4 chữ Tâm

Trí tuệ của một bậc thầy thể hiện qua tâm thế.

Trong các môn võ truyền thống Nhật Bản (kiếm đạo, cung đạo, naginata, karate, judo hay aikido), có 4 khái niệm rất hay được nhắc đến bắt nguồn từ Thiền (Zen): Shoshin (sơ tâm 初心) - Mushin (vô tâm 無心) - Zanshin (tàn tâm 残心) và Fudoushin (bất động tâm 不動心).

Sơ tâm là trạng thái tinh thần của người mới bắt đầu, hoàn toàn sạch sẽ và cởi mở. Giống như trang giấy trắng, người với sơ tâm sẽ khao khát học hỏi kiến thức và tiếp thu hiệu quả nhất.

Vô tâm là trạng thái tinh thần hoàn toàn thoải mái, không vướng bận. Ở trạng thái này, mọi động thái, thông tin đều được tiếp nhận trôi chảy, không bị ngăn cản.

Bất động tâm là trạng thái tinh thần bình tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố khác.

Có cả vô tâm lẫn bất động tâm, tâm tựa nước (mizu no kokoro), bình lặng thấu suốt vạn vật.

Tàn tâm là trạng thái ý thức cao độ không đứt quãng về thế giới xung quanh, lòng cảnh giác ngay cả khi mọi sự đã qua đi. Tâm tựa trăng sáng (tsuki no kokoro), tự nhiên bao trùm khắp nơi nhưng không nao núng do bất kì ai. Có thể nói rằng:

Khoảnh khắc bạn thấy mình mạnh nhất chính là khoảnh khắc bạn yếu đuối nhất.

Bốn chữ tâm này, mình tin là có thể liên hệ với nhiều điều. Trước nhất, trong thể thao, kẻ thắng là kẻ giữ được 4 chữ tâm này khi đối đâu, kẻ mạnh là kẻ có thể giữ cho 4 chữ tâm này không đứt đoạn. Trong học hành, có sơ tâm thì tiếp thu hăng hái, biết vô tâm thì tập trung tốt hơn, bất động tâm và tàn tâm thì lợi nhất ở kì thi.

Nói thì dễ, làm thì khó. Làm sao đã mạnh mà không mất sơ tâm, đã thắng vẫn còn có tàn tâm? Làm sao đã yếu mà còn bất động tâm, đã thua thiệt còn vô tâm? Giống như càng lên cao học càng khó khăn, càng thắng càng dễ lơ là, càng đứng trên cao càng dễ rơi xuống mặt đất, đã loạn thì tất càng rối rắm hốt hoảng. Con người là thế, những cái gián đoạn luôn tạo ra những cú rơi, những chán nản hay thất bại. Bản thân mình mà nói, những gián đoạn ấy không tệ lắm, chỉ sợ không thể nối lại cái tâm cần có của mình để tiếp tục mà thôi.

PS: Cũng hơi liên quan chút đỉnh, tặng các bạn thêm 3 khái niệm: go no sen (後の先), sen no sen (先の先), sen sen no sen (先先の先).

Go no sen tức là phản công khi nhận đòn đánh, chờ đối thủ tấn công.

Sen no sen tức là phòng thủ ngay khi đối phương định ra tay, ngăn cản đòn đánh từ đối phương.

Sen sen no sen tức là đoán định được tâm lí, khí (気) của đối phương và thậm chí điều khiển nó. Để đạt trình độ này, cần đạt được mấy chữ tâm ở trên.

Trong những môn đối kháng, có lẽ 3 chữ này có thể dùng để định ra kẻ mạnh hơn, càng ít để đối phương định đoạt, người đó càng chứng tỏ trình độ của mình.

PS2: Mặc dù mấy môn kiểu cung đạo của Nhật nói thẳng ra rất cồng kềnh và kém hiệu quả, nhưng triết lí ngẫm lại rất chuẩn. Ngồi ngẫm về 7749 môn thể thao, 7 khái niệm trên cũng chuẩn đấy chứ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top