Chapter 1: The King is Dead
Đức vua băng hà.
Có lẽ đã qua giờ cao điểm nên hành khách trên tàu điện ngầm chỉ còn lèo tèo. Tôi ngồi ở cuối toa, nhìn phong cảnh vùn vụt lướt ngoài cửa sổ, mơ màng nảy sinh ảo giác, tưởng như mình đang ở một thành phố nhỏ yên ả nào đó chứ không phải Thượng Hải. Xưa nay, tôi vốn ghét bon chen ồn ào, cũng rất ghét cạnh tranh.
Tôi tên là Hàn Tấn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thượng Hải năm 2008. Sau khi thi và lấy được chứng chỉ giáo dục, tôi chính thức trở thành thầy giáo, được phân công về dạy Lịch sử tại một trường cấp hai ở khu Phổ Đà. Suốt khoảng thời gian làm giáo viên thực tập, tôi cố sức cao độ nhưng vẫn không quen được với môi trường công tác.
Giáo viên là tập thể chuyên môn thiếu hợp tác nhất trần đời, mà cơ chế cạnh tranh lại là ngòi nổ khiến mối quan hệ giữa người với người trong cộng đồng ấy căng như dây đàn. Là một tập thể, song tình trạng đấu đá cả ngấm ngầm lẫn công khai giữa các giáo viên chính là khối u ác tính của hệ thống giáo dục, trong khi kinh nghiệm và trí thức lại không hề tăng lên. Cuối cùng chỉ học sinh là chịu thiệt nhiều nhất. Nhận thấy không thể sống chan hòa mà không a dua, tôi đành chọn cách xin nghỉ việc, trở về với xã hội để tìm hướng đi khác tốt hơn. Cuối năm 2010, bắt gặp một mẩu tin tuyển dụng biên tập viên trên tạp chí Lịch sử tham khảo, tôi bèn nộp đơn và sau đó hăng say theo nghề suốt ba năm, rồi thất nghiệp khi tạp chí sập tiệm. Theo hợp đồng, tôi được trợ cấp ba tháng tiền lương. Lấy tiền xong, tôi ở nhà nửa năm, chẳng buồn tìm việc khác mà vùi đầu chơi game suốt ngày đêm, người mỗi ngày một ù lì tê liệt.
Từ trước đến giờ tôi luôn sống độc lập, cả về tài chính lẫn tinh thần. Vừa tốt nghiệp đại học, tôi đã dọn ra khỏi nhà, thuê phòng sống riêng. Thành ra ngoài tiền ăn uống, tôi còn gánh nặng là tiền thuê nhà. Dù sao cũng đã trưởng thành, tôi không thể ngửa tay xin tiền cha mẹ, nhất là khi sinh hoạt của họ cũng chẳng dư dả gì.
Một đêm, tôi ghé tiệm tạp hóa mua vật dụng thường ngày, lúc tính tiền mới biết thẻ đã hết hạn mức, và ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Đúng là "Cơm áo không đùa với khách thơ". Tôi liền điên cuồng rải hồ sơ đi khắp nơi, tự nhủ sẽ nhận bất kể việc gì, cứ kiếm ra tiền là bằng lòng tuốt. Quả nhiên, có công thì trời chẳng phụ, tôi ra sức nộp vô số hồ sơ nên đã nhận được rất nhiều lời hẹn phỏng vấn. Có điều, vì thiếu kinh nghiệm liên quan, tôi cứ trượt hết lần này đến lần khác. Tiền đồ sao mà mờ mịt... Giữa thời đại thạc sĩ nhung nhúc đầy đường này, hạng cử nhân như tôi thực chẳng đáng một xu. Hạn trả tiền phòng càng lúc càng gần, tôi bắt đầu phải gọi điện cho bạn bè và đồng nghiệp cũ, nhờ họ để ý xem có công việc nào phù hợp với mình, tiện thể tìm phòng trọ rẻ hơn một chút. Nhưng đa số thấy tôi nghèo kiết xác thì tránh còn chẳng kịp, đời nào chịu giúp đỡ.
Trừ Thạch Kính Chu.
Hắn là bạn học từ cấp một đến hết cấp hai của tôi, có thể nói là bạn chí thân, nhưng sau khi lên đại học, đôi bên qua lại thưa dần. Lần này tôi gọi đến, còn chưa kịp mở lời đã bị hắn mắng phủ đầu một trận, rằng "Sao bây giờ mới tìm đến tao?!". Nghe tôi kể khổ, hắn liền hào phóng đề nghị cho vay tiền. Tuy khéo léo từ chối nhưng tôi rất cảm động. Hắn kể đang có một người bạn cũng công tác trong ngành giáo dục, làm giáo viên phụ đạo, vừa hay tôi từng đứng lớp, bèn hỏi tôi có thích đi làm gia sư hay không. Tôi đâu còn lựa chọn nào khác nên nhận lời ngay.
Về vấn đề nhà trọ, Thạch Kính Chu làm bộ úp mở hỏi, "Mày có ngại ở chung với người khác không? Người này mày cũng quen đấy."
Tôi đồng ý ngay, miễn là giá đừng đắt quá, tiện thể hỏi người quen nọ là ai. Thạch Kính Chu giấu kín như bưng, chỉ cười đáp, "Lúc đó khắc biết! Mình gặp nhau cái nhỉ?"
Giờ hẹn được thống nhất là chiều mai. Thạch Kính Chu nói có thể dẫn tôi đến xem nhà ngay, tiện thể gặp lại bạn cũ. Tôi rất tò mò, song cũng hiểu tính Thạch Kính Chu thích úp mở nên chẳng buồn để ý nữa.
Chỉ một cú điện thoại mà giải quyết được cả hai vấn đề lớn là công việc và nhà ở, tôi rất vui vẻ, không khỏi nhủ thầm, ông trời hẳn không đẩy người ta đến đường cùng.
Chiều hôm sau, tôi gặp Thạch Kính Chu tại một quán cà phê trên đường Tư Nam. Hắn mập lên kha khá, bụng phệ ra, xem chừng phởn phơ. Vừa trông thấy tôi, hắn đã chạy đến vỗ vai bôm bốp rồi cười ha hả, chẳng khác gì ngày xưa. Chúng tôi ôn lại kỉ niệm thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, rồi lại bàn tán ai đã kết hôn, ai con cái đề huề, để cùng ngậm ngùi trước thời gian thấm thoát.
"Nói đến bạn cũ, mày có nhớ Trần Tước không?" Thạch Kính Chu thình lình hỏi.
Cái tên này nghe quen quen, nhưng tôi nghĩ mãi không ra mình từng nghe thấy ở đâu, bèn lắc đầu.
Thạch Kính Chu vỗ nhẹ lên bàn gợi ý, "Không nhớ thật à? Bạn cùng tiểu học với bọn mình, xếp hạng nhất ở trường, cái đứa hơi quái gở lại thích khoe mẽ, mới học được một năm đã chuyển đi ấy."
"Trần Tước..." Tôi ngẩng phắt lên, "Thằng học nhảy cóc nhỏ hơn bọn mình ba tuổi ấy hả?"
"Chính hắn!" Thạch Kính Chu đáp.
Sao tôi có thể không nhớ chứ? Tuy ấn tượng mờ nhạt, cũng không nhớ rõ mặt mũi nữa, nhưng chuyện về Trần Tước năm ấy ở trường ai mà chẳng biết. Bấy giờ tôi đã học lớp Bốn nên nhớ như in. Một hôm, thầy giáo chủ nhiệm dẫn một đứa bé cổ quàng khăn xanh vào, sau khi giới thiệu qua một lượt thì nói từ nay em này sẽ học chung với chúng ta, có điều em nó hơi nhỏ tuổi, mới học lớp Một thôi, các em phải quan tâm chăm sóc em ấy. Thằng bé học nhảy cóc ấy chính là Trần Tước. Thành tích học tập của nó tốt, tiếc rằng chỉ học lớp tôi nửa học kì đã chuyển trường.
"Sao tự nhiên lại nhắc đến cậu ta?"
Thạch Kính Chu không đáp, chỉ nhìn tôi cười. Tôi vỡ lẽ, bèn gặng, "Làm sao mày tìm được cậu ta? Bao nhiêu năm không liên lạc rồi mà..."
"Kể ra cũng tình cờ thôi, hôm ấy tao đến bệnh viện Hoa Sơn khám bệnh, mày biết đấy, từ bé đầu gối tao đã hay đau nhức rồi. Đang ở phòng đợi, chợt nghe gọi loa đến lượt Trần Tước, đã thấy quen tai, rồi nhìn hắn đi qua, mặt mũi lại quen nữa, lúc hắn trở ra bèn hỏi xem có phải hắn từng học trường mình không. Đúng phóc luôn!"
"Tao nhớ cậu ta học giỏi, chắc nay cũng khá giả nhỉ?"
"Người ta là Hoa kiều mới từ Mỹ về, mày nghĩ khá hay không? Chuyện của hắn, lát nữa trên đường tao kể cho mà nghe. Em ơi, tính tiền! À phải, nhà hắn cũng ở đường này, hình như là số 200. Hôm nay tao hẹn gặp hắn rồi, coi như họp lớp tiểu học luôn."
Hai chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, toàn nhắc đến Trần Tước bây giờ. Thạch Kính Chu chỉ biết Trần Tước mới từ Mỹ về ít lâu, còn tại sao lại về, đang làm nghề gì thì chịu. Trong trí nhớ mờ mịt của tôi, Trần Tước ít nói, có thể vì nhỏ tuổi hơn nên hầu như không chơi đùa với bạn cùng lớp. Có một dạo, thầy chủ nhiệm cho rằng Trần Tước bị tự kỉ, khuyên người nhà đưa đến bệnh viện kiểm tra, mẹ Trần Tước cũng làm theo, kết quả cho thấy Trần Tước mắc chứng tự kỉ chức năng cao, một dạng bệnh tâm lý gần giống chứng chống đối xã hội. Bấy giờ chúng tôi còn đang học tiểu học, nghe chẳng hiểu gì cả, chỉ biết thầy chủ nhiệm cứ nhắc đi nhắc lại rằng phải quan tâm tới Trần Tước, để em ấy cảm nhận được tình thương mến thương của tập thể lớp 4/2.
Thả bộ cùng Thạch Kính Chu trên đường, tôi bỗng phát hiện ra khung cảnh nơi này rất đẹp. Hai bên lề rợp bóng ngô đồng Pháp, cành lá ken dày, kết thành một hành lang râm mát trên vạch kẻ đường. Ánh dương len qua kẽ lá, chiếu thành những đốm nắng loang lổ. Khu phố vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có người hoặc xe băng qua. Bên trong tường rào hai bên đường là hàng dãy biệt thự kiểu Âu muôn hình vạn trạng thấp thoáng dưới bóng cây.
"Tiền thuê nhà ở đây chắc đắt lắm nhỉ?" Ngắm nghía một lúc, tôi bắt đầu chột dạ.
"Còn phải hỏi, mày nghĩ đây là đâu? Khu trung tâm đấy nhé."
"Này, hay là thôi đi, kể cả chia đôi tiền, có khi tao cũng không thuê nổi đâu."
"Nói gì thế! Đã đến đây rồi thì cứ vào xem thử cái nào!" Thấy tôi tỏ ý ngần ngại, Thạch Kính Chu bèn xềnh xệch kéo tôi đi.
Đường Tư Nam cũng không dài, phía Bắc nối liền với đường Hoài Hải, phía Nam thông với đường Thái Khang. Qua nhà cũ của Tôn Trung Sơn và dinh thự họ Chu[1] rồi đi tiếp về phía Nam thêm mấy phút nữa thì đến số 200. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nơi này không phải ngõ hẻm quanh co mà là một biệt thự lợp ngói đỏ, tường xanh trứng sáo. Trông thấy ngôi nhà nọ, chẳng cứ tôi mà ngay cả Thạch Kính Chu cũng há hốc miệng kinh ngạc.
[1]. Nhà Chu Ân Lai.
"Có lầm không đấy? Một mình Trần Tước ở đây á?" Tôi nhìn Thạch Kính Chu, "Mày có biết nhà này bao nhiêu tiền không hả?"
"Phải 150 triệu tệ, có khi còn hơn." Giọng Thạch Kính Chu run run, hắn lục túi lấy điện thoại ra xem lại, thấy không sai mới gọi cửa. Tôi thấp thỏm đợi, một lúc sau mới nghe động tĩnh bên trong.
Ra mở cửa là một thanh niên còn đang lờ đờ ngái ngủ, đầu tóc bù xù. Cậu ta đẩy cửa, đứng sững mấy giây mới định thần lại được, bảo Thạch Kính Chu, "Tiểu Thạch đấy à, vào đi, vào đi!" Dứt lời lại quay sang tôi, vồn vã bắt tay, "Hàn Tấn phải không? Chào anh, tôi là Trần Tước đây, đã lâu không gặp!" Cậu ta có vẻ cởi mở, khác hẳn lúc trước.
Trần Tước cao gầy, phải trên 1m80, mặc sơ mi đen, quần bò mài, mặt mũi sáng sủa, lông mi dài, cằm nhọn, da trắng, có nét giống con gái. Nếu xét nét ra thì người này hơi ốm yếu, bù lại, đôi mắt sắc bén sáng rực, hoàn toàn trái ngược với dáng dấp còm nhom.
Ba người chúng tôi băng qua giếng trời, bước vào ngôi nhà được thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu. Nhà có tổng cộng ba tầng, theo lời Trần Tước thì sau khi vào cửa sẽ có hai đường đi cho chủ nhà và giúp việc. Ở tầng 1, phòng khách và phòng ăn quay về hướng Nam còn nhà bếp quay hướng Bắc; tầng 2 có ba phòng ngủ, hai gian hướng Nam một gian hướng Bắc, phòng ngủ chính có ban công, giờ Trần Tước đang ở, nếu tôi chịu ở chung thì có thể chọn một trong hai gian kia. Tầng 3 có hai phòng, một phòng sauna và một sân phơi khoảng 30 m2.
Vừa bước vào nhà, đập ngay vào mắt là một giá sách chạy dài khắp chiều dọc bức tường cùng những chồng sách vở ngất nghểu khắp nơi. Số sách ở đây khiến người ta phải trầm trồ không ngớt miệng, trừ thư viện ra, tôi chưa từng thấy chỗ nào nhiều sách đến thế. Thạch Kính Chu ngồi ngay xuống sofa nhìn ngắm, Trần Tước đi pha trà còn tôi cứ luẩn quẩn quanh giá sách. Ở đây đa phần là sách ngoại văn, nào là văn học, lịch sử, nghệ thuật, toán học, vật lý học, lác đác có vài cuốn sách Trung Quốc thì cũng toàn sách cổ như Tả truyện hay Quỷ Cốc Tử. Ngoài đủ loại sách trên giá, tôi còn phát hiện một góc xếp toàn sách điều tra phá án và tội phạm học. Một tấm bảng đen to tướng dựng cuối giá sách, dày đặc công thức toán và hệ phương trình, kẻ học chuyên ngành xã hội như tôi đọc mà cứ như đọc bùa.
"Giả thuyết Riemann." Trần Tước ở phía sau giải thích, "Đây là vấn đề toán học cơ bản nhất, nói nôm na thì đây là mối quan hệ giữa phép cộng và phép nhân. Xin lỗi, những lúc rỗi rãi tôi thường thử nghiệm vài thứ vớ vẩn, mong anh đừng để ý." Vừa nói cậu ta vừa vơ giẻ lau sạch đống kí hiệu và số má rối rắm trên bảng, bụi phấn rơi lả tả cậu ta cũng chẳng quan tâm. Sự kết hợp giữa lộn xộn và chỉnh tề, lý tính và cảm tính này dường như đã tạo nên một mỹ cảm đặc biệt trong phòng, phải thừa nhận rằng, tôi bắt đầu thích nơi này.
"Cậu học đại học khoa Toán hả?" Tôi ngồi xuống, uống một ngụm hồng trà Trần Tước pha.
"À, ừ."
"Giỏi quá! Hồi bé điểm toán của cậu toàn đứng đầu lớp, không ngờ lên đại học lại học khoa Toán thật! Học toán khó lắm hả?" Thạch Kính Chu không kìm được liền trầm trồ.
"So ra thì đơn giản hơn con người nhiều." Trần Tước bưng tách hồng trà lên, trả lời đầy bí hiểm.
Sau đó, tôi trình bày rằng mình thích nơi này, chỉ e không gánh nổi tiền thuê nhà. Đừng nói nhà này, mà ngay cả căn hộ một phòng ngủ một phòng khách đang ở bây giờ tôi cũng sắp không trả nổi tiền nữa. Nghe tôi nói, Trần Tước trầm tư giây lát rồi thốt ra một câu khiến tôi suýt ngã ngửa, "Chỗ này không phải của tôi, nếu anh thích thì cứ ở lại đi, không cần trả tiền thuê, chia đôi sinh hoạt phí là được."
Đâu có chuyện lời lãi thế? Tôi chẳng dám tin vào tai mình. Dường như cũng nhìn ra thái độ hoài nghi của tôi, Trần Tước bèn kể cho chúng tôi nghe về ngôi nhà. Chủ nhà là bạn cậu ta ở Mỹ, vì nơi này từng xảy ra án mạng nên tạm thời không bán được. Trần Tước theo chủ nghĩa duy vật, đương nhiên không để tâm, vậy là người bạn kia bèn cho cậu ta ở luôn, chỉ thu ít tiền thuê gọi là.
"Hóa ra đây là nhà ma à? Hèn gì vừa bước vào tôi đã thấy lành lạnh." Thạch Kính Chu vòng hai tay ôm lấy ngực, vẻ sợ hãi.
"Có thể nói vậy. Một nhà buôn nửa đêm thình lình phát điên, giết chết cả vợ và con gái rồi chôn xác trong vườn. À, chính là chỗ lúc nãy các anh đi vào đấy!" Nói đoạn, Trần Tước lại hỏi tôi, "Hàn Tấn, anh có ngại không?" Lúc kể những chuyện này, giọng cậu ta bình thản, chẳng mảy may xao động, hệt như đang nói chuyện phiếm thường ngày.
Nói thật thì tôi hơi ngần ngại. Dù theo chủ nghĩa duy vật, coi thường mấy chuyện yêu ma quỷ quái, nhưng nếu thực sự dọn vào ở một ngôi nhà ma, tôi cũng thấy sờ sợ. Nhưng từ chối thì tôi sống sao đây? Sắp đến hạn nộp tiền phòng, tôi biết đào đâu ra tiền thuê nửa năm tiếp theo? Có khi vài ngày nữa sẽ bị tống ra đường cũng nên. Thà ở nhà ma còn hơn làm người vô gia cư, cùng lắm là đợi khi nào có tiền thì lại chuyển đi vậy. Thêm nữa, tôi không muốn để Thạch Kính Chu và Trần Tước khinh thường, dù sao cũng đã tốt nghiệp đại học, mê tín vớ vẩn thì còn ra thể thống gì, thế là đành nhắm mắt gật bừa.
Thạch Kính Chu thán phục giơ ngón cái, "Tao biết mày lớn mật, nhưng không nghĩ đến mức này. Nhà có người chết mà cũng dám ở, em xin chịu thua!"
Sáng hôm sau, tôi thu dọn hành lý, chuyển sang nhà mới. Trần Tước giúp tôi đem các thứ lên phòng tầng hai. Tôi mất cả ngày bày biện lại phòng ốc, sắp xếp đồ đạc đâu vào đấy. Trần Tước dặn tôi, trừ những thứ trong phòng ngủ của cậu ta, còn lại đều có thể dùng chung, nhất là sách vở ngoài phòng khách, nếu tôi thích thì cứ lấy mà đọc. Sau khi hỏi han chuyên ngành của tôi, Trần Tước nói mình có một bộ Nhị thập tứ sử do nhà in Trung Hoa ấn hành, rất quý, ở ngăn dưới cùng của giá sách, mở cửa tủ ra là thấy. Tôi rối rít cảm ơn cậu ta.
Về chuyện việc làm, nhờ Thạch Kính Chu giới thiệu, tôi được nhận và trở thành gia sư một cách suôn sẻ, có thêm thu nhập mà không phải lên lớp hằng ngày. Không phải trả tiền thuê nhà nên cuộc sống của tôi dễ chịu hơn hẳn, dư ra được vài khoản để sắm sửa mấy thứ mình thích. Cuộc sống cứ dần dần đi vào quỹ đạo, nhưng qua vài ngày tiếp xúc, tôi càng lúc càng cảm thấy bạn cùng nhà của mình rất thần bí.
Trần Tước thường thức khuya, có khi phải đến 2, 3 giờ sáng, tóm lại, tôi chưa bao giờ thấy cậu ta đi ngủ trước 12 giờ đêm. Nhiều lúc cậu ta còn ở trong phòng gọi điện thoại, nói suốt mấy tiếng đồng hồ, tôi nghe loáng thoáng cái gì mà "thi thể", "mưu sát", khiến tôi rất tò mò về nghề nghiệp của cậu ta. Có lúc cậu ta nhận một cú điện thoại rồi hối hả đi ngay, mấy hôm liền không về nhà; có khi lại giam mình trong phòng từ sáng đến tối, chẳng nói chẳng rằng, hoặc ngồi bên bảng đen suốt ngày đêm, cắm cúi giải những phép toán phức tạp. Trước những hành vi đó, tôi đều mắt lấp tai ngơ, bởi cho rằng theo phép lịch sự tối thiểu, không nên tọc mạch việc riêng của người khác.
Chiều hôm ấy, tôi rời nhà học sinh, ngang qua siêu thị đang có đợt khuyến mãi lớn bèn ghé vào mua thật nhiều thức ăn. Về đến nơi, tôi và Trần Tước loay hoay một hồi, cuối cùng cũng bày ra được một bữa tối tàm tạm. Nói tới bếp núc, buộc phải thừa nhận khả năng của Trần Tước vượt xa tôi. Cậu ta có kiến giải riêng về việc nấu nướng, có điều chuyện này tạm gác lại, để sau nói đi.
5 giờ chiều ngày 12 tháng Tư năm 2013, một phụ nữ họ Trần, là nhân viên văn phòng, bị sát hại trong căn phòng trọ ở phía Đông đường Bảo Hưng, khu Hồng Khẩu. Qua khám nghiệm phát hiện nạn nhân bị cắt cổ, áo vén qua vú, thân dưới lõa lồ, trên người có tổng cộng 20 vết chém. Vụ việc nghiêm trọng, cảnh sát Hồng Khẩu thành lập cả tổ điều tra chuyên án song manh mối quá ít, lượng người thuê nhà xung quanh lại nhiều, muốn điều tra lần lượt cũng khó. Vụ án lâm vào bế tắc. Ngày 20 tháng Tám năm đó, người ta lại phát hiện xác một người đàn bà trên đường Tào An khu Phổ Đà, cổ bị cắt, thân thể có 36 vết chém. Pháp y kết luận hai vụ này do cùng một hung thủ gây ra. Cứ thế, các vụ án tương tự liên tiếp phát sinh, khiến người dân thành phố kinh hoàng tột độ, truyền thông còn gọi hắn là "Hậu duệ của Jack Đồ tể", đưa hẳn bài lên trang nhất. Tính tới ngày 15 tháng Tư năm 2014, tổng cộng đã có mười phụ nữ bị hại trong khi hung thủ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Sau đó, Sở Công an Thượng Hải ra thông cáo về vụ giết người hàng loạt này, treo thưởng hai mươi vạn tệ cho ai cung cấp manh mối, hòng sớm ngày phá án. Chẳng ngờ đến gần đây, vụ án làm cảnh sát đau đầu mấy năm nay đột nhiên được phá, hung thủ là nhân viên bình thường ở một công ty nào đó. Sau khi hắn bị bắt, đồng nghiệp và láng giềng đều hết sức kinh ngạc, bởi theo lời họ, hung thủ hằng ngày hiền lành niềm nở, hoàn toàn không giống một kẻ cuồng sát.
Bấy giờ, đọc tin trên báo xong, tôi vui vẻ bảo Trần Tước, "Thế nên ở Trung Quốc này, kẻ giết người sớm muộn cũng bị bắt thôi. Định qua mặt đám hình sự ở Sở Công an ư? Đúng là mơ giữa ban ngày!" Chẳng ngờ, Trần Tước lại phản đối, "Thủ pháp phá án của cảnh sát hình sự khá là một chiều, lại không chú trọng logic, chỉ hay phá án theo kinh nghiệm. Đương nhiên cũng có những người già dặn, nhìn qua là đoán được hung thủ, nhưng sẽ có lúc nhầm lẫn chứ. Nếu vận dụng phương pháp khoa học, xác suất sai lệch sẽ giảm đi đáng kể."
"Nhưng cậu không thể phủ nhận là họ đã thành công!" Tôi chìa tờ báo trong tay cho Trần Tước, "Họ tìm được nhiều chứng cứ ở nhà hung thủ, hơn nữa tên hung thủ đó cũng chính miệng nhận tội rồi."
Trần Tước đón lấy tờ báo, cười nhạt, "Vụ này là tôi phá mà."
"Gì cơ?!" Tôi tưởng cậu ta đùa.
"Tôi nói là, vụ này do tôi phá. Tuần trước, Tống Bá Hùng đội trưởng đội Hình sự ở Sở đến tìm, mời tôi tham gia một cuộc họp để thảo luận về chuyên án này. Trong cuộc họp tôi đã đưa ra vài ý kiến." Trần Tước cúi đầu ăn cơm, giọng điệu bình thản như đang kể một chuyện vặt vãnh thường ngày.
"Trần Tước, tôi biết cậu thông minh, nhưng thế này thì ly kì quá. Sao họ lại mời cậu?"
"Việc đó anh phải hỏi họ chứ. Lúc gọi tới, đội trưởng Tống nói 'Mời thầy Trần tới giúp chúng tôi một chuyện'. Tôi rảnh rỗi nên nhận lời đi. Tóm lại tôi đã nhận được tiền thưởng, đủ tiêu xài một thời gian." Có vẻ Trần Tước không nói dối. Hay tại diễn xuất của cậu ta quá tốt?
"Thầy Trần? Cậu... cậu là thầy giáo à?"
"Có thể thế, mà cũng có thể không." Cậu ta cầm ly vang đỏ lên hớp một hớp.
"Thật khó tin, làm sao cậu phá được vụ án ấy? Cậu đưa ra ý kiến gì?" Bình thường tôi ghét nói dối, tuy hằng ngày không trò chuyện nhiều với Trần Tước nhưng tôi chẳng ngờ cậu ta lại là kẻ khoác lác như vậy. Làm gì có chuyện công an mời một người dân thường tới hỗ trợ phá án? Có phải chuyện trinh thám đâu? Tôi nhất định phải làm cho ra lẽ, đến khi cậu ta chính miệng nhận mình đùa mới thôi.
Thấy tôi nghiêm túc quá mức, Trần Tước cũng đặt bát đũa xuống, đứng dậy đi đến bên bảng đen, cầm phấn viết ra một công thức phức tạp.
"Đây là gì thế?"
"Công thức Rossmo. Mô hình toán học để phân tích hành vi phạm tội," Trần Tước đáp. "Chỉ cần điều chỉnh lại chút xíu, chúng ta có thể tính ra nơi ở của hung thủ."
"Sao lại thế được..."
Trần Tước phớt lờ phản ứng của tôi, tiếp tục giải thích, "Trong những điều kiện xác định, nếu vận dụng toán học chuẩn xác thì anh sẽ luôn tìm được đáp án đúng. Kẻ sát nhân hàng loạt thường chọn những địa điểm gây án mà hắn cho là tình cờ nhằm che giấu nơi ở thực sự của mình, nhưng công thức này sẽ vạch trần sự thật. Dùng toán học xác định nơi ở của hung thủ, xác suất tương đối cao, biến mò kim đáy bể thành mò kim đáy cốc. Hàn Tấn, nếu anh thích, tôi sẽ giải thích qua về cách thức sử dụng công thức Rossmo nhé?"
Tôi xua tay lia lịa, "Thôi khỏi, tôi học xã hội mà. Cậu dùng công thức này tính ra chỗ ở của hung thủ đấy hả?"
Trần Tước gật đầu, "Ừ, đây là mắt xích quan trọng mà. Tiếp đó, chỉ cần vài suy luận logic bổ trợ, giúp công tác điều tra của phía cảnh sát thuận lợi hơn. Về bản chất, phá án và giải toán giống nhau, cho ta những điều kiện đã biết để tìm đáp án chưa biết. Chỉ cần điều kiện chính xác, sau quá trình tính toán thử nghiệm kĩ càng, nhất định sẽ ra kết quả."
Chuyện này khiến tôi tổn thương sâu sắc. Rõ ràng không thể trông mặt mà bắt hình dong, tôi cứ ngỡ cậu ta chỉ trắng trẻo thư sinh, ai ngờ còn là cố vấn đặc biệt của Sở Công an. Từ đó về sau, tôi càng thêm tò mò về Trần Tước. Hễ rảnh rỗi, tôi lại pha hai tách cà phê rồi ngồi tán gẫu với cậu ta trong phòng khách, nhờ đó cũng biết thêm nhiều chuyện cũ của Trần Tước. Thân thế cậu ta quả là ly kì như tiểu thuyết, nếu không phải chính tai tôi nghe thấy, nhất định sẽ cho là chuyện bịa.
Trần Tước không biết cha mình tên gì, mẹ cậu chẳng bao giờ nhắc đến. Mẹ Trần Tước họ Viên, làm việc trong ngành âm nhạc. Ngay từ nhỏ, cậu ta đã bộc lộ thiên phú kì lạ về toán học, vào tiểu học thì nhảy cóc liền ba lớp. Năm 1999, Trần Tước giành quán quân Olympic Toán quốc tế, cuối cùng, chương trình học ở trường cũng không đuổi kịp tiến độ của cậu ta nữa. Tốt nghiệp cấp hai xong, cậu thôi học, tự học toán ở nhà. Năm mười sáu tuổi, cậu ta đăng luận văn về "Giả thuyết tổng quát liên tục" trên tạp chí Logic toán học, thu hút sự chú ý của giới toán học, về sau nhập học khoa Toán đại học Princeton. Năm 2004, Trần Tước lấy bằng cử nhân, 2005 xong thạc sĩ, đến 2009 thì trở thành tiến sĩ, rồi đi làm giảng viên. Trong thời gian này, cậu ta còn vận dụng kiến thức toán học và tư duy logic của mình, hỗ trợ cảnh sát New Jersey phá được nhiều vụ án giết người hàng loạt, chính thức trở thành cố vấn hình sự cho họ vào năm 24 tuổi.
Nhưng hai năm sau, cậu ta đột nhiên bị trục xuất khỏi giới, cho nghỉ việc về nước.
Trần Tước không muốn nhắc tới căn nguyên sâu xa bên trong. Tôi chỉ biết rằng, do nhận xét không thỏa đáng của cậu ta, một sinh viên đã phải trả giá bằng cả mạng sống. Nhà trường cho rằng Trần Tước là nhà giáo mà tính tình không đúng mực, lời lẽ xấc xược, không có đạo đức người thầy. Trước khi về Trung Quốc, Trần Tước vận dụng kiến thức toán học của mình thắng được nhiều tiền ở sòng bạc Las Vegas, nhưng về nước lại bị bọn lừa đảo qua điện thoại lừa mất quá nửa. Nghe cậu ta kể lại chuyện này, tôi dở khóc dở cười.
Tiếp xúc ít lâu, tôi bắt đầu nhận ra một vài điều ở Trần Tước. Lúc trước tôi đã kể, cậu ta mắc chứng tự kỉ chức năng cao, một dạng rối loạn nhân cách phản xã hội điển hình. Trần Tước khó thích nghi với cộng đồng, thỉnh thoảng lại nói vài điều không ai hiểu được, chẳng thèm quan tâm tới cảm nhận của người khác. Cậu ta không cân nhắc nhiều, thích vạch trần mọi thứ, chẳng chừa thể diện cho bất kì ai. Hơn nữa, cậu ta còn không hề ý thức được rằng mình có vấn đề.
"Tôi nói đâu có sai, anh ta ngu ngốc thật đấy chứ. Sao anh ta lại nổi nóng?" Cậu ta thường xuyên hỏi tôi câu này.
"Cậu đừng vạch trần khuyết điểm của người ta như thế, bất lịch sự lắm." Tôi giải thích.
"Hàn Tấn, nếu tôi khen anh ta thông minh thì mới là chế nhạo anh ta đó!"
Tôi quả thật không phản bác nổi lý lẽ của Trần Tước. Cậu ta thích tranh luận, lời lẽ lại quá thẳng thừng, dễ làm người khác mếch lòng. Ngoài ra, tính tình ngạo mạn cũng là nguyên nhân khiến người khác không muốn kết thân với Trần Tước. Có nhiều chuyện, để đạt lý thì lại không thấu tình nữa.
Còn nhớ có lần đang tản bộ trong công viên, tôi đột nhiên nói, "Tôi thấy cậu giống Sherlock Holmes thật đấy. Cùng phản xã hôi, cùng sắc sảo, có điều ông ta là nhà hóa học, còn cậu là nhà toán học."
"Sai rồi." Trần Tước lắc đầu, "Sherlock Holmes không phải là nhà hóa học ưu tú, thậm chí không xứng đáng làm nhà hóa học."
"Sao cậu lại nói vậy?" Tôi hỏi vặn lại.
Trần Tước bình thản đáp, "Anh có nhớ trong "Những cây dẻ đỏ", Holmes biết lúc nào đó sẽ phải đi xe lửa nên định hoãn phân tích 'các' axeton lại không?"
"Thế thì sao?"
"Axeton là tên một loại hợp chất riêng biệt, công thức phân tử là CH3COCH3 trong truyện, Holmes đã nhầm axeton với xeton. Trong "Chiếc nhẫn tình cờ", Holmes lại lầm lẫn về tỉ lệ máu trong nước; trong "Một vụ mất tích kì lạ", ông ta gọi cả bari disulfide và bari sulfate là bari bisulfate; trong "Ngón tay cái của viên kĩ sư", ông ta nhầm hợp chất không có thủy ngân là hợp kim thủy ngân... Những sai lầm ngớ ngẩn này nhan nhản trong Sherlock Holmes toàn tập, sao anh có thể gọi ông ta là một nhà hóa học được nhỉ? Theo tôi thấy, Holmes chỉ là một kẻ nghiệp dư thích hóa học mà thôi."
"Vậy cậu thấy giáo sư Moriarty thế nào, ông ta cũng là giáo sư chuyên ngành toán học như cậu đấy? Ông ta còn thông minh hơn Holmes là đằng khác!"
"Anh muốn nói tới tác giả cuốn sách Động lực học tiểu hành tinh nực cười ấy hả?" Trần Tước phá lên cười thành tiếng.
"Có gì đáng cười? Giáo sư Moriarty 21 tuổi đã viết luận văn về Nhị thức Newton, còn nổi tiếng trong giới toán học châu Âu."
"Bốn mươi năm trước khi ông ta đưa ra luận văn đó, nhà toán học Niels Henrik Abel của Na Uy đã giải quyết xong khâu cuối cùng của cái gọi là định lý Nhị thức rồi. Cũng tức là, thiên tài Moriarty của bốn mươi năm sau chẳng còn việc gì để làm nữa. Thôi, chúng ta nói về tác phẩm Động lực học tiểu hành tinh ấy trước vậy. Sau năm 1852, theo góc nhìn của Newton thì chẳng có bước tiến nào trong việc nghiên cứu vận động của tiểu hành tinh cả, trừ phi Moriarty tiên tri được thuyết tương đối của Albert Einstein, hoặc giải quyết được vấn đề lực hấp dẫn được coi là mấu chốt trong bài toán ba vật thể. Song, nếu vậy thì học thuyết đó có thể ứng dụng rộng rãi cho tất cả vật thể chuyển động, chứ không chỉ riêng tiểu hành tinh đâu!"
Tôi nghe cậu ta phân tích mà cứng họng, nổi giận đùng đùng, "Họ chỉ là nhân vật tiểu thuyết, cậu nghiêm túc như thế làm gì? Cứ thừa nhận Moriarty vĩ đại là được rồi!"
Trần Tước nhún vai vẻ bất lực, "Anh thấy đó, tôi vốn vô duyên mà."
Ngày tháng cứ bình lặng trôi, nháy mắt đã tới tháng Tám nóng hầm hập. Đang đợt nghỉ hè nên công việc gia sư của tôi cũng bận bịu hẳn lên, gần như cả ngày đều ở nhà học sinh, 8, 9 giờ tối mới về. Buổi sáng tôi thích dậy sớm mà Trần Tước lại là cú đêm, có khi cả ngày chẳng chạm mặt. Hôm nay tôi cuốc bộ về đến nhà như thường lệ, thấy phòng khách sáng đèn thì không khỏi ngạc nhiên. Trừ phi có khách đến chơi, còn đâu Trần Tước sẽ không bao giờ bật đèn.
Quả nhiên, vừa bước vào, tôi đã thấy một thanh niên lạ ngồi trên sofa.
Trần Tước đứng dậy giới thiệu qua loa. Vị khách này tên là Cổ Dương, bạn học của cậu ta ở Princeton, sắp tiếp quản sản nghiệp gia đình. Cha Cổ Dương là Cổ Vĩnh Huy, người đầu tiên phất lên sau cải cách mở cửa ở Trung Quốc, tiếc rằng chưa đến bốn mươi tuổi đã qua đời. Cổ Dương cũng xấp xỉ ba mươi, cao chừng 1m75, đeo kính, trông nho nhã, không có vẻ hống hách như đám con cháu nhà giàu thường thấy, cử chỉ khiêm tốn lịch thiệp, ăn mặc cũng thanh lịch.
"Hàn Tấn, ngồi xuống cùng nói chuyện đi." Trần Tước thở dài, "Gần năm năm nay tôi với Cổ Dương không gặp nhau rồi."
Cổ Dương gật đầu, "Không ngờ cậu cũng về nước, có điều, tính tình của cậu quả thật không hợp dạy học đâu."
Trần Tước gượng cười, "Người như tôi chẳng hợp ở đâu cả."
Nghe vậy, Cổ Dương phì cười, "Câu này tôi đồng ý, cậu đúng là lập dị! Phải ở cùng nhà với người như cậu, quả là khổ cho Tiểu Hàn! Cậu có nhớ ban đầu tôi với cậu chung phòng kí túc xá không? Cả ngày tôi làm ầm lên đòi đổi, nhưng nhà trường không cho!"
"Sao không nhớ chứ, cậu còn đổ cho tôi đánh cắp đồng hồ của cậu."
"Đừng nhắc chuyện này nữa!" Cổ Dương tỏ vẻ bối rối, "Cuối cùng chẳng phải cậu bắt được gã Declan đó ư?"
"Phải phải, Cổ thiếu gia đây tốt bụng, nể tình gã mới phạm tội lần đầu lại túng quá hóa liều nên không truy cứu, còn hỗ trợ thêm mấy ngàn đô. Declan đúng là phải tạ ơn trời đất, chẳng những không bị đuổi mà còn phát tài, hèn chi sau khi tốt nghiệp, gã nói muốn tới Trung Quốc làm ăn. May mà có Cổ thiếu gia làm cho Trung Quốc được nở mày nở mặt, để bạn bè bốn phương biết chúng ta có lịch sử lâu đời, rừng vàng biển bạc, người ngốc tiền nhiều."
"Được rồi, là tôi ngốc, cậu thông minh thế sao nửa đêm mò về phòng còn bị tôi dọa cho chết khiếp?"
"Hàn Tấn này, Cổ thiếu gia đây có trò đùa ác. Cậu ta thích nấp sau cửa, rình lúc người ta mở cửa thì nhảy ra hù! Nhất là vào 12 giờ đêm..."
Bị Trần Tước trêu, Cổ Dương có vẻ ngượng ngùng, xua tay lia lịa, "Được rồi, đừng trêu tôi nữa. Cứ kể tiếp có khi cậu đào cả gốc rễ tôi lên cũng nên."
"Biết thế là tốt." Trần Tước đắc ý đáp. "À phải, bệnh suyễn của cậu khỏi chưa?"
"Chậc, bẩm sinh rồi làm sao khỏi được, chỉ đỡ đỡ thôi. Còn cậu, có bạn gái chưa?"
"Tôi đâu phải thiếu gia, làm sao lọt vào mắt xanh cô nào được?"
Hiếm khi thấy Trần Tước cười vui như thế, xem ra cậu ta khá thân thiết với Cổ Dương.
Trần Tước từng kể với tôi rằng, người học toán cô đơn. Không giống như văn học, mỹ thuật, âm nhạc, dù không có căn bản vẫn nói chuyện được, toán học khó phổ biến. Toán là môn học nghiên cứu về quan hệ số, quan hệ giữa vị trí không gian và quan hệ logic, coi trọng suy luận, nhưng cũng chính những suy luận này khiến nhiều cách chứng minh định lý trở nên vô cùng trừu tượng, không có đủ kiến thức toán và không từng luyện logic thì chẳng hiểu gì cả.
Chuyện trò một lúc thì Cổ Dương thình lình ngồi thẳng dậy, nghiêm trang bảo Trần Tước, "Lần này tôi đến đây là muốn nhờ cậu một việc. Chuyện này đã trở thành bóng đen ám ảnh tâm lý tôi từ nhỏ, không sao xua đi được. Cậu là người bạn đầu tiên tôi quen ở Mỹ, cũng là người tôi tin tưởng nhất, mong cậu bằng lòng giúp tôi."
Trần Tước dường như đã đoán được từ lâu nên vẫn bình thản như không, chỉ khẽ gật đầu ra hiệu cho Cổ Dương nói tiếp.
Cổ Dương ngửa mặt lên, một lát sau mới lấy hết dũng khí mở lời, "Tôi muốn nhờ cậu điều tra vụ án của cha tôi."
"Cổ Dương ..."
"Đừng khuyên tôi, tôi chỉ hỏi cậu một câu thôi, cậu giúp hay không giúp?"
Trần Tước vừa mở miệng đã bị Cổ Dương cắt ngang.
"Cố Dương, cậu nghe tôi nói hết đã." Trần Tước vẫn kiên nhẫn nói, "Tôi có nghe qua về cái chết của cha cậu, cũng biết vụ án chấn động cả nước hai mươi năm trước có liên quan tới ông ấy. Có điều cậu không bao giờ nhắc đến chuyện này nên tôi cũng không tiện hỏi. Hôm nay cậu đã nói vậy thì người làm bạn như tôi nhất định sẽ giúp. Mà kể cả chúng ta không phải bạn bè, tôi cũng muốn thử điều tra vụ án bế tắc ấy xem sao."
"Nói vậy là cậu nhận lời?" Cổ Dương kinh ngạc hỏi.
"Tôi nhận lời. Tuy không phải thám tử, cũng không phải luật sư, nhưng tôi là cố vấn, chi phí không rẻ đâu nhé!" Trần Tước cười.
"Đến lúc đó tôi sẽ tặng cậu một chi phiếu khống, muốn bao nhiêu tự điền bấy nhiêu. Chỉ cần điều tra rõ chuyện này, trả lại sự trong sạch cho cha tôi thì bao nhiêu tôi cũng không tiếc!" Trần Tước nói đùa mà Cổ Dương lại tưởng thật, nghiêm túc đáp.
"Ha, đúng là mạnh vì gạo, bạo vì tiền nhỉ. Chuyện tiền nong tôi chỉ đùa thôi. Nếu tôi nhớ không lầm thì cha cậu gặp bất trắc năm 1994, cách nay hai mươi năm, nhiều manh mối và tư liệu đã mai một, nhân chứng vật chứng cũng không còn, muốn điều tra cũng khó đấy."
Trần Tước ngày thường tự tin là thế mà nói tới đây cũng phải nhíu mày.
Cố Dương vội trấn an, "Chuyện này cậu yên tâm, ngôi nhà đó tôi vẫn giữ nguyên, niêm phong hai chục năm nay, tất cả mọi thứ từ đồ nội thất trong nhà đến trang trí điêu khắc đều chưa hề suy suyển. Mẹ tôi cũng mong rửa oan cho cha nên không hề bán đi, chỉ khóa lại, đợi ngày tôi lớn lên."
Tôi ngồi nghe cũng hơi hoang mang không hiểu hết được. Nghe hai người họ nói, hình như hai mươi năm trước, cha Cổ Dương bị người ta kết tội giết người. Sau khi ông qua đời, mẹ cậu ta không chấp nhận nổi sự thật này, bèn nhờ đứa con trai du học trở về tìm người điều tra lại vụ án năm xưa.
"Còn một thứ tôi muốn cậu xem qua. Có lẽ không có giá trị gì, nhiều người đã nói vậy, nhưng tôi cảm thấy cha tôi để lại vật này nhất định có hàm ý. Cậu là người thông minh nhất trong những người tôi biết, nếu cả cậu cũng cho rằng nó vô nghĩa thì tôi cũng hết cách. Từ nay về sau, tôi sẽ không khăng khăng giữ ý kiến đó nữa." Cổ Dương vừa nói vừa nhấc túi tài liệu màu đen cạnh đó đặt lên đầu gối, mở khóa kéo, lấy ra một cuốn sổ tay đã cũ. Như chợt nhớ lại một chuyện không vui, Cổ Dương nhìn Trần Tước, gương mặt lộ vẻ đau đớn. Cậu ta đặt cuốn sổ lên bàn trà, đẩy tới trước mặt Trần Tước rồi cất túi tài liệu vào chỗ cũ.
Trần Tước cầm cuốn sổ lên, giở trang đầu, bắt đầu đọc. Cả căn phòng bỗng chốc yên ắng hẳn. Tôi cũng châu đầu lại, thấy trang đầu tiên cuốn sổ viết một nhan đề: Bạch Tuyết trong phòng giam bí mật.
Là truyện cổ tích hay là tiểu thuyết đây? Tôi thắc mắc tợn.
Cổ Dương đẩy gọng kính, giải thích, "Cuốn sổ này cha tôi viết trước khi treo cổ tự vẫn trong viện tâm thần. Lạ một điều là, thường ngày ông không hay viết lách, tại sao trước khi chết lại để lại cuốn sổ ấy? Tôi đã đọc đi đọc lại câu chuyện trong đó nhiều lần, song chẳng nhận ra điều gì cả."
Trần Tước không nói, chỉ tập trung đọc. Tôi biết, lúc này tốt nhất là đừng quấy rầy cậu ấy.
Hơn mười phút sau, Trần Tước mới đặt cuốn sổ xuống, bảo Cổ Dương, "Cậu đoán không sai, đây quả thật không phải câu chuyện cổ tích bình thường, mà là lời trăng trối của cha cậu, ẩn giấu nhiều tin tức bên trong. Có điều, hiện giờ trong tay chúng ta có quá ít manh mối, chưa thể tìm ra sự thật đằng sau. Tôi cần tìm hiểu nhiều hơn nữa."
"Tôi sẽ kể cho cậu tất cả những gì tôi biết. Tuy truyền thông hai mươi năm trước đã đưa ra đủ mọi góc nhìn về vụ này, nhưng dù sao tôi cũng là người nhà của nghi can, biết được kha khá tin nội bộ mà báo đài không biết. Năm ấy, lúc xảy ra vụ án, tôi còn nhỏ, không nhớ được nhiều chuyện. Nhưng mẹ kể rằng cha tuy là một doanh nhân quay cuồng với tính toán cạnh tranh, nhưng cũng có những sở thích tương đối phong nhã, như âm nhạc, văn học, kiến trúc và cả những lối hưởng thụ kì lạ. Việc mua Vỏ Chai cũng là hệ quả của sở thích này."
Cổ Dương rơm rớm nước mắt, từ từ ngẩng lên, trầm ngâm nhìn ra bầu trời trên cao.
Cổ Vĩnh Huy sinh năm 1955 trong một gia đình phú hào tại Thượng Hải, nhà họ Cổ nhạy bén, kinh doanh nhiều đời, giao thương cả với phương Tây. Cũng nhờ cha mẹ cấp tiến, mau chóng bắt nhịp với không khí của chế độ mới, lớn lên ông ta theo học Lục quân, rồi nhập ngũ, tích cực chiến đấu, thăng tiến rất nhanh trong quân đội, được cử đi học chuyên môn chính trị bậc đại học, tốt nghiệp rồi quan lộ bắt đầu thênh thang, cuối cùng còn được bổ nhiệm Chánh văn phòng tỉnh ủy. Có điều Cổ Vĩnh Huy vốn tính háo thắng, ưa mạo hiểm; năm 1989 rời bỏ quan lộ ra kinh doanh, tiếp quản một công ty nhà đất, mau chóng kiếm được một khoản kếch sù trong hạng mục cải tạo khu ổ chuột. Chỉ trong một năm, ông ta đã khiến hạng mục nát như tương này thắng lớn, từ đó phất lên như diều gặp gió, trở thành lá cờ đầu trong các doanh nghiệp toàn quốc.
Năm 1993, Cổ Vĩnh Huy mua một bất động sản ở một nơi xa xôi hẻo lánh, một phần để làm chỗ yên tĩnh nghỉ dưỡng, nhưng phần nhiều là bởi bất động sản ấy khá đặc biệt. Đó là một ngôi biệt thự mang tên Vỏ Chai, vốn là của chế độ cũ, về sau được chính quyền mới phát mại. Về nguồn gốc biệt thự, mỗi người nói một phách, tựu chung vẫn chưa thể kết luận được. Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng nó là do lái buôn Jacob Elias Sassoon xây dựng để ẩn thân giữa thời buổi loạn lạc.
Jacob Elias Sassoon là ai?
Chuyện này lại phải kể từ dòng họ Sassoon. Gia tộc ấy có tổ tiên là người Do Thái chạy nạn từ Tây Ban Nha sang Baghdad vào thời Trung cổ, được gọi là gia tộc Rothschild phương Đông[2] . Đầu thế kỉ 19, người đứng đầu gia tộc là David Sassoon bị quan chức chính quyền mới mang tư tưởng bài Do Thái hãm hại, năm 1832 phải chạy sang Mumbai Ấn Độ, xây dựng nên hiệu buôn Sassoon kinh doanh xuyên quốc gia, còn đặt chi nhánh tại Myanmar, Malaysia và Trung Quốc, Jacob Elias Sassoon là một trong các cháu nội của ông ta.
[2]. Rothschild là gia tộc có nguồn gốc từ Frankfurt, Đức. Đây là một trong những gia tộc giàu có và hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới.
Ngôi biệt thự gồm ba tầng, nằm trơ trọi giữa một cánh rừng, xa làng xa xóm xa đại lộ, sau đời chủ nhân thứ nhất hầu như không còn ai ở nên đường vào dần dần hư hại, lổn nhổn bùn đất, mưa xuống thì càng sạt lở khó đi, có đoạn còn bị lấp mất. Biệt thự xây dựng theo phong cách Gothic, kì dị nhất là các mặt tường ngoài tuyền một màu đen, nhìn từ xa chẳng khác nào Tháp đen Mordor trong Chúa tể những chiếc nhẫn của văn hào Anh Tolkien.
Ngày 16 tháng Mười hai năm 1994, sau khi trùng tu Vỏ Chai và trang hoàng nội thất xong, đại gia Cổ Vĩnh Huy mời một số nhân vật nổi tiếng tới đây chơi. Trong những người được nhận thiếp mời có đạo diễn trẻ triển vọng Hà Nguyên, bộ phim Cuộc chiến năm Giáp Ngọ của anh ta là đỉnh cao mới của điện ảnh Trung Quốc, giành được thành công vang dội cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật, có thể nói là tiền đồ rộng mở; ngôi sao đang nổi Lạc Tiểu Linh, hợp tác với Hà Nguyên lần đầu năm 23 tuổi đã giật giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong liên hoan phim Bách Hoa, vừa bước vào giới điện ảnh đã bộc lộ tài năng; nhà văn nữ Tề Lợi, Thủy triều đỏ, tác phẩm mới nhất của cô chỉ lọt được vào vòng tứ kết của giải văn học Quốc tế xanh, nhưng các nhà phê bình vẫn nhiệt liệt đưa Tề Lợi lên hàng ngũ những nhà văn nữ độc đáo nhất Trung Quốc; Lưu Quốc Quyền, chủ nhiệm khoa Nội soi bệnh viện Trung Sơn, nổi tiếng về điều trị bệnh tim bẩm sinh và các loại phẫu thuật tim bằng phương pháp nội soi, vang danh cả ở nước ngoài, tốt nghiệp ngành Y Đại học Heidelberg, nơi đào tạo Y khoa tốt nhất nước Đức; giáo sư Chu Vĩ Thành, chủ nhiệm khoa Văn Đại học Thượng Hải, thường giữ chân giám khảo ở các giải thưởng văn học trong nước.
Nhưng các nhân vật lẫy lừng ấy đều không ngờ mình lại phải chứng kiến một sự việc kinh hoàng ở dinh thự Vỏ Chai.
Sáu người lần lượt đến dinh thự Vỏ Chai cũng là lúc trời đổ tuyết trắng xóa như lông ngỗng. Suốt một thế kỉ qua, vùng này chưa bao giờ có cảnh tuyết lớn bít kín đường đi như thế. Dinh thự Vỏ Chai nằm trên thượng du, giữa rừng giữa núi, giao thông khó khăn, xa khu dân cư, làm tất cả bị kẹt lại, không thể ra về. Đến ngày 19 tháng Mười hai, tức là ba hôm sau khi họ tới dinh thự Vỏ Chai, cảnh sát nhận được điện thoại báo tin ở dinh thự này xảy ra vụ giết người hàng loạt, bèn huy động xe xúc tuyết mở đường, chạy thẳng đến hiện trường.
Cảnh sát ập tới đập cửa dinh thự Vỏ Chai, nhưng cửa vẫn đóng im ỉm, không ai ra mở. Thấy không ổn, họ bèn phá cửa xông vào, phát hiện bên trong ngổn ngang bừa bãi nhưng chẳng có ai, đành chia nhau ra kiểm tra lần lượt từng phòng. Đúng lúc này, một cảnh sát hình sự trẻ tên Triệu Thủ Nhân đang lục soát tầng 2 chợt thấy một người đàn ông trông hơi bất thường mặc áo choàng tắm chạy vụt qua trước mặt, lao thẳng lên tầng 3. Triệu Thủ Nhân lập tức đuổi theo, miệng không ngừng quát tháo cảnh cáo người kia. Anh ta nhác thấy trên áo choàng tắm người nọ mặc lấm tấm vết máu. Lên đến tầng 3, người kia nhanh chóng ngoặt vào một gian phòng ngủ, Triệu Thủ Nhân lao theo nhưng chậm một bước. Kẻ này vừa vào phòng đã xoay người sập cửa rồi khóa trái bên trong. Cửa phòng chắc chắn, Triệu Thủ Nhân xô mấy lần đến tê cả vai cũng không suy suyển. Anh ta đành rút bộ đàm giắt thắt lưng ra gọi chi viện, đồng thời giơ tay lên nhìn đồng hồ. Lúc đó là 2 giờ 10 phút chiều.
Đội trưởng Từ dẫn đội đến trước cửa căn phòng, hỏi han Triệu Thủ Nhân tình hình.
"Năm phút trước tôi còn nghe thấy tiếng động trong phòng, hắn ta vẫn ở đây." Triệu Thủ Nhân làm động tác OK, ý nói người bên trong chưa hề thoát ra.
Đội cảnh sát bắt đầu thay phiên nhau xô cửa. Khi cánh cửa bật ra thì đã là 2 giờ 20 phút, một cảnh vô cùng kì dị đập vào mắt họ - cả căn phòng trống không, trừ rác rưởi và đồ linh tinh bày đầy dưới sàn thì chẳng có gì cả. Người đàn ông khoác áo choàng tắm đã biến mất.
"Hắn nhảy qua cửa sổ rồi!" Ai đó bất thần la lên.
Quả thật, hai cánh cửa sổ không chốt mà mở toang, Triệu Thủ Nhân lao đến, nhoài ra bậu cửa nhìn ra ngoài, rồi giật nảy mình.
Mặt đất phía dưới trắng xóa tuyết, phẳng lì, không một dấu chân...
Lẽ nào gã đàn ông nọ bỗng dưng mọc cánh bay qua cửa sổ trốn mất ư?
Triệu Thủ Nhân trợn tròn mắt, xưa nay anh ta chưa bao giờ gặp phải tình huống thế này. Từ nhỏ, anh đã được giáo dục theo chủ nghĩa duy vật, phải tin vào khoa học, không được mê tín. Nhưng khoa học làm sao giải thích được việc một người năm phút trước còn ở trong phòng, năm phút sau đã biến mất? Nếu hắn nhảy qua cửa sổ thì phải có dấu vết in trên mặt tuyết chứ? Lẽ nào hắn bám bậu cửa sổ trèo lên nóc nhà? Triệu Thủ Nhân thò đầu ra cửa sổ nhìn lên trên, lập tức phủ định giả thuyết này. Mái nhà quá cao, bão tuyết đã ngừng nhưng gió vẫn xô ào ạt, dù bám dây thừng cũng không leo lên nổi. Anh ta lại nhìn sang hai bên, thấy bậu cửa phòng bên cạnh cũng quá xa, không với tới được. Bò dọc theo bờ tường lại càng không thể, vì mặt tường ngoài dinh thự Vỏ Chai trơn láng lại thêm sương giá bám đầy, khó mà bấu tay vào. Triệu Thủ Nhân đã hoàn toàn tuyệt vọng, song tin tức tuyệt vọng hơn vẫn còn ở đằng sau.
"Phát hiện năm thi thể trong căn nhà này. Đều bị giết chết." Giọng đội trưởng Từ vang lên sau lưng Triệu Thủ Nhân, "Tôi làm cảnh sát bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ gặp chuyện như thế."
"Giờ phải làm sao đây, đội trưởng?" Gió lạnh cuốn theo cả tuyết thổi thốc vào cổ áo Triệu Thủ Nhân, khiến anh bất giác run lên.
"Đuổi theo!" Đội trưởng Từ nghiến răng ra lệnh, "Dù hắn có mọc cánh, tôi cũng phải bắt hắn lại!"
Đám cảnh sát lập tức chia nhau ra, bắt đầu lái xe lùng sục gã đàn ông mặc áo choàng tắm màu trắng vừa chạy thoát.
Cuộc vây bắt lần ấy không giật gân như phim Hollywood bởi thật ra, ngay sau khi biến mất trong phòng kín, gã đàn ông kia đã bị bắt. Cảnh sát hình sự tuần tra cách dinh thự Vỏ Chai 5 km đã tóm được hắn đang chạy như điên như dại. Đúng vậy, một người khoác áo choàng tắm loang lổ máu, chạy điên cuồng trên tuyết! Cảnh tượng đó đáng sợ biết chừng nào...
Qua giám định, có thể xác nhận người đàn ông nọ chính là chủ nhân dinh thự Vỏ Chai, thương gia Cổ Vĩnh Huy. Còn năm nạn nhân chính là những nhân vật nổi tiếng được họ Cổ mời đến.
Nhưng vụ án vẫn chưa phá được, thậm chí có thể nói, việc bắt Cổ Vĩnh Huy khiến vụ án càng trở nên quái dị.
Theo lời khai của viên cảnh sát tuần tra, lúc anh ta trông thấy Cổ Vĩnh Huy bị thương ở chân, đang lê lết chạy cuống cuồng là 2 giờ 20 phút chiều. Tức là vào 2 giờ 15 phút, Cố Vĩnh Huy vẫn còn ở phòng tầng 3 dinh thự Vỏ Chai, vậy mà chỉ vỏn vẹn năm phút sau đã bị bắt tại một nơi cách đó năm cây số.
Năm phút. Năm cây số. Điều ngày có nghĩa gì? Kỉ lục chạy 5000 mét nam lúc bấy giờ do vận động viên Beleke người Ethiopia xác lập tại Thế vận hội Olympic Hà Han là mười hai phút ba mươi bảy giây ba mươi lăm.
Vậy ra Cổ Vĩnh Huy còn chạy nhanh hơn mức kỉ lục của loài người gần bảy phút.
Hơn nữa, ông ta không phải người được huấn luyện điền kinh chuyên nghiệp, không đi giày chạy bộ, chỉ di chuyển chân trần trên tuyết.
Huống hồ, theo bác sĩ chẩn đoán, một tháng trước Cổ Vĩnh Huy vừa bị dãn dây chằng đầu gối, vẫn chưa hồi phục.
Làm sao có thể!
Nếu chừng ấy thông tin vẫn chưa làm cảnh sát tuyệt vọng, thì tin tức tiếp theo đã đập tan toàn bộ hi vọng của họ.
Lúc bị bắt, Cổ Vĩnh Huy đã là người điên.
Không sai, Cổ Vĩnh Huy từng một tay che trời, hô mưa gọi gió trong giới kinh doanh đã phát điên. Tất cả những chuyện xảy ra tại dinh thự Vỏ Chai cũng vĩnh viễn bị chôn vùi trong bóng tối. Nhân chứng và người trong cuộc duy nhất còn sống lại bị chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt và được đưa đến trung tâm sức khỏe tâm thần của thành phố để điều trị. Cổ Vĩnh Huy luôn trong trạng thái kinh hoàng, liên tục rít lên những tiếng quái dị, dãi rớt ròng ròng. Dù hỏi han gì, ông ta cũng quấn chặt chăn, không nói nửa lời.
Đội trưởng Từ đành bó tay với một nghi phạm tâm thần. Coi như cảnh sát chưa phá được vụ này.
Báo đài đưa tin ầm ĩ về vụ thảm án ở dinh thự Vỏ Chai. Vì năm nạn nhân đều là người có địa vị trong xã hội nên dư luận phản ứng mạnh. Cùng với việc lên án hung thủ, mọi người cũng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn vì mất đi nhiều nhân tài kiệt xuất. Vụ án này gây chấn động rất lâu, thậm chí có hãng phim còn lấy làm bối cảnh để dựng thành một bộ phim dinh dị mang tên Nhà kín, kể về một tên sát nhân mắc bệnh tâm thần, lừa gạt năm người hoàn toàn xa lạ lên một hòn đảo cô lập rồi lần lượt giết hại từng người. Người nhà họ Cổ đã đệ đơn kiện hãng phim nọ nhưng vì không đủ chứng cứ nên thua kiện. Câu chuyện vẫn khiến Cổ Dương canh cánh trong lòng.
Cảnh sát không hề công bố nguyên nhân cái chết của năm nạn nhân. Càng bưng bít, thiên hạ lại càng tò mò suy đoán. Phải chăng cái chết của họ quá thảm khốc, nếu công bố sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội? Tóm lại, đây có thể coi là một vụ mưu sát đáng sợ, tàn nhẫn, gây xôn xao dư luận trong thời gian dài. Theo những gì đã công khai, phía cảnh sát không tuyên cáo Cổ Vĩnh Huy là hung thủ mà cứ để ngỏ vụ án như vậy, nhưng đối với đại đa số quần chúng thì hung thủ không ai khác ngoài Cổ Vĩnh Huy, chủ nhân dinh thự Vỏ Chai.
Trong thời gian Cổ Vĩnh Huy ở viện tâm thần, vợ ông ta là Phương Tuệ thường dẫn Cổ Dương tới thăm cha. Đương nhiên, Cổ Vĩnh Huy bấy giờ không giống người cha trước kia của Cổ Dương nữa. Ông ta chỉ đờ đẫn nhìn con trai, lúc thì cười ngớ ngẩn, lúc lại rầu rĩ, thỉnh thoảng còn lăn ra đất như một đứa trẻ. Cổ Dương thuở ấy cũng lờ mờ cảm thấy cha hơi khang khác nên chỉ dám đứng cạnh mẹ, nhìn cha từ đằng xa.
Duy có một lần, Cổ Vĩnh Huy hình như đã khôi phục lại trạng thái bình thường.
Lần ấy Phương Tuệ không đến, Cổ Vĩnh Huy đột nhiên nghiêm trang bảo Cổ Dương, "Cha muốn cho Dương Dương xem cái này." Dứt lời, bèn lén lút rút trong ngăn tủ cạnh giường ra một cuốn sổ, đưa cho Cổ Dương, dặn phải cất kĩ, không được nói với ai.
"Khi nào lớn lên, con hẵng xem nhé." Ông dặn con trai đầy bí hiểm.
Vẻ mặt ấy, giọng điệu ấy khiến Cổ Dương đoán chắc cha mình không điên. Ít ra, vào lúc ấy, ông hoàn toàn bình thường.
Thấy Cổ Dương ngoan ngoãn gật đầu, Cổ Vĩnh Huy âu yếm xoa đầu con trai, dịu giọng dặn, "Con nhớ nhé, cha không phải kẻ giết người, cha là người tốt."
Đó là lời cuối cùng ông nói với con.
Hôm sau, khi nhân viên y tế bước vào thì đã thấy Cổ Vĩnh Huy treo mình vào dàn đèn, hai tay buông thõng bên hông, thi thể đung đưa nhè nhẹ. Cổ ông ta tròng một sợi thừng to bằng ngón tay, hằn sâu vào thịt thành một vết bầm tím đỏ, hai mắt trợn trừng tưởng chừng rách khóe, nhìn chằm chằm đám người đang ùa vào như muốn kể lể mối oan với họ, lại như muốn trông rõ cả thế gian này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top