từ "chuyển mã" đến sinh viên ngành ngôn ngữ

bài đăng mang tính nhảm xịt và hướng nghiệp

Gần đây có một làn sóng tranh cãi (đúng hơn là ném đá) Giang Coco vì việc dùng lẫn lộn tiếng Anh và tiếng Việt trên mạng xã hội. Nhân đây cũng muốn lảm nhảm một chút về ngôn ngữ và những điều mọi người hay nhầm lẫn.

Đầu tiên quan điểm của mình là việc chèn, chêm tiếng nước ngoài là một hiện tượng tự nhiên với các bạn biết trên một ngôn ngữ, tiếp xúc và sử dụng ngoại ngữ thường xuyên, có thể tạm gọi là "chuyển mã" ngôn ngữ. Hiện tượng này cực kì phổ biến trong cộng đồng du học sinh và những người làm việc với người nước ngoài trong khuôn khổ giao tiếp đời thường và mạng xã hội. Đây cũng là một phương pháp mà nhiều người dùng để ghi nhớ từ vựng. Phải nhấn mạnh đây là hành vi vô thức. Lí do là nôm na là do phản xạ, hoặc có thể do việc tìm ra từ tương đương ở ngôn ngữ mẹ đẻ mất nhiều thời gian gây cản trở cho quá trình giao tiếp, từ tương đương chưa có...  Xưa nay có rất nhiều ý kiến trái chiều quanh hành vi này, nhiều người coi đó là "mất gốc", "sính ngoại", "thích thể hiện"... Với mình, trong phạm vi nhất định, hiện tượng này là chấp nhận được, đặc biệt trong xã hội hiện nay, nó tồn tại ở nhiều quốc gia. Phạm vi đó là mạng xã hội, trò chuyện với bạn bè, người có khả năng hiểu về ngôn ngữ đó, những tình huống kém trang trọng nói chung. Tất nhiên việc sử dụng có chừng mực tiếng nước ngoài cũng thể hiện sự tôn trọng người nghe nên trong những tình huống có đối tượng giao tiếp đa dạng hơn và trang trọng hơn, việc này nên bị hạn chế đến mức tối thiểu, tránh gây khó chịu (tương tự cách sử dụng biệt ngữ xã hội và biểu tượng cảm xúc hay ngôn ngữ teen). Và với những từ cơ bản, việc dùng thuần tiếng mẹ đẻ cũng thể hiện ý thức và sự tinh tế của người nói. Xét cho cùng, bạn có thể tự do chọn cách nói, miễn sao đừng biến ngôn ngữ từ phương tiện giao tiếp thành chướng ngại giao tiếp.

Từ việc này lại nhìn đến cách đánh giá về khiếu ngôn ngữ. Một người giỏi tiếng Anh, thường xuyên chêm tiếng Anh vào câu chuyện mình không gay gắt như xưa nhưng cũng không ngưỡng mộ như xưa nữa. Mình gọi đó là một người tiếng Anh giỏi. Một người giỏi tiếng Anh nhưng gần như hoàn toàn nói chuyện thuần Việt mình gọi đó là một người giỏi ngôn ngữ. Như đã nói ở trên thì việc "chuyển mã" là phản xạ tự nhiên của não bộ, để biết nhiều ngôn ngữ mà não vẫn đủ "minh mẫn" để "chuyển chế độ" trơn tru  và làm chủ những gì mình nói ra là điều cực kì khó. Vì thế, rèn luyện ngôn ngữ là rèn luyện sự dẻo dai cho trí tuệ. Vì thế một người giỏi tiếng Anh chưa chắc đã có thể đi làm phiên dịch. Để "đánh đu" được giữa nhiều ngôn ngữ, giỏi ngoại ngữ không phải mấu chốt, mấu chốt là thành thục cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng nước ngoài và một cái khiếu nhất định. Bạn có thể nói tiếng Anh như gió, xem phim không cần phụ đề nhưng để chuyển tiếng Anh bạn nghe được thành tiếng Việt chuẩn chỉnh trơn tru lại là một câu chuyện khác.

Lòng vòng rồi lại đến học ngôn ngữ. Học ngôn ngữ để làm gì? Mỗi kì thi đến là lại có cực kì nhiều học sinh kiểu: Em có nên theo học ngành Ngôn ngữ ABC không? Em không biết học gì nên em vào trường ngoại ngữ... Câu trả lời cho mọi thắc mắc là: Nếu em không có đam mê đặc biệt thì đừng theo ngành ngôn ngữ mà hãy học ngành khác và ôn luyện thi chứng chỉ. Học ngôn ngữ nó xa hơn cái kì thi IELTS hay TOPIK, HSK nhiều, nó là sống trong ngôn ngữ đó, trong xã hội đã tạo ra ngôn ngữ đó. Học ngôn ngữ để tranh Toán, Lý, Hóa gì đấy? Có thể nhưng nhớ điều này, đã theo đuổi ngành này thì việc bạn biết nhiều thứ sẽ không bao giờ là thừa. Nói là ban Xã hội đấy nhưng nếu muốn dịch muốn cuốn sách về khoa học, y tế, kinh tế hay toán học thì bạn cũng phải đạt đến mức nhập môn những lĩnh vực đó rồi. Vì thế, lười tìm hiểu, đừng chọn con đường này.

Ừ, vậy mình chả học là được chứ gì. Nhưng cái ngành này cũng thú vị lắm nè. Cái cảm giác mình được học những điều mới, cảm giác khai quật tiếng mẹ đẻ của mình đến tầng sâu nhất, cảm giác thực sự "hiểu người", cảm giác mình có một "bộ não thứ hai" chính là món quà mà mình tin xứng đáng cho mọi khó khăn ấy. Vì ngôn ngữ là sản phẩm của xã hội, và cũng chính nó định hình tư duy. Nên hiểu nó, mình tin là một bước lại gần "con người". Và chính nhờ nó, ta càng trân trọng hơn từng câu, từng chữ mình sẽ nói ra, trân trọng văn hóa, trân trọng quê hương.











Vâng và dù rất tâm huyết với ngành học của mình nhưng văn vẻ của mình có vấn đề thực sự. :) Nhưng nghe cao siêu thế thôi học ngôn ngữ vui cực, thề :( ai cần động lực học cứ nói chuyện với mình :((((((((

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top