19.

Tịch Xung đến nhà bà Du Dương, chưa đi vào đã phát hiện nhà sáng đèn. Nó ngồi xổm góc tường nghe một chốc, xác nhận đã có người ở. Xem ra chú nhỏ của Du Dương cho thuê nhà rồi.

Nó không để bụng lắm, ngủ ở đâu cũng như nhau, cái chính là không thể tắm.

Quay lại trên phố, Tịch Xung thầm nhớ các cửa hàng dán biển tuyển dụng, định hôm sau đi hỏi một lượt, nếu bao ăn bao ở thì tốt.

Muốn sống cùng Du Dương không biết cần bao nhiêu tiền mới đủ, nhưng ít nhất phải có tiền thuê nhà, còn cả chi phí sinh hoạt và học phí của Du Dương.

Lượn một vòng, Tịch Xung đã nắm được ít nhiều.

Tuyết rơi từ mấy hôm trước vẫn chưa tan, gầm cầu đầy tuyết không ngủ được. Tịch Xung ngồi xổm ven đường, nghĩ hay là đến dưới tầng nhà Du Dương ngủ tạm một đêm, chỗ băng ghế vừa hay chắn gió.

"Nhóc con."

Một bóng người cao lớn đứng chắn ánh sáng trước mặt Tịch Xung, có mùi thịt xào ớt thơm lừng. Tịch Xung ngẩng đầu, nhìn hộp cơm người đàn ông đang xách rồi mới thấy mặt anh ta. Nó ngờ ngợ chốc lát, sực nhớ ra đây là ông chủ đại lý thu mua phế liệu.

Người đàn ông cúi xuống nhìn Tịch Xung, cười như không cười: "Bảo sao gần đây không thấy mày đâu, lang thang à?"

Tịch Xung không trả lời, lại liếc thịt xào ớt trong tay anh ta. Có ba hộp cơm, không biết hai hộp còn lại đựng món gì.

Người đàn ông cười: "Chưa ăn hả?"

"Ăn rồi." Tịch Xung càu nhàu, nhưng vẫn có thể ăn thịt xào ớt.

Người đàn ông nhìn Tịch Xung, có cơn gió làm anh ta lạnh rụt cổ: "Má nó lạnh vãi."

Tịch Xung nhẩm tính xác suất cướp được hộp cơm của người đàn ông, nghĩ mãi cũng cảm thấy mình không đánh lại anh ta, thôi vậy.

"Đứng dậy đi mày, ngồi xổm vệ đường cả đêm khéo đông thành kem luôn." Người đàn ông giơ cao hộp cơm: "Hôm nay anh rủ lòng từ bi, bố thí cho mày bữa cơm."

Tịch Xung không hiểu.

Người đàn ông đi trước, ngoái đầu thấy Tịch Xung không đi theo thì không vui: "Ơ kìa, gọi mày đấy, gãy chân à? Lại đây nhanh, hôm nay rét chết đi được."

Tịch Xung hoang mang theo người đàn ông đến đại lý thu mua phế liệu, anh ta run cầm cập lấy chìa khóa mở cổng, giục Tịch Xung: "Nhanh lên nhanh lên."

Sau khi vào ngôi nhà nhỏ sáng đèn, hơi ấm phả lên mặt xua tan toàn bộ không khí lạnh. Người đàn ông thảy hộp cơm sang một bên, vội vàng sưởi tay cạnh bếp lò, không quên sai Tịch Xung: "Sắp bàn đi, thấy chai rượu trên mặt tủ không, mang cả ra đây."

Tịch Xung ngoan ngoãn sắp bàn lấy rượu. Người đàn ông thấy ấm rồi bèn cởi áo bông, ngồi vào bàn.

Anh ta cầm chai rượu hỏi Tịch Xung: "Mày mấy tuổi?"

"Mười sáu."

"Chém gió." Người đàn ông vạch trần: "Khai thật."

Tịch Xung nhìn anh ta, mấp máy môi: "Mười bốn."

"Còn nhỏ mà cao phết." Người đàn ông chỉ rót rượu cho mình: "Thế mày không uống rượu được rồi."

Cuối cùng Tịch Xung cũng được ăn thịt xào ớt, cũng biết hai hộp cơm còn lại đựng thịt thủ thái miếng mỏng và chân gà kho. Nó không nghĩ vì sao người đàn ông lại cho mình ăn, có ăn là vui rồi.

Người đàn ông tên Hạng Duy Đông, Tịch Xung nhét đầy mồm thịt thủ, phồng má nói: "Ò."

"Mày không có chút lễ phép nào vậy?"

Tịch Xung nuốt thịt, ngẫm nghĩ rồi gọi: "Chú Đông."

Hạng Duy Đông vỗ bàn, làm rượu trong chén sánh ra: "Anh lớn hơn mày có vài tuổi, chú gì mà chú, gọi anh!"

Tịch Xung biết tiếp thu: "Anh Đông."

Hạng Duy Đông bảo mình mới hai mươi tuổi, Tịch Xung muốn nói trông giống ba mươi tuổi, nhưng đang gặm chân gà không rảnh lên tiếng.

"Nhà ở đâu?" Hạng Duy Đông hỏi.

Tịch Xung nhổ xương: "Tôi không có nhà."

"Không còn người thân?"

"Ừm."

"Thế mày tính làm gì, tiếp tục lang thang?"

"Tìm việc, kiếm tiền." Sau đó thuê nhà, đón Du Dương đi.

Hạng Duy Đông khoanh tay không nói gì, anh ta hầu như không ăn mấy, tất cả thịt một mình Tịch Xung xử lý hết.

Hôm nay anh ta đã hiểu thế nào là trẻ con mới lớn ăn sạt nghiệp.

Hạng Duy Đông uống hớp rượu: "Đúng lúc chỗ anh đang thiếu người, nếu mày làm được thì ở lại. Nhưng nói trước, nghề thu phế liệu không đơn giản, phải cực kỳ giỏi chịu khổ mới làm được, không giống mày nhặt vỏ chai đâu."

Tịch Xung dừng đũa, ngước mắt nhìn Hạng Duy Đông: "Thật không?"

"Anh lừa mày làm gì?"

"Tôi có thể chịu khổ." Tịch Xung đáp ngay.

Hạng Duy Đông liếc Tịch Xung từ đầu đến chân, cảm thấy câu này không phải nói dối. Nhìn Tịch Xung là biết khổ từ nhỏ.

"Bao ở không?" Tịch Xung hỏi.

"Tầng hai có phòng chứa đồ, mày phải tự dọn. Giường thì không có, nhưng chỗ mình thu phế liệu đầy ván gỗ, mày tự nhặt mấy tấm, ghép lại cũng thành cái giường."

Tịch Xung không kén chọn, gật đầu nói: "Được."

"Lương một tháng tám trăm tệ, làm từ chín giờ sáng đến sáu giờ tối, bao ăn ba bữa." Hạng Duy Đông cảnh cáo: "Nhưng nhóc con nhà mày thông minh lên, nếu có người hỏi thì đừng bảo mình mười bốn, cứ nói..."

"Mười sáu tuổi." Tịch Xung tiếp lời.

Hạng Duy Đông nhìn nó, cười bỏ chén rượu xuống: "Cứ vậy đi."

Phòng chứa đồ tầng hai rất nhỏ, không có cửa sổ, Tịch Xung tốn rất nhiều công sức mới dọn dẹp sạch sẽ. Nói là dọn nhưng thật ra cũng chỉ chuyển vị trí đồ đạc, chừa một không gian có thể nằm ngủ.

Theo chỉ dẫn của Hạng Duy Đông, nó ra sân lựa vài tấm ván, dùng đinh ghép lại với nhau rồi khiêng lên tầng hai, trải đệm Hạng Duy Đông vứt cho là thành giường.

Tịch Xung ngồi lên giường sờ ván gỗ, ngẩng đầu hỏi Hạng Duy Đông: "Tắm được không?"

"Tắm rửa ở tầng một." Hạng Duy Đông bới tung tủ, tìm mấy bộ quần áo không mặc nữa đưa Tịch Xung.

Anh ta ngắm nghía: "Hơi rộng nhỉ? Mà thôi mặc đại đi, đằng nào mày cũng không có quần áo khác."

Nói xong anh ta đi ra trời gió lạnh, xé tờ giấy thông báo tuyển dụng dán đã lâu mà không ai hứng thú.

Tịch Xung không nhớ nổi lần cuối tắm nước nóng là khi nào, nó cởi quần áo đứng dưới dòng nước, cảm giác dường như giờ phút này mình mới sống lại.

Ký ức trong núi trở nên mờ nhạt tựa chuyện từ thế kỷ trước, cách nó muôn trùng xa xôi.

Tắm xà phòng xong Tịch Xung lau khô người, mặc quần áo rộng thùng thình của Hạng Duy Đông quay về tầng hai.

Ngả lưng lên giường ván sơ sài, nó cúi đầu ngửi người mình, cuối cùng cũng hết hôi.

Hôm sau Tịch Xung dậy sớm, tảng sáng đại lý thu mua phế liệu vô cùng im ắng, trong sân chất đống đủ loại phế liệu.

Tịch Xung đến chung cư đã thấy Du Dương chờ sẵn, một cục bé xíu đứng trước bồn hoa ngó dáo dác xem Tịch Xung tới chưa.

Trông thấy Tịch Xung, mắt Du Dương lập tức bừng sáng, vừa gọi "anh" vừa chạy chậm qua.

Cậu móc trong túi áo ra một quả trứng gà, nâng trong tay như hiến báu vật: "Sáng nay ăn mì không mang đi được, chỉ có cái này thôi."

Tịch Xung không tiếp lời mà nói: "Anh tìm được việc rồi."

"Ớ?" Du Dương kinh ngạc: "Nhanh thế, ở đâu ạ?"

"Đại lý thu mua phế liệu."

Du Dương nghĩ ngợi: "Là nhặt chai lọ ấy ạ?"

"Không biết." Tịch Xung vẫn chưa bắt đầu làm việc: "Chỗ đấy bao ăn ở, từ nay không cần mang đồ ăn cho anh nữa, em để lại mà ăn."

Du Dương ồ lên, cúi đầu nhìn quả trứng trên tay mình, bóc vỏ xong bèn kiễng chân cho Tịch Xung cắn một miếng, còn lại tự mình ăn.

Cậu phồng má nhai trứng, nghiêng đầu nhìn Tịch Xung, nhìn xong thì chớp mắt, sau đó lại nhìn.

Trứng chui xuống bụng, Du Dương chùi tay lên áo rồi nắm ngón út của Tịch Xung.

Tịch Xung không phản ứng, tiếp tục đi về trước.

Du Dương rảo bước đi theo nhưng bị Tịch Xung hất tay ra, chưa kịp ủ rũ thì Tịch Xung đã trở tay nắm cả bàn tay cậu.

Lòng bàn tay Tịch Xung hơi nóng khiến cậu vô thức cong đôi mắt, bước chân cũng nhẹ nhàng khoan khoái.

Nắm tay mãi đến cổng trường mới buông, Tịch Xung ủn Du Dương vào trong, dặn cậu "vào đi" rồi xoay người ra về.

Về đến đại lý thu mua phế liệu, Hạng Duy Đông đã rời giường ngậm bàn chải đánh răng, trông thấy Tịch Xung từ ngoài về thì tò mò hỏi: "Đi đâu đấy?"

"Đưa em tôi đi học."

"Em mày?" Hạng Duy Đông bỏ bàn chải xuống: "Mày có em á? Sao bảo không còn người thân."

"Đứa em tôi nhận."

"Đã lang thang còn thảnh thơi nhận em trai, dở hơi à." Hạng Duy Đông xoay người nhắc nó: "Trong bếp có gạo, nấu cháo đi, biết nhóm lửa chứ hả?"

Tịch Xung vào bếp tìm gạo, thuần thục nhóm bếp, đổ gạo đã vo vào nồi. Cháo chín, Hạng Duy Đông cũng ngửi mùi mò đến.

"Trong tủ có dưa muối." Anh ta nói.

Tịch Xung đành đứng lên lấy dưa muối. Nó mở vung, hơi trắng bốc ra kéo theo mùi gạo thơm đậm đà, hạt nào hạt nấy nở bung sánh quyện.

Tịch Xung múc một bát cho Hạng Duy Đông trước. Anh ta rất hài lòng, gật gù khen: "Lễ phép hơn rồi."

Tịch Xung không nói gì, tự múc một bát thổi cho bớt nóng mới ăn cùng dưa muối.

Công việc ở đại lý thu mua phế liệu không giống Tịch Xung tưởng tượng, trước kia nó chỉ từng thấy Hạng Duy Đông đứng cân thu tiền, nom có vẻ rất nhàn hạ, nhưng hôm nay mới biết thật ra còn rất nhiều việc khác cần làm.

Đây là công việc vất vả đúng như Hạng Duy Đông nói, phải giỏi chịu khổ mới làm được.

Cả buổi sáng Tịch Xung sắp xếp phế liệu chất đống trong sân, Hạng Duy Đông hướng dẫn nó cách phân loại rồi để nó tự làm.

Trời đông giá rét dưới 0 độ, thế mà chưa đầy nửa tiếng Tịch Xung đã nóng toát mồ hôi, phải cởi áo khoác.

Qua một tiếng nữa nó cởi cả áo len, mặc độc áo ba lỗ.

Đến trưa ăn cơm, Tịch Xung đã toát mồ hôi không biết bao nhiêu lần nhưng chẳng có thời gian nghỉ.

Buổi chiều Hạng Duy Đông dạy nó cách xử lý phế liệu sáng phân loại, ví dụ như quạt điện. Tại sao đại lý thu mua phế liệu phải nhận những thứ không sử dụng được như quạt điện, quạt hỏng tất nhiên không có giá trị, thứ có giá trị là dây đồng bên trong, việc nó phải làm là gỡ dây đồng.

Hạng Duy Đông cho Tịch Xung một đôi găng tay, một cái kìm và một cái tua vít. Cả buổi chiều Tịch Xung đều ngồi trong sân gỡ này gỡ nọ, không cần biết gỡ thế nào, còn một đống phế liệu chưa gỡ xong đang chờ nó kia kìa.

Có người làm việc thì Hạng Duy Đông được rảnh rỗi, đứng ở cửa chờ bà lão bán chai nhựa.

Trả tiền xong, anh ta quăng bao tải xuống cạnh chân Tịch Xung, dặn nó gỡ hết dây đồng thì xử lý đống chai nhựa này.

"Xử lý kiểu gì?" Tóc trước trán Tịch Xung dính bết mồ hôi.

Nhìn nó mà Hạng Duy Đông sướng hết sức, sướng xong mới nói: "Giẫm bẹp, phải giẫm đều vào, méo xẹo coi chừng anh trừ lương mày."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top