Fantomas nguoi la ai

Chap I: Thiên tài của tội ác

- Fantomas!

- Ông nói gì vậy?

- Tôi nói... Fantomas.

- Thế nghĩa là cái gì?

- Chẳng là cái gì... và cũng là tất cả.

- Thế nhưng đó là ai mới được chứ?

- Chẳng là ai... tuy nhiên lại là một người nào đó!

- Sau hết, thế cái người nào đó làm gì?

- Làm cho mọi người sợ!!!

Bữa cơm tối vừa xong và mọi người đi sang phòng khách.

Từ thưở nào không biết, trong thời gian nghỉ dài ngày hàng năm ở lâu đài Beaulieu của mình, phía Bắc tỉnh Lot quãng bìa rừng ở Corrèze trong vùng thơ mộng bao quanh vùng Dordogne, bà hầu tước de Langrune, để làm cho cuộc sống cô đơn của mình thêm thi vị và giữ được quan hệ xã hội, cứ thứ tư nào cũng mời một vài người thân ở gần đó đến ăn cơm tối. Đó là:

Ngài Bonnet trước là quan tòa nay đã về hưu, sống ở vùng lân cận Brive trong một cơ ngơi nho nhỏ ở ven rừng thị trấn Saint-Jaury; linh mục Sicot, cha xứ của xã, cũng là một người rất hay đến thăm lâu đài. Cũng có bà bạn gái ít lui tới nhất tức là bà nam tước Vibray, một bà góa trẻ tuổi sống độc lập và giàu có, vốn là người ham đi du lịch nên phần lớn thời gian của bà trôi trên những con đường lớn, trong một chiếc ô tô.

Đại diện cho giới trẻ là chàng Charles Rambert vừa đến lâu đài được hai mươi bốn tiếng đồng hồ, một thanh niên dễ ưa khoảng mười tám tuổi mà bà hầu tước đối xử một cách trìu mến và cô gái Thérèse Auvernois, cháu ngoại bà de Langrune, người mà sau khi mồ côi cả cha lẫn mẹ được bà hầu tước nuôi như con gái.

Những câu chuyện kỳ lạ và bí mật mà ngài Bonnet vừa nói tới khi rời bàn ăn và tính cách tay "Fantômas" mà vị quan tòa úp úp mở mở đã kích thích trí tò mò của mọi người. Trong khi cô bé Thérèse Auvernois duyên dáng dọn cà phê ra, ai nấy hỏi dồn hỏi dập.

Ngài Bonnet lắc đầu:

- Thưa các bà, nếu như chúng ta tham vấn thống kê, ta sẽ thấy rằng trong số những người chết thường xuyên được khai báo, một phần ba chết là do tội ác.

Các bà cũng biết, như tôi vậy, là cảnh sát chỉ điều tra ra khoảng một nửa số tội ác đã phạm và tòa án cũng chỉ trừng phạt được một nửa số tội ác đã được phát hiện.

- Ông định đi tới đâu vậy? - Bà hầu tước de Langrune sốt ruột hỏi.

- Tới chỗ này, - vị quan tòa nói tiếp.

- Nếu như có rất nhiều vụ phạm tội không bị nghi ngờ mảy may thì điều đó không có nghĩa là không có tội ác; hoặc, nếu như một số kẻ tội phạm chỉ là tác giả của những tội ác tầm thường thì nhiều kẻ tội phạm khác lại là những nhân vật bí ẩn khó ai khám phá ra được. Biên niên sử đã chẳng tràn ngập những nhân vật bí mật như Mặt Nạ Sắt, Cagliostro... đó là gì?

Vậy thì ở thời chúng ta chẳng lẽ ta lại không hình dung được cũng có những kẻ ngang tài ngang sức với những kẻ gian phi hùng mạnh ấy hay sao?

Cha cố Sicot nhẹ nhàng nhận xét:

- Cảnh sát ngày nay làm được nhiều việc hơn xưa chứ...

- Có lẽ thế, - ngài cựu quan tòa thừa nhận, - nhưng vai trò của họ cũng cam go hơn bao giờ hết! Bọn cướp có tầm cỡ khi thực hiện tội ác, sở hữu nhiều phương tiện sẵn có hơn nhiều: thí dụ như khoa học đưa đến những tiến bộ hiện đại có thể trong trường hợp đó hỡi ôi! Lại trở thành kẻ đồng lõa của bọn tội phạm hình sự! Thành ra kết quả cũng ngang nhau cả thôi!

Chàng trẻ tuổi Charles Rambert cực kỳ chú ý đến những điều ngài Bonnet vừa trình bày. Chàng nằn nì với một giọng không còn ngữ điệu phan lần chút xúc động:

- Vừa nãy ông có nói đến Fantômas!...

- Đây tôi đang sắp nói tới đây, bởi vì, các bà đã hiểu chưa nào? Từ lúc này trở đi, thời đại ta phải ghi lại sự tồn tại tích cực của một con người bí ẩn và vô cùng đáng sợ, một kẻ đã khiến cho chính quyền phải bó tay và dư luận quần chúng lâu nay đã phải đặt cho hắn cái tên là Fantomas!

Fantomas! Khó mà nói và biết được chính xác ai là ...Fantomas!

Lúc thì hắn đội lốt một nhân vật được xác định rõ ràng, thâm chí ai cũng biết; lúc thì hắn giả vờ là hai người một lúc! ...Fantomas! Hắn chẳng ở đâu cả và ở bất cứ đâu! Bóng hắn lượn lờ bên trên những bí mật kỳ lạ nhất, vết tích hắn để lại quanh những tội ác bí hiểm nhất, ấy thế nhưng...

- Các cháu ơi, - bà nam tước Vibray bảo hai cô cậu trẻ tuổi, - ngồi với người lớn thế này hẳn các cháu chán lắm, thôi cho các cháu tự do. Thérèse ạ, - bà nói tiếp với cô cháu gái nhất mực vâng lời lúc này đã đứng dậy, - có trò chơi ô chữ rất hay ở trong thư viện ấy, cháu thử giải cùng với Charles xem sao...

Rồi bà nam tước đưa câu chuyện trở lại Fantomas:

- Nhưng thưa ngài cựu quan tòa, - bà hỏi, - thực tế ông nói đến hiện thân của sự bị thảm đó là có ý nói đến sự mất tích của huân tước Beltham chăng? Hỡi ôi! Phụ nữ chúng tôi biết về các ông lắm, biết các ông có thể làm đủ mọi trò ngông cuồng! Biết đâu ông ta chỉ lỉnh đi đâu ít lâu mà thôi?

- Xin lỗi bà nam tước, xin lỗi! … Giá như quanh vụ mất tích đó không bao trùm hoàn cảnh bí ẩn nào, thì hẳn tôi cũng đã nghĩ như bà, nhưng có sự kiện sau đây khiến ta phải lưu ý: Tờ nhật báo La Capitale ( “Thủ đô”) mà lát nữa tôi sẽ đọc một đoạn để bà nghe, lại đưa ra những dấu hiệu khác.

Người ta nói là phu nhân Beltham, trong lúc hoảng hốt vì sáng hôm sau không thấy chồng đâu, có nhớ lại là đã trông thấy huân tước Beltham trước lúc ra đi, đọc một lá thư kích thước rất đặc biệt, tức là hình vuông, khiến bà rất ngạc nhiên.

Phu nhân còn nhận xét thêm là trên lá thư đó có những dòng chữ lớn màu đen. Bà đã tìm thấy lá thư đó trên bàn giấy của chồng, nhưng các chữ đã biến mất hết! Xem xét thật kỹ người ta còn thấy vài nét mờ mờ chứng tỏ đây đúng là lá thư đã ở trong tay chồng bà.

Phu nhân Beltham hẳn đã không lý luận gì về sự kiện này nếu như tờ La Capitale không nhân đó tới phỏng vấn cảnh sát Juve, vị thanh tra nổi tiếng của cơ quan an ninh - người đã từng bắt giữ nhiều tên tội phạm khét tiếng.

Ông Juve rất xúc động vì sự khám phá ra bức thư và bản chất bức thư. Ông không giấu giếm người phỏng vấn mình là ông đã nghĩ tới có bàn tay của Fantomas nhờ bức thư đó.

Thế là ngày Bonnet đã thuyết phục được các thính giả và những câu nói cuối cùng của ông đã như hắt một luồng không khí lạnh toát vào tất cả mọi người.

Bà hầu tước de Langrune hỏi một câu cho dịu bớt không khí căng thẳng:

- Nhưng huân tước Beltham và phu nhân là ai vậy?

Bà nam tước Vibray trả lời:

- A! Bạn thân mến ơi, thế ra những tiếng vang của xã hội ăn chơi Paris hiếm khi dội tới đây đấy nhỉ.

Huân tước và phu nhân Beltham là những người được người ta biết đến nhiều nhất. Trước đây huân tước là tùy viên đại sứ quán Anh, ông đã rời Paris để đi chiến đấu ở Transvaal và vợ ông đi theo ông trong cuộc chiến đấu đã tỏ ra dũng cảm và có lòng thương người khi điều hành các trạm quân y lưu động phục vụ thương binh. Huân tước và phu nhân Beltham sau đó trở về Londres và cuối cùng ổn định nơi ở tại Paris.

Họ đã sống và hiện tại vẫn đang sống trong một tòa nhà ở đại lộ Inkermann ở Neuilly-sur-Seine, luôn tiếp đãi khách khứa mọt cách tuyệt vời thú vị. Tôi đã nhiều lần được làm khách mời của phu nhân Beltham; đó là một người đàn bà vô cùng quyến rũ, tao nhã lịch sự, dáng cao, tóc vàng, cái duyên dáng mà chỉ phụ nữ Bắc Âu mới có...

Nhưng mười giờ đã điểm.

- Cháu Thérèse! - Bà de Langrune gọi. - Tuy là chủ nhà đang tiếp khách nhưng bà vẫn không quên nhiệm vụ đối với cháu, cháu Thérèse ơi! Đã đến giờ đi ngủ rồi... Muộn rồi, cháu yêu ạ...

Cô bé ngoan ngoãn bỏ cuộc chơi, chúc bà nam tước Vibray một buổi tối tốt lành, lại chào cả ngài Bonnet và vị thầy tu già nữa. Vị này bèn hỏi với giọng người cha:

- Con có đi lễ buổi lễ bảy giờ sáng chứ?

Cô bé quay về phía bà hầu tước.

- Bà ơi, - cô nói, - chúa muốn xin phép bà sáng mai được đi cùng ông Charles ra ga, khi về cháu dự lễ tám giờ cũng được...

Bà hầu tước de Langrune quay về phía Charles Rambert:

- Cháu Charles, có phải ba cháu tới Varrières chuyến tàu 6 giờ 55 không nhỉ?

- Thưa bà vâng...

Bà de Langrune do dự một chút rồi nói với Thérèse:

- Cháu ơi, có lẽ ta để anh bạn đi đón cha một mình thì hay hơn chăng?

Nhưng Charles Rambert không muốn thế:

- Ồ, thưa bà, tôi dám chắc cha tôi khi xuống tàu sẽ rất vui sướng thấy Thérèse đi đón ông cùng với tôi...

- Thế thì các cháu ơi, - người đàn bà tuyệt vời đó nói, - tùy các cháu thu xếp thế nào thì thu xếp...

Bà nói tiếp:

- Thérèse ạ, trước khi đi ngủ, cháu nhớ báo trước cho ông quản lý Dollon bảo người nhà chuẩn bị để sáu giờ sang mai xe được thắng ngựa sẵn... nhà ga khá xa đấy...

- Thưa bà vâng ạ.

Hai cô cậu trẻ tuổi rời khỏi căn phòng.

- Nhưng, - cha xứ cất tiếng hỏi, - cái cậu Charles Rambert này là ai vậy? Ngày hôm kia tôi vừa gặp cậu ta đi cùng ông quản lý Dollon, tôi nghĩ đến đau cả đầu mà không biết là ai....

- Ông không biết là phải, - bà hầu tước vừa cười vừa trả lời, - ông có quen cậu ta đâu. Tuy nhiên, hẳn ông đã từng nghe tôi nhắc đến tên tông Etienne Rambert, một người bạn cũ của tôi đang hoàn toàn biệt tăm. Cách đây hai năm tôi gặp ông ta trong một buổi dạ hội từ thiện ở Paris; con người tội nghiệp đó đã có một cuộc đời sóng gió, hai mươi năm trước đây ông lấy một cô vợ xinh thật là xinh, - nghe người ta nói như vậy - nhưng bà ta ốm yếu lắm, tôi không rõ có phải bị điên không... Etienne Rambert vừa mới đưa bà ấy vào một bệnh viện tâm thần...

- Nhưng chuyện đó đâu có giải thích vì sao cậu con ông ta lại trở thành khách của bà?

- Thế này, vừa mới đây thôi, cậu Charles Rambert rời khỏi nhà trọ gia đình ở Hambourg nơi cậu học tiếng Đức cho hoàn thiện; qua thư ông bố tôi được biết bà Rambert sắp nhập viện trong khi Etienne Rambert lại phải đi vắng xa, tôi bèn nhận đón cậu ta về Beaulieu đây cho tới khi cha cậu trở về Paris. Vì thế Charles có mặt ở đây từ hôm kia.

- Và ông Etienne Rambert ngày mai sẽ về đây với cậu ta? - Cha xứ hỏi.

- Đúng vậy, bởi vì...

Bà hâu tước de Langrune đang còn định kể thêm chi tiết về cậu thanh niên được mình bảo trợ nhưng đúng lúc đó cậu ta lại đi vào phòng khách.

Khách khứa nín thinh, trong khi Charles Rambert tiến lại nhóm người với vẻ vụng về của tuổi thiếu niên. Theo bản năng cậu tới gần ngài Bonnet và mạnh dạn nói:

- Vậy thưa ông? - Cậu thì thầm hỏi.

- Cái gì cơ, anh bạn trẻ?- Vị quan tòa hỏi lại.

- Ồ, - Charles Rambert nói, - ông không nói chuyện về Fantomas nữa ạ, đang hay!...

Ông Bonnet nhận xét mọt cách tương đối khô khan:

- Thực ra, tôi thì tôi cho rằng những chuyện gây tội ác như thế chẳng có gì là "hay" như cậu nói cả.

Nhưng chàng thanh niên, không nhận thấy ý trách cứ trong câu nói, cứ tiếp tục:

- Tuy nhiên thật lạ lùng và kỳ quặc trong thời ta lại có những nhân vật bí hiểm như Fantômas. Làm sao chỉ một con người lại có thể phạm bấy nhiêu tội ác, một con người bình thường lại có thể, theo như người ta nói, cái tay Fantômas ấy, thoát được mọi sự săn lùng và chơi hết vố này đến vố khác những cảnh sát khôn ngoan tinh thế nhất? Tôi, tôi cho rằng...

Ông cựu quan toàn ngắt lời một cách nghiêm khắc hơn:

- Chàng trẻ tuổi ơi, tôi không sao hiểu được thái độ của anh đấy! Anh xem ra có vẻ bị quyến rũ, bị kích động mạnh đấy.

Và quay về phía cha xứ Sicot, ông nói thêm:

- Thưa cha xứ, cha xem đấy, sản phẩm của nền giáo dục hiện đại, của tình trạng tinh thần mà báo chí gây ra đấy!

Nhưng Charles Rambert vẫn khăng khăng một mực:

- Thưa ngài, đó là cuộc sống, là lịch sử, là hoạt động, là thực tại.

Bà hầu tước de Langrune khoan dung lúc ấy cũng thôi không mỉm cười nữa.

Charles Rambert hiểu rằng mình đã đi quá xa bèn ngừng hẳn:

- Xin lỗi ông, - chàng thì thầm, - tôi nói chẳng suy nghĩ gì cả. - Trông chàng bực mình quá khiến vị quan tòa phải trấn an:

- Anh giàu tưởng tượng quá thôi anh thanh niên ạ, - anh quá... Nhưng thôi, rồi sẽ qua thôi, anh còn đang ở tuổi nói mà không biết gì cả mà.

Buổi tối đã kéo dài quá muộn, ít phút sau sự kiện nhỏ nhoi này thì khách khứa của bà hầu tước de Langrune ra về.

Charles Rambert đưa bà hầu tước de Langrune tới tận cửa căn phòng của bà. Chàng đang sắp sửa lễ phép chào bà để về phòng mình ở ngay gần đó thì bà mời chàng vào:

- Charles, vào đây lấy quyển sách mà tôi hứa đưa cho cậu mượn, chắc là ở trên cái tủ bàn giấy của tôi.

Vừa vào đến trong phòng, bà hầu tước de Langrune đưa nhanh mắt về phía tủ bàn giấy và nói ngay:

- ... Hoặc ở trong tủ bàn giấy cũng nên, hình như tôi khóa lại thì phải! Chàng thanh niên vội từ chối:

- Tôi không muốn làm phiền bà, thưa bà...

- Đằng nào tôi cũng phải mở ra vì tôi còn phải xem mấy cái vé số mà mấy tuần trước đã mua làm quà cho Thérèse...

Bà de Langrune nói thêm vừa đưa mắt nhìn lên chàng thanh niên trong khi gập cái trục bàn giấy Empire lại:

- Biết đâu cháu gái tôi gặp may mà trúng số độc đắc thì thật là hay!

- Nhất định rồi thưa bà. - Charles Rambert mỉm cười.

Bà hầu tước đã tìm thấy quyển sách. Một tay bà đưa sách cho chàng, tay kia giở ra mấy tờ giấy sặc sỡ.

- Đây, mấy tấm vé của tôi đấy! - Bà kêu lên, nhưng rồi ngừng lại ngay. - Trời ơi tôi thật ngốc quá, tôi lại không giữ lại tờ La Capitale trong đó có in số tờ vé trúng thưởng rồi.

Charles Rambert vội đề nghị:

- Bà có muốn tôi đi lấy tờ báo không ạ?

Bà hầu tước lắc đầu:

- Không cần, vì không còn nữa đâu cháu ạ. Thường mỗi chiều thứ tư cha xứ đều đem theo báo cả tuần về ...Không sao! Để sáng mai.

Nằm trong phòng mình đèn tắt tối om, rèm cửa kéo kín, Charles Rambert bồn chồn một cách kỳ lạ, không tài nào ngủ được, cứ trở mình hoài trong giường.

Thỉnh thoảng chàng có thiếp đi một lát thì hình ảnh Fantômas cứ chập chờn trong trí, những hình ảnh trong đầu chàng luôn luôn thay đổi; lúc thì chàng thấy một tay khổng lồ mặt thú hai vai vạm vỡ; lúc thì là một con người xanh xao gầy còm đôi mắt sáng rực quái dị; lúc thì lại là một hình thù lờ mờ, một con ma... Fantômas!

Chap 2 Binh minh am dam

Khi xe ngựa tới đầu cầu Royal rẽ vào kè để đi về phía nhà ga Orsay, ông Etienne Rambert rút đồng hồ ra xem và nhận thấy đúng như ông đã dự kiến, còn mười lăm phút nữa mới đến giờ tàu chạy. Ông nhảy xuống xe, gọi một nhân viên khuân vác của nhà ga giao cho chiếc va-li nặng và gói chăn - tất cả hành lý của ông.

Ông hỏi:

- Này anh bạn, tàu đi Luchon là tàu nào vậy?

Người đàn ông ậm ừ nghe không rõ, đưa tay chỉ vu vơ, lẩm bẩm không hiểu là đường ray số mấy. Người khách du hành cảm thấy thong tin chưa đầy đủ, bèn bảo:

- Thôi anh đi trước tôi, đưa tôi ra tận nơi…

Lúc này là tám rưỡi, ga Orsay đang vô cùng nhộn nhịp vì đúng vào lúc các con tàu chạy đường lớn xuất phát.

Đi theo người nhân viên khuân vác hành lý, ông Etienne Rambert cũng rảo bước.

Tới sân ga chỗ bắt đầu các đường tàu, người khuân hành lý quay lại:

- Thưa ông, ông đi tàu tốc hành ạ?

- Tàu chợ, bạn ạ…

Người khuân vác không biểu hiện thái độ nào.

- Ông muốn đi toa phía đầu tàu hay phía đuôi tàu?

- Phía đuôi tàu thì hay hơn.

- Phải, hạng nhất.

Người khuân vác sau khi dừng lại nghỉ ở bờ sân ga một chút, lại nhấc chiếc va-li nặng lên và đưa ra nhận xét:

- Thế thì không chọn được đâu… Tàu chợ chỉ có hai toa hạng nhất và đều ở phía giữa tàu cả…

- Loại toa có hành lang chứ?

- Vâng. Tàu chạy đường lớn dĩ nhiên, các tòa đều có hành lang nhất là toa hạng nhất.

Etienne Rambert vất vả theo sau người khuân vác hành lý mà ông đã giao phó chiếc va-li giữa cảnh ồn ào hỗn độn mỗi lúc một tăng. Ga Orsay không giống các ga khác, không có ranh giới rõ rệt giữa các đường tàu chạy đường dài với đường tàu chạy ra ngoại ô.

Vì thế cho nên trên cùng một sân ga, bên phải Etienne Rambert là còn tàu sẽ đưa ông đi quá Brive tới tận Verrières, trong khi bên trái ông lại là một đoàn tàu khác đi tới Juvisy.

Rất ít người lên tàu đi Luchon, ngược lại rất đông người chen nhau lên các toa tàu ra ngoại ô.

Nhân viên khuân vác dẫn lối cho ông Etienne Rambert đặt hành lý của ông này lên bậc lên xuống của một toa tàu hạng nhất.

- Vẫn chưa có ai lên tàu chơ, - người nhân viên nhận xét, - vậy nếu ông lên đầu tiên thì ông tha hồ chọn muốn vào khoang nào thì vào…

Ông Etienne Rambert theo lời khuyên ấy, nhưng vừa vào đến hành lang thì trưởng tàu, cảm thấy có thể được món tiền boa lớn đây, bèn chạy ra hỏi ngay.

- Có đúng là ông định đi chuyến tàu tám giờ năm mươi không? Ông không nhầm chứ?

- Không.

Tại sao? - Ông Etienne Rambert trả lời.

- Bởi vì, - ông kia nói tiếp, - rát nhiều hành khách đi tàu hạng nhất bị nhầm chuyến tàu này, chuyến tám giờ năm mươi, với tàu tám giờ bốn mươi nhăm...

- Tàu tám giờ bốn nhăm, - ông Rambert hỏi, - có phải là tàu tốc hành không?

- Phải ạ, - ông nhân viên đường sắt nói, - đó là tàu chạy thẳng không như tàu này đỗ lại tất cả các ga... Tàu ấy đi trước tàu này và tới Luchon trước tàu này ba tiếng đồng hồ... đoàn tàu ông trông thấy ngay bên cạnh ông ấy...

Ông ta nói tiếp:

- Nếu như ông muốn chuyển sang tàu đó thì vẫn còn kịp. Một khi có vé hạng nhất thì ông có quyền chọn tàu nào cũng được.

Nhưng ông Etienne Rambert từ chối lời đề nghị:

- Không!... Tôi thích đi tàu chợ... Đi tàu tốc hành thì phải xuống Brive, sau đó còn phải đi hai mươi cây số nữa mới đến được Saint-Jaury, vùng ngoại ô mà tôi muốn đến...

Ông bước vài bước trong hành lang, biết chắc chắn tất cả các khoang tàu trong toa hoàn toàn không có ai, sau đó quay về phía người nhân viên:

- Bạn ơi, bạn có thể cho biết điều này không., chẳng là tôi rất mệt, tối nay muốn ngủ yên... do đó chỉ muốn có một mình, vậy ở chỗ nào thì tĩnh nhất nhỉ?

Hỏi thăm chỗ nào tĩnh nhất như thế có khác gì hứa sẽ cho một số tiền boa hậu hĩnh nếu để cho ông ta yên?

- Nếu ông muốn ở trên toa này, - vừa nói người nhân viên vừa lập tức hạ các rèm cửa sổ xuống, - tôi nghĩ rằng tôi có thể đưa các khách đi tàu lên toa kia...

- Tuyệt vời! - Ông Rambert tán đồng vừa đi tới khoang tàu được chỉ dẫn, - tôi sẽ hút một điếu xì gà cho tới khi tàu chạy, sau đó thu xếp để làm ngay một giấc... Ái chà chà! Anh bạn ơi, anh tích cực giúp đỡ quá, sáng mai anh làm ơn gọi tôi dậy nhé, vào lúc xuống Verrières ấy nhé... tôi thường ngủ say lắm khó lòng tự thức dậy được...

*

* *

Ở lâu đài Beaulieu, chàng thanh niên Charles Rambert đã dậy rửa mặt mũi xong xuôi thì có người gõ cửa phòng anh nhè nhẹ.

- Anh Charles! Năm giờ kém mười lăm rồi... Dậy ngay đi thôi!

Charles Rambert trả lời với giọng kiêu hãnh:

- Tôi đã dậy rồi Thérèse ạ. Hai phút nữa là xong...

Giọng cô thiếu nữ nhận xét qua cánh cửa:

- Anh đã dậy rồi sao? Tuyệt quá! Xin có lời khen anh... mặc áo quần xong anh xuống dưới nhà ngay nhé...

- Vâng! - Chàng thanh niên đáp.

Chàng mặc xong quần áo, một tay cầm đèn, tay kia nhẹ nhàng mở cánh cửa phòng mình sao khỏi gây ra tiếng động rồi nhón chân đi theo hành lang ra đầu cầu thang và xuống phòng ăn nơi Thérèse đang đợi.

Cô bé vốn thạo công việc nội trợ đã bày sẵn một bữa ăn nhẹ. Cô đề xuất:

- Ta ăn sáng nhanh lên, sáng nay tuyết không rơi, nếu anh muốn ta có thể đi bộ ra ga. Hãy còn sớm, đi bộ một chút rất tốt!

- Và sẽ nóng người lên nữa, - Charles Rambert trả lời, vẫn đang còn ngái ngủ, ngồi xuống cạnh Thérèse dùng bữa điểm tâm mà cô bé đã chuẩn bị.

Cô cháu gái bà hầu tước de Langrune nói:

- Anh biết không, dậy đúng giờ như vậy tuyệt quá đấy. Anh làm thế nào vậy? Tối hôm qua anh cứ sợ dậy muộn như mọi khi cơ mà…

- Có thể lắm chứ, nhưng cô Thérèse ạ, phải thú thật với cô rằng tôi bồn chồn quá, và rất lo ngại vè chuyện ba tôi đến sáng nay… Tôi có ngủ được mấy đâu!

Cả hai ăn bữa sáng xong. Thérèse đứng lên.

- Ta đi nhé? - Cô hỏi

- Vâng ta đi.

Thérèse mở cửa gian tiền phòng, hai cô cậu bước xuống những bậc thềm dẫn ra vườn.

Qua khu chuồng ngựa họ thấy một tay bồi ngựa đang chuẩn bị đưa một chiếc xe ngựa từ nhà để xe ra.

- Đừng vội làm gì Jean ạ! - Thérèse kêu lên sau khi chào anh gia nhân; chúng tôi đi bộ ra ga, quan trọng là anh làm sao ra ga kịp đón chúng tôi về.

Người gia nhân cúi đầu. Hai cô cậu qua cổng bước ra đường cái.

Cô cháu bà hầu tước de Langrune hỏi:

- Đi đón ba anh thế này hẳn anh hài lòng lắm nhỉ?... Hình như đã lâu lắm rồi anh chưa gặp ông ấy?

- Từ ba năm nay rồi cô ạ, - Charles Rambert đáp, - mà hôm ấy cũng chỉ thoáng thấy ông ấy có vài phút... Ông từ Mỹ trở về, mà trước khi đi Mỹ ông đã đi Tây Ban Nha rất lâu...

- Chắc ông sẽ thấy anh khác hẳn đi chứ nhỉ?

- Ồ! - Chàng thanh niên trả lời - Kể cũng buồn, nhưng ba với tôi, chúng tôi biết nhau quá ít!...

- Phải, tôi có nghe bà tôi nói, chủ yếu là mẹ anh nuôi anh, phải không?...

Charles Rambert buồn bã gật đầu trả lời cô bạn đồng hành:

- Thực ra chẳng ai nuôi tôi cả! Thérèse ạ, cô biết đấy, cố sức nhớ lại tôi cũng chỉ nhớ về cha mẹ tôi như những người xa lạ, thỉnh thoảng lắm mới gặp, tôi yêu họ, nhưng họ làm tôi sợ... cứ như sáng nay đi làm quen với ba tôi chẳng hạn.

- Hồi anh còn bé ông ấy cũng cứ đi suốt à?

- Phải, ông ấy hết đi Colombie để giám sát những đồn điền cao su mà ông sở hữu, lại sang Tây Ban Nha nơi ông cũng có nhiều đất đai... Mỗi lần qua Paris ông lại đến trường nội trú thăm tôi, hai cha con gặp nhau mười lăm phút... ngoài hành lang...

- Còn mẹ anh?

- Ô! Mẹ tôi lại là chuyện khác!... Cô biết không Thérèse, cả tuổi thơ ấu của tôi... ít nhất là tuổi thơ ấu mà tôi còn nhớ được, đối với tôi, chỉ là trôi qua trong trường nội trú!

- Dù sao thì anh cũng yêu mẹ anh chứ?

- Vâng, tôi yêu bà, - Charles Rambert trả lời, - nhưng nói cho cùng thì tôi cũng chẳng biết gì về bà cả...

Thérèse tỏ ra ngạc nhiên, chàng trai nói tiếp, kể hết với cô tuổi thơ cô đơn của mình mà xưa nay chàng vẫn giữ kín:

- Thérèse ạ, lúc này thi đã là một người đàn ông tôi mới hiểu ra rằng cha mẹ tôi không hòa hợp với nhau. Lúc nhỏ đâu tôi có ngờ. Hồi nhỏ lúc nào tôi cũng thấy mẹ tôi im lặng và buồn bã, buồn lắm. Trong khi cha tôi luôn năng động, hoạt bát, vui vẻ, ăn to nói lớn... Tôi có cảm giác ông làm cho mẹ tôi sợ! Khi một người đầy tớ dẫn tôi về nhà vào những ngày thứ năm, người ta đưa tôi đến chào mẹ tôi, lúc nào tôi cũng thấy bà năm trên một chiếc ghế dài trong phòng mình nơi rèm cửa luôn buông xuống khiến cho không gian nửa sáng nửa tối. Bà chạm nhẹ môi hôn tôi, hỏi han tôi vài câu, thế rồi người ta lại dẫn tôi đi ngay sợ bà mệt...

- Hồi ấy bà đã ốm rồi ư?

- Lúc nào mẹ tôi cũng ốm cả...

Thérèse im lặng vài phút rồi kết luận:

- Vậy ra anh chẳng sung sướng gì...

- Ồ, khi lớn lên tôi mới khổ sở, lúc còn bé tôi đâu có nghĩ gì đến nỗi buồn vì không cha không mẹ…

Vừa nói chuyện, Thérèse và Charles vừa bước nhanh và đã đi được nửa đường ra ga Verrières.

Ngày đã rạng nhưng chưa tỏ lắm; một ngày u ám như những ngày của tháng mười hai, đã thế lại còn lác đác những đám mây lớn bay là là mặt đất.

- Tôi thì, - Thérèse nói, - cũng chẳng sung sướng gì cả, mới bé tí tôi đã mất cha, tôi chẳng còn nhớ gì về ông cả… và mẹ tôi cũng đã mất hay sao ấy…

Câu nói nửa kín nửa hở của Thérèse làm Charles Rambert đâm tò mò.

- Thế là thế nào hả Thérèse? Cô có vẻ như không biết mẹ cô đã mất hay chưa là sao?

- Biết chứ, ồ, bà tôi bảo thế mà… nhưng… cứ mỗi lần tôi muốn hỏi chi tiết sự qua đời của mẹ tôi thì bao giờ bà tôi cũng nói lảng! Tôi tự hỏi không biết mọi người có giấu tôi điều gì không… và có phải mẹ tôi đã không còn ở trên đời này nữa không?

Họ đã tới mấy khóm nhà ở gần ga Verrières, lần lượt nhà nọ tiếp nhà kia mở cửa sổ, mở cửa ra vào…

-Ta đến sớm quá, - Thérèse nhận định, tay chỉ vào chiếc đồng hồ nhà ga ở xa xa. - Tàu chở ba anh sẽ tới đây vào 6 giờ 55 phút, bây giờ mới có 6 giờ 40, ta còn phải chờ mười lăm phút nữa… nếu như tàu không đến trễ!

Họ vào trong nhà ga nhỏ nơi chẳng có lấy một hành khách nào và Charles Rambert, mừng có chỗ trú chân vì sáng sớm trời rất lạnh. Anh ta đá đá chân mấy cái gây tiếng động ầm ầm trong gian phòng trống rỗng.

Một nhân viên khuân vác xuất hiện:

- Trời ơi! Kẻ nào vậy, kẻ nào làm ồn lên vậy? - Ông ta nổi cáu…

Nhưng nhìn thấy Thérèse ông ta thôi ngay:

- À, cô Thérèse, sớm thế này mà cô đã dậy rồi ư?... Cô đi đón ai xuống tàu chăng? Hay là cô lên tàu đi đâu?

Vừa nói người nhân viên khuân vác vừa nhìn Charles Rambert một cách tò mò, hai ngày trước việc chàng đến đây vốn đã gây ra một sự xôn xao.

- Không ạ, - Thérèse trả lời, - tôi không đi, tôi chỉ đi cùng ông Rambert đến đón ba ông ấy thôi.

- A! Ông đi đón ba ông, thưa ông… chắc ba ông đến từ xa lắm? - Người nhân viên hỏi.

- Từ Paris ạ, - Charles Rambert trả lời, - tàu đã có dấu hiệu gì đến chưa ạ?

Người nhân viên khuân vác rút đồng hồ quả quýt ra xem giờ rồi đáp:

- Còn hai mươi phút nữa kia mà! Ôi trời, đang sửa chữa ở chỗ đường hầm thành ra giờ đây tàu luôn luôn đến trễ…

Thông báo xong ông này xin lỗi:

- Tôi phải đi làm việc đây cô Thérèse ạ…

Thérèse quay về phía Charles Rambert:

- Anh có thấy chờ tàu như vậy lâu quá không? - Cô hỏi.

- Cũng hơi lâu...

- Ta ra sân ga xem tàu đến đi!

Họ rời phòng chờ và đi đi lại lại trên sân ga.

Thérèse vẫn theo dõi kim đồng hồ nhà ga chạy giật giật, mỉm cười với Charles Rambert:

- Chỉ còn năm phút nữa là ba anh đến thôi!... Còn bốn phút nữa... A tàu đây rồi...

Cô lấy ngón tay trỏ chỉ vào một ngọn đồi nhỏ ở xa xa trên đó một vệt khói mảnh trắng xóa bay thẳng lên nền xanh lơ của chân trời lúc này đã hiện rõ:

- Anh trông thấy chưa? Đúng rồi chứ? Hơi nước bốc lên từ đầu tàu vừa ra khỏi đường hầm đấy.

Cô bé chưa nói xong thì có tiếng chuông vang lên trong nhà ga hoang vắng.

- A! - Charles Rambert kêu lên. - Lần này thì...

Một nhân viên khuân vác đi qua chỗ Thérèse bảo cô:

- Đứng vào đoạn giữa sân cô ạ, toa hạng nhất ở đoạn ấy.

Charles và Thérèse vừa kịp theo lời khuyên ân cần ấy thì đoàn tàu hiện ra. Chiếc đầu tàu vừa thở phì phò vừa chạy chậm lại và cả đoàn tàu nặng nề tiến từ từ rồi dừng hẳn.

Ngay trước mặt Charles và Thérèse là toa hạng nhất. Đứng ở bậc lên xuống là một ông già trông rất lịch sự, dáng dấp kiêu hãnh: đó là Etienne Rambert.

Liếc một cái ông thấy ngay Thérèse và Charles. Nắm lấy chút hành lý ít ỏi, ông nhảy xuống sân ga. Vứt chiếc va-li con xuống, ông ném gói chăn lên một cái ghế dài, rồi xiết chặt hai vai Charles:

- Con tôi! - Ông nói. - Con trai yêu quý của tôi!

Rõ ràng là ông cố nén xúc động...

Về phía mình, Charles cũng không tỏ ra thờ ơ. Mặt chàng nhợt ra một cách kỳ lạ và giọng chàng run rẩy trong khi kêu lên:

- A! Ba! Ba thân yêu của con! Được gặp lại ba con mừng quá!

Thérèse kín đáo đứng cách ra xa. Ông Rambert vẫn nắm chặt hai vai con trai, lùi lại mấy bước để ngắm chàng được kỹ hơn và nhận xét:

- Con đã là một người đàn ông rồi còn gì!... Con thay đổi nhiều quá, con trai ạ… Đúng như cha mong muốn, cao lớn, mạnh mẽ… A!

Con đúng là con trai của ba!... Con khỏe mạnh lắm! Nhưng con có vẻ mệt mỏi quá nhỉ?

Charles mỉm cười thú nhận:

- Đêm qua con không ngủ được, chỉ sợ không thức dậy kịp...

Quay đầu lại ông Rambert trông thấy Thérèse, ông đưa tay ra.

- Chào cô, cô Thérèse bé bỏng... Cả cô nữa, cô cũng thay đổi nhiều từ khi tôi gặp cô lần trước... Lúc ấy cô còn là một cô bé con, giờ thì cô là một thiếu nữ xinh đẹp.

Thérèse thân mật xiết tay ông Rambert và cảm ơn ông:

- Bà tôi vẫn khỏe thưa ông, bà tôi có nhờ tôi xin lỗi ông không ra đón ông được vì bác sĩ không cho phép bà dậy sớm...

- Không sao cháu ạ, tôi còn phải cảm ơn bà vì bà đã cho Charles Rambert đến ở.

Đoàn tàu đã rời đi, một người đàn ông đến gần ông Rambert.

- Thưa, ông mang theo hành lý chứ ạ.

Trở lại những vấn đề thiết thực, Etienne Rambert nhìn chiếc gương mà nhân viên khuân vác đã trân trọng dỡ từ toa hành lý xuống.

- Trời ơi… - Ông vừa bắt đầu thì Thérèse đã kịp đỡ lời:

- Bà cháu nói là hành lý nặng thì sẽ cho người đi lấy trong buổi sáng nay còn bây giờ thì ông mang theo va-li xách tay cùng với những gói nhỏ lên xe ngựa đi về cùng chúng cháu…

- Sao… bà cháu cẩn thận cho xe ra đón cơ à?

- Beaulieu ở khá xa ạ, thưa ông. - Thérèse đáp lại… - Ông thử hỏi Charles mà xem!...

Cả ba người đã ra ngoài nhà ga. Thérèse ngạc nhiên dừng lại.

- Lạ quá, sao lại thế được? Chẳng thấy xe đâu cả là thế nào?... Lúc sáng khi ta rời lâu đài, Jean đã bắt đầu thắng ngựa vào xe rồi cơ mà…

Ông Etienne Rambert, một bàn tay vẫn để trên vai con trai và thỉnh thoảng lại nhìn con trai một cái nhìn trìu mến, mỉm cười với Thérèse:

- Cháu ơi, chắc anh ta đến muộn thôi… Cháu có biết bây giờ ta nên làm gì không? Vì sáng nay thế nào bà cháu cũng cho người đến lấy hành ly cho nên tôi chẳng cần mang theo chiếc va-li này làm gì nữa. Ta gửi tất cả lại phòng giữ hành lý của nhà ga rồi sẽ đi bộ về lâu đài; nếu như tôi còn nhớ… mà tôi nhớ kỹ lắm nhé, chỉ có mỗi một con đường thôi; thế cho nên ta sẽ gặp Jean dọc đường và sẽ lên xe khi gặp anh ta vậy…

Thế là mấy phút sau cả ba người lên đường đi bộ về Beaulieu.

Ông Etienne Rambert xúc động nhận ra tất cả các chỗ ngoặt, tất cả mọi cảnh vật.

Ông vừa cười vừa nói:

- Ai dám bảo là tôi còn có lúc trở lại đây vào năm sáu mươi tuổi với cậu con trai mười tám tuổi đi bên cạnh! Và tôi vẫn còn nhớ nguyên, như chỉ mới ngày hôm qua, nhưng buổi hội họp và tôi đã được tham dự ở lâu đài Beaulieu… Này cháu Thérèse, có phải chỉ qua cánh rừng này là ta trông thấy mặt trước của lâu đài không?

- Đúng lắm ạ, - cô gái cười nói, - ông biết rõ vùng này quá thưa ông.

-Phải, - Etienne Rambert thú thật, - đến tuổi tôi ấy mà, cháu Thérèse ạ, bao giờ người ta cũng nhớ lại những ngày hạnh phúc của tuổi trẻ mình.

Ông Rambert im lặng ít phút như đắm chìm trong những suy nghĩ buồn bã. Tuy nhiên ngay sau đó ông lại nói tiếp:

- Ồ! Ồ! Người ta đã thay đổi cái hàng rào của vườn hoa rồi… Trước đây làm gì có bức tường này, trước đây chỉ có hàng rào thôi.

Thérèse cười:

- Cháu thì cháu lại chẳng biết cái hàng rào nó thế nào.

- Vậy ta có phải, - Ông Rambert hỏi, - đi tới cổng sắt chính, hay là ba cháu có cho một cái cửa ra vào nữa…

- Ta sẽ đi cổng sau ạ, - cô gái trả lời, - … như vậy qua khu chuồng ngựa ta sẽ biết được tại sao Jean không đi đón ta.

Quả vậy, cô gái mở một cái cửa nhỏ ẩn trong lớp rêu và cây leo, để ông Rambert và Charles vào trước và ngay lập tức cô ngạc nhiên:

- Nhưng Jean đã đi cùng chiếc xe ngựa rồi còn gì, ngựa không còn ở trong chuồng nữa… Sao ta lại không gặp anh ta nhỉ?

Rồi cô cười, và đột nhiên có vẻ thích thú:

- Tội nghiệp Jean, - cô nói, - anh chàng đãng trí quá! Tôi dám cuộc anh ta chờ chúng ta ở Saint-Jaury, cũng như mọi buổi sáng để đưa tôi từ nhà thờ về…

Nhóm ba người Etienne Rambert, Thérèse và Charles tới lâu đài.

Qua dưới cửa sổ buồng bà de Langrune, Thérèse vui vẻ gọi lên:

- Bà ơi, bọn cháu về cả đây rồi!

Nhưng chẳng thấy ai trả lời cả.

Mặt khác, ở cửa sổ phòng bên cạnh lại xuất hiện viên quản lý Dollon, ông này làm một cử chỉ kỳ quặc như bảo phải im lặng!...

Thérèse vội vàng tiến lên trước các vị khách, vừa bước được vài bước thì con người tin cẩn của bà de Langrune cuống cuồng chạy vội xuống các bậc thềm của lâu đài đẻ tới gặp ông Rambert.

Viên quản lý già mặt mày hoảng loạn, xưa nay tác phong kính cẩn là thế mà nay dám nắm lấy cánh tay ông Rambert bằng một cử chỉ cấp bách, gạt hai cô cậu Thérèse và Charles sang bên, kéo ông khách ra một chỗ:

- Khủng khiếp quá thưa ông, - ông ta nói, - thật khủng khiếp, vừa xảy ra một tai họa... sáng nay chúng tôi vừa tìm thấy bà hầu tước... tử nạn, bị ám sát ngay trong phòng bà...

Chap 3: Cuoc san nguoi

Ông de Presles, quan tòa dự thẩm do Viện công tố Brive ủy nhiệm, vừa đến lâu đài Beaulieu.

- Ông Dollon! - Ông hỏi viên quản lý. - Ông làm ơn kể chính xác tôi nghe làm sao ông biết có vụ ám sát này.

- Thưa quan tòa, - viên quản lý trả lời, - cũng như mọi buổi sáng, sáng nay tôi đến chào bà de Langrune và xem hôm nay bà sai bảo việc gì. Tôi gõ cửa như thường lệ, bà de Langrune không trả lời… tôi lại gõ mạnh hơn… vẫn không thấy gì hết! Tôi đang tự hỏi không biết vì lẽ gì mà tôi lại mở cửa chứ không rút lui… Có lẽ có linh tính chăng?... Ôi, xin đảm bảo với ông là không bao giờ tôi quên được cái cảm giác của mình lúc ấy. Khi nhìn thấy bà chủ quý mến nằm vật dưới chân giường, cổ họng bị cắt một cách vô cùng kinh hãi gần như đầu lìa khỏi thân mình!...

Đội trưởng đội hiến binh khẳng định lời viên quản lý:

- Thưa quan tòa quả thật vụ ám sát này được thực hiện một cách vô cùng thô bạo đến hãi hùng… Những vết thương quá ghê tởm…

- Vết thương do dao chém ư? - Ông de Presles hỏi.

Viên đội trưởng hiến binh làm một cử chỉ nghi hoặc:

- Tôi cũng không rõ… Để ngài đích thân tự phân tích…

Vị quan tòa được viên quản lý dẫn đi, bước vào căn phòng mà Dollon đã hết sức thông minh không cho ai động chạm vào một cái gì.

Phòng rộng, trang trí đơn giản bằng đồ đạc đã cũ.

Giữa phòng kê một cái bàn một chân bằng gỗ dái ngựa.. Góc phòng, trên tường, treo một cây thánh giá lớn.

Cuối cùng là một tủ bàn giấy nhỏ, đặt hơi xa một chút, nửa mở ra, các ngăn kéo cũng hé mở, giấy tờ vương vãi trên mặt đất…

Không có lối vào nào khác ngoài cảnh cửa mà vị quan tòa vừa bước qua. Cánh cửa này mở ra hành lang chính của

tầng

hai. Trong phòng còn có một cánh cửa nữa thông từ phòng ngủ sang phòng rửa mặt của bà hầu tước.

Quan tòa bước vào trông thấy xác bà hầu tước. Bà ngã ngửa, hai cánh tay dang ra, đầu nằm phía giường, chân ra phía cửa sổ.

Người chết mặc quần áo nửa thân. Một vết thương rạch sâu ở cổ.

Ông de Presles theo bản năng bỏ mũ, cúi xuống người đã chết:

- Quá kinh hãi! - Ông thì thầm. - Vết thương mở khủng khiếp làm sao!

Vừa ngắm nhìn xác ông vừa hỏi viên quản lý già Dollon:

- Tất cả đồ đạc trong phòng vẫn nguyên vẹn đấy chứ?

- Thưa ông vâng.

Vị quan tòa chỉ chiếc tủ bàn giấy mà các ngăn kéo đều mở, hỏi kỹ:

- Không ai động chạm đến chiếc tủ bàn giấy này chứ?

- Thưa ông không ạ.

- Có lẽ bà de Langrune để những đồ quý giá trong đó chăng?

Viên quản lý làm một cử chỉ nghi ngờ:

- Bà hầu tước ít khi để những món tiền lớn ở lâu đài lắm… có lẽ chỉ độ vài nghìn franc cho việc tiêu dùng hàng ngày mà thôi.

Ông de Presles đưa ra nhận xét:

- Theo ông thì vụ giết người này có phải do động cơ tiếm của không?

Viên quản lý nhún vai:

- Có thể tên giết người nghĩ rằng bà de Langrune có nhiều tiền chăng?... Nếu vậy thì hắn điên bởi hắn đã không lấy đi mấy chiếc nhẫn bà hầu tước trước khi đi ngủ đã tháo ra để trên bàn trang điểm.

Vị quan tòa làm như không để ý gì đến nhận xét của viên quản lý, chầm chậm đi quanh gian phòng.

- Cửa sổ này vẫn mở chứ?

- Bà hầu tước bao giờ cũng để ngỏ vì sợ khó thở, bà muốn có càng nhiều không khí càng tốt.

Quan tòa hỏi:

- Kẻ sát nhân có thể vào lối này chăng?

Viên quản lý lắc đầu:

- Khó lắm thưa ông, đây ông xem: phía ngoài cửa sổ có lưới sắt nhô ra không trung và chĩa những đầu nhọn xuống dưới đất, làm sao leo lên được.

Vị quan tòa mở cửa sổ ra và thấy rằng viên quản lý đã nói đúng...

Tiếp tục xem xét ông khẳng định theo như vị trí đồ đạc trong phòng thì kẻ sát nhân không đi qua lối này... Cuối cùng ông tới cánh cửa mở ra hành lang.

- Ái cha, một chi tiết thú vị đây!

Ông de Presles lấy ngón tay chỉ vào cái chốt trong của cánh cửa nơi có chiếc đinh ốc bị long ra một nửa, chứng tỏ có người muốn phá ổ khóa.

Ông hỏi:

- Tối nào bà de Langrune cũng chốt cửa chứ?

- Vâng, đúng thế!

Ông de Presles không đáp lại. Ông đi thêm một vòng quanh phòng, xem xét kỹ lưỡng vị trí của từng đồ vật một rồi gọi người hiến binh đang đứng chờ lệnh nơi chiếu nghỉ cầu thang:

- Anh bạn, - ông nói, - anh hãy đi tìm ông thư ký tòa án của tôi ngồi chờ trong xe, bảo ông ấy lên ngay hộ tôi... Ông Dollon, ông tìm chỗ nào có thể đặt cho tôi một cái bàn... một lọ mực... những gì tôi cần, để có thể tiến hành hỏi cung sơ bộ, được không ông?

Trong khi viên quản lý thực hiện yêu cầu của quan tòa, đưa quan tòa sang buồng bên cạnh thì người hiến binh đi tìm thư ký tòa án, ông này vào ngay.

- Thưa quan tòa, - người hiến binh cung kính chào vị quan tòa, - thư ký tòa án của ngài đang chờ trong thư viện dưới nhà, và đang bố trí công việc...

Ông de Presles khó kiềm chế nổi một cử chỉ bực dọc...

- Được!... - Ông nghĩ, tay Gigou này đang định tiến hành điều tra theo cách của hắn đây!...

Tuy nhiên ông nói to với viên quản lý.

- Nào, nếu không có gì trở ngại, chúng ta xuống gặp ông ta...

Ông de Presles, giữ trọng trách về công việc thẩm cứu của tòa án Brive, là người đối lập hẳn với tay như ký lục sự. Vị quan tòa vừa trẻ vừa lịch sự, dáng vẻ cao sang, con người lịch thiệp.

Còn Gigou, thư ký tòa án của ông thì ngược lại, vừa lùn vừa mập, bản chất dễ dãi, tính khí thất thường. Ông này là một thể hiện tuyệt vời của tổ chức quan tòa ở tỉnh lẻ, ưa thích hơn hết những thể thức dài dòng, những sự vụ hành chính quan liêu, những thủ tục lê thê không bao giờ chấm dứt.

Tuy nhiên ông de Presles và tay thư ký tòa án của mình lại cùng phấn chấn vì những tình cảm gần như giống nhau trong khi đến lâu đài Beaulieu.

Sáng hôm đó hai người cùng bị đánh thức bởi ông chưởng lý của Tòa án Brive, họ đã tưởng đến ngay từ đầu những điều lợi lộc cho mình có thể rút ra từ vụ ám sát này, "vụ việc" từ trên trời rơi xuống này.

Là một thư ký tòa án nghiêm chỉnh, cũng như một dân tỉnh lẻ đích thực, anh chàng Gigou ưu việt nhìn thấy ngay đây là một cơ hội để đi đó đi đây, một vụ điều tra với nhiều quá trình, nhiều văn bản. Còn ông de Presles thì nghĩ tới một vụ ám sát cho phép mình tỏ rõ tài năng để có thể đi đến thành đạt, biết đâu được thuyên chuyển tới vị trí cao hơn cũng nên.

Tiếc thay vừa đến Beaulieu tay thư ký tòa án đã thấy một phần hy vọng của mình bị tiêu tan vì ông de Presles tiến hành điều tra theo phương pháp chớp nhoáng, về phía quan tòa dự thẩm thì chẳng mấy chốc đã hiểu là nếu như vụ án bà de Langrune có thể một ngày kia đưa lại cho ông vinh quang, thì trước mắt ông đã phải đối đầu với bao lo toan suy nghĩ... một vụ thẩm cứu, một vụ thẩm cứu quan trọng chẳng dễ dàng như ông hình dung lúc ban đầu!...

Việc hỏi cung liệu có hay ho gì không đây? Ông de Presles tự hỏi với nỗi lo lắng thực sự trong khi theo viên ông quản lý vào thư viện dưới nhà, nơi tay lục sự đảm đang đã thiết lập xong bàn giấy tam thời của mình.

Quan tòa dự thẩm ngồi xuống sau một chiếc bàn rộng và gọi người hiến binh:

- Anh cho tôi biết đã đem tới bưu điện bức điện tín tôi giao cho anh lúc tôi đến đây chưa?

- Dạ thưa quan tòa rồi ạ... bức điện tín yêu cầu cử một thanh tra bên an ninh, gửi cho cảnh sát trưởng thành phố Paris phải không ạ?

- Phải rồi, đúng đó.

- Chính tay tôi đem đến chỗ đánh điện thưa ngài...

Yên tâm về mặt này rồi vị quan tòa trẻ tuổi quay về phía viên quản lý Dollon.

- Mời ông ngồi xuống, - quan tòa bảo.

Và xem ra chẳng để tâm gì - mặc ánh mắt không đồng tình của thư ký tòa án - đến những câu hỏi theo thông lệ như tên, tuổi, nghề nghiệp người làm chứng, ông de Presles tiến hành ngay việc hỏi cung, bắt đầu bằng viên quản lý có tuổi.

- Ông cho biết sơ đồ chính xác của lâu đài?

- Thưa quan tòa dự thẩm, bây giờ ngài đã biết cũng như tôi rồi: Hành lang đi từ cửa vào tới tầng trệt dẫn tới cầu thang lớn mà ta vừa đi lên tầng trên nơi có phòng bà hầu tước. Tầng hai này thì gồm một loạt văn phòng riêng biệt ngăn cách với nhau bởi hành lang ở giữa.

Bên phải là phòng cô Thérèse, tiếp theo là mấy căn phòng dự trữ cho bạn bè, không ai ngủ trong đó cả... bên trái là phòng bà hầu tước dính liền phòng toa-lét, tiếp theo đó ngay sau phòng toa-lét của bà hầu tước thì là một phòng toa-lét khác rồi đến phòng ông Charles Rambert, chàng thanh niên mà tôi đã nói chuyện với ông lúc nãy.

- Được rồi. Còn tầng ba thì bố trí thế nào?

- Thưa quan tòa, - viên quản lý nói tiếp, - tầng ba cũng giống như tầng hai, có điều lẽ ra là phòng chủ nhà thì lại là phòng đầy tớ.

- Những đầy tớ nào ngủ ở lâu đài?

- Thường thì hai bà người ở, Marie hầu phòng và Louise nấu ăn, rồi ông Hervé đầu bếp... nhưng tối qua ông Hervé không ngủ ở lâu đài vì đã xin phép bà hầu tước vào trong làng và được bà cho phép với điều kiện không quay về đây ban đêm.

- Ông nói thế nghĩa là thế nào? - Quan tòa ngạc nhiên hỏi.

- Thưa quan tòa nó là thế này ạ, bà hầu tước là người nhút nhát, bà rất sợ đêm có kẻ gian vào nhà do đó tự tay bà tối tối khóa chiếc khóa an toàn ở cửa ra vào chính và cửa bếp. Mỗi tối bà đi thăm một lượt mọi phòng, bảo đảm các cửa sắt đều được kéo kín như vậy không ai lọt vào nhà được. Buổi chiều nếu như Hervé về làng thì hoặc ngủ lại đó, chỉ trở lại đây sáng hôm sau thí dụ như hôm nay chẳng hạn, hoặc phải nói với người đánh xe để ngỏ cửa sau để ngủ trong một phòng bỏ trống ở trên chuồng ngựa.

- Nơi những gia nhân còn lại ngủ ở đó?

- Vâng, thưa ông.

Ông de Presles im lặng một lát đắm chìm trong suy nghĩ. Người ta chỉ nghe thấy sột soạt tiếng bút lông ngỗng của thầy lục sự:

Cuối cùng ông de Presles ngẩng đầu lên:

- Như vậy thì đêm bà hầu tước bị ám sát chỉ có mấy người ngủ trong lâu đài: bà hầu tước, cô cháu gái Thérèse, ông Charles Rambert và hai bà đầy tớ.

- Vâng, thưa ông.

- Thế thì, - vị quan tòa nói tiếp, - khó lòng nghĩ được không ai khác ngoài người ở trong lâu đài đã phạm tội ác phải không nào?

- Thưa quan tòa đúng như thế, tuy nhiên...

Quản lý Dollon ngừng bặt như sợ chính những điều mình sắp nói...

- Tuy nhiên làm sao? - Quan tòa hỏi.

- Trời đất ơi, - Dollon thú nhận, - chỉ có hai người có chìa khóa cửa vào: tôi và bà hầu tước mà thôi...

- Nói cách khác, - vị quan tòa nói rõ thêm, - với những đề phòng kỹ đến như thế, ông không hiểu tại sao lại có người vào trong lâu đài chứ gì?

- Vâng, thưa ông!... Hơn nữa tôi không tin có người từ ngoài vào lâu đài.

Viên quản lý bối rối.

- Hay là có người nào vào lâu đài từ ban ngày rồi ẩn núp ở đâu đó đến đêm mới ra tay hành sự? Xin ông nhớ cho, ông Dollon ạ, chốt cửa trong ở cửa phòng de Langrune bị giật ra... vậy thì kẻ sát nhân đã dùng vũ lực mà vào qua cửa đó...

Viên quản lý lắc đầu:

- Không, thưa quan tòa, không ai ẩn núp ở lâu đài ban ngày được. Lúc nào trong bếp cũng có người cho nên ai vào là người ta biết ngay. Mặt khác suốt chiều qua mấy người làm vườn đều làm cỏ ngay gần cổng chính... người lạ xuất hiện ở đó tất sẽ bị trông thấy... với lại, bà de Langrune đã ra lệnh, mà lệnh này tôi thực hiện rất nghiêm ngặt, tức là lúc nào cũng phải chặn đường từ tầng hầm lâu đài dẫn lên cầu thang. Giả sử có người trốn trong tầng hầm...họ trốn vào chỗ nào mới được chứ?... Và đời nào con chó giữ nhà suốt ngày xích ở chân cầu thang lại để cho hắn đi qua? Vậy con chó phải quen kẻ lạ mặt... hoặc kẻ lạ đã ném cho nó miếng thịt... nhưng như vậy hắn phải để lại dấu vết... Không có chuyện gì giống như thế xảy ra cả.

Vị quan tòa dự thẩm hỏi viên quản lý:

- Vậy thì, ông Dollon ơi, làm sao giải thích được tội ác này!... Theo như phẩm cách của những người ngủ tại lâu đài thì rõ ràng là ta không thể tìm trong số họ kẻ gây tội ác được... Ông vừa nói với tôi lúc nãy là chỉ có bà Langrune, hai đứa trẻ Thérèse và Charles, hai bà người ở... Làm sao một trong những người nói trên là tội phạm cơ chứ?... Hắn phải từ bên ngoài vào. Chẳng lẽ ông không có chút nghi ngờ nào sao?

Viên quản lý giơ hai tay lên với vẻ mệt mỏi rã rời:

- Thưa không. Tôi không nghi cho ai cả, tôi không thể nghi ai cả... Ấy nhưng ông xem, thưa ông, tôi thì tôi khẳng định không phải kẻ giết người ở trong những người ngủ tại lâu đài đêm qua, hắn cũng không phải người ở bên ngoài vào... vì nó phi lý lắm, cửa ra vào thì khép kín, các cánh cửa sắt cũng đóng chặt.

Ông de Presles nhìn viên quản lý, hết sức lạ lùng vì kết luận.

- Tuy nhiên, - ông nói, - một khi đã có người bị giết tức là phải có kẻ nào đó náu mình bên trong lâu đài trước lúc bà de Langrune đích thân khóa cửa lâu đài hoặc nếu không thì phải có kẻ nào đó ban đêm từ bên ngoài đột nhật vào trong lâu đài chứ?

Viên quản lý ngần ngừ một chút rồi khẳng định:

- Thật là một bí mật!... Thưa quan tòa, tôi thì tôi đoán chắc không ai có thẻ vào được lâu đài... thế nhưng kẻ sát nhân cũng khôn, cô Thérèse hoặc hai bà người ở...

Ông de Presles sau vài phút suy nghĩ, phái viên quản lý đi tìm hai bà người ở.

- Ông Dollon, ông quay lại đây chứ? - Vị quan tòa hỏi khi ông Dollon bước đi. - Có thể tôi còn cần hỏi thêm ông đấy!

Chap IV

: Không! Tôi không điên!....

Sáng hôm sau nữa của ngày xảy ra vụ án mạng tức là sáng thứ sáu, bà bếp Louise, còn đang hoảng hồn vì tấn bi kịch khủng khiếp, vừa xảy ra ở Beaulieu, đi xuống chỗ bếp lò để nấu ăn.

Bình minh vừa ló rạng, người đàn bà nhân hậu phải thắp đèn dầu lên để trông cho rõ. Đầu óc để tận đâu đâu, với những cử chỉ tự động như máy, bà chuẩn bị bữa sáng cho gia nhân và các vị khách trong lâu đài. Đột nhiên một tiếng gõ khô khốc vào cửa sau nơi đi vào sân sau của khu phụ làm bà giật nảy mình.

Louise ra mở cửa và không nén được một tiếng kêu nghẹn ngào khi trông thấy trong ánh rạng đông nửa tối nửa sáng những chiếc mũ hai mũi của hiến binh hiện rõ nét trên nền trời xanh nhạt.

Hai chiếc mũ đi kèm hai bên hai nhân vật thảm hại. Louise vừa hé cửa thì tay đội trưởng đội trưởng hiến binh đã quen binh hiện rõ nét trên nền trời xanh nhạt.

- Bà tốt bụng ơi, - tay đội trưởng chào bà theo kiểu quân sự - bà cho chúng tôi vào nhờ nhé, chúng tôi và hai tay lang thang này, chúng cứ quanh quẩn ở vùng lân cận đây.

Bà già Louise sợ quá ngắt lời:

- Lạy chúa, thưa ông đội trưởng hiến binh, ông dẫn tụi cướp đến nhà này sao? Ông muốn tôi để chúng vào đâu bây giờ?

Tay hiến binh Morand mỉm cười, còn tay đội trưởng nói:

- Thì trong bếp bà đây chứ đâu!...

Thấy bà người ở phẩy tay từ chối, đội trưởng hiến binh nói tiếp:

- Phải thế chứ còn sao nữa! Hơn nữa bà đừng sợ: hai tên cướp này thì còng tay rồi, chúng thoát làm sao được. Với lại chúng tôi vẫn ngồi kèm đây. Chúng tôi chỉ đợi ngài quan tòa dự thẩm thôi.

Hai tay hiến binh đẩy lên trước hai nhân vật thảm thương kia.

Louise, đang như một cái máy đi cho thêm nước vào thùng nước nóng trên bếp đã bắt đầu reo, nghe thấy mấy tiếng sau cùng bèn quay lại.

- Quan tòa dự thẩm, - bà nói, - ông de Presles ấy à? Ông ấy đã đến rồi!

- Có thể thế được chăng? - Đội trưởng hiến binh đang ngồi đứng ngay dậy.

- Ông ấy đã đến rồi, tôi đã bảo mà, - bà già nói tiếp, - cả ông nhỏ con đi cùng nữa.

- Ông nhỏ con nào? À, ông Gigou, thư ký tòa án ấy à?

- Có lẽ vậy, - Louise làu bàu.

Đội trưởng hiến binh dặn dò tay hiến binh kia bằng những lời ngắn gọn:

- Tôi giao cho anh, Morand, hai tên tù này đấy nhé! Phải canh chừng chúng cho kỹ.

Hình như nhiệm vụ của hiến binh Morand cũng dễ dàng: hai kẻ lang thang, ngồi tít trong góc bếp gần bếp lò, xem ra chẳng có vẻ gì muốn chạy trốn cả. Hai tay này nom khác nhau một trời một vực: một tay cao to, thể chất vững chắc, tóc bóng nhẫy, đội một chiếc mũi dô-kề nhỏ, im lặng nhấm nhấm bộ ria rậm của mình, mắt liếc đây đó, ánh mắt ưu tư nhìn mọi vật kể cả chạm đến người đồng hành bất hạnh của mình những cái nhìn âm thầm và lo ngại. Hắn đi giày đinh, tay cầm một chiếc gậy ngắn.

Hắn cho đội trưởng hiến binh biết tên hắn là Francois Paul.

Còn kẻ kia, bị người ta bắt gặp giữa lúc đêm hôm sau một cái trại đúng lúc hắn định tìm cách chui vào một đống rơm, là điển hình của một kẻ lang thang ở nông thôn. Một chiếc mũ mềm đã cũ chụp lên sọ, cung quanh là những món tóc xoắn màu hung xen lẫn tóc bạc rối tung lên, tuy nhiên nét mặt hoàn toàn bị che giấu dưới bộ râu xồm xoàm. Người ta chỉ nhìn thấy đôi mắt long lanh đảo lia đảo lịa theo mọi chiều hướng để nhận định một cách chăm chú nơi mà người ta dẫn hắn vào.

Hắn đeo trên lưng một cái dãy hai túi khá nặng trong đựng đủ thứ linh tinh. Trong khi bạn đồng hành của hắn ngồi nhìn tuyệt đối im lặng thì hắn không ngừng mở miệng. Thỉnh thoảng lấy lấy khuỷu tay huých vào người bên cạnh để tay này chú ý lắng nghe, hắn thì thào:

- Này, đằng ấy từ đâu đến ấy nhỉ? Đằng ấy không ở vùng này, đúng không, tớ chẳng thấy đằng ấy cả là thế nào?... Tớ ấy à, ở đây ai cũng biết tớ: Bouzile. Họ gọi tớ là Bouzille!

Và thân thuộc quay về phía tay hiến binh:

- Có phải không thầy Morand, ta là người quen cũ phải không thầy? Thầy bắt tôi đã bốn năm lần ấy chứ ít à?

(Chú thích: Thời đó cảnh sát hay được gọi là thầy đội).

Tay đồng hành với Bouzille hạ cố đoái nhìn hắn một cái.

- Vậy ra, - hắn cũng hỏi với giọng chiếu cố như thế, - cậu có thói quen để cho người ta luôn luôn muốn tóm cổ như vậy hả?

- Chứ sao, - kẻ hay chuyện kia đáp, - người ta muốn hiểu thế nào thì hiểu; mùa đông, thời tiết xấu, vào "nhà mái tôn" ( = nhà tù) thì quá đẹp rồi còn gì; mùa hè ta nằm yên đằng ấy hiểu không, với lại mùa hè khó gây tội lắm vì thứ gì ta cũng gặp trên đường cả, người nông thôn vào lúc ngày mùa họ chẳng nhòm ngó gì lắm, ấy nhưng mùa đông là khác đấy nhé. Họ "thịt" tớ hôm vừa qua có lẽ là do liên quan tới con thỏ của mẹ Chiquard.

Tay hiến binh đang ngồi nghe một cách lơ đãng vội xen vào câu chuyện.

- À thế ra tay Bouzille này, mày ăn cắp con thỏ ấy ư?

- Tại sao thầy lại hỏi thế hả thầy Morand? Nếu thầy không chắc chắn thì thầy để cho tôi yên!

Tay đồng hành với Bouzille gật đầu và thì thầm rất khẽ với tay này:

- Có những việc còn tệ hại hơn nhiều, tỷ dụ như vụ xảy ra với bà chủ lâu đài ta ngồi đây chẳng hạn.

- Ôi dào! - Bouzille đáp, phủi tay hờ hững… và không nói gì thêm nữa. Đội trưởng cảnh sát trở lại căn bếp, nghiêm giọng nói:

- Tên Francois Paul đâu? Lên đây! Quan tòa dự thẩm nghe mi khai kìa!

Và khi người được gọi tiến về phía đội trưởng hiến binh, hai tay bị trói, để cho người ta dễ dàng nắm lấy tay mình thì Bouzille liếc về phía tay hiến binh một cái nhìn thông minh - giờ đây hắn chỉ còn có Morand để tâm sự - và tuyên bố một cách hài lòng.

- Đúng giờ quá, thật thích hợp, hôm nay sao nhanh vậy! Giam cầm khối người cho mà xem!

Tay hiến binh, đang nhìn ra xa, không trả lời; kẻ mau miệng không sao sửa chữa nổi kia lại liên thuyên:

- Tôi thì giam cầm hay không cũng thế thôi, vừa được nhà nước cho ăn, cho ở, cho chỗ ngủ, nhất là giờ đây Brive mới có nhà tù đẹp ơi là đẹp...

Rồi Bouzille nói tiếp sau một lát im lặng và hít hít không khí xung quanh:

- Ái chà! Ở đây thơm tho gớm!

Rồi chẳng khách sao gì, hắn gọi bà bếp:

- Này bà Louise, không biết có chút gì cho tôi ăn không nhỉ?

Người đàn bà nhân hậu quay lại làm một cử chỉ giận dữ. Bouzille tiếp tục:

- Bà sợ gì cơ chứ? Bà còn lạ gì tôi? Tôi vẫn thường lui tới xin bà những đồ cũ, bà chẳng luôn cho tôi là gì? Này là đôi giày cũ của ông Dollon này, ông không dùng đến nữa, thế là bà cho tôi... bây giờ xin bà miếng bánh, chẳng lẽ bà từ chối...

Bà bếp ngần ngừ nhưng cảm động với những kỷ niệm đã qua mà kẻ lang thang gợi ra, nhìn hắn rồi lại nhìn tay hiến binh xem có được đồng tình không?

Nhún vai nhìn Bouzille một cái nhìn bảo trợ, Morand bảo:

- Xì! Bà Louise, nếu bà thích bà cứ việc cho hắn chút gì đó... nói gì thì nói, ta quen nhau cả mà, theo tôi hắn chẳng phải người gây ra cú vừa rồi đâu...

- A! Thầy Morand, - kẻ lang thang ngắt lời, - đối với một người nhặt nhạnh đây đó những cái gì buông vung bỏ vãi, nay thì con gà mái một mình đi vơ vẩn, mai thì một con thỏ đi ngang qua, dĩ nhiên tôi không bảo là không, nhưng ăn nhằm gì... À bà Louise, cảm ơn bà nhiều.

Louise đưa cho Bouzille một miếng bánh to, loáng một cái anh ta đã nhét lọt thỏm vào trong cái đãy lớn của mình.

Hắn lại nói tiếp:

- Thằng cha kia kể những gì với Ngài Tò Mò thế không biết? Trông hắn có vẻ không thạo nghề! Tôi ấy à, tôi mà đứng trước các vị áo đen ấy à, để khỏi làm trái ý họ tôi cứ một điều: "Vâng ạ, thưa quan tòa" thế là họ hài lòng tất, đôi khi lại còn cười nữa. Rồi chủ tịch phiên tòa bảo: "Bouzille, đứng dậy!" Thế là ông ấy cho mười lăm ngày, hai mươi ngày, hai tháng... tùy theo!

Đội trưởng hiến binh trở lại có một mình, bảo tay hiến binh kia:

- "Thằng kia" được tha rồi, còn Bouzille thì ông de Presles cho rằng chẳng cần hỏi hắn làm gì...

- Họ đuổi tôi ra đường chắc? - Kẻ lang thang đau khổ hỏi và đưa cặp mắt lo lắng nhìn ra làn mưa đang rơi xuống.

Đội trưởng hiến binh không khỏi mỉm cười:

- Không đâu, Bouzille, người ta sẽ đưa mi vào tù, mi cũng biết mi còn phải giải thích vụ con thỏ kia mà! Thôi, lên đường!

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Ngày trôi qua, buồn tẻ và ủ ê.

Charles Rambert và cha chàng suốt từ hôm qua đến nay cứ lóng ngóng trong những căn phòng rộng và lặng lẽ của lâu đài. Chiều nay họ ngồi với Thérèse và bà nam tước Vibray quanh một chiếc bàn rộng. Không ngừng viết trên những chiếc phong bì lớn màu nâu có viền đen địa chỉ của họ hàng, bạn bè bà hầu tước de Langrune. Đám tang con người tội nghiệp sẽ cử hành vào ngày kia kể từ hôm nay. Ông Rambert hứa sẽ tham dự.

Bà Vibray cố thuyết phục Thérèse về ngủ với bà ở Quérelles mà không được.

Sau khi đã đọc một lượt các bài báo kể chi tiết tấn thảm kịch ở Beaulieu - những chi tiết không chính xác chút nào - ông Etienne Rambert bảo con trai với giọng nghiêm trang rất lạ lùng:

- Con ơi, đã đến lúc ta lên gác!

Ông Etienne Rambert, khi tới cửa buồng Charles, hơi ngần ngừ một lát, rồi bỗng như đi đến quyết định, không đi tới buồng mình nữa mà vào thẳng phòng con.

Charles Rambert đang rất mệt, chàng vừa cởi quần áo thì cha chàng bước vào. Với một cử chỉ đột ngột ông Etienne Rambert đặt hai bàn tay lên vai con trai và với giọng nghẹn ngào ông ra lệnh cho chàng:

- Con hãy thú tội đi, con người đáng thương! Thú tội đi, hãy thú thật với cha con đây!

Charles lùi lại, xanh nhợt ra một cách đáng sợ:

- Thú cái gì ạ? - Chàng lẩm bẩm.

Etienne Rambert nói tiếp:

- Chính con, con đã giết bà ấy!

Lời phủ nhận mà chàng trẻ tuổi muốn hét lên cho vang to chừng nào hay chừng ấy nghẹn lại trong cổ họng:

- Giết? Con giết?... - Cuối cùng chàng gào lên. - Giết ai?...

Cha chàng sắp nói...

Đoán được ý ông, Charles Rambert nói tiếp:

- Ba buộc tội con giết bà hầu tước? Thật nhục nhã, bỉ ổi, ghê tởm...

- Hỡi ôi!... Đúng thế đấy!

- Không! Không! Trời cao đất dày ơi! Không!

- Có đấy - Etienne Rambert khăng khăng một mực.

Hai người đàn ông hổn hà hổn hển đứng trước mặt nhau. Charles thì cố kìm nén sự xúc động đang siết chặt lấy mình, kêu lên bằng một giọng vừa lo lắng vừa trách móc:

- Có thể nào chính cha lại nói với con điều đó!...

Charles đứng im vài phút không động đậy, rụng rời, như lả đi...

Ông Rambert bước vài bước trong phòng rồi lấy một chiếc ghế ngồi cạnh con. Ông đưa bàn tay đặt lên trán, tựa như bằng cử chỉ đó gạt đi được cơn ác mộng hãi hùng đã ám ảnh tâm trí ông, rồi ông nói:

- Hãy bình tĩnh lại đi, con tội nghiệp của cha ạ! Cha không hiểu làm sao mà sự tình lại ra như thế, nhưng ngay từ sáng qua, khi trông thấy con ở nhà ga, cha đã linh tính có chuyện gì... Trông con nhợt nhạt, võ vạc và mệt nhọc lắm...

- Thưa cha, - giọng Charles không còn một ngữ điệu gì hết, - thì con đã bảo cha là đêm trước con không ngủ được mà...

- Tất nhiên! - Ông Etienne Rambert thốt lên. - Cha biết ngay mà! Thế thì con giải thích cho cha, nếu con không ngủ, tại sao con không nghe thấy tiếng gì cả?...

- Cả Thérèse cũng có nghe thấy gì đâu...

- Thérèse, - ông Rambert đáp lại, - ở một buồng cách xa đó trong khi phòng con cách phòng bà hầu tước tội nghiệp có một bức tường mỏng, con phải nghe thấy tiếng động chứ?

- Nhưng, - Charles hỏi, - có lẽ chỉ có mình cha tin rằng con là tác giả của tội ác kinh khủng ấy?

- Chao ôi! - Etienne Rambert lẩm bẩm. - Có lẽ cha là người duy nhất thật!... Nhưng ở vào thời điểm này thôi, và còn đây nữa!... Con cũng biết con đã gây một ấn tượng rất xấu cho bạn bè của bà hầu tước trong buổi tối trước khi tội ác xảy ra. Vào lúc mà ngài Bonnet kể lại chi tiết một vụ ám sát ở Paris bởi... cha cũng không rõ ai nữa...

- Vậy là, - Charles hỏi... - Họ cũng nghi ngờ con?... Nhưng, - chàng trẻ tuổi nói tiếp, linh hoạt hẳn lên, - chẳng ai kết tội theo kiểu ấy cả!... Phải có sự việc... bằng chứng cụ thể!...

- Bằng chứng ư? Chao ôi! Có bằng chứng kết tội con đấy. Những bằng chứng khủng khiếp!... Đây... con hãy nghe cha nói đây...

Ông Etienne Rambert đứng dậy, buộc Charles phải đứng dậy theo, hai người đàn ông lại đứng đối mặt với nhau.

- Nghe đây Charles, các ngài dự thẩm qua điều tra đã kết luận là trong cái đêm định mệnh ấy, không có ai từ bên ngoài đột nhập vào lâu đài, trong khi chỉ có mình con là đàn ông ngủ trong lâu đài...

- Có thể có người từ bên ngoài đến chứ?

- Không ai đến hết! - Etienne Rambert nhấn mạnh, hơn nữa con làm sao chứng minh được nào?

Charles sững sờ, im lặng, hai mắt nhớn nhác, đầu óc hoang mang, bàng hoàng không làm được một cử chỉ nào.

Chàng cứ đứng giữa phòng, hai chân bủn rủn, đưa mắt dõi theo cha chàng đầu cúi gằm đi về phòng toa-lét.

- Lại đây! Theo cha! - Ông ta nói gần như không nghe thấy được.

Charles vẫn đứng im không cử động.

Cha chàng bước vào toa-lét, nhấc những chiếc khăn mặt chất đống trên ngăn dưới cùng của chiếc ván giá trong toa-lét, lấy ra một cái khăn nhàu nát, mang vào trong phòng:

- Nhìn xem, - ông đột nhiên thì thầm, giơ tấm khăn ra trước mặt con trai.

Và Charles Rambert, khi chiếc khăn được đưa ra chỗ có ánh sáng, nhìn thấy trên đó có những vết máu!

Chàng thanh niên giật mình, định phản kháng, thì ông bố, bằng một cử chỉ chuyên nghiệp, ngắt lời:

- Con còn chối nữa không? Tội nghiệp thay kẻ đáng thương! Trời ơi đất hỡi! Đây chính là bằng cớ đầy tính thuyết phục không ai bác bỏ được về tội ác khủng khiếp của con! Những vết máu này chẳng nói lên điều đó sao? Con giải thích thế nào về tấm khăn giây máu nó nằm nơi phòng con ở này? Con còn chối cãi được không?

- Con chối chứ, con chối... con không hiểu gì cả!...

Charles Rambert lại rơi phịch mình trên chiếc ghế bành thứ hai.

Ánh mắt cha chàng, lúc này tràn ngập một niềm trìu mến:

- Con ơi, con tội nghiệp của cha ơi! - Người cha đáng thương lẩm bẩm như tự nói với mình, nói tiếp:

- Chao ôi! Có lẽ là con không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này đâu, hy vọng có những hoàn cảnh sẽ biện minh cho con...

- Cha vẫn tiếp tục buộc tội con?... Cha thực sự coi con là kẻ sát nhân?

Etienne Rambert thất vọng gật đầu.

- Con ơi, - ông kêu lên, - cha những muốn, vì danh dự của tên tuổi chúng ta, vì tôn trọng những người yêu thương chúng ta, mà nói với con rằng do thừa hưởng những duy truyền nguy hại của bậc sinh thành mà con đâu có chịu trách nhiệm về những việc mình làm!... Ôi! Giá như khoa học chứng minh được đây chỉ là đứa con của một người mẹ bị bệnh...

- Bị bệnh? - Charles lo lắng hỏi... - Vâng, thế thì sao?

- Bị bệnh, - ông Etienne Rambert tiếp lời, - một căn bệnh ghê gớm và bí ẩn, một căn bệnh mà đứng trước nó người ta chỉ có bó tay, hết cách... Bệnh... Bệnh điên...

- Ối chao ôi! Ối chao ôi!... - Charles kêu lên, ngày càng khiếp hãi. - Cha ơi, cha nói với con điều gì vậy? Mẹ con bị điên ư?

Rồi chàng thanh niên rụng rời kết luận:

- Trời ơi! Có lẽ cha nói đúng! Biết bao lần con cứ ngạc nhiên về cách xử sự khó hiểu, lạ lùng của mẹ... nhưng còn con... con thì sao?

Chàng lấy tay đập vào ngực tựa như muốn tự hỏi xem mình thức hay ngủ.

- Con? Con hoàn toàn tỉnh táo như thế này?

- Có lẽ, - ông Etienne Rambert đưa ra ý kiến, - trong một cơn hoang tưởng, trong một giây phút vô trách nhiệm nào đó?...

Nhưng Charles ngắt lời ngay lập tức:

- Không! Cha ơi... Không!... Con không điên!...

Chàng thanh niên bị kích động quá mạnh không còn giữ cho giọng bình thường được nữa. Chàng thét lên trong tâm tưởng mình, trong sự tĩnh lặng của ban đêm, chẳng kể gì đến cuộc tranh luận kinh hoàng mà chàng vừa bàn cãi với người cha...

Etienne Rambert cũng không đếm xỉa gì đến giọng nói của mình nữa; lời tuyên bố của cậu con làm ông cũng gào lên:

- Vậy thì Charles ạ, nếu con tỉnh táo không điên, thì tội lỗi của con không thể nào tha thứ được. Tên sát nhân!... Sát nhân!...

Cả hai người chợt ngừng bặt, một tiếng động rất khẽ ngoài hành lang khiến họ lưu tâm...

Từ từ, cánh cửa phòng đang he hé, mở rộng hẳn ra: Một bóng người trắng toát in hình rõ trên nền đen của bóng tối đen thẫm bên ngoài.

Thérèse mặc chiếc áo ngủ dài, tóc tai tơi tả, đôi môi tái nhợt, đôi mắt mở to vì khiếp hãi hiện ra: cô bé rung lên cầm cập vì bàng hoàng, và cố gắng lắm cô mới đưa được cánh tay lên, chỉ bàn tay vào Charles...

- Thérèse! Thérèse! - Ông Etienne Rambert lẩm bẩm.

Người cha khốn khổ quỳ xuống... hai bàn tay chắp lại trong tư thế van nài, khẩn khiết nằn nì:

- Thérèse, cháu ở đây đấy ư?

Đôi môi cô thiếu nữ hơi động đậy nghe như một tiếng gió thoảng qua:

- Cháu đã ở đây. Từ nãy...

Cô bé không nói tiếp được nữa, hai tròng mắt đảo lộn lên, trong một giây người cô lảo đảo, và thế là không một tiếng kêu, không một cử chỉ, cô ngã vật ra, bất động!

Chap V:

Cuộc săn người

Cách Souillac khoảng hai mươi cây số, con đường sắt lớn từ Brive đi Cahors uốn một đường lượn rõ nét trước khi chui vào đường hầm.

Mùa đông vừa qua những con mưa như trút nước đã ảnh hưởng đến nền móng đường hầm, nhất là ở ngay hai bên; những cơn bão đến bất chợt vào những ngày đầu tháng mười hai đã làm lún lớp đá ba-lát khiến người ta phải triệu tập các kỹ sư chút chốt của ngành đường sắt đến ngay nơi bị hư hại.

Nhân viên kỹ thuật nhận định rằng đoạn đường sắt từ chỗ chui ra khỏi đường hầm độ vài mét trên đường đi Souillac cần phải tu bổ cơ bản ngay.

Do những sự cố nói trên mà từ một tháng nay, các con tàu chạy trên đường từ Brive đến Cahors, tốc hành, tàu chợ hay tàu hàng, đều bị chậm mất nửa tiếng đồng hồ. Vì người ta đã áp dụng ngay một điều lệ an ninh nghiêm ngặt phòng xảy ra nguy hiểm trên đoạn đường này, quy định lái tàu từ Brive đến phải dừng tàu hoàn toàn cách lối vào đường hầm hai trăm mét và lái tàu từ Cahors đến phải dừng đoàn tàu của mình trước lối vào đường hầm năm trăm mét.

Buổi sáng tháng mười hai xám xịt hôm ấy trời vừa hé sáng thì kíp thợ do một trưởng kíp dẫn đầu, đã lo đặt đường ray mới trên các thanh tà vẹt mới ở con đường xuống dốc. Các đường ray mới này vừa được mang tới ngày hôm trước.

Từng nhóm, từng nhóm mọi người bảo nhau:

- Ông thấy thế nào chứ, - một công nhân đã có tuổi bảo bạn, - họ bắt ta đặt ở đây những thanh ray dài 12 mét, chẳng tốt hơn loại thanh ray 8 mét bao nhiêu mà lại khó khớp chúng với nhau!

- Ông còn muốn thế nào nữa, - anh bạn bảo, - ý các ông chủ như vậy thì ta đành theo chứ biết làm thế nào?

Bỗng nhiên một tiếng còi tàu thét lên lanh lảnh. Tận đấy đường hầm nơi mở toác ra như một lỗ hổng đen ngòm, bỗng nhiên xuất hiện ánh sáng của hai ngọn đèn: một đoàn tàu đi Cahors, tuân thủ quân lệnh, đã dừng lại trước công trường và xin được đi tiếp.

Trưởng kíp thợ vội bố trí anh em ở hai bên con đường dốc lên, sau đó anh ta đi tới bên một chiếc lều nhỏ dựng nơi lối vào đường hầm, xoay cột tín hiệu cho phép đoàn tàu tiến lên phía trước.

Bỗng có một người đàn ông đi lại cạnh túp lều ấy. Trong lều đã có một công nhân sửa đường phụ trách đoạn đường thứ mười bốn tức là đoạn đường sắt dài bốn cây số kể cả 900 mét đường hầm. Người này làm ra vẻ thờ ơ hỏi người công nhân:

- Có phải đây là đoàn tàu đến Verrières lúc 6 giờ 55 phút không hả ông?

- Đúng đấy ạ, - ông công nhân trả lời, - nhưng đến chậm.

Đoàn tàu chạy qua, ba chiếc đèn đỏ ở toa cuối mất hút trong sương mù buổi sáng.

Người công nhân sửa đường tiếp tục làm cỏ dọc theo đường sắt, sắp sửa đi vào trong đường hầm thì có tiếng gọi, ông bèn quay lại:

François Paul, kẻ lang thang được quan tòa thả ra hôm qua sau một hồi thẩm vấn ngắn, chính là người đang hỏi han ông công nhân sửa đường:

- Tàu này không đông mấy ông nhỉ, đặc biệt ở mấy toa hạng nhất.

- Thì có gì lạ đâu, - người công nhân sửa đường đặt cái xẻng vác trên vai xuống đất, - người giàu đi tàu hạng nhất bao giờ cũng đi chuyến tốc hành tới Brive lúc 2 giờ 50 sáng…

- Chắc vậy, tôi hiểu, - François Paul nói, - nhưng vậy thì những khách đi Gourdon, Souillac, Verrières làm thế nào khi muốn xuống những ga nhỏ nơi mà tàu tốc hành không dừng lại nhỉ?

Người công nhân sửa đường suy nghĩ một chút rồi nói:

- Tôi cũng chẳng hiểu! Nhưng tôi cho rằng trước hết họ phải xuống Brive đã; muốn vậy họ đến bằng tàu nhanh buổi sáng tới Cahors ở đó có xe nhà ra đón, hoặc tàu sáng đưa họ tới tận Brive, từ đó đi tiếp tàu chợ, thế chăng?

François Paul không căn vặn gì thêm nữa, chỉ nói:

- Sáng nay lạnh ra phết!

- Đúng thế, lại sắp mưa đến nơi nữa!

François Paul ngước mắt lên, ngạc nhiên vì thấy trời rất trong, nhưng ông công nhân sửa đường đã nói tiếp:

- Có gió đông đấy, mà gió đông nghĩa là mưa.

- Chỗ nào cũng vậy, - Fran

ç

ois Paul kết luận với vẻ rã rời. - A! Quả thời tiết thật khắc nghiệt!

Ông công nhân sửa đường tỏ vẻ thương hại gợi ý anh chàng lang thang:

- Có lẽ anh chẳng phải người sống bằng tiền lãi ngân hang đâu nhỉ, sao anh không xin vào đây làm? Ở đây đang thiếu người đấy.

- Thật thế ư?

- Thế đấy… - Ông công nhân nói tiếp. - A! Trưởng kíp đây rồi, anh muốn tôi nói giúp anh không?

- Ấy từ từ đã! - François Paul đáp. - Dĩ nhiên tôi không bảo không, nhưng để tôi còn xem ở đây họ làm ăn như thế nào đã, biết đâu không hợp với tôi thì sao...

Nói xong, tay lang thang lảng ra xa, mắt nhìn xuống đất đi dọc theo con móng.

Trưởng kíp thợ qua mặt anh ta đi ngược lại về phía người công nhân sửa đường và theo kịp ông này nơi cửa đường hầm.

- Thế nào bố Michu, sức khỏe bố thế nào?

- À chào sếp, - con người tuyệt vời trả lời, - vẫn khỏe, vẫn cầm cự. Còn sếp, công việc sửa đường sao? Nó thêm công thêm việc cho tôi ghê lắm, anh có biết không, từ hồi mà tàu dừng ở đoạn do tôi phụ trách này!

- Sao lại thế nhỉ? - Trưởng kíp thợ ngạc nhiên hỏi.

- Để tôi nói anh nghe: khi tàu dừng, lái tàu tranh thủ đổ tro rồi họ vứt đủ thứ rác rưởi làm cho tôi cứ phải dọn dẹp luôn đấy.

Trưởng kíp thợ cả cười:

- Bố phải đề nghị công ty cử thêm người phụ việc cho bố thôi.

Ông Michu bèn nhận xét:

- Giá như công ty biết cho nó cam!... Này, anh nhìn hộ tôi cái anh chàng đang đi đằng kia, tôi vừa bảo hắn xin anh tuyển dụng làm việc ở đây. "Để con xem đã, hắn nói, - còn xem công việc thế nào đã". Đấy, rồi hắn đi luôn… Thật là một thằng cha lười chảy thây chảy xác.

- Thôi bố ơi, thời buổi này kiếm đâu ra người đứng đắn… Với lại nếu như tay ấy hỏi xin việc ngay lát nữa đây thì tôi cũng xin chịu. Đường sắt có phải nơi công cộng đâu. Phải để mắt vào nào là bù-loong, nào là đồng, nhất là lúc này đây người ta đang thông báo có nhiều kẻ lang thang trong vùng…

- Ờ ờ! - Bố Michu nói tiếp. - Có cả bọn tội phạm hình sự nữa đấy! Anh có nghe nói về vụ ám sát ở lâu đài Beaulieu không?

Trưởng kíp thợ cắt câu chuyện:

- Có chứ! Trong kíp công nhân tôi mướn họ chỉ toàn nói tới chuyện ấy. Nhưng mà bố Michu ơi, bố nói đúng đấy, tôi phải đi canh chừng bọn người lạ, đặc biệt cái tay lạ mặt của bố…

Anh ta ngừng lời.

Nhìn xuống dưới chân móng anh ta im bặt. Còn người công nhân sửa đường nhìn theo cũng sững sờ.

Cả hai người sau mấy giây im lặng, nhìn nhau mỉm cười: bóng dáng đồ sộ rất dễ nhận ra của một viên hiến binh in hình trên nền thung lũng tranh tối tranh sáng, viên hiến binh có vẻ như đang tìm ai vì đi bộ đến và thái độ không có vẻ gì muốn ẩn mình.

- À, - bố Michu lẩm bẩm, - đội trưởng hiến binh Doucet rồi, có lẽ cũng giống sếp, ông ta đang đi giám sát ai đó rồi…

- Có lẽ thế thật, - trưởng kịp thợ đồng tình, rồi sau đó nói tiếp:

- Chính quyền đã ba ngày nay lo sốt vó do vụ án ở Beaulieu. Người ta đã bắt hơn hai chục tên lang thang nhưng rồi phải thả hết vì họ đều có chứng cớ không phạm tội.

- Nghe nói, - bố Michu gợi chuyện, - vụ này không do người địa phương gây ra, người vùng này hiền cả và hầu tước de Langrune ai cũng mến…

- Kìa nhìn kìa, nhìn kìa! - Trưởng kíp thợ ngắt lời, trỏ viên hiến binh đang bước xuống lớp móng của đường sắt, - rõ ràng là đội trưởng hiến binh đi về phía vị công dân vừa rồi không tìm được việc làm kia…

- Quả vậy, có thể như vậy thật, - bố Michu nhận xét sau một lát nhìn ngắm, - thằng cha lang thang cái mặt nó làm sao ấy. Nó không phải người ở đây…

Hai con người quan tâm chờ đợi xem sự gì sẽ xảy ra.

Cách họ năm mươi thước, François Paul đi xuống con đường ra ga Verrières, vừa đi chầm chậm vừa nghĩ ngợi…

Tiếng chân đằng sau làm hắn quay lại. Nhận ra đội trưởng hiến binh, hắn cau mày.

Và, điều này mới lạ lùng, viên hiến binh còn mấy bước nữa tới sát hắn thì dừng lại vẻ như kẻ dưới tôn trọng người trên, thiếu chút nữa thì đưa tay lên mũ. Tay lang thang bí ẩn kêu lên ngắn gọn:

- Này, ông đội trưởng hiến binh, tôi đã bảo không ai được làm phiền tôi cơ mà.

Đội trưởng hiến binh bước lên một bước:

- Thưa ông thanh tra an ninh, xin tha lỗi cho tôi, nhưng tôi có việc rất quan trọng cần nói với ông…

François Paul, người mà viên hiến binh trân trọng gọi là "thanh tra an ninh" quả thật chẳng ai khác ngoài nhân viên cảnh sát mật do cảnh sát trưởng Paris gửi đến Beaulieu từ ngày hôm qua!

Đó không phải một cảnh sát thường như mọi cảnh sát khác. Vì ông Havard nghĩ vụ ám sát bà de Langrune này sẽ bí ẩn và phức tạp đây, cho nên ông đã chọn con người ưu tú nhất trong số các cảnh sát của ông: thanh tra Juve, người lão luyện cao cường hơn hết thảy. Chính là Juve suốt từ bốn mươi tám tiếng đồng hồ nay giả làm kẻ lang thang đã dò dẫm xung quanh lâu đài Beaulieu, thâm chí còn thận trong đến mức để cho mình bị tóm cùng với Bouzille. Ông cứ tiếp tục điều tra theo phương pháp đó không lộ chút xíu nào về hành tung thực của mình.

Juve nhăn nhó bực bội:

- Cẩn thận đấy, - ông thì thầm, - người ta đang quan sát chúng ta kia kìa, mà bây giờ tôi phải trở về cùng với anh, anh làm ơn làm như bắt tôi, còng tay tôi lại!

- Xin lỗi ngài, thưa thanh tra, tôi đâu dám! - Viên hiến binh đáp.

Juve trả lời bằng cách quay lưng lại:

- Này nhé, tôi sẽ chạy mấy bước vẻ như muốn trốn, anh hung hãn đặt tay lên vai tôi, tôi quỳ xuống… lúc đó anh đưa còng ra.

Từ chỗ cửa vào của đường hầm, người thợ sửa đường, người trưởng kíp thợ và cả những công nhân đang sửa đường, đều đưa mắt theo dõi một cách chăm chú cuộc hội thảo khó hiểu giữa tay hiến binh với kẻ lang thang cách họ một trăm mét.

Chợt họ thấy kẻ lang thang trốn chạy và viên đội trưởng hiến binh hầu như tóm ngay được hắn ta.

Vài phút sau kẻ lạ mặt, hai tay bị trói phía trước ngoan ngoãn đi xuống con đường dốc bên cạnh viên hiến binh, cả hai khuất sau một bụi cây.

Ông già sửa đường thở dài:

- Lại thêm một tay mà Doucet chẳng mất công tra khảo gì!

Trong khi hai người vội vã đi nhanh về hướng Beaulieu, Juve hỏi đội trưởng hiến binh:

- Ở lâu đài có chuyện gì vậy?

- Thưa thanh tra, - viên hiến binh đáp, - người ta đã biết tên sát nhân. Cô bé Thérèse…

Chap VI

: Fantômas, đó là cái chết!

Tám giờ rưỡi sáng.

Vội vã quay trở lại hướng lâu đài, dọc đường Juve cho tháo còng và tới trước cánh cửa sắt của lâu đài thì chạm trán ông de Presles.

- Thế nào ông? – Juve hỏi ông với giọng điềm tĩnh, - Ông đã biết tin chưa?

Vị quan tòa nhạc nhiên nhìn ông thanh tra.

Thanh tra bèn nói tiếp:

- Trông mặt ông tôi cho là ông chưa biết, quan tòa ạ. - Nếu ông muốn xin ông chuẩn bị cho lệnh bắt giam, chúng ta sẽ bắt ngay ông Charles Rambert.

Ông de Presles lùi lại mấy bước sau đó chạy theo Juve, lúc này rất bình thản tiến vào vườn hoa để tới lâu đài.

- Ô hay ông nghi ngờ ông ấy phạm tội ư? - Ông hỏi.

- Hơn thế nữa là khác! - Cả vị thanh tra an ninh lẫn viên đội trưởng hiến binh đồng thanh trả lời...

Juve tóm tắt cho vị quan tòa nghe câu chuyện do đội trưởng hiến binh tới kể lại. Quan tòa không giấu nổi ngạc nhiên.

- Nhưng... - Ông ta định hỏi bỗng dừng lại giữa chừng.

Cả ba nhân vật lúc này đang đứng trên bậc thềm lâu đài, họ vừa tới gần cửa thì cửa bật mở, viên quản lý Dollon đi ra, tóc tai bù rối, mặt mày phờ phạc, lên tiếng kêu:

- Các vị có gặp cha con Rambert không? Họ đâu rồi?... Họ đâu rồi?...

Và trong khi quan tòa, choáng người qua những điều Juve bộc lộ, đang cố sức gắn trong óc mình các sự kiện với nhau thì ông thanh tra hiểu ngay, vội quay về phía đội trưởng hiến binh:

- Thôi thế là con chim sổ lồng rồi! - Ông lẩm bẩm.

Trong gian tiền sảnh của lâu đài, Juve và ông de Presles yêu cầu Dollon cho biết chi tiết những điều cô bé Thérèse kể.

- Trời đất ơi, thưa các ông, - con người trung hậu giải thích, - sáng sớm nay khi vừa tới lâu đài tôi đã thấy hai bà đầy tớ già, Louise và Mary, đang ra sức săn sóc cô Thérèse ở trong phòng cô ấy. Hai bà thấy cô ấy bị ốm.

Sau độ hai mươi phút - lúc này khoảng sáu rưỡi - cô Thérèse tương đối bình tĩnh lại, kể hết cho chúng tôi nghe những gì cô nghe thấy lúc ban đêm cũng như cuộc tranh luận mà cô đã chứng tức là cuộc cãi nhau của hai cha con ông Rambert.

- Thế lúc đó ông làm gì? - Ông de Presles hỏi.

- Bản thân tôi vô cùng xúc động thưa quan tòa, tôi cử ngay Jean, đánh xe đi Saint-Jaury vừa tìm bác sĩ vừa cho đội trưởng hiến binh Doucet biết, ông đội trưởng đến ngay, tôi thuật lại những gì đã biết sau đó cùng bác sĩ lên thăm cô Thérèse.

Vị quan tòa quay về phía viên đội trưởng hiến binh, hỏi đến ông này.

- Thưa quan tòa, - đội trưởng đáp, - ngay khi biết được những điều ông Dollon nói, tôi cho là cần báo cho thanh tra Juve biết ngay, theo tôi biết thì ông Juve vẫn ở quanh quất đâu đây thôi…

- Thật chết giẫm! - Ông de Presles ngắt lời. - Anh hố to rồi anh ơi, đáng lẽ anh phải làm sao cho hai cha con Rambert không trốn nổi mới phải!

Viên đội trưởng phản đối kịch liệt:

- Xin lỗi quan tòa, tôi đã để Morand ở lại canh gác đấy chứ ạ, anh ta đứng ngay cửa lâu đài với nhiệm vụ ngăn cha con đi ra ngoài nếu họ có ý định đi ra.

- Thế Morand không trông thấy họ đi ra ư?

Juve trả lời thay viên đội trưởng, vì ông đoán ra ngay sự việc.

- …Và hiến binh Morand, - ông nói, - không trông thấy họ ra đi bởi lý do là họ đã ra đi từ lúc nửa đêm rồi, ngay sau lúc họ cãi nhau!

Rồi Juve hỏi:

- Thế từ lúc đó đã làm những gì?

- Chưa làm gì ạ, thưa thanh tra.

- Sao? Đội trưởng? Tôi nghĩ quan tòa dự thẩm sẽ cho lệnh tung ngay người đuổi theo hai tên chạy trốn chứ nhỉ?

- Dĩ nhiên, - quan tòa dự thẩm kết luận, - và nhanh lên!...

Đội trưởng hiến binh quay gót, bước ra khỏi gian sảnh.

Thanh tra và quan tòa yên lặng; Dollon đứng cách xa họ một chút, lóng ngóng không biết làm gì.

- Cô Thérèse đâu? - Ông de Presles hỏi.

Dollon bước lên.

- Cô đang nghỉ ạ, thưa quan tòa, đang ngủ yên, bác sĩ ở bên cô và yêu cầu không ai được đánh thức cô…

- Được rồi! - Vị dự thẩm bảo. - Thôi giờ thì để mặc chúng tôi.

Dollon đi chỗ khác.

- Ông de Presles ạ, - Juve đề nghị, - ta lên lầu đi!

Ít phút sau, hai người, Juve và ông de Presles ngồi im lặng nhìn nhau trong gian phòng mà ông Etienne đã ở trong 24 tiếng đồng hồ.

Vị dự thẩm là người đầu tiên phá tan im lặng:

- Việc thế này là xong ư? Tay Charles Rambert là tội phạm ư?

Juve lắc đầu:

- Charles Rambert?... Thực tế thì hắn phải là tội phạm thôi!

- Tại sao ông lại nói thế? - Quan tòa hỏi.

Juve, hai mắt nhìn đăm đăm xuống mũi giày mình, sau đó ngẩng đầu lên:

- Tôi nói "hắn phải là" bởi vì hoàn cảnh buộc tôi phải đi đến kết luận đó mặc dù trong thâm tâm, tôi không tin điều đó chút nào…

- Sự im lặng và việc thú nhận ít nhiều của anh ta trước lời buộc tội dứt khoát của cha anh ta khiến ta tin chắc như vậy - Ông de Presles tuyên bố.

Juve phản đối tuy hơi có chút ngần ngừ:

- Nhưng cũng có những suy luận gỡ tội cho anh ta.

Vị dự thẩm tiếp lời:

- Thì những điều tra của ông đã chứng tỏ rõ rang là tội ác do một kẻ nào đó ở ngay trong nhà gây ra cơ mà!...

- Có thể như thế, - Juve nói, - nhưng đâu phải chắc chắn như thế?

- Ông giải thích xem sao.

- Đừng vội thế, thưa ngài dự thẩm. - Juve mỉm cười.

Rồi ông đứng dậy đề nghị:

- Ta chẳng nên ngồi đây làm gì ông ạ, ta nên sang buồng bên nơi Charles Rambert ở thì hơn.

Ông de Presles đi theo viên thanh tra an ninh.

Juve đi đi lại lại trong phòng, nhìn chăm chú chỗ này chỗ nọ với cặp mắt sắc sảo trong khi vị dự thẩm châm một điếu xì gà chễm chệ trong một chiếc ghế bánh thấp có nệm. Juve bắt đầu:

- Xin đừng vội thế! Vừa nãy tôi xin phép ông nói vậy thưa ông, lý do là như thế này: Tôi cho rằng trong vụ việc này có hai yếu tố mà ta phải làm sáng tỏ; đó là bản chất tội ác và đồng cơ khiến tác giả của nó phạm tội. Ta nắm lại hai điểm này nếu ông vui long làm vậy và trước mắt ta nên tự hỏi sẽ "dán" cho vụ ám sát bà de Langrune "cái nhãn" nào cho phù hợp. Người nào có óc nhận xét đã đi thăm gian phòng nơi xảy ra tội ác và đã xem xét xác chết của nạn nhân đều đi đến kết luận đầu tiên là vụ ám sát này thuộc loại đê tiện và bất lương nhất. Hình như tên sát nhân đã để lại một dấu ấn ngầm của tính cách hắn. Người ta có thể nhận dáng hắn qua sự hung bạo đối nạn nhân: đó là một tên thuộc diện hạ lưu, típ dân đạo tặc, một kẻ giết người chuyên nghiệp.

- Từ những chi tiết nào mà ông suy đoán ra vậy? - Ông de Presles hỏi.

Juve nói tiếp:

- Từ việc nhìn vết thương mà ông cũng như tôi thấy, họng bà de Langrune hầu như bị cắt rời hẳn ra bằng lưỡi của một dụng cụ cắt. Cứ như chiều rộng và chiều sâu ấy thì một nhát dao không thể hoàn tất được công việc, kẻ sát nhân phải hăng máu lắm, nó phải thực hiện nhiều lần mới xong. Điều đó chứng tỏ kẻ sát nhân thuộc hạng không hề ghê tay khi làm việc kinh tởm ấy.

- Ông có nhận xét khác nữa không?

- Còn vấn đề, - Juve nói, - xác minh dụng cụ giết người nữa, cho đến nay ta chưa có nó trong tay. Tôi đã ra lệnh dốc hết các hố tiêu, hút cạn nước ao ở vườn hoa, lục soát các bui cây nhưng không tìm thấy hung khí đâu. Bà hầu tước de Langrune không bị giết bởi loại dao găm sang trọng quý phái…

- Điều gì khiến ông nghĩ vậy? - Ông de Presles hỏi.

- Vẫn là do bản chất vết thương thôi. Nếu như tên sát nhân có vũ khí nhọn thì mũi nhọn phải là thứ gây nguy hiểm chủ yếu, hắn phải đâm vào đâu đó, hắn phải thọc mũi dao vào tim chẳng hạn, còn nếu như hắn sử dụng dụng cụ cắt thì lưỡi dao là thứ chủ yếu, ở đây dung dao mà không dùng dao găm, vậy là tội ác loại bất lương hèn hạ thật rồi…

- Vậy thì, về vụ ám sát bất lương này, - vị dự thẩm nói tiếp, - ông kết luận thế nào?

Juve trang trọng trả lời:

- Đơn giản thôi, tác giả không thể là Charles Rambert, con người trẻ tuổi có giáo dục và hẳn là với tuổi tác ấy, đâu thể là tay giết người chuyên nghiệp?

- Rõ rồi.

Juve nói tiếp:

- Bây giờ đây, chúng ta hãy xét đến động cơ giết người… Kẻ sát nhân tai sao lại giết bà hầu tước?

- Ồ… - vị quan tòa ngần ngại, - lấy của chăng?

- Lấy cái gì mới được chứ? - Juve đáp. - Thực tế trên giá người ta thấy các đồ trang sức của bà de Langrune, kim cài áo bằng kim cương, ví tiền… trong những ngăn kéo gãy mà tôi đành phải tỉ mỉ kê khai mọi trang sức ra đây: có 510 franc tiền đồng bằng vàng và bạc, ba tớ năm mươi franc trong ví đựng danh thiếp… Vậy thì quan tòa, ông nghĩ sao về tên sát nhân bất lương này, những của quý đó dưới tầm tay mà không lấy?

- Kể cũng lạ thật, - quan tòa thừa nhận.

Juve lại nói tiếp:

- Quả là lạ! Còn có cái gì quan trọng hơn việc ăn cắp tiền và đồ nữ trang? Quả thật đặt ra câu hỏi này chính tôi cũng khó mà giải quyết.

- Đúng thế!

Juve tiếp tục phát triển những ý nghĩ của mình.

-… Nhưng nếu ta đứng trước một tội ác không động cơ, chỉ hoàn toàn vì ngẫu hứng, vì một thúc bách điên rồ, một hiện tượng không phải là hiếm.

- Thì sao? - Ông de Presles hỏi.

- Thì trong trường hợp ấy, - Juve nhận xét, - sau khi đã loại đi suy nhận Charles phạm tội - dựa trên tội ác này bất lương đê tiện quá - tôi vẫn không từ bỏ ý kiến Charles có thể phạm tội. Tôi biết mẹ anh ta tình trạng tâm thần rất bấp bênh: nếu như có lúc nào đó ta cho rằng Charles bị hys-tê-ri, là con bệnh, ta có thể khép anh ta vào tội sát nhân bà de Langrune lắm chứ mà vẫn không vì thế làm tổn hại đến lý luận của ta về tội ác kiểu bất lương. Trong nhưng cơn bạo liệt của bệnh tâm thần thì một người khỏe trung bình cũng có thể trở nên có sức mạnh tăng gấp bội…

Hơn nữa… - Juve nói tiếp, ngăn cái giơ tay của quan tòa muốn ngắt lời, - về sức mạnh cơ bắp của bọn sát nhân tôi có những chi tiết rất rõ rang. Ông Bertillon gần đây đã sáng chế một cái máy đo lực ghi lại sức mạnh của những kẻ sử dụng dụng cụ bẻ khóa… tôi lấy mẫu của gỗ ngăn kéo bị gãy, tôi sẽ có tài liệu…

Ông de Presles thừa nhận:

- Vấn đề này quan trọng lắm; nếu như ta không chắc chắn Charles Rambert phạm tội trong khi thừa nhận tội ác chỉ gây ra được bởi những người ở trong nhà thì ta có thể nghi cho ai khác trong lâu đài được không?...

- Về chuyện này thì ta có thể cùng nhau suy diễn ngay bây giờ bằng cách loại dần những người có chứng cứ ngoại phạm…

Quan tòa đồng ý, ông nói:

- Theo tôi, ta khó long nghi hai bà già người ở Louise và Marie, về bọn lang thang ta bắt rồi thả - không kể ông, Juve ạ - thì bọn này thô thiển, đơn giản quá đỗi…

Juve lắc đầu thừa nhận việc phủ định, quan tòa tiếp tục:

- Còn Dollon, chắc cũng như ông nghĩ ông Juve ạ, ông ta có chứng cứ ngoại phạm, cả đêm đến năm giờ sáng có bác sĩ ngồi cạnh cùng chăm sóc vợ ông ta ốm ở nhà, nghi Dollon làm sao được?

- Không nghi được vì them một lý do: bác sĩ pháp y bảo tôi là tội ác phạm lúc đêm, khoảng ba và bốn giờ sáng. Giờ chỉ còn ông Etienne Rambert.

Quan tòa nói:

- Xin lại ngắt lời ông, ông Etienne Rambert lên tàu ở ga Orsay lúc chín giờ tối, tàu chợ tới Verrières 6 giờ 55 sáng. Ban đêm ông ta nằm trên toa tàu và quả đến đây bằng chuyến tàu đó thật, còn chứng cớ ngoại phạm nào hơn thế nữa?

- Đúng thế. - Juve đáp, rồi nói tiếp: - Giờ chỉ còn lại Charles Rambert? Đến đây, ông cảnh sát linh hoạt hẳn lên buộc tội anh thanh niên một cách gắt gao:

- Giết người không một tiếng động, - ông nói - kẻ sát nhân phải là người ở trong lâu đài. Hắn tới cửa buồng bà hầu tước, gõ nhẹ, bà ra mở cửa, không lấy làm lạ vì là người quen mà, thế là hắn vào trong buồng cùng với bà và…

- Ái chà, - ông de Presles ngắt lời, - ông dựng lên một tiểu thuyết rồi đấy Juve ạ, ông quên người ta đã dùng vũ lực để đẩy cửa buồng bà hầu tước, chốt an toàn ở trong có đinh vít long cả ra kia mà…

Juve nhìn quan tòa mỉm cười:

- Chiinhs là tôi đang đợi ông nói thế đây… nhưng trước khi trả lời ông… mời ông vui lòng theo tôi tới nơi xảy ra tội ác, tôi sẽ chỉ ông xem cái này rất hay.

Juve đi qua hành lang vào phòng và de Langrune.

- Ông nhìn chốt cửa xem ông de Presles, ông có thấy gì bất thường không?

- Không, - vị dự thẩm trả lời.

- Ấy thế mà có đấy, cái then thòi ra như lúc chốt đã gài, rồi tấm lỗ mống bên kia nơi cái then phải nằm trong đó mới cố định cửa vào tường được thì lại hoàn toàn không hư hại gì. Vậy nếu như có người cố tình phá cửa từ ngoài vào thì cái lỗ mống phải bật ra chứ…

- Thế nghĩa là… - Quan tòa lẩm bẩm.

Juve nói tiếp:

- Ông thấy gì ở cái đinh vít?

Quan tòa chỉ vào đầu đinh:

- Có những vạch mà tôi cho là…

- Ông nói đi, nói đi xem nào..

- Là… - quan tòa rụt rè nói, - là tôi kết luận những chiếc ốc không phải bị giật ra do hành động đẩy mạnh cửa từ ngoài vào mà bị tháo ra thì đúng hơn, có nghĩa…

- Có nghĩa ngụy trang thôi, ta có thể kết luận chắc chắc tên sát nhân làm vậy để ta tưởng hắn xô mạnh cửa từ ngoài vào, thực tế cửa được bà hầu tước nhẹ nhàng mở ra do có tiếng gõ. Vậy là bà hầu tước phải quen tên sát nhân…

Juve đột ngột lôi quan tòa sang buồng Charles Rambert, dẫn ông ta vào phòng toa-lét bên ấy. Ông quỳ xuống, đặt ngón tay vào giữa tấm vải xi trải trên sàn nhà:

- Ông có thấy gì không?

Vị quan tòa điều chinihr chiếc kính một mắt và nhìn kỹ nơi Juve bảo, nhận ra một vết đen:

- Máu chăng? - Ông hỏi.

- Máu đấy! - Juve lặp lại. - Do đó tôi kết luận tấm khăn chùi tay do Rambert cha phát hiện ra trong số vật dụng vệ sinh của con trai, tấm khăn lau tay đã tác động mạnh đến cô Thérèse ấy, không phải lão già bịa đâu mà có thật, nó là bằng cớ buộc tội nặng nề nhất mà chàng thanh niên khó long chối cãi.

Quan tòa cúi đầu:

- Vậy kết luận được rồi; tội phạm của Charles Rambert không còn phài bàn cãi gì nữa!...

Sau hai phút im lặng, Juve thốt ra:

- Không đâu!

Quan tòa ngạc nhiên:

- Úi dào, ông làm sao vậy?

- Này nhé, đơn giản thế này thôi, - Juve đáp, - nếu như ta cho vụ ám sát gây ra cho những người ở trong nhà và như vậy chỉ có Charles Rambert bởi ta có những lý lẽ tuyệt đối dứt khoát, thì ta cũng đồng thời có những lý lẽ cũng rõ ràng y như thế, nó cho ta nghĩ đến một tội ác gây ra bởi một kẻ từ bên ngoài tới… ai dám phản bác việc có kẻ vào qua cửa ra vào nào?

- Cửa này khóa cơ mà. - Quan tòa bảo.

- Ồ! Chuyện nhỏ! - Juve cười. - Lý lẽ này vô giá trị! Xin ông hãy tin tôi đi, đừng quên là cửa này không có chốt an toàn bên trong nhé, chỉ cần một chìa khóa từ bên ngoài là mở được. Ôi, nếu như tôi tìm thấy một then cài cửa thông thường kiểu cổ như ở các nhà thời xưa hẳn tôi sẽ bảo: muốn vào chỉ có cách phá cửa! Nhưng đây lại là ổ khóa mở bằng chìa, nếu như không có chìa khóa người ta không làm được dấu ấn thì cũng không bao giờ đã có dấu ấn mà người ta không làm ra được chìa giả. Tên sát nhân rất có thể vào nhà với một cái chìa như thế.

Vị quan tòa bác đi:

- Nếu kẻ sát nhân tới từ bên ngoài, hắn phải để lại dấu vết ở quanh lâu đài như, đằng này ta có thấy gì đâu…

- Có đấy ông ơi! - Juve chỉnh lại. - Trước nhất, một mẩu bản đồ Taride mà tôi tìm thấy giữa bờ mòng của đường sắt và lâu đài; mẩu xét rách từng này trùng với - lạ đấy - phụ cận lâu đài Beaulieu…

- Điều đó chẳng nói lên cái gì cả, - vị quan tòa dự thẩm ngắt lời: - Tìm thấy ở vùng ta một mảnh bản đồ của "vùng ta" vậy có gì lạ?... Già như ông tìm thấy mảnh còn lại của tấm bản đồ ở trong tay ai đó kia… thì lại khác.

- Yên tâm, - Juve lẩm bẩm, - tôi sẽ ra sức tìm ra trong thời gian ngắn nhất. Hơn nữa tài liệu này không phải lý lẽ duy nhất tôi bênh vực cho luận điểm của tôi. Sáng nay, khi đi ra quanh khu móng của đường sắt tôi còn thấy nhiều vết tích đáng nghi…

- Ồ, - ông quan tòa cho rằng phát hiện của Juve không có gì gây ấn tượng lắm, - thế ông kết luận thế nào nào?

Juve nói to những ý nghĩ của mình lên:

- Nếu như trong hai giả thiết ta giữ lại một, thì rất có thể tên sát nhân ở trong lâu đài từ trước khi gây án xong hắn chuồn đi. Ông nói sao, nếu như hắn lên một chuyến tàu hỏa đi ngang qua? Này nhé, hắn leo lên chỗ bờ móng ấy, đúng chỗ mà sáng nay tôi tìm được những vết chân khả nghi mà tôi nói lúc nãy ấy…

- Tôi thì tôi bảo là người ta khó long nhảy tàu hỏa, có như tàu điện đâu!

- Đúng vậy, nhưng xin đưa nhận xét này với ông, đã hàng tháng nay quanh khu đường hầm có công trường sửa chữa đường tàu, tàu nào đi qua cũng phải dừng lại hết…

Quan tòa hơi bị nao núng vì những lý lẽ của Juve, lại đưa ra một phản bác nữa:

- Nhưng quanh lâu đài có vết tích gì đâu?

- Chính tôi đã nhận thấy trên bãi cỏ ngay dưới cửa sổ buồng nạn nhân có vết đất bị xới lên: Giả sử như tôi nhảy từ tầng hai xuống thì đất ẩm của bãi cỏ phải có vết giày chứ, muốn che lấp vết giày thì tôi phải sửa sang lại sao cho cỏ phủ đúng như cũ, chỗ vết đất bị đào lên ấy là vì lý do ấy đấy.

- Cho tôi ra xem, - ông de Presles đề nghị.

- Được thôi, - Juve đồng ý.

Hai người mau chóng xuống cầu thang qua tiền sảnh ra ngoài lâu đài. Tới gần thảm cỏ vị quan tòa ngạc nhiên thấy trên cỏ không có một vết tích nào. Juve trả lời:

- Có gì mà không hiểu được! Nếu như tên sát nhân đi trên cỏ tức là hắn đi vào lúc đêm hôm, sương chưa xuống, đến sáng sớm có sương, lúc sương bốc hơi ai cũng biết cỏ vươn hết dậy, những vết chân người hay súc vật đi qua không còn dấu tích gì nữa.

Nhưng hai người đã tới chỗ đất nơi thanh tra an ninh nói là có sự ngụy trang "tô điểm", họ quỳ xuống xem xét kỹ càng. Trên thảm cỏ có một cây đại bang nhỏ, lá rộng bản che được một chút bóng râm. Juve vô tình liếc vào chiếc lá gần đó nhất bỗng vui mừng thốt lên một cách đắc ý:

- Này, cái này mới hay đây này…

- Gì vậy, - vị dự thẩm hỏi.

- Cái này, - Juve lấy ngón tay chỉ vào những chấm đen làm vấy bẩn chiếc lá cây.

- Cái gì thế? - Ông de Presles hỏi.

Juve lấy bàn tay nạo mặt trên của chiếc lá cây:

- Đất đây, đất thông thường mà ta thấy bên dưới đó mười phân và quanh thảm cỏ cây…

- Thế nghĩa là… ? - Vị dự thẩm bối rối.

- Là thế này nhé, - Juve mỉm cười, - đất thường ấy mà, đất trồng cây ấy, không có đặc quyền tự di chuyển theo ý mình nhất là nhảy lên cao đến mười phân trong không khí!

Quan tòa im lặng, Juve nói tiếp:

- Tôi kết luận đất không tự nhiên nhảy lên trên chiếc là này mà có người đem tới; bằng cách nào? Đơn giản thôi, ông de Presles ạ, này nhé, có người nhảy xuống cỏ, muốn làm mất vết chân hắn phải lấy tay sửa sang lại đất, vì tay bẩn dây đầy đất hắn tự động xoa hai tay vào nhau; đất rơi từng hạt nhỏ xuống chiếc lá này và vẫn còn nằm đó cho đến bây giờ để ta khám phá!... Hẳn tên tội phạm - đây lại là bằng có nữa - nếu không phải từ bên ngoài tới thì cũng từ bên trong thoát ra sau khi đã giết người…

- Vây không phải là Charles Rambert ư? - Quan tòa dự thẩm kết luận.

Và Juve vẫn nói một cách khó hiểu:

- "Phải là" Charles Rambert thôi…

Một lát không ai nói gì. Ông de Presles ngày càng khó chịu vì thái độ khó hiểu của Juve, đứng suy nghĩ trong yên lặng, vừa lúc đó Juve đưa ý kiến:

- Còn có một giả thiết khác nữa mà tôi buộc phải nói ra với ông mặc dù không thích thú gì… Ông có cho rằng, thưa ông, vụ ám sát này quá kỳ quặc, bí ẩn và khó hiểu, là một tội ác đích thực của… Fantômas không?

Nghe đến một cái tên có tính cách huyền thoại như vậy, ông de Presles nhún vai.

- A! Thưa ông Juve, tôi không nghĩ ông cầu cứu đến Fantômas trong vụ án này… Gợi Fantômas ra… Fantômas, tất nhiên đó là lối thoát quá dễ dãi, quá thông thường để xếp vụ việc vào hồ sơ! Giữa chúng ta với nhau, ông biết đấy, đây là một lối đùa của tòa án, của hành lang tòa dự thẩm… Làm gì có Fantômas!

Juve giật mình.

Im lặng rồi ông trang nghiêm nói tiếp:

- Thưa ông, - Juve nói bằng một giọng kiềm chế tuy nhiên nhấn mạnh từng chữ một, điều đó nói lên trong ông có lòng tin vững chắc, - ông cười là ông nhầm… nhầm lắm!... Ông là quan tòa dự thẩm, còn tôi, tôi chỉ là một thanh tra khiêm tốn bên an ninh… nhưng ông mới có ba bốn năm thực tế, thậm chí có thể ít hơn… Còn tôi đã mười lăm năm hành nghề… tôi biết Fantômas có thực! Và tôi không cười khi nghi ngờ có bàn tay của hắn…

Ông de Presles nhìn viên thanh tra, không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Juve nói tiếp:

- Không ai dám bảo tôi là người sợ sệt, thưa ông. Tôi lúc nào cũng thấy cái chết ở ngay gần kề… Có nhiều bọn gian phi thề lấy mạng tôi… Ấy thế nhưng tôi vẫn thản nhiên. Nhưng khi người ta nói đến Fantômas, khi trong điều tra tôi cảm thấy có bàn tay của thiên tài tội ác này nhúng vào… thì sao nào? Thưa ông, tôi sợ đấy!... Thú thật với ông là tôi sợ!... Tôi?... Juve!... Tôi sợ, bởi vì Fantômas là một người mà ta không thể chống lại bằng những biện pháp thông thường, bởi vì sự liều lĩnh của hắn là vô hạn độ, bởi vì sức mạnh của hắn không ai tính đến nổi… bởi vì cuối cùng, thưa ông de Presles, những người chống lại Fantômas mà tôi biết, bạn bè tôi, đồng sự tôi, các sếp tôi, tất cả, ông nghe rõ chưa, tất cả đều bị hắn chơi!... Fantômas thực sự tồn tài, tôi biết thế, nhưng đó là ai?... Và người ta có thể lao vào một nguy cơ mà mình đánh giá là cao quý, run sợ trước một gian nan mà mình đã lường trước được phần nào, nhưng đằng này, không nhìn thấy một cái gì cả…

Vị quan tòa dự thẩm ngắt lời:

- Nhưng tay Fantômas này đâu phải một con quỷ, hắn cũng là người như chúng ta thôi!

- Vâng, ông nói đúng, thưa ông, đó là một người, một người đàn ông như chúng ta… Nhưng con người ấy, tôi nhắc lại, là một thiên tài! Hắn giết người, hoàn toàn không để lại dấu vết… Không ai nhìn thấy hắn, chỉ đoán mò đoán mẫm về hắn mà thôi… Nếu như Fantômas có nhúng vào vụ này, tôi không biết liệu ta có gỡ ra được không?

Ông de Presles tuy không muốn, cũng bị ấn tượng khá mạnh, hỏi:

- Tuy vậy ông có khuyên tôi từ bỏ vụ án này không ông Juve?

Người cảnh sát gượng cười một tiếng cười giả tạo, trả lời:

- Thưa ông, nếu như tôi có nói với ông là tôi sợ, tôi không hề nói với ông là tôi hèn! Xin ông cứ yên tâm tôi sẽ làm nhiệm vụ của mình đến cùng!...

Có tiếng bước chân bước nhanh đằng sau hai người khiến họ quay lại. Đó là người đưa thư, hối hả, đầy mồ hôi mồ kê, chạy đến lâu đài Beaulieu.

- Thưa hai vị, có ai trong hai vị biết ông Juve không ạ? - Người đưa thư hỏi.

- Tôi là Juve đây ạ. - Người cảnh sát đáp, giật lấy bức điện tín mở ra đọc.

Juve giật thót mình, đưa bức điện cho vị dự thẩm.

- Xin mời ông đọc.

Bức điện từ Sở an ninh, nội dung như sau:

"Trở về Paris gấp, chúng tôi khẳng định việc mất tích của huân tước Beltham che giấu một tội ác bất thường. Nói riêng với anh, chúng tôi nghi có sự can thiệp của Fantômas".

Chap VII

: Cơ quan an ninh.

- Bà làm ơn cho tôi hỏi ông Gurn ạ?...

Bà gác cổng nhà số 147 phố Levert, bà Doulenques vừa trở lại phòng bảo vệ sau khi vội vã quét dọn cầu thang, nhìn đi nhìn lại người vừa hỏi mình… Đó là một người cao lớn, tóc nâu, bộ ria rất rậm, đội chiếc mũ mềm, mặc chiếc áo khoác cài kín từ cổ xuống, cổ áo dựng lên tận tai.

Khách lại nói tiếp:

- Ông Gurn ạ?

- Thưa ông, ông ấy đi vắng đã khá lâu rồi. - Bà gác cổng trả lời.

- Tôi biết, - người khách vẫn một mực, - tuy nhiên tôi cần lên căn hộ của ông ấy nếu như bà vui lòng dẫn tôi lên…

Người khách làm một động tác như lục tìm trong túi áo cái gì đó, có lẽ ông định đưa ra cái thư hay danh thiếp để minh xác cho yêu cầu của mình thì vừa lúc đó bà gác cổng sau ít phút ngần ngừ, ngạc nhiên hỏi:

- Ông muốn… À! Tôi biết rồi! Có lẽ ông ở bên công ty vận chuyển hàng hóa, công ty… để tôi xem, công ty này tên là gì nhỉ… một cái tên rất kỳ, tên Anh thì phải…

Bà gác cổng rời cánh cửa mà từ nãy đến giờ mới mở hơi hé, lui vào tận cuối phòng bảo vệ để lấy ra từ những ngăn phân phối thư từ cho người cư ngụ trong toàn hà một quảng cáo chữ in đã nhạt màu.

Người đàn bà già đeo kính lên đọc. Ông khách đến sau lưng bà từ lúc nào, lén nhìn qua vai bà đọc nhanh cái tên bà định tìm rồi lùi lại không ai thấy tuyên bố rất đơn giản:

- Tôi từ công ty South Steamship đến ạ.

Bà gác cổng đánh vần một cách khó khăn:

- Đúng rồi, công ty South… Như ông vừa nói đấy… tôi chịu không phát âm được mấy chữ đó…

Rồi bà nói tiếp:

- Này, xem ra công ty các ông làm việc chẳng tích cực mấy. Tôi chờ các ông đến lấy cái hòm đã mấy tuần nay rồi. Thế mà ông Gurn bảo chỉ sau khi ông đi vài ngày sẽ có người đến lấy.

Bà Doulenques máy móc nhìn qua cửa sổ mở ra đường:

- Nhưng, - bà hỏi sau khi đã nhìn ông khách từ đầu đến chân, có lẽ thấy ông ta mặc hơi quá lịch sự so với một nhân viên công ty vận chuyển,… - nhưng ông chẳng có xe đẩy, xe tải… vậy ông vác cái hòm ấy lên lưng à?...

Người lạ nghĩ một chút rồi bình tĩnh trả lời.

- Thưa bà đúng là tôi không có xe tải thật, nhưng tôi không có ý định mang mấy cái hòm đi mà sáng nay chỉ định xem qua xem hàng hóa có gì quan trọng không thôi. Bà làm ơn cho tôi xem có được không?...

Bà gác cổng thở dài thườn sượt:

- Nếu phải như vậy thì cũng đành. Ở tầng năm ạ.

Vừa lên cầu thang bà vừa lẩm bẩm:

- Giá ông đến sớm hơn có phải hay không, tôi vừa leo lên quét dọn nay lại phải leo lên một trăm hai mươi bậc lần nữa!

Họ lên đến tầng năm. Bà gác cổng rút trong túi ra một chìa khóa, mở cửa.

Căn hộ trông đơn giản nhưng bày biện cũng vui mắt.

Phòng đầu vừa là phòng ăn vừa là phòng khách, phòng ngủ thì có những cửa sổ rộng trông xuống vườn tược mênh mông bên dưới, không bị nhà trước cửa nhòm sang, tha hồ mở cửa sổ không hàng xóm nào tò mò được.

- Cứ phải mở cửa sổ cho thoáng khí, kẻo ông Gurn về lại không bằng lòng!

- Ông ta có thường xuyên ở đây không? - Người lạ mặt hỏi.

- Không, - bà gác cổng trả lời. - Ông ấy nói làm nhiên viên thương mại cho các chuyến đi du lịch mà, nên mấy khi có nhà đâu, có khi đi vắng rất lâu. Cứ đi suốt như thế cũng hay gì nhưng hẳn đem lại nhiều tiền lắm vì ông Gurn không bao giờ thèm so đo đồng tiền cả.

- À ra ông ấy không phải người so đo hả?

- Về mặt đó thì không, thưa ông.

Bà gác cổng chuyện huyên thuyên về tiền thưởng, trong khi đó người đối thoại của bà nhìn thấy một tấm ảnh phụ nữ trẻ để trên mặt lò sưởi bèn chỉ tay hỏi:

- Đây là bà Gurn ạ:?

- Ông Gurn độc thân ạ. - Bà Doulenques trả lời.

Người đàn ông đội mũ mềm nháy mắt thì thầm:

- Bồ ông ta chăng?...

- Ồ không ạ, không giống bà ta tí nào…

- Bà biết bà ta chứ?

- Tôi biết nhưng không quen, chẳng là thường khi ông Gurn ở Paris thì buổi chiều hay tiếp một bà… một bà lịch sự lắm, ít có ai như vậy trong cả khu Belleville này, thế này ạ, một bà rất lịch thiệp, lúc nào cũng che mạng, và đi qua phòng bảo vệ nhanh ơi là nhanh, không bao giờ chuyện trò với tôi cả… nhưng rộng rãi lắm, lúc nào cũng cho tôi một đồng trăm xu.

Người lạ có vẻ quan tâm những chuyện bà gác cổng kể, đưa ra nhận xét:

- Nói cách khác, những người ở phòng này không quan tâm gì đến tiền bạc?

- Không ạ, tuyệt nhiên không.

Có tiếng người gọi ở cầu thang:

- Bà gác cổng ơi!

Bà Doulenques chạy tới chỗ chiếu nghỉ:

- Tôi đang ở tầng năm… có việc gì thế?

Giọng nói vẳng lên:

- Ông Gurn có nhà không?

- Mời lên đây. Tôi đang ở phòng ông ấy đây…

Bước vào căn hộ, bà gác cổng nói:

- Lại người nào nữa hỏi ông Gurn. Toàn hỏi ông ta…

Người lạ mặt hỏi ngay:

- Ông ấy nhiều khách đến thăm thế cơ à?

- … Không bao giờ, chính vì thế tôi mới lạ.

Hai người đàn ông xuất hiện, cách ăn mặc nói lên nghề nghiệp của họ. Đó là những người lái xe tải. Một trong hai người định nói thì bà gác cổng đã quay về phía ông đội mũ mềm mà bà vừa đưa vào căn hộ mấy phút trước đây:

- À ra đây là nhân viên của ông đến chở hàng?...

Người lạ mặt cau mày, hơi ngần ngừ rồi đứng yên.

Lần này thì một trong hai người lái xe tải lên tiếng, nói độp luôn:

- Chúng tôi ở công ty South Streamship đến lấy bốn cái hòm ở chỗ ông Gurn, có phải mấy cái hòm này không?

Và anh ta lấy tay chỉ hai cái hòm to với hai cái hộp xếp vào trong một góc ở phòng ngoài.

- Ôi dào! Thế ra các vị, ba người không ở cùng một chỗ à?

Người lạ mặt vẫn đứng im. Người lái xe tải tuyên bố ngay không chần chừ:

- Không, chúng tôi có cùng đi với ông này đâu…

Rồi bảo người cùng đi:

- Ta khiêng ra chứ?

Đón trước động tác của họ, bà gác cổng cũng như ông đội mũ mềm đều theo bản năng chặn hai người lái xe tải và hòm xiểng lại:

- Xin lỗi, - người lạ mặt nói với giọng lễ phép nhưng chuyên quyền, - xin các ông đừng mang cái gì đi!

Để trả lời, một trong hai người chở hàng rút từ trong túi ra một quyển sổ vừa nhàu vừa bẩn, lật giở từng trang, đọc cẩn thận rồi nói:

- Không thể nhầm được, người ta lệnh cho chúng tôi đến đây lấy hàng mà… - rồi khoát tay bảo người cùng đi;

- Ta cứ khiêng đi thôi!...

Bà Doulenques càng cảnh giác, hoảng người lên bà ra khỏi căn hộ và réo to với giọng lo lắng:

- Bà Aurope!... Bà Aurope!...

Người đàn ông đội mũ mềm vội vàng chạy theo bà nắm lấy tay bà bằng một cử chỉ vừa cương quyết vừa như thuyết phục, dắt bà vào lại trong phòng.

- Xin bà đừng gây ồn! Đừng kêu! - Ông ta khẩn khoản nói.

Nhưng bà gác cổng thấy thái độ kỳ quặc của mấy người đàn ông thì sợ quá, kêu lên the thé:

- Ôi! Tiếc thay, tôi lấy làm tiếc đưa các vị lên đây… Không thể hiểu được các vị nói chuyện gì… các người là ai?... Trước hết đừng có mà chạm vào tôi! Không ai được chạm vào người tôi!... Sau nữa các người đến đây làm gì?

Người lái xe tải đầu tiên làu bàu:

- Tôi đã bảo bà là theo lệnh mà! Đọc giấy này mà xem!... Có tiêu đề của công ty đây thôi! Nếu ông đây - anh ta chỉ vào ông đội mũ mềm - dám nhận mình là người của công ty thì ông ta nói láo…

Ông mũ mềm vẫn không nhúc nhích. Bà gác cổng càng sợ, càng gọi to:

- Bà Aurope!... Bà Aurope!...

Ngày càng có vẻ bí ẩn, người lạ mặt cứ muốn đến gần bà Doulenques, bà này thét lên;

- Cứu tôi!... Cứu tôi với!...

Người lái xe tải thứ nhất bực tức lẩm bẩm:

- Thật tai vạ. Bị coi là kẻ căp! Nếu bà muốn, đi mà gọi cảnh sát… Bọn tôi ấy à, bọn tôi cóc cần!...

Người công nhân trở hàng nhìn kẻ lạ mặt…

- Nhưng tôi hiểu ra rồi, - anh ta nói vẻ nghi ngờ, - có lẽ ông đây có những ý định không trong sáng lắm?

Và chợt bốc lên anh ta quay về phái người bạn cùng đi:

- Này Auguste, để cho xong việc này đi, cậu chạy xuống góc phố đưa một tay cảnh sát lên đây cho ông ta giải thích với bà gác cổng trước mặt cảnh sát.

Auguste vội vã nghe lời…

Vài phút lo lắng trôi qua, mọi người đứng đấy không trao đổi với nhau lời nào.

Bà gác cổng thì run rẩy đứng trong tiền phòng, chỉ chờ một cử chỉ nào đó là lao xuống cầu thang. Anh lái xe tải tay cầm quyển sổ nhìn một cách nhạo báng ông đội mũ mềm, ông này phớt tỉnh mắt nhìn mơ hồ quanh mình.

Nhưng bước chân nặng nề tới gần, Auguste trở lên với một cảnh sát. Người cảnh sát hỏi, giọng bề thế trang nghiêm:

- Có chuyện gì đây?

Nhìn thấy cảnh sát thành phố, ai nấy yên tâm hẳn, bà gác cổng hết run; anh lái xe tải cũng hết vẻ nghi hoặc. Hai người đang sắp sửa giải thích sự việc cho người đại diện chính quyền thì ông đội mũ mềm lấy tay gạt hai người ra, tiến tới chỗ tay cảnh sát của thành phố, đứng đối mặt với anh ta, nhìn thẳng vào mắt và bảo anh ta:

- Cơ quan an ninh Trung ương… Thanh tra Juve đây!

Viên cảnh sát không ngờ đến lời tuyên bố ấy, lùi lại một bước, đưa mắt nhìn người vừa nói với mình và đột nhiên đưa tay lên mũ, thái độ kính cẩn hẳn:

- A! Xin lỗi ông thanh tra, tôi không nhận ra ông… Ông Juve!... Ông ở khu vực này lâu thế mà tôi…

Rồi giận giữ quay lại anh lái xe tải chính:

- Lại đây, không được cãi!...

Juve, thanh tra Sở an ninh vừa bộc lộ thân thế mình ra, mỉm cười hiểu ngay là viên cảnh sát tưởng mấy tay công nhân chuyên chở của hãng South Streamship Co. là giả mạo, vội vàng bảo:

- Không có vấn đề gì đâu, anh ta không làm gì cả, để anh ta yên…

- Nhưng… - Tay cảnh sát hỏi. - Vậy thì cần phải bắt ai mới được chứ?

Bà gác cổng xen vào, danh tính viên thanh tra làm bà xúc động:

- Nếu ông đây cho tôi biết là người của Sở cảnh sát ngay từ đầu thì việc gì phải đi tìm cảnh sát nữa!...

Thanh tra Juve mỉm cười đáp:

- Thưa bà, nếu tôi xưng danh lúc nãy, tức là lúc bà đang hết hồn, thì hẳn bà không tin, còn tiếp tục kêu toáng lên nữa ấy chứ…

Rồi quay lại hai người lái xe tải đang sững sờ:

- Hai anh quay về cơ quan mình ngay đi…

Và khi hai người nói là còn phải đi tiếp, Juve giơ tay cắt ngang:

- Mọi việc dừng lại hết, tôi đã bảo mà! Tôi sẽ bảo cho sếp các anh… Ông ấy tên là gì nhỉ?

- Ông Wooland ạ,… - một người nói.

- Được rồi,… - viên thanh tra nói, - hai anh báo cho ông Wooland là tôi đợi ông ấy ở đây, mời ông đến càng nhanh càng tốt… và đề nghị ông mang theo mọi giấy tờ liên quan đến việc chở hàng của ông Gurn… Các anh hiểu chưa nào?

- Rõ rồi ạ. - Anh lái xe tải đáp. - Thế là hỏng buổi sáng nay…

- Các anh sẽ được đền bù, - Juve hứa.

Hai anh lái xe tải đi xuống, vị thanh tra an ninh thì thầm dặn đi dặn lại họ:

- Không được hở một lời với ai đấy nhé, nhất là với hàng xóm quanh đây, chỉ báo cáo với sếp các anh mà thôi.

Hai người đi khỏi phố Hauteville được mười lăm phút.

Vừa mở các ngăn kéo, lục lọi mọi đồ đạc, tay thọc vào tận đáy các ngăn tủ, các tủ hộc tường, Juve yêu cầu bà gác cổng mô tả ông Gurn mà ông tỏ ra rất quan tâm.

- Ông Gurn, - người đàn bà trung hậu nói, - là người tóc vàng thì đúng hơn, dáng dấp trung bình, thân hình rắn chắc, mày râu nhẵn nhụi theo kiểu Anh, một người không có điểm gì đặc biệt khiến người ta chú ý cả!

Những dấu hiệu mở hồ ấy khiến ông thanh tra chẳng hài lòng chút nào. Ông ra lệnh cho anh cảnh sát lấy thuốc-nơ-vít trong bếp tháo đinh ốc một cái hòm ra, hòm này khóa chặt, rồi ông lại gần bà Doulenques đang đứng cạnh tường, im lặng, sững sờ cả người.

- Bà nói ông Gurn có nhân tình à? Thường thì khi nào ông ấy gặp bà ta?

- Lạy trời, thưa ông, những khi ông Gurn ở Paris thì luôn luôn ạ, và bao giờ cũng vào buổi chiều…

- Họ có cùng đi ra ngoài bao giờ không?

- Thưa ông không…

- Bà ta có bao giờ ngủ lại không?

- Không bao giờ ạ.

- Thế ra, - viên thanh tra như tự nói với mình, - một người đàn bà có chồng…

Bà Doulenques phác một cử chỉ:

- Tôi cũng không biết nói thế nào…

- Thôi được rồi, - ông ta cắt chuyện, - bà đưa giùm tôi chỗ quần áo ở phía sau bà kia.

Bà gác cổng vâng lời đưa cho Juve một chiếc áo vét tong treo trên mắc áo. Juve nhìn thoáng thấy phía trong tìm chỗ gần cổ áo, thấy có nhãn "Pretoria".

- Đúng thật! Hợp với dự đoán của ta! - Ông ta khẽ kết luận.

Ông nhìn vào hàng khuy, phía trong từng cái khuy có chữ khắc vào gỗ "Smith".

Anh cảnh sát đoán được tính chất cuộc điều tra của ông thanh tra, cũng xem xét quần áo đựng trong cái hòm đầu tiên vừa được mở ra.

- Thưa thanh tra, - anh ta báo cáo, - quần áo trong này chẳng có dấu hiệu xuất xứ, cũng không thấy tên nhà sản xuất.

- Không sao, anh mở cái hòm kia ra, - Juve nói.

Trong khi anh cảnh sát lo bẻ khóa chiếc hòm thứ hai thì cấp trên anh ta đi vào bếp, lúc trở ra cầm trong tay một tảng đồng khá nặng có cán bằng sắt.

Juve quan sát cái chùy một cách tò mò, đang nhấc lên nhấc xuống xem nặng nhẹ thế nào thì nghe thấy một tiếng kêu hãi hung thốt lên từng người cảnh sát vừa mở nắp hòm ra. Tuy không từ bỏ vẻ lãnh đạm nghề nghiệp, Juve không ngăn nổi mình nhảy bổ đến chỗ cái hòm.

Một cảnh tượng thảm thương mở ra trước mắt ông: Trong hòm là một xác chết!...

Đến lượt bà Doulenques phát hiện ra cảnh tượng này, bà buông mình xuống chiếc ghế bành gần như ngất xỉu khiến cho anh cảnh sát phải chạy tới hồi sức cho bà…

Juve vẫn bình tĩnh, ra lệnh:

- Cưa cầu thang đóng chưa đủ, đống thêm cả buồng này nữa, tôi không người ta nghe thấy tiếng phu nữ la, ngộ nhỡ tí nữa bà ấy lên cơn thì sao!

Người cảnh sát vâng lệnh rồi trở lại chỗ người đàn bà tội nghiệp.

Phu nữ lao động thường ít khi bị ngất: Bà Doulenques xỉu đi có một chút rồi tỉnh lại ngay, tuy nhiên quá hoang mang nên không thể rời khỏi cái ghế bành, bà cứ ngồi đó, cúi mình xuống trước, hai mắt thất thần nhìn chằm chằm vào xác chết..

Tuy nhiên xác chết không có vẻ gì đáng sợ. Đó là xác chết của một người đàn ông độ năm mươi tuổi, mặt có đường nét nổi bật, trán cao càng cao them vì hói đầu hơi sớm. Con người đáng thương đó ngồi xổm trong hòm, đầu gối gập lại, đầu cúi xuống. Rõ ràng là nắp hòm nặng đè lên sọ đã tạo cho ông ta tư thế ấy.

Trên thân mình là một bộ quần áo kiểu cách rõ ngay đây là một con người lịch sự, sang trọng. Không thấy vết thương nào lộ ra…

Juve hỏi, nửa quay mình về phía bà gác cổng:

- Đã bao lâu nay bà không trông thấy ông Gurn?

Bà Doulenques lắp bắp:

- Thưa ông ít nhất là ba tuần, ba tuần… không hơn không kém, từ hôm ấy không có ai lại đây, tôi khẳng định như vậy…

Juve ra hiệu cho người cảnh sát, anh này hiểu ngay:

Cúi sờ vào xác chết, anh ta nói:

- Xác chết đã cứng, thế mà không có mùi gì, có lẽ do trời lạnh…

Juve lắc đầu:

- Trời dù có lạnh đến mấy cũng không giữ nổi một xác chết thế này trong ba tuần, nhưng mà đây!

Juve lấy ngón tay chỉ cho nhân viên dưới quyền mình một vết màu vàng nhìn thoáng qua chiếc cổ áo giả hé mở, ở chỗ gần quả tao Adam lồ lộ ra vì nạn nhân là người gầy mảnh.

- Đây, đây chính là điều giải thích cho chúng ta.

Juve tiếp tục tìm tòi nghiên cứu. Bằng bàn tay nhanh nhẹn khéo léo, ông lục lọi quần áo nạn nhân, tìm được chiếc đồng hồ ở chỗ của nó. Trong túi con ở lưng quần có đầy tiền. Tuy nhiên ông cố tìm chiếc ví của nạn nhân mà không thấy bởi vì trong ví nếu như không có tiền cũng phải có thẻ căn cước là tối thiểu…

- Hừm!... - Không hiểu vị thanh tra an ninh có ý nghĩ gì trong đầu. Ông quay về phía bà gác cổng:

- Ông Gurn có ô tô không?

- Thưa ông không, nhưng… tại sao ông lại hỏi tôi điều ấy? - Đến lượt bà ta đặt câu hỏi.

- Chẳng tại sao cả. - Im lặng một chút rồi vị thanh tra đáp, vừa nhìn lên giá nới có một chiếc bơm tiêm to tướng bằng nickel như loại bơm tiêm mà lái xe bình thường dùng để bơm dầu hoặc hút dầu xăng từ bình xăng ra, dung tích độ nửa lít.

Ông nói với người cảnh sát đang quỳ cạnh chiếc bàn:

- Chúng ta có một vết vàng ở cổ, anh sẽ phải tìm thấy nhiều vết như vậy nữa, đặc biệt ở cổ tay, ở bắp chân, ở bụng, anh nhìn kỹ xem nhưng khéo một chút đừng để ảnh hưởng đến xác chết…

Trong khi anh cảnh sát thận trọng thực hiện lời sếp bảo thì viên thanh tra hỏi bà gác cổng.

- Ai dọn dẹp ở đây?

Bà gác cổng e dè trả lời:

- Dạ… tôi chứ ai, thưa ông.

- Thế thì xin có lời khen bà, - Juve hồn nhiên nói, - bà cẩn thận và sạch sẽ đấy. Nhưng xin bà cho tôi hay, - ông nói tiếp, tay chỉ vào tấm màn nhung che lấp cánh cửa ngăn giữa tiền phòng với phòng khách nơi họ đang ngồi… - Tại sao bà lại để tấm màn tách ra ở trên cao thế kia?

Bà Doulenques nhìn lên, sợ hãi những lời trách cứ của ông thanh tra:

- Nhưng thưa ông, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy như thế! Xin thưa với ông là ông Gurn ít khi ở đây thanh tra tôi dọn dẹp cũng không được thật kỹ…

- Lần cuối cùng bà dọn dẹp là bao giờ?

- Cách đây khoảng một tháng…

- Như vậy ông Gurn đi khỏi đây sau lần bà dọn dẹp là tám ngày?

- Thưa ông vâng.

Juve đổi đề tài câu chuyện.

- Thưa bà, - Juve chỉ vào xác chết, - bà có biết ông này không?

Bà gác cổng cố nén xúc động lần cuối cùng nhìn vào mặt nạn nhân đáng thương mà từ nãy bà không dám đến gần, trả lời:

- Tôi chưa bao giờ trông thấy ông này cả…

Viên thanh tra nhẹ nhàng nói tiếp:

- Như vậy tức là khi ông này đi lên bà không biết chứ gì?

- Tôi không để ý, - bà gác cổng nói.

Rồi như để tự trả lời cho một ý nghĩ vừa chợt đến trong đầu bà:

- Chuyện này lạ đấy, vì rất ít khi có người đến hỏi ông Gurn, dĩ nhiên khi có bà khách trong nhà thì chẳng ai đến hỏi ông ấy làm gì, nhưng như vậy tức là ông này phải lên thẳng đây…

Juve đang định nói tiếp, gật gù tán thành, thì bỗng có tiếng chuông reo.

- Có người đến, - bà Doulenques nhận xét.

- Bà ra mở cửa đi, - ông thanh tra bảo.

Cửa mở, một người trẻ tuổi độ hai mươi nhăm tuổi bước vào, hai mắt sáng, rõ ràng là một người Anh, tự giới thiệu với giọng người ngoài:

- Tôi là ông Wooland, giám đốc công ty South Steamship, nghi nói có lệnh cảnh sát mời tôi đến đây, nhà ông Gurn?...

Juve tiến ra:

- Xin cảm ơn vì đã phiền ông tới đây, xin phép tự giới thiệu: tôi là Juve, thanh tra an ninh, mời ông vào.

Ông Wooland bước vào phòng một cách trang trọng mặt tỉnh bở, chỉ một cái liếc thấy ngay xác chết trong hòm, nét mặt không hề biến đổi. Ông Wooland là người dòng dõi, vốn có cái điềm tĩnh đáng ca ngợi đã làm nên sức mạnh của đất nước hùng cường Anglosaxon.

- Thưa ông, - Juve hỏi, - ông làm ơn cho biết về hồ sơ liên quan đến việc gửi mấy cái hòm mà ông cho người sáng nay đến lấy ở nhà ông Gurn có được không?

- Xin vâng lời, thưa thanh tra…

Cách đây bốn ngày, ngày 14 tháng mười hai, thư từ bên Anh gửi sang cho chúng tôi hay: Huân tước Beltham đề nghị chúng tôi ngày 17 tháng mười hai, tức là hôm nay, đến lấy bốn cái hòm có ghi chữ H.W.K để tại nhà ông Gurn, đã được ông lệnh cho bà gác cổng cho mang đi khi có người đến lấy.

- Ông định gửi những cái hòm này đi đâu?

- Khách hàng của chúng tôi, - ông Wooland nói tiếp, - nói rõ là đưa hòm của ông ta lên chuyến tàu thủy đầu tiên đi Transvaal rồi đưa tiếp đến Johannesburg nơi ông sẽ đến nhận. Chúng tôi cũng sẽ gửi theo hai vận đơn đường biển theo như thông lệ, vận đơn thứ ba gửi tới Londres, hòm thư lưu, văn phòng số 63 Charing Cross.

Juve ghi vào sổ tay: văn phòng 63 Charing Cross rồi hỏi:

- Tên gì? Hay chữ đầu tên là gì?

- Beltham, ngắn gọn như vậy thôi.

- Vâng, được rồi. Còn tài liệu nào khác trong hồ sơ không?

- Không còn tài liệu nào khác, - ông Wooland đáp.

Con người trẻ tuổi đó vẫn thản nhiên, Juve yên lặng nhìn ông ta ít phút rồi nhận xét:

- Thưa ông, hẳn ông đã nghe dư luận Paris xì xào về việc huân tước Beltham. Người ta thấy nhân vật này, người được xã hội thượng lưu Paris rất quen biết bỗng nhiên mất tích. Chẳng lẽ ông không lấy làm lạ khi cách đây bốn hôm nhận được thư huân tước Beltham?

Ông Wooland đáp:

- Quả tôi có nghe việc huân tước Beltham mất tích nhưng tôi cũng hơi đâu mà nghĩ đến một cách nghiêm túc về sự mất tích này. Huân tước Beltham có thể cố tình không xuất hiện thì sao? Khi lá thư tới tay tôi, tôi chỉ đơn giản thực hiện những mệnh lẹnh ghi ở trong.

Juve hỏi:

- Ông có chắc lệnh này từ đích thân huân tước Beltham gửi tới không?

- Thưa ông, như tôi đã nói, huân tước Beltham là khách hàng của chúng tôi từ nhiều nay, chúng tôi đã nhiều lần thực hiện việc chuyên chở hàng cho ông ấy, lệnh dịch chuyển cuối cùng của ông chẳng làm chúng tôi nghi ngại gì cả, giấy đặt hàng, công thức đặt hàng hoàn toàn giống như trước đây chúng tôi vẫn nhận được…

Juve im lặng suy nghĩ. Ông Wooland, trông vẫn đáng kính như hơn bao giờ hết, hỏi:

- Tôi còn cần ở lại đây nữa không ạ?

Juve ngẩng đầu lên:

- Không. Xin cảm ơn ông.

Ông Wooland hơi cúi đầu chào và quay gót đi ra cửa, nhưng Juve gọi giật lại:

- Ông Wooland?... Ông có biết huân tước Beltham không?

- Thưa ông không… huân tước chỉ liên hệ chúng tôi qua thư, có vài ba lần gọi điện thoại, chưa bao giờ đến hãng chúng tôi cả…

- Thôi xin cảm ơn ông, - Juve kết thúc câu chuyện.

Juve cẩn thận đặt lại những thứ mình cầm lên xem xét nghiên cứu, thứ nào vào chỗ ấy. Ông thận trọng đậy nắp hòm lại để anh cảnh sát và bà gác cổng tkhoir phải nhìn thấy xác chết tội nghiệp làm gì.

Ông gài lại khuy áo khoác và hỏi anh cảnh sát:

- Sở cảnh sát anh ở đâu thế nhỉ?

- Số 46 phố Ramponneau ạ, - anh này trả lời, - tôi thuộc quận 20, đồn ở ngay cạnh đây…

- Đúng vậy. Bây giờ anh ở đây, chờ tôi cho người thay. Giờ tôi đến Sở cảnh sát cái đã.

Vị thanh tra đi ra, bước từng bước ngắn, đầu cúi thấp…

Ông không nhầm: xác chết trong hòm đúng là huân tước Beltham! Juve đã xác định ông ta, ông người Anh nổi tiếng. Nhưng kẻ sát nhân là ai? Ông cứ nghĩ tới nghĩ lui.

- Thật quả kết tội tay Gurn này là đúng thôi, nhưng lại có những chi tiết gỡ oan cho hắn! Sát nhân tầm thường thực hiện sao nổi một tội ác liều lĩnh cỡ này, nhất định phải do một kẻ chuyên nghiệp, một kẻ đã từng quen phạm tội…

Và ông nói nhỏ, tựa như quá mệt mỏi rã rời:

- Có lẽ ta điên, có lẽ sự ngờ vực của ta đi quá xa mất rồi… Tuy nhiên, hình như trong vụ ám sát này, thực hiện ngay giữa Paris với một sự táo bạo quá bất thường, cả gan tin chắc không bị trừng phạt, đã thế lại bao phòng ngừa thận trọng theo… Thôi… nó gắn với tác phong hành động của Fantômas rồi!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #fantomas