Emma-Jane austen
________________________________________
TẬP 1
CHƯƠNG 1
Với nhan sắc, trí thông minh và gia sản giàu có cùng một ngôi nhà tiện nghi và bầu không khí gia đình hạnh phúc, Emma Woodhouse dường như nhận được tất cả ân sủng của cuộc đời. Cuộc sống của cô đã trôi qua gần hai mươi mốt năm mà không có mấy phiền muộn.
Cô và người chị Isabella có một ông bố thật hiền hòa, khoan dung; và vì chị cô đã lập gia đình, từ lâu cô đã là chủ gia đình để quản lý ngôi nhà cho ông. Mẹ cô đã qua đời từ nhiều năm trước, vì thế cô không còn nhớ gì nhiều đến những cử chỉ âu yếm của bà. Một chị quản gia thay thế vị trí bà mẹ với tình thương không kém người mẹ thật sự là bao.
Chị Taylor làm quản gia cho gia đình ông Woodhouse được mười sáu năm, nhưng còn là một người bầu bạn thân thiết hơn quản gia đơn thuần vì chị thật lòng thương yêu hai con gái của ông, nhất là Emma. Giữa hai người là hơn cả mối chân tình chị em. Ngay cả trong thời gian chị Taylor chỉ là một quản gia đúng nghĩa, nhờ tính hoà nhã chị không cần thiết phải tỏ ra quá khắt khe đối với đứa trẻ gái. Thời gian dần qua, cung cách áp đặt của chị dần biến mất. Hai người sống gắn bó với nhau trong tình bạn. Emma có thể làm mọi điều cô thích, luôn luôn tôn trọng khả năng suy xét của chị Taylor, nhưng phần lớn là theo ý của riêng mình.
Một khuyết điểm của Emma là cứ muốn làm theo ý mình, thêm xu hướng nghĩ về mình quá tài giỏi. Đấy là khuyết điểm làm vẩn gợn những vui thú của cô. Tuy nhiên, hiện giờ không ai nhận ra mối hiểm nguy này, vì thế không cho đấy là điều bất hạnh của cô.
Một nỗi buồn ập đến - chỉ là nỗi buồn nhẹ nhàng: chị Taylor lập gia đình. Chính ý nghĩ mất mát chị lần đầu tiên đã mang đến nỗi phiền muộn. Trong ngày cưới của người bạn thân thiết này, lần đầu tiên Emma ngồi với ý nghĩ buồn bã về những tháng ngày sắp đến. Hôn lễ kết thúc, cô dâu ra đi, hai bố con ở lại với bữa ăn tối mà biết sẽ không có người thứ ba giúp họ được khuây khoả trong một buổi tối dài đằng đẵng. Ông bố trấn tĩnh để đi ngủ sau bữa ăn như thường lệ, riêng Emma ngồi một mình mà nghĩ đến sự mất mát của cô.
Biến cố ấy hứa hẹn mang đến hạnh phúc cho người bạn của cô, nhưng với cô đây là nỗi ưu phiền. Ông Weston là người có tính khí thật khác thường, môt gia sản thoải mái, ở độ tuổi thích hợp, và cung cách dễ mến. Cô hẳn cảm thấy hài lòng theo cách nào đấy khi nghĩ đến tình thân hữu quên mình, rộng lượng mà cô hằng muốn chứng tỏ để khuyến khích họ đi đến hôn nhân. Mỗi giờ trong mỗi ngày trôi qua, Emma đều nhớ đến chị Taylor. Cô nhớ lại tính hiền hoà của người quản gia cũ - tính hiền hòa, tình yêu thương trong 16 năm - qua đấy cô đã được dạy dỗ và chơi đùa với chị đã làm mọi cách cho cô vui khi cô khoẻ mạnh, và tận lực chăm sóc khi cô trải qua những cơn đau yếu trong thời thơ ấu. Cô mang ơn chị nhiều; riêng bảy năm qua, vị thế bình đẳng và tình thân thiết giữa hai người sau khi cô chị Isabella kết hôn càng làm cho hai người gân gũi với nhau thêm khiến cho cô chưa có hồi tưởng nào thân thương hơn, nồng nàn hơn. Chị đã là một thân hữu và người làm bầu bạn hiếm thấy: thông minh, hiểu biết. đắc dụng, hiền hoà, thấu hiểu mọi cách thức trong gia đình, quan tâm đến mọi người và đặc biệt đến Emma - đến mọi niềm vui của cô, đến mọi trù tính của cô. Chị đã là người mà cô có thể thổ lộ mọi ý nghĩ ngay khi ý nghĩ vừa chợt loé, là người mang đến cho cô tình thương yêu mà hầu như chưa bao giờ bắt lỗi cô.
Làm thế nào cô chịu nỗi thay đổi này? Đúng thật là chị chỉ ra đi để sống cách xa có một cây số, nhưng Emma vẫn nhân ra khác biệt to lớn giữa chị Taylor và lúc trước ở trong nhà và bây giờ là chị Weston chỉ cách xa môt cây số. Tuy với mọi lợi điểm theo tự nhiên và gia cảnh, bây giờ cô có nguy cơ bị khổ sở trong nỗi cô đơn tri thức. Cô yêu mến sâu đậm bố nhưng ông không phải là người làm bầu bạn cho cô. Ông không thể chuyện trò với cô, dù là theo cách đứng đắn hoặc bông đùa.
Ảnh hưởng của khác biệt về tuổi tác (vì ông Woodhouse lập gia đình muộn) càng trầm trọng thêm do cá tính và thói quen của ông. Vốn mang bệnh tưởng cả đời, lại thiếu năng động về tinh thần hoặc thể chất, ộng trông già trước tuổi. Dù có con tim hiền hòa và tính khí dịu dàng khiến ông được yêu mến; ông không có năng lực gì khác để thu hút lòng người.
Tuy chỉ cách biệt do hôn nhân và đang sống cách xa hai mươi lăm cây số ở thành phố London, chị của Emma không thể thân cận với cô hằng ngày. Cô phải trải qua nhiều buổi tối lạnh lẽo ở Hartfield trong hai tháng Mười và Mười một để đến lễ Giáng sinh Isabella cùng chồng và các con mới về lấp đầy ngôi nhà, và một lần nữa mang đến cho cô niềm vui sum họp.
Highbury là một ngôi làng lớn có cư dân đông đúc đến mức gần như là một thị trấn. Dù cho có những thảm cỏ, bụi cây và cái tên riêng biệt, Hartfield thật sự là một phần của cộng đồng ngôi làng và có ý nghĩa thân thương đối với Emma không gì sánh bằng. Gia tộc Woodhouse đứng đầu ở đây. Tất cả mọi người đều kính trọng họ. Emma quen biết nhiều người trong ngôi làng, vì lẽ cha cô là người lịch sự đối với họ, nhưng trong số họ không có ai có thể thay thế chị Taylor dù là nửa ngày. Đấy là một thay đổi mang đến u sầu. Vì thế, Emma không tránh khỏi sầu muộn, mơ ước đến những điều không tưởng cho đến khi ông bố thức dậy và cô cố tỏ ra vui tươi. Ông cần được hỗ trợ về mặt tinh thần. Ông là người có tính hay âu lo, dễ dàng phiền muộn; có lòng thương mến bất cứ ai ông đã quen tính nết và không muốn xa cách họ; ông ghét bất cứ thay đổi nào. Hôn nhân như là nguồn gốc của thay đổi thì luôn gây ra khó chịu. Ông vẫn chưa hề chấp nhận là chính cô con gái của ông sẽ lập gia đình. Khi ông phải chấp nhận xa rời chị Taylor, ông cũng không nói về chị với lòng cảm thông tuy rằng đấy là cuộc hôn nhân do tình yêu. Từ thói quen của tính hơi ích kỷ và chưa hề có ý tưởng rằng người ta có thể cảm nhận khác với mình, ông vẫn cho rằng chị Taylor đã gây ra một chuyện đau buồn cho chị cũng như cho hai cha con ông, và đáng lẽ sẽ tốt hơn nhiều nếu chị sống cả đời ở Hartfield.
Emma mỉm cười và trò chuyện vui vẻ để ông xóa tan những ý nghĩ ấy; nhưng đến khi hai cha con dùng trà ông lại nói đúng như cách ông đã nói trong bữa ăn tối:
- Tội nghiệp chị Taylor! Cha ước gì chị ấy tiếp tục sống ở đây. Đáng tiếc là ông Weston không nghĩ gì đến chị ấy.
- Cha ạ, con không thể đồng ý với cha; hẳn cha biết thế. Ông Weston là một người vui vẻ, dễ chịu, tuyệt vời, nên ông ấy xứng đáng có một người vợ tốt. Và hẳn cha không muốn chị Taylor sống với chúng ta mãi mãi rồi phải chịu đựng mọi tính khí thất thường của con trong khi chị có thể có một ngôi nhà cho chị ấy, có phải thế không?
- Một ngôi nhà riêng cho chị ấy! Nhưng một ngôi nhà riêng cho chị ấy thì có lợi gì? Ngôi nhà này rộng gấp ba lần. Còn con không hề có tính khí thất thường nào, con yêu ạ.
- Chúng ta sẽ đi thăm họ thường, và họ sẽ đến thăm chúng ta! Tất cả chúng ta sẽ luôn gặp lại nhau! Chúng ta phải bắt đầu; chúng ta phải sớm đi chúc mừng cuộc hôn nhân của họ.
- Con yêu, làm thế nào cha đi được xa như thế? Randalls cách đây khá xa. Cha không thể đi bộ xa như thế.
- Không, cha ạ, không ai nghĩ cha phải đi bộ. Chắc hẳn là ta phải dùng cỗ xe.
- Cỗ xe ! Nhưng James không thích thắng ngựa để đi đoạn đường ngắn như vậy, và trong khi mình đang ở thăm họ thì mấy con ngựa tội nghiệp đó ở đâu ?
- Cha ạ, ta đưa chúng vào chuồng ngựa của ông Weston. Cha biết không, chúng con đã thu xếp xong xuôi mọi việc. Tối hôm qua chúng con đã nói chuyện với ông Weston về chuyện này. Còn về James, cha có thể tin chắc rằng ông ấy lúc nào cũng thích đi Randalls, bởi vì con gái ông đang giúp việc ở đấy. Con nghĩ liệu có bao giờ ông ấy muốn đưa chúng ta đi nơi nào khác hay không. Đấy là do cha cả cha ạ, cha ạ. Cha đã đưa Hannah đến nơi ở tốt. Không ai nghĩ đến Hannah cho đến khi cha nhắc đến cô ấy - James hẳn biết ơn cha !
- Cha rất vui đã nghĩ đến cô ấy, vì cha không muốn cái ông James tội nghiệp phải mặc cảm do bất kỳ chuyện gì. Cha tin chắc cô ấy sẽ là người giúp việc giỏi : cô ấy lễ độ, nói năng dễ nghe ; cha có cảm tình nhiều với cô ấy. Mỗi khi cha gặp cô ấy, cô đều nhún mình chào (1) và hỏi thăm sức khỏe của cha. Khi con nhờ cô ấy đến giúp may vá, cha nhận thấy cô ấy luôn vặn nắm cửa đúng cách và không bao giờ đóng sầm cánh cửa. Cha tin chắc cô ấy sẽ là người giúp việc xuất sắc, còn chị Taylor sẽ chịu nhiều khi có một người thân quen sống bên mình. Con biết không, mỗi khi James đi thăm con gái ông ấy, cô sẽ được nghe tin về chúng ta. Ông ấy sẽ kể cho cô nghe hai cha con ta đang sống yên ổn ra sao.
Emma không muốn cố giữ dòng suy tưởng này hạnh phúc này trong đầu. Cô bày ra bàn cờ backgammon (2) để hai cha con cùng chơi hầu mong cha cô khuây khỏa qua buổi tối và chỉ mình cô cảm thấy hối tiếc. Nhưng một vị khách bước vào khiến cho cuộc chơi không còn cần thiết nữa.
Anh Knightley là người nhạy cảm, tuổi vào khoảng ba mươi bảy đến ba mươi tám, không chỉ là người thân thiết lâu năm đối với gia đình, mà còn có mối quan hệ vì là anh trai chồng của Isabella. Anh sống cách Highbury khoảng gần hai cây số, thường đến thăm hai cha con cô và luôn được tiếp đãi nồng hậu. Tối nay, anh còn được đón tiếp nồng hậu hơn bình thường do cả hai bên có chung mối quan hệ ở London. Anh trở về để ăn bữa tối muộn su vài ngày đi vắng, và giờ đến Hartfield để báo tin cho tất cả mọi người ở Quảng trường Brunswick đều mạnh khỏe. Đấy là cuộc gặp gỡ vui vẻ, khiến cho ông Woodhousse cảm thấy sinh động hơn phút chốc. Anh Knightley có tính khí vui tươi làm hài lòng mọi người, và đều trả lời thỏa đáng những câu hỏi về « Isabella tội nghiệp » và các cháu của ông.
Sau đấy, ông Woodhouse cảm kích nói :
- Cháu Knightley ạ, cháu thật là tốt bụng khi đến thăm cha con bác vào giờ muộn như thế này. Bác e cháu phải đi bộ qua quãng đường kinh khủng.
- Thưa bác, không sao cả. Tối nay có trăng sáng, thời tiết dễ chịu đến nỗi cháu phải ngồi xa lò sưởi của bác.
- Nhưng cháu hẳn bị ẩm ướt và lấm bẩn. Bác hy vọng cháu không bị cảm lạnh.
- Lấm bẩn ! Bác nhìn đôi giày của cháu xem. Không có một vết bẩn nào.
- À, thế cũng lạ, vì ở đây vừa có mưa khá nhiều. Mưa lớn khủng khiếp suốt nửa giờ trong khi cha con bác dùng bữa sáng. Bác đã muốn họ dời hôn lễ lại.
- Nhân thể - cháu chưa kịp chúc mừng bác. Biết rõ hai bố con bác hẳn cảm thấy vui như thế nào nên cháu không vội chúc mừng, nhưng cháu hy vọng mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Mọi người tỏ lộ ra sao ? Ai khóc nhiều nhất ?
- À, cái chị Taylor tội nghiệp ! Đấy là chuyện không hay.
- Đáng lẽ nên nói ông Woodhouse và cô Woodhouse tội nghiệp (3), nhưng cháu không thể nói « chị Taylor tội nghiệp ». Cháu luôn có ý nghĩ đề cao bác và Emma nhưng nói đến cách sống lệ thuộc hoặc độc lập thì không ! Dù sao chăng nữa, chiều lòng một người vẫn hay hơn hai người.
Emma nói đùa :
- Đặc biệt là khi một trong hai người có tính hay mộng tưởng và gây rối ! Em biết trong đầu anh nghĩ thế, và biết anh sẽ nói gì nếu bố em không thích.
Ông Woodhouse thở dài :
- Con yêu, cha cho là đúng như thế. Cha e đôi lúc là cha mộng tưởng và gây rối.
- Con yêu dấu ! Cha đừng cho con hoặc anh Knightley thật sự nghĩ cha là như thế. Quả là ý nghĩ kinh khủng ! Không đâu ! Con chỉ nói về mình. Cha biết đầy, anh Knightley cứ thích bắt lỗi con - khi đùa cợt - tất cả chỉ là đùa cợt. Chúng con luôn thích nói về nhau như thế nào thì cứ nói.
Thật ra, anh Knightley là một trong số ít người có thể bắt lỗi Emma Woodhouse, và là người duy nhất nói với cô về những lỗi lầm ấy. Dù chính bản thân Emma không thoải mái lắm về việc này, cô biết ông bố còn cảm thấy khó chịu hơn, đến nỗi cô không muốn ông biết rằng có người cho là cô không được vẹn toàn.
Anh Knightley nói :
- Emma biết cháu không bao giờ nịnh nọt cô ấy nhưng cháu không có ý ám chỉ ai. Chị Taylor đã quen chiều lòng hai người ; bây giờ chị chỉ có một người. Có khả năng là chị chỉ có một người. Có khả năng là chị sẽ được lợi.
Emma muốn lái câu chuyện qua hướng khác :
- À, anh muốn biết về hôn lễ, em rất vui kể cho anh nghe, vì mọi người đều tỏ lộ một cách thu hút. Ai nấy đều đến đúng giờ, mọi người đều chưng diện đẹp nhất ; không có giọt lệ nào, và cũng không có ai thộn mặt ra. Không đâu ; mọi người đều nghĩ rằng sẽ chỉ xa cách nhau có nửa dặm đường, và tin chắc rằng sẽ gặp lại nhau mỗi ngày.
******************************************
(1) Nhún mình chào (Anh ngữ : curtsey) : cách thức trang trọng mà phụ nữ châu Âu chào nhân vật quan trọng kể cả hoàng gia : một chân đưa hơi chéo phía trước, người và đầu cúi thấp. Không phải tất cả gia nhân phụ nữ đều chào chũ nhân của họ theo cách trang trọng, vì thế ông Woodhuose tỏ ra hài lòng khi Hannah chào ông như thế.
(2) Backgammon : loại trò chơi cho hai người, choi trên hai tấm bản (thường được gắn bản lề với nhau) vẽ những hình tam giác. Người chơi ném con xúc xắc và di chuyển các quân cờ trên tấm bản.
(3) Ông Woodhouse và Cô Woodhouse : phụ nữ Tây phương độc thân được gọi theo cách trang trọng theo họ của cha, vì thế anh Knightley gọi Emma theo cách trang trọng là « cô Woodhouse ».
__________________
Ông bố nói :
Emma yêu dấu chịu đựng mọi điều rất tốt nhưng anh Knightley ạ, thực ra con bé lấy làm buồn phải xa chị Taylor tội nghiệp, và tội tin chắc rằng con bé sẽ nhớ nhung chị ấy hơn là nó nghĩ.
Emma quay mặt đi, bị dằng co giữa những giọt lệ và nụ cười.
Anh Knightley nói :
- Không thể nào Emma không cảm thấy nhớ nhung một người bầu bạn như thế. Bác ạ, ta không nên bắt cô ấy phải theo cách như ta muốn ; nhưng cô biết hôn nhân là có lợi cho chị Taylor. Cô hẳn biết phải chấp nhận như thế nào, vào tuổi của chị Taylor cần phải yên bề gia thất, và điều quan trọng là chị có cuộc sống ổn định, vì thế cô không được buồn rầu quá mức. Tất cả những người quen biết chị Taylor đều lấy làm vui khi thấy chị có cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Emma nói :
- Còn anh đã quên một việc làm em vui, một nguồn vui lớn - đấy chính là em đứng ra làm mai mối. Anh biết không, bốn năm trước chính em làm mai, rồi giúp hai người đi đến cuộc hôn nhân và em lấy làm vui được chứng tỏ đấy là việc đúng đắn, khi nhiều người nói ông Weston sẽ không bao giờ tái hôn.
Anh Knightley nhìn cô mà lắc đầu.
Cha cô trìu mến đáp lời :
- À, con yêu, bố mong con đừng làm mai mối và tiên đoán sự việc, vì bất kì con nói chuyện gì thì chuyện ấy luôn xảy ra. Xin con đừng làm mai cho ai nữa.
- Cha ạ, con hứa sẽ không tự làm mai cho riêng mình, nhưng thật ra con nên làm mai cho người. Đấy là thú vui to tát nhất trên đời ! Và sau thành công như thế, cha biết đấy ! - mọi người đều nói ông Weston sẽ không bao giờ tái hôn. Không được đâu ! Ông Weston góa vợ đã lâu, xem dường vô cùng thoải mái mà không cần có đến người vợ, luôn bận rộn trong việc kinh doanh ở thành phố (4) hoặc giữa bạn bè ông ở đây, luôn được chào đón và luôn vui vẻ mỗi nơi ông đi đến. Ông Weston sẽ không trải qua một buổi tối nào cô đơn nếu ông không thích. Ồ, không ! Chắc chắn là ông Weston sẽ không bao giờ tái hôn. Thậm chí vài người còn nói đến lời hứa của ông đối với người vợ khi bà đang nằm trên giường bệnh, và vài người khác nói về việc đứa con trai và ông bác của anh này không muốn ông tái hôn. Họ nói về những việc này bằng đủ thái độ trang trọng nhưng con không tin ai cả.
« Bốn năm trước, chị Taylor và con gặp ông ấy ở Phố Broadway. Lúc đó trời bắt đầu đổ mưa, với cả vẻ lịch sự ông ấy chạy đi mượn hai cây dù cho chúng con ở quán Farmer Mitchell's. Từ ngày ấy, con đã quyết định trong đầu về việc này. Từ giờ khắc ấy, con đã trù định cho việc hôn nhân. Cha ạ, khi con đã thành công, cha không nên nghĩ con sẽ từ bỏ việc làm mai mối. »
Anh Knightley nói :
- Anh không hiểu em có ý gì khi nói đến « thành công ». Thành công phải cần đến nỗ lực. Em đã bỏ thời giờ một cách đúng mức và tế nhị, nếu em đã nỗ lực trong bốn năm qua để mang lại cuộc hôn nhân này. Kể cũng là một nghề sáng giá đối với đầu óc của một thiếu nữ trẻ ! Nhưng anh tưởng tượng là nếu việc mai mối của em, theo cách em nói, chỉ có nghĩa là trù định, một ngày rảnh rỗi nào đấy em tự nhủ thầm « Mình nghĩ sẽ tốt cho chị Taylor giá như ông Weston cưới chị ấy », và rồi sau đấy thỉnh thoảng tự nhủ thầm như thế, thì tại sao em còn nói đến thành công ? Em tự hào về điều gì ? Em chỉ nhờ may mắn mà dự đoán đúng sự việc, và tất cả chỉ là nhờ may mắn.
- Và có bao giờ biết đến thú vui và niềm tự hào chiến thắng của một dự đoán may mắn không ? Em thấy tội cho anh. Em đã nghĩ anh phải khôn ngoan hơn, bởi vì chắc chắn rằng một dự đoán may mắn thì không bao giờ đơn thuần là may mắn. Lúc nào cũng phải có biệt tài trong đó. Còn về từ ngữ « thành công » mà anh tranh luận, em không biết rằng em bị cấm đoán. Anh đã vẽ nên hai hình ảnh đẹp đẽ, nhưng em cho là có thể có hình ảnh thứ ba - cái gì đấy giữa việc không làm gì cả và làm mọi thứ. Nếu em không mời ông Weston đến đây chơi, tạo vài khích lệ nhỏ và giải quyết êm thấm vài vụ việc nhỏ, có lẽ sẽ không nên chuyện gì cả. Em cho là anh hẳn hiểu rõ Hartfield để nhận ra điều ấy.
- Một người thẳng thắn, cởi mở như ông Weston và một người có lý trí, chân thật như chị Taylor thì ta có thể mặc họ tự lo chuyện của họ. Khi can dự vào, em có thể gây phương hại cho em hơn là làm điều tốt lành cho người khác.
Tuy chỉ hiểu một phần, ông Woodhouse vẫn góp chuyện :
- Emma không bao giờ nghĩ đến bản thân nếu có thể làm điều tốt lành cho người khác. Nhưng con yêu ạ, đừng có làm mai mối gì nữa. Đấy là việc điên rồ và làm cho gia đình người ta tan nát.
- Cha yêu, chỉ một lần nữa thôi, lần này cho anh Elton. Cái anh Elton tội nghiệp ! Cha ạ, cha hẳn mến anh Elton. Con phải tìm một người vợ cho anh ấy. Anh ấy đã ở đây cả năm rồi và đã sửa soạn ngôi nhà của anh được tiện nghi, mà không thấy ai ở Hartfield xứng đôi với anh. Kể cũng đáng xấu hổ nếu để cho anh ấy vò võ thêm nữa. Khi anh dự hôn lễ hôm nay, con nghĩ anh trông như mong mỏi có ai đấy làm mai mối cho anh ! Con có ý nghĩ rất tốt đối với anh Elton, và làm mai mối là cách duy nhất giúp đỡ anh ấy.
- Quả thật anh Elton là một thanh niên trẻ đẹp trai, có tính tình rất tốt, và cha thích anh ấy. Nhưng con ạ, nếu con muốn anh ấy chú ý đến việc này, môt ngày nào đấy mời anh đến dùng bữa với chúng ta.
Anh Knightley cười :
- Thưa bác, cháu sẵn lòng, bất cứ lúc nào. Cháu hoàn toàn đồng ý với bác rằng đấy là việc tốt hơn cả. Emma, hãy mời anh ấy đến dùng bữa, tiếp cho anh ấy ăn nhiều món cá và gà, nhưng cứ để cho anh ấy tự đi tìm vợ. Em cứ tin là một thanh niên hai mươi sáu hoặc hai mươi bảy tuổi có thể tự lo được.
****************************************
(4) Thành phố : trong truyện này, chỉ thành phố London.
__________________
CHƯƠNG 2
Ông Weston là cư dân của Highbury, sinh ra trong một gia đình khả kính. Hai hoặc ba thế hệ của gia đình này đã vươn lên đến vị thế quý phái và sung túc. Ông đã nhận được nền giáo dục tốt, nhưng sau khi bắt đầu tự lập từ lúc còn trẻ, ông trở nên miễn cưỡng đối với những nghề nghiệp đơn giản mà các anh em của ông theo đuổi. Ông thoả mãn trí óc hiếu động, vui tươi và tính cách thích giao tiếp của mình bằng cách gia nhập quân ngũ.
Đại uý Weston được nhiều người yêu mến. Khi cuộc đời binh nghiệp dẫn dắt cho ông gặp cô Churchill của một gia đình Yorkshire có tiếng tăm và cô Churchill tỏ lòng yêu ông, không ai lấy làm ngạc nhiên ngoại trừ người anh và chị dâu. Hai người này không bao giờ đến thăm ông, lại tỏ ra kiêu hãnh và tự cho mình là quan trọng khiến cho mối quan hệ giữa họ trở nên khó chịu.
Tuy nhiên, vốn là người trưởng thành và có quyền làm chủ gia sản của mình - tuy gia sản riêng của cô không tương xứng với bất động sản của gia tộc - cô Churchill vẫn muốn tiến đến hôn nhân. Hôn lễ được cử hành trong khi anh chồng và chị dâu cô cảm thấy mất sĩ diện vô cùng, vì thế họ chối bỏ cô với tất cả vẻ lịch sự tối thiểu. Đấy là mối quan hệ không tương hợp, và không làm cho người trong cuộc được hạnh phúc lắm. Cô Churchill - bây giờ trở thành bà Weston - là người cảm thấy hạnh phúc hơn trong mối nhân duyên này, vì cô có một người chồng với con tim nồng thắm và tính khí dịu dàng. Ông luôn nghĩ tốt về cô trong mọi việc để đáp lại tình yêu cô dành cho ông. Tuy nhiên, dù cô có cá tính, đấy không phải là cá tính tốt nhất. Cô có đủ quyết đoán để làm theo ý mình mà không màng đến chồng, nhưng không đủ để đè nén bất mãn vô lý về sự giận dỗi vô lý của ông, và để đè nén nỗi tiếc nuối đời sống xa hoa ở ngôi nhà cô lúc trước. Hai vợ chồng tiêu pha vượt quá mức thu nhập của họ nhưng vẫn chưa bằng lúc cô ở Enscombe. Cô vẫn yêu thương chồng nhưng cô muốn mình vừa là người vợ của Đại uý Weston như hiện tại và cô Churchill của Enscombe như quá khứ.
Đại uý Weston được nhiều người - nhất là gia tộc Churchill - xem như chuột sa hủ nếp, nhưng hoá ra ông bị bất lợi nhiều. Khi vợ ông qua đời sau ba năm chung sống ông trở nên nghèo khó hơn so với lúc trước, cùng một đứa con phải nuôi nấng. Tuy thế, chẳng bao lâu ông được nhẹ gánh đối với chi phí cho đứa con. Cậu bé trở thành cầu nối cho hai anh em dàn hòa, thêm lòng thương cảm vì cơn bạo bệnh dai dẳng của mẹ cậu. Ông bà Churchill không có con và cũng không có đứa cháu nhỏ nào, vì thế hai người ngỏ ý nhận cậu bé Frank về chăm sóc mọi mặt ít lâu sau khi mẹ cậu qua đời. Người cha ban đầu lưỡng lự, nhưng sau khi suy xét ông đồng ý giao đứa nhỏ cho gia tộc Churchill chăm sóc và chia sẻ cảnh sống giàu có. Ông chỉ còn phải lo cho bản thân mình, và lo cho tình trạng vật chất của mình được khá lên theo cách có thể được.
Ông cảm thấy cần thay đổi cuộc đời mình. Ông rời quân ngũ, lao vào việc kinh doanh nhờ anh em của ông đã có chân đứng ở London giúp cho ông khởi nghiệp được thuận lợi. Việc kinh doanh giúp ông đủ bận rộn. Ông vẫn còn có một ngôi nhà nhỏ ở Highbury nơi ông dành phần lớn thời gian để vui thú. Ông trải qua mười tám hoặc hai mươi năm kế tiếp giữa một nghề nghiệp hữu ích và những thú vui với xã hội. Đến lúc này, ông đã khá thành đạt, đủ để mua một trang trại nhỏ kế cận Highbury mà ông hằng mong ước, đủ để cưới một phụ nữ thậm chí không có của hồi môn như chị Taylor, và để sống theo tính khí thân thiện và hòa đồng của ông.
Lúc này, chị Taylor đã tạo ảnh hưởng đến những kế hoạch của ông, nhưng vì đấy không phải là ảnh hưởng chuyên chế của tuổi trẻ đối với tuổi trẻ, ông vẫn giữ quyết tâm mua điền trang Randalls nên luôn nghe ngóng tin người chủ muốn bán, rồi cuối cùng ông đạt ước nguyện. Ông đã tạo dựng một sản nghiệp khá, mua một ngôi nhà, cưới một cô vợ, và đang bắt đầu trải qua một thời kỳ mới trong đời với mọi hứa hẹn hạnh phúc hơn thời gian trước. Nhờ tố chất lạc quan, ông chưa bao giờ cảm thấy mình là người bất hạnh ngay cả trong cuộc hôn nhân đầu. Cuộc hôn nhân thứ hai cho ông thấy thế nào là một phụ nữ chín chắn và thật sự dễ thương, và giúp ông nhận ra rằng tự mình chọn thì tốt hơn là được người chọn, cũng như tạo nên lòng biết ơn thì tốt hơn là tự mình biết ơn.
Ông hài lòng với chọn lựa của mình: gia sản ông là của riêng mình ông. Còn đối với Frank, cậu bé không chỉ là người được ngầm hiểu thừa kế của ông bác, mà còn được công khai mang cái họ Churchill. Vì thế, cậu hẳn sẽ không bao giờ cần đến người cha giúp đỡ. Ông không phải lo lắng về việc này. Bà bác là một phụ nữ thất thường và trấn áp hoàn toàn ông chồng, nhưng tố chất của ông Weston khiến ông không nghĩ rằng tính thất thường mạnh đến nỗi ảnh hưởng đến một đứa trẻ thân thương đến thế, mà ông tin rằng đáng được ông xem là thân thương. Mỗi năm ông đều đi thăm đứa con trai sống ở London và thấy tự hào về nó. Khi nghe ông kể về đứa con trai, Highbury cảm thấy hãnh diện lây. Mọi người đều chấp nhận người trai trẻ là thành viên của dòng họ để anh chứng tỏ chân giá trị của mình.
Highbury ca ngợi nhiều về anh Frank Churchill, và nhiều người hiếu kì muốn gặp anh, nhưng anh không quan tâm lắm đến những lời đề cao đến nỗi anh chưa bao giờ đi đến đây. Đã có nhiều lời bàn tán rằng anh sẽ đến thăm ông bố, nhưng việc này chưa bao giờ xảy ra.
Bây giờ, nhân dịp hôn lễ của ông bố, nhiều người khuyên anh nên đến dự để chứng tỏ anh quan tâm đúng mức. Không có lời nào nói ngược lại, hoặc là khi bà Perry ngồi uống trà với bà Bates và chị Bates, hoặc khi bà Bates và chị Bates đến thăm đáp lễ. Bây giờ là lúc anh Frank Churchill nên đến với họ, và người ta càng thêm hy vọng khi được biết vào dịp này anh đã biên thư cho mẹ kế. Trong nhiều ngày, mỗi khách đến thăm Highbury đều được nghe nói về lá thư nhã nhặn mà chị Weston đã nhận được. "Tôi đoán bà đã nghe về lá thư nhã nhặn mà anh Frank Churchill viết cho chị Weston, phải không? Tôi được biết lá thư này thật sự nhã nhặn. Ông Woodhouse kể với tôi về chuyện này. Ông Woodhouse đã đọc lá thư, và ông nói ông chưa từng thấy lá thư nào nhã nhặn đến thế".
Thật vậy, đấy là một lá thư được đánh giá cao. Dĩ nhiên, chị Taylor - bây giờ là chị Weston - đã tạo nên dư luận thuận lợi về anh trai trẻ. Sự chú ý như thế là bằng chứng rõ rệt về ý thức tuyệt vời của anh, ngoài sự chú ý về cuộc hôn nhân mà mọi người tiếp đón với tất cả lời khen ngợi. Chị tự cảm thấy mình là một phụ nữ may mắn nhất. Chị đủ trưởng thành chín chắn để nhận ra mình đã may mắn ra sao, trong khi nỗi tiếc nuối duy nhất là xa cách những người bạn mà tình thân hữu chưa bao giờ lạnh nhạt - những người bạn vốn không hề muốn chia tay với chị.
Nhiều lúc chị nhận ra rằng hẳn nhiều người sẽ nhớ nhung chị, và bứt rứt mà nghĩ đến việc Emma mất đi nguồn vui duy nhất, hoặc trải qua những thời khắc buồn chán vì thiếu tình bạn nơi chị. Nhưng Emma không phải là người yếu đuối; cô có nghị lực hơn phần lớn những thiếu nữ khác. Cô còn có ý thức, năng lực và tinh thần vốn có để giúp cô chịu đựng giỏi và giúp vực cô lên để vượt qua cảnh khó khăn và thiếu thốn tình cảm. Và rồi cô cảm thấy an ủi vì quãng đường ngắn giữa Randalls và Hartfield, tiện lợi ngay cả cho phụ nữ đi bộ một mình, và vì tâm tính và gia cảnh của chị Weston cũng tạo nên thuận lợi cho hai người có thể gặp nhau nhiều buổi tối mỗi tuần.
Tâm trạng của cô khiến cho chị Weston mãi cảm động và nhiều lúc thấy buồn. Sự mãn nguyện của Emma - hơn cả mãn nguyện, mà là niềm vui - tỏ ra công tâm và hiển nhiên vui vẻ, cho đến nỗi Emma tuy đã hiểu rõ tính tình người cha, đôi lúc vẫn cảm thấy ngạc nhiên vì ông cứ thương xót cho "chị Taylor tội nghiệp" khi họ từ giã chị ra về vào buổi tối bên cạnh ông chồng hiền lành đưa chị lên cỗ xe ngựa của chính chị.
Nhưng sau mỗi lần chị từ giã ra về, ông Woodhouse đều thở dài và nói:
"À, chị Taylor tội nghiệp! Chị ấy hẳn lấy làm vui mà lưu lại".
Không có khả năng lưu chị Taylor ở lại cũng như không có việc ngừng thương xót cho chị, nhưng sau vài tuần ông Woodhouse cảm thấy bớt nặng nề. Những lời chúc mừng của hàng xóm đã xong xuôi, ông không còn bị trêu cợt vì người ta mong ông vui đối với sự kiện u buồn đến thế, và chiếc bánh cưới mà ông không thích cũng đã được chiếu cố hết. Dạ dày của ông không thể chịu nỗi thức ăn nhiều chất béo, và ông không bao giờ tin rằng có nhiều người khác với ông. Ông tin rằng thứ gì không tốt cho sức khỏe của ông thì cũng không thích hợp với người khác. Vì thế, ông cố khuyên họ không nên ăn bánh cưới. Khuyên lơn không có kết quả thì ông tìm cách ngăn chặn họ. Ông cố hỏi ý kiến ông Perry, một nhà bào chế thuốc (1). Ông Perry là một người thông minh, trông như nhà quý tộc. Việc ông đi đến khám bệnh và cho toa là một trong những niềm an ủi cho ông Woodhouse. Khi được hỏi ý kiến, ông Perry đành phải xác nhận (tuy đấy là khách quan) rằng bánh cưới chắc chắn là không hợp với một số người nếu họ dùng quá nhiều. Với ý kiến như thế, ông Woodhouse hy vọng sẽ gây được ảnh hưởng đối với tất cả khách dự tiệc cưới, nhưng họ vẫn ăn bánh cưới, và tinh thần nhân ái của ông cứ bứt rứt cho đến khi họ ăn xong xuôi.
Có một tin đồn lạ kỳ ở Highbury về việc các đứa nhỏ của ông Perry cầm một miếng bánh cưới trong tay, nhưng ông Woodhouse không bao giờ tin.
*************************
Những chú thích của biên tập viên trong sách nguyên bản được ghi là "BT", những chú thích khác là của người dịch.
(1) Nhà bào chế thuốc (Anh ngữ apothecary): vào thời kì này, là những người bào chế dược phẩm nhưng cũng được mời khám bệnh trước khi cho toa.
__________________
CHƯƠNG 3
Ông Woodhouse thích giao tế xã hội theo cách của riêng ông. Ông rất thích tiếp đãi bạn bè tại nhà. Do nhiều nguyên nhân gộp lại, do ông sống lâu đời ở Hartfield, do lòng nhân hậu của ông, do gia sản giàu có của ông, ngôi nhà của ông và cô con gái của ông, ông có thể nắm quyền kiểm soát những chuyến viếng thăm của nhóm nhỏ bạn bè ông, theo ý ông muốn. Ông ít giao tiếp với những gia đình ngoài nhóm nhỏ này. Tính ghét giờ giấc vào đêm khuya và tụ họp đông đúc khiến cho ông khó làm bạn với nhiều người trừ khi họ đến với ông theo những điều kiện ông đặt ra. May mắn cho ông là Highbury kể cả Randall trong cùng giáo xứ, và Tu viện Donwell ở giáo xứ kế bên do anh Knighley cai quản cũng có cùng nhận thức. Nhiều lần, sau khi Emma thuyết phục, ông chọn vài người có tư cách tốt nhất đến ăn tối với ông, nhưng ông vẫn thích những buổi tụ họp (1) khi trời tối. Trừ khi ông tưởng tượng ra mình không hợp với người đối diện, nhiều buổi tối Emma phải sắp bàn chơi bài cho ông.
Nhờ mối quan tâm chân thật và lâu dài, gia đình Weston và anh Knightley, thêm anh trai trẻ độc thân Elton dù anh không muốn, có vinh dự được ông Woodhouse tiếp đãi để đổi một buổi tối trống trải cô đơn thành khung cảnh sang cả, cùng với nụ cười của cô con gái thân yêu.
Sau đấy là đến ván bài thứ hai; trong số những người đủ tư cách nhất để chơi bài là bà Bates và chị Bates cùng với bà Goddard - ba phụ nữ hầu như lúc nào cũng đáp lại lời mời từ Hartfield. Họ được đưa đón thường xuyên đến nỗi ông Woodhouse cho là anh đánh xe James hoặc mấy con ngựa đều đã quen với mệt mỏi. Nếu họ chỉ đi mỗi năm có một lần thì hẳn đã có than phiền.
Quả phụ của một cha xứ ngày xưa, bà Bates là một phụ nữ rất già, hầu như là đã quá tuổi cho mọi thứ ngoại trừ trà và môn bài tây chơi bốn người. Bà sống với cô con gái độc thân trong khung cảnh rất thanh bạch, được mọi người quan tâm và tôn trọng mà một phụ nữ già vô hại trong những hoàn cảnh bất hạnh thường được cảm thông như thế.
Cô con gái của bà được yêu mến một cách bất thường xét qua một phụ nữ không còn trẻ, không đẹp, không giàu, và chưa kết hôn. Chị Bates lâm vào tình huống tệ hại nhất của thế gian khi được ngưỡng mộ quá nhiều, và chị không có tố chất thông minh vượt bậc để tự sửa chữa mức quá đà hoặc để cho những kẻ ghét chị phải nể trọng. Chị không lấy làm tự hào về nhan sắc hoặc khả năng khéo léo của mình. Chị trải qua tuổi thơ không có gì nổi bật, và thời thiếu nữ của chị dành để chăm sóc bà mẹ yếu đuối và cố đáp ứng nhu cầu cuộc sống bằng khoản thu nhập ít ỏi. Tuy thế, chị là một phụ nữ hạnh phúc, và là một phụ nữ mà không ai nói xấu được. Chính do thiện ý của chị đối với mọi người, tinh mắt nhận ra điểm tốt của họ, chỉ nghĩ về mình như một người may mắn nhất và may mắn có một bà mẹ tuyệt vời, có nhiều hàng xóm bằng hữu, và có một ngôi nhà không thiếu thứ gì. Chị có cuộc sống hạnh phúc vô tận, được mọi người trọng vọng nhờ tính giản đơn và vui vẻ, biết tự hài lòng và biết nhớ ơn. Trong việc nhỏ chị ăn nói rất hay, và điều này đặc biệt hợp với ông Woodhouse vốn chỉ biết trao đổi chuyện tầm phào nhưng vô hại.
Bà Goddard là hiệu trưởng - không phải hiệu trưởng của một trường dòng hoặc của giới thế lực vốn hay khoác lác bằng ngôn từ dài dòng nhưng vô nghĩa để kết hợp tài năng phóng khoáng với đạo đức sang cả, dựa theo những phép tắc mới và những hệ thống mới, là nơi mà học phí ngất trời, nơi mà các cô gái trẻ bị dày vò hết sức lực và trở nên phù phiếm. Trường nội trú của bà Goddard đúng nghĩa là trường học, chân thật, theo cung cách cổ xưa, nơi học sinh có thành đạt một cách đáng kể mà chỉ đóng học phí một cách phải chăng, và nơi mà các cô gái trẻ có thể được gửi đến cho gia đình rảnh tay, và cho các cô ganh đua nhau trong môi trường giáo dục nhỏ hẹp mà không sợ trở thành thần đồng.
Ngôi trường của bà Goddard khá nổi tiếng - và xứng đáng được như thế, vì lẽ Highbury được xem là một vùng lành cho sức khỏe: bà có một ngôi nhà với khu vườn rộng cung cấp cho học trò nhiều thực phẩm bổ dưỡng, mùa hè cho phép chúng chạy tung tăng. Mùa đông, bà tự tay chăm sóc những vết sưng phù của chúng vì giá lạnh. Không lạ gì mà hai mươi cặp cô dâu chú rể đã nhờ bà làm chủ hôn cho họ. Bà là người bình dị, có vẻ giống như bà mẹ của các học trò. Thời thiếu nữ bà đã làm việc nặng nhọc, và bây giờ tự cho là mình có quyền thỉnh thoảng hưởng ngày nghỉ đi thăm viếng đâu đó dự tiệc trà, và vì đã chịu ơn ông Woodhouse tử tế, cảm thấy nên đáp lại mà rời căn phòng ngăn nắp của mình, treo đồ thêu thùa lên bất kì nơi nào, để rồi thắng hoặc thua vài đồng xu bên cạnh lò sưởi của ông.
Đấy là những phụ nữ mà Emma thường mời gọi họ đến. Vì ông bố cô cảm thấy vui có khả năng làm việc này, dù cô vẫn biết họ không thể thay thế chị Weston. Cô vui mà thấy ông bố được thoải mái, và cũng thấy vui về mình đã có những sắp xếp tốt như thế. Nhưng ba phụ nữ nhạt nhẽo, trầm lặng khiến cho cô nghĩ mỗi buổi tối có họ thật ra là những buổi tối lê thê mà cô đón chờ một cách chán ngán.
Một buổi sang, trong khi ngồi đón chờ đúng sự việc như thế sắp xảy ra, Emma nhận được thư của bà Goddard, bằng ngôn từ nhã nhặn xin được bảo dẫn cô Smith là thiếu nữ tuổi mười bảy mà Emma đã biết mặt và đã chú ý từ lâu vì vẻ đẹp của cô này. Một thiếp mời (2) được gửi để hồi đáp, và buổi tối không còn tẻ nhạt nhờ có cô gái trẻ.
Harriet Smith có thân thế không minh bạch. Vài năm trước, một người nào đấy đã đưa cô bé đến trường của bà Goddard, và sau đó một người nào đấy đã trả thêm tiền cho cô bé được ngụ tại ký túc xá của trường. Người ta chỉ biết lai lịch của cô bé đến thế. Chỉ trừ các bạn cô bé mới quen ở Highbury, cô không có bạn bè nào khác. Cô vừa trở về từ chuyến đi xa thăm viếng vài người bạn học của cô.
Cô Smith rất xinh; vẻ đẹp của cô bé khiến cho Emma đặc biệt ngưỡng mộ. Cô bé người tầm thấp, mũm mĩm, có làn da trắng. Trước khi buổi họp mặt ban tối kết thúc, Emma cảm thấy vui với phong thái của cô bé và muốn tiếp tục mối quen biết.
Emma không có ân tượng với cách trò chuyện đặc biệt khôn ngoan nào của cô Smith, nhưng thấy cô bạn mới có sức quyến rũ - không e lệ đến mức gây ngăn cách, không phải ngại ăn nói - nhưng không có vẻ gì muốn lấn lướt. Cô bé có thư thái chừng mực và tôn trọng người đối diện, có vẻ như cảm thấy vui và hân hạnh được đón tiếp ở Hartfield. Cô tạo ấn tượng tốt với tất cả những gì chung quanh có phong cách ở tầm cao hơn cô đã từng thấy, ấn tượng không phải theo trình độ thưởng thức nghệ thuật, thế nên hẳn cô bé có cảm nhận tốt, đáng được phát huy. Cần phải phát huy. Đôi mắt xanh dìu dịu ấy và tất cả phong cách duyên dáng theo tự nhiên ấy không nên bỏ phí nơi xã hội (3) thấp kém ở Highbury cùng các mối quan hệ ở đấy. Những người mà cô bé quen biết thì không xứng tầm với cô. Những người bạn mà cô bé vừa đi thăm, tuy là người tốt, sẽ làm hại đến cô. Họ là thành viên của gia tộc Martin mà Emma biết rõ tính cách, vì họ thuê một mảnh đất lớn của anh Knightley và sống trong giáo xứ Donwell. Cô nghĩ họ đáng tin cậy, cô biết anh Knightley đánh giá họ cao, nhưng hẳn họ là những người quê kệch, không được trang nhã, hoàn toàn không xứng để chơi thân với một thiếu nữ vốn chỉ thiếu một ít kiến thức và vẻ sang cả là trở nên khá hoàn thiện.
Emma quyết định sẽ cảnh báo cô bè; cô sẽ giúp cô bé cải thiện; cô sẽ tách cô bé khỏi những mối quan hệ ở giai cấp thấp, và đưa cô bé vào xã hội tốt; cô sẽ tạo dựng những chủ kiến và phong thái cho cô bé. Đây sẽ là việc đáng quan tâm, chắc chắn là việc tử tế sẽ thay đổi vị thế và tầm ảnh hưởng của cô bé.
Emma bận rộn với lòng ngưỡng mộ đôi mắt xanh dìu dịu, với chuyện trò và lắng nghe xen kẽ với tất cả những trù định, đến nỗi cô cảm thấy buổi tối trôi qua nhanh một cách bất thường. Bữa ăn nhẹ, vốn luôn kết thúc những buổi họp mặt như thế mà cô phải ngồi cho qua thời giờ, lần này được chuẩn bị và mang đến gần lò sưởi trước khi cô nhận ra là đã đến lúc. Với tính nhanh nhẩu vượt mức bình thường trong cách thức một gia chủ muốn làm tốt và năng nổ trong mọi việc, và với thiện ý thật sự của một tâm tư đang hào hứng về ý định của mình, cô làm tất cả mọi cách để phục vụ bữa ăn, giúp bồi tiếp và giới thiệu với thực khách các món thịt gà băm và hào, với vẻ sốt sắng mà cô biết sẽ giúp khách bớt e dè.
Trong những dịp như thế này, ông Woodhouse tội nghiệp bị xung đột tư tưởng một cách thảm hại. Ông muốn mời khách uống với ông vì đấy là lối sống của ông thời tuổi trẻ, nhưng ý nghĩ về loại món ăn hoặc thức uống có hại cho sức khỏe khiến ông bứt rứt. Trong khi ông muốn tiếp đãi họ mọi thứ vì hiếu khách, ông lại lo lắng khi họ dùng các món ấy vì quan tâm đến sức khỏe của họ.
Thế là, ông chỉ cố ăn một ít cháo loãng trong khi các phụ nữ hài lòng mà tiêu thụ mấy món ngon hơn. Tuy có thể dằn lòng, nhưng sau khi tự vấn là cần phải nói, ông nói:
- Bà Bates, để tôi giới thiệu bà dùng món trứng kia. Trứng luộc thật mềm thì không có hại cho sức khỏe. Serle hiểu cách luộc trứng giỏi hơn bất kì ai khác. Tôi không khuyên bà ăn trứng do ai khác luộc; vì thế bà không nên sợ, bà thấy đấy, quả trứng chỉ nhỏ thôi, một quả sẽ không gây hại cho bà. Còn chị Bates, hãy để Emma bồi tiếp một ít bánh nhân quả, chỉ một tí tẹo thôi. Bánh của chúng tôi là loại bánh nhân táo. Chị không phải e ngại chúng tôi ở đây dùng chất bảo quản có hại cho sức khỏe. Tôi không muốn mời bánh sữa trứng. Bà Goddard, bà nên dùng nửa ly rượu vang nhé? Một nửa ly rượu vang nhỏ, pha trong một cốc vại nước nhé? Tôi nghĩ sẽ không có hại cho bà.
Emma để cho bố nói chuyện nhưng bồi tiếp các vị khách bằng những thứ mà họ thích, rồi đặc biệt hôm nay cô có niềm vui tiễn họ ra về trong hạnh phúc. Hạnh phúc của cô Smith ngang bằng với cử chỉ ân cần của gia chủ. Cô Woodhouse là môt nhân vật quan trọng ở Highbury đến nỗi người được giới thiệu với cô cảm thấy vừa bối rối vừa vui sướng. Tuy nhiên, cô bé khiêm tốn ra về với cảm nghĩ vô cùng hài lòng, vui thích với tính cách hoà nhã mà cô Woodhouse đã đối xử với cô cả buổi tối, và cuối cùng còn bắt tay (4) cô nữa!
********************
(1) Buổi tụ họp: ở đây có nghĩa là thời gian ông Woodhouse đón tiếp bạn bè để chơi bài, đánh cờ... lúc sẩm tối, sau đó ai về nhà nấy dùng bữa chứ ông không thích mời họ ở lại để ăn buổi tối với ông.
(2) Thiếp mời: cung cách lịch sự đúng mực là vào thời này là mời ai đến nhà cũng cần phải viết thiếp mời cho dù không phải dịp quan trọng.
(3) Xã hội: tác giả thường dùng từ "xã hội" theo cách hoa mỹ khi có ý nói đến giai cấp.
(4) Bắt tay: vào thời của Jane Austen, cách thức chào hỏi hay từ giã là cúi đầu (nam giới) và nhún mình (nữ giới); việc bắt tay chưa phổ biến mà chỉ là thái độ biểu hiện tình thân thiết. (BT)
CHƯƠNG 4
Chẳng bao lâu, Harriet Smith trở nên thân thiết tại Hartfield. Vốn có tính nhanh nhẹn và quyết đoán, Emma không để mất thời giờ trong việc mời mọc và khuyến khích cô bé đến thường xuyên. Khi càng hiểu rõ về nhau, hai người càng yêu mến nhau hơn. Ngay từ lúc đầu, Emma đã nhìn ra cô bé là người bầu bạn hữu ích cho mình. Theo khía cạnh này, sự mất mát chị Taylor là yếu tố quan trọng. Ông bố không bao giờ bước qua khỏi hàng rào cây cảnh của khuôn viên, nơi phân cách quãng đường đi bộ thay đổi dài ngắn theo mùa. Sau hôn lễ của chị Taylor, việc vận động thể chất của Emma cũng bị giới hạn. Chỉ một lần cô một mình đi đến Randalls nhưng chuyến đi không được vui thú. Vì thế, nếu có Harriet Smith làm bầu bạn, cô có thể gọi cô bé bất cứ lúc nào để tháp tùng thì thật là đáng quý. Nhưng theo mọi khía cạnh khác, khi càng biết thêm về cô bé, Emma càng thêm hài lòng và thấy mọi toan tính của mình là đúng.
Chắc chắn Harriet không phải là người khôn ngoan, nhưng cô bé có tố chất thùy mị, dễ bảo, biết tỏ cảm khái, hoàn toàn không giả dối, và chỉ muốn tin phục theo người mà cô tin cậy. Việc cô bé tỏ lòng gắn bó với cô ngay từ đầu là động thái rất dễ thương, cho thấy cô bé không thiếu nhận thức dù hiểu biết chưa được sâu sắc. Nhìn chung, Emma tin chắc Harriet Smith là người bạn trẻ mà mình mong muốn - chính là mẫu người mà nhà cô cần. Một người bạn như chị Taylor thì không được nữa. Không thể một lúc có cả hai người như thế. Cô cũng không muốn có cả hai. Phải có một tính cách khác, một cảm nghĩ riêng biệt và tự chủ. Chị Taylor là đối tượng cho lòng tri ân và quý trọng. Harriet sẽ được yêu mến như là người hữu dụng. Với chị Taylor thì Emma không làm được gì cả; với Harriet thì cô có thể làm được mọi việc.
Trải nghiệm đầu tiên cho sự hữu dụng là tìm hiểu cha mẹ cô bé là ai, nhưng cô bé không thể nói ra. Harriet sẵn lòng nói ra những gì mình biết nhưng không thể nói gì về việc này. Emma đành tưởng tượng ra theo ý mình muốn, nhưng cô không thể nào tin rằng nếu ở trong cùng hoàn cảnh như thế, chính mình lại không thể tìm ra được sự thật. Harriet không muốn đào sâu vào vấn đề. Cô bé thỏa mãn với những gì bà Goddard nói cho cô nghe, và không tìm hiểu gì thêm.
Dĩ nhiên là cô bé chủ yếu trao đổi với bà Goddard, các cô giáo, nữ sinh và người liên quan đến ngôi trường nói chung, và ngoài ra chỉ còn mối quan hệ với gia tộc Martin ở nông trang Abbey Mill. Gia đình Martin chiếm lĩnh nhiều tâm tư cô bé. Cô đã lưu lại với họ rất vui trong hai tháng, và bây giờ thích kể lại về chuyến đi này, mô tả nhiều tiện nghi và những món kỳ thú ở nơi chốn ấy. Emma khuyến khích cô bé kể, thấy lạ lung về hình ảnh của một gia tộc khác, thích thú với vẻ giản đơn trẻ trung của cô bé khi hào hứng nói về việc bà Martin "có đến hai phòng khách, hai phòng khách rất sang trọng; một phòng rộng gần bằng phòng gia đình (1) của bà Goddard; và về việc bà có người hầu đã làm việc với bà hai mươi lăm năm; bà có tám con bò, hai con dòng Alderney, một con nhỏ dòng Welch, một con dòng Welch nhỏ thật dễ thương mà bà Martin nói bà rất thương nó nên phải gọi nó là con bò của bà; và có một nhà nghỉ mát rất đẹp trong khu vườn, nơi mà năm sau tất cả bọn họ sẽ đến để dùng trà: một ngôi nhà rất đẹp, đủ rộng cho cả chục người".
Trong một thời gian Emma lấy làm thích thú mà không nghĩ đến căn nguyên trước mắt, nhưng những cảm nghĩ khác dấy lên khi cô bắt đầu hiểu biết hơn về gia đình ấy. Cô đã ngộ nhận, tưởng tượng rằng đấy là mẹ và con gái, con trai và con dâu sống với nhau. Nhưng khi cô thấy rằng anh Martin - là một phần của truyện kể và luôn được nhắc đến có tính tình rất tốt khi làm chuyện này chuyện nọ - vẫn còn độc thân, rằng không có chị Martin trẻ nào, rằng không có người vợ nào trong trường hợp này, thì cô e ngại cho cô bạn bé nhỏ của mình sẽ sa vào tình huống không tốt từ tất cả lòng hiếu khách và tử tế ấy. Nếu không được chăm sóc, cô bé có thể lún sâu mãi mãi.
Với ý niệm đầy cảm hứng ấy, Emma càng đặt thêm nhiều câu hỏi đầy ý nghĩa. Cô để cho cô bé Harriet kể thêm về anh Martin, và cô thấy rõ ràng cô bé đã có tình ý gì đó. Harriet kể những lần anh cùng cô đi dạo dưới ánh trăng hoặc chơi bài vui vẻ trong buổi tối, và kể nhiều về tính tử tế và hay gia ơn của anh. Một ngày, anh đi nhiều dặm để mang về cho cô ít quả óc chó vì cô nói mình thích ăn quả này. Trong những mẫu chuyện khác, anh cũng hay chiều chuộng cô như thế. Một buổi tối, anh cho gọi con trai của người chăn cừu đến phòng khách để hát cho cô nghe. Cô rất thích nghe hát. Anh chỉ có thể hát ít bài. Cô bé tin rằng anh rất khôn ngoan và thấu hiểu mọi chuyện. Anh có một đàn gia súc rất tốt, và trong thời gian cô ở đấy anh đã bán lông cừu được nhiều hơn bất kỳ ai khác trong vùng. Cô tin rằng mọi người đều nói tốt về anh. Bà mẹ và các em gái anh đều yêu mến anh. Một ngày, bà Martin nói với cô (và bà đỏ ửng mặt khi nói) không có một gia đình nào khác có một người con trai tốt như thế, và vì vậy bà tin chắc anh sẽ là một người chồng tốt. Không phải bà mong muốn anh kết hôn. Bà không vội vã.
Emma nghĩ: "Làm khá lắm, bà Martin! Bà biết phải làm gì".
- Và khi em ra về, bà Martin có lòng tử tế gửi cho bà Goddard một con ngỗng đẹp - một con ngỗng đẹp nhất mà bà Goddard chưa từng thấy. Vào một ngày Chủ Nhật, bà Goddard mặc trang phục cho con ngỗng và yêu cầu cả ba giáo viên, cô Nash, cô Prince và cô Richardson đến ăn tối với bà.
- Chị đoán anh Martin phải là người có tri thức vượt quá công ăn việc làm của anh ấy? Anh không đọc sách, phải không?
- Có chứ! - đấy là, không - em không rõ - nhưng em tin rằng anh ấy đọc nhiều sách - nhưng không phải là loại sách như chị nghĩ. Anh đọc các tài liệu nông nghiệp và vài loại sách khác mà anh đặt kế bên cửa sổ - nhưng chính anh đọc tất cả các loại sách ấy. Nhưng đôi khi vào buổi tối, trước khi mọi người chơi bài, anh đọc to lên đoạn nào đấy trong Elegant Extracts (2), nghe rất lý thú. Và em biết anh ấy đã đọc Vicar of Wakefield (3). Anh ấy chưa bao giờ đọc The Romance of the forest (4) hoặc The Children of the Abbey (5). Anh ấy chưa bao giờ nghe đến những quyển sách này cho đến khi em đề cập đến, nhưng anh quyết chí sẽ đọc ngay khi có dịp.
Câu hỏi kế tiếp là:
- Anh Martin có ngoại hình ra sao?
- À, không được đẹp trai - không đẹp trai chút nào. Ban đầu em nghĩ anh ấy là người không có gì đáng để ý, nhưng bây giờ em không còn có ý nghĩ đó nữa. Chị biết đấy, sau một thời gian người ta thấu hiểu hơn. Nhưng chị chưa bao giờ trông thấy anh ấy sao? Thỉnh thoảng anh có đến Highbury, chắc chắn là mỗi tuần anh ấy cưỡi ngựa qua đây trên đường đến Kingston. Anh ấy thường đi qua nhà chị.
- Có thể là như thế; chị hẳn đã trông thấy anh ấy năm mươi lần nhưng không hề biết đến tên anh ấy. Chị hiếu kỳ để ý đến một anh nông gia trẻ, dù cưỡi ngựa hay đi bộ. Chị không có quan hệ gì với giới tiểu điền chủ. Chị có thể chú ý đến một hoặc hai giai bậc thấp hơn nữa, và ngoại hình trông đáng tin cậy; chị có thể mong được giúp đỡ gia đình họ bằng cách này hay cách khác. Nhưng một nông dân thì không cần chị giúp đơ, và do đó chị không quan tâm đến.
- Đúng hẳn thế. Mà này! Chị hẳn chưa từng quan sát anh ấy nhưng anh ấy biết rõ về chị - ý em muốn nói là qua mắt nhìn.
- Chị tin chắc anh ấy là một thanh niên đáng kính. Chị biết anh ấy đúng là như thế, và như vậy chị mong cho anh ấy được điều tốt lành. Em nghĩ anh ấy bao nhiêu tuổi?
- Ngày 8 tháng Sáu rồi anh hai mươi bốn tuổi, còn sinh nhật của em nhằm ngày 23, chỉ cách nửa tháng - quả là điều kỳ lạ.
- Chỉ mới hai mươi bốn tuổi. Còn quá trẻ để ổn định gia thất. Bà mẹ anh ấy rất đúng khi nói không vội vã. Xem dường họ có cuộc sống rất thoải mái, và nếu bà mẹ phải khó nhọc kiếm vợ cho con, có lẽ sau này bà sẽ hối tiếc. Sáu năm sau, nếu anh gặp một thiếu nữ cùng địa vị như anh với ít của hồi môn thì anh nên cưới.
- Sáu năm sau! Cô Woodhouse thân yêu, lúc ấy anh sẽ ba mươi tuổi.
- À, đấy là tuổi sớm nhất mà đa số thanh niên phụ thuộc vào cha mẹ lúc chào đời có đủ điều kiện để kết hôn. Chị đoán anh Martin đã tự lập gia sản cho riêng anh ấy - không thể nào có sẵn trên đời này. Chị tin chắc rằng bất cứ khoản tiền nào ông bố để lại hoặc bất cứ khoản chia tài sản nào thì đều nằm trong cổ phiếu hoặc đại loại như thế. Với nỗ lực may mắn dần dà anh sẽ được giàu có, nhưng hiện anh chưa thể thật sự có gia sản gì cả.
- Chắc hẳn là thế, cứ cho là vậy đi. Nhưng họ sống rất thoải mái. Họ không nuôi gia nhân trong nhà, ngoài ra họ không thiếu gì, còn bà Martin nói đến việc sẽ thu nhận một bé trai năm sau.
- Harriet, chị mong em không lâm vào cảnh dại dột khi anh kết hôn; - ý chị là tạo mối quen biết với vợ anh ấy - vì dù cho các cô em gái của anh với nền giáo dục cao hơn đều không phản đối, điều này không có nghĩa là anh sẽ cưới người đáng cho chú ý đến. Thân thế không may mắn của em đòi hỏi em phải cẩn trọng khi tạo mối quan hệ quen biết. Chắc chắn em là con của một nhà quý phái, và em phải có bằng mọi cách củng cố vị thế này, nếu không sẽ có nhiều người lấy làm vui mà hạ thấp em.
- Đúng, em nghĩ hẳn là thế. Nhưng trong thời gian em thăm viếng Hartfield, chị rất tử tế với em, chị Woodhouse ạ, nên em không sợ ai sẽ làm hại em.
- Harriet, em thông hiểu khá rõ tầm quan trọng của ảnh hưởng gia thế, nhưng chị muốn em đứng vững trong xã hội bậc cao, để được độc lập thậm chí đối với Hartfield và chị Woodhouse. Chị muốn em mãi mãi có quan hệ tốt, muốn được như thế thì không nên có nhiều mối quan hệ khác thường. Vì thế, nếu em còn ở đây, khi anh Martin kết hôn, chị mong em không nên giao du thân mật với các cô em gái anh ấy, không làm quen với vợ anh ấy, người có lẽ sẽ là con nông dân, không có học thức.
- Chắc hẳn thế. Vâng. Không phải là em nghĩ anh Martin sẽ kết hôn với bất cứ ai có học thức và được dạy dỗ tốt. Tuy nhiên, em nghĩ giống chị - và chắc chắn em không muốn quen biết với vợ anh ấy. Em luôn có ý nghĩ rất tốt về các cô nhà Martin, đặc biệt là Elizabeth, và sẽ lấy làm tiếc nếu phải dẹp bỏ các ý nghĩ này, do lẽ họ cũng có trình độ như em. Nhưng nếu anh ấy cưới một thiếu nữ dốt nát, quê kệch, chắc chắn em không nên đi gặp gỡ chị ấy.
Emma nhìn cô bé nói năng với ngôn từ lộn xộn và không nhận ra biểu hiện đáng báo động của tình yêu. Anh trai trẻ là người đầu tiên mến cô bé, nhưng Emma tin rằng không có chuyện gì khác. Cô tin việc thu xếp của mình vì tình thân hữu sẽ không gặp khó khăn trầm trọng do bị Harriet chống đối.
Ngày kế, hai người gặp anh Martin khi họ đang đi bộ trên đường Donwell. Anh đang đi bộ, và sau khi nhìn cô với vẻ tôn trọng, anh nhìn về phía Harriet với vẻ mãn nguyện mà không cần che giấu. Emma thích được có cơ hội như thế để tìm hiểu, và trong khi họ chuyện trò với nhau, cô đi trước ít bước, nhanh chóng quan sát anh Robert Martin. Anh có bề ngoài thật chỉnh chu, trông giống một người nhạy cảm nhưng ngoài ra không có đặc điểm thuận lợi nào khác. Cô nghĩ nếu so sánh anh với những nhà quý phái, anh hẳn mất tất cả lợi điểm trong thiên kiến của Harriet. Không phải là Harriet thiếu nhạy cảm; cô bé đã tự nhận xét với lòng ngưỡng mộ phong cách quý phái của bố cô. Còn anh Martin có vẻ như không biết phong cách tốt phải là như thế nào.
Họ chỉ trò chuyện với nhau ít phút vì không thể để cô Woodhouse chờ lâu. Rồi Harriet chạy đến cô với khuôn mặt tươi cười và với một thoáng phấn chấn mà cô Woodhouse mong cô bé sớm trấn tĩnh lại.
- Cứ nghĩ đến việc chúng ta tình cờ gặp anh ấy! Quả là kỳ lạ! Anh ấy bảo đấy là một cơ may khi anh đã không đi qua Randalls. Anh ấy không nghĩ chúng ta từng đi qua con đường này. Anh ấy cho là chúng ta thường đi về hướng Randalls. Anh ấy chưa có cơ hội tìm được quyển The Romance of the Forest. Anh ấy quá bận trong chuyến đi đến Kingston vừa rồi nên quên mất việc này, nhưng ngày mai anh ấy sẽ đi nữa. Quả là lạ lùng khi chúng ta gặp anh ấy. Này, chị Woodhouse, anh ấy có giống như người mà chị nghĩ trong đầu không? Chị thấy anh ấy thế nào? Chị có cho là anh ấy quá bình thường không?
- Anh ấy rất bình thường, chắc chắn rồi - nhưng không đáng gì so với việc anh thiếu vẻ phong nhã. Chị không có quyền đòi hỏi quá nhiều và cũng không đòi hỏi nhiều, nhưng chị không ngờ anh trông hề đến thế, hoàn toàn không có phong cách gì cả. Chị phải thú nhận là lúc trước chị đã tưởng tượng anh ấy có có phong cách trong chừng mực tốt.
Harriet tỏ vẻ xấu hổ.
- Đúng là anh ấy không được trau chuốt như một nhà quý phái đích thực.
- Harriet, chị nghĩ từ lúc em quen biết gia đình chị, em đã thường xuyên tiếp xúc với vài nhà quý phái đích thực, đến nỗi em tự nhận ra sự khác biệt nơi anh Martin. Ở Hartfield, em gặp những mẫu người đàn ông có giáo dục, có văn hoá. Chị phải ngạc nhiên nếu sau khi đã gặp những người ấy, em lại giao du với anh Martin mà không nhận ra anh ấy thuộc tầng lớp thấp kém - và chị cũng tự hỏi tại sao trước đây em nghĩ anh ta là người dễ mến. Bây giờ em có bắt đầu cảm thấy như chị không? Em có nhận ra không? Chị tin chắc em phải nhận ra dáng vẻ vụng về, cử chỉ thô kệch, thêm tiếng nói thô lỗ mà chị nghe không được trau chuốt chút nào.
- Chắc chắn là anh ấy không được như anh Knightley. Anh ấy không có tư thái tinh tế và cách đi đứng như anh Knightley. Em nhận ra rõ ràng sự khác biệt. Nhưng anh Knightley là một người rất tinh tế!
- Tư cách của anh Knightley đã quá tốt nên không công bằng mà so sánh anh Martin với anh ấy. Trong số một trăm người em chưa tìm ra được một người quý phái như anh Knightley. Nhưng anh ấy không phải là người quý phái duy nhất mà em được quen biết. Còn ông Weston và anh Elton thì sao? Hãy so sánh anh Martin với một trong hai người đàn ông đó. So sánh cách họ đi đứng, cách họ ăn nói, cách họ giữ im lặng. Em phải nhận ra sự khác biệt.
- À, đúng! Có sự khác biệt lớn. Nhưng ông Weston gần như là ông già. Ông Weston hẳn đã bốn mươi đến năm mươi tuổi.
- Như vậy càng giúp cho tư cách ông ấy có giá trị hơn. Harriet, khi người ta càng già, vấn đề càng quan trọng là không được có tư thái xấu; càng tỏ ra sáng chói thì vẻ cục mịch, thô lỗ càng trở nên khó chịu. Điều có thể chấp nhận được thời niên thiếu thì trở nên khó ưa thời trung niên. Anh Martin hiện thời có phong thái vụng về và thô kệch, đến khi tuổi bằng ông Weston thì anh ta sẽ ra sao?
Harriet trả lời một cách trang trọng:
- Quả thật là không thể nói được.
- Nhưng có thể đoán được. Anh ta sẽ trở thành một nông dân hoàn toàn cục mịch, thô tục, không kể gì đến dáng dấp bên ngoài mà chỉ nghĩ đến tính toán lời lỗ.
- Anh ấy sẽ như vậy sao? Thế thì tệ quá.
- Việc anh ấy quên bẵng quyển sách em giới thiệu chứng tỏ việc làm ăn đã choán hết tâm tư anh của anh. Cứ bận bịu về chuyện mua bán nên anh không còn nghĩ đến việc gì khác - mà phải như thế, đối với một người đang ăn nên làm ra. Sách vở thì có liên quan gì đến anh? Chị tin chắc anh sẽ ăn nên làm ra, rồi đến lúc sẽ là người rất giàu, thế nên chúng ta không cần thắc mắc việc anh ta thiếu kiến thức và có cung cách thô lỗ.
- Em tự hỏi liệu anh ấy có nhớ gì về quyển sách hay không.
Harriet chỉ trả lời có thế, với vẻ phật ý khiến cho Emma cho là tốt hơn nên bỏ qua. Vì thế, trong môt lúc cô không nói gì thêm.
Rồi Emma bắt chuyện trở lại:
- Theo một khía cạnh thì có lẽ tư cách của anh Elton ở một bậc cao hơn anh Knightley hoặc ông Weston. Tư cách ấy có tố chất dịu dàng hơn. Ông Weston có cung cách cởi mở, nhanh nhẩu, gần như là thiếu ý tứ mà mọi người vẫn mến ông bởi tính vui vẻ - nhưng người khác không nên bắt chước. Người ta cũng không nên rập khuôn cá tính thẳng thắn, quyết đoán của anh Knightley dù cá tính này rất thích hợp với anh: ngoại hình, dáng vẻ và hoàn cảnh của anh có lẽ cho phép cá tính như thế, nhưng nếu thanh niên nào bắt chước anh thì không ai chịu được. Trái lại, chị nghĩ thanh niên nên xem anh Elton là mẫu người đáng noi theo. Anh Elton có tính khí nhẹ nhàng, vui vẻ, thích chiêu đãi, và hiền hòa. Chị nghĩ dường như anh ấy được dạy bảo để trở thành người hiền hòa. Chị không rõ anh ấy có muốn lấy lòng một trong hai chị em ta hay không bằng cách tỏ ra hiền hòa thêm, Harriet ạ, nhưng điều làm chị chú ý là tư thái của anh hiền hòa hơn lúc trước. Nếu anh có ý gì đấy, thì hẳn em sẽ cảm thấy vui. Chị đã kể cho em nghe về những điều anh ấy nói về em hôm trước?
Rồi cô thuật lại những lời khen nồng nàn mà cô nghe từ anh Elton. Harriet mặt ửng đỏ, mỉm cười và nói cô luôn nghĩ anh Elton thật là dễ thương.
Anh Elton là người mà Emma vận dụng để xua đuổi hình ảnh anh nông dân ra khỏi tâm trí của Harriet. Cô nghĩ đây sẽ là mối lương duyên rất tốt, hiển nhiên là đáng mong ước, theo cách thức tự nhiên và có cơ may thành tựu để cô thấy đáng công mà trù định. Cô e đây là chuyện mọi người đều nghĩ đến và đoán ra được. Tuy thế, hẳn không ai dự tính như cô về cái ngày kế hoạch thành hình, vì đầu óc cô nảy ra ý tưởng vào buổi tối đầu tiên Harriet đến chơi ở Hartfield.
Càng nghĩ cô càng tin chuyện này là thiết thực. Hoàn cảnh của anh Elton là thuận lợi nhất, chính anh đã là nhà quý phái và không có mối giao du thấp kém, trong khi anh không thuộc về dòng dõi vốn có thể chống đối lai lịch không minh bạch của Harriet. Anh đã có một ngôi nhà tiện nghi cho cô bé, và Emma đoán thu nhập của anh sẽ dư dả cho cả hai, vì tuy hoa lợi của cha xứ Highbury không được lớn, anh có một số bất động sản tự lập. Cô có ý nghĩ tốt về anh như là một người có tính khí vui vẻ, có thiện ý, không có khiếm khuyết gì về đầu óc hiểu biết hữu dụng hoặc tri thức của thế giới.
Cô lấy làm hài lòng vì anh Elton nghĩ Harriet là thiếu nữ đẹp, mà cô cho là khi gặp gỡ thường xuyên ở Hartfield như thế, anh sẽ có cơ sở để yêu mến cô bé. Còn về phía Harriet, chắc chắn là ý nghĩ được anh yêu mên là đủ có trọng lượng và hiệu quả. Và anh thật sự là một thanh niên dễ mến, một thanh niên mà bất kỳ một thiếu nữ nào không khó tính đều phải mến. Người ta cho là anh rất điển trai; nói chung nhiều người ngưỡng mộ anh tuy cô thì không; anh thiếu một dáng vẻ lịch thiệp mà cô cho là phải có. Nhưng một thiếu nữ đã hài lòng với cách anh Robert Martin đi tìm quả óc chó cho cô ăn có thể bị chinh phục qua lòng ngưỡng mộ đối với anh Elton.
********************
(1) Phòng gia đình (Anh ngữ: drawingroom): gian phòng rộng nơi chủ khách ngồi chuyện trò, chơi bài, đánh đàn... sau bữa ăn, khác với phòng khách là nơi tiếp khách một cách trang trọng.
(2) Elegant Extracts (tạm dịch: Những trích đoạn tao nhã): tuyển tập được yêu thích do Vicesimus Knox chủ biên, được xuất bản lần đầu năm 1789. (BT)
(3) Vicar of Wakerfield (tạm dịch: Vị mục sư ở Wakerfield): tác phẩm nổi tiếng của Oliver Goldsmith, được xuất bản lần đầu năm 1766. (BT)
(4) The Romance of the forest (tạm dịch: Chuyện tình của rừng): tiểu thuyế của Ann Radcliffe, được xuất bản lần đầu năm 1791. (BT)
(5) The Children of the Abbey (tạm dịch: Những đứa trẻ của Tu viện): tiểu thuyết của Regina Maria Roche, được xuất bản lần đầu năm 1798. Sự kiện anh Martin chưa đọc bốn quyển sách ở đây cho thấy trình độ và thú thưởng thức của anh có phần giới hạn. (BT)
__________________
________________________________________
CHƯƠNG NĂM
Anh Knightley nói:
- Chị Weston, tôi không rõ chị nghĩ sao về việc Emma và Harriet Smith chơi thân với nhau, nhưng tôi cho rằng như thế là không hay.
- Không hay! Có thật sự anh nghĩ đấy là chuyện không hay? Tại sao thế?
- Tôi nghĩ người này không làm được dì tốt cho người kia.
- Anh làm tôi ngạc nhiên! Emma hẳn đang làm tốt cho Harriet. Và có thể nói Harriet làm tốt cho Emma vì mang đến tình bạn mới. Quả là chúng ta suy nghĩ khác biệt nhau! Không nghĩ họ làm được gì tốt cho nhau! Anh Knightley ạ, chắc chắn đây là bước khởi đầu cho tranh cãi giữa chúng ta về Emma.
- Có lẽ chị nghĩ tôi đến với mục đích tranh cãi với chị, biết rằng ông Weston đi vắng và rằng chị phải tự lo chống đỡ.
- Nếu anh Weston ở đây, chắc chắn anh ấy sẽ ủng hộ tôi, vì lẽ anh ấy suy nghĩ giống như tôi về chuyện này. Chỉ mới hôm qua, chúng tôi có trao đổi và đồng ý với nhau và may mắn cho Emma khi có một cô gái như thế ở Highbury để giao du. Anh Knightley, tôi cho là anh không phán đoán công minh trong trường hợp này. Anh quen sống một mình nên không biết được giá trị của một người làm bầu bạn, và có lẽ không người đàn ông nào có thể nhận thức đúng đắn sự thoải mái mà một phụ nữ cảm thấy khi có người bạn cùng giới tính, sau khi đã quen có người như thế trong cả cuộc đời. Tôi có thể mường tượng rằng anh chống đối Harriet Smith. Cô ấy không phải là phụ nữ ở giai cấp cao để làm bạn với Emma. Nhưng mặt khác, vì Emma muốn người bạn của cô nâng cao trình độ, đây là điều khích lệ cho cô bé đọc thêm sách vở. Họ sẽ đọc sách với nhau. Emma quyết chí như thế, tôi biết.
- Từ năm mười hai tuổi, Emma lúc nào cũng thích đọc sách. Tôi đã thấy nhiều danh mục các tựa sách do cô soạn ra để dự định đọc thường xuyên, và nhiều danh mục ghi những sách hay, được chọn lựa cẩn thận và sắp xếp có thứ tự, đôi lúc theo vần chữ cái, đôi lúc theo cách khác. Danh mục mà cô soạn ra lúc mười bốn tuổi - tôi nhớ mình đã có óc suy xét tốt nên tôi đã lưu giữ danh mục này một thời gian; và tôi tin hiện giờ cô có một danh mục rất hay. Nhưng tôi không còn mong Emma đọc sách thường xuyên nữa. Cô ấy không bao giờ chịu đọc thứ gì đòi hỏi óc chuyên cần và nhẫn nại, và chịu khuất phục óc tưởng tượng để thông hiểu. Khi chị Taylor không thể thúc đẩy cô ấy đọc sách, tôi có thể nói chắc rằng Harriet Smith sẽ không làm gì được. Không bao giờ chị có thể thuyết phục cô ấy đọc dù là phân nửa cái mà chị muốn. Chị biết chị không làm được.
Chị Weston mỉm cười đáp:
- Tôi dám nói rằng lúc ấy tôi có nghĩ thế, nhưng vì chúng tôi đã xa nhau, tôi không thể nhớ Emma đã bỏ qua thứ gì mà tôi muốn cô ấy làm.
Anh Knightley nói một cách xúc động:
- Không ai muốn khơi lại hồi tưởng về chuyện như thế.
Rồi anh thêm:
- Nhưng tôi không bị sức quyến rũ như thế che lấp giác quan, vì thế tôi vẫn còn thấy, nghe và nhớ. Emma trở nên hư hỏng vì là người khôn ngoan nhất trong gia đình. Lúc mười tuổi, cô ấy đã không may mà trả lời được những câu đố vốn khiến cho chị cô ở tuổi mười bảy phải bó tay. Cô ấy luôn tỏ ra nhanh nhẹn và tự tin, còn Isabella thì chậm chạp và rụt rè. Và từ năm mười hai tuổi, Emma đã là chủ nhân của ngôi nhà. Khi mất mẹ, cô ấy chỉ mất người duy nhất có thể đối phó với cô. Cô ấy thừa hưởng những tài năng của mẹ cô, và hẳn đã bị mẹ cô khuất phục.
- Anh Knighley, đáng lẽ tôi đã không vui gì phải dựa vào lời giới thiệu của anh nếu tôi xin nghỉ việc ở gia đình Woodhouse để đi tìm việc làm khác, vì tôi không nghĩ anh hẳn đã nói tốt về tôi cho bất cứ ai. Tôi chắc rằng anh nghĩ tôi không phù hợp với công việc tôi đã làm.
Anh mỉm cười:
- Đúng. Chị ở đây thì hay hơn, rất phù hợp trong cương vị một người vợ, nhưng không phù hợp chút nào cho một nữ gia sư. Nhưng trong suốt thời gian làm việc ở Hartfield, chị chuẩn bị cho mình làm một người vợ xuất sắc. Có thể chị đã không tạo cho Emma một nền giáo dục toàn diện như khả năng của chị hứa hẹn, nhưng chị nhận một nền học vấn rất tốt từ cô ấy, và nếu ông Weston yêu cầu tôi giới thiệu cho một người vợ hiền, chắc chắn tôi đã đề cử chị Taylor.
- Cảm ơn anh. Làm vợ hiền cho một người như ông Weston thì không có giá trị gì nhiều.
- Này, nói thật, tôi e rằng chị đã phí cuộc đời. Tuy chị giỏi chịu đựng, ở đây không có gì đáng cho chị chịu đựng cả. Tuy thế, chúng ta sẽ không tuyệt vọng. Ông Weston có thể bực bội vì sống trong không khí quá thoải mái, nếu không thì con trai ông có thể quấy rầy ông.
- Tôi hy vọng sẽ không như thế. Điều đó khó xảy ra. Không, anh Knightley, xin anh đừng dự báo điều phiền toái từ khía cạnh này.
- Thật ra tôi chỉ nêu lên những điều khả dĩ. Tôi không giả vờ có thiên tài như Emma để dự báo và tiên đoán. Với tất cả tấm lòng, tôi mong anh trai trẻ có thể là một ông Weston có chân giá trị và một anh thuộc họ Churchill có gia sản lớn. Nhưng còn Harriet Smith: tôi chưa bàn xong xuôi về Harriet Smith. Tôi nghĩ cô ấy là mẫu người tệ hại nhất mà Emma có thể làm bạn. Bản thân cô bé không biết gì cả mà lại tin Emma biết mọi thứ. Harriet cứ thích tâng bốc theo mọi cách, và thế là tệ hơn vì không có chủ ý. Đầu óc kém hiểu biết của Harriet được che giấu bằng tính hay bợ đỡ. Làm thế nào Emma có thể tưởng tượng ra Harriet học hỏi gì được, trong khi cô bé chỉ thể hiện trình độ thấp kém mà người ta lấy làm thú vị như thế? Còn đối với Harriet, tôi dám nói rằng cô ấy không được lợi gì trong mối quan hệ này. Hartfield sẽ chỉ làm cho cô ấy chán ngấy so với những nơi chốn thuộc gốc gác của cô. Cô ấy sẽ trưởng thành với thêm ít trau chuốt đủ để cảm thấy thiếu thoải mái với những người thuộc giai cấp của cô. Tôi không tin ý định của Emma sẽ có kết quả hoặc sẽ giúp một thiếu nữ tự thích nghi với những thay đổi trong cảnh sống. Những việc làm này chỉ mang đến một ít vẻ tinh tế bên ngoài.
- Tôi thì dựa vào nhận thức của Emma hơn là anh. Tôi không có gì than phiền về tình bạn của họ, nếu không lại lo cô ấy sống thiếu thoải mái. Tối qua, trông cô ấy mới xinh đẹp làm sao!
- Ồ! Chị muốn nói về ngoại hình hơn là đầu óc của cô ấy, phải không? Được lắm; tôi nhìn nhận là Emma trông xinh.
- Xinh! Phải nói là đẹp mới đúng. Anh có thể hình dung ra vẻ đẹp nào hoàn thiện hơn toàn con người Emma - về sắc diện và ngoại hình?
- Tôi không rõ mình có thể hình dung ra sao, nhưng tôi phải thú thật rằng mình chưa từng trông thấy sắc diện và thể hình nào trông ưa nhìn hơn cô ấy. Nhưng tôi là một người bạn cũ thiên vị.
- Con mắt như thế! - con mắt khô ráo mà lại rất sáng! Khuôn mặt bình thường, sắc mặt cởi mở, với nước da như thế! Ồ! Thời thanh xuân khỏe mạnh, vóc dáng như thế, ngoại hình săn chắc như thế! Đấy là sức sống, không chỉ là trong vẻ thanh xuân, mà còn trong dáng vẻ của cô, đầu óc của cô, khóe nhìn của cô. Đôi lúc ta nghe nói về một đứa trẻ là "hình ảnh của sức sống", bây giờ Emma luôn cho tôi ý niệm về một hình ảnh toàn diện của sức sống thanh xuân. Chính con người cô là tất cả vẻ yêu kiều. Anh Knightley, có phải thế không nhỉ?
Anh trả lời:
- Tôi không tìm ra khuyết điểm trong vóc dáng cô ấy. Tôi nghĩ chị nói đúng cả. Tôi thích ngắm cô ấy, và tôi muốn thêm lời khen này: tôi không nghĩ bản thân cô ấy là phù phiếm. Cô ấy xinh đẹp nhưng có vẻ như không bận tâm về nhan sắc của mình; tính phù phiếm của cô ấy là ở chỗ khác. Chị Weston, tôi vẫn không muốn nghe lời khuyên đừng có ác cảm với Harriet Smith, hoặc đừng sợ tính phù phiếm gây hại cho cả hai.
- Anh Knightley, còn tôi vẫn muốn tin tính phù phiếm sẽ không gây hại cho hai người. Mặc cho những khuyết điểm nhỏ nhặt, cô bé Emma yêu dấu vẫn là một người tuyệt vời. Ta có thể tìm đâu ra một thiếu nữ tốt hơn thế, hoặc một em gái dịu dàng hơn thế, hoặc một người bạn chân thật hơn thế? Không, không đâu, cô có những đức tính mà ta có thể tin cậy; cô sẽ không bao giờ cần dẫn dắt ai đi đến sai lầm; cô sẽ không phạm lỗi lầm thiên thu; cứ mỗi lần Emma sai lạc thì cô lại làm đúng một trăm lần.
- Được rồi, tôi sẽ không làm phiền chị nữa. Emma sẽ là một thiên thần, và tôi sẽ ghim trong lòng cho đến khi John và Isabella về thăm nhà dịp giáng sinh. John mến Emma qua tình thương đúng lý và vì thế không phải là mù quáng, còn Isabella luôn nghĩ như anh ấy trừ khi anh không quá lo lắng cho các đứa trẻ. Tôi chắc chắn họ đồng ý với tôi.
- Tôi biết mọi người yêu mến cô ấy lắm nên không có thiên kiến hoặc có ý xấu, nhưng anh Knightley ạ, xin thứ lỗi nếu tôi tự chuyên (anh biết đấy, tôi xem mình có quyền tự do ngôn luận giống như mẹ của Emma)... tự chuyên hàm ý rằng ích gì mà thảo luận về mối quan hệ thân mật với Harriet Smith. Xin bỏ lỗi cho tôi, nhưng giả dụ mối quan hệ ấy gây ra một ít phiền toái, ta không thể mong Emma sẽ chấm dứt quan hệ nếu cô không muốn. Cô ấy không nghe theo ai ngoại trừ ông bố, trong khi ông hoàn toàn chấp nhận việc này. Đã từ lâu tôi mới dám đưa ra lời khuyên, vì thế anh Knightley ạ, anh đừng lấy làm ngạc nhiên.
Anh thốt lên:
- Không có gì, tôi rất cảm kích vì điều này. Đấy là lời khuyên hữu ích và sẽ có tác dụng tốt hơn những lời khuyên khác của cô, vì lần này người ta sẽ chú ý nghe cô.
- Chị John Knightley dễ hoảng hốt, và có thể cảm thấy không vui vì cô em.
Anh nói:
- Xin chị đừng lo, tôi sẽ không đánh động gì cả. Tôi sẽ giữ mối ưu tư cho riêng tôi. Tôi có lòng quan tâm chân thành với Emma. Isabella không có vẻ là em dâu của tôi; chị ấy chưa bao giờ quan tâm nhiều, hoặc có lẽ chỉ ít thôi. Khi nghĩ đến Emma, người ta sẽ có một ít lo lắng, một ít hiếu kỳ. Tôi tự hỏi cô ấy rồi sẽ ra sao!
Chị Weston nhẹ nhàng nói:
- Tôi cũng băn khoăn nhiều.
- Cô ấy luôn nói sẽ không bao giờ kết hôn, và dĩ nhiên lời nói này không nghĩa lý gì cả. Nhưng tôi cho là cô ấy chưa gặp được người thanh niên mà cô để ý. Giá cô yêu người nào xứng đôi thì đấy không phải là chuyện tệ hại. Tôi rất muốn thấy Emma đem lòng yêu thương ai đó, và dù có hồ nghi tôi vẫn nghĩ rằng thế là tốt cho cô. Nhưng quanh đây không có ai đáng cho cô quan tâm đến, còn cô ấy lại hiếm khi đi xa khỏi nhà.
- Đúng thật là hiện nay không có ai xứng đôi để cô ấy từ bỏ quyết tâm sống độc thân. Trong khi cô ấy cảm thấy hạnh phúc ở Hartfield, tôi mong cô sẽ không tạo mối quan hệ nào gây khó khăn cho ông già Woodhouse tội nghiệp. Hiện giờ tôi nghĩ Emma chưa nên kết hôn tuy tôi không có ý xem nhẹ việc này, xin anh tin như thế.
Một phần ý tứ trong lời nói của chị là nhằm che giấu suy nghĩ của vợ chồng chị. Gia đình Randalls có ý đồ về Emma nhưng không muốn người khác nhận ra ý đồ này. Thế nên sau khoảnh khắc im lặng, câu hỏi của anh Knightley "Chị Weston dự đoán thời tiết như thế nào? Liệu sẽ có mưa không?" khiến cho chị tin rằng anh không còn muốn bàn bạc hoặc suy nghĩ gì về Hartfield.
CHƯƠNG 6
Emma tin chắc mình đã chỉ đúng đường đi nước bước cho Harriet hầu đạt đến mục đích tốt, vì nhận thấy cô bé bắt đầu để ý đến ngoại hình điển trai và cử chỉ dễ mến của anh Elton. Khi Emma không ngần ngại ám chỉ về lòng thương mến của anh Elton, cô tự tin là mình cũng đã tạo mối thiện cảm về phía Harriet. Cô tin chắc dù anh Elton chưa yêu thật sự thì con tim anh đã bắt đầu rung động. Cô không có gì phải băn khoăn về anh cả. Anh đã đề cập đến Harriet và ca ngợi cô bé một cách nồng nhiệt, đến nỗi cô thấy chỉ còn là vấn đề thời gian. Kể từ lúc cô giới thiệu hai người với nhau ở Hartfield, anh đã nhận ra tư cách của Harriet có sự cải thiện sâu sắc, và đấy là một trong những chứng cứ cho thấy anh đang để ý đến cô bé.
Anh nói:
- Cô đã mang đến cho cô Smith mọi điều cô ấy cần, cô đã làm cho cô ấy khả ái và hòa đồng. Cô ấy đã là một thiếu nữ xinh đẹp khi mới là bạn của cô, nhưng theo ý tôi, cô đã mang đến cho cô ấy thêm nét quyến rũ còn hơn là nét thu hút bẩm sinh.
- Tôi vui thấy anh cho là tôi giúp ích cô ấy, nhưng Harriet chỉ muốn được nghe lời nói cụ thể chứ không chấp nhận những ẩn ý. Cô ấy có tất cả ân sủng thiên bẩm về tâm tính thùy mị và chất phác. Tôi chỉ giúp ích cô ấy chút ít thôi.
Anh Elton nói theo cách nịnh đầm:
- Giá như được phép phủ nhận lời nói của một phụ nữ_
- Có lẽ tôi đã mang đến cho cô ấy chút tính quyết đoán, đã chỉ bảo cho cô ấy suy nghĩ về những sự việc chưa xảy đến cho cô ấy trước kia.
- Đúng là như thế; đấy là điều làm tôi để ý đến. Có thêm nhiều tính quyết đoán! Quả là mát tay.
- Quả là tự hào, tôi tin chắc thế. Tôi chưa từng sắp đặt việc nào đáng yêu như thế này.
- Tôi tin như thế.
Anh nói với vẻ nồng nàn và đồng cảm y như là một người đang yêu.
Một ngày, cô lấy làm vui không kém khi anh bất chợt muốn có một bức họa của Harriet. Cô hỏi:
- Harriet, có lần nào em ngồi làm mẫu để được vẽ truyền thần chưa?
Harriet đang định bước ra khỏi phòng, và chỉ dừng lại để đáp với vẻ ngây thơ:
- Ồ! Em chưa bao giờ.
Khi cô bé vừa khuất bóng, Emma lên tiếng:
- Giá như tôi có một bức họa cô ấy thì đấy thật là tác phẩm độc đáo! Tôi sẽ trả bất cứ món tiền nào để chiếm hữu. Tôi muốn tự vẽ truyền thần cho cô bé. Tôi tin anh không biết rằng chỉ mới hai, ba năm trước, tôi rất mê vẽ truyền thần. Tôi đã thử vẽ cho vài người bạn, và họ cho là tôi có con mắt nghệ thuật chấp nhận được. Nhưng vì lý do này nọ, tôi bỏ ngang việc này. Nhưng tôi thật sự muốn thử nếu Harriet chịu ngồi yên cho tôi vẽ. Được vẽ cho cô bé thì vui biết mấy!
Anh Elton thốt lên:
- Tôi van nài cô, đây sẽ là chuyện rất vui. Tôi van nài cô Woodhouse trổ tài cho bạn của cô. Tôi đã xem qua các bức họa của cô. Làm thế nào cô nghĩ tôi không biết? Gian phòng này chứa đầy những bức họa phong cảnh và hoa, còn trong phòng gia đình của chị Weston ở Randalls có vài bức họa toàn thân mà không ai cóp được, đúng thế không?
Emma nghĩ: "Đúng, anh khá lắm! Nhưng có liên quan gì đến việc vẽ truyền thần? Anh không biết gì về hội họa. Đừng giả vờ say mê tài vẽ của tôi. Hãy tỏ ra say mê dung nhan của Harriet". Cô nói:
- À, anh Elton, nếu anh tốt bụng khuyến khích như thế, tôi sẽ cố xem mình có thể làm được tới đâu. Sắc diện của Harriet trông rất tinh tế nên khó vẽ được giống nhưng có nét khác lạ gì đấy ở đôi mắt và vành môi cô ấy mà người ta muốn vẽ ra.
- Đúng là như thế - đôi mắt và vành môi - tôi tin chắc cô sẽ vẽ được. Xin cô hãy thử xem. Và nếu cô thuận lòng - theo lời cô nói, đấy sẽ là một tác phẩm độc đáo.
- Nhưng anh Elton ạ, tôi e Harriet không chịu ngồi làm mẫu cho tôi. Cô ấy không đánh giá cao vẻ đẹp của mình. Anh có nghe cách cô ấy trả lời tôi không? "Tại sao phải vẽ chân dung em?" là đầy đủ ý nghĩa rồi.
- À, đúng, tôi có nghe. Tôi không bỏ qua. Nhưng tôi vẫn nghĩ ta có thể thuyết phục cô ấy.
Chẳng bao lâu, Harriet trở lại, hai người lập tức tỏ ý đề nghị. Cô bé chỉ ngần ngại ít phút vì hai người tha thiết thúc dục. Emma muốn bắt tay vào việc ngay, vì thế cô mang ra các bức vẽ phác của cô trước đây để họ chọn kích thước phù hợp nhất cho Harriet. Cô cho xem những tác phẩm đầu tay của mình. Cô đã thử qua những thể loại tiểu họa, bán thân, toàn thân, viết chì, màu sáp, màu nước. Cô vẫn luôn muốn làm qua mọi việc, và đã đạt tiến bộ cả trong hai ngành hội họa và âm nhạc, giỏi hơn nhiều người so với công sức ít ỏi mà cô bỏ ra. Cô đã thử diễn kịch, ca hát - và thử qua mọi thể loại, nhưng luôn thiếu kiên trì. Không có lĩnh vực nào cô đạt mức ưu tú tuy cô rất muốn thành công. Cô không muốn tự lừa dối về tài năng của mình trong hội họa hoặc âm nhạc, nhưng lại muốn người khác tin rằng cô có tài thực sự.
Tất cả bức vẽ đều có nét giá trị - có lẽ bức phác thảo nào ít hoàn thiện nhất lại có giá trị nhất. Tài năng của cô được tán thưởng, nhưng nếu cô vẽ ít hơn hoặc vẽ thêm gấp mười lần thì hai người bầu bạn của cô vẫn vui thú và ngưỡng mộ cô vẫn như thế. Cả hai đều cảm thấy vui sướng tột cùng. Một bức họa truyền thần hẳn làm vui lòng mọi người; và tài năng của cô Woodhouse hẳn là xuất chúng.
Emma nói:
- Không có nhiều loại khuôn mặt cho em. Chị chỉ tập tành với gia đình chị. Đây là bức họa cha chị - hình ảnh khác của ông - nhưng ông cảm thấy bồn chồn khi nghĩ đến ngồi làm mẫu, vì thế chị chỉ lén vẽ ông, cho nên bức họa trông không giống. Em xem này, đây là bức họa chị Weston, thêm một bức, thêm bức nữa, thêm bức nữa, em thấy đấy. Chị Weston thân yêu! Lúc nào cũng làm bầu bạn tốt của chị. Chị ấy sẵn lòng ngồi làm mẫu mỗi khi chị yêu cầu. Còn đây là chị gái, với vóc dáng mảnh mai thanh lịch và nét mặt khá giống như thật. Đáng lẽ chị đã vẽ được giống hơn nếu chị ấy chịu ngồi lâu hơn, nhưng chị ấy thúc hối chị vẽ bốn đứa trẻ nên không thể giữ im lặng.
"Kế tiếp, đây là chị thử vẽ ba trong số bốn đứa trẻ; - đây này, Henry và John và Bella; đứa nào cũng trông giống hai đứa kia. Mẹ chúng nó mong mỏi chị vẽ đến nỗi chị không thể từ chối, nhưng em biết đấy, không thể nào bắt trẻ con ba hoặc bốn tuổi ngồi yên cho được, mà cũng khó vẽ chúng cho giống ngoài vóc dáng và làn da, chỉ trừ khi chúng có đường nét thô ráp. Đây là bức phác thảo của đứa thứ tư, lúc còn là em bé. Chị vẽ khi bé đang nghẹo đầu xuống rất tiện cho chị vẽ. Trông thật giống. Chị rất hãnh diện về bé Geogre. Cái góc của chiếc ghế bành thì thật tốt.
"Đây là bức họa cuối cùng của chị - cô mở ra bản phác họa toàn thân của một thanh niên - bức cuối cùng và đẹp nhất - ông anh rể John Knightley của chị. Bức này không cần phải hoàn thiện nhiều lắm khi chị mang cất nó vì giận dỗi và thề sẽ không bao giờ vẽ truyền thần nữa. Chị bị trêu tức sau bao nhiêu khổ nhọc khi chị thật sự vẽ rất giống (chị Weston và chị đều đồng ý với nhau là rất giống người thật) - chỉ có điều quá đẹp nhưng đấy là lỗi theo hướng tích cực - thế mà chị Isabella thân yêu tội nghiệp lại chê bai: 'Ừ, có giống một tí, nhưng không thể hiện đúng người thật'. Phải cất công lắm mới thuyết phục được anh ấy chịu ngồi làm mẫu. Thế là chị không chịu được nên chị không bao giờ hoàn thiện bức họa như chị đã nói, chị thề không bao giờ vẽ ai nữa. Nhưng vì Harriet hoặc hơn là vì chị, và do lẽ hiện tại Harriet không có cảnh chồng vợ, bây giờ chị sẽ bỏ qua lời thề."
Anh Elton lộ vẻ rất xúc động và thích thú với ý tưởng này, và nhắc lại:
- Đúng là hiện tại không có cảnh chồng vợ, như cô nhận xét. Rất đúng. Không có chồng và vợ.
Anh nói với ý thức rõ rệt đến nỗi Emma nghĩ liệu có nên để hai người được riêng tư ngay bây giờ hay không. Nhưng vì muốn vẽ nên cô phải tạm gác lại ý nghĩ ấy.
Rồi cô chọn được kích thước và kiểu của bức truyền thần. Cô sẽ vẽ toàn thân bằng màu nước, giống như bức họa của anh John Knightley, với đối tượng kế bên bệ lò sưởi.
Việc ngồi làm mẫu bắt đầu. Tươi cười và e thẹn, và cũng e không giữ được tư thái và dáng dấp đúng cách, Harriet thể hiện sự pha trộn đáng yêu của cảm xúc tươi trẻ dưới đôi mắt chăm chú của nhà họa sĩ. Nhưng họ không thể bắt đầu vì anh Elton cứ bồn chồn phía sau cô và theo dõi từng nét vẽ. Cô nhận thấy anh chàng chọn ở vị trí để có thể nhòm ngó mà không gây phản cảm, nhưng cô vẫn muốn chấm dứt tình cảnh này. Thế nên cô yêu cầu anh đi ra chỗ khác, và chợt có ý tưởng yêu cầu anh đọc sách. Cô nghĩ: "Giá như anh chàng chịu đọc sách cho hai người nghe thì thật tử tế! Việc này sẽ tránh gây khó khăn cho mình và ngượng nghịu cho cô Smith".
Anh Elton sẵn lòng chiều theo. Harriet nghe anh đọc sách còn Emma được thoải mái mà vẽ. Cô vẫn phải cho phép anh chàng thỉnh thoảng đi đến nhòm ngó, nếu không như thế thì hóa ra không phải cung cách của người đang yêu. Mỗi khi cây bút ngừng lại là anh chàng sẵn sàng nhảy đến, xem diễn tiến và cảm thấy say mê. Cô thấy vui với thái độ khích lệ như thế, do lòng ngưỡng mộ khiến cho anh nhận ra người trong bức họa giống người thật trong khi chỉ mới là nét vẽ phác. Cô không thể đánh giá cao trình độ thưởng thức mỹ thuật của anh, nhưng tình cảm và cử chỉ ân cần mà anh biểu lộ thì đúng là khác thường.
Việc ngồi làm mẫu hoàn toàn thỏa đáng; Emma lấy làm hài lòng với bức vẽ phác trong ngày đầu nên muốn tiếp tục. Bức họa khá giống người thật; cô đã may mắn tìm được tư thế người mẫu thích hợp. Cô muốn hoàn thiện một chút cho khổ người cao lên một ít và tạo thêm vẻ thanh lịch. Cô tự tin cuối cùng mình sẽ có một bức họa đẹp để tôn vinh cho cả hai - một kỷ niệm sống động về vẻ đẹp của một người và tài năng mỹ thuật của người kia. Thêm những mối kết giao mãn nguyện qua lòng gắn bó của anh Elton.
Harriet sẽ cần phải ngồi làm mẫu thêm ngày kế. Anh Elton nài nỉ được phép tham dự và còn đọc sách cho cả hai người nghe. Đúng là phải như thế.
Emma nói:
- Rất sẵn lòng. Chúng tôi sẽ rất vui có anh tham gia.
Ngày kế lại có những màn lịch sự và tử tế, có thêm thành công và tự mãn đi kèm với tiến triển khá nhanh chóng trong bức họa làm cho cả ba người đều vui. Ai nhìn qua bức họa cũng thích, nhưng anh Elton còn thêm hồ hởi và biện hộ chống lại mọi lời chê bai.
Chị Weston nhận xét với anh:
- Cô Woodhouse mang đến cho người bạn của mình vẻ đẹp theo cách mà cô ấy muốn - nhất là muốn vẽ ra một người đang yêu. Đường nét của đôi mắt thì đúng, nhưng cô Smith không có chân mày và lông mi như thế. Khuyết điểm ở chỗ khuôn mặt cô ấy không giống như thế.
Anh đáp:
- Chị nghĩ thế à? Tôi không đồng ý. Đối với tôi, bức họa xem ra rất giống về mọi sắc thái. Tôi chưa từng xem qua bức họa nào giống người thật đến thế. Chị biết đấy, ta nên tính đến ảnh hưởng của bóng tối.
Anh Knightley nói:
- Emma, em vẽ cô ấy có khổ người quá cao.
Emma biết cô đã vẽ như thế nhưng vẫn không muốn thừa nhận. Rồi anh Elton nồng nhiệt chen vào:
- Ồ không! Chắc chắn không phải là quá cao; không quá cao tí nào. Xem này, cô ấy đang ngồi, nên lẽ tự nhiên là tạo đường nét khác lạ, ý tưởng đúng là như thế, và phải duy trì nét cân đối, anh biết đấy. Những nét cân đối trước và sau. Ồ không! Bức họa thể hiện chính xác chiều cao của cô Smith. Chính xác là thế!
Ông Woodhouse nói:
- Bức họa thật đẹp. Vẽ đẹp lắm! Con yêu ạ, bức họa nào của con cũng đẹp như thế. Bố không biết có ai vẽ tài tình như con. Có một điều bố không thích lắm, ở chỗ cô trông như ngồi bên ngoài cánh cửa, chỉ với một khăn choàng nhỏ khoát trên vai, khiến cho người ta nghĩ cô bé có thể bị nhiễm lạnh.
- Nhưng bố thân yêu ạ, bây giờ là mùa hè, một ngày ấm áp trong mùa hè. Bố hãy xem cái cây kia.
- Nhưng con ạ, ngồi bên ngoài cánh cửa thì không nên.
Anh Elton lên tiếng:
- Thưa bác, bác có thể nói vậy nhưng cháu phải nhìn nhận đấy là ý tưởng rất hay khi đặt cô Smith ngồi bên ngoài cánh cửa, gần bên cái cây với phong cách độc đáo! Nét ngây thơ trong cung cách của cô Smith, và còn nhiều nữa. Ôi, thật là đáng ngưỡng mộ! Cháu thưởng thức mà không thấy chán. Cháu chưa từng thấy bức họa nào giống người thật đến thế.
Việc kế tiếp là đóng khung cho bức họa, và có vài trở ngại ở đây. Phải đặt hàng đúng chỗ, phải làm khung ở London, phải giao cho người thông minh nào đấy có trình độ thưởng thức đáng tin cậy được. Thường thì Isabella làm việc này, nhưng bây giờ là Tháng Mười hai nên không thể nhờ vả cô. Ông Woodhouse không muốn cô ra khỏi nhà giữa làn sương mù của Tháng Mười hai. Nhưng khi vừa nghe đến chuyện trở ngại là anh Elton có cách giải quyết ngay. Tính nịnh đầm của anh lúc nào cũng ở mức cảnh giác cao độ. "Nên giao việc này cho anh ấy, hẳn anh sẽ vui thích vô bờ mà nhận lời! Anh sẽ đi London bất kì lúc nào. Khó mà nói được anh cảm thấy hân hạnh đến thế nào khi được giao chuyện sai vặt này".
Cô vẫn còn vương vấn với ý nghĩ: "Anh chàng thật là tử tế! Bản thân mình không muốn làm phiền anh ấy đến thế". Rồi mọi việc cũng được sắp đặt xong sau những lời khẩn cầu và trấn an lặp đi lặp lại.
Anh Elton sẽ mang bức họa đi London, chọn cái khung và chỉ dẫn cách thức; còn Emma nghĩ cô có thể gói bức họa cho an toàn mà không làm phiền anh, trong khi anh ra vẻ e rằng cô làm phiền mình chưa đủ.
Khi anh đón nhận bức họa, anh khẽ thốt:
- Quả là một chuyến hàng quý giá!
Emma nghĩ: "Anh chàng hầu như quá xun xoe nên không biết yêu. Mình cho là thế, nhưng hẳn có hàng trăm cách yêu. Anh là một thanh niên tuyệt vời và rất hợp với Harriet. 'Chính xác là thế', như cách anh nói; nhưng anh cũng thở dài và héo hon, luôn chờ đợi lời khen tặng quá mức chịu đựng của mình với tư cách là người chủ hôn. Mình là người được nịnh đầm hàng thứ hai. Nhưng đấy là anh tỏ vẻ biết ơn vì Harriet".
__________________
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top