Phần 3/3

Thành thật đi, lúc bạn ốm, việc đầu tiên mà bạn làm là gì?

Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, tôi khẳng định câu trả lời không phải là đi bác sĩ, đi mua thuốc ốm hay đăng status trên Facebook kêu gọi ủng hộ like, mà là google tự chẩn đoán xem mình đang bị bệnh hiểm nghèo gì. Hắt hơi sổ mũi hay chảy máu mũi thì đều có thể là ung thư mà, cảm ơn phim Hàn Quốc.

Tôi cũng thế thôi, tôi cũng lên mạng hỏi bác sĩ chuyên khoa Google, nhưng rồi tôi phát hiện ra bác chỉ chẩn đoán được các bệnh ngoài da hoặc cái công đoạn chửa đẻ; thế nên tôi lên các forum tìm các anh biết tuốt xem các anh sẽ nói gì.

"Nữ, 18 tuổi, trầm cảm trầm trọng. Đang tìm kiếm ý định tự tử không đau đớn dễ dàng nhất, mong các bác giúp đỡ."

- Bạn sống ở bang nào? Bang của bạn có hợp pháp hoá tự tử không?

- Mày đang đùa đúng không? Tao chắc mày là một đứa vô công rồi nghề lên đây troll hả? Đi đọc một quyển sách đi.

- Nhảy cầu thôi là nhanh nhất em ơi, nếu đi thì gọi anh đến quay phim đăng lên Youtube cho nhiều like nhé!

- Nghe này nhóc. Cuộc đời còn nhiều thứ lắm, và tao biết mày cảm thấy tất cả đều đen tối và đúng thế thật, thế giới có nhiều điều chán vô cùng tận nhưng nó cũng đẹp vô cùng tận luôn. Tin tao, tao đã thấy những điều đẹp đó rồi, mày chỉ cần phải kiên nhẫn thôi.

Bây giờ điều mày cần là đi, đi ngay lập tức ra khỏi cái vòng tròn luẩn quẩn kia. Đừng tự thu mình vào trong cái hộp xong hỏi tại sao cuộc đời chỉ toàn màu đen, đi tìm hạnh phúc đi. Làm từ thiện. Bán hết tất cả những gì mày không nhét vừa vào túi quần đi. Học và đăng ký tất cả những lớp có thể. Đi đến sa mạc để tè một bãi. Yêu vô tội vạ đi có mất đồng nào đâu, mà nếu đã bán hết đồ đi rồi thì cũng chả còn gì để mất. Nói chung, sống đi đã rồi hẵng nghĩ tới chuyện chết.

Bạn nghĩ tôi nghe lời ai?

*

Đi du lịch, với tôi, là một thứ đơn giản. Nó cũng tựa như việc bạn nhấc một chân lên, xong nhấc chân kia lên sau, có thế thôi. Một hai, một, hai, nếu bạn đã đi được bước một, bạn sẽ đi được bước hai, và cứ thế bạn sẽ đi được mãi. Tôi đi du lịch bất kì đâu cũng vẫn mặc nguyên những bộ váy công chúa, giầy bốt cao mười phân, chỉ thêm con ba lô du lịch. Tôi ớn những người nói với tôi rằng họ đam mê đi du lịch, sau đó chui vào khách sạn ở, rồi đi mua sắm H&M, Topshop, thế thì đi đâu chả giống nhau, đi để làm gì? Nếu mục đích là phí thời gian và tiền bạc thì tôi không nói, nhưng nếu gọi đấy là đi thì không phải. Tôi cũng ớn những bạn trẻ thường tự gọi mình là phượt thủ, trong khi có khi chỉ đơn giản leo lên cái xe máy để phóng trên đường cao tốc quốc lộ, tiêu tiền thừa thãi bố mẹ cho, về viết review các kiểu, chụp ảnh máy DSLR rồi đăng lên Facebook, thế nhưng lại mặc quần bộ đội, cắm cờ Việt Nam ở xe, kiểu lúc nào cũng phải đẹp trai mọi nơi mọi lúc. Đi là đi, thế thôi, không nói nhiều, không lằng nhằng, đi không phải để thể hiện, đi không phải để check - in, đi là để về nhà thấy khác. Đi là một, hai. Đi là tiến lên.

Cứ thế, cứ mỗi một tháng đi một nơi mới, sáu năm liên tục. Tôi làm code web trong túi ngủ ngoài đường, câu wifi ở cà phê gần đó. Tôi lết áo lông Moschino qua sa mạc. Viết blog ở hàng trăm bến xe buýt, sân bay, ga tàu. Xịt nước hoa Chanel vì mấy ngày rồi chưa có nước để tắm.

Tôi đi, một, hai, một, hai.

Một trong những chuyến đi tôi nhớ nhất là đi Nepal. Lúc còn đang ở Hàn Quốc, tôi ở couchsurfing* cùng nhà với một anh người Kazakstan. Tôi không biết nên đi đâu tiếp, và thời kì đó là một trong những thời kì hoang mang nhất của tôi. Bỗng dưng tôi có chứng sợ thành phố lớn, lánh ánh đèn, lánh con người, và đi Hàn Quốc còn làm tình hình tệ hơn. Anh bảo với tôi, hay là em thử đi Nepal xem? Thật sự là nó không có gì cả, nên em không phải hi vọng để rồi thất vọng, và hồi anh ở đó anh ở với một nhà trẻ mồ côi, một gia đình ba người nuôi mười ba đứa trẻ bị bỏ rơi. Em đến đấy, giúp chúng một ít tiền đi học, để xây lại nhà ở. Vì không biết muốn đi đâu, nên có vẻ đi đâu cũng giống nhau thôi, tôi nghĩ thế. Tôi nhận lời, lấy địa chỉ của gia đình ấy, rồi cả tháng tiếp theo chăm đi fashion event để có tiền lên núi.

--------

couchsurfing : Website cho phép các thành viên có cơ hội ở nhờ nhà của các thành viên khác tại bất kì đâu trên thế giới.

--------

Đến cái nhà ấy ở Nepal, tôi hoảng. Đúng là không có cái gì thật. Điện có cũng như không. Mỗi bữa, những đứa trẻ ăn suất cơm nhỏ hơn lòng bàn tay mà không có thức ăn gì cả, dàn đều ở trên đĩa. Các em hít một cái là hết, xong ngồi liếm tay nốt thời gian còn lại, chắc là tráng miệng. Con gái con trai mặc đồ chằn chặn giống hệt nhau, toilet có bệ xí nhưng không được xả nước thường xuyên mà vài ngày mới làm một lần thôi cho nó tiết kiệm.

Tôi mang một ít đĩa DVD đến cho các em xem, ngày đầu tôi bật đĩa ảo thuật, các em bảo các em muốn làm ảo thuật gia; ngày thứ hai bật đĩa nhảy, các em bảo các em muốn làm dancer. Chị chủ nhà rớm nước mắt bảo cảm ơn em, trước lúc em đến chúng nó không có ước mơ gì cả.

Không có sự lựa chọn, nhưng không biết rằng mình không có sự lựa chọn, các em sống an nhàn và bình tâm. Mỗi tuần một lần vào Chủ nhật, chờ nắng lên cao, các em đi xách nước từ giếng xa về để tắm.

Đến một ngày đẹp trời, sau khoảng ba tuần ở đó, tôi không thể chịu nổi nữa, quyết định đi xuống núi, về khu du lịch của Nepal với wifi, bỗng dưng nhìn thấy hàng KFC không một bóng người, tôi mua hai xô đùi gà rán về, các em nhìn thấy tôi từ xa bê thịt đến, nước mắt rơi, bảo cả đời chưa bao giờ được ăn một cái đùi gà. Tôi bảo : "Thế ăn hẳn hai cái nhé."

Sau những ngày như thế, tôi tưởng tôi hiểu cùng cực của khổ, hoá ra cũng không phải.

Tôi vì một lí do nào đó, quyết định đi leo đỉnh Annapura. Chủ quan, nghĩ là mùa hè mà, kể cả có lạnh như mùa đông Việt Nam thì cũng không thể tệ thế được. Tôi đi leo núi, dự kiến ba ngày cả lên cả xuống.

Cho đến khi tôi gặp bão tuyết, giữa mùa hè.

Ba lô đứt quai rơi nửa đường lên núi, tôi mất hết đồ mang theo người. Mặc một cái áo dài tay mỏng dính, tôi đi với một gã dẫn đường tôi thuê ở chân núi, và tôi bị bỏng lạnh đến mức người sưng gấp đôi so với bình thường, đỏ ửng và cảm giác như mọng nước. Chúng tôi tìm được một cái tea house* để nghỉ chân, đi vào không có một ai cả, nước và thức ăn hoàn toàn không có. Tôi cứ nằm thế từ sáng đến đêm, người như bất tỉnh không thể cử động được. Trời vừa bắt đầu gần sáng, tôi lảo đảo ra ngoài, thì bị gã dẫn đường vồ vào sờ mó. Giật mình, yếu, không biết phải làm gì, tôi may mắn chạy được vào phòng ngủ và khoá cửa lại. Cái cửa ấy cứ cố gắng mở cả đêm, xoạch, xoạch, tôi co rúm ở góc giường, nghĩ rằng chắc lần này là chết mất xác đúng nghĩa đen thật. Thế mà tôi vẫn li bì quá đến mức ngất tiếp đi, sáng hôm sau tỉnh dậy thì tôi đã chỉ còn lại một mình, gã dẫn đường đã biến mất không tăm tích.

--------

tea house : nhà nghỉ chân cho khách du lịch đi bộ đường dài.

--------

Nằm thêm một ngày nữa, điện thoại hoàn toàn không có sóng, vẫn không có nước và thức ăn, không có cách nào để thoát ra cả, và tôi gần như phát điên. Trong đầu vẽ ra một tỉ viễn cảnh, rằng bao nhiêu lâu sau nữa, bạn bè và gia đình mới bốc được cái xác tôi về; hoặc tôi cứ mãi mãi nằm đây không ai hay biết cho đến khi người xấu số tiếp theo đi vào. Cô độc, và tôi muốn khóc, nhưng người chẳng  còn giọt nước mắt nào mà ép ra.

May thay, quá may thay cho cái số của tôi, tôi cũng chẳng hiểu bao lâu sau nữa, một anh khách du lịch cũng dừng chân lại ở cái tea house này. Anh cho tôi nước, và anh bảo với tôi rằng anh cũng hết đồ ăn rồi, nhưng anh còn một chai rượu gạo và một điếu cần sa, và hút đi, rồi tôi với anh cùng xuống.

Leo lên ba ngày, tôi đi xuống mất nửa ngày. Đến chân núi, tôi lăn ra đất, và nhập viện truyền nước gần tuần mới về mức bình thường. Không hiểu là may hay là xui?

Nhưng sau đấy tôi vẫn đi tiếp. Vẫn bước một, bước hai, rồi đi mãi. Một, hai, một, hai.

Tôi vẫn đi. Thời gian đầu, nơi mới, người mới, tôi thấy mình như được thở hắt ra mỗi lúc máy bay cất cánh khỏi Singapore. Rồi thế quái nào, nỗi buồn lạnh, tôi nhiễm lạnh, và nó cứ ăn sâu dần, ăn sâu dần, vào đến phổi, hết thuốc chữa. Giờ tôi có thở hắt ra thì nó cũng đau buốt.

Từ vui chơi ở Pháp, thư giãn ở Indonesia, quên sầu ở Philippines, tìm lại niềm vui ở Nhật Bản, không quan tâm gì ở Lào, nó biến thành cái chán ở Mỹ, vẫn buồn ở Campuchia, vẫn cô đơn ở Myanmar, vẫn muốn chết ở Đài Loan.

Đi bao nhiêu nơi, tới bao nhiêu chỗ, tôi vẫn như con chuột ở trong một cái lồng kính; mà một khi đã thế, ở đâu cũng là ở trong cái lồng mà thôi. Nhưng tôi là cái lồng hay con chuột, tôi cũng không biết nữa. Bị giam cầm trong chính hình hài của mình, không có lối thoát nào ngoài việc chờ cho đến lúc cái lồng đi xuống đất. Mọi người ở ngoài, đập phá, la hét, gọi tôi, tôi cũng biết đấy, nhưng những âm thanh đã bị tắt hết. Kính là kính cách âm, và tôi có muốn đến mấy cũng không thể hiểu nổi ai đang nói gì, tôi phải làm gì, tôi chỉ có thể cảm nhận được sự tức giận ôm chụp bên ngoài sự cô độc của tôi.

Tức giận, tức giận đến phát điên người.

Tuấn Jun bảo : "Có khi kiếp trước em là cái máy tính."

Tôi chạy, tôi trốn, nhưng tôi trốn tìm một mình và chạy khỏi cái bóng của bản thân, nên tôi có nhận ra hay không nó cũng tóm được tôi rồi.

Có một thứ gọi là sơ đồ Kubler - Ross, gồm năm bước mà mỗi con người phải trải qua khi mất đi một ai đó:

- Bước 1 là sự chối từ.

- Bước 2 là sự tức giận.

- Bước 3 là sự mặc cả.

- Bước 4 là sự trầm cảm.

- Bước 5 là sự chấp nhận.

Khi mà bạn mất đi chính bản thân mình, bạn cũng sẽ thấy y hệt như thế thôi.

Tôi lúc đầu cũng không tin, tôi không quan tâm, tôi không nghĩ tôi cần thuốc, tôi nghĩ tôi bình thường mà. Rồi tôi phát điên, tức giận với mọi thứ, tại sao lại là mình, tại sao lại là tôi. Rồi tôi giằng co, kì kèo với tất cả, tôi chạy bốn phương để tìm được một sự thoả hiệp với bản thân. Sự trầm cảm thì ai cũng đã rõ, nó là thứ lâu nhất của cuộc đời này, lâu đến nỗi tôi không nhớ được lần cuối tôi vui là khi nào.

Còn bây giờ, tôi phải chấp nhận thôi.

Tôi và những giọng nói trong đầu cãi nhau đêm ngày, nhưng chúng tôi cùng hiểu cho nhau nhiều, như những cặp vợ chồng sống với nhau lâu ngày rồi sẽ tìm cách chấp nhận nhau vậy. Tôi gằn giọng, tôi đập phá, nhưng cuối ngày chúng tôi hiểu chúng tôi là một thể không thể tách rời, chúng tôi không có sự lựa chọn, và chúng tôi thương cho sự bất mãn của nhau.

Bao nhiêu lâu nay, tôi chơi trốn tìm một mình.

Anh Người Yêu và tôi thường ở cách xa nhau. Tôi đi du lịch nhiều đến nỗi có khi tôi chỉ ở Sing bốn tháng một năm, tôi có lí do cho chuyện xa cách. Nhưng khi tôi ở cạnh anh, tôi không cảm thấy một sự khác biệt nào ở đây cả. Anh ở đây, nhưng anh không bao giờ ở đây cả : Chuyện này cứu tôi và cũng giết tôi. Khi tôi trôi đi quá xa, sự im lặng của anh là một cái nhắc nhở đến rùng mình rằng tôi đang quá khác, tôi phải quay về hoà nhập với cộng đồng, và cái sự ớn lạnh của tôi, kết quả của một tiếng mắng vô hình, nó y hệt như cảm giác ngày bé Bố Mẹ có khách đến nhà và Bố nhìn xéo ra từ góc phòng. Nó quá hiệu quả, vì chẳng có hình phạt nào ghê gớm như hình phạt mình tự tưởng tượng ra cả. Nhưng cũng có lúc, tôi cần ở một mình và chỉ một mình thôi, sự im lặng ấy lại là cách đảm bảo và dễ hiểu nhất để tôi biết rằng, tôi có làm gì trong căn phòng kín thì bước ra vẫn có anh đang chờ, mặc dù tôi không nghe, nhìn, thấy anh.

Còn một việc nữa, mà tôi không bao giờ nói với anh, nhưng tôi vẫn luôn giữ kín trong lòng từ phút đầu : Tôi ở với anh vì tôi biết anh luôn làm việc anh cần phải làm, nên nếu một ngày tôi chết, anh cũng sẽ phải sống tiếp thôi. Đối với tôi, đây là một sự chắc chắn, một lời khẳng định, một hợp đồng đảm bảo hơn bất kì ràng buộc nào kể cả hôn nhân. Bạn bè lúc nào cũng hỏi tôi với Anh Người Yêu định thế nào, ở với nhau gần sáu năm rồi, anh ba mươi mốt tuổi rồi. Gia đình Châu Á, bố mẹ giục giã, cả thế giới điều tra. Tôi luôn bảo tôi sẽ ở với anh đến cuối đời, tôi thật sự tin như thế, dù cuối đời là sáu tiếng, sáu ngày hay sáu mươi năm nữa. Càng không chắc chắn về cuộc sống của mình, tôi càng chắc chắn về cuộc sống của tôi với anh.

Tôi yêu ai hay yêu quý ai đều như thế cả, họ vui vì nó mới bắt đầu, còn tôi buồn vì tôi đã biết trước cái kết.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top