Chương 9
Người được chuyển tới chiều hôm ấy là một người phụ nữ trung niên bị bệnh tim, đã không qua khỏi vào rạng sáng nay. Bà ấy để tóc ngắn tới vai, khuôn mặt trắng hếu, cơ thể vẫn chưa tới giai đoạn căng cứng. Ánh đèn trắng xoá phủ lên khuôn mặt bà. Người nhà của bà ấy đang ở sảnh chờ đối diện họ cùng với nhân viên của nhà tang Amanda, những kẻ đã thuê hai người họ.
Tạ Lưu An giúp Phạm Bình Nguyên nâng đầu thi thể lên rồi kê cao cổ bà ấy bằng một cái gối tựa đầu. Anh ấy cởi quần áo người phụ nữ ra một cách cẩn thận rồi nhanh chóng phủ một lớp vải trắng lên những bộ phận nhạy cảm của bà ấy như một cách để tôn trọng người mà anh đang phục vụ. Xong xuôi, Phạm Bình Nguyên ngẩng đầu, hỏi:
"Em đã từng khâu miệng bao giờ chưa?"
Tạ Lưu An lắc đầu, anh ấy bèn bảo cậu quan sát.
Mũi kim đâm xuyên qua môi trên của người phụ nữ rồi vòng lên lỗ mũi, chọc qua vách ngăn rồi vòng sang lỗ mũi còn lại. Đầu kim từ từ di chuyển xuống môi dưới của bà ấy rồi đâm xuyên qua, lại móc ngược lên mũi. Cuối cùng, Phạm Bình Nguyên thắt chỉ thừa lại thành một cái nơ nhỏ và đặt nó trong lỗ mũi bà ta, và nó sẽ bị giấu đi vĩnh viễn.
Mục đích của việc này là bởi miệng thi thể có thể mở ra bất cứ lúc nào khi cơ mặt co cứng lại. Nếu trong lúc làm đám tang, người nhà đang đi vòng quanh quan tài thì thấy ông bà mình bỗng há miệng ra thì đến 90% là họ sẽ chạy hết mà không kịp rơi nước mắt. Vậy nên Phạm Bình Nguyên phải khâu môi và sử dụng mũ che mắt để người đã khuất không vô tình doạ chính người thân của họ, và anh ấy sẽ cố gắng làm cho biểu cảm của họ trông tự nhiên nhất có thể.
Trong lúc đó, Tạ Lưu An giúp Phạm Bình Nguyên mát xa, uốn dẻo tay cho người phụ nữ.
Hóa chất thường được sử dụng trong ướp xác chất lỏng có chứa hỗn hợp Formahylde, Glutaraldehyde, methanol, thuốc nhuộm và những dung môi khác. Việc pha bao nhiêu thuốc nhuộm tuỳ thuộc vào sắc tộc của người đã khuất để khiến họ trông như đang ngủ chứ không phải ở trạng thái trắng bệch đến kinh hoàng. Phạm Bình Nguyên bỏ một lượng hoá chất vừa đủ trong từng lọ vào một cái bể gắn trên máy ướp xác.
Những bước tiếp theo, Tạ Lưu An đã từng thực hành khi cậu còn ở bang Pennsylvania rồi.
"Em rạch một đường ngay trên xương đòn để tiếp cận động mạch cảnh sau đó đưa ống nối với dung dịch ướp xác vào động mạch cảnh rồi cố định bằng dụng cụ cầm máu, giữ nguyên như thế trong quá trình ướp xác và chất lỏng sẽ đi qua tim tới toàn bộ cơ thể."
Tạ Lưu An gật đầu, thế chỗ Phạm Bình Nguyên cầm máu trong lúc anh ấy đi mát xa cho người phụ nữ để phá vỡ các cực máu đông trong cơ thể, đảm bảo sự phân phối của chất lỏng ướp xác. Thấy cậu ấy trông có vẻ căng thẳng vì lâu lắm rồi mới được thực hành trực tiếp, Phạm Bình Nguyên mỉm cười, ý nói rằng cậu ấy vẫn đang làm rất tốt.
Formaldehyde là một thứ rất độc hại nhưng cũng rất hữu dụng. Nó có khả năng làm cứng mô giúp cơ thể săn chắc hơn, cùng với chất lỏng ướp xác cố định các protein để chúng không phân hủy trong suốt đám tang.
Sau khi bơm hóa chất qua động mạch cảnh chung bên phải, máu và dung dịch động mạch dư thừa được tống ra khỏi cơ thể thông qua tĩnh mạch cảnh nằm bên phải như một hệ thống thoát nước.
Việc tiếp theo hai người họ cần làm là loại bỏ các chất lỏng còn sót lại bên trong khoang cơ thể thông qua việc sử dụng máy hút và trocar, nước tiểu là một ví dụ. Phạm Bình Nguyên lôi ra một cây trocar vàng óng gần giống một cây kim khổng lồ, nhọn hoắt, dưới đuôi còn chạm khắc một viên đá nhỏ trông vô cùng đắt tiền. Anh ấy bảo Tạ Lưu An nhìn anh, vừa làm việc vừa hướng dẫn cậu.
"Rạch một đứng nhỏ ngay trên rốn, hướng trocar về phía tai và bắt đầu đẩy nó vào trong cơ thể thông qua cái lỗ vừa rạch. Em cố gắng chọc thủng các cơ quan rỗng và hút các chất còn sót lại bên trong chúng một cách chậm rãi, tạo ra thật nhiều kênh thông để hút máu giàu vi khuẩn.
Giọng Phạm Bình Nguyên đều đều, bị ngăn cách bởi tấm mặt nạ phòng độc. Xong xuôi, anh ấy rút cây trocar ra, đảo nó theo hướng ngược lại rồi cắm vào cái lỗ trên bụng, chọc thủng bàng quang để hút nước tiểu ra, lặp lại một loạt các hành động như ban nãy. Cuối cùng, Phạm Bình Nguyên chọc thủng ruột của bà ấy, tạo ra thật nhiều lỗ để chất lỏng ướp xác có thể chui vào và làm nhiệm vụ của nó.
Toàn bộ quá trình ấy diễn ra trong gần 1 tiếng, dưới ánh đèn điện mập mù và không khí lạnh lẽo bao trùm lấy cả căn phòng.
Tiếp đến, Phạm Bình Nguyên lấp đầy các khoang bằng hóa chất đậm đặc có chứa Formahylde và đưa chúng vào cơ thể thông qua cây trocar rồi khâu kín vết rạch ấy bằng phương pháp khâu dây ví. Sau đó chỉ cần mặc quần áo cho bà ấy là không ai biết cơ thể bà từng có một vết rạch sau khi chết.
Phục dựng giữa người hộ tang với nhà khảo cổ không giống nhau, những người như bọn họ không khôi phục lại toàn bộ đặc điểm của người đã khuất mà là khiến họ trở nên đẹp đẽ hơn trong giây phút cuối cùng.
"Tiêm bổ sung vào động mạch dưới nách, cánh tay và xương đùi đi."
Tạ Lưu An gật đầu với anh.
Cốt yếu của việc này là để các khu vực mà dịch động mạch không nhận được chất lỏng ướp xác có thể phân phối thành công.
Ướp xác là công đoạn khó khăn nhất với một cơ thể bình thường, những bước sau đó đều là những bước mà ngay cả người nhà cũng làm được.
Phạm Bình Nguyên phủ lên người bà ấy, từ cổ trở xuống một lớp vải trắng. Anh ấy giặt khăn, lau người cho bà ấy một cách cẩn thận, từng đầu ngón tay, ngón chân đều được tắm rửa sạch sẽ và lau khô. Tạ Lưu An giúp anh ấy thoa kem dưỡng ẩm lên khuôn mặt và cánh tay bà ấy, những nơi có thể nhìn thấy được khi đứng gần quan tài.
Người nhà của bà đã yêu cầu được nhìn thấy mẹ mình mặc bộ váy xanh mà bà ấy yêu thích nhất lần cuối, tất nhiên là Phạm Bình Nguyên không thể từ chối họ. Anh ấy muốn tạo ra một bức ảnh kí ức cho bạn bè và người thân của bà ấy. Dầu em bé được áp dụng để tạo kiểu tóc ngắn trong khi keo xịt tóc lại được áo dụng cho tóc dài.
Khuôn mặt bà trông thật khắc khổ, làn da nhăn nheo chảy xệ xuống như thể đang bất mãn. Phạm Bình Nguyên tiêm một chút hoá chất tạo mô vào, và trông bà ấy thanh thản hơn nhiều khi biểu cảm của bà không còn cau có nữa. Rồi anh ấy nâng bàn tay người phụ nữ lên, đặt chéo trên bụng, đưa bàn tay trái lên bên trên để người thân có thể nhìn thấy nhẫn kết hôn vẫn còn trên đôi tay nhăn nheo ấy ngay cả khi đã khuất.
Một chút tinh dầu được thêm vào để che đi cái mùi vốn có của xác chết.
"Mọi việc tiếp theo là của em đấy."
Phạm Bình Nguyên đưa bộ trang điểm cho cậu ấy rồi lùi lại. Sau khi trở về nước, Tạ Lưu An từng làm thuê cho một studio chụp ảnh cưới và làm thợ trang điểm. Phạm Bình Nguyên muốn thấy những gì đứa trẻ này có thể làm.
"Có lẽ là không cần đâu, em có mang theo bộ của em rồi."
Trang điểm cho người sống và người chết rất khác nhau, Tạ Lưu An đã thử cả 2 kiểu. Người đã khuất thiên về làm rõ các khối, tô điểm cho khuôn mặt gọt hệ chiều sâu để người nhà có thể nhìn rõ được người thân mình khi đứng bên ngoài. Chẳng hạn như má, cằm và các khớp ngón tay có thêm màu đỏ, dưới mí mắt được tô điểm bởi màu nâu để tạo chiều sâu. Màu sắc của son thường là màu nhạt để bắt chước theo màu sắc tự nhiên của môi khi họ còn sống.
Dụng cụ trang điểm của những người hộ tang cũng khác với trang điểm thông thường. Nhưng điều đó không ảnh hưởng quá nhiều, khi trang điểm cho bà ấy, Tạ Lưu An vẫn dùng dụng cụ như khi trang điểm cho một người sống.
"Tại sao không sử dụng cọ trang điểm kia?"
Phạm Bình Nguyên đứng bên cạnh quan sát một hồi bỗng mở miệng hỏi.
"Ồ, em không thích thứ đó, cái đầu của nó quá bé còn lông cọ thì cứng. Chẳng phải dùng cọ má thông thường có độ che phủ tốt hơn sao?" Tạ Lưu An dừng lại một lúc, hỏi: "Em không được làm thế hả?"
"Không phải."
Anh chỉ thấy hứng thú mà thôi.
Phục dựng không chỉ là một bộ môn khoa học, phục dựng là nghệ thuật. Mỗi một người hộ tang là một người nghệ sĩ , giống như những bức tranh, mỗi họa sĩ lại có cách thể hiện khác nhau. Nhưng họ vẫn có điểm chung, đó là họ đều hướng đến vẻ đẹp.
Vẻ đẹp của cái chết.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top