Tại sao tôi khôn ngoan như thế (Warum ich so weise bin)

I. 

Niềm vĩnh phúc của đời sống tôi, tính cách độc nhất của đời sống ấy, có lẽ là ở nơi sinh phận của nó: diễn tả theo thể điệu một ẩn ngữ huyền bí thì tôi vốn đã chết rồi, giống như cha tôi đã chết, nhưng đồng lúc giống như mẹ tôi thì tôi vẫn còn đang sống và đang già. Căn cội phát xuất kia vừa là bắt nguồn từ nấc thang cao nhất và thấp nhất của đời sống, nghĩa là đồng lúc tôi vừa là một kẻ suy vận vừa là một cái gì nguyên khởi bắt đầu (décadent zugleich und Anfang), chính điều này hơn hết giải thích tính chất trung lập của đời sống tôi, sự tự do thoát khỏi mọi lập trường thiên chấp, thoát khỏi phe phái bè nhóm trong tư thế đối mặt với vấn đề trọn vẹn của đời sống, có lẽ chính điều ấy đã biệt phân thế đứng của tôi trong đời sống. Tôi có được một thứ cảm giác bén nhạy biết đánh hơi, biết ngửi ra những dấu hiệu về việc cất cánh bay cao và việc suy đồi rơi rụng (die Zeichen von Aufgang und Niedergang) hơn bất cứ người nào đi trước tôi, tôi mới đúng là bậc đạo sư thượng đẳng về việc này – tôi biết rõ cả hai, tôi vốn là cả hai. 

Cha tôi chết đi từ lúc ba mươi sáu tuổi: ông cụ vốn mảnh khảnh, mong manh, nhân từ phúc hậu, và lại bệnh hoạn, như một người sinh ra để chết đi – ông cụ có vẻ một cái gì lưu niệm hiền hậu của đời sống hơn là chính đời sống thực thụ. Cũng vào năm mà đời sống ông cụ rơi rụng mà đời sống của tôi cũng rơi rụng theo: vào năm ba mươi sáu tuổi tôi tuột xuống nơi điểm thấp nhất của sinh lực tôi – tôi vẫn còn sống, nhưng thế mà vẫn không đủ sức để nhìn quá ba bước trước mặt. Thế rồi - dạo đó là năm 1879 – tôi từ chức giáo sư đại học trường đại học Basel, nghỉ hè tại vùng St. Moritz, sống như một bóng ma, rồi mùa đông kế tiếp, một mùa nghèo ánh nắng nhất trong suốt đời tôi, ở tại Naumburg, tôi sống hoàn toàn đúng là một bóng ma không hồn. Tôi đã rơi thấp tận đáy: quyển Kẻ lang thang với bóng mình (Der Wanderer und sein Schatten) xuất phát từ trạng huống ấy. Điều không thể chối cãi được là lúc bấy giờ tôi đã biết quá rõ thế nào là những bóng ma, bóng tối chờn vờn. 

 Mùa đông sau đó, mùa đầu tiên trong đời tôi tại Genoa, một sự dịu ngọt nào đó và một cuộc chuyển di tâm linh nào đó đi đôi không rời với cơn bần cùng tàn tạ của máu và thớ thịt, chính những thứ trùng ngẫu ấy đã khai tạo ra quyển Triều dương (Morgenröte). Ánh sáng rạo rực tận mỹ và niềm hân hoan phơi phới, cả sức sống tràn lan ào ạt của tâm thức, đã phản hiện trong tác phẩm này, điều ấy trong trường hợp tôi lại thuận ứng, chẳng những với cơn yếu đuối nặng nề nhất về mặt cơ thể mà thuận ứng với cả cơn đau nhói đi quá mức độ. Giữa chứng bệnh nhức óc giày vò liên miên suốt ba ngày liền, tiếp theo đó là cơn mửa mật ngầy ngật, tôi vẫn giữ được sự sáng suốt cao độ của một kẻ lý luận biện chứng, vẫn suy tưởng lạnh lùng thấu xuyên qua những vấn đề mà trong những hoàn cảnh khoẻ mạnh hơn tôi vẫn không có đủ tinh thần bén nhạy, tế nhị, lạnh lùng của kẻ leo núi. Những người đọc tôi có lẽ biết rằng tôi coi biện chứng pháp như là dấu hiệu của sự sa đọa xuống dốc là thế nào; chẳng hạn như trường hợp nổi tiếng nhất, đó là trường hợp của Socrate. 

Tất cả những trạng thái giày vò bệnh hoạn của tri thức, ngay cả trạng thái nửa mê nửa tỉnh ngật ngừ sau cơn sốt thực sự cho đến nay tôi không biết gì về những trạng thái bệnh hoạn ấy cả, thường khi tôi phải khảo cứu, nghiên cứu sách vở để tìm hiểu, khám ra bản chất và bệnh chứng thường xuyên của chúng. Máu của tôi chảy rất chậm. Không ai có thể khám phá ra bất cứ cơn sốt nào trong tôi. Một y sĩ khám bệnh tôi trong một thời gian để xem coi tôi có bệnh thần kinh không, sau cùng phải thốt lên: "Không phải thần kinh ông bệnh, mà chính tôi mới bệnh thần kinh đây". Hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ tôi mắc phải cơn bại họai cục bộ; tôi cũng không mắc bệnh tạng khí nào ở bao tử, dù bộ máy dạ dày tôi có yếu mệt đến đâu đi nữa thì có thể đó chỉ là hậu quả của việc làm việc quá độ thôi. Mắt tôi quá yếu, đôi lúc gần như mù, thực ra đó chỉ là hậu quả, chứ không phải nguyên do: mỗi khi sinh khí tôi được tăng trưởng lên thì thị quan tôi lại cũng được tăng cường lên. 

Bao nhiêu năm lâu dài, chuỗi năm kéo dài lê thê cũng có nghĩa là cả thời gian lấy lại sức cho tôi; đồng thời thực là bất hạnh, cả thời gian ấy cũng có nghĩa là thụt lùi, sa sút, bại họai, cơn tuần hoàn của một loại suy đồi nào đó. Nói như thế để rồi có cần thấy rằng tôi quả là có kinh nghiệm thực sự trong những vấn đề có liên hệ đến tính chất suy đồi, xuống dốc. Tôi có thể đánh vần đủ mọi thiên hình vạn trạng của chứng suy đồi, sa đoạ, xuống dốc, đánh vần lui, đánh vần ngược. Ngay cả cái ngón nghệ thuật "đậu chỉ vàng" trong việc lãnh hội, thông hiểu mọi sự một cách chung trọn, những ngón tay thần tình rờ rẫm những vẻ tinh vi sắc sảo (jene Finger für nuances), cái tâm lý đâm thấu tim đen "vào những cạnh khoé" và bất cứ sắc thái nào khác biểu thị đặc tính của tôi, tôi đều học được vào giai đoạn xuống dốc ấy, đó là quà tặng thực sự của những ngày ấy, những ngày mà mọi sự đều trở nên tinh tế xảo diệu nhiều thêm lên, cả thế lực quan sát cũng như cả những quan năng quan sát đều tinh tường vi diệu thêm lên. Đứng nhìn từ thế đứng của kẻ bệnh hoạn ngó về những ý niệm và những giá trị lành mạnh khoẻ khoắn, rồi ngược lại đứng nhìn lại từ sức sống tràn trề tự tin của một đời sống phong phú tràn lan để phóng cái nhìn xoáy sâu vào động tác bí ẩn của bản năng xuống dốc, sa đọa - về việc này quả thực tôi là kẻ được huấn luyện lâu dài nhất, đó là kinh nghiệm trung thực nhất của tôi, nếu tôi có làm thầy thiên hạ thì đó chính là điều tôi lão luyện hơn cả. Giờ đây tôi đã tinh nghề, đã đạt tới nghệ thuật đạp đổ, quay lộn đầu lại mọi trục viễn thị (Perspektiven umzustellen). Đó là nền tảng duyên do đầu tiên (erster Grund) cắt nghĩa tại sao có lẽ chỉ có tôi mới có thể làm nổi việc "lật ngược lại những giá trị" (Umwertung der Werte). 

II. 

Ngoài cái việc tôi là một kẻ xuống dốc, tôi lại cũng là kẻ lên dốc. Bằng chứng của việc này là bản năng tôi vẫn luôn luôn chọn lựa những phương tiện thích ứng để trị những tâm thái chán chường khắc khoải của tôi, còn hạng người xuống dốc thì vẫn chọn lựa những phương sách có hại cho họ thôi. Chung chung trên hết mọi sự (summa summarum) tiên thiên tôi vốn mạnh khoẻ lành mạnh; dù đứng về mặt cạnh khoé đặc biệt thì tôi là kẻ xuống dốc. Cái tinh lực hăm hở chọn lựa sự cô đơn tuyệt đối, từ bỏ đời sống thói quen thông thường, việc cứng đầu bướng bỉnh không chịu để cho người ta săn sóc tôi, hầu hạ tôi, chiều chuộng chăm lo tôi - điều ấy biểu lộ một sự an vững tuyệt đối tận nơi bản năng về những gì tôi cần cho tôi trong giai đoạn xuống dốc ấy. Tự tay tôi lo lấy sức khoẻ tôi, tôi tự làm mình bình phục mạnh khoẻ lại: điều kiện khả dĩ làm được như thế - tất nhiên mọi nhà sinh lý học phải chịu công nhận đồng ý – là mình phải lành mạnh ngay tận bản chất, tận nền tảng (dass man im Grunde gesund ist). Hạng người bệnh hoạn thì không thể nào trở nên lành mạnh được, chứ nói chi đến việc tự trị bệnh cho lành. Đối với hạng người thực sự lành mạnh, ngược lại dù có bệnh đi nữa, thì đó chẳng qua là kích thích tố mãnh liệt hơn nữa để yêu đời, để sống tràn lan say sưa hơn nữa (ein energisches Stimulan zum Leben, zum Mehrleben sein). Đó là điều thực sự mà giai đoạn bệnh hoạn lâu dài ấy đã mở ra cho tôi một đời sống mới lạ hẳn, cả bản thân tôi cũng thay đổi mới nữa; tôi đã nếm được cả mùi vị những sự tuyệt vời bé nhỏ mà những kẻ khác khó ngửi nếm được như vậy, - tôi đã biến đổi ý chí sống khỏe, vui sống của tôi trở thành một nền triết lý (Ich mache aus meinem Willen zur Gesundheit, zum Leben, meine Philosophie…) 

 Có một điều đáng ghi nhớ: chính trong những năm trời sinh khi tôi bị trồi thấp nhất là lúc tôi không còn là kẻ bi quan nữa; cái bản năng tự tồn nội thủ (Sebst – Wiederherstellung) của tôi đã cấm đoán không cho tôi sống một thứ triết lý nghèo nàn chán nản. Điều gì căn bản nhất đã xui ta nhận ra một kẻ đạt thành công thiện? (Die Wohlgeratenheit!) Kẻ đạt thành công thiện là người làm phấn khởi những cảm năng của chúng ta, hẳn là được tạo từ gỗ cứng, tế nhị, đồng thời toả hương ngào ngạt. Hắn chỉ có khẩu vị đối với những gì tốt đẹp cho hắn: cơn khoái cảm của hắn, sự mê lạc của hắn chấm dứt mỗi khi những gì tốt đẹp cho hắn đã bị tràn lên quá độ lượng thích ứng. Hắn có thể mò ra đâu là phương thuốc để trị lại những gì có hại cho hắn; hắn biến đổi mọi cơ sự trắc trở thành ra điều lợi cho hắn, những gì không giết được hắn thì làm hắn mạnh sức thêm lên (Was ihn nicht umbringt, macht ihn stärker). 

Nghe theo bản năng, hắn thu gặt tất cả những gì hắn nhìn, nghe, sống, biến tất cả thành một tập đại thành của riêng hắn (seine Summe): hắn là một thứ nguyên lý tuyển lựa, hắn vứt bỏ rất nhiều sự việc rườm rà nhảm nhí. Hắn luôn luôn vẫn tự làm bạn với riêng hắn, dù hắn có lân la chi nữa với những quyển sách, những con người hoặc những phong cảnh; hắn vinh thăng mọi sự qua việc chọn lựa, qua việc chấp thuận, qua việc tin cậy. Hắn phản ứng rất chậm rãi đối với mọi loại kích thích tố, sự chậm rãi mà hắn đã được nuôi dưỡng qua sự thận độc lâu dài và lòng kiêu hãnh cố ý: hắn xem xét sự kích thích đang trờ tới đối mặt hắn, không đối mặt lừng khừng nửa vời với sự kích thích ấy. 

Hắn không tin vào "vận xui điều rủi" và cũng chẳng tin vào "tội lỗi phạm giới" hắn biết cách thành việc tới nơi tới chốn với chính hắn, với những kẻ khác; hắn biết cách quên, quên hết - hắn thừa đủ sức mạnh làm thế, vì thế mọi sự đều bị bắt buộc phải trở thành "hương trời lộc nước" cho đời hắn (Er glaubt weder an "Unglück" noch an "Schuld": er wird fertig, mit sich, mit anderen, er weiss zu vergessen, er ist stark genug dass ihm alles zum Besten gereichen muss). Nhất định tôi phải là kẻ đối nghịch lại hạng người sa đọa xuống dốc vì tôi vừa mới vẽ cho thấy chân dung của chính tôi. 

III. 

Chuỗi kinh nghiệm nhị biên ấy, việc thấu đạt những cõi thế giới dường như tách biệt ấy đã được lặp lại trong bản tính tôi trong mọi dạng thái: tôi là cặp bài trùng của chính tôi (Doppelgänger) tôi có cái "diện mục thứ hai" cộng thêm vào cái thứ nhất. Và có lẽ có cả cái thứ ba nữa. 

Ngay cả nguồn gốc sinh thành của tôi cũng ban cho tôi được cái nhìn vượt qua lên trên tất cả những gì có tính cách cục bộ, có tính cách giới hạn quốc gia: làm một "người châu Âu hảo hạng", thực sự chẳng khó gì đối với tôi. Trái lại, có lẽ tôi lại có đặc tính làm người Đức hơn những người Đức hiện nay, những kẻ chỉ biết làm công dân Đức của cái Đế quốc Đức này – tôi, một con người Đức cuối cùng chống đối chính trị. Thế nhưng tổ tiên tôi lại là những nhà quí tộc Ba Lan: tôi thừa hưởng được nhiều bản năng chủng tộc trong cơ thể tôi do sự phát nguồn ấy – ai biết được? Có lẽ tôi thừa hưởng cả quyền phủ nhận vô hạn chế (liberum veto) 

Mỗi khi tôi du lịch giang hồ, tôi thường để ý nhiều khi thiên hạ tưởng tôi là một người Ba Lan, ngay cả những người Ba Lan chính cống cũng nói chuyện tôi như nói với một người đồng tịch họ. Ít khi người ta coi tôi như người Đức, có lẽ dạng thái bên ngoài của tôi chỉ lún phún đôi chút võ vẽ Đức quốc. 

Thế nhưng mẹ tôi, Franziska Ochler, lại rất là Đức; cũng y hệt như bà nội tôi, Erdmuthe Krause. Bà sống cả thời son trẻ ở giữa vùng Weimar cổ kính xinh đẹp, thường lui tới trong vòng thân hữu của Goethe. Anh của bà, giáo sư thần học Krause tại đại học Königsberg, được mời đến Weimar để làm quan tổng giám sau khi Herder chết. Chắc mẹ bà, bà cố nội tôi, đã được chàng trai trẻ Goethe nhắc đến trong tập nhật ký với tên là Muthgen. Bà kết hôn lần thứ hai với ông tổng giám ở Eilenburg, tên là Nietzsche; và trong năm chiến tranh 1813, ngày Napoléon tiến vào Eilenburg với toàn bộ tổng tham mưu của ông ta, vào ngày 10 tháng 10 thì bà lại sinh hạ. 

Vì vốn dòng máu Saxon cho nên bà rất sùng bái Napoléon, ngay cả tôi cho đến bây giờ cũng thừa hưởng sự tôn sùng ấy. Cha tôi ra đời năm 1813 và mất năm 1849. Trước khi nhận chức mục sư xứ đạo Röcken không xa Lützen, cha tôi đã sống đôi ba năm trong lâu đài Altenburg và dạy bốn công chúa ở đó. Học trò của cha tôi bây giờ trở thành hoàng hậu Hannover, đại công phi Constantin, đại công phi dòng Altenburg, và công chúa Therese von Sachsen – Altenburg, và cha tôi rất kính thờ vua Phổ Friedrich Wilhelm đệ tứ, chính nhờ vị vua ấy mà ông được địa vị mục sư; những biến cố 1848 đã làm ông đau đớn khôn xiết. Còn chính tôi, tôi ra đời vào sinh nhật của vị vua trên, vào ngày 15 tháng 10, do đó, tôi lại mang tên đầu là Friedrich Wilhelm dựa theo dòng Hohenzollern. Ít nhất cũng có một điều lợi cho việc chọn ngày sinh này: sinh nhật của tôi cũng là một ngày lễ suốt thời thơ trẻ tôi. 

Có được một người cha như thế, tôi coi đó như là một ân huệ đầu tiên. Dường như điều này cũng cắt nghĩa bất cứ đặc ân nào mà tôi thọ hưởng được - chỉ trừ ra đời sống, cái việc chấp nhận vĩ đại của tôi đối với đời sống (das grosse Ja zum Leben). Trước hết, tôi được thọ hưởng đặc ân là tôi khỏi phải quyết định gì cả mà chỉ cần chờ đợi đúng thời trúng tiết thì có thể len vào một thế giới gồm đầy những sự việc cao cả tế nhị mà không phải cần cố ý chủ tâm: tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái ở đấy, những nhiệt tình thầm kín của tôi chỉ trở thành tự do thư thái ở đó. Không phải là trả giá không xứng, cái việc tôi gần như đánh đổi đời mình để hưởng đặc ân ấy. 

Muốn hiểu được bất cứ cái gì trong quyển Zarathustra của tôi thì có lẽ cần phải được ở trong những điều kiện giống như tôi, nghĩa là một bước đạp lên trên đời sống (mit einem Fuße jenseits des Lebens…) 

  
IV. 

Tôi không bao giờ hiểu được cái ngón xui khiến cho người ta có ác cảm với tôi – cũng chính điều này tôi đã thừa hưởng từ người cha vô song của tôi – ngay cả lúc dường như điều ấy cao giá đối với tôi – Ngay cả chính tôi, tôi cũng không xui cho tôi tự chống lại mình, dù việc này có vẻ phi-Ki-tô-giáo. Người ta có thể tráo qua, tráo lại cuộc đời tôi và rất hiếm thấy những dấu vết, họa hoằn lắm chỉ thấy một tì vết duy nhất khiến kẻ khác có ác cảm đối với tôi – nhưng trái lại có lẽ qua nhiều dấu vết thiện chí lân mẫn. 

Ngay đến những kinh nghiệm của tôi đối với hạng người mà mọi người đều có kinh nghiệm không tốt, đều chứng tỏ thuận lợi cho họ và không ngoại trừ gì cả: Tôi có thể làm con gấu trở nên thuần; ngay đến thằng hề diễn trò, tôi cũng có thể khiến cho hắn xử sự cho đàng hoàng. Trong bảy năm trời tôi dạy tiếng Hy Lạp trong lớp cao đẳng tại Basel, tôi không bao giờ có dịp phạt rầy đứa học trò nào cả; ngay cả đứa lười biếng nhất cũng chịu học hành cần mẫn. Tôi vẫn luôn luôn với lên được ngang tầm mức với những sự kiện bất ngờ xảy đến; xuất kỳ bất ý, tôi vẫn làm chủ được bản thân mà không cần phải chuẩn bị (Dem Zufall bin ich immer gewachsen; ich muss unvorbereitet sein, um meiner Herr zu sein). 

Dù là dụng cụ nào đi nữa, dù nhạc cụ có lạc giọng sai điệu đi nữa, giống như chỉ có nhạc cụ "con người" là sai điệu lạc giọng đến thế. Tôi phải chịu đau chịu bệnh khi mà tôi không làm cho nó phát ra được một âm điệu nào đáng nghe hơn. Biết bao nhiêu lần chính những "nhạc cụ" ấy đã kể cho tôi nghe rằng chúng chưa bao giờ được tự nghe phát ra âm điệu như thế. 

Cũng như trường hợp hay ho nhất như Heinrich von Stein, chính chàng đã kể cho tôi nghe, chàng ấy chết quá sớm, cái chết yểu quá yểu không thể nào tha thứ được. Một lần nọ chàng đó nhã nhặn lễ độ xin phép đến đây, rồi xuất hiện ba ngày liền ở vùng Sils Maria, giải thích với mọi người rằng chàng không phải đến đây để nhìn ngắm rặng núi Engadine. Chàng trai thượng đẳng này, người đã sa chân trong đầm lầy của Wagner (và cả trong đầm lầy của Dürring) với tất cả mộc mạc nồng nhiệt của hạng quí tộc nước Phổ, trong vòng ba ngày, chàng đã sống, đã hành động như một kẻ được chuyển hoá nhờ một cơn bão của sự tự do, giống như một kẻ bất thần được đưa lên chót vót tận tầm vóc cao lớn của mình và được mọc cánh. Tôi luôn luôn nói với chàng trai trẻ ấy rằng sở dĩ chàng được như thế là nhờ không khí cao ráo ở vùng này, mọi người đều được như thế ở đây, ở trên sáu ngàn thước Anh cao hơn Bayreuth không phải là không có ý nghĩa – nhưng chàng vẫn không chịu tin tôi. 

Thế dù nếu có những thứ ô danh ô nhục nhỏ lớn nào đã qui tập vào tôi thì "ý tính" (der Wille) không thể chịu qui trách được về việc ấy, nhất là không thể đổ lỗi cho mảy may ác ý nào cả: họa hoằn tôi có phàn nàn chăng thì chỉ phàn nàn về điều trái ngược lại – tôi đã gợi ý rồi – về thiện ý quá trớn, cái thiện ý đã tác hại không ít trong đời tôi. Bao nhiêu kinh nghiệm của tôi đã cho phép tôi có đủ uy tín để ngờ vực hoàn toàn về những xung động gọi là "vô vị kỷ", về mọi thứ "tình thương đối với hạng người cận mình", cái thứ tình cảm luôn luôn sẵn sàng khuyên răn, cứu giúp, "dấn thân". 

Đối với tôi điều ấy vẫn luôn luôn là một sự việc không có khả năng chống chế lại sự khích động: lòng thương hại (Mitleiden) chỉ được coi là một đức tính, đức hạnh (Tugend) đối với hạng người sa đọa xuống dốc (das Mitleiden heisst nur bei décadents eine Tugend). Tôi phiền trách những kẻ nào đầy lòng thương hại, vì họ dễ đánh mất cảm thức về sự hổ thẹn (tính liêm sỉ), sự kính trọng, sự bén nhạy về những khoảng cách (das Zartgefühl vor Distanzen); trước khi mình ý thức được sự việc thì trong lòng thương hại đã bắt đầu bốc mùi tiện dân khó ngửi, và thực sự khó mà phân biệt với thái độ thiếu tư cách, thô lỗ, lắm lúc chính trong những trường hợp ấy, những bàn tay thương hại có thể xông xáo chen phá một cách tai hại vào trong một tính mệnh vĩ đại, trong nỗi cô đơn lớn dần của những vết thương, trong đặc quyền phạm tội to lớn (dass mitleidige Haende unter Umstaenden geradezu zerstoererish in ein grosses Schicksal, in eine Vereinsamung unter Wunden, in eine Vorrecht auf schwere Schuld hineingreifen können). 

Việc chiến thắng lòng thương hại (Die Überwindung des Mitleids) tôi vẫn sắp vào loại đức tính cao thượng quí phái (die vornehmen Tugenden): như trường hợp nói về "Nỗi cám dỗ đối với Zarathustra", tôi đã bày ra một hoàn cảnh mà tiếng kêu la thống thiết đã vang động đến tai Zarathustra, tiếng kêu la thống khổ ấy đánh dậy lòng thương hại chàng, lòng thương hại ấy tấn công chàng như một tội lỗi cuối cùng, xui khiến và kéo lôi chàng tách rời ra khỏi chính chàng (ihn von sich abspenstig machen will). Vẫn làm chủ được mình trong những cơ sự như thế, vẫn giữ gìn sự cao cả của sứ mạng mình cho được trong sạch, không để cho vấy bùn trước bao nhiêu cơn xung động thấp hèn mù quáng tác động qua những hành vi gọi là "vô vị kỷ", đó mới chính là sự thử thách, có lẽ là sự thử thách tối cao mà một người như Zarathustra phải chịu trải qua - chứng cớ thực sự tỏ bày sức mạnh của chàng (Hier Herr bleiben, hier die Höhe seiner Aufgabe rein halten von den viel niedrigeren und kurzsichtigeren Antrieben, welche in den sogenannten selbstlosen Handlungen tätig sind, das ist die Probe, die letzte Probe vielleicht, die ein Zarathustra abzulegen hat - sein eigentlicher Beweis von Kraft…) 

V. 

Có một điển khác mà tôi lại cũng hoàn toàn giống cha tôi thêm một lần nữa, nghĩa là tôi tiếp tục sống cuộc đời kéo dài thêm lên sau cái chết yểu của ông. Giống như bất cứ kẻ nào chưa bao giờ được sống giữa loài người đồng hạng đồng đẳng với mình và nhận thấy rằng ý tưởng "trả thù" cũng như ý tưởng "bình quyền" đều xa lạ với mình, tôi tự cấm chế không cho mình trả đũa, trả miếng, tự phòng, ngay cả những trường hợp mà sự tự vệ, sự "biện minh" là hợp lý mà tôi cũng tự cấm chế, những trường hợp mà người ta phạm ít nhiều xuẩn động ngu dại đối với tôi. Cách trả đũa của tôi là nhanh chóng trả lại một sự ngu xuẩn của thiên hạ bằng một cái thông minh của mình: đó là cách duy nhất tiếp ứng kịp thời. Nói theo lối ẩn dụ gợi ảnh thì tôi gửi một lọ mứt ngọt cho kẻ thù để giải tan uất hận cay đắng. 

Người ta chỉ cần đối xử vi tiện với tôi thì tôi "trả lại" ngay - nhất định chắc chắn là tôi tìm dịp để tỏ ơn đối với "kẻ ti tiện" (đôi khi cả đối với ác nghiệp của hắn) hoặc là van hỏi cầu xin hắn một điều gì đó, việc này lại có thể khiến mình chịu lép hơn là việc ban cho trao tặng một cái gì đó (oder ihn um etwas zu bitten, was verbindlicher sein kann als etwas geben…) 

Đối với tôi dường như lời lẽ thô bạo nhất, thư từ thô lỗ nhất vẫn còn dễ chịu hơn là câm lặng, ngậm miệng. Những kẻ nào ngậm miệng thì gần như vẫn luôn luôn thiếu tế nhị và lễ độ tâm hồn. Sự ngậm miệng câm lời là cãi bác, phản đối; chỉ vì biết có việc nuốt vào bụng thôi cho nên tính tình trở nên cay đắng chanh chua khó chịu - việc ấy rất có hại cho bao tử. Tất cả những kẻ câm hơi lặng tiếng đều mắc bịnh khó tiêu. 

Đấy các ngài thấy rằng tôi không muốn sự xấc xược thô lỗ bị đánh giá quá thấp (ich möchte die Grobheit nicht unterschätzt wissen): đó chính là hình thức đầy nhân đạo nhất của sự mâu thuẫn mà giữa thời yếu đuối "đàn bà sướt mướt" này (inmitten der modernen Verzärtelung) thì sự xấc xược thô lỗ là một trong những đức tính tối thượng của chúng ta. 

Nếu mình đủ giàu sang tâm hồn để làm một việc như thế thì dù có làm bậy làm quấy thì cũng là điều may điều hên nữa (Wenn man reich genug dazu ist, ist es sebst ein Glück, unrecht zu haben). Một bậc thần linh có xuống trần thì chỉ nên làm điều gở điều bậy: không rước sự hành phạt nào vào mình mà chỉ cưu mang sự phạm tội, đó mới là thần linh thiêng liêng đúng nghĩa (Ein Gott, der auf die Erde kämme, dürfte gar nichts andres tun als Unrecht – nicht die Strafe, sondern die Schuld auf sich zu nehmen wäre erst göttlich). 

VI. 

Giải thoát khỏi lòng di oán phẫn hận, giác ngộ về lòng di oán phẫn hận (die Freiheit vom Ressentiment, die Aufklärung über das Ressentiment) ngay cả phương diện này, có ai hiểu rằng tôi đã mang nợ chịu ơn rất nhiều vào cơn đau bệnh kéo dài của tôi! Vấn đề này thực ra không giản dị: mình phải có kinh nghiệm về nó ngay trong lúc mình mạnh khoẻ và cả ngay lúc mình yếu đuối bạc nhược. Sở dĩ có gì đáng đem ra chống đối lại việc bệnh hoạn yếu đuối bạc nhược là vì bản năng trị liệu thực thụ của mình, bản năng vũ lực đấu kháng của mình bị hao mòn liệt bại (das ist der Wehr- und Waffen-Instinkt im Menschen mürbe wird). Mình không còn vứt bỏ gì được đi cả, mình không còn bình phục được gì nữa cả, mình không còn cự tuyệt gì được nữa - Tất cả mọi sự đều làm tổn thương mình. Bao nhiêu người và vật đều thúc ép ma sát; bao nhiêu kinh nghiệm đập vào mình quá sâu đậm; trí nhớ trở thành một vết thương mưng mủ. Chính cơn đau bệnh là một loại di oán phẫn hận. 

Để chống đối lại mọi sự ấy, kẻ đau bệnh chỉ còn có một phương thuốc lớn: tôi gọi phương thuốc ấy là tinh thần qui thuận vận mệnh theo kiểu dân Nga (russischen Fatalismus), thứ tinh thần không còn biết nổi loạn, như trường hợp một người lính Nga, khi cảm thấy việc đánh trận quá sức chịu đựng, liền đành nằm vùi mình trong tuyết phủ. Không còn chấp nhận gì được nữa cả, không còn nhận lấy gì nữa cả, không còn thu hút gì nữa cả - chấm dứt hoàn toàn mọi phản ứng. 

Tinh thần qui thuận số mệnh này không phải luôn luôn chỉ là lòng can đảm dám chết, tinh thần ấy cũng bảo tồn sự sống dưới những điều kiện gian nan nhất bằng cách tiết giảm cơ độ chuyển biến trong cơ thể, làm nó hoạt động chậm lại giống như ý chí tê liệt muốn trú ẩn qua tiết đông lạnh. Xô đẩy lý luận này thêm đôi bước nữa thì chúng ta thấy tinh thần của lão pháp thuật fakir Ấn Độ nằm ngủ cả tuần lễ trong mồ mả. 

Nếu mình có phản ứng chi thì mình chỉ phải làm hao tổn bản thân mau chóng thôi, cho nên mình không còn phản ứng gì nữa cả: mình lý luận như thế. Không có gì thiêu đốt mình nhanh chóng cho bằng những tác động của lòng di oán phẫn hận. 

Sự căm giận, tính mẫn cảm bệnh hoạn, sự bất lực trong việc ham muốn trả thù, khao khát trả đũa, bao nhiêu cay cú tẩm độc, không có loại phản ứng nào tác hại hơn đối với hạng người kiệt lực bại liệt: những tác động đại loại như thế làm tiêu hao nhanh chóng tinh lực thần kinh hệ, gây thêm sự bài tiết tai hại - chẳng hạn như nước mật nhiễm vào bao tử. Lòng phẫn hận di oán mới là điều tối kỵ đối với hạng người bệnh hoạn, đó là điều khốc hại đặc thù của hạng người bệnh hoạn, nhưng quả là vô phúc hơn nữa đó lại là xu hướng tự nhiên nhất của hạng người ấy. 

Đức Phật, nhà sinh học sâu thẳm, đã liễu ngộ hết mọi sự ấy. "Tôn giáo" của ngài đáng lẽ phải được gọi là một loại "vệ sinh pháp" để cho người ta đừng lầm lẫn với những hiện tượng đáng thương hại như Ki tô giáo: sự công hiệu của Phật pháp được thể hiện trong việc chiến thắng lòng phẫn hận di oán (Das Begriff jener tiefe Physiologie Buddha. Seine "Religion" die man besser als eine Hygiene bezeichnen duerfte, um sie nicht mit so erbarmungswürdigen Dingen wie das Christentum ist, zu vermischen, machte ihre Wirkung abhängig von Sieg über das Ressentiment). 

Giải thoát tâm hồn khỏi sự di oán phẫn hận là bước đầu hướng về sự lành bệnh. "Không phải sự oán thù cừu địch được chấm dứt bằng sự oán thù cừu địch; sự oán thù cừu địch chỉ được chấm dứt bằng tình thương huynh đệ": những lời này phát ra ngay sự chuyển pháp luân của đức Phật (die Seele davon frei machen – erster Schritt zur Genesung. "Nicht durch Feindschaft kommt Feindschaft zu Ende": das steht am Anfang der Lehre Buddhas). Đây không phải luận lý học đang lên tiếng nói. 

Thoát thai từ sự yếu đuối bạc nhược, lòng di oán phẫn hận là điều tác hại nhất đối với chính hạng người yếu đuối. Trái lại, đặt vào trường hợp của một người có bản chất phong phú thì đó chỉ là một cảm giác thừa thãi; khi mình làm chủ được, áp phục được cảm giác này thì đó chính là điều chứng tỏ được sự phong phú giàu sang của tâm hồn mình. Kẻ nào hiểu được mức độ trang trọng nghiêm chỉnh mà triết lý của tôi đã từng tiếp tục việc phản kháng chiến đấu chống lại sự trả thù và lòng oán hận, ngay cả sự chiến đấu đi vào ngay trong lòng lý thuyết của "ý chí tự do" - sự chiến đấu chống lại Ki tô giáo chỉ là một trường hợp đặc biệt của việc chiến đấu rộng lớn này – thì sẽ hiểu được lý do tại sao tôi lại làm nổi bật lên thái độ xử thế của riêng tôi, tính cách vững vàng của bản năng tôi trong hành động thực tiễn. 

Trong thời gian bị sa đọa xuống dốc, tôi đã tự cấm chế không để những cảm giác di oán tác hại mình; rồi vừa khi sinh lực tôi được phục hồi lại giàu sang tràn trề thì tôi cũng đủ kiêu hãnh để tự cấm chế không cho mình bị rơi vào những cảm giác được coi như ở dưới thấp, quá thấp dưới mình. Trong thời gian ấy, tôi đã dàn trải cái "tinh thần qui thuận vận mệnh theo kiểu Nga" kia bằng cách bám víu trong bao nhiêu năm dài, bám riết bấu chặt bướng bỉnh vào những hoàn cảnh những nơi chốn, những gian phòng, việc họp mặt, tất cả những thứ gần như không thể chịu đựng nổi ấy, chỉ vì chúng xảy đến cho tôi một cách bất ngờ: vậy mà như thế thì còn hơn cảm thấy rằng chúng có thể thay đổi khác đi – còn hơn là nổi loạn chống đối lại chúng. 

Bất cứ những cố gắng nào quấy rầy tôi trong giai đoạn qui thuận vận mệnh ấy, để cưỡng bức đánh thức tôi dậy, đều làm tôi bực bội khó chịu chết đi được – và thực ra lúc nào sự việc ấy cũng đều là nguy hiểm đến tính mệnh tôi. 

Tự chấp nhận mình như vận mệnh đun đẩy, không hề muốn mình đổi "khác" đi trong những trường hợp như thế thì đó mới chính là đại trí (sich selbst wie ein Fatum nehmen, nicht sich "anders" wollen, das ist in solchen Zuständen die grosse Vernunft selbst). 

  
VII. 

Chiến tranh lại là một sự việc nữa. Tôi vốn hiếu chiến ngay từ bản chất. Tấn công mọi sự vốn là một trong những bản năng của tôi. Có khả năng làm một kẻ thù, là một kẻ thù của mọi người, điều này đòi hỏi trước tiên mình phải có một bản chất mãnh liệt: trong bất cứ trường hợp nào điều này vẫn là thuộc hữu của tất cả mọi bản chất mãnh liệt, tư chất mạnh bạo này cần phải có những đối tượng để đối kháng; vì thế nó cứ tìm kiếm phanh phui cho ra điều đối kháng: cảm thức nồng nhiệt hiếu chiến là thuộc hữu tất nhiên của sức mạnh giống như sự trả thù oán hận là thuộc hữu của sự yếu đuối. Chẳng hạn như đàn bà vốn hay có tính trả thù: điều này xuất phát từ sự yếu đuối của họ, giống như tinh khí dễ xúc động của họ đối với sự thống khổ của những kẻ khác. 

Sức mạnh của kẻ tấn công có thể được lấy tiêu chuẩn từ sự chống đối mà họ đòi hỏi: mọi sự trưởng thành đều được biểu lộ tỏ bày trong việc tìm kiếm một đối thủ hùng mạnh hoặc một vấn đề mãnh liệt, vì đối với mọi triết gia hiếu chiến thì hẳn thách thức những vấn đề để đánh một trận giao tranh tay đôi. Bổn phận không phải là chỉ thắng được, làm chủ được những gì đối kháng mình, mà những gì đòi hỏi mình phải liều lĩnh biểu dương tất cả những sức mạnh, tất cả sự uyển chuyển và tài chiến đấu của chúng ta - để giao tranh với những đối thủ đồng hạng với mình. 

Đồng hạng với kẻ thù: đó là điều kiện đầu tiên của một cuộc đọ kiếm tay đôi có tính cách liêm sỉ trung chính. Nơi nào mình cảm thấy khinh bỉ địch thủ thì mình không thể khai chiến được; nơi nào mình thống trị, đứng ở thế hơn người thì mình không làm cái việc khai chiến được. 

Sự đánh trận của tôi, "chiến dụng" của tôi có thể đúc lại trong bốn mệnh đề. 

Thứ nhất: tôi chỉ tấn công những phe nào thắng thế, tôi sẵn sàng chờ đợi cho đến khi nào phe ấy trở nên thắng thế. 

Thứ hai: tôi chỉ tấn công những phe nào mà tôi không thể tìm được đồng minh với mình để mà tôi đứng đơn độc, đứng một mình trong trận chiến - để mà tôi chỉ tự chịu luỵ thôi – tôi không bao giờ dấn bước công khai nào mà lại không can hệ tới bản thân tôi thôi: đó là tiêu chuẩn của tôi để đánh giá chính nghiệp của mình. 

Thứ ba: tôi không bao giờ tấn công cá nhân; tôi chỉ tự cho phép mình hành sự khi nào tôi coi cá nhân ấy như một thứ kính hiển vi khả dĩ giúp cho mình thấy được một nguy cơ rộng lớn tràn lan trơn trượt, khó nhận. Vì thế tôi đã tấn công David Strauss, đúng hơn: tấn công sự thành công của một quyển sách già nua suy nhược đối với giới "văn hoá tri thức" ở Đức: tôi đã bắt được quả tang cái thứ văn hoá tri thức ấy. Vì thế tôi đã tấn công Wagner, đúng hơn: tấn công sự hư nguỵ, giả dối, bản năng ngợm ngợp của nền "văn hoá" chúng ta, lầm lẫn sự tế nhị với sự phú quý, sự quá thời với sự vĩ đại. 

Thứ tư: tôi chỉ tấn công những gì mà không dính dáng tới cuộc đời tranh luận cá nhân, không liên hệ gì tới hậu cảnh của những kinh nghiệm bỉ ổi. Ngược lại, trong trường hợp tôi, sự tấn công là chứng cớ của thiện chí, đôi khi của cả sự tạ ơn nữa (Im Gegenteil, angreifen ist bei mir ein Beweis des Wohlwollens, unter Umständen der Dankbarkeit). Tôi làm vinh hạnh, tôi làm nổi bật mọi sự bằng cách gắn liền tên của tôi với tên của một phe phái hoặc một cá nhân nào đó: chống đối hay cổ vũ – tôi không bận tâm đến điểm này. Khi tôi khai chiến với Ky tô giáo thì tôi đủ điều kiện để làm thế vì tôi không bao giờ phải chịu những kinh nghiệm đau thương chua xót do Ki tô giáo gây ra – những kẻ theo đạo Gia Tô nghiêm chỉnh nhất đều vẫn đối xử đẹp lòng với tôi. Chính tôi, kẻ thù quyết liệt nhất của Ki tô giáo, không hề thống trách đổ tội vào những cá nhân vì cái tai họa hàng ngàn kiếp ấy. 

VIII. 

Tôi có nên mạo muội phác họa thêm một nét cuối cùng của bản tính tôi, cái dị tính đã tạo nhiều khó khăn cho tôi khi giao tiếp với những người khác? Cái bản năng ưa thích sự sạch sẽ của tôi có đặc tính là vô cùng nhạy cảm, nhạy cảm một cách dị thường đến nỗi tôi có thể trực nhận về mặt sinh lý, ngửi ra ngay gần sát bên hoặc – tôi nói gì? – ngửi ra ngay những gì sâu kín, "lòng dạ gan ruột" của mọi tâm hồn. 

Tính nhạy cảm dị biệt này đã cung cấp cho tôi những dây "ăng ten" tâm lý mà nhờ thế tôi có thể cảm nhận tóm lấy mọi điều bí ẩn: bùn lầy dơ bẩn ẩn giấu tận nơi đáy lòng của bao nhiêu tâm tính – mà có lẽ đó là kết quả của máu xấu, nhưng được sự giáo dục sơn phết lộng lẫy lên trên – ý thức của tôi đã tóm lấy bùn lấy dơ bẩn ấy ngay vừa lúc sơ ngộ. Nếu việc quan sát của tôi không lường gạt tôi thì những tâm tính xúc chạm đến cả cảm thức sạch sẽ của tôi cũng phải cảm thấy bên phía họ rằng tôi còn giữ lại sự khinh tởm nào đối với họ - và điều này tất nhiên không làm cho họ có được mùi vị nào hơn lên. 

Như thói quen thường lệ - sự trong sạch thuần khiết với tôi là điều kiện tiền lập của cuộc sống tôi (eine extreme Lauterkeit gegen mich ist meine Daseins Voraussetzung), tôi chết mất dưới những điều kiện hoàn cảnh không sạch – tôi vẫn thường bơi lội, tắm, vầy nước, đắm nhào trong nước, hoặc trong nguyên tố thuần khiết rạng rỡ nào đó. Do đó, sự giao tiếp của tôi đối với người đời vẫn tác động không ít đến lòng kiên nhẫn của tôi: lòng nhân của tôi không phải là ở nơi việc đồng cảm với thể cách của bản chất con người mà lại là chịu đựng cảm thức của tôi đối với họ (meine Humanität besteht nicht darin, mitzufühlen, wie der Mensch ist, sondern es auszuhallen, dass ich ihn mitfühle…) 

Lòng nhân từ của tôi là một sự tự chiến thắng thường hằng (Mein Humanität ist eine beständige Selbstüberwindung). 

Nhưng tôi cần sự cô đơn – nghĩa là, phục hồi sức lực, trở về với bản thân, hơi thở của không khí tươi mát, nhẹ nhàng, phóng khoáng, nô đùa (Aber ich habe Einsamkeit nötig, will sagen, Genesung, Rückehr zu mir, den Atem einer freien leichten spielenden Luft…) 

Trọn vẹn tác phẩm Zarathustra của tôi là một bài ca chúc tụng sự cô đơn hay, nếu người ta hiểu tôi hơn, đó là bài tán ca về sự sạch sẽ - chứ không phải về sự ngu dại thuần tuý – Nôn mửa chán ngán về loài người, về loại "hạ dân", điều này vẫn là mối hiểm nguy lớn nhất của tôi (Der Ekel am Menschen, am "Gesindel" war immer meine grösste Gefahr…) Các ngài có muốn nghe lời nói của Zarathustra về việc giải thoát khỏi việc nôn mửa chán tởm? (Von der Erlösung vom Ekel). 

"Những gì đã xảy đến cho ta? Làm thế nào ta có thể tự giải thoát khỏi sự nôn mửa chán ngán ghê tởm? (wie erlöste ich mich vom Ekel) Ai hồi xuân lại cái nhìn của ta? Làm thế nào ta bay lên được vùng non cao tuyệt đỉnh mà không có loại hạ dân nào còn ngồi bên giếng nước? Có phải chính sự nôn mửa chán ngán của ta đã tạo ra đôi cánh bay cho ta và những thần lực tiên tri suối nước? Thực thế, ta phải cất cánh tung bay lên tuyệt đỉnh cao ngất mới tìm lại được suối nguồn khoái cảm. 

 Ồ, ta đã tìm được rồi, hỡi anh em của ta ơi! Nơi đây, nơi vùng tuyệt cao ngất đỉnh, suối nguồn khoái cảm chảy lại cho ta! Và đây là cuộc sống mà loại hạ dân không còn đến uống bên cạnh ta! Hỡi suối nguồn khoái cảm, mi chảy cho ta tuôn trào ào ạt quá. Và thường khi mi đổ hết ly tách ra để rồi muốn rót lại cho đầy. Và ta vẫn phải còn học cách đi đến mi một cách khiêm tốn hơn: tim ta vẫn hãy còn muốn nhảy táo tợn mãnh liệt đến mi – tim ta mà mùa hạ của ta đốt cháy trên đó, ngắn, nóng, buồn, mê ngất đi: ôi sao trái tim mùa hạ của ta thèm khát sự tươi mát của mi (mein Herz, auf dem mein Sommer brennt, der kurze, heisse, schwermütige, überselige: wie verlangt mein Sommerherz nach deiner Kühle!) 

Đã qua rồi nỗi thê thảm lưỡng lự của mùa xuân ta! (Vorbei die zögernde Trübsal meines Frühlings!) Đã qua rồi những bông tuyết của tháng Sáu âm hiểm. Ta đã trở thành mùa hạ hoàn toàn, trở thành buổi trưa mùa hạ! (Sommer wurde ich ganz und Sommer-Mittag). 
Một mùa hạ trên những vùng đỉnh cao ngây ngất với những giếng nước lạnh và tiềm ẩn im lặng mê ly: ồ, hỡi bằng hữu của ta, hãy đến, hãy đến để cho niềm im lặng có thể trở thành mê ly hơn nữa! (ein Sommer im Höchsten mit kalten Quellen und seliger Stille: O kommt, meine Freunde, dass die Stille noch seliger werde?) 

Và đây mới là đỉnh cao của chúng ta và quê hương của chúng ta (Denn dies ist unsre Höhe und unsre Heimat): nơi đây chúng ta sống quá cao, cao quá và dốc đứng quá hiểm trở, vượt ra ngoài tầm với của họ, của hạng người dơ bẩn và sự thèm khát của họ. Hỡi bằng hữu của ta, hãy ném cái nhìn trong sạch của các ngươi vào trong lòng giếng khoái cảm! Làm thế nào có thể làm nước vẩn đục được? Giếng nước sẽ cười dội ngược lại các người với tất cả ánh ngời trong trẻo thuần khiết của nó (Entgegenlachen soll er euch mit seiner Reinheit) 

Trên ngọn cây kia, Tương Lai, chúng ta xây tổ ấm (Auf dem Baume Zukunft bauen wir unser Nest); và trong nỗi cô đơn của chúng ta, những con ó sẽ đem thức ăn đến ta từ ngay mỏ của chúng! (Adler sollen uns Einsamen Spelse bringen in ihren Schnäbeln!) Thực thế, những kẻ dơ bẩn không thể chia sẻ thức ăn lấy được: họ sẽ nghĩ rằng họ nuốt lửa và miệng họ sẽ bị đốt cháy! 

Thực thế, chúng ta không dành nơi trú ẩn ở đây cho hạng người dơ bẩn: cơn khoái lạc của chúng ta sẽ là động tuyết lạnh phủ lấp thân thể và thần trí họ. 

Và chúng ta muốn sống đè trên họ như những cơn gió mạnh, chúng ta làm kẻ hàng xóm với những con ó, xóm giềng với tuyết lạnh, láng giềng với mặt trời: những cơn gió mạnh đều sống như thế (Und wie starke Winde wollen wir über ihnen leben, Nachbarn den Adlern, Nachbarn dem Schnee, Nachbarn der Sonne: also leben starke Winde). Và giống như một cơn gió lốc, ta lại muốn thổi quét họ một ngày nào đó, và với thần hồn của ta, ta sẽ càn quét mất hơi thở của thần trí họ: tương lai của ta muốn thế (und einem Winde gleich will ich einst noch zwischen sie blasen und mit meinem Geiste ihrem Geiste den Atem nehmen: so will es meine Zukunft). 

 Thật thế, Zarathustra đúng là một cơn gió lốc đối với tất cả kẻ nào thấp hèn đê tiện và ta xin khuyên răn tất cả những kẻ thù của Zarathustra, tất cả những kẻ nào muốn khạc nhổ: Hãy coi chừng, đừng bao giờ khạc nhổ ngược lại gió lốc! (Wahrlich, ein starker Wind ist Zarathustra allen Niederungen: und solchen Rat rät er seinen Feinden und allem, was spuckt und speit: hütet euch, gegen den Wind zu speien!) 

[1]Nguyên tác đáng ghi nhớ: Jede Errungenschaft jede Schritt vorwaerts in der Erkenntnis folgt aus dem Mut, aus der Härte gegen sich, ans der Sauberkeit gegen sich…
[2]Nitimur in vetitum, câu này Nietzsche trích từ Amores, III, 4, 17, của Ovid có nghĩa “chúng ta ngóng vọng đến những điều kiêng cấm” (C.T.D.G.)
 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #philosophy