăng Long hay hành cung Tức Mặc - Thiên Trường. Khu vực này nằm cách xa kinh thành, có vị trí đặc biệt giữ vai trò như một mắt xích quan trọng đối với chiến sự sắp tới. Là tướng thống lĩnh đạo quân tinh nhuệ nhất thuộc Thánh Dực Dũng Nghĩa [7], Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng nay không chỉ đến dự họp mà còn kiêm luôn nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ Quan gia. Lúc (lao) vào diện kiến, Quốc Toản có thấy chú mang kiếm đứng hầu phía sau ngài, bèn lấy làm lạ. Vì lẽ, ông chú Trọng đây tuy dễ tính nhưng đặt nặng quân tình. Thường những khi bận việc như thế, chú sẽ không để Đình Thư chạy theo quấy rối mình.
Nghe Toản thắc mắc, khóe môi Thư vô thức cong lên thành một nụ cười mơ hồ. Nàng toan đáp lời cậu, nhưng cùng lúc đó, một chiếc thuyền lớn từ xa lặng lẽ tiến lại, thu hút ánh nhìn của hai đứa trẻ. Dưới bóng hoàng hôn, lá cờ phướn cắm gần cột buồm thêu độc một chữ "Trọng" bay phấp phới giữa ráng chiều đỏ rực. Không giấu nổi sự phấn khích, Thư khẽ reo:
"Chú Trọng về kìa!"
Nàng vội kéo tay Toản chạy ra phía bụi lau. Hai đứa ngồi thụp xuống, mắt chăm chú dõi theo chiếc thuyền khi nó cập bến.
-
Chú thích:
1, Lục Đầu Giang: Sông Lục Đầu hay Lục Đầu Giang là một đoạn sông bao gồm 6 con sông, mang tên sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình gặp nhau tạo thành.
2, Bến Bình Than: bến Bình Than thuộc hữu ngạn sông Lục Đầu, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Hiện còn nhiều nghi vấn về địa điểm diễn ra Hội nghị Bình Than nên tác giả phóng tác dựa theo giả thuyết hội nghị được tổ chức trên sông, gần khu vực vũng Trần Xá.
3, Phỏng theo câu nói trong đoạn trích "Bóp nát quả cam" - Nguyễn Huy Tưởng
4, Phỏng theo đoạn trích "Bóp nát quả cam" - Nguyễn Huy Tưởng
5, Một địa điểm liên quan đến Hội nghị Bình Than
6, Năm Nguyên Phong thứ bảy chỉ năm 12587, Trần Bình Trọng chỉ huy một phần của đạo quân này
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top