13.

Du Dương đem hết cơm thừa buổi tối của nhà chú nhỏ cho Tịch Xung ăn. Ăn xong Tịch Xung đi ngay, sợ ở thêm họ lại trở về.

Trước khi đi Du Dương hỏi nó: "Anh vẫn đi Bắc Kinh ạ?"

"Ừ."

Du Dương cụp mắt, cạy ngón tay.

"Anh đi rồi về, em ở đây chờ anh."

Ban đầu Tịch Xung chuẩn bị đi trong hai ba ngày tới, nhưng vì lo thằng béo bị đánh xong lại bắt nạt Du Dương, cho nên lùi thêm mấy ngày.

Nhưng không biết có phải thằng béo bị đánh sợ hay không, sau khi từ phòng khám về thái độ khác hẳn, không gây sự với Du Dương nữa mà tránh Du Dương rất xa, ở chung một phòng cũng không nói chuyện.

Vốn dĩ Du Dương đã không muốn đoái hoài tới cậu ta, được nhàn rỗi thì vui quá, hai đứa chung sống hòa thuận lạ thường trong căn phòng nhỏ.

Tịch Xung yên tâm ra ga tàu mua vé, hôm sau đặt chân lên tàu.

Đoàn tàu màu xanh kêu "xình xịch" dừng lại với tốc độ cực kỳ chậm, Tịch Xung tìm đúng toa theo vé tàu, lạc lõng nhìn đám đông ồn ào.

Cậu chỉ mua được vé đứng, nhưng đây là lần đầu đi tàu hỏa nên rõ ràng không có kinh nghiệm, nhoáng một cái đã bị người khác chiếm vị trí đẹp. Chỗ nối giữa các toa và bồn rửa tay đều có người, thậm chí còn tự mang ghế đẩu, chuẩn bị sẵn cho chuyến đi dài.

Tịch Xung bi chen đến giữa toa, chỉ có thể tựa vào thành ghế, thi thoảng có ai đi qua còn phải nghiêng người nhường đường.

Bên cạnh là một gia đình, người phụ nữ trung tuổi bế em bé sơ sinh, đối diện là chồng và con gái nhỏ. Cô con gái nhỏ đang vui vẻ bóc quýt ăn, không biết làm sao lại bắn nước lên mặt em bé, em bé lập tức khóc ré lên. Người phụ nữ vừa mắng con gái hậu đậu, vừa nhờ bà cụ bên cạnh lấy khăn lau mặt cho em bé.

Người chồng ngồi đối diện tỏ ra bàng quan, ngẩng đầu nhìn sân ga bên ngoài, than thở còn phải một ngày nữa mới đến nơi.

Cô con gái nhỏ hơi tủi thân, nắm nửa quả quýt không biết có nên ăn tiếp không. Cô bé giương mắt nhìn người phụ nữ, thò sang nhẹ nhàng dỗ dành em bé sơ sinh: "Em trai đừng khóc nhé."

Người phụ nữ chê con gái vướng víu, đẩy cô bé ra bắt ngồi im.

Tiếng khóc của trẻ sơ sinh làm Tịch Xung đau đầu, nhích lên đằng trước, ở đây là một nhóm đàn ông trung niên, trên bàn có bia và dưa chuột, tay cầm quân bài tú lơ khơ, tiếng chơi bài phạt rượu còn ồn hơn trẻ sơ sinh khóc.

Nó lại nhích lên vài bước, đúng lúc nhân viên tàu mặc đồng phục đẩy xe hàng nhỏ đi qua, vừa hô "mọi người nhường đường" vừa rao hướng dương đậu phộng.

Tịch Xung đành nhọc nhằn quay lại chỗ mới đầu lên tàu, cả quãng đường giẫm trúng chân mấy người.

"Nhóc con, cháu ngồi đây đi." Có ai đó kéo Tịch Xung, nó quay qua nhìn, một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi chỉ chỗ trống bên cạnh mình. Vốn dĩ một mình gã chiếm toàn bộ bồn rửa tay, nhưng cố nép vào thì cũng có thể chứa thêm Tịch Xung.

Xe đẩy đến trước mặt, nhân viên tàu lại bắt đầu hô nhường đường, Tịch Xung nghiêng người, ngồi bệt luôn cạnh người đàn ông.

Gã mặc măng tô đen, tóc hơi dài, râu mọc lỉa chỉa, không biết đã ở trên tàu hỏa bao lâu.

Người gã hơi nặng mùi, nhưng Tịch Xung không để ý, mùi thối hơn nữa nó cũng ngửi rồi, còn từng ngủ trong chuồng lợn, cỡ này không có gì là không thể nhịn.

"Cháu đi đâu?" Người đàn ông bắt chuyện với Tịch Xung.

"Bắc Kinh."

"Xa lắm đấy." Người đàn ông thò đầu liếc ra ngoài cửa sổ: "Vừa dừng ở ga ... à?"

Tịch Xung gật đầu.

"Tôi đi Thiên Tân, xuống sớm hơn cháu."

Gã rất xởi lởi, nói chuyện hòa nhã, lấy cốc giấy dùng một lần trong túi chia cho Tịch Xung một cái, hỏi nó chưa chuẩn bị gì hết phải không.

Tịch Xung lắc đầu. Nó không hề biết đi tàu hỏa đường dài còn cần chuẩn bị đồ.

Đến giờ ăn, trên tàu bắt đầu bán cơm hộp, Tịch Xung mua vé xong chỉ còn hơn một trăm tệ, phải để dành đến Bắc Kinh dùng nên quyết định nhịn đói hai ngày.

Người đàn ông cũng không mua cơm hộp mà tự mang bánh bao chay, chia cho Tịch Xung một nửa, bảo Tịch Xung ngâm nước nóng mà ăn. Bánh bao vừa khô vừa cứng, nhưng ngâm nước ăn rất chắc bụng.

Người đàn ông kể mình đi Thiên Tân tìm vợ con, hỏi Tịch Xung bé như thế sao lại đi tàu một mình, đi Bắc Kinh làm gì.

Tịch Xung không tiết lộ chi tiết, chỉ nói mình có việc. Người đàn ông gật đầu đã hiểu, khen trẻ con bây giờ đúng là không thể ngờ, dám đi xa một mình.

Đêm đầu tiên Tịch Xung ngủ gián đoạn, phải nhường chỗ khi có người tới rửa tay, chờ người ta rửa xong lại ngồi về. Nửa đêm về sáng toa tàu dần trở nên yên tĩnh, khắp nơi vang tiếng ngáy khò khò, Tịch Xung ngủ không sâu, tàu dừng ở ga nào cũng tỉnh dậy một lần, tàu chầm chậm lăn bánh lại nhắm mắt ngủ.

Hơn năm giờ có người đi vệ sinh, gọi Tịch Xung tránh đường. Tịch Xung đã co quắp suốt đêm, toàn thân đau nhức, mặt nhợt nhạt hơi sưng đứng sang bên cạnh. Đến khi người ta đi xong Tịch Xung cũng không định ngủ tiếp, táp nước lạnh rửa mặt rồi súc miệng.

Đúng lúc này tàu dừng, chỉ lẻ tẻ vài người xuống, Tịch Xung xuống theo, vươn vai trong không khí trong lành hiếm có.

Xa xa bầu trời hửng sáng, ánh nắng mặt trời sắp choán hết toàn bộ đêm đen. Sớm mùa thu se lạnh, Tịch Xung quấn chặt áo, xoay người quay lại toa tàu.

Hai tiếng nữa trôi qua người đàn ông mới tỉnh ngủ, vừa ngáp vừa hỏi Tịch Xung: "Nhóc con, tối qua ngủ được không?"

Khó tả lắm, còn khó chịu hơn ngủ gầm cầu, nhưng Tịch Xung chỉ đáp: "Cũng được."

Cằm người đàn ông lún phún râu, tóc rối hơn hôm qua: "Qua đêm trên tàu là thế, không nghỉ ngơi nổi."

Tịch Xung không biết đi tàu hỏa lại thế này, mệt hơn hẳn làm ruộng một ngày, ngón tay cũng sưng phù, đi vệ sinh mà bước chân lâng lâng.

Vất vả lắm mới chịu được đến tối, toa tàu tràn ngập mùi cơm hộp mì tôm làm Tịch Xung buồn nôn, tranh thủ tàu dừng xuống hít thở không khí trong lành.

Sau mười rưỡi đêm đèn bị chỉnh tối đi, người đàn ông dặn Tịch Xung cẩn thận, trên tàu có rất nhiều kẻ trộm, coi chừng tối ngủ bị trộm. Tịch Xung không đề phòng gã, vô thức sờ túi áo, gật đầu.

Quần lót trước đây Tịch Xung mặc có túi nhỏ bà nội khâu, bỏ tiền vào trong đó. Lần này đi nó mặc cái quần lót không biết Du Dương tìm được ở đâu, không có túi nhỏ, thành ra chỉ có thể cất trong túi áo.

Buổi tối Tịch Xung cũng cuộn mình thành quả bóng, khẽ lắc lư theo chuyển động của tàu. Nó đã quen với nhịp lắc lư này, nhanh chóng ngủ thiếp đi.

Nửa đêm Tịch Xung bị người đi vệ sinh xong ra rửa tay gọi dậy ba lần, bị người mẹ giặt tã cho con gọi dậy một lần, gần sáng bị người lên tàu kéo hành lý đi qua gọi dậy một lần, bởi vì không biết nó duỗi chân chắn đường từ bao giờ.

Đến khi nhân viên tàu đẩy xe bắt đầu vòng lặp mới, Tịch Xung mới tỉnh hẳn. Nó dụi mắt, phát hiện bên cạnh mình là người khác.

Đã qua ga Thiên Tân, người đàn ông xuống tàu rồi.

Tịch Xung dậy rửa mặt, hỏi nhân viên tàu đẩy xe hàng khi nào đến Bắc Kinh.

"Ga tới là Bắc Kinh."

Cuối cùng cũng sắp đến rồi.

Tịch Xung đứng ở cửa xuống, phong cảnh bên ngoài ngày một rõ ràng, tàu hỏa đang giảm tốc độ.

Ngoài cây cỏ thì bên cạnh đường ray chỉ có vài dãy nhà trệt, Tịch Xung nghĩ đây là Bắc Kinh ư, sao vẫn chưa có sự sầm uất của thành phố.

Hai mươi phút sau tàu hỏa dừng bánh, ga Bắc Kinh là ga cuối, mọi người trên tàu đều lục tục lấy đồ, xách túi to túi nhỏ dắt trẻ con chuẩn bị xuống.

Cửa mở, Tịch Xung nhảy xuống đầu tiên, đi theo dòng người ra khỏi ga. Và rồi nó sững sờ.

Nó chưa từng thấy nhiều người tới thế.

Quảng trường nhà ga chật như nêm cối, có người cầm túi to túi nhỏ ôm hành lý, có người hét qua loa, còn có người giơ lá cờ nhắc người phía sau theo sát.

Không khí cũng thiếu oxy, tiếng đi lại loạt xoạt khiến người ta váng đầu.

Tịch Xung đứng nguyên tại chỗ một lúc lâu, mãi đến khi có người mất kiên nhẫn đẩy lưng nhắc nó đừng chắn đường, nó mới hoàn hồn.

Nó sải bước, hoang mang không biết nên đi về hướng nào.

"Nào nào, tất cả lên xe bên này!"

Gần đó có người mặc áo đỏ đội mũ phẳng màu đỏ, tay giơ cao lá cờ đỏ, ra sức gào to chỉ dẫn một nhóm người.

Tịch Xung bất giác đi theo, đến khi nhóm người lên xe khách mới nhận ra mình nhầm đường.

Cuối cùng sau khi rẽ ở bãi đỗ xe nó cũng đến đường cái, đứng tận đây vẫn có thể nghe thấy tiếng người huyên náo ở ga tàu hỏa phía sau.

Bây giờ nên đi đâu đây.

Tịch Xung ngơ ngác, đầu óc rối thành mớ bòng bong trước thành phố lớn chưa thấy bao giờ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top