2. Trở về

1/2/2020 - 10/4/2021

Ở phần này, chủ yếu những câu chuyện đã có thật xảy ra, vẫn là dựa theo lời kể của mẹ tôi, vần lần này tôi có tìm hiểu thêm qua chương trình gameshow Ký ức vui vẻ nữa.

70% là lời kể của cô Khánh Linh, 20% của tôi và 10% còn lại là yếu tố có thật

Headcanon Eli 16-18 tuổi và Naib 20 tuổi

Bản quyền Việt hóa đã được cho phép sử dụng từ đại thần Bảo Huỳnh (Facebook)
__________________________

Cứ đến cuối tháng, cả huyện lại nhao nhao hết lên. Ngay từ ba giờ sáng đã có người đi lên trung tâm huyện để đặt gạch, chậu, thau hay bất cứ thứ gì họ tìm được để giữ chỗ cho bản thân, những người đi sau sẽ thường đẩy phần của người phía trước lên, để chính họ sẽ sang đổi tem phiếu ở các cửa hàng lương thực

Vì sao chuyện này xảy ra? Thực ra, cứ mỗi cuối tháng, các cửa hàng mậu dịch sẽ mở cửa và phân phát một vài thực phẩm nhất định cho người dân tùy theo tem phiếu có sẵn. Đối với nông dân, họ chỉ cần lấy được cân thịt, cân mắm cân muối và một vài thứ khác, trong khi đó gạo sẽ được nộp lại về kho lương thực nhưng họ vẫn được phép giữ lại khẩu phần cho gia đình. Những người thuộc tầng lớp công nhân thì khác; mỗi nhà có một quyển Sổ gạo riêng để ghi chép chi tiết về ngày và số lượng gạo được phân phát. Nhưng thật không may cho những ai đánh mất quyển sổ nhỏ đó, nếu mà mất nó thì cả nhà họ coi như chết đói cả đời.

Từ đó dân gian truyền nhau câu nói: "Buồn như mất sổ gạo".

Nam Bách cố gắng chạy nhanh, tay cầm tay lái xe đạp cố chạy về cửa hàng lương thực nhanh nhất có thể, đằng sau anh là Lam, cả người cậu cũng ướt đẫm mồ hôi, tay xách nách mang nào nón, chậu, xô, v.v....cứ như là đi chạy nạn về, cả hai người ai cũng đều mệt mỏi rã rời. Sau đó Lam giành lấy đầu xe đạp bảo anh
      - Để em mang gạo đi nộp, anh cầm chỗ tem phiếu này tìm các cửa hàng mậu dịch xung quanh đây, à này, vác thêm mấy cái này nữa để đặt chỗ, nhanh nhanh lên nhé không hết suất hàng bây giờ

Anh cũng gật gù mà làm theo, vội chạy ra cửa hàng thịt. Tối qua Lam đã hướng dẫn cho anh cách làm từ trước, chỉ cần chiếm được một chỗ xong đặt đồ ở đấy, rồi chạy nhanh sang các cửa hàng nhu yếu phẩm khác mà làm tương tự, cho đến khi có ai hỏi đồ của mình thì chạy lại nhận, còn nếu hết suất thì cắp đồ ra về thôi
       - Êu, mỗi lần làm vậy liệu có kịp không?
       - Nếu sức anh nhanh bằng con thỏ thì ổn hết, với lại đâu chỉ có mình anh làm, em cũng giữ chỗ cùng mà
       - Thế vậy....trước đây cậu cũng phải chật vật như thế này hả?
       - Ai cũng vậy thôi anh ạ, thực ra mấy bà cô dì trong xóm nếu có dắt theo con nhỏ thì tiện hơn, có con thay mẹ đi lấy hàng ở chỗ này chỗ nọ, xong mẹ chỉ cần đi lấy những suất các chỗ còn lại. Thế là no đủ rồi. Chính ra em vất vả thế này lại quen hơn, không làm thì lấy cái gì để mà sống

Lam gãi gãi đầu cười, ánh đèn dầu buổi tối lay lắt, ngọn nến bên trong ngày càng bé dần, chiếc quạt tai thỏ màu vàng bé tý cũng không đủ gió để thổi bay đi những giọt mồ hôi của cái nóng, cho dù đã là gần đêm.
       - Sống một mình thế này, không thấy cô đơn hả?

Lam quay lại nhìn Bách, một tia phức tạp lóe lên trong đôi mắt màu xanh ngọc đẹp đẽ kia, đôi mắt ấy khác hẳn với tất cả mọi người nơi đây. Dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu để ở giữa sân, nó như sáng rực và lung linh hơn hẳn.
       - Em quen rồi.

Chỉ ba chữ như vậy thôi, sau đó Lam giục anh đi ngủ sớm, Bách cũng không suy nghĩ gì nhiều nữa, nhưng hình ảnh đôi mắt xanh buồn rầu cùng tâm trạng không vui của Lam cứ vẩn vơ trong đầu anh, cho tận đến lúc anh ngủ hẳn.
                   (.......)

Đến cuối trưa, cả hai người vã mồ hôi ra, may mắn là đều đã lấy được suất hàng của mình đầy đủ, tuy nhiên có nhiều hộ gia đình không được may mắn như vậy vì hết suất. Nam Bách đạp xe chở Lam, còn cậu thì lỉnh kỉnh cầm đồ hàng, mặt trời giữa trưa đổ những tia nắng của mùa thu, không quá oi bức và ngột ngạt như mùa hè, nhưng cũng có cái nóng của riêng nó.

Một hôm khác, khi Lam đi bán trứng gà ở chợ, trước khi đi cậu còn dặn anh ở nhà trông nhà, quét sân với nhà trong hộ cậu, rồi sau đó cho đàn gà ăn, thức ăn thì cậu làm sẵn rồi. Bụng Nam Bách đói mốc meo ra, nhưng vì mình đang ở đợ nên phải làm theo lời cậu, quét xong xuôi rồi, khi đến nhiệm vụ cho gà ăn thì anh ngửi thấy cái mùi hôi hôi của mốc và hơi ngai ngái nữa, bụng đã cồn cào mà bây giờ anh chỉ muốn nôn. Trời ạ! Thức ăn cho gà ra mùi thế này hả!!!???

Chê bôi đủ kiểu rồi, nhưng việc thì vẫn phải làm, anh đành mang cái xô đựng thức ăn gà, đổ vào cái máng nhỏ trong chuồng gà rồi đi ra. Cảm giác như thể đuổi được cái mùi kinh khủng kia ra khỏi mũi mình, Bách thấy mình thật dũng cảm khi đã làm được.

Khi Lam về, anh đang ngồi ngay trước hiên nhà đuổi muỗi, cậu chạy lại, đưa cho anh một cái gói lá chuối nhỏ
       - Cái gì vậy?
       - Xôi khúc đó anh, lâu lắm rồi mới có người trả dư thêm vài xu để em mua, may mà đủ cho hai anh em mình cùng ăn

Xôi khúc sao? Hồi còn ở Hà Nội anh có thiếu đâu, còn ăn mỗi ngày nữa chứ, mà nó thì vị cũng bình thường, mấy bát phở hay bánh đa còn ngon hơn. Còn Lam không để tâm đến anh mấy, cậu háo hức mở từng lá chuối ra, bên trong xôi nóng hổi, phả từng ngụm khói thơm phức, cậu ăn dè sẻn, tay cứ bấu một nắm nhỏ, vo vào rồi nhai chậm từng tý, cảm nhận vị đỗ và xôi hòa quyện lẫn nhau, còn Nam Bách cứ ăn như bình thường. Nhưng mà anh cảm thấy lạ lạ, hình như vị xôi ngon hơn, có thể do lâu lắm rồi anh không ăn, hay là do đang sống hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ nên mới vậy?

Khi ăn xôi khúc, anh luôn ghét nhất là ăn phần nhân trong cùng, nó ngấy vì có lớp mỡ, còn hiện tại thì anh lại ăn hết cả phần mỡ và thịt đó, ngấy thì vẫn có, nhưng mà càng ăn càng ngon, khó hiểu thật. Hai anh em cứ im lặng ăn cho đến khi hết cái óc xôi đó.
      - Anh nè?
      - Hử?

Lam nhìn ra góc sân hồi lâu, cậu thẫn thờ ra, đôi mắt xanh xa xăm nhìn về phía trước. Nắng xuyên qua hàng cây trong góc vườn, tạo thành những vệt nắng chiếu xuống mặt sân, được những hạt bụi trong không khí làm nổi bật, khung cảnh yên bình và thư thái hẳn đi, dù vẫn mang theo cái oi ả của đầu thu.
      - Hà Nội trông như thế nào?

Nam Bách ậm ờ, anh có bao giờ để tâm đến thành phố mình sống mấy đâu, mà lại còn học kém văn nữa, để bây giờ mà miêu tả thì chả khác gì học sinh lớp hai.
        - Ờm thì.....trên đó rất rộng, đông đúc và sầm uất, lúc nào cũng nhộn nhịp, người người thì luôn bận rộn, à còn nhiều tiếng ồn hỗn tạp nữa. Nhiều nhà cũng cao tầng, mà nổi bật nhất thường là khu ba sáu phố phường ấy, mỗi phố lại có điểm nổi bật riêng, v.v.......
        - Ồ, thì ra là vậy, em luôm tưởng tượng ra nơi đó trông sẽ thế nào, nếu sau này khi khá khẩm hơn chắc em sẽ lên đó khám phá một lần. Mà có một số từ anh nói em không hiểu ý lắm đâu
       - Đối với anh thì thích ở đây hơn

Lam quay đầu nhìn anh, khuôn mặt lộ rõ vẻ khó hiểu, anh biết chứ, nhưng mắt vẫn tập trung nhìn bên ngoài, những con bướm vờn nhau lấp ló trong khóm cây, anh tiếp tục
        - Đã lâu lắm rồi anh mới cảm nhận được cuộc sống như vậy, ở Hà Nội quá vội vàng, đến mức cả cuộc đời trôi qua tưởng chừng như rất nhạt nhẽo. Còn nơi này thì tĩnh lặng, chậm rãi và có nét đặc trưng riêng, từng trải nghiệm khi ở đây làm anh suy nghĩ rất nhiều về bản thân mình trước đây
         - Còn em thì muốn thử sống trên đó thế nào, nhất là khu ba sáu phố phường mà anh kể đó
         - Haha...sau này nếu còn gặp nhau thì anh đưa cậu lên

Hai người cứ nói chuyện phiếm với nhau như vậy cho đến chiều tà. Dạo này kết thúc mùa gặt rồi nên Lam thảnh thơi hơn, cậu chỉ cần chăm sóc đàn gà với hai con lợn và cả vườn rau của mình nữa. Nam Bách cũng hay ngồi bên cạnh xem cậu làm, khi nào cậu nhờ thì anh giúp.

Đúng là đã lâu thật.....

Trước giờ, anh chỉ vùi mình vào những cuộc chơi vui, tán gái vu vơ rồi tụ họp cùng mấy đứa bạn đi đây đi đó, anh chưa từng giúp đỡ bố mẹ, suốt ngày chỉ biết đi tiêu pha hoang phí những đồng tiền mà bố mẹ mình đổ mồ hôi sôi nước mắt vất vả kiếm được.

Bỗng nhiên Nam Bách thấy bản thân thật khốn nạn.

Cũng may là anh được gặp Lam, cậu đã dạy anh về cuộc sống hiện tại, lam lũ vất vả, ăn không đủ no, nhưng mà tinh thần vẫn luôn thoải mái, tận hưởng những gì mình có mà sống bình yên qua ngày . Anh nợ cậu một lời cảm ơn vì điều này.
__________________________

Một hôm nọ, Lam rủ anh ra ngoài chơi trong xóm, thỉnh thoảng những lần cậu xong vụ lúa sớm thì sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn, sau đó cậu sẽ làm thêm nghề tay trái để kiếm tiền như trồng rau hoặc ớt và cây ăn quả hay đi cày thuê trong ngày, tất nhiên cậu chắc chắn phải vác Nam Bách đi làm cùng rồi, nếu hai người cùng làm thì tiền tăng gấp đôi.

Chiều đến, ánh nắng bớt oi ả và gay gắt đi, tiếng gà trống gáy to ba lần trên chuồng gà vang xa đến những nhà xung quanh, báo hiệu đồng hồ đã chỉ thời gian đến năm giờ chiều. Anh thấy Lam lọ mọ ở trong căn nhà nhỏ phía trước, mấy tiếng lạch cạch đồ đạc va vào nhau, thắc mắc hỏi cậu
       - Lam ơi, làm gì thế?

Tiếng đồ đạc ngừng lại, cậu ngó đầu ra, mặt bị những vết nhọ nồi ở trong kho nhà bám vào, cậu không để ý mình bây giờ như thổ dân Châu Phi mà cười tươi
        - Em lấy ít đồ nghề, tí tụi mình đi vặt trộm xoài đi

Sau đó, Lam lấy ra hai cái bao vải nhỏ để vác lên vai, rồi còn cầm theo một cái sào buộc chặt với cái rọ trên đỉnh đầu
         - Xoài bên nhà bác Sơn chín rồi, nhiều quả nhìn còn to nữa cơ, ngon hơn cả ở chợ bán nữa, không ăn thì phí lắm.
                    (.......)

Đến nơi, cậu trèo qua tấm rào gỗ một cách im lặng nhất, rồi nhận lấy đồ nghề Nam Bách chuyền cho, xong anh cũng bắt chước cách trèo của cậu
        - Anh đứng đây hái quả, chỉ cần xoay xoay cái sào cho nó cứa vào cành quả, cành nó yếu lắm nên dễ lấy thôi. Em trèo lên vặt cùng nữa, lâu lâu đổi chỗ một chút, chứ đứng trên cây mãi cũng bị trúng gió mà lăn ra đất ốm mất
        
Anh gật đầu làm theo lời cậu bảo, Lam thì nhanh thoăn thoắt leo chưa đến ba phút đã vặt được vài ba quả, còn Nam Bách thì chật vật mãi đến mười phút mới vặt được một quả. Cậu thấy túi vải của mình cũng trĩu nặng rồi, trèo xuống bảo anh
       - Anh Bách, đổi chỗ thôi, túi em cũng nặng rồi

Anh "ừm" một câu, rồi cũng từ từ trèo lên, nhưng mà tiếng động quá to nên chú chó mực đang ngủ cũng tỉnh lại mà vểnh tai nghe thấy. Nó ngước nhìn tán cây xoài cứ rung rung cái lá, rồi gầm gừ chạy ra sủa inh ỏi, cả Lam và Nam Bách đều giật mình, giục nhau tháo chạy, anh thì may cũng không trèo cao quá nên tiếp đất an toàn, nhưng mà quần anh mặc thì không.....

Tại sao ư? Vì trong lúc đuổi, con chó mực cắn một phát làm rách một mảng quần của anh rồi.

Ông Sơn nghe thấy tiếng chó sủa cũng giật mình, lật đật ra xem thì thấy cây xoài của nhà vãn bớt mấy quả. Miệng giật giật rồi mặt nóng lên, chửi um cả xóm lên
      - Bố tổ sư cái lũ mọi rợ thó trộm vặt xoài quý nhà ông! Ông mà biết được đứa nào óc chó sống không bằng gà vịt cứ đi cắp trộm thế ông vác cái roi mây ra đây đập thì chết chúng mày nhé!

Tất nhiên, Lam và Nam Bách đã cao chạy xa bay rồi nên không nghe thấy tiếng chửi của ông Sơn vang inh ỏi sang tận vài dãy nhà. Chỉ khổ thân những vị hàng xóm thiện lành nghe hát nửa ngày trời.
__________________________

Về đến nhà, Nam Bách mắng Lam om sòm lên, chỉ vì vài quả xoài mà bị chó dữ đuổi theo, đã vậy còn cắn trúng mảng quần ở mông chứ, đối với một tên công tử danh giá ở Hà thành thì đây là điều nhục nhã nhất đối với anh, Lam chỉ cười khì khì rồi tìm một miếng vải cũ trong hộp bánh inox để ở dưới gầm giường, trong hộp có để sẵn kim khâu và chỉ, trong lúc anh đi mặc tạm cái quần khác, Lam đang vá lại lỗ hổng của cái quần. Dù là con trai, đường chỉ có chỗ dài chỗ ngắn, nhưng mà tay cậu vẫn thoăn thoắt vá vải một cách thành thục
      - Anh ơi! Anh rửa hộ em mấy quả xoài với, tý nữa anh em mình ngồi gọt nhé

Nam Bách không đáp lại, anh cầm cái thau nhôm đựng xoài ra chỗ giếng sâu hun hút, lấy thùng gỗ bên cạnh thả xuống rồi múc nước lên và đổ vào thau, nước trong giếng mát mẻ đổ vào càng nhiều, những quả xoài dần dần nổi lềnh bềnh trên mặt nước, sau đó thấy đầy thau rồi anh đợi Lam vá xong quần rồi ra sai vặt mình tiếp
     - Ơ, anh đừng ngâm lâu như vậy, hỏng xoài mất! Sao anh không kì nhẹ qua rồi để vào rổ? Với lại từ sau anh đổ ít nước thôi, tốn quá, phải đến giữa tháng này mới được ra ủy ban xã để được cấp thêm nước nữa....
     - Thì cậu có nói cho người ta biết đâu!

Lam thở dài, kêu anh đi lấy luôn cho cậu cái rổ nhựa, còn mình thì nhanh tay rửa bớt nhựa dính ở đầu quả. Sau đó cậu bảo Nam Bách lấy xoài ra khỏi thau nhôm, đi vào trong bếp tìm con dao cau
    - Anh nhìn kĩ em làm đây này, xoài rửa xong là sạch rồi, ăn cả vỏ cũng được, bùi bùi mà ngon, anh cứ gọt thế nào đến tận phần xơ của xoài thì thôi, mà con dao này sắc lắm đấy, cẩn thận không bị chảy máu...

Vừa nói xong, y như rằng Nam Bách đã tự tạo cho mình một vết dao cứa ở ngón tay trỏ, Lam không biết phải nói gì, đành hất nước rửa xoài trong thau ra tay anh, sau đó dùng tạm vạt áo để cầm máu. Cả quá trình làm cậu đều phải nghe tiếng Nam Bách la oai oái như lợn bị chọc tiết, toàn mấy câu như là "Trời ơi đau quá" hay "Tôi sắp chết rồi phải không???" đến đau cả đầu
     - Anh la ít đi, bị cứa một tý thôi mà làm như con dao đâm vào cổ anh vậy, em bị cứa vào tay suốt có làm sao đâu
     -  Cậu khác, anh khác, cậu làm nhiều quen rồi, anh đã làm những cái như thế này đâu
     - Chưa làm thì bây giờ làm, anh định làm công tử bột cả đời à?

Bị chọc vào danh dự của mình, Nam Bách im lặng hẳn đi, muốn phản bác mà không được tại vì cậu nói cũng đúng. Có việc cỏn con như này mà không làm được thì không phải con trai. Thế là anh lại quyết tâm tập trung xem Lam hướng dẫn, sau bốn quả xoài xấu số thì cuối cùng trình độ của anh cũng tăng lên một chút
       - Nam Bách này, anh vẫn chưa phải về Hà Nội phải không?
       - Ừ, tầm Tết này mới phải về cơ
       - Vậy tốt quá, mùa rươi sắp đến rồi, lúc đó lại nhờ anh giúp nhé!

Cậu cười tươi, đôi mắt xanh hơi cong lên lấp lánh, đột nhiên tim của Nam Bách đập mạnh, anh không hiểu sao mình lại có phản ứng như vậy, đành giả vờ hắng giọng và lúng túng quay đầu đi, "ừ" một câu
      - Mà này, mùa rươi là sao?
      - Trên Hà Nội không có à? Ở đây cứ khi nào sang thu là bắt đầu có rồi, tháng 9 và tháng 11 là mùa rươi nổi lên mặt nước nhiều nhất, dễ bắt lắm. Cái sông lớn ở mạn giao giữa Kiến Thụy và Kiến An là nơi tập trung nhiều người bắt nhất, nhưng thỉnh thoảng rươi cũng sẽ qua đường nước tản về những cái ao gần đây.

Nam Bách nghe Lam kể mà trong lòng rất tò mò về hình dáng của nó, còn Lam thì cứ bướng bỉnh giữ bí mật đến cùng, chỉ cười bảo với anh đến lúc đó sẽ biết.
                    (.....)

Nam Bách khóc trong lòng, anh bắt đầu thấy hối hận vì muốn biết rồi. Anh nhìn Lam lặn ngụp với cái rổ to như rổ sề, vớt những con lổn nhổn bơi trong ao như lũ đỉa rồi mang lên, nước ao chảy róc rách qua mắt rổ ướt cả một khoảng đất
    - Phù...năm nay được nhiều quá, đảm bảo ăn hết đến cuối tháng đây!

Lam mừng rỡ nhìn rươi chui lúc nhúc, có con hồng hào to phạc nhìn cả mạch máu đỏ bé tí như sợi chỉ, thân hình mập mạp bò đè lên những con khác, có con thì xanh lục và hơi đen, thường là những con có kích cỡ nhỏ hơn, Nam Bách nhìn mà cả người nổi da gà da ốc hết lên, vội vã quay mặt đi chỗ khác, Lam cũng bận rộn nên không để ý đến anh mấy
    - Phần này của bà Mục, chỗ này vừa đủ cho nhà chị Thơi, bác Khương thì từng này chắc đủ...

Mỗi năm, hàng xóm xung quanh đều nhờ Lam vớt rươi rồi chia từng phần cho mọi người, đổi lại những lúc thế này mọi người cho cậu ít rau, chút quả chín hoặc trứng gà vịt, người thì có điều kiện hơn chút thì cho cậu hai ba hào. Thỉnh thoảng cậu có từ chối, nhưng mọi người dúi vào tay cậu suốt nên cậu đành nhận, sau khi chia đều rồi, lần này Nam Bách chủ động yêu cầu chở cậu về, cậu cười khúc khích không ý kiến, những lúc đó, ánh mắt xanh như nước biển của cậu lấp lánh và sáng hơn, anh vừa đạp vừa hơi đỏ mặt, còn lâu anh mới để cậu biết anh sợ những con này. Bản lĩnh đàn ông của anh không cho phép được tiết lộ!

Sau khi đạp qua cánh đồng lúa lúc này đang vào độ chín muồi, nắng chiều phủ lên những hạt lúa vàng óng ánh, chuồn chuồn và bướm bay lảng vảng trong khoảng không xuôi theo chiều gió, chính hơi chạm vào nhau rồi lại lượn lờ xung quanh, bóng của hai người đổ xuống mặt đường đất gồ ghề chỗ gạch chỗ không, chiếc xe đạp phát ra tiếng lọc cọc mỗi khi bị vấp, Lam ngồi yên xe phía sau, một tay cầm bao dứa nhỏ đựng rươi, tay còn lại đỡ đít bao không đi đường vô tình bị thủng thì rươi rơi hết. Về đến nhà, Nam Bách có chút ngạc nhiên khi thấy Lam đã mang ra góc giếng, đổ những con rươi vào thau và cho nước vào, sau đó cậu vào bếp lấy đôi đũa cả nhẹ nhàng vớt chúng ra một cái bát ô tô
      - Sao phải cầu kì thế? Đổ thẳng vào bát là được mà?
      - Không được đâu anh, làm thế này nó mới sạch, có những con chết từ trước rồi nên ăn sẽ không ngon.

Tiếp đến là những công đoạn cầu kỳ khác, Lam cho muối vào bát rươi rồi để đó tìm túi bột, đợi Nam Bách hứng thú nhìn những con rươi ngấm muối mà nổ xác thành dòng chất lỏng màu xanh cốm, cậu đổ một lượng bột và đập hai quả trứng vào, cắt thêm tý hành củ băm nhỏ, Lam nhờ anh trộn đều chúng lên, còn cậu đi đun bếp trấu, tìm cái chảo to, rửa sạch lòng chảo và lấy ít mỡ lợn cất trữ cho vào chảo, đợi mỡ nóng già rồi cầm bát rươi ra, lần lượt rán từng miếng tròn to bằng lòng bàn tay.

Trong lúc đợi, Nam Bách bỗng nhiên nhớ ra một chuyện, bảo lại với Lam
    - Anh sắp phải về Hà Nội rồi. Mẹ có đánh điện mấy hôm trước
    - Sớm thế sao? Khi nào anh phải về?

Lam hơi bất ngờ, giờ mới tầm giữa tháng mười, mà lúc anh được bố anh "tống cổ" về nhà cậu thì cũng chỉ mới được bốn tháng. 

     - Bác bảo anh về chuẩn bị ăn tết với nhà, cuối tháng mười hai là bắt tay vào thu dọn đồ đạc rồi

Không hiểu sao trong lòng anh có chút nghẹn lại, dù cho trước đây anh đã rất mong ngóng điều này sẽ đến, nhưng giờ khi nói ra lại có chút tiếc nuối, khoảng thời gian ở cùng với Lam đã dạy anh rất nhiều điều xung quanh cuộc sống của cậu, cũng như thay đổi được bản thân mình.
    - Hai bác chắc nhớ anh nhiều lắm. Em biết rồi, đến lúc đó em sẽ nấu một bữa ăn thật lớn cho anh, đến lúc đấy anh phải ăn hết đấy nhé!

Lam cười vui vẻ, dường như cũng không mấy ngạc nhiên cho lắm, cậu biết Nam Bách sẽ phải về nhà, chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi. Nhưng thật lòng, cậu sẽ có chút nhớ anh.
     - Nhớ đánh điện lại cho em đấy, em vẫn muốn biết Hà Nội trông như thế nào mà
     - Tất nhiên rồi, đến lúc đó sẽ cho cậu xem cả ảnh chụp nữa

Cậu tò mò, định hỏi Nam Bách nhưng chợt nhận ra mình đang rán rươi, thế là vội vàng đảo mặt đi. Cuối cùng vì quá tập trung vào nói chuyện mà cậu làm cháy mất hai ba cái chả rươi. Cả hai đành cười gượng mà cố gắng ăn hết trong bữa tối hôm đó.

(Còn tiếp)
__________________________

Trứng: Thực ra tôi vốn đã định drop plot này, nhưng rồi có một hôm rảnh rỗi vào đọc lại phần đầu, thấy được mọi người ủng hộ nhiệt tình nên tôi lại tiếp tục :3

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #naibeli