Sự tích mèo và chuột
Ngày xửa ngày xưa, không biết từ bao giờ. Tại một làng nọ, có một ông phú hộ rất giàu có. Ruộng đất cò bay gãy cánh, thóc chất đầy cả chục kho. Ông ta có đủ tất cả các phẩm chất mà một người phú hộ trong các truyện cổ tích thường hay có: Keo kiệt, tham lam, độc ác, phân biệt đối xử, ... Vì thế quả báo đến với ông ấy là một điều hiển nhiên, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Vào một ngày không mấy là đẹp trời, vợ của ông ta- không biết chính xác tên nhưng mọi người hay gọi là bà phú - đi chơi ở chợ. Hằng ngày ở trong dinh thự cao sang, có kẻ hầu người hạ, ăn nem công chả phượng có khi còn hơn cả vua, bà ta đã chán ngấy muốn tìm cái gì đó mới lạ để ăn. Gặp một hàng bánh lọt bà ta kéo cả lô ở đợ vào
- Chủ quán! Chủ quán đâu? – Con ở đợ thân tín lên tiếng
- Dạ bà phú có gì chỉ bảo ạ?
Ngồi đó chỉ tay xung quanh làm bộ
- Bà nói là mỗi đứa một bát, riêng bà ba bát.
Nghe vậy, bà phú đưa tay vả vào đầu con ở đợ
- Tất cả mấy đứa mày ăn chung một bát còn tao ba bát.
Ông chủ quán đang vui mừng, mặt xị xuống. Vẫy vẫy tay ra hiệu người chủ quán lui đi, bà ta tiếp tục sai mấy con ở đợ mang bát đĩa riêng ra bày lên bàn.
- Tới đây, tới đây. – Ông chủ quán bưng khay đựng bốn bát bánh lọt ra.
Vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon, mình bà ăn hết sạch nhẵn ba bát bánh. Đám ở đợ thì tranh nhau từ cọng cái, từ hạt lựu một. Nhìn thấy cảnh đó bà phú cười ha hả, cái thiếu thốn của dân nhà nghèo chỉ là trò vui cho bả tiêu khiển khi chán.
Đợi ăn xong xuôi, chủ quán đi ra tính tiền
- Cái gì? Những hai hào? Cái bát có tí beo thế này mà mày đòi tận năm xu một bát á?
(Xu là đơn vị tiền tệ thấp nhất thời đấy, mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng, ...)
- Mày thấy tao lần đầu ra đây, giàu có, quyền quý nên mày định bán cắt cổ đúng không?
- Dạ con không dám ạ. Con bán ở đây mấy chục năm rồi, giá đó con bán cho bọn thợ đụng (đụng đâu là đó) là rẻ lắm rồi đó ạ.
- Á à, mày còn dám bảo bà không bằng bọn thợ đụng hả? Người đâu!
Biết không nên dây vào ông chủ quán đành ngậm ngùi
- Dạ con xin lỗi, tại con nghèo nên dở thói tham lam. Cho con xin một hào thôi ạ.
- Bốn bát mà một hào, sao mà chia. Mày định ăn của bà hai xu đúng không? Tám xu thôi. Bay đâu đưa tiền cho nó.
Gần đấy có ông cụ chứng kiến moi việc, lặng lẽ tiến đến dùng tay ngăn con ở đợ đưa tiền lại.
- Một hào đi thưa bà, tôi tặng thêm cho bà cái bánh này.
Nói rồi ông lấy trong người ra một cái bánh hình hạt thóc to khổng lồ. Phải to gần bằng cái tô. Thấy của lạ, bà phú hí hửng chộp lấy cái bánh bỏ đi.
Về đến nhà, bà ta lấy cái bánh ra và kêu thêm vài đứa ở đợ.
- Đây là loại bánh lạ. Tao chưa thấy bao giờ, ăn mà đổ ra thì rất phí, chúng mày quỳ xuống xem nếu có đổ miếng nào thì ăn miếng đó. Tao giảm bớt nợ cho.
Tối hôm ấy, cơm ăn ngon hơn hẳn ngày thường. Chắc mẩm thứ bánh đó thần kỳ giúp ăn ngon hơn bà phú vui mừng không siết.
Sáng hôm sau, đích thân bà phú đến quán bánh lọt hôm trước tìm cụ già. Cụ vẫn ngồi ở một góc quán.
- Này ông cụ. Ông còn thứ bánh kia không?
- Đương nhiên rồi. Nhưng tôi đã bán hết loại thường, chỉ còn loại thượng hạng thôi.
- Bao nhiều?
- Mười đồng.
-Cái gì? Mày giỡn mặt với tao đấy à? Cái hôm trước chỉ có hai xu thôi mà cái này mười đồng.
- Vậy một đồng.
- Đấy, lộ cái bản mặt tham lam ra rồi. Nhưng vẫn quá mắc. Một hào thôi.
- Được thôi. – Ông cụ bình thản đồng ý.
Hí ha hí hửng vì mặc cả mua được đồ rẻ. Bà phú bóc ra ăn ngay tại chỗ, bọn ở đợ tự động nằm ra đất hứng mảnh vụn mà không cần ra lệnh.
Bữa cơm của bà đúng thật là ngon hơn rất nhiều, mình bà ăn hết cả nồi cơm. Chồng bà đã ăn xong và đi ngủ trước, mình bà ăn đến tận khuya. Bụng căng tròn như mang thai sinh năm sinh sáu, không thể chứa thêm được nữa nhưng vẫn không thể thoả mãn cơn đói. Bà nằm vật ra, mệt mỏi, vì không muốn ai thấy bộ dạng này nên đám ở đợ đã bị đuổi ra ngoài hết. Nằm trên sàn vật vả, than trời, kêu đất thì ở góc nhà xuất hiện ông cụ bán bánh.
Ông đi lại gần, hoá ra một ông lão râu tóc bạc phơ, cười nhân từ và nói:
- Tôi không dối bà chứ. Loại thượng hạng công dụng mạnh gấp trăm lần loại thường thì phải đắt hơn trăm lần thôi. Bà ăn nhanh quá, tôi cản không kịp.
- Bụt? Bụt? Con biết lỗi rồi bụt ạ. Xin bụt cứu con.
- Thứ bánh đó là thuốc tăng cường cho các thiên binh thiên tướng ăn lấy sức chiến đấu chống lại quái vật. Được chính Thái Thượng Lão Quân dùng Văn Vũ Hoả luyện thành. Ta chỉ là một vị thần thấp kém sao có thể phế đi tác dụng của nó.
Bà phú không kìm được bản thân nữa, bò đến chỗ thức ăn vương vãi trên đất, liếm lấy liếm để.
- Thôi được. Ta đã có cách cứu người.
Không đợi bà phú cảm ơn, bụt tung cây phất trần lên không, những hạt bụi màu trắng từ từ rơi xuống người bà phú hộ. Bà ta liền hoá nhỏ lại thành một cục lông nhỏ xíu đi bằng bốn chân. Vì miệng nhỏ nên một lần ăn được rất ít, có thể câu giờ để thứ thuốc kia hết hiệu lực. Bỗng bụt dật mình nhớ ra, mấy người ở đợ cũng có ăn phải thứ bánh đó. Vội vội vàng vàng ông biến mất.
Đang nhâm nhi từng chút một đồ ăn thừa trên bàn thì một đàn con vật giống hệt ùa vào, dọn sạch nhẵn. Hết cơm chúng tràn qua kho thóc, suốt cả đêm ăn hết cả một kho.
Sáng sớm hôm sau, ông phú thức dậy không thấy vợ đâu. Bèn gọi đám ở đợ phụ vụ bà vào hỏi thì cũng không có ai. Chưa kịp định hình vấn đề thì có người vào báo:
- Kho thóc, kho thóc bị trộm rồi ông ạ.
Bàng hoàng chạy ra xem, đúng là kho thóc đã bị vét sạch nhẵn. Ông nghi ngờ vợ mình đã lấy hết thóc đem đi trốn với đám ở đợ. Dạo gần đây bà ấy hay ra chợ chắc là để gặp tình nhân. Dận tím tái mặt mày, ông ra lệnh cho bọn ở đợ đi lùng xục tìm tung tích bà phú.
Sáng hôm sau, lại thêm một kho thóc bị mất. Ông phú bị sốc đến đổ bệnh, cho tất cả canh chừng kho thóc nghiêm ngặt. Lớp lớp người đứng canh nhưng đâu có biết, kẻ trộm là lũ tí hon kia, chúng đục một cái lỗ vừa đủ ở vách, hằng đêm cứ mò đến ăn vụng.
Vài chục kho thóc cũng bị vét hết, bệnh tình ngày càng trở nên trầm trọng, ông phú không qua khỏi. Sau khi chết ông hoá thành một con vật, bước chân nhẹ nhàng không một tiếng động, tai, mũi thính. Ban đêm mắt nó sáng lên để nhìn xuyên màn đêm, đi dạo quanh các kho thóc rình mò kẻ trộm. Nó phát hiện ra đám tí hon kia đang đào vách liền lao vào dùng mộ móng sắc bén vồ chết con cầm đầu, to béo nhất. Rồi tả xung hữu đột đuổi bọn còn lại chạy toán loạn.
Nhà ông phú bị bỏ hoang, người ta hay nghe tiếng kêu "nghèo, nghèo" phát ra từ bên trong. Đó là lời than vãn cuối cùng của ông phú. Còn đến đêm thì nghe "chíp, chíp" đó là thứ mà bà phú rất thích (cheap), đợi mãi mà không thấy thuốc hết tác dụng chúng còn gọi tên "bụt, bụt"
Qua bao thời kì đổi mới về ngôn ngữ, giọng nói vùng miền, người ta gọi con to hơn là mèo còn con nhỏ hơn là chuột.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top