tinh thần thể thao

lảm nhảm nhân ngày nhớ lại trận chung kết nữ Mỹ  mở rộng năm ngoái và ti tỉ thứ khác

thể thao và âm nhạc là hai thứ rất đặc biệt. nó có khả năng kết nối con người vượt qua mọi rào cản của diễn đạt ngôn ngữ, địa lí hay sắc tộc. và cả 2 đều là nơi những cảm xúc chân thật nhất của con người lên tiếng. âm nhạc, qua độ rung của âm thanh, sẽ truyền tải độ rung của trái tim. 

còn thể thao thì sao? tại sao một thứ nghe qua tưởng như thiên về sức mạnh lại có thể làm điều đó? có lẽ vì thể thao cũng chính là hình ảnh phản chiếu của cuộc đời. 

thể thao, gốc là thể lực nhưng tinh túy lại là chiến lược và chiến thuật. những gì diễn ra trên sân, trong một mùa giải đôi khi chính là những bài học sinh tồn của cuộc sống. đó là dùng điểm mạnh của mình để bù lại điểm yếu, biết mình biết ta. đó là sức mạnh của tập thể, là sức mạnh của tinh thần thể thao.

nói đi nói lại, tinh thần thể thao là giá trị lớn nhất mà người ta coi trọng. nếu nói thể thao là cuộc sống, vậy tinh thần thể thao chính là cái đẹp mà người ta hằng theo đuổi. đó có thể là chữ chơi đẹp - fair play, khi người thể hiện mình tôn trọng thứ mình theo đuổi, tôn trọng đối thủ và tôn trọng người xem. 

vậy đẹp lại là gì? có thể là lối chơi kĩ thuật hay hoa mĩ quyến rũ người ta vẫn ngây ngất. lại có thể là cách hành xử lịch thiệp và trung thực trên sân đấu. cái đẹp ấy còn xuất phát từ tình đồng đội, lòng yêu nước và sự cộng hưởng của nhiều yếu tố ngoài chuyên môn. cái đẹp đó cũng là sự không hoàn hảo - là lòng quả cảm, là nỗ lực vượt lên bản thân và những giới hạn, là máu, mồ hôi và nước mắt. tất cả những điều đó đều tạo nên tinh thần thể thao.

thể thao là cuộc sống. mà cuộc sống có bao giờ thập toàn? có đẹp thì có xấu. giống như giờ người ta bắt đầu thực dụng hơn, có tính toán hơn, và đôi khi sẵn sàng hi sinh cái đẹp để đổi lấy một kết quả tốt. điều đó là không tránh khỏi, miễn là những thứ đó chỉ ở giới hạn. bởi khi để những đều nhỏ nhặt kia lấn lướt giá trị cốt lõi của thể thao thì bạn đã đánh mất mình.

trong trận chung kết ấy, Serena và Osaka đứng trên sân. Serena là một huyền thoại. Osaka là một ngôi sao mới đầy hứa hẹn. người yêu thể thao, yêu quần vợt nói chung và người hâm mộ Serena nói riêng, họ đã xứng đáng được xem một trận đấu đẹp hơn thế. Serena không sai khi nói đến sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ trên sân bóng. nhưng Serena đã sai hoàn toàn khi thi đấu một trận xấu xí, khi cô đã cố tình thua, tự bỏ cuộc, từ chối chơi một trận thực sự. Serena đã hoàn toàn đánh rơi tinh thần thể thao trong trận đấu ấy - cô lựa chọn dùng nó để chống đối quyết định của trọng tài - nhưng đồng thời cũng lựa chọn bỏ qua khán giả và coi thường nỗ lực của Osaka. Osaka xứng đáng vô địch, nhưng đồng thời cũng xứng đáng được tôn trọng hơn - thật buồn vì kì tích của cô lại bị những xấu xí che khuất. khán giả cũng xứng đáng nhiều hơn thế - và họ có quyền thất vọng.

thể thao là cuộc đời. phải chăng cuộc đời đang dần đánh mất những vẻ đẹp của nó, khiến cho thậm chí thể thao cũng trở nên kém đẹp hơn? doping, bán độ, tiểu xảo, bạo lực. đã đến lúc người ta nghiền ngẫm lại lí do thể thao tồn tại. người ta đi xem thể thao để làm gì? tôi tin, người ta đi xem một trận đấu, chứ không phải xem một trận thắng. người ta xem đội mình thích làm như thế nào chứ không phải xem những con số hoàn toàn thấy được trên bản tin. người ta vẫn sẽ mỉm cười nếu người mình cổ vũ để thua trước một người xứng đáng hơn khi đã làm hết sức mình. và rồi lại tin mình sẽ phục thù. vì họ tin rằng tinh thần thể thao có thể phá vỡ mọi lời nguyền, thay đổi mọi số phận và quy luật mạnh được yếu thua. chính vì thế mà thể thao còn tồn tại. chính là vì người ta còn tin vào cái đẹp. vì thế, chừng nào con người còn tin, chừng nào tinh thần ấy còn tồn tại, thì thể thao sẽ không chết.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top