Chương 6: Anh và cái chiếu cùng rơi xuống sông, em chọn ai?
Thể loại: Fanfic Khải Nguyên
Tác giả: Karin KR
—
Chương 6: Anh và cái chiếu cùng rơi xuống sông, em chọn ai?
Một người đàn ông có nhà, có sự nghiệp, có đứa con thơ bé bỏng, thân thể vô cùng lành lặn, anh ta lại vì thứ tình yêu chớp nhoáng trong đời mà muốn ruồng bỏ tất cả cho khuây cái nỗi sầu của riêng mình. Chẳng bù với xã hội và ông trời này lại quá đối tốt với anh. Kẻ thiếu thốn sức khoẻ hằng mong có một thể trạng bình thường như tôi sẽ nghĩ sao? Người từ khi chào đời đã mất đi khả năng nhìn thấy ánh sáng như Vương Nguyên sẽ nghĩ gì. Tôi thừa nhận mình đang ghen tỵ hơn là thông cảm. Thứ anh ta mất chúng tôi không có, thứ anh ta có chúng tôi cũng không có.
Nhưng câu chuyện về ai đáng thương hơn ai đã chẳng còn quan trọng nữa. Người trước mắt đang nở một nụ cười tươi tắn với đời. Chắc rằng cái chống tay ngồi dậy hay cái dáng thẳng lưng này là dành cho con gái anh ta, tiền tài anh ta, cả ngôi nhà ấm cúng người người chốn đường cùng mong ước. Dù sao thì mọi chuyện đã qua rồi. Làm lại từ đầu thôi. Anh ta gật gù cái đầu và tự độc thoại với chính mình như thế.
Vương Nguyên nắm tay tôi thật khẽ, ý bảo muốn đi về. Nhóc muốn được cùng tôi nghe mấy bản nhạc mà hồi nào đến giờ chỉ đứng đằng xa trông ngóng từ đầu DVD của hàng xóm.
Xoa đầu nhóc, tôi nói: "Có muốn đi vòng quanh một chút không? Trong nhà rất ngột ngạt."
Người đàn ông kia tự giới thiệu bản thân tên Anh Túc, sau đó bảo: "Xưởng dệt chiếu của chúng tôi có nhiều cái hay ho lắm, anh là người thành phố phỏng? Đến xem thử cho biết. Với lại tôi cũng muốn đãi hai người một bữa ra trò."
"Haha, đến chơi thôi, còn ăn thì chúng tôi vừa ăn xong, không còn bụng nữa."
"Tôi nói trưa ấy."
...
Hai lớn một nhỏ cùng dạo về phía Tây của thôn làng, nơi đó có một xưởng dệt chiếu cỡ lớn. Nếu là so với mấy công ty chỗ tôi ở thì chẳng thể nào bằng được, nhưng với vùng quê hẻo lánh xa xôi này, quả thật phải bật ngón cái cho sự giàu có của anh ta.
Gia cảnh tốt đẹp như vậy còn muốn chết! Thật muốn giơ ngón giữa! Vẫn là không nhịn được mà chửi thầm.
"Chỗ này về sau sẽ là do tôi thừa kế." – Anh Túc chỉ ngón tay về phía cổng.
Từ trong đó đi ra một người phụ nữ trung niên mặc quần áo công nhân, đang ôm ôm bế bế một đứa trẻ chừng năm tuổi. Rất mũm mĩm, rất xinh xắn, chắc mẹ bé là người vô cùng đẹp. Chiếc mũi cao hay đôi môi mỏng đều là những đặc điểm không giống anh ta.
"À, kia là con gái tôi, Tiểu Huyền."
"Anh chờ một chút, tôi phải đến ôm nó."
"Tiểu Huyền! Tiểu Huyền! Tiểu Huyền! Ngoan, ba trở về rồi."
Trước xưởng dệt có tiếng khóc con trẻ, cũng có tiếng ăn năn hối lỗi của người lớn. Tôi ở một bên tự cười chính bản thân mình. Thật giống làm sao, cái cảm giác có thứ quý giá nhất nhưng không biết trân trọng này. Mà chúng tôi khác nhau ở chỗ khi anh ta xoay lưng lại vẫn còn đủ thời gian để trông thấy đứa con gái bé bỏng. Còn tôi, hai mươi năm, gần đất xa trời mới quay trở về nhà, nơi này đã vắng bóng những người vì tôi mà chờ đợi.
Tiểu Huyền giận anh ta lắm, khóc òa lên nhưng không thèm nhìn vào mắt anh ta. Cô bé ôm chầm người phụ nữ trung niên chẳng chịu xuống, hay nói cách khác là tránh né vòng tay của cha mình.
"Tiểu Huyền..."
"Ba xin lỗi."
"Tiểu Huyền, cho ba bế một cái nào."
Anh nói anh bị tổn thương, mẹ của cô bé làm anh đau, nhưng anh có nghĩ đến đứa con mình bị cả cha lẫn mẹ từ bỏ?
Tôi ngốc, anh cũng ngốc làm sao.
Chúng ta đều là những gã đàn ông điên cuồng vì ái tình mà bỏ quên một thứ rất quan trọng – nhà. Dù là phạm lỗi nặng nề, dù là bị xã hội ruồng bỏ, nhà vẫn là nơi chứa chấp ta trong những lúc ta cô đơn nhất.
Năm ấy Vương Tuấn Khải sống một cuộc sống quá kiêu ngạo.
Tôi tự nhìn vào đôi chân mình, nhìn vào đôi chân anh ta, đôi chân tôi rám nắng nhiều hơn và đầy những vết chai sạn.
Ba mươi sáu tuổi rồi sao? Ba mươi sáu tuổi và tôi có những gì?
Tiến lên phía trước một bước, Vương Nguyên chợt cảm thấy bị bỏ lại nên đưa tay níu áo tôi.
Phải rồi, tôi có Vương Nguyên, tài sản cuối cùng của một đời người.
"Dẫn tôi vào trong đi."
"Nhóc muốn tham quan xưởng sao?"
"Tôi nhìn thấy gì mà tham quan. Tôi muốn mua chiếu, anh mua cho tôi một cái, có được không? Sau này tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền trả lại cho anh."
"Ngốc, gia đình không cần phải tính toán vậy đâu."
Vương Nguyên không nói gì nhưng em ấy lại mỉm cười. Nụ cười đó mát lạnh như chất giọng bạc hà của em, khiến người đối diện cảm thấy vô cùng thoải mái.
Chúng tôi bước vào bên trong xưởng dệt chiếu, chính tai nghe về từng công đoạn để dệt nên một cái chiếu đẹp đẽ thế này, thậm chí còn tự mình thực hành những công đoạn ấy dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Nghe qua cứ như đây là một chuyến tham quan của đài truyền hình Hồ Nam ở làng nghề truyền thống ấy nhỉ. Có một cái máy quay ở đây thì quá giống luôn rồi.
Nghĩ là làm, tôi lấy điện thoại đưa cho Anh Túc và dặn anh ta ghi lại những hình ảnh tôi còn tồn tại, còn vui chơi bên xưởng chiếu, còn có thể nghĩ may ra sau này người nào đó nhặt được chiếc điện thoại và nhìn thấy sự hiện diện của tôi không phải là hư ảo.
"Nhớ quay cả Vương Nguyên nữa."
"Không được! Không được đưa tôi vào phim ảnh!"
Em lúng túng che đi nửa khuôn mặt. Tôi phì cười, chỉ là quay video kỉ niệm thôi mà.
Vương Tuấn Khải ba mươi sáu tuổi nghịch ngợm trên chiếc máy dệt chiếu, Vương Nguyên mười lăm tuổi đứng ngay ngắn chỉ trích: "Anh là trẻ con à? Có thể ấu trĩ đến thế sao?"
Sau này khi tôi ôm trong ngực chiếc điện thoại có lưu trữ đoạn video cũ, bụng vẫn không ngừng đau nhói, từng sợi tơ máu vụt ra khỏi miệng rơi xuống sàn nhà, mà trong lòng vẫn vô cùng hạnh phúc. Có thể chết bên kỉ niệm đẹp là một sự mãn nguyện của kẻ đã bỏ phí tuổi thanh xuân để chạy theo những thướt phù du của cuộc đời. Hoặc là, Vương Tuấn Khải ba mươi sáu tuổi mới thực sự gọi là sống, mới thực sự là chính bản thân Vương Tuấn Khải.
"Về nhà thôi."
"Ừ, chúng ta cùng nhau về."
Trong xưởng dệt có hai giọng nói vang lên khe khẽ.
Mọi thứ sau khi chúng tôi đi vẫn diễn ra như cũ, vẫn theo quy luật tồn tại mà hoạt động bình thường.
Cánh cửa xưởng dệt khép lại, cô bé năm tuổi ngẩn ngơ trông ra đằng xa. Ánh sáng, ánh sáng của mặt trời dần tối lại, nhưng ánh sáng của đèn điện vẫn còn phát huy hết công dụng của mình. Tiếng động, tiếng động của bên ngoài không còn nghe thấy nữa, nhưng tiếng động của máy móc bên trong càng thêm rõ rệt.
Tôi dắt tay Vương Nguyên qua những con hẻm nhỏ, tay cầm chiếc chiếu hoa đã được cuộn lại thật gọn gàng. Em thỉnh thoảng sờ nhẹ và khóe môi khẽ nhếch, đuôi mắt cong cong, dường như rất vui sướng.
Tôi nói: "Nếu em muốn thoải mái hơn thì anh sẽ mua nệm. Chiếu không êm đâu."
Nhóc phản ứng rất mạnh: "Không cần."
"Tôi chỉ cần cái chiếu thôi."
"À..." – Bất lực mà thở dài.
"Sau này tôi sẽ mua chiếu trả anh, không có quỵt đâu."
"Nhóc không hiểu câu nói à?"
Chúng tôi mặc dù rất mến nhau nhưng thật sự chẳng khác chó với mèo, suốt đoạn đường cứ mở miệng ra là cãi, mấy vấn đề nhỏ nhặt cũng đem ra mà cãi. Tự bao giờ thôn xóm này lại bắt đầu có những âm thanh nhí nhố ồn ào, một hai ngày thì đó là chuyện lạ, nhưng nửa năm nửa tháng lại trở thành một hiện tượng hiển nhiên. Đến cả chú cún nhà cậu năm sát bên cạnh còn chả buồn ngoi đầu dậy sủa nữa.
Bữa trưa hôm nay chúng tôi ăn món cháo thanh đạm dễ nuốt dễ tiêu nhất. Vương Nguyên giúp vo gạo, tôi nhặt củi bén lửa, vừa nấu vừa dạy nhóc con về liều lượng gia vị sao cho vừa vặn không đậm cũng chẳng nhạt. Em trong quá trình học tập lại vô cùng nghiêm túc chăm chú nghe giảng, thỉnh thoảng còn đưa tay ước lượng độ ít hay nhiều của gia vị từ lời nói của tôi nữa. Chen chúc trong căn bếp nóng nực, thoáng chốc tấm lưng của cả hai đều chảy đầy mồ hôi.
"Tối nay nghe nói có hội chợ đó."
Nhóc hít hít cái mũi ngửi mùi thơm từ cháo: "Anh định đi xem hả?"
"Ừ, dắt em theo."
"Hội chợ đẹp thế nào tôi cũng không thấy được."
Tôi vừa định mở miệng, nhóc lại cười nhẹ: "Mà, 'đẹp' là cái gì tôi còn không biết. Anh cứ đi xem cùng với Lưu Chí Hoành và Dịch Dương Thiên Tỉ đi. Tôi ở nhà canh cửa."
"Vương Nguyên đang tủi thân sao?"
"Tủi thân? Nếu như một người biết được cái cảm giác đi hội chợ là đẹp thế nào mà mình phải ở nhà thì mới gọi là tủi. Còn tôi dù ở đâu cũng không thành vấn đề. Cơ bản tôi không thể hiểu đâu là đẹp đâu là xấu."
Lời em nói ra tựa như đang oán trách nhưng thái độ lại không phải. Rất bình thản, rất tự nhiên, có lẽ bản thân em còn chẳng hiểu câu nói của mình mang ý nghĩa mỉa mai thế nào.
Em chật vật với sức nóng của cháo, hành động đưa muỗng vào miệng được thực hiện một cách chậm rãi, rồi lại ăn, ăn và ăn. Đứa trẻ này mười lăm tuổi rồi. Suýt chút tôi bị dáng vẻ thấp bé thiếu dinh dưỡng của em làm mờ mắt. Có phải bao nhiêu năm qua, những tháng ngày ở bên tôi nhóc mới có được mấy bữa ăn no đủ.
Ừm... tuy nói là thấp bé nhưng đã có chút da thịt.
Nhóc sau khi ăn liền chui vào chiếc chiếu hoa mà tôi mua ở xưởng dệt của người đàn ông tự sát đó. Ban đầu anh ta bảo tặng tôi, nhưng vì câu nói: "Chẳng phải chúng ta nên có một bữa ra trò sao? Tặng tôi chiếc chiếu thì xem như hủy nhé." Nhưng sau ngày đó tôi chẳng còn trở lại nữa. Anh ta mãi bận việc bên xưởng và chăm con nên cũng chưa có thời gian liên lạc với ai.
Chiếc chiếu hoa nhóc thích nằm nhất, tôi hỏi tại sao? Em không nói, chỉ ôm chặt lấy chiếu hoa. Bày dáng vẻ như sợ ai cướp đi thứ vàng châu ngọc báo của mình vậy.
Tôi thấy thế vừa buồn cười vừa tức giận: "Anh với cái chiếu này trọng lượng có bằng nhau không?"
"Thật trẻ con."
"Nói thử nghe xem, nói đi, nếu cả hai đều rơi xuống sông anh và cái chiếu em chỉ nên chọn một."
"Thật ra anh là người mua nó cho tôi mà."
"Lúc đó em đòi! Anh còn hỏi em có muốn mua nệm mới không!"
"Tóm lại câu hỏi của anh thật ấu trĩ."
"Này!!!"
"Ngủ ngon."
Ngủ cái mốc xì, giữa trưa nắng mới ăn no xong em có thể ngủ sao.
Tôi dùng 3g để lên mạng tìm kiếm thêm một số truyện cổ tích để khi rỗi đọc cho em ấy nghe. Chỉ là ở đây sóng quá yếu, chờ nửa ngày mới chạy được, thế là bỏ cuộc nằm chỏng chơ bên cạnh Vương Nguyên ngáp dài ngáp ngắn. Không bao lâu sau liền đi vào giấc ngủ.
Tối ngày hôm đó vẫn là muốn đến hội chợ.
Hội chợ khá xa, phải đạp xe đạp đến hội trường. Vì thế trước lúc đi có chạy sang nhà cậu năm mượn một cái xe. Thật tình cờ khi trong nhà chỉ có mỗi cháu gái của bác ấy.
Tôi càng bất ngờ hơn khi biết được cô gái này mới mười bốn tuổi, vậy mà cậu năm lại liên tục gán ghép cháu mình với một người đàn ông sắp đến ngưỡng bốn mươi. Có thể do gương mặt của tôi chẳng có vẻ gì là đứng tuổi, đợi đến lúc cô bé lớn lên sẽ cưới hỏi, cũng có thể ở vùng này vẫn còn những tập tục xưa cũ như tảo hôn chẳng hạn.
Đương lúc suy nghĩ vẩn vơ thì đầu bị đập một cái thật đau, sau lưng còn có tiếng quát: "Anh làm gì nhìn chằm chằm em gái tôi thế?!"
"..."
Tôi đâu có ý gì xấu. Nhưng đây là ai?
Đối phương trông chỉ mới mười tám nhưng điệu bộ khá chững chạc, nói đừng mắng chứ thật sự chả khác gì cọp cái. Ánh mắt hung hăng, tay cầm chổi, tay cầm cuốc, trên hai cánh tay còn có... cơ bắp.
"Tôi là Vương Tuấn Khải, sang đây mượn cậu năm cái xe."
"Mượn xe có cần nhìn em gái tôi bằng cặp mắt đó không!"
Cặp mắt gì? Thật oan ức mà! Nhất định khi cậu năm về sẽ đi kiếm ông ta mách!
"Thật sự không có ý gì, chỉ là đúng lúc cảm thấy em gái cô còn nhỏ tuổi hơn cậu nhóc này thôi."
Tôi đẩy Vương Nguyên ra trước mắt chỉ chỉ — Nhìn thấy chưa, người ta nhỏ nhắn xinh xắn hơn kia kìa.
"Đừng có lấy tôi ra làm lá chắn." Nhóc bình tĩnh bảo.
"..."
"Anh bị chửi cũng không sai, lúc nào đứng gần tôi cũng cảm thấy anh rất dê."
"..."
Đậu má! Muốn nhai cả thế giới!
Không mượn được thì thôi, chúng tôi đi bộ.
À không, khỏi đi luôn, giận rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top