15.
Bắc Kinh là thành phố lớn, thành phố lớn có ưu điểm của thành phố lớn, ví dụ như sạch; và cũng có khuyết điểm, ví dụ như không có rác gì để nhặt. Đã mấy lần Tịch Xung trơ mắt nhìn nhân viên vệ sinh nhanh nhẹn gom rác đi, không mảy may chừa cho nó cơ hội.
Cứ lục thùng rác bất kể ngày đêm, cuối cùng Tịch Xung cũng nhặt đủ một bao chai nhựa và lon, tối ngủ ôm khư khư trong lòng, định sáng mai tìm chỗ bán. Thành phố lớn có thể bán giá cao hơn.
Nhưng hôm sau thức dậy, Tịch Xung phát hiện chai nhựa bị trộm. Hai mắt nó long sòng sọc, thẳng tay tát mình một cái. Ngủ trên tàu hỏa đã bị trộm tiền, bây giờ ngủ lại bị trộm vỏ chai, mình đúng là ngu xuẩn đến nực cười.
Mang theo một bên má đỏ bừng, Tịch Xung mặt mày vô cảm nhặt đồng nát lại từ đầu. Lần này nó khôn ra, chuyên chọn chỗ đông người, thấy ai cầm chai là thủ sẵn bên cạnh, chờ người ta uống gần xong thì hỏi: "Anh ơi chị ơi, có thể cho em cái chai này không?"
Hầu hết mọi người đều thoải mái cho nó, số ít còn hỏi nó mấy tuổi, người nhà đâu, sao lại đi nhặt vỏ chai?
Thông thường Tịch Xung lấy chai lọ xong là đi, nhưng thi thoảng gặp người thấy nó đáng thương sẽ cho nó vài đồng, khi đó Tịch Xung mới nhẫn nại cảm ơn bằng giọng khàn khàn.
Tịch Xung không trộm tiền, dù cho nó thấy người thành phố lớn đều không có ý thức đề phòng, tiền nhét sau túi quần lòi ra một nửa cũng không biết. Nhưng mỗi lần suy nghĩ ăn trộm vừa rục rịch, trong đầu lại văng vẳng tiếng khóc của Du Dương làm nó rất bứt rứt.
Không trộm thì không trộm, cũng chẳng phải nó không có cách kiếm tiền khác.
Nhặt đầy một bao, Tịch Xung rẽ ngoằn ngoèo đủ lối, cuối cùng cũng tìm được một nhà thu phế liệu mà đóng cửa mất rồi.
Nó kéo bao về gầm cầu, cả đêm không dám chợp mắt, trời sáng lại tới chỗ thu phế liệu ngay.
Một bao vỏ chai to bán được chưa tới năm tệ, Tịch Xung thấy ít. Nhưng người ở chỗ thu phế liệu rất mất kiên nhẫn, hỏi nó có bán không, không bán thì cút.
Tịch Xung cắn răng bán, cầm tiền đi.
Nó không nhặt chai nhựa nữa mà quay về gầm cầu, ngồi ven đường đợi mấy ông lão đến tận chiều.
Theo Tịch Xung quan sát, đầu đường trước gầm cầu có mấy ông lão ngày nào cũng chơi cờ tướng. Tịch Xung từng xem một vài lần, biết đại khái trình độ của mấy ông lão này.
Hôm nay nó đi sang, kéo ghế ngồi xuống.
Ông lão đối diện thấy một thằng nhóc tự dưng xuất hiện thì trợn mắt: "Cháu làm gì đấy?"
"Chơi cờ."
"Đây không phải chỗ trẻ con chơi, đi mau đi mau." Ông lão xua tay đuổi Tịch Xung.
"Không phải chơi cờ tướng sao? Còn chia trẻ con người lớn." Tịch Xung ngồi lì trên ghế: "Mười tệ một ván được không?"
Nó đập bộp tờ mười tệ nhăn nhúm lên bàn, hỏi ông lão: "Ông sợ thua cháu lại mất mặt chứ gì?"
Râu của ông lão dựng hết cả, la lối thằng nhóc không biết trời cao đất dày.
"Đừng phí lời nữa, chơi cờ." Tịch Xung nói.
Cả một buổi chiều nó đánh với mỗi ông lão một ván, có thua có thắng, thua ít thắng nhiều.
Nó dùng mười tệ kiếm được tám mươi tệ.
Trời tối phải dọn bàn, Tịch Xung đứng dậy lại bị ông lão chơi chưa đã ghiền kéo lại, hỏi nó học chơi cờ ở đâu.
"Học với ông nội cháu."
"Ông nội cháu? Người ở đâu, mai gọi cả ông ấy tới đây." Ông lão nói: "Ông chơi với ông ấy một ván."
Tịch Xung lắc đầu, chỉ đáp "ông không tới được" rồi xoay người bỏ đi.
Buổi tối Tịch Xung không ngủ mấy, cất tiền trong ngực áo. Hầu như nó chỉ nhắm mắt mấy phút đã phải mở ra cảnh giác nhìn một vòng, sợ mất tiền lần nữa.
Hôm sau Tịch Xung đi chơi cờ theo thường lệ, hôm nay không mát tay, chỉ kiếm được năm mươi tệ.
Nhưng sau hai ngày, nó đã có chút tiếng tăm trong nhóm các ông lão, hay có ông lão đến để so tài với nó.
Ông lão đầu tiên thấy Tịch Xung luôn trong tình trạng nhếch nhác thối ình, bèn hỏi: "Thằng nhóc nhà cháu không chăm chỉ đi học phải không, bỏ nhà đi à?"
Tịch Xung nghiêm túc nhìn bàn cờ, không để ý ông lão.
Ông lão "hừ" một tiếng, uống hớp trà, trông thấy nước cờ tiếp theo của Tịch Xung thì suýt phun hết ra.
"Cháu thắng rồi." Tịch Xung ngước mắt nhìn ông lão: "Đưa tiền đây."
"Ôi, thế này, ôi..." Ông lão nhìn bàn cờ, nghĩ sao cũng không hiểu. Không ngờ mấy hôm nay ông không thắng nổi nhóc con này được mấy ván.
"Tiền." Tịch Xung giục.
"Biết rồi! Có quỵt của cháu đâu, giục gì mà giục." Ông lão lấy mười tệ trong tủ đưa Tịch Xung: "Lại ván nữa, vừa nãy ông sơ xuất, không nên đi quân xe như thế, nên ăn quân..."
Tịch Xung cất tiền xong đứng dậy: "Không chơi nữa."
Ông lão ngạc nhiên: "Sao không chơi nữa, trời đã tối đâu." Lần nào Tịch Xung cũng chơi đến khi trời tối, dọn bàn xong mới đi.
"Gom đủ tiền rồi."
Tịch Xung kéo ghế, đi ngay không chút lề mề, vội đến mức ông lão gọi với theo mãi: "Mai cháu còn tới không? Nhóc con đi gì mà nhanh thế, nói chuyện đã chứ, ầy..."
Ra ga mua vé, ngồi trong nhà chờ mấy tiếng đến khi trời tối, Tịch Xung bước lên đoàn tàu màu xanh về nhà.
Lần này lên tàu nó không quan tâm ai nữa, thành thạo tìm một khoảng trống dưới bồn rửa tay, co mình nhắm mắt trong góc.
Hai ngày đi tàu nó mua cơm một lần, nhân viên tàu đẩy xe đi qua đi lại, còn vài hộp cuối cùng không bán được nên bán rẻ cho nó.
Tịch Xung ăn hết hộp cơm thì cũng sắp tới lúc xuống tàu.
Rời khỏi ga tàu, không khí nơi đây khác hẳn Bắc Kinh, lẫn thứ mùi mằn mặn ẩm ướt quen thuộc. Tịch Xung nắm tiền trong túi áo, trước tiên vào quán mì cạnh nhà ga ăn một bát mì thịt băm to.
Bát mì nóng hổi trôi tuột xuống dạ dày, bấy giờ Tịch Xung mới coi như sống lại, gân cốt linh hoạt hơn nhiều. Bên tai hỗn tạp tiếng địa phương thân thuộc, Tịch Xung trả tiền rồi lên xe khách.
Từ xe khách chuyển sang xe ba bánh, đến đầu thôn thì trời đã tối.
Khi xưa Tịch Xung chạy khỏi núi không mang theo thứ gì, chỉ có một mình nó, bây giờ quay về vẫn chỉ một mình nó.
Nhưng lần này nó chuẩn bị đưa Cao Tích Thanh đi.
Nó nghĩ mình có thể chạy thoát thì mang thêm một người cũng không khó, hơn nữa nó đã cao hơn trước đôi chút rồi.
Mặc dù chưa đo, nhưng mấy nay trên tàu hoả đầu gối của nó đau âm ỉ suốt, đau không ngủ nổi. Nó biết đấy là mình đang cao lên, bà nội từng nói phát triển chiều cao đều sẽ nhức xương.
Chờ khi nào dẫn được Cao Tích Thanh đi, lên thành phố làm thuê kiếm tiền, nó phải mua thật nhiều sữa cho mình và Du Dương. Nghe nói uống sữa giúp tăng chiều cao, hình như có thể bổ sung canxi hay gì đó. Chắc Du Dương rất thiếu thứ đó, sắp chín tuổi đến nơi người vẫn lùn một mẩu, thảo nào suốt ngày bị bọn côn đồ đuổi đánh.
Cũng không biết cơm Du Dương ăn đi đâu hết, gần lên cấp hai rồi còn không cao bằng chó hoang thôn nó đứng lên.
*
Du Dương không biết mình bị lôi ra so chiều cao với chó hoang, ở nơi thành phố xa xôi, cậu vừa kết thúc một cuộc thi.
"Câu trắc nghiệm Toán cuối cùng cậu chọn A hay C?" Đinh Lộ sáp vào.
Du Dương cắm cúi thu dọn cặp sách: "C."
"Hả?" Đinh Lộ tỏ ra đau khổ: "Nhưng tớ hỏi rất nhiều người, ai cũng chọn A hết, Dương Hạo Kiệt cũng bảo là A."
Dương Hạo Kiệt là lớp phó học tập môn Toán lớp họ.
Du Dương không bị lung lay, cất bút vào hộp bút: "C."
Giữa Du Dương và người khác, Đinh Lộ lưỡng lự giây lát rồi cuối cùng lựa chọn tin bạn cùng bàn: "Tớ nói mà, tính kiểu gì cũng ra C, bọn nó cứ kêu tớ làm sai."
Du Dương đã cất sách vở xong, bỗng nhiên hỏi bạn: "Socola của cậu chưa ăn đúng không?"
"Cái đấy ngọt quá, tớ không thích ăn."
Du Dương chìa tay bàn tay trắng trẻo ra trước cô bé, không ngại chút nào: "Thế cho tớ đi."
"À, được thôi. Cho cậu cả chỗ này nhé." Đinh Lộ hào phóng cho Du Dương toàn bộ đồ ăn vặt.
Du Dương không khách sáo nhận hết.
Khoác cặp ra cổng trường, Du Dương ngẩng đầu nhìn đối diện đường, sau khi chắc chắn không có ai mới mím môi.
Đồ lừa đảo!
Lúc này Du Dương không còn giống học sinh xuất sắc lần nào cũng xếp hạng nhất, cậu cúi đầu ủ rũ tận mấy phút, nhấc chân đá hòn đá nhỏ bên vệ đường rồi mới xoay người đi về.
Bữa tối ăn mì, nhưng ba người kia là mì thịt bò, chỉ có Du Dương là mì ăn liền.
Du Dương không để bụng, có ăn là tốt rồi.
"Ờm Tiểu Dương à..." Chú nhỏ vân vê tay, bất ngờ gắp một miếng thịt bò vào bát Du Dương, còn nhìn thím nhỏ ra chiều quở trách. Nhưng thím nhỏ quay đi lạnh lùng "hừ" một tiếng, rõ ràng không để trong lòng.
Du Dương ăn thịt bò, nghe chú nhỏ nói: "Mai chú thím có việc phải ra ngoài, cháu, ờm, phải học mà nhỉ? Cháu ngoan ngoãn ở nhà, chú bảo thím nhỏ nấu trước cơm cho cháu."
"Nấu cái gì, nhà không còn gì hết, ăn đại đi." Thím nhỏ bực mình.
Chú nhỏ không nói gì, nhìn Du Dương: "Tiểu Dương?"
Du Dương gật đầu.
Cậu biết ngày mai họ đi làm gì, Du Nhất Triết đã khoe suốt mấy hôm nay là cuối tuần sẽ đi công viên giải trí, không dẫn cậu theo.
Cậu còn chẳng muốn đi đây này.
Du Dương bê bát húp hết mì và nước dùng, vào bếp rửa bát, lúc đi ra lặng lẽ đo chiều cao ở vạch đo chiều cao trên tường phòng khách.
Không thay đổi gì cả.
Hôm qua Du Nhất Triết còn cao lên 2cm, sao cậu lại không cao.
Du Nhất Triết ngu như lợn, hằng ngày chỉ biết ăn rồi ngủ ngủ rồi ăn, đã lên cấp hai mà phép nhân chia cũng không hiểu, đi thi chỉ toàn được 0 điểm.
Đồ con lợn như nó có tư cách gì đi công viên giải trí, không sợ ngồi lên sập luôn công trình của người ta à?
Buổi tối Du Nhất Triết không khoe chuyện ngày mai đi công viên giải trí, có lẽ mấy ngày trước khoe đủ rồi, nói cũng mệt.
Cậu ta nằm sấp trên giường cười khành khạch đọc truyện tranh, thịt trên người cũng rung theo.
Du Dương nằm dưới đệm, khó chịu chờ đợi màn đêm buông xuống, cố nhắm mắt ép mình nhanh ngủ.
Tuy nhiên đêm nay Du Dương ngủ không ngon, không nằm mơ nhưng trong cơn mơ màng cứ luôn nghe thấy tiếng sột soạt loáng thoáng, giống như quanh đây có chuột.
Chuột á?
Cậu tỉnh cả ngủ, quay đầu nhìn kho hàng nhỏ của mình, không ngờ không bắt được chuột mà lại bắt được Du Nhất Triết ăn vụng.
Du Nhất Triết đang gặm nửa miếng socola, rướn cơ thể mập mạp vụng về xuống dưới giường trộm một gói bánh quy khác.
Du Dương tức đỏ mắt, nhào qua bóp cổ Du Nhất Triết: "Sao mày có thể ăn vụng đồ của tao, nhả ra!"
Đấy là đồ cậu giấu dưới gầm giường phần Tịch Xung.
"Ưm ưm ưm..." Du Nhất Triết không ngờ tự dưng Du Dương lại dậy, cũng không ngờ cậu lại ra đòn hiểm, sơ ý suýt bị sặc, mất một lúc mới trở mình đè Du Dương.
Du Nhất Triết lợi dụng ưu thế thể hình kiềm chế Du Dương, tranh thủ nuốt miếng socola rồi bịt miệng ngăn Du Dương chửi mình.
Cậu ta xoa cổ, nghĩ lại mà sợ, trợn mắt không chút tội lỗi: "Mày bé mồm thôi, đừng có hét! Tao ăn một tẹo socola của mày thì làm sao, mày còn ăn của nhà tao bao nhiêu ấy. Với lại mày cứ để dành không ăn thì kiểu gì cũng hỏng, tao đang giúp mày mà mày lên cơn làm gì. Làm tao sợ hết hồn, tao suýt bị mày hại chết mày biết không."
Du Dương thở hổn hển, hiểu ra Du Nhất Triết ăn vụng không phải ngày một ngày hai, không biết bao nhiêu đồ ăn đã chết dưới thủ đoạn thâm độc của nó rồi.
Cậu dốc sức vùng dậy nhưng vô ích, Du Nhất Triết quá béo, đè lên cậu sừng sững như núi.
Cậu đành trơ mắt nhìn vụn socola dính bên mép Du Nhất Triết, chỉ muốn cao to gấp mười lần để đè Du Nhất Triết bẹp dí như cái bánh kẹp thịt.
Thể lực của Du Nhất Triết có hạn, không bao lâu đã mệt, thở hồng hộc bàn bạc với Du Dương: "Tao thả tay ra mày đừng có hét, bố mẹ tao ngủ rồi, mày to mồm lại kéo bố mẹ tao sang bây giờ."
Du Nhất Triết do dự thả tay ra, vừa định đứng dậy lại không ngờ bị đánh úp, Du Dương ngóc đầu lên cắn rịt tai phải cậu ta.
"Á..." Du Nhất Triết ré lên thảm thiết, muốn lôi Du Dương ra mà Du Dương hệt như đỉa, hai tay hai chân quặp chặt người cậu ta, không sao bứt ra nổi. Cậu ta cảm thấy tai mình sắp bị cắn đứt, trước nay chưa từng đau tới vậy, nửa bên đầu kêu ong ong.
Cuối cùng đau quá chỉ có thể xin tha, Du Nhất Triết suy sụp nói: "Tao đền cho mày, tao đền cho mày là được chứ gì! Mày mau nhả ra, tao không ăn nữa, mày nhả ra!"
Du Dương nghe được đền mới chịu lỏng tay, lập tức bị Du Nhất Triết đang đau tới nỗi giậm chân hất văng xuống đất.
Du Dương thản nhiên bò dậy, nghiến răng nhấn mạnh: "Toàn bộ những thứ mày ăn đều phải đền, không chỉ socola."
Du Nhất Triết sắp khóc mù mắt, còn hơi sức đâu để ý Du Dương nói gì, tay run run sờ lên tai, khóc nức nở: "Mày cắn đứt tai tao rồi phải không, chảy máu rồi phải không? Hu hu hu..."
Du Dương chẳng quan tâm tai nó: "Nếu mày không đền tao, tao sẽ nói với thím nhỏ mày ăn vụng."
Gần đây thím nhỏ đang mắng Du Nhất Triết vì cậu ta lại béo lên, quản lý nghiêm ngặt việc ăn uống, cắt cả lượng coca hằng ngày.
Du Nhất Triết nghe vậy lập tức trợn tròn mắt, không lo tai gì nữa: "Mày dám!"
"Mày thử xem tao có dám không." Trong căn phòng tối mù, mặt Du Dương trắng bệch như ma. May mà miệng cậu không chảy máu, nếu không Du Nhất Triết sẽ sợ chết khiếp. Du Dương cứ như thằng điên, nói cắn là cắn, không có gì không làm được, Du Nhất Triết sợ thật rồi.
Du Nhất Triết mất cả chì lẫn chài, khóc lóc nói: "Chờ tuần sau có tiền tiêu vặt tao đền cho mày. Mày nhanh nhìn hộ tao xem, có phải tai tao chảy máu rồi không, sao lại đau thế. Mai mẹ tao biết thể nào cũng tìm mày tính sổ, mày cứ chờ đấy..."
Du Dương mặc kệ nó, chui vào gầm giường đếm đồ ăn vặt trong kho hàng nhỏ của mình. Trước đây cậu không để tâm nên cũng không biết Du Nhất Triết đã ăn vụng bao nhiêu, thật tình nghĩ lại mà đau lòng.
Đếm thêm lần nữa mới cất gọn đồ vào, Du Dương nằm về đệm.
Du Nhất Triết vẫn đang ngồi khóc, luôn mồm kêu Du Dương nhìn thử xem có phải tai mình sắp đứt rồi không. Du Dương không đoái hoài thì cậu ta tự tìm gương soi, lại gần cửa sổ cho có ánh trăng.
Soi xong cậu ta càng khóc tợn, bởi vì trên tai có một dấu răng ngay ngắn, không phải Du Dương cắn thì còn ai vào đây?
Nhưng Du Dương không hối hận, cậu chôn mặt trong gối, bịt tai chặn tiếng khóc rấm rứt của Du Nhất Triết, một mình ngủ trước.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top