2: CỔ TÍCH QUEDLINBURG

Quedlinburg là một thị trấn cổ mà gã đoán là chẳng có ai biết tới sự tồn tại của nó cả. Blasius không tự tin rằng mình là kẻ hiểu biết hơn người, nhưng gã cam đoan rằng Quedlinburg là một thị trấn lạc hậu, và rằng gã đã đúc kết lại được điều đó sau khi nghe lén được cuộc hội thoại của hai tên bợm rượu ở toa thứ ba cuối tàu.

"Tàu chở hàng đến Brunswick sao? Và phải đi qua, ôi anh xem tôi lại quên mất rồi, là Regensburg đấy à?" Tên thứ nhất nói, tướng ngồi say ngắc ngoải, chai bia rỗng tuếch cầm trong tay lại theo thói quen đưa lên miệng.

"Quedlongburg, là Quedlongburg, đó là tên một thị trấn sao? Nghe như tên một loại xúc xích, không phải cái loại mà có bột ngô đâu, tôi cá là bên trong sẽ có đường và gan lợn trộn nhuyễn." Tên thứ hai cười ha hả, bả vai dày lắc lư theo nhịp tàu.

"Đấy, tôi đã nói rồi mà, bia mà không có xúc xích giống như một Tran không có Helle vậy, nó không hoàn thiện [1]. Anh đọc tuần san Die Deutsche Wochenschau chứ? Họ xuất hiện trên cửa kính của tòa sạn nhiều đến mức cả nước Đức không ai biết đến họ [2]. Chí ít thì cả Berlin đều không hiếm lạ gì họ."

"Anh bạn của tôi ơi, cái đầu trọc của Tran đã phủ kín màn hình vô tuyến của nước Đức này rồi."

Blasius ngồi ở góc trong cùng, khuất sau những chiếc thùng gỗ rỗng xếp chồng lên nhau. Tàu chạy được gần một ngày nhưng gã chỉ chợp mắt được nửa tiếng, mắt mở thao láo nhìn xung quanh. Cuộc trò chuyện của hai kẻ say đã bật lên một cái công tắc, đèn sáng, và giờ gã bắt buộc phải nghĩ lại xem bản thân có bỏ quên cái gì không trong những ngăn tủ cũ kỹ phủ bụi bặm của ký ức. Gã không nhớ được rốt cuộc gã đã nghe cái tên Quedlinberg từ đâu ra, chắc chắn không phải từ Argan, có lẽ là ông cố Aurick của gã, thợ mộc của Nuremberg. Nhưng tại sao một lão thợ mộc lại biết đến một thị trấn mà có lẽ cả đời lão sẽ chẳng bao giờ đặt chân đến? Blasius nghĩ ngay đến những con buôn lắm miệng, từ Frankfurt chạy sang Hamburg, đi xuyên qua nước Đức với ổ tiền dắt bên thắt lưng và những nụ cười đểu giả đính trên mặt kể cả sau cuộc đại khủng hoảng. Bọn thương gia biết tuốt đến lấy hàng tiện thể không quên kể cho lão già buồn chán ở Nuremberg những câu chuyện không biết thật giả khắp nước Đức.

"Lão Aurick thân mến, lão biết đấy, chúng tôi sắp leo trên chuyến tàu đi tới Quedlinburg, cái thị trấn cổ tích đẹp như mơ ấy, lão đã nghe đến bao giờ chưa?"

"Quedlinburg? Cái chốn ấy nó đẹp đến thế sao? Ấy vậy mà tôi chưa nghe đến bao giờ."

"Tôi biết là lão chẳng mảy may biết gì về nó mà, hằng ngày lão cứ cắm cúi trong cái căn phòng toàn xác gỗ và máy cưa. Nhưng thôi, tôi sẽ không làm lão xấu hổ nữa, chúng ta hãy nói về lịch sử của nó một chút, lão muốn biết về cái gì thì phải rõ ràng nguồn gốc của nó. Giống như lão uống một bình rượu mà không biết nó đến từ cái thùng cuộn nào vậy.

Nguồn gốc của Quedlinburg gắn liền với triều đại cầm quyền đầu tiên của Đế quốc La Mã, người Otton. Thị trấn này có niên đại từ thế kỷ thứ 10, được cai trị bởi vua Heinrich I, và cũng là người đã phong nó thành thủ đô đầu tiên của Đức. Sau đó thì cái trấn này được cai trị bởi phụ nữ trong 800 năm. Người vợ góa của vua Heinrich I, Mathilde, sau khi ngài mất đã thành lập một tu viện cho phụ nữ quý tộc vào năm 936 và cháu gái của họ trở thành người cai trị của thị trấn. Các viện trưởng của tu viện cai trị thị trấn cho đến năm 1802, khi Napoléon xâm chiếm và tu viện bị giải tán.

Giống như các thị trấn khác của Harz, phần lớn sự thịnh vượng của nó đến từ các mỏ bạc, đồng và thiếc gần đó. Lão không biết đâu, ở đó vô vàn châu báu, giá mà tôi sinh ra sớm một chút có lẽ đã không phải đi buôn cái mớ đồ gỗ của lão rồi."

Ừ thì lão Aurick ngu ngơ đến vậy đấy, lão chỉ chăm chăm với những câu chuyện và ru rú trong cái phòng của lão, ai nói gì cũng tin, ai chê gì cũng cười. Nhưng vì lão thật thà và chất phác, không mấy ai nghĩ đến việc lừa một lão già neo đơn với cái máy cưa cũ mèm là công cụ kiếm ăn duy nhất, đám con buôn cũng tử tế mua hàng của lão, tuy rằng gã cam đoan là mấy món đồ gỗ ấy bán được lãi hơn ta nghĩ nhiều. Dẫu sao thì Blasius vẫn phát ngán với cái tính ấy của lão, thế nên trong những ngày gã cùng cha mẹ xuống Bayern thăm Aurick, những gì gã làm là chỉ ngồi im nghe lão lải nhải về những câu chuyện lão được nghe kể, mà gã còn chẳng dám chắc lão kể lại đúng nữa [3]. Về sau khi cha mẹ mất, gã cũng không buồn về Nuremberg thăm lão Aurick nữa. Song, Blasius vẫn ngờ vực lắm, vì rõ ràng gã đã được nghe kể về Quedlinburg, nhưng là về mặt tối của nó, chứ không phải là về mớ lịch sử từ ngàn năm trước.

"Là hồn ma của con chó săn, ừ, nhà Baskerville, nó ám cả dòng họ ấy, từng người thừa kế cứ thế mà chết một cách bí ẩn, đẫm máu và man rợ." [4] Tiếng trò chuyện của hai kẻ say cắt đứt mạch suy nghĩ của gã, ấy vậy mà Blasius lại rất biết ơn họ, khi mà họ đã vô tình lắp mảnh ghép cuối cùng vào ký ức chưa hoàn thành của gã. Blasius nhớ rồi, gã đã nghe được câu chuyện về Quedlinberg và vị thống chế của đội mật vụ SS Heinrich Himmler qua Argan, trớ trêu thay lại là từ anh ta cơ đấy.

Vào ngày 2 tháng 7 năm 1936, một đảng phái của Đức quốc xã cấp cao đã xuống thăm thị trấn cổ Quedlinburg ở miền trung nước Đức với tư cách khách mời của Reichsführer-SS Heinrich Himmler. Quedlinburg lúc ấy chào đón họ với những con đường quét sạch và những ngôi nhà mới sơn. Biểu ngữ của Đức Quốc Xã treo trên các mái nhà, và các bức tường dọc theo các đường phố chính được trang trí bằng những vòng hoa.

Các Reichsführer và đảng của hắn dừng lại một thời gian ngắn để chiêm ngưỡng lâu đài tráng lệ của thị trấn, sau đó chuyển sang điểm đến cuối cùng của họ, nhà thờ Quedlinburg thời trung cổ. Ở đó, trong hầm mộ được dựng quanh những dãy cột, Himmler đặt một vòng hoa trên ngôi mộ trống của vua Heinrich, ca ngợi lòng can đảm của ngài, và tuyên bố sẽ tiếp tục nhiệm vụ của ngài ở phía đông. Một năm sau khi đặt vòng hoa, thống chế Himmler đã có bộ xương của vua Heinrich mang vào nhà thờ trong đám rước trang trọng để tái hợp lại vào trong ngôi mộ ban đầu. Có những lời đồn đại rằng hắn đã thực hiện những buổi gọi hồn lúc nửa đêm trong hầm mộ của nhà thờ được thiết kế để hắn có thể liên lạc với linh hồn đã khuất của Heinrich the Fowler, từ đó tìm kiếm một vài lời khuyên về chính trị. 

Câu chuyện này khiến Blasius phát lạnh. Thống chế Himmler không chỉ là Reichsführer của SS mà còn là người đứng đầu nhóm mật vụ bí mật nổi tiếng của Gestapo - Quốc xã Đức Quốc xã - và là kẻ chịu trách nhiệm về "Giải pháp cuối cùng", một kế hoạch giết người thông qua diệt chủng, dẫn đến cái chết của sáu triệu người. Liệu có khả năng hắn đã quyết định như vậy dưa theo lời mách bảo của một linh hồn chứ? Tuy nhiên điều làm gã khiếp đảm trước sự kinh hoàng của tình huống lại chính là sự vô lý của tâm trí. Đây không phải là câu hỏi xoay quanh việc liệu những linh hồn có thực sự tồn tại hay không mà là vấn đề về nhận thức của Himmler về họ. Hàng triệu người đã chết vì một người đàn ông ngớ ngẩn tin rằng hắn ta có thể nói chuyện với hồn ma? Blasius không nghĩ rằng mình là thánh Mẫu và gã có nghĩa vụ phải thương xót cho sáu triệu mạng sống ấy, thế nhưng gã cảm thấy nực cười, và tiếc nuối. Họ chết vì bộ não không được bình thường của một thống chế với những ảo vọng phi thực tế và ngông cuồng đến kỳ lạ. Là gã thì gã cũng thà chết vì hy sinh, còn hơn là tế vật cho một đức tin ngu xuẩn.

Blasius không ngừng nghĩ miên man, gã khá là căng thẳng vì mình sắp đặt chân đến cái thị trấn bị Heinrich nguyền rủa, lại nói, không những một mà tận hai Heinrich; và gã ước rằng giờ mình vẫn đang ngồi trong văn phòng với ly cà phê bốc khói nghi ngút trên tay. Nhưng dẫu sao thì gã thà cắm đầu vào một câu chuyện siêu nhiên với cái đầu khoa học còn hơn là chạy về với bão đạn và tiếng súng. Tàu chạy băng băng trên đường ray đến đỉnh của Brocken thì dừng lại, báo hiệu rằng chuyến đi của gã đã đến hồi kết. Hoặc cũng có thể là sự khởi đầu. Ai nào biết chứ, trong tâm trí gã giờ chỉ nghĩ đến việc đi đâu để lấp cái bụng đói thôi.


————- GHI CHÚ ————-

[1] Tran và Helle là một bộ đôi hài kịch nổi tiếng trên truyền hình Đức Quốc Xã

[2] Die Deutsche Wochenschau là một tạp chí nổi tiếng thời xưa, người ta sẽ dán những mặt báo lên trên cửa kính tòa soạn để mọi người đều có thể đọc

[3] Bayern là tên gọi tiếng Đức của bang Bavaria ngày nay

[4] Câu chuyện được kể ở đây chính là bộ truyện trinh thám Con chó hoang của dòng họ Baskerville được viết và xuất bản vào năm 1901 của nhà văn Sir Arthur Conan Doyle


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top