magical words #9
Lần trước là chữ chính của phương Tây, lần này mình quay về phương Đông xem chữ chính có khác gì.
Chữ "chính" (正) bao gồm chữ "nhất" (一 - một, duy nhất) và chữ "chỉ" (止 - dừng lại).
Chữ "nhất" biểu thị rằng bề ngoài và nội tâm cần phải thống nhất với nhau. Chữ "chỉ" là biết dừng lại đúng lúc. Phải có đầy đủ cả hai yếu tố trên thì mới thành bậc chính nhân quân tử, là người ngay thẳng, chính thường mà không thiên lệch, ngả nghiêng như câu nói "Bất thiên tả, bất thiên hữu, bất bạo động", cho nên "chính" nghĩa là không nghiêng phải, không nghiêng trái, không bị lay động.
Lại nữa, chữ "chính" vừa có "thượng" (上), vừa có "hạ" (下), người chính thì không xu nịnh a dua luồn cúi người trên, không hiếp đáp kẻ dưới, không "thượng đội hạ đạp". Nhưng người có chính lại càng không quên cư xử có trên có dưới.
"Chính" có một chữ "nhất" ở trên và một chữ "nhất" ở dưới, giữa là nét thẳng đứng. Đó nghiêm chỉnh ngay thẳng trong cân bằng, hài hoà, không thiên lệch lên trên cũng không thiên lệch xuống dưới, trên dưới hợp nhau.
Mình luôn nghĩ chữ "chính" quả thật rất thẳng, chẳng có nét cong, vì thế cũng rất cứng nhắc. Nhưng cứng quá thì gãy, thẳng thắn dứt khoát khó dung hoà. Chính vì thế giữ được chính cũng rất khó, càng chứng tỏ kẻ chính rất kiên tâm, rất cứng rắn. Chữ "chính" này để thăng bằng giữa trên và dưới lại càng khó, làm sao để tiếp tục đi lên khi chữ nhất đã đè nặng lại không phạm giới hạn? Người quân tử thực chính thế chẳng phải quý hiếm lắm sao?
Nghĩ một hồi lại buồn cười. Nguyễn Dữ xưa sợ người quân tử không dám gãy. Nhưng chẳng phải thẳng nhất, bền nhất mà vẫn giữ mình là nhuyễn kiếm hay sao? Có lẽ chính là một chuyện, chính vừa giữ được đạo, vừa giữ được mình, vẫn phải biết dẻo dai như nhuyễn kiếm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top