02.
Tịch Xung không thích đánh nhau nhưng từ bé đến lớn đánh nhau nhiều vô kể, mới đầu Tịch Giang Lâm đánh nó nó còn chưa thể đánh trả, hầu như bị đạp một cái đã mất đi sức chiến đấu, chỉ đành cắn răng chịu đòn.
Về sau bị đánh nhiều lên, nó cũng tìm được bí quyết, thỉnh thoảng có thể đánh úp một phát rồi bị đánh thê thảm hơn.
Ở trường tiểu học nó theo học trong thôn, một năm phải đánh nhau mười mấy lần, lần nào nó cũng thắng, trừ Tịch Giang Lâm thì nó chưa từng chịu thiệt dưới tay ai khác.
Tịch Giang Lâm là người lớn sống lâu hơn nó hơn hai mươi năm, đánh không lại là chuyện bình thường. Nó vừa chờ Tịch Giang Lâm già đi vừa chờ mình trưởng thành, đến khi ấy nó cũng treo ngược Tịch Giang Lâm lên xà nhà, dùng cành cây thấm nước quật ông ta.
Người vô gia cư trước mặt không biết đã bao lâu không được ăn một bữa no, gầy đến mức trơ xương sườn, cả ngày dở dở ương ương rúc dưới gầm cầu, lầm bầm gì đó người khác nghe không hiểu.
Tịch Xung nhỏ con hơn gã nhưng học được cách ra đòn tàn nhẫn từ Tịch Giang Lâm, đánh phát nào cũng trúng chỗ hiểm, bất kể là đầu hay cổ đều doạ đối phương.
Hơn nữa nó toàn đánh hiểm, cứ đạp bụng háng chân thì đối phương chỉ còn nước lăn lộn khóc lóc.
Lúc này người vô gia cư cứ thế ngã vào vũng nước, bàn tay bẩn tưởi che mặt, cổ họng bật ra tiếng kêu khó nghe.
Tịch Xung tìm một viên gạch, cúi xuống đập vào bên cạnh đầu người vô gia cư, mảnh vụn bắn lên mặt gã. Nó chửi bậy bằng tiếng địa phương, trầm giọng nói: "Từ sau cách xa bố ra."
Dưới gầm cầu tập trung toàn người không có nhà để về, không ai lo chuyện bao đồng, thậm chí còn lười ngước mắt lên nhìn.
Người vô gia cư rên rỉ mãi cũng không có ai hỏi gã làm sao, Tịch Xung hằm hằm nằm lại, kéo bìa carton bên cạnh đắp lên người làm chăn.
Nó ngủ tạm một đêm, hôm sau vừa tỉnh dậy là lại đi đồn cảnh sát.
Lần này vẫn không hề có thu hoạch.
Tịch Xung ngồi xổm ở cửa, đến khi nhổ trụi cỏ dại trước đồn cảnh sát mới đập tay đứng dậy.
Nó lang thang trên đường cái, người dắt chó đi dạo hay nhân viên văn phòng khoác balo đi qua đều nhìn nó bằng ánh mắt khác lạ.
Ở thành phố ít khi thấy người vô gia cư đi lại dửng dưng trên đường, hầu hết đều đến phố thương mại giả làm người khuyết tật ăn xin, hoặc tìm một góc tối chui rúc, tay chân lành lặn người ngợm lôi thôi như nó rất hiếm gặp.
Tịch Xung không để ý hình tượng của mình, ở nhà nó được nuôi như chó hoang, hằng ngày quẳng cho ít đồ ăn để sống là được, tốt nghiệp tiểu học xong cũng không được đi học tiếp, người ở huyện xuống kiểm tra thì cho nó đến trường giả vờ giả vịt, người ta vừa đi là gọi nó về làm việc ngay.
Bây giờ đầu óc nó chỉ nghĩ làm sao cứu được mẹ, nó văn hoá thấp, hồi bé không hiểu thế nào là bạo lực gia đình, đến giờ cũng vẫn mông lung, nhưng nó luôn biết mẹ bị nhốt trong nhà, ngày nào Tịch Giang Lâm cũng đánh mẹ.
Tịch Xung có chân, bị đánh có thể chạy, nhưng mẹ nó không chạy được.
Buổi trưa nó không mua cơm để tiết kiệm tiền, vào trong ngõ bới rác quán cơm vứt ra. Bới mãi cũng không có gì ăn, toàn là lá cây thối.
Tịch Xung đổi con phố khác, nhưng lại phát hiện một đồn cảnh sát. Chỗ này còn to hơn chỗ nó đi ban sáng, cổng rất bề thế, đỗ đầy xe cảnh sát.
Tịch Xung tưởng thành phố cũng như huyện chỉ có một đồn cảnh sát, không ngờ ở đây có tận hai cái.
Nó lập tức đi sang, vừa vào cổng đã bị một cảnh sát chặn lại.
"Ê nhóc con, cháu vào đây làm gì?"
Mắt Tịch Xung vừa to vừa đen láy giống mẹ: "Mẹ cháu bị bạo lực gia đình."
"Bạo lực gia đình?" Có vẻ nữ cảnh sát đang vội ra ngoài, nếu không gặp phải Tịch Xung bước phăm phăm vào thì bây giờ đã đi rồi, nhưng nghe nói đến bạo lực gia đình cũng vẫn dừng chân.
Cô quay sang dặn người bên cạnh vài câu rồi bảo Tịch Xung ngồi xuống, hỏi nó tình huống cụ thể.
Tịch Xung nói từng chữ một, nó biết mình có giọng địa phương, sợ cô cảnh sát không hiểu nên cố gắng nói rất chậm.
"Mẹ cháu còn bị lừa bán đến đó?"
"Vâng."
"Sao cháu biết?"
"Mẹ cháu nói cho cháu."
"Mẹ cháu tên gì?"
"Cao Tích Thanh."
Trước khi bỏ nhà đi, người phụ nữ đã viết ba chữ này vào lòng bàn tay Tịch Xung.
Thời gian mẹ tỉnh táo rất ít, nói mình cũng sắp quên mất tên mình, ở đây sống không cần tên, hồi đầu người khác gọi mẹ là con dâu nhà họ Tịch, về sau đẻ Tịch Xung xong thì gọi là mẹ Tịch Xung, không một ai hỏi đến tên mẹ.
Tịch Xung biết đọc, nhớ kỹ ba chữ này.
Nữ cảnh sát dặn Tịch Xung chờ rồi lên tầng nhờ đồng nghiệp tra tên, xem thử có báo mất tích không.
Thời bấy giờ dữ liệu người mất tích còn chưa được số hoá, hệ thống công an cũng không có mạng toàn quốc, chỉ có thể tìm trong hồ sơ, không khác gì mò kim đáy bể.
Hơn nữa Cao Tích Thanh cũng không nhớ quê mình ở đâu, dù người nhà có báo án thì họ cũng khó tra ra được.
Cuối cùng dĩ nhiên là không có kết quả, nhưng nữ cảnh sát nói với Tịch Xung rằng mình sẽ tìm hiểu tình hình thông qua đồn cảnh sát địa phương.
Tịch Xung trợn mắt không dám tin.
"Nhưng phải mấy ngày nữa, chờ cô giải quyết xong vụ án đang theo đã. Nếu thật sự là lừa bán thì chắc chắn phải cứu người ra. Nhưng nếu không phải lừa bán mà chỉ là bạo lực gia đình, cảnh sát cũng không làm gì được, chỉ có thể liên hệ hội phụ nữ địa phương nhờ họ đến nhà khuyên giải."
Bấy giờ không chỉ dữ liệu người mất tích chưa được số hoá mà luật phòng chống bạo lực gia đình cũng chưa có hiệu lực. Bạo lực gia đình có thể quản lý sao? Ăn vài trận đòn thì từ bé ai mà chẳng bị.
Nữ cảnh sát để tóc ngắn gọn gàng, lúc nói câu này nét mặt không có gì đặc biệt, song cũng cau mày bất lực.
Tịch Xung báo địa chỉ nhà cho cô, nói mình có thể dẫn cô đi.
Sau khi biết nó bỏ nhà đi, nữ cảnh sát bèn nói nó mà quay về thì càng thêm loạn, cứ chờ ở đây là được. Rồi cô lại hỏi sao nó nghĩ ra tới thành phố báo cảnh sát, ở đây có họ hàng à?
Tịch Xung xụ mặt, đứng lên cúi rạp người với cô cảnh sát.
Nó không giỏi ăn nói, cũng không biết nên nói gì, cô cảnh sát là người duy nhất tin lời nó.
Lúc rời đồn cảnh sát, trong lòng Tịch Xung nhẹ nhõm phần nào, cảm giác như sự tình sắp sửa kết thúc.
Nó nghĩ mình phải dành dụm tiền, khi nào cứu được Cao Tích Thanh thì mẹ con nó không thể ở mãi dưới gầm cầu. Sức khoẻ Cao Tích Thanh không tốt, luôn luôn đau ốm, một năm có đến phân nửa thời gian đều ho khù khụ.
Nó có thể bán sức, trong thôn nhiều người đi xa làm công, nó cũng có thể làm công kiếm tiền.
Tịch Xung thầm kích động, không ngừng vạch kế hoạch cho tương lai, nhoáng một cái đã không biết mình lạc đến tận đâu, chỉ thấy có ngôi trường tiểu học trước mặt.
Đang giờ tan học, Tịch Xung dễ dàng trông thấy cậu nhóc hôm qua, cậu ta đeo cặp cúi đầu đi sau cùng.
Cậu nhóc lùn tịt, thấp hơn bạn học xung quanh, đi cuối có lẽ là hi vọng mình tàng hình thành công nhưng không có tác dụng, vừa ra khỏi cổng trường đã có người gọi, cậu ta ngẩng đầu lên, không biết nhìn thấy gì mà biến sắc, ba chân bốn cẳng chạy về hướng khác.
Lũ oắt côn đồ hôm qua đã đợi rất lâu, tức tốc chửi bới đuổi theo.
Tịch Xung nhìn tư thế chạy của cậu nhóc là biết chắc sẽ bị đuổi kịp, chân ngắn là khuyết điểm, di chuyển nhanh đến đâu chăng nữa cũng không so được người khác chân dài hơn.
Nhưng không liên quan đến nó, nó tìm một con đường đông người rẽ vào.
Vì đã hạ quyết tâm phải tích tiền nên Tịch Xung không muốn động vào tiền nữa, đương nhiên cũng không thể mua cơm.
Nó tìm đến con phố mặt sau các quán cơm lục từng thùng rác một, nếu số hên có thể kiếm được đồ ăn no bụng hơn nửa cái bánh bao chay.
Trời không phụ lòng người, nó thật sự tìm được một hộp cơm mới nguyên, vừa cầm lên đã có một bàn tay thò ra cướp.
Nó không đề phòng, ngẩn người một lát mới quay đầu nhìn tên vô gia cư đã chạy được vài bước, gã đang sốt ruột ngồi xổm xuống đất bốc cơm ăn ngay.
Lúc bị nữ cảnh sát gọi lại, Tịch Xung đang bóp mặt tên vô gia cư, bắt gã nôn cơm vừa mới ăn ra.
Nghe thấy giọng nói vang lên ở đầu ngõ, nó khựng lại thoáng chốc, khi đứng dậy quay đầu thì tên vô gia cư đã kịp cầm hộp cơm ù té.
"Tịch Xung à?"
Nữ cảnh sát đứng ngược sáng, ráng chiều rực rỡ sau lưng khiến người ta không nhìn rõ mặt cô.
Nhưng Tịch Xung chỉ nghe giọng đã có thể nhận ra.
"Cháu làm gì ở đây?" Cô cảnh sát hỏi tiếp.
Tịch Xung bỗng cảm thấy xấu hổ, từ khi sinh ra đến giờ đây là lần đầu tiên nó có cảm xúc này, nó giấu tay ra sau mặc dù trong tay chẳng có gì.
Nữ cảnh sát bước lại gần nó, cau mày nhìn đủ loại vết bẩn dính vào lúc nhặt rác trên người nó, lát sau mới nói: "Cô mời cháu ăn mì, đi."
Trong khi Tịch Xung vẫn đang ngơ ngác thì cô cảnh sát đã xoay người đi ra, thấy nó không đi theo bèn quay đầu gọi: "Lại đây."
Tịch Xung không kịp suy nghĩ đã sải bước đi chầm chậm theo.
Cô cảnh sát sống ở khu chung cư năm tầng bên cạnh, sau khi vào nhà, cô kêu Tịch Xung đi tắm trước.
"Cháu bốc mùi quá." Cô cảnh sát về phòng tìm quần áo: "Cô không có quần áo bé trai, nhưng quần áo của cô chắc cháu cũng mặc được."
Tịch Xung khịt mũi, cũng ngửi thấy mùi hôi trên người mình.
Trước đây nó không cảm thấy mùi này có gì, nhưng bây giờ đặt chân vào một nơi xa lạ khiến nó cảm thấy mình thật sự quá hôi.
Chỗ ở của cô cảnh sát là nhà đơn vị cấp cho, không rộng nhưng sống một mình cũng đủ.
Tịch Xung lúng túng đứng ở cửa hệt như kẻ xâm nhập vào nhầm nhà, không dám sờ mó linh tinh hay nhìn bừa, cúi đầu dòm quần áo của mình, nghĩ bụng mình còn hôi hơn người vô gia cư dưới gầm cầu.
"Đừng đứng đực ra đấy, nhanh đi tắm đi." Cô cảnh sát đẩy Tịch Xung, giải thích với nó nhà tắm bật nước thế nào, bên trái nước nóng bên phải nước lạnh, còn lấy khăn mặt đưa cho nó rồi mới ra ngoài đóng cửa.
Tịch Xung chưa tắm thế này bao giờ, từ bé nó toàn bê thau đứng trong sân giội nước qua loa coi như đã sạch, đây vẫn là lần đầu nhìn thấy vòi hoa sen.
Lúc bật nước nó bị phun cho giật nảy mình, cơ thể trần truồng nhảy phắt sang bên cạnh, thử thò tay ra chạm vào nước, nước lạnh.
Nó cũng không chỉnh lại mà cứ thế tắm luôn.
Đến khi Tịch Xung mặc áo phông quần cộc cô cảnh sát lấy cho đi ra, mùi thơm đã bay khắp nhà.
Cô cảnh sát bưng hai bát mì, gọi nó qua ăn.
Tịch Xung mất tự nhiên ngồi xuống, cúi đầu nhìn mì trong bát vẫn đang bốc hơi nóng.
Cô cảnh sát không hỏi vì sao nó lục rác, cũng không hỏi vì sao nó đánh nhau với người vô gia cư, chỉ bảo nó tranh thủ ăn khi còn nóng.
Chỉ là một bát mì trứng cải thìa bình thường, nhưng cô cảnh sát chần cho nó hai quả trứng gà.
Trứng chìm dưới đáy bát, Tịch Xung ăn gần hết mới nhận ra.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top