tạm biệt chuồng lợn
hay chút ghi chép lan man về những tháng ngày của 2 năm đầu đại học
Lại một năm học nữa sắp đến rồi. Năm nay, hệ CLC Biên phiên dịch "tinh hoa" chính thức biến mất, thay vào đó là CLC TT23, mở đại trà. Lứa K51 bọn mình, lứa "con lợn con" Biên phiên thứ 2 lại cũng là lứa "lợn" áp chót, cũng chẳng mấy chốc lại "xuất chuồng". Là một trong vỏn vẹn dưới 100 người may mắn nhất được gắn bó với CLC Biên phiên, là giả dối nếu mình không mang chút kiêu hãnh nào. Nhiều là đằng khác. Không hãnh diện sao được khi mình đã vượt qua một kì thi "đãi cát" sau khi vào trường, được học những thầy cô tuyệt vời nhất của FELTE, được thụ hưởng chương trình học được khu vực công nhận và là chương trình đại học hiếm hoi có một triết lí giáo dục thống nhất ở Việt Nam. Nhưng mà đó là chuyện của mãi sau này.
Ban đầu lí do mình thi vào CLC là gì? Vì CLC có vẻ toàn người giỏi. Vì CLC có điều hoà. Vì CLC được học ở C2 khoa Pháp, vị trí khiến người ta thấy đặc biệt, vị trí không phải leo cầu thang... Đấy là bạn mình nói thế, còn mình thi CLC để xem trình độ mình đến đâu. Chấm hết.
Và như mong đợi, bài thi CLC làm mình tuyệt vọng cùng cực về khả năng của mình với một bài nghe chả làm được mấy, một bài luận viết chả đâu vào đâu vì chả viết bao giờ, một phần thi phiên dịch mini mà mình nhận ra dù khi bắt đầu dịch tiếng Anh cũng là lúc những chi tiết bằng tiếng Việt mình nhớ bay hết. Có chăng mình nhận ra rằng IQ của mình không đến nỗi tệ, dù sao nó ăn đứt phần thi năng lực tiếng của mình. Ra khỏi phòng thi, mình nhẹ nhõm đến lạ, chắc vì nhận ra mình ếch ngồi đáy giếng đến đâu. Trong rất nhiều người bật khóc hoặc đang than thở gì đó với bạn bè hay bố mẹ vì làm bài không như ý. Mình bắt xe về với một ý nghĩ an phận phấn đấu ở hệ thường.
Cả một tuần sau đó mình cực kì tích cực làm thân với các bạn lớp đầu tiên của mình. Quả nhiên với những người nhiều trình độ thế này vẫn dễ sống hơn, mình đã nghĩ. Mình chắc về việc thi trượt đến mức không đợi kết quả thi đã khuân 10 cuốn giáo trình 300 nghìn về. Đến ngày có kết quả, nếu không có đứa bạn nhờ kiểm tra hộ, có lẽ đến xem mình cũng sẽ không xem. Và lúc thấy bạn mình trượt còn mình đỗ, tuyệt nhiên cảm giác của mình là: Toi rồi. Mất toi 300 nghìn và mấy đứa bạn mới. Càng toi đời hơn khi chắc lớp mới toàn thứ dữ.
Và buổi học đầu tiên đã chứng minh rẳng cảm giác của mình là đúng. Bước vào lớp mới, đập vào mắt mình đầu tiên là cuốn vở chuyên Lê Hồng Phong trên bàn và những con người xa lạ. Sĩ số chỉ có 20 thì đã mười mấy là dân chuyên, thi đội tuyển hoặc trường điểm của tỉnh. Và nhân vật bước vào sau đó cũng không kém phần long trọng: thầy trưởng khoa nổi danh. Sau phút đầu hãnh diện vì thầy nói những ai ngồi đây đều là chính tay thầy lựa chọn, mình nhận ra cơn ác mộng bắt đầu. Giờ đó, cả lớp chia nhóm thuyết trình, và với một đứa hoàn toàn không có khái niệm thuyết trình tiếng Anh như mình, nghe các bạn nói như gió là một nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi đó tiếp diễn khi môn Nghe rồi môn Viết, thực sự ở phổ thông mình chẳng học tới. Môn mình năng nổ nhất là Đọc. Chấm hết. Hết tuần đó, trong đầu mình chỉ có một suy nghĩ: đây là một sự nhầm lẫn.
Và cả kì sau đó, mình đã thực sự vật lộn để tồn tại được. Trên 3 lần mình đã nghĩ đến chuyện xin ra. Sự kém cỏi của bản thân làm mình stress đến mất ngủ. Nhưng cũng chỉ có 2 tuần để suy nghĩ vớ vẩn, deadline bắt đầu dồn dập. Mình lúc nào cũng phải kè kè đeo tai nghe hòng bắt kịp thiên hạ, vừa ngồi nghĩ cách làm sao hoàn thành deadline bằng một phần mười bạn bè. Lần đầu tiên mình phải tự thu âm, đọc đi đọc lại đến khàn cả giọng, tự quay hình, tự chỉnh âm thanh, tự làm video từ a đến z. Sản phẩm đầu tiên rồi thứ 2, điểm mình so ra cũng chẳng bằng ai. Nhưng khi thầy trưởng khoa kể ra từng điểm tốt, điểm tiến bộ của mình, từ cách nhạc khớp với hình ra sao, phát âm đã tốt lên thế nào, lần đầu tiên mình thấy hoá ra mình có thể làm được nhiều đến thế. Cả kì cố gắng theo kịp những gì các bạn đã học hết ở môn viết, điểm của mình cũng chẳng khá khẩm hơn. Duy chỉ có một lần làm bài tập được điểm cao nhất lớp, mình nhận ra hoá ra mình có chỗ hơn người đấy chứ.
Kì đầu tiên nhớ lại, nó thê thảm đến nỗi có lẽ cả kì đó ngoài lớp cũ, mình chẳng có đủ can đảm kết bạn thực sự với ai. Nhưng như một định mệnh, nhóm thuyết trình kì đó của mình lại hoà hợp bất ngờ. Cũng nhờ có sự liều của cả lũ, sản phẩm cuối cùng là một bài thuyết trình về Fallacy (Lỗi ngụy biện) dù chẳng suôn sẻ nhưng đủ để các thành viên có cơ hội biết về đề tài nghe tên người chấm đã nhíu mày.
Kì đầu tiên, bài học lớn nhất mình học được tất nhiên là từ thầy trưởng khoa. Đó là chuyên nghiệp, chuyên nghiệp tuyệt đối. Thầy dạy cho cả lũ thói quen vác loa và giắc cắm máy chiếu của mình đi mỗi lần thuyết trình vì là phiên dịch tương lai, không được cho phép bản thân có lí do gì để phạm sai sót, chỉ có chuẩn bị và chuẩn bị. Thầy cũng dạy cho cả lớp sự tinh tế và tỉ mỉ đến từng bức ảnh trên slide, từng âm thanh trong video.
Bước qua kì thứ hai, mọi chuyện có vẻ khởi sắc hơn. Lần này, chính tay cô trưởng bộ môn CLC dạy dỗ chúng mình. Khác với thầy trưởng khoa theo chủ nghĩa hoàn hảo, cô hiền hoà và luôn tìm ra điểm tích cực của học sinh. Nếu thầy nhận xét từ đầu đến cuối kĩ đến từng lỗ chân lông, cô lại yêu cầu từng người nêu ý kiến. Lúc này, bài học về sáng tạo và tư duy phản biện (critical thinking) bắt đầu. Chúng mình được học cách áp dụng pathos, ethos hay logos, học cách đứng ở vị trí của người khác, học cách chạy đua ngầm để sản phẩm của nhóm mình phá vượt qua hòn đá tảng nhóm trước đặt ra. Lần đầu tiên mấy đứa sinh viên đặt mình vào vị trí của người xuất khẩu lao động và bộ Lao động thương binh và xã hội để lao vào tranh luận trong một diễn đàn đa phương (forum), một bên dùng cái lí rất riêng, một bên là những gương mặt rất gắt, phục trang như viên chức chính phủ mỗi lần lên tiếng là toàn căn cứ theo điều này khoản nọ. Lần đầu tiên bọn mình nhận ra, à làm người lao động khó thế đấy mà làm Bộ cũng có sung sướng gì và trầm trồ trước uy quyền của luật pháp. Lần đầu tiên lớp chúng mình làm một talkshow về Coco và Despacito, một chương trình Vấn đề hôm nay về Cách mạng 4.0, một triển lãm về Chiến tranh Việt Nam hay một phiên toà về Sơn Đoòng với một luật sư bào chữa cực kì xấu tính. Lần đầu tiên mình cảm nhận được cái gọi là hiệu quả của cạnh tranh lành mạnh khi một cách tự nhiên, cả lớp đều vươn lên để phá cái tiêu chuẩn mới các bạn đặt ra. Để khẳng định mình, cách duy nhất là tốt hơn, phá cách hơn.
Kỳ học này, mình cũng bắt đầu có sự thay đổi lớn nhất. Bắt đầu bằng lời nhận xét của cô dạy đọc rằng mình chẳng có chút tự tin nào, khi thuyết trình cứ chăm chăm nhìn slide mà không chịu nhìn các bạn, dù cả lớp ai cũng nhìn mình đầy khích lệ. Đến tận lúc đó mình mới nhận ra bạn bè ủng hộ mình thế nào, dù bài nói có tệ lậu đến đâu. Nhờ thế mà lần đầu trong đời, mình có một bài thuyết trình có lẽ là tốt nhất trong cuộc đời tính đến lúc đó. Có thể nói, bài thuyết trình đó như một bước tiến dài, mà bước tiến đó mất cả kì mình mới bước được, nhờ có sự ủng hộ vô hình của những người bạn. Bài nói đó làm mình xúc động đến tận bây giờ, giây phút đó, mình nhận ra sự tiến bộ này là nhờ những người bạn mình chưa hề thân thiết.
Kì đó, mình cũng đã được học về tầm quan trọng của thái độ. Lớp mình là lớp luôn được thầy cô quý nhất, không phải vì xuất chúng mà vì đứa nào cũng có thái độ cực kì cầu tiến, lúc nào cũng mang lại những bất ngờ về màn trình diễn của mình. Hoá ra thái độ, chứ không phải kiến thức hay kĩ năng quyết định ta sẽ đi xa đến đâu.
Môn Viết mình cũng bắt đầu hoà nhập khi cô dạy chúng mình cân đo từng luận điểm sao cho không dẫm chân lên nhau, sao cho bài viết thật cô đọng. Lần đầu tiên được biết các đánh bóng CV. Và lần đầu tiên trong đời bọn mình nhận một bài tập là viết một ghi chú Facebook để tính lượt thích. Cả lũ ai cũng hoảng hồn vì đây chẳng khác nào một bài tập... sales và thử nghiệm độ rộng của mạng lưới bạn bè. Nhưng sau cùng, nó đã dạy mình cách suy nghĩ về sở thích của chính mình và cách giao tiếp với thế giới.
Kì này deadline dồn dập đến nỗi mình có tuần chỉ chườn mặt lên bảng thuyết trình tới 7 lần. Tồi tệ nhất là cả tháng cuối của học kì mình bị mất mạng, phải làm bài tập nhóm trong trạng thái offline. Giờ nghĩ lại chỉ số Vượt khó (AQ) của mình cũng khá nếu không sẽ phát điên với cái laptop.
Cuối năm nhất, cả hệ CLC (2 lớp Sư phạm và 2 lớp Biên phiên) cùng chuẩn bị tổ chức CLC day để tổng kết năm. Đọc lại lời tường thuật và phản hồi kinh hoàng về CLC day năm trước đó cùng lời cảnh báo từ cô phụ trách, cả lũ vừa làm vừa lo. Quá trình chuẩn bị giữa 4 lớp chẳng hề êm đẹp khi các bộ não lớn thì xung đột, ngoài lớp mình ra thậm chí lớp khác còn chẳng hề quan tâm. Căng thẳng hơn là nó còn rơi vào đợt thi cuối kì và lịch nộp portfolio. Thế là group lớp xảy ra hiện tượng như sau: Sáng: nháo nhào hỏi nhau về Triết 2, Trưa: nhớn nhác hỏi portfolio cần có những gì, Chiều: hốt hoảng bàn CLC day trong sợ hãi, Tối: Chúng mày ơi tao xin lùi lịch portfolio nhé? Mỗi ngày cứ 20 cái bài đăng trong nhóm lớp như thế. Cũng bằng sự vật vã đó mà cả lũ thân nhau hơn. Đến d-day, tất cả đều căng thẳng vừa ngồi synthesize vừa kiểm tra tiến độ. Dù lụt lội, không đứa nào dám xin cô lùi deadline. Thế là đêm trước deadline, bao nhiêu đứa không ngủ, lọ mọ thức đến tận 7h sáng và nhận được email cô cho lùi deadline =))) Cô bạn mình để tĩnh tâm còn viết hẳn một bài về Phật pháp nhưng cuối cùng, đêm trước CLC day, nó vẫn căng thẳng đến mức vừa gội đầu xong lại chui vào nhà tắm gội lần nữa quên không xả đầu đầy bọt. May sao, mọi thứ đều suôn sẻ. Kết thúc năm đầu tiên như một giấc mộng.
Sau kì nghỉ 28 ngày ở Hola resort, dường như cả lớp mới bắt đầu "quen mặt" nhau. Năm 2 ập đến với những thứ hứa hẹn còn ác mộng hơn.
Kì thứ nhất là bài tập phỏng vấn xin việc mô phỏng. Nhà tuyển dụng thì vắt óc nghĩ cách thu hút ứng viên rồi xây dựng 1 bộ câu hỏi ra trò và thiết kế cả tờ rơi poster quảng cáo. Ứng viên thì phải tìm hiểu về nghề nghiệp có khi chưa nghe tới bao giờ, làm CV và tất nhiên là bình tĩnh để đối phương quay cho vòng vòng. Bài tập này đòi hỏi 2 bên phải lên đồ công sở rồi có thái độ cực kì chuyên nghiệp. Đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp mới biết họ cần gì và vất vả thế nào. Và nỗi lòng của bộ phận Nhân sự khi phải kiên nhẫn nghe cả tiếng của một ứng viên, lúc nào cũng phải giữ eye contact và mỉm cười.
Kì này mình có một deadline sở trường đó là Impromtu (Nói không chuẩn bị). Có thể nói nếu thuyết trình chuẩn bị trước mình chẳng bằng ai thì nói vo tức thời mình lại nói được rất nhiều. Lúc này mình mới nhận ra được giá trị của những kiến thức có sẵn trong đầu. Mình có thể không nói hay bằng bạn nhưng khi nói vo, mình có thể nói cả tiếng không cần suy nghĩ vì có quá nhiều thứ để nói.
Thú vị nhất kì này phải kể đến dự án làm Phim tài liệu. Lần đầu tiên làm, cả lũ ai cũng hoang mang và hụt hẫng khi bản nháp bị chê tơi tả. Nhưng xốc lại tinh thần, nhóm mình đã làm được thành phẩm cuối trên cả kì vọng. Đây đúng là dự án của lần đầu tiên. Lần đầu tiên nằm ở Hải Dương ngày 2/9 1h sáng giữa bố mẹ mà vẫn group chat bàn bạc. Lần đầu tiên khi nghĩ câu hỏi phỏng vấn phải nát óc suy xét sao cho câu hỏi đó không vô tình làm tổn thương đối phương rồi liên hệ phỏng vấn khắp nơi. Lần đầu tiên mình ngồi viết một cái kịch bản lời dẫn cũng ra trò. Lần đầu tiên lồng tiếng. Phần thưởng là lời khen câu hỏi phỏng vấn rất hay và tinh tế từ cô cũng như điểm tuyệt đối đầu tiên cho một bài tập.
Kì này tuyệt vời nhất là bọn mình được làm quen với việc dịch, được cầm bộ thiết bị chuyên nghiệp và được học một cô giáo tuyệt vời. Cô là một kho trò chơi và cũng là một kho chơi chữ. Đến lúc này mình mới nhận ra việc có kiến thức nền và "giỏi tiếng Việt nhất lớp" là lợi thế lớn như thế nào. Chính nhờ những bài kiểm tra kiến thức mà mình tự tin lên trông thấy. Vì lúc này mình bắt đầu thực sự cảm giác được lí do mình có thể ngồi đây. Cả bọn được trải nghiệm cảm giác diễn sâu và phiên dịch với Star show. Có thể là một buổi thi hoa hậu đa quốc gia, khiến bạn phiên dịch dịch tiếng Thái lại bắn lộn tiếng Anh. Hay là lễ trao giải Mâm xôi vàng đầy drama lấy cảm hứng từ Trường Giang và Oscar với những bài phát biểu sâu cay. Kết thúc kì học, đứa nào cũng hào hứng với nghề nghiệp trong mơ, song đứa nào cũng nhận ra rằng thậm chí mình không xứng đáng với nó (not deserve it). Môn học này cũng là môn học đầu tiên mình đạt A+ và được nhận quà từ cô.
Sang kì thứ 3, mình thảng thốt khi ngày duy nhất mình không có deadline là ngày 1/1. Ngay sau đó, một nồi deadline siêu to khủng long ụp vào mặt. Tuyệt vời thay khi bạn về quê ăn Tết với 2 cái deadline treo lủng lẳng, đến tận 1/5 vẫn về quê vẫn ngồi một góc viết báo cáo. Thế nhưng cũng có khi nhây quen rồi deadline thứ 2 mà Chủ nhật mới bắt đầu làm. Môn Nghe thì lọ mọ tìm audio, viết lại script và thiết kế câu hỏi trò chơi như một giáo viên. Môn Viết thì cả kì ngồi viết Cảm nhận, viết Báo, viết Báo cáo... Môn Đọc thì làm quen lại với môn thủ công bằng Scrapbook. Môn Nói thì vừa Debate vừa tập làm diễn giả Ted Talk. Môn Dịch thì giờ là dịch sách rồi sub phim.
Phải nói đây là kì học mình tự hào nhất. Khởi đầu là tuần học áp Tết đau thương với deadline Inspirational speech. Inspirational speech đòi hỏi mọi phương pháp, từ tháp nhu cầu Maslow đến việc làm tăng hormones hạnh phúc của người nghe. Tết đến nơi rồi, não bộ bắt đầu đình công, mình sống trên mây cả tuần đầu óc trống rỗng. Sau 2 tuần vò đầu bứt tai, mình quyết định nói về Giao tiếp nội nhân hay nói cách khác là Yêu bản thân mình. Thậm chí lúc lên nói, sau nửa đầu vô cùng trôi chảy, nửa sau vì xúc động, không phải những gì đã chuẩn bị, mình nói hoàn toàn một câu chuyện khác. Thực sự ngay khoảnh khắc đó, mình mới nhận ra bản thân mình quý giá đến mức nào. Không phải vì yêu bản thân mà mình hoàn thành bài nói mà chính bài nói khiến mình nhận ra mình phải làm gì. Sau đó, mình đã bỏ thói quen xấu nhịn ăn sáng và thực sự, trân trọng mình hơn. Các bạn mình cũng nói những chủ đề hay không kém. Có đứa đóng vai một con rùa biển để nói về môi trường, có đứa vào vai bác sĩ tâm lí để chứng minh thấu cảm không tồn tại,... Điều đặc biệt là, đứa nào cũng mở lòng kể những bí mật của mình, những bí mật khiến những đứa tưởng chừng đã quá hiểu cả lớp giờ mới nhận ra nó là người thế nào; kì lạ là; đa số đứa nào khi đang nói cũng không kìm được nước mắt. Và những đứa ở dưới cũng rơm rớm. Vì rõ ràng, cái gì từ trái tim cũng sẽ chạm đến trái tim. Kết thúc, tất cả đều nhận được những điều tốt đẹp
Deadline tiếp theo là Debate. Phải thú nhận mình sợ debate và ghét debate. Với mình thật vô nghĩa khi cứ cố chấp ôm một góc nhìn. Và nghiệp quật khiến mình phải debate, đã thế còn bốc được nhưng phe yếu thế. Đầu tiên là chủ đề: Tái chế có tạo ra sự khác biệt hay không. Và mình phe Không. Lúc nhận được đề thực sự là một nỗi tuyệt vọng vì chắc mẩm mình sẽ thua. Song càng tìm hiểu mình lại nhận ra sự bất lực của cái gọi là tái chế. Lúc đó mình mới biết cái gì là ô nhiễm chéo, ô nhiễm tái chế, nhận ra tái chế đã ngăn người ta thực hiện giảm lượng rác thế nào. Debate đầu tiên, nhóm mình chiến thắng và thực sự, nó đã khai sáng mình. Debate thứ 2, Du hành không gian có phải lãng phí không. Lúc này mình vừa đọc cuốn Cosmos và cực kì tâm đắc nên cảm giác mình thốt ra câu phản đối du hành không gian thật là một sự tự vả. Lần này, nhóm mình yếu thế hoàn toàn, yếu thế không còn gì để nói, ngay cả Internet cũng không ủng hộ. Thậm chí sau Constructive phase, bạn mình còn rỉ tai "tao sẽ chọn bên kia". Ok, một tin dữ đã được dự tính trước. Vậy là mình bắt đầu Rebutal phase trong sự tự tin của đứa không còn gì để mất. Đích ngắm duy nhất trong phần phản lại của mình là luận điểm "chúng ta phải đi tìm một hành tinh mới để sống". Trong 5 phút, mình dùng mọi lời lẽ khủng khiếp nhất lên án gay gắt suy nghĩ đó là vô trách nhiệm, rằng con người không có quyền với một hành tinh nào khác, rằng cái chúng ta cần không phải một phương án 2 mà là chịu trách nhiệm, việc tìm hành tinh mới là khuyến khích tiếp tục tàn phá trái đất, rằng đó không phải thích nghi mà là trốn chạy. Không biết trong khoảnh khắc xuất thần đó, mình đã nói gì mà cuối cùng nhóm mình lật kèo thành công và đứa nào cũng khen mình có năng khiếu debate. Nhưng lúc đó mình mới nhận ra việc có tin vào điều mình nói quan trọng đến đâu. Tự nhiên mình hiểu được ý nghĩa của nghề luật sư trong Legal High. Cái họ cần không phải khiến người ta tin sự thật mà họ phải làm cho người ta tin vào những gì họ tin vào sự thật. Đôi khi chỉ mình niềm tin ấy đã chiến thắng mọi lí lẽ rồi.
Kết thúc môn Nói, bọn mình hoàn toàn lĩnh hội được triết lí Kiến tạo xã hội của CLC mà cô nói. CLC không đào tạo những con người giỏi tiếng Anh mà đào tạo những con người có nhận thức sâu sắc, đa chiều và ý thức được vị trí và trách nhiệm của mình trong xã hội.
Nhìn lại 4 kì học của mình, đầy rẫy những lần đầu tiên, toàn những nhận ra. Cuối cùng, mình nhận ra được cái gọi là giá trị cá nhân. Được chọn vào học ở CLC không chỉ là những con người xuất sắc mà đó là những con trai ngọc thật sự, trưởng thành qua những khó khăn, học tập qua trải nghiệm. Những con người ấy thực sự là tinh hoa, những tinh hoa mang bản sắc không lẫn lộn tạo nên một kho tàng muôn vẻ. Và CLC không phải nơi giúp người ta đạt 8.0 IELTS mà là nơi giúp những sinh viên nhận ra và phát huy hết được tiềm năng của bản thân trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Lớp Biên phiên dịch bọn mình có thể nhận ra mình không phù hợp làm biên phiên nhưng lại được khai quật ra nhưng khả năng khác để sinh tồn: làm MC, chạy chương trình, diễn xuất hay tư vấn... cùng với khả năng quản lí thời gian, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề hay tư duy phản biện.
Nhìn lại số chữ đã gần lên đến 4000, thực sự là một hành trình không dài nhưng phi thường để khi nhìn lại, không ngờ mình ngày đó có thể tiến xa đến thế. Có lẽ chính mình cũng phải dành cho bản thân một lời cảm ơn vì đã không bỏ cuộc. Xuất phát thấp đôi khi lại là một lợi thế để bật lên trong mọi cuộc đua. Cảm ơn CLC vì mọi sự thay đổi trong thời gian qua, đã biến mình thành một người mang tâm thế khác. Dù năm tới đây chẳng còn là lợn con nữa thì đây vẫn luôn là quãng đường trưởng thành ý nghĩa nhất của mình. Cuối cùng, cảm ơn vì đã dạy mình cách nói câu có thể.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top