Ảo hóa_HermanHesse

ẢO HÓA 

Hermann Hesse 

Ni cô Trí Hải dịch và giới thiệu. 

Phần I 

Theo truyền thuyết Ấn giáo, thần Vishnu có lần hoá sinh làm một vị vương tử sống bên bờ sông Hằng. Tên ông là Ravana. Ravana có một người con trai tên Dasa. Mẹ Dasa chết sớm, vương tử cưới một người vợ khác. Sau khi người đàn bà đẹp và tham vọng này sinh được một con trai, bà đâm ra thù ghét Dasa. Bà muốn cho Nala, con mình kế vị, nên âm mưu chia rẽ cha con Dasa, và chờ cơ hội thanh toán cậu bé.

Trong triều, có một người Bà-là-môn, tên Vasudeva, viên quan coi về tế tự, biết được âm mưu của bà. Ông thương tình cậu bé, người mà ông thấy có khuynh hướng sùng tín và đức công bằng giống mẹ. Ông trông chừng cho Dasa khỏi bị hại, và chờ dịp đưa cậu ra khỏi tầm tay mẹ ghẻ. 

Bấy giờ vua Ravana sở hữu một đàn bò được xem là thiêng liêng. Sữa và bơ của chúng dùng để tế thần. Những đồng cỏ tốt nhất trong xứ dành cho những con bò ấy. 

Một ngày kia, người chăn bò đem sữa về kinh, báo cáo rằng trong vùng bò đang ăn cỏ, có những dấu hiệu sắp hạn hán. Do đó, đoàn người chăn dẫn bò lên những dãy núi cao, ở đó nước và cỏ luôn luôn sẵn sàng ngay cả vào những thời khô ráo nhất. 

Người Bà-la-môn đã quen biết người chăn bò này từ lâu, anh ta là một người đáng tin cậy. Ông cho anh ta biết dự định của mình. Hôm sau, khi hoàng tử bé Dasa biến mất, thì chỉ có ông và người chăn ấy biết được lý do bí ẩn của sự mất tích.

Người chăn bò đem cậu bé theo lên núi rừng. Họ theo kịp đàn bò di chuyển chậm chạp. Dasa sung sướng được gia nhập đoàn mục tử. Cậu phụ giúp thả bò, vắt sữa, chơi với những con bê, và lang thang khắp những đồng cỏ trên núi, uống sữa tươi ngọt ngào. Những bàn chân trần của cậu lấm đầy phân bò. Cậu thích đời sống mục tử này, dần quen với rừng núi và những cây trái, hoa cỏ của nó. Cậu nhổ những củ sen ngọt trong ao đầm, và vào những ngày lễ hội, cậu đeo một tràng hoa rừng đỏ chói. Cậu trở nên quen thuộc với đường đi lối về của thú rừng. Tập tránh cọp, chơi với những con sóc và nhím.

Mùa mưa cậu ở trong căn nhà lá, mà ở đó bọn chăn bò chơi cờ, hát hoặc đan giỏ hay chiếu cói. Dasa không hẳn quên hết đời sống vương giả của mình trước đấy, nhưng chẳng mấy chốc những thứ này đối với cậu dường như một giấc chiêm bao. 

Một ngày kia, khi đàn bò đi đến một vùng khác, Dasa vào rừng để tìm mật. Từ ngày biết núi rừng, cậu đã bắt đầu thích; nhưng đặc biệt khu rừng này, cậu thấy nó đẹp lạ. Những tia nắng lượn khúc qua những cành lá trông như những con rắn vàng. Những tiếng của rừng, tiếng chim hót, tiếng xào xạc của những ngọn cây, tiếng của những con khỉ quyện vào nhau thành một mạng lưới âm thanh êm dịu trong sáng, giống như ánh sáng giữa những cành cây. Những mùi hương cũng vậy, hoà vào nhau rồi lại phân tán : hương của hoa rừng, của những loại cây, lá, nước, rêu, thú vật, trái cây và của đất, vừa cay nồng vừa dịu ngọt, vừa hoang dã vừa thân thiết, vừa kích thích vừa thoa dịu, vừa buồn vừa vui. 

Dasa quên mất việc tìm mật. Trong khi lắng nghe tiếng hót của những con chim nhỏ màu sáng như ngọc, cậu chú ý đến một đường mòn giữa những cây phong chót vót, trông như một cụm rừng nhỏ ở trong khu rừng lớn. Đấy là một lối đi rất nhỏ hẹp, cậu im lặng rón rén bước theo dấu đường mòn, và đến một cây bàng có nhiều nhánh lớn.

Dưới gốc cây, có một cái chòi nhỏ, một túp lều đan bằng lá dương xỉ. Cạnh túp lều, một người đàn ông đang ngồi bất động, lưng thẳng tuột, hai bàn tay đặt trên đôi chân bắt chéo. Dưới mái tóc bạc trắng và vầng trán rộng, đôi mắt bất động của ông tập trung trên mặt đất. Đôi mắt ấy đang mở, nhưng như nhìn vào bên trong. Dasa nhận ra rằng đấy là một người thánh thiện, một người tu phái Yoga.

Trước đấy cậu đã thấy những người như vậy, đó là những người được ân sủng của thần linh, đáng được tôn trọng, cúng dường. Nhưng người cậu đang thấy đây, ngồi trước túp lều được lợp rất đẹp và ở nơi kín đáo này, hoàn toàn bất động như thế, đăm chiêu trong thiền định - người này càng lôi cuốn cậu bé hơn bất cứ người nào cậu đã gặp. 

Ông ta dường như bay lượn trên mặt đất, trong khi đang ngồi đấy, và dường như cái nhìn xa xăm của ông, thấy và biết mọi chuyện. Một hào quang của sự thánh thiện vây phủ ông, một phép mầu của sự tôn nghiêm lan toả làm cho cậu không dám phá tan bằng một lời chào hay một tiếng kêu. Vẻ uy nghiêm của người ông, ánh sáng nội tâm rạng ngời trên gương mặt ông, mãnh lực tâm linh toát từ nơi ông khiến Dasa có cảm tưởng đây là một con người mà, chỉ cần móng một niệm nghĩ, không cần phải ngước mắt lên, cũng có thể sinh và sát được cái gì ông muốn.

Người ẩn sĩ ngồi bất động hơn cả cây cối mà những cành lá còn lay động trong hơi thở của gió. Người này ngồi bất động như một pho tượng đá, và từ khi thấy người ấy, cậu bé cũng đứng bất động, say mê, như bị bùa lực lôi cuốn. Cậu đứng nhìn chòng chọc vào vị thầy. Cậu thấy một đốm sáng mặt trời trên vai ông ta, một đốm sáng trên một bàn tay buông thõng của ông, cậu trông thấy những điểm sáng di động ẩn rồi hiện, nhưng những thứ này không làm vị ấy cử động, cũng như tiếng chim hót và tiếng của những con khỉ từ các khu rừng xung quanh. Một con ong rừng đến đậu trên má ông, đánh hơi làn da ông, bò một đoạn ngắn trên má ông rồi vụt bay đi. Nhà ẩn sĩ vẫn ngồi bất động trước tất cả sự sống động đủ màu sắc của khu rừng. 

Tất cả cảnh tượng này, những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe, những cái đẹp và xấu, đáng yêu hay kinh khủng, đều không mảy may liên hệ đến con người thánh thiện này. Toàn thể thế giới xung quanh ông đã trở thành bề mặt vô nghĩa lý. Cậu bé mục tử có gốc gác vương giả tưởng chừng như vị ẩn sĩ này đã lặn sâu xuống dưới lớp bề mặt của cuộc đời và đi vào bản thể của mọi sự. Một điều lạ lùng, trong khi đứng đấy, cậu bỗng nhớ lại gốc gác vương giả của mình. 

Sau đó, cậu không biết mình đã đứng đấy bao lâu, hàng giờ, hay đã mấy ngày qua. Khi ra khỏi cái bùa lực đã làm cậu đứng bất động nhìn ông già, cậu rón rén bước lui giữa những hàng cây phong, tìm lối ra khỏi cụm rừng, và cuối cùng trở lại đồng cỏ với đàn bò. Cậu đi mà không hoàn toàn ý thức mình đi. Tâm hồn cậu còn bàng hoàng như trong mộng, và chỉ bừng tỉnh khi một mục tử gọi tên cậu. Anh chàng tức giận vì cậu đã vắng mặt quá lâu, nhưng khi trông thấy Dasa, cậu chỉ mở lớn măt ngạc nhiên nhìn, dường như không hiểu được ai đang nói gì với cậu, thì người kia kinh ngạc thốt lên : 

- Sao thế, mày ? Mày vừa trông thấy một vị thần tiên nào, hay gặp ma quỷ chăng ? 

Dasa nói : 

- Tôi đang ở trong rừng, dường như có một sức mạnh nào lôi cuốn tôi đến chỗ ấy. Tôi muốn tìm mật. Nhưng tôi đã quên hết mọi sự vì thấy một ẩn sĩ ngồi thiền định. Khi thấy gương mặt sáng ngời của ông ta, tôi cũng đứng bất động nhìn ông một lúc lâu. Tôi muốn trở lại đấy chiều nay và mang cho ông ta một ít quà. Ông ấy là một người thánh thiện. 

- Thì mày hãy mang đi. Đem cho ông sữa và bơ ngọt. Chúng ta nên cung kính cúng dường các vị ấy những gì ta có thể cúng. 

- Nhưng tôi phải nói với ông ta như thế nào ? 

- Không cần phải nói gì cả, Dasa. Chỉ cần cúi thấp và đặt đồ cúng trước mặt ông. Thế là xong. 

Dasa làm y lời. Cậu phải mất một lúc để tìm ra chỗ cũ. Khoảng trống trước chòi tranh bấy giờ vắng vẻ, nhưng cậu không dám đi vào trong chòi. Bởi thế cậu đặt tặng phẩm trước cửa chòi rồi bỏ đi. Trong thời gian đàn bò và đoàn người chăn còn lưu lại vùng lân cận, Dasa đem đồ cúng hàng ngày vào buổi chiều.

Một hôm cậu đến vào buổi sáng, thấy vị ẩn sĩ ngồi đắm mình trong thiền quán; và lần này cũng thế, cậu bị thu hút bởi năng lực toát ra từ nơi sự bình an của người, đứng lại đấy một lúc trong tâm trạng cực kỳ hạnh phúc. 

Rất lâu sau khi đàn bò và mục tử đã dời đến những đồng cỏ khác, Dasa vẫn nhớ mãi kinh nghiệm của cậu trong khu rừng này. Mỗi khi ngồi một mình, cậu thường mơ màng tưởng tượng mình cũng là một ẩn sĩ thực hành thiến định. Nhưng với thời gian, ký ức và mộng mơ của cậu cũng phai dần, vì cậu bé bây giờ đang độ lớn nhanh thành một thanh niên lực lưỡng, hăng hái lao mình vào những trò chơi mạnh bạo của đồng bọn mục tử. Nhưng vẫn còn một chút ánh sáng mờ nhạt của ký ức le lói trong tâm hồn chàng, khiến chàng có một ý nghĩ mơ hồ rằng đời sống vương giả và vương vị mà chàng đã mất ấy, một ngày kia có thể được thay bằng sự tôn quý và năng lực của thiền định. 

Một ngày, khi họ đến vùng phụ cận kinh đô, thì có tin đồn thành phố đang sửa soạn một cuộc lễ lớn. Vua Ravana đã già yếu, nên định ngày làm lễ tấn phong cho hoàng tử Nala kế vị. 

Dasa muốn đi xem cuộc lễ. Chàng mong mỏi được thấy lại kinh đô một lần, vì chàng chỉ còn ký ức lờ mờ về nó từ tấm bé. Chàng muốn nghe âm nhạc, ngắm đoàn người diễn hành và cuộc so tài giữa những vương tôn công tử. Chàng cũng muốn nhìn xem một lần cho biết những con người ở kinh thành, vì chàng biết - mặc dù một cách mơ hồ, như chuyện hoang đường thần thoại - rằng thế giới của họ cũng là thế giới của chàng. 

Đoàn mục tử có nhiệm vụ phải cung cấp một xe bơ cho triều điènh dùng vào lễ tế trong dịp ấy, và Dasa sung sướng được chọn làm một trong ba người đem sữa vào kinh đô. Họ đến kinh thành vào chiều hôm trước buổi lễ, trao sữa cho quan tế tự, Vasudeva, nhưng ông không nhận ra chàng. Ba thanh niên mục tử nối gót đám đông đi xem cuộc lễ với những đàn voi dẫn đầu cuộc diễn hành, xe hoa của tân vương Nala đi trong tiếng trống vang dội. Tất cả cảnh tượng ấy đối với chàng thật vui nhộn, lộng lẫy, nhưng đồng thời cũng thật lố bịch, nực cười. Chàng ngắm mọi sự trong niềm vui thú, nhưng vẫn với tâm trạng của một mục tử ở núi rừng, nghĩa là vốn sẵn khinh thị dân thành phố. 

Chàng không hề có ý nghĩ đến chuyện chàng là con trưởng đã bị cướp ngôi, rằng người ngồi xe hoa kia đáng lẽ là chàng; rằng Nala em khác mẹ với chàng đã chiếm chỗ của chàng . Không, nhưng chàng đặc biệt không ưa gã Nala ngồi xe ấy, mà chàng cho là thật ngu ngốc và hạ liệt trong cái bộ tịch quan trọng phô trương rỗng tuếch của y. 

Khi trở về sau cuộc lễ, Dasa đã thành một người đàn ông. Chàng đã biết đeo đuổi con gái và đấu võ với những thanh niên khác để tranh người đẹp. Bây giờ họ đang tiến đến một miền khác, một vùng đồng cỏ. Ở đó, chàng gặp một thiếu nữ xinh đẹp, con gái của một trại chủ. Dasa say mê nàng đến độ quên hết mọi sự, hy sinh cả đời sống tự do của chàng để chiếm được cô gái. 

Khi đoàn mục tử nhổ trại để đi đến những đồng cỏ mới, Dasa gạt qua tất cả những lời khuyên nhủ, cảnh cáo của đồng bạn, từ gĩa cuộc đời du mục,và bắt đầu định cư. Chàng cưới được nàng Pravati làm vợ, nhưng bù lại chàng phải cày cuốc cho ông nhạc, giúp ông xay lúa bổ củi. Chàng làm một cái chòi đắp bằng tre và đất bùn, và giữ vợ chàng trong ấy. 

Cái mãnh lực ấy thật ghê gớm, nó làm cho một thanh niên bỏ hết những thú vui, bạn bè, thói quen, thay đổi hẳn nếp sống cũ để sống giữa những người lạ, với vai trò con rễ nhàm chán. Nhưng sắc đẹp của Pravati thật quyến rũ, sự hứa hẹn tình yêu thật quá nhiều, khiến Dasa trở thành mù quáng, và hoàn toàn quy phục người đàn bà này. Nhưng hạnh phúc của chàng chỉ được một năm, mà trong khoảng thời gian đó chàng cũng không hoàn toàn sung sướng. Chàng phải chịu đựng nhiều thứ khác : những yêu sách của ông nhạc, sự hỗn xược của mấy đứa em vợ và tính khí thay đổi của vợ chàng. 

Hương lửa đang nồng chưa trọn năm, thì một hôm vùng lân cận xôn xao về tin tân vương sắp ngự đến vùng này để săn bắn. Những lều trại được dựng lên khắp nơi, đoàn kỵ binh và tuỳ tùng rần rộ kéo đến dọn đường cho vị vua trẻ. Dasa không chú ý gì đến cảnh ấy. Chàng bận cày cuốc trong đồng ruộng, chăm lo cối xay, chàng tránh xa những người đi săn và triều đình.

Nhưng một ngày kia khi trở về túp lều tổ ấm, chàng không thấy vợ đâu nữa. Chàng đã triệt để cấm nàng bước chân ra ngoài trong thời gian triều đình đang ở vùng lân cận; cho nên bấy giờ chàng bỗng cảm thấy tim nhói đau, và linh cảm một tai hoạ. Chàng vội vàng đến nhà ông nhạc, vợ chàng cũng không có ở đấy, không ai nhận đã thấy hay gặp nàng. Niềm đau trong tim chàng thêm mãnh liệt. Chàng sục tìm khắp những luống cải trong đồng, suốt ngày này qua ngày khác, chàng chạy từ chòi mình đến nhà ông nhạc và trở về, tìm dưới ruộng, xuống giếng, săn tìm dấu chân, gọi tên nàng, vỗ về, nguyền rủa. Cuối cùng đứa em út của vợ chàng nói thật cho chàng biết. Pravati đang ở trong trại của vua, và người ta đã thấy nàng ngồi trên lưng ngựa với vua.

Dasa lẻn đến chỗ Nala cắm trại, mang theo cái ná ngày xưa chàng đã dùng khi còn làm mục tử. Ngày như đêm, mỗi khi trại của Nala gần như không người canh giữ, thì chàng bò lại gần, nhưng mỗi lần như vậy quân canh lại xuất hiện ngay, và chàng phải bỏ trốn. Ẩn trong cành cây, chàng có thể thấy ông vua trẻ với gương mặt khả ố mà chàng còn nhớ rõ trong ngày lễ tấn phong ngày trước. Chàng ngắm y lên ngựa. Khi y trở về hàng giờ sau đó, xuống ngựa, giở tung tấm vải che lều, Dasa có thể trông thấy dưới bóng mờ bên trong trại, một người đàn bà đi ra đón vua. Chàng suýt ngã từ trên cây xuống đất khi nhận ra vợ chàng.

Bây giờ chàng mới tin chắc chắn, và sức nặng đè nơi ngực chàng trở nên không còn chịu đựng được nữa. Hạnh phúc và tình yêu của chàng mãnh liệt thế nào, thì bây giờ cơn tức giận, nỗi mất mát và sĩ nhục càng lớn lao hơn thế ấy. Sự tình là như vậy, khi con người đặt hết khả năng yêu thương của mình vào một đối tượng duy nhất. Cùng với sự mất mát tình yêu, tất cả cùng sụp đổ đối với chàng; chàng đứng đấy giữa đống gạch vụn, hoàn toàn bị tước đoạt đến trắng tay. 

Dasa đi lang thang một ngày một đêm trong khu rừng lân cận, chàng đã kiệt sức, nhưng sau mỗi lần nghỉ mệt ngắn ngủi, nỗi đau khổ trong tim lại thúc chàng tiến bước. Chàng cứ phải đi mãi, tưởng chừng như chàng cần phải đi đến tận cùng thế giới, cho đến tận cùng cuộc đời, một cuộc đời đã mất hết ý nghĩa và ánh sáng. Tuy vậy, chàng không lang thang đến những vùng xa lạ. Chàng chỉ lượn quanh khu vực gian chòi của chàng, nhà xay, đồng lúa và lều trại của ông vua. Chàng thu gọn mình nấp trong đám lá, lòng chua xót và nóng cháy như một con thú đói rình mồi, cho đến khi cái giây phút hồi hộp ấy đến – giây phút mà chàng đã dành cho nó tất cả sức lực cuối cùng của mình – nghĩa là cho đến khi vị vua bước ra ngoài lều vải. Chàng lặng lẽ tuột xuống khỏi cành cây, giương ná bắn ngay vào trán kẻ thù một miếng đá nhọn. Nala ngã xuống bất tỉnh. Dường như không có ai ở quanh đấy. 

Cơn bão tố của đam mê thù hận và khoái lạc trả thù gầm thét trong ngũ quan của chàng bỗng dưng bị chận đứng lại một cách hãi hùng và kỳ lạ : chàng lặng người đi một lúc, một sự im lặng sâu xa ngự trị trong hồn chàng. Ngay khi sự huyên náo bắt đầu, một đám đông tôi tớ xúm quanh nạn nhân và tin dữ bắt đầu loan ra, thì chàng đã biến mất trong những bụi tre rậm rạp dẫn xuống thung lũng. 

Trong cơn mê sảng của hành động, lúc nhảy xuống khỏi cây và nhắm đích bắn ra miếng đá giết người, chàng có cảm tưởng đang dập tắt luôn cả sự sống của mình, đang ném đi sinh lực cuối cùng, lao mình theo viên đá định mệnh xuống tận vực thẳm của lãng quên, đoạn diệt. Chàng tưởng như nếu giết được kẻ thù, thì chàng sẽ vui lòng chết sau hắn một giây thôi cũng được. Nhưng bây giờ, khi hành động đã được tiếp theo bởi cái khoảnh khắc im lặng lạ lùng mà chàng không ngờ tới ấy, thì bỗng dưng chàng lại khao khát sống, một nỗi khao khát chàng không nhận ra, đã kéo chàng trở lại từ vực thẳm. Một bản năng nguyên thuỷ xâm chiếm giác quan chàng, tứ chi chàng, lôi kéo chàng chạy trốn vào rừng sâu, ra lệnh cho chàng phải ẩn nấp. 

Chàng chỉ ý thức được những gì xảy đến sau khi đã tới một nơi ẩn nấp an toàn. Khi ngã quỵ kiệt sức, thở hào hển, cơn cuồng nhiệt nhường chỗ cho sự bình thản, chảng lại cảm thấy thất vọng và tự khinh hành động chạy trốn của mình. Nhưng khi đã qua cơn mệt, chàng lại quyết định phải sống, và một lần nữa tim chàng cảm thấy khoái trá một cách man dại về hành động vừa qua. 

Cuộc săn tìm kẻ sát nhân khởi sự. Những người đi lùng bắt đầu rải rác khắp những khu rừng. Họ sục sạo suốt ngày trong những bụi cây, nhưng chàng thoát được nhờ ẩn kín trong ao đầm, nơi không ai dám vào vì sợ gặp hổ báo. Chàng ngủ một lúc, nằm tỉnh táo nghe ngóng một lúc, bò, rồi lại nghỉ. Cứ thế cho đến ngày thứ ba thì chàng đã qua khỏi những ngọn đồi và tiến lên những đỉnh núi cao. 

Cuộc đời không nhà từ đấy dẫn chàng đi chỗ này chỗ nọ, làm cho chàng cứng rắn, chai lì, nhưng cũng khôn ngoan nhẫn nại hơn. Tuy thế, về đêm chàng luôn luôn mơ thấy Pravati và hạnh phúc đã qua, hay ít nhất cái mà chàng đã gọi là hạnh phúc. Chàng cũng mơ nhiều về cuộc săn tìm và ẩn trốn - những giấc mơ hãi hùng làm cho tim chàng ngưng đập, như là mơ thấy mình đang chạy trốn khỏi những khu rừng, trong khi bị đuổi sát sau lưng với trống còi inh ỏi. Chàng cố chạy thoát qua những ao đầm, băng qua những chiếc cầu gãy, mang theo vật nặng được gói kín nhưng chàng không biết đó là vật gì. Chàng chỉ biết một điều là nó rất quý báu, chàng không được để nó rơi khỏi tay mình trong bất cứ trường hợp nào. Đó là cái gì quý giá đang lâm ngauy, một tài sản, có lẽ một vật đã được lấy trộm, gói trong một mảnh vải sáng, có hình xanh đỏ như chiếc áo của Pravati ngày nào. Chàng khó nhọc mang vật ấy mà chạy trốn qua bao nhiêu hiểm nguy, cho đến cuối cùng, khi đã mệt lả, chàng dừng lại, từ từ mở bọc vải ra xem, thì thấy cái kho báu mà chàng đang cầm trong đôi tay run rẩy đó, chính lại là cái đầu của chàng. 

__________________

Từ đấy, chàng sống cuộc đời lén lút của một kẻ du thủ lang thang. Bấy giờ không hẳn chàng trốn người ta, mà đúng hơn muốn tránh họ. Một ngày kia, trong cuộc lữ hành, chàng đến một vùng đồi núi trông thật xinh đẹp và dường như đón mời chàng, chàng cảm thấy cần phải biết rõ khu rừng ấy. Chàng nhận ra một đồng cỏ gọi cho chàng những ngày trong sáng hồn nhiên, lúc chàng chưa biết đến tình ái và ghen tuông, cừu hận và trả thù.

Đấy là đồng cỏ mà ngày xưa chàng đã chăn bò với các bạn mục tử trong khoảng đời an bình nhất của tuổi hoa niên. Một cơn buồn nhẹ lan trong tim chàng đáp lại tiếng mời gọi của rừng sâu với tiếng lá xạc xào trong gió, tiếng hát của con suối nhỏ, tiếng chim líu lo và tiếng ong vù vù. Tất cả nghe như mùi hương mời gọi của mái ấm, nơi an nghỉ. Trong cuộc đời du mục, chưa bao giờ chàng thấy đồng nội có vẻ thân thiết với mình đến thế. 

Chàng lang thang khắp nơi trong khung cảnh thanh bình đó. 

Lần đầu tiên trong nhiều tháng ngày kinh khủng, chàng bước đi với tâm hồn rộng mở, không nghĩ ngợi gì, không ước mong gì, hoàn toàn đặt mình vào hiện tại an tĩnh. Chàng cảm thấy có mãnh lực gì thu hút chàng vào trong khu rừng bên kia những đồng cỏ. Khi bước dưới những hàng cây trong bóng chiều, cảm giác quen thuộc càng tăng, đưa chàng đi dọc theo những con đường nhỏ. Chân chàng như tự động tìm lối bước tới một rặng dương ở giữa khu rừng rộng, và gặp gian chòi nhỏ. Trên khoảnh đất trước mặt chòi, đang ngồi bất động vị ẩn sĩ mà ngày xưa chàng đã đứng nhìn, người mà chàng đã cúng sữa và bơ dạo ấy. 

Dasa ngừng bước, như thể vừa tỉnh giấc. Mọi sự vẫn như trước, ở đây không có thời gian trôi qua, không có sự giết chóc và đau khổ. Ở đây cuộc đời và thời gian như thể đông lại thành khối pha lê, ngưng lại thành vĩnh cữu. Chàng đứng nhìn ông già, cảm nghe trong tim niềm thán phục, yêu kính mà chàng có khi mới thấy vị ẩn sĩ lần đầu. Chàng nhìn căn chòi và nghĩ nó cần được sửa chữa trước khi mùa mưa đến. Rồi chàng đánh bạo tiến thêm vài bước, đi vào trong chòi, nhìn quanh. Rất ít đồ đạc, hầu như không có gì : một thảm lá, một cái bầu chứa một ít nước, và một cái túi rỗng đan bằng mây. Chàng lấy cái túi đi vào rừng kiếm ăn, trở lại với một túi trái cây và mật của vài thứ cây rừng. Đoạn chàng xách bầu đi lấy nước.

Chàng đã làm xong tất cả những công việc có thể làm. Quả thật là ít oi, những gì một con người cần để sống. Dasa quỳ gối trên đất và đắm mình trong mộng tưởng. Chàng hài lòng với sự nghỉ ngơi yên lặng này, hài lòng với chính mình, với tiếng gọi bên trong đã đưa chàng đến đây, nơi mà khi còn là một cậu bé, chàng đã cảm thấy có cái gì giống như thanh bình, hạnh phúc và quê hương. 

Bởi thế chàng ở lại với vị ẩn sĩ già. Chàng lợp lại chòi, kiếm thức ăn cho cả hai, và bắt đầu dựng một căn chòi riêng cho chàng cách một khoảng ngắn. Ông già dường như chịu cho chàng ở, nhưng Dasa không hoàn toàn chắc chắn ông ta có để ý đến mình hay không. Mỗi khi ông đứng dậy ra khỏi thiền định, thì chỉ để đi vào ngủ trong rừng. Dasa sống với ông như một tên đầy tớ trước mặt một người quý tộc, đúng hơn như một con vật người ta nuôi để chơi, một con vật hữu dụng nhưng không được người để ý. 

Vì chàng đã sống đời đào tẩu quá lâu, luôn luôn sợ hãi bị vây bắt, cho nên cuộc sống an nghỉ này, với những công việc không nhọc sức, với sự hiện diện của một người dường như không để ý đến mình - cuộc sống ấy làm chàng thoải mái một thời gian. Những giấc ngủ của chàng không còn bị ám ảnh bởi những ác mộng, có những lúc chàng có thể quên mọi sự trong nửa ngày, rồi trọn ngày. Tương lai không làm chàng bận tâm, và nếu có bao giờ chàng mong ước điều gì, thì chính là được ở lại nơi chàng đang ở, được vị ẩn sĩ thâu nhận và dạy chàng những bí quyết của đời ẩn cư, trở thành một ẩn sĩ như ông, có được cái bình thản kiêu hãnh của một ẩn sĩ. 

Chàng đã khởi sự bắt chước ngồi thiền, nhưng mỗi khi làm như vậy chàng đâm ra mệt mỏi ngay, cảm thấy chân tay cừng đờ và sưng đau, muỗi đốt, bị quấy rầy bởi mọi thứ, cảm thấy ngứa ngáy khó chịu trong người, khiến chàng phải cử động, phải gãi, rồi cuối cùng phải đứng dậy. Nhưng có nhiều lúc chàng cảm thấy khác, một cảm giác trống trải, nhẹ nhàng, như bơi trong không khí, kiểu như thỉnh thoảng trong giấc mơ ta thường thấy mình bay bổng. Nhưng những giây phút như thế không lâu bền. Chàng mong mỏi được vị ẩn sĩ chỉ dạy nghệ thuật thiền định, nhưng ông ta dường như không bao giờ để ý đến chàng, không bao giờ thốt lên tiếng nói.

Tuy nhiên, có một ngày ông ta nói lên một lời. Bấy giờ gặp lúc Dasa trở lại những đêm mộng mị, khi thì rất êm đềm, nhưng thường là những cơn ác mộng khốc liệt, hoặc về vợ chàng, hoặc về những kinh khủng trong cuộc đời trốn tránh. Ban ngày chàng cũng không khá hơn, không thể chịu đựng ngồi yên và thực tập thiền quán, không quên được đàn bà và tình yêu. Chàng đi lang thang trong rừng phần lớn thì giờ. Chàng trách cứ thời tiết đã làm chàng ra như vậy; đấy là những ngày oi bức với những cơn gió nóng hắt vào mình. 

Một ngày xấu trời như thế lại đến. Những con muỗi kêu vo ve. Dasa vừa mới qua một đêm với những chiêm bao kinh khủng làm cho chàng khi thức dậy vẫn còn cảm giác sợ hãi đè nặng lên người. Chàng không còn nhớ đã mộng những gì, nhưng khi thức giấc chàng có cảm tưởng vừa rơi trở lại vào những giai đoạn khốn nạn, đáng hổ thẹn trong đời chàng trước đấy. 

Suốt ngày, chàng đi lui đi tới một cách bồn chồn quanh gian chòi, hoặc ngồi xổm giữa đất, dáng rầu rĩ. Chàng làm qua loa những việc vặt vãnh, nhiều lần ngồi xuống tập thiền định, nhưng mỗi lần như vậy chàng lại bị tóm lấy bởi một cơn bần thần nóng nảy. Chàng cảm thấy chân tay co quắp lại, cảm thấy như kiến bò trên bàn chân, cảm thấy nóng ran nơi gáy và không thể chịu đựng ngồi yên chỉ trong vài phút. Thỉnh thoảng chàng rụt rè hổ thẹn đưa mắt nhìn ông già đang ngồi bất động, mắt hướng vào bên trong, gương mặt tỏ lộ một sự bình an bất khả xâm phạm. 

Ngày hôm ấy, khi vị ẩn sĩ đứng lên đi vào chòi, Dasa lại gần ông. Chàng đã chờ đợi giây phút này từ lâu. Chàng chận đường ông, và thu hết can đảm để nói : 

- Bạch thầy, xin thầy tha thứ cho con vì đã quấy rối sự bình an của thầy. Con cũng đang đi tìm sự an tâm, tĩnh lặng, con muốn sống như thầy, trở thành như thầy. Thầy thấy, con còn trẻ, nhưng con đã nếm trải mọi mùi đắng cay. Định mệnh đã chơi con những vố tàn khốc. Con là một thái tử, nhưng lại bị ném ra giữa rừng làm một đứa chăn bò. Con trở thành mục tử, lớn mạnh và sung sức như một con bò tơ, với trái tim hồn nhiên vô tội. Rồi mắt con mở ra trước đàn bà, và khi trông thấy người đàn bà xinh đẹp nhất, con đã để hết đời mình mà phụng sự nàng. Không có nàng chắc con chết mất. Con từ bỏ đoàn mục tử, cưới nàng, trở thành một đứa con rể làm lụng như trâu, chỉ vì nàng. Nhưng bù lại, con được tình yêu của nàng hay ít nhất con nghĩ thế. Rồi đột ngột, vua đến săn trong vùng con ở, hắn chính là người đã làm cho bị vứt ra giữa rừng lúc còn bé. Hắn đến chiếm đoạt luôn Pravati của con, và con đã điếng người khi thấy nàng trong vòng tay hắn. Đấy là nỗi đau đớn nhất mà con từng biết đến, nó làm con thay đổi hẳn, nó biến đổi cả cuộc đời con. Con giết tên ấy, và từ đó sống cuộc đời của một kẻ sát nhân đào tẩu. Mọi người đều tầm nã để giết con, cuộc đời con không có phút giây nào an ổn cho đến khi con đến được nơi này. Con là một kẻ ngu si, bạch thầy, con đã giết người, và có lẽ còn bị săn tìm, bị vây bắt. Con không còn chịu nổi cái cuộc đời kinh khủng đó, con muốn chấm dứt. 

Vị ẩn sĩ im lặng lắng nghe chàng thổ lộ với đôi mắt nhìn xuống. Bây giờ ông mở mắt, tập trung nhãn lực vào gương mặt của Dasa, một cái nhìn trong sáng, thản nhiên, cả quyết, gần như khó chịu. Trong khi thăm dò nét mặt của chàng, miệng ông từ từ vẽ thành một nụ cười, rồi một cái bật cười không thành tiếng. Ông lắc đầu, nói : 

- Maya ! Maya ! 

Vô cùng ngạc nhiên và hổ thẹn, Dasa đứng im như phỗng đá. Vị ẩn sĩ trước bữa ăn chiều, đi dạo lui tới trên con đường nhỏ dẫn vào cụm rừng. Với những bước chân đều đều lặng lẽ, ông trở về, vào chòi. Nét mặt ông trở lại như cũ, hướng về một cái gì đó khác hơn thế giới hiện hữu này. Cái cười đã đánh tan sự phẳng lặng bất động trên gương mặt đó, cái cười ấy có nghĩa gì ? Nó là thiện cảm, là nhạo báng, an ủi hay chê trách, thánh thiện hay quỷ quyệt ? Phải chăng đấy chỉ là cơn nhạo đời của một ông già không còn có thể xử sự đàng hoàng trước sự cuồng si của con người ? Nó có nghĩa một lời khuyên, một lời mời gọi chàng nên theo gương ông, và bật cười lên ? Dasa không thể lý giải nổi sự bí ẩn này. 

Cho đến khuya chàng vẫn còn suy nghĩ về ý nghĩa cái cười ấy, với cái cười đó ông già dường như muốn toát yếu tất cả cuộc đời chàng, hạnh phúc và đau khổ của chàng. Chàng gặm nhắm cái cười ấy như thể nó là một khúc rễ dai cứng nhưng có vị ngọt ẩn kín. Chàng cũng nghiền ngẫm về hai tiếng "Maya" mà ông đã thốt lên. Chàng nửa biết, nửa đoán ý nghĩa tổng quát của danh từ ấy, giọng điệu ông già khi nói tiếng ấy cũng giúp chàng hiểu hơn. Maya – đó là cuộc đời chàng, tuổi trẻ của chàng, hạnh phúc ngọt ngào của chàng cũng như nỗi đau khổ cay đắng của chàng . Nàng Pravati xinh đẹp là Maya, tình yêu và những dục lạc mà nó mang lại cũng là Maya, tất cả cuộc đời là Maya. Đối với con mắt của bị ẩn sĩ này thì cuộc đời của Dasa, cuộc đời của mọi người, mọi thứ đều là Maya, là một trò chơi trẻ con, một tấn tuồng, một trò ảo hoá trống rỗng, được bọc một lớp ngoài hào nhoáng, một bong bóng xà phòng - một cái gì mà ta có thể cười khinh bỉ, nhưng tuyệt đối không nên xem là quan trọng.

Nhưng vị ẩn sĩ có thể xua đuổi cuộc đời Dasa bằng cái cười, và từ Maya, nhưng chàng thì không. Mặc dù chàng rât muốn trở thành một ẩn sĩ nhạo đời, nhìn cuộc đời mình chỉ là Maya, mà tất cả cuộc đời ấy vẫn sống dậy trong chàng, vào những ngày đêm bất an này. Bây giờ, chàng nhớ lại tât cả những gì chàng đã gần như quên đi từ khi đến nơi này. Bây giờ, chàng thấy rất ít hy vọng học được nghệ thuật trầm tư, nói gì đến việc trở thành một vị ẩn sĩ. Thế thì chàng còn vương vấn chỗ này làm gì ? Nó chỉ là một nơi an dưỡng, bây giờ chàng đã lại sức phần nào. Và có lẽ ngoài kia, cuộc săn tìm kẻ sát nhân cũng đã chấm dứt, chàng có thể tiếp tục cuộc lữ hành mà không sợ hiểm nguy. 

Chàng quyết định ra đi vào hôm sau. Thế giới này rộng lớn, chàng không thể ở mãi trong chỗ ẩn nấp này được. Quyết định ấy đem lại cho chàng một ít bình an. 

Chàng đã định ra đi lúc bình minh, nhưng khi thức dậy, mặt trời đã lên cao, vị ẩn sĩ đã ngồi thiền, và chàng không muốn bỏ đi mà không từ giã. Hơn nữa, chàng còn muốn yêu cầu một điều nơi ông ta. Bởi thế chàng đợi, hết giờ này đến giờ khác, cho đến khi ông già xuất định, duỗi thẳng tay chân, và khởi sự kinh hành qua lại. Khi ấy Dasa một lần nữa chận đường ông ta, cúi chào kính cẩn, và cứ đứng lì ở đấy cho đến khi ông ta đưa mắt nhìn chàng dò hỏi. Chàng nói : 

- Bạch thầy, con sẽ đi đường của con. Con sẽ không quấy rối sự an tịnh của thầy. Nhưng xin thầy cho con hỏi một lần cuối. Khi con kể cho thầy nghe cuộc đời của con, thầy đã cười và kêu lên "Maya". Lạy thầy, xin thầy dạy cho con thêm về Maya. 

Phần II 

Vị ẩn sĩ quay vào lều, đưa mắt ra hiệu cho Dasa theo ông. Nhặt cái bầu đựng nước lên, ông già trao cho chàng, ra dấu chàng hãy rửa tay. Dasa vâng lời làm theo. Đoạn ông già hất phần nước còn lại trong bầu vào phía rừng, rồi đưa bầu không, bảo Dasa đi kiếm nước. Dasa vâng lệnh. Chàng chạy xuống con đường nhỏ dẫn đến suối, tim nhói đau vì sắp phải từ biệt nơi này. 

Trong ánh hoàng hôn, chàng cúi xuống con suối và thấy gương mặt mình phản chiếu lần cuối trên dòng nước. Chàng từ từ nhúng bầu xuống nước, trong lòng có một cảm giác bất định. Chàng không thể hiểu tại sao chàng lại hơi đau buồn khi chàng tự ý muốn ra đi, đau buồn về điều ông già đã không mời chàng ở lại một thời gian nữa, hoặc ở lại suốt đời. 

Chàng khom mình xuống dòng suối, uống một ngụm nước rồi đứng lên cẩn thận cầm bầu nước cho khỏi đổ. Chàng sắp sửa trở lại con đường mòn, thì bỗng tai chàng nghe một tiếng động làm cho chàng vừa thích thú vừa kinh hãi. 

Đó là tiếng nói mà chàng đã bao lần nghe trong mộng, tiếng nói mà chàng nhớ lại nhiều giờ sau khi tỉnh giấc với nỗi khao khát cay đắng. Giọng nói ấy vỗ về, ngọt ngào xiết bao, quyến rũ xiết bao, nghe hồn nhiên và kiều diễm làm sao trong cảnh rừng chiều, đến nỗi tim chàng run lên vì sợ hãi và mê thích. Đó là tiếng của Pravati, vợ chàng . "Dasa", nàng gọi vói vẻ trìu mến vuốt ve. 

Chàng không tin vào tai mình, mà cứ nhìn quanh, tay vẫn cầm bầu nước và bỗng chốc nàng xuất hiện giữa những thân cây, dáng mảnh mai như một cây lau sậy với đôi ống chân thon dài – Pravati, người yêu phản trắc mà chàng không thể quên được. Chàng để rơi bầu nước và chạy lại phía nàng. Tươi cười, hơi thẹn, nàng đứng trước mặt chàng với đôi mắt bồ câu đen láy. 

Khi lại gần, chàng thấy nàng mang đôi giày đỏ và chiếc áo đắt giá. Cánh tay nàng có một chiếc vòng vàng và những viên ngọc quý lấp lánh trong tóc. Chàng chậm bước lại. Nàng vẫn còn làm tì thiếp của vua chăng ? Không phải chàng đã giết Nala rồi sao? Sao nàng vẫn còn đi tung tăng với những quà tặng của y như thế? Làm sao nàng dám đến trước chàng với những thứ trang sức ấy, và lại dám gọi tên chàng ? 

Nhưng nàng yêu kiều hơn bao giờ cả, chàng không có thì giờ hỏi cho ra lẽ và vội ôm siết nàng, hôn nàng, và trong khi làm như vậy chàng cảm thấy mọi sự đã trở lại với chàng, một lần nữa tất cả lại là của chàng, tất cả những gì chàng đã sở hữu, hạnh phúc – tình yêu, nhục cảm, niềm vui trong sự sống, và cả sự khoái lạc .

Mọi ý nghĩ của chàng đã dời xa khu rừng và vị ẩn sĩ; những cụm rừng, chòi lá, buổi thiền định đã tan biến, bị lãng quên. Chàng không để ý gì nữa tới cái bầu nước mà chàng phải mang về cho vị ẩn sĩ. Nó vẫn ở đấy, nơi chàng làm rớt trong khi vội vã chạy đến Pravati. Và nàng cũng khởi sự kể cho chàng rõ đầu đuôi tại sao nàng lại đến, và tất cả những gì đã xảy ra bấy lâu nay. 

Câu chuyện của nàng thật lạ lùng và thích thú, như một chuyện thần tiên. Dasa lao mình vào đời sống mới cũng như lao mình vào chuyện thần tiên. Bây giờ Pravati lại là của chàng, tên khả ố Nala đã chết. Sự lùng bắt kẻ sát nhân đã chấm dứt từ lâu. Hơn thế nữa, Dasa, vị thái tử chăn bò, đã được công bố là người kế vị hợp pháp. 

Tại kinh đô, một mục tử già và một người Bà-la-môn già đã khơi dậy câu chuyện gần như bị lãng quên về sự lưu đày của chàng, chuyện ấy bây giờ trở thành câu chuyện chính yếu ở cửa miệng mọi người. Chàng, một kẻ đã bị săn đuổi khắp nơi để trị tội hành thích vua, bây giờ ngược lại được tìm kiếm ráo riết hơn nữa, để đưa về kế vị vua. 

Thật là giống như một giấc mộng, nhưng cái điều làm chàng thích thú và ngạc nhiên nhất là sự tình cờ tốt đẹp đã run rủi rằng, trong số tất cả những người được phái đi tìm chàng, Pravati lại là người gặp chàng đầu tiên. Ở bìa rừng, chàng thấy những lều trại đã được dựng lên, mùi khói và thịt nướng xông khắp nơi. Pravati được đoàn hộ tống tung hô nhiệt liệt, và một bữa tiệc lớn bắt đầu ngay khi nàng giới thiệu Dasa, chồng nàng. Trong đám đông có một người xưa kia là bạn mục tử với chàng, chính người này đã dẫn Pravati và tuỳ tùng của nàng đến đây, vì anh ta nghĩ rằng có lẽ Dasa ưa lẩn khuất ở những nơi mà chàng yêu mến lúc còn thơ. Anh ta cười lớn khi nhận ra chàng, và chạy đến toan ôm chàng, nhưng sực nhớ bây giờ chàng đã là vua, anh bèn lùi lại, kính cẩn cúi chào. Dasa đỡ anh ta lên, siết chặt anh, gọi tên anh và hỏi anh muốn thưởng công như thế nào. Người mục tử chỉ muốn một con bò cái tơ. Dasa liền thưởng cho anh ta ba con từ nơi đàn bò tốt nhất. 

Càng lúc càng nhiều người được đưa lên yết kiến vị vua mới : những quan chức, những vị Bà-là-môn trong triều, những người thợ săn của vua. Chàng nhận lời chào mừng của họ. Bữa tiệc được bày ra, tiếng nhạc, trống, kèn, sáo vang lên. Tất cả cảnh tượng tưng bừng của cuộc lễ đối với Dasa dường như là một giấc mộng. Chàng không thể nào ngờ được đấy là sự thực. Trong hiện tại, cái có thực duy nhất đối với chàng có lẽ là Pravati, người vợ trẻ mà một lần nữa chàng được ôm siết trong tay. 

Đám rước vương giả di chuyển từ từ về kinh đô. Sứ giả được phái về trước để báo tin đã tìm được vua đang trên đường về. Kinh thành rộn tiếng trống nhạc khi Dasa và đoàn tuỳ tùng tiến đến. Một đoàn diễn hành gồm những người Bà-la-môn vận toàn trắng ra đón chàng, dẫn đầu bởi quan tế tự - người kế vị Bà-la-môn Vasudeva mà ngày xưa khoảng hai mươi năm trước đã gởi Dasa cho đoàn mục tử. Vị Bà-la-môn ấy vừa từ trần cách đây không lâu. Những vị Bà-la-môn tung hô tân vương, hát thánh ca, và dẫn chàng vào cung điện, ở đấy nhiều đám lửa tế thần đã được đốt lên. Dasa được đưa đến chỗ ở mới của chàng. Lại thêm những cuộc vui, chào mừng, chúc tụng, diễn văn. Ngoài cung thành, dân chúng cũng ăn mừng vui vẻ cho đến nửa đêm. 

Hằng ngày, Dasa được hai vị Bà-la-môn dạy dỗ và chàng tiếp nhận nhanh chóng những kiến thức cần thiết cho một người trị nước. Chàng dự những buổi tế lễ, ban những chỉ dụ, và luyện tập nghệ thuật chiến đấu. Một người Bà-la-môn tên là Gopala, dạy chàng về chính trị, ông ta giải thích vương hệ của chàng và những đặc quyền trong vương hệ ấy, cho chàng biết những người con trai của chàng trong tương lai sẽ có những quyền như thế nào, và ai là kẻ thù của chàng. Kẻ thù chính yếu là mẹ của Nala, người đàn bà ngày xưa đã tước ngôi và âm mưu giết chàng, người mà bây giờ đương nhiên phải thù ghét kẻ đã giết con mình. Bà ấy đã trốn qua nước láng giềng, sống dưới sự che chở của vua Govinda. Dòng họ ông vua này vốn thù nghịch với dòng họ chàng từ thuở khai thiên lập địa. Họ đã gây chiến với tổ tiên chàng, chiếm vài vùng đất đai của lãnh thổ chàng. Ngược lại láng giềng về phương nam, vua Gaipali thì rất thân với cha chàng và luôn luôn thù nghịch với vua Nala. Bởi thế, nhiệm vụ quan trọng của Dasa bây giờ là thăm ông ta, tặng quà hậu hĩ và mời dự cuộc săn bắn đại quy mô sắp tới. 

Pravati thích ứng với thói vương giả rất nhanh. Nàng có cung cách của một bà hoàng, và khi mặc áo đẹp đeo trang sức vào, nàng trông thật lộng lẫy, như thể nàng cũng thuộc dòng dõi vua chúa như chồng nàng. Họ sống với nhau trong nhiều năm hạnh phúc, được dân chúng mến yêu. Và khi cuối cùng, sau nhiều năm chờ đợi, Pravati sinh hạ một trai, thì hạnh phúc của chàng thật là toàn vẹn. Tất cả những gì mà chàng sở hữu, đất đai, vương quyền, lâu đài, kho lẫm, gia súc, bây giờ dưới mắt chàng có tầm quan trọng mới, càng thêm vẻ chói sáng, càng tăng giá trị. Tài sản đã làm chàng hài lòng vì chàng có thể phung phí nó cho Pravati mà sự kiều diễm càng tăng bội với đồ trang sức ngọc ngà. Bây giờ tài sản ấy lại càng làm chàng yêu thích hơn, càng quan trọng hơn, bởi vì nó tượng trưng cho di sản chàng sẽ dành cho Ravana, con trai chàng về sau, đó là hạnh phúc tương lại của con chàng. 

Thú vui chính yếu của Pravati là lễ lạc, những cuộc diễn hành, nghi vệ hào nhoáng, sự lộng lẫy xa hoa, những thứ sang trọng và một đám đông người hầu. Dasa thì thích vui với khu vườn của chàng. Chàng đã sai mua những thứ cây và hoa quý về trồng, nuôi đầy vườn những thứ chim vẹt và chim có lông ngũ sắc. Một trong những thú vui hàng ngày của chàng là cho chim ăn và nói chuyện với chúng. Thêm vào đó, sự học hỏi cũng lôi cuốn chàng. Chàng tỏ ra là một học trò hiếu hạnh đối với những vị Bà-la-môn, chàng học đọc, học viết, thuộc lòng nhiều bài thơ và ngạn ngữ và giữ một người thư ký riêng có biệt tài chép kinh sách trên lá bối. Với bàn tay khéo của người thư ký này, chẳng bao lâu một thư viện nhỏ thành hình. Ở đây, thỉnh thoảng chàng mời những vị Bà-la-môn trong triều đến, những vị học giả và tư tưởng gia xuất sắc trong số những thầy tu, để tranh luận những vấn đề thần học, về nguồn gốc tạo thiên lập địa, về thánh điển Vệ Đà, về năng lực của tế tự, của khổ hạnh, vân vân. Những vị nào nói hay nhất, đưa ra những luận điệu hợp lý nhất sẽ được trao tặng những phần thưởng. Có người được thưởng một con bò cái dắt theo về, sau khi thành công được một cuộc tranh luận. Có một vẻ gì vừa buồn cười, vừa cảm động, khi thấy những vị học giả vĩ đại ấy, mới vài phút trước vừa đọc vanh vách những châm ngôn trong kinh Vệ Đà, hoặc vừa chứng tỏ một tri kiến sâu xa về bầu trời và biển cả, mà phút sau ra về, phồng người lên với vẻ kiêu căng rỗng tuếch vì phần thưỏong, hay gây gỗ nhau vì quà tặng

Nhìn chung, Dasa không khỏi thỉnh thoảng có tư tưởng xem mọi thứ thuộc đời sống con người và bản chất con người như là một cái gì vừa lạ lùng vừa khả nghi, vừa cảm động vừa lố bịch, cũng như những người Bà-la-môn minh triết và khoa trương kia, đồng thời vừa thông minh vừa ngu tối, đáng học hỏi mà cũng đáng khinh. Mỗi khi ngắm nhìn những hoa sen trong ao vườn, nhìn những bộ lông sặc sỡ của những con chim, nhìn những chạm trổ sắc sảo của cung điện, chàng thấy những vật ấy thật thần tiên, rực sáng với ngọn lửa cuộc đời bất diệt. 

Nhưng khi khác, hay có lúc đồng thời, chàng thấy chúng có vẻ gì không thực, không đáng tin cậy, đang hướng đến huỷ diệt, tan biến, trở về hư vô, vào càn khôn hỗn độn. Hệt như chàng đã là một hoàng tử, rồi trở thành mục tử, tụt xuống bậc thấp nhất : một tên sát nhân, một kẻ ngoài vòng pháp luật; rồi cuối cùng thành thái tử trở lại, như thể được dẫn dắt bởi một năng lực vô hình, với những ngày mai luôn luôn bất định… Cứ thế cái trò huyễn hoá của cuộc đời, đâu đâu cũng chứa đựng cùng một lúc sự cao sang và hèn hạ, vĩnh cữu và cái chết, vinh quang và vô nghĩa. Ngay cả Pravati xinh đẹp yêu kiều là thế, mà đôi lúc chàng thấy không còn gì là duyên dáng, nàng mang quá nhiều vòng xuyến, có quá nhiều vẻ đắc thắng kiêu hãnh trong đôi mắt nàng, làm bộ tịch quá nhiều, kiểu cách quá lố để đi đứng cho ra vương giả. 

Còn cần thiết với chàng hơn cả khu vườn và sách vở là con trai chàng, sự hoàn mãn của tình yêu và cuộc đời chàng, đối tượng của hạnh phúc và tình âu yếm. Cậu bé mảnh mai có đôi mắt bồ câu giống mẹ và ưa trầm tư mơ mộng như cha. Mỗi khi Dasa nhìn cậu bé đứng rất lâu trước một gốc cây trong vườn, hay ngồi trên thảm đăm chiêu nhìn một tảng đá, chàng thấy cậu rất giống chàng. 

Lần đâu tiên Dasa nhận ra tình yêu nồng nàn của chàng đối với cậu bé khi chàng phải từ giã cậu trong một thời gian bất định. Đó là lúc vào một ngày kia, một sứ giả từ vùng biên giới trở về báo tin quân của Govinda đã xâm nhập bờ cõi, đánh phá cướp bóc, dẫn bò đi và bắt luôn một số thần dân của chàng. Dasa tức tốc chuẩn bị cuộc chinh phạt. Lúc sắp lên ngựa, chàng ôm con vào lòng, hôn trán nó. Tình yêu con bừng cháy trong tim như lửa đốt. Mãnh lực của cơn đau làm chàng ngạc nhiên và suốt đoạn đường hành quân dài, những suy tư chín mùi thành hiểu biết. Chàng suy nghĩ về lý do tại sao chàng ngồi trên yên ngựa, phi nước đại một cách khẩn trương tiến đến vùng biên giới. Năng lực nào,chàng tự hỏi, khiến chàng nổ lực hăng hái như thế ? Nghĩ cho cùng, chàng nhận thấy rằng gia súc hay người có bị bắt đi bớt một ít cũng không phải là điều quan trọng đối với chàng. Sự việc kẻ thù coi nhẹ uy quyền chàng cũng không đủ để khơi dậy giận dữ nơi chàng, thúc đẩy chàng hành động. Đối với chàng, thái độ tự nhiên hơn có lẽ là cho bỏ qua mẫu tin ấy với một nụ cười trắc ẩn. Nhưng làm như vậy, chàng biết sẽ phạm một điều bất công lớn đối với viên sứ giả, người đã chạy hụt hơi về để báo tin cho chàng đến nỗi gần như kiệt sức và ngã quỵ. Và làm như vậy cũng bất công đối với những thần dân đang bị giặc bắt làm tù binh, làm nô lệ. Rồi những thần dân khác dù chưa bị hại, cũng sẽ lấy làm bất mãn trước thái độ thụ động của chàng, đã không tích cực bảo vệ xứ sở. Đối với họ lẽ đương nhiên là nếu họ bị xâm phạm thì vua phải che chở và trả thù cho họ. Chàng hiểu rằng mình có bổn phận phải chiến đấu để trả thù. Nhưng có thực là bổn phận chăng ? Có biết bao nhiêu bổn phận chúng ta thường bê trễ, lơ là với chúng mà không một chút áy náy trong lòng ? Lý do nào làm cho cái phận sự trả thù lại không phải là một phận sự đương nhiên không thể xao lãng, lý do nào khiến chàng không phải chỉ làm phận sự ấy một cách miễn cưỡng cho xong, mà trái lại, làm một cách miễn cưỡng cho xong, mà trái lại, làm một cách hăng hái, say mê ? Vừa khi câu hỏi khởi lên, trái tim chàng đã trả lời ngay tức khắc, và một lần nữa nó lại run lên vì nỗi đau mà chàng cảm thấy lúc chia tay với con chàng. Nếu chàng, một vị vua, không có phản ứng nào, khi bờ cõi bị xâm lăng, thì sự cướp bóc bạo hành sẽ lan dần đến kinh đô và đánh ngay vào nơi hiểm yếu nhất là con chàng. Chúng sẽ bắt con chàng, người kế vị, đem đi xa giêt đi hay hành hạ nó, và đấy là nỗi đau đớn cùng cực nhất đối với chàng, còn hơn gấp bội cái chết của Pravati. Vậy, đó là lý do làm chàng hăm hở phi nước đại, làm chàng chứng tỏ là một bậc minh quân : không phải vì quan tâm đến chuyện mất trâu, bò, đất đai, không phải vì thương yêu gì thần dân, cũng không phải vì muốn xứng đáng truyền thống kiêu hùng của ông cha chàng, mà chỉ vì tình yêu nồng nàn, đau khổ, phi lý đối với đứa con trai, và vì nỗi sợ hãi cũng rất nồng nàn phi lý, sợ sẽ phải đau đớn vô cùng nếu mất con.

Trong khi cưỡi ngựa, chàng đã hiểu ra như thế. Tuy nhiên, chàng đã không trừng phạt được những quân lính của Govinda đến cướp bóc trên đất nước của chàng, vì chúng đã chạy thoát mang theo những chiến lợi phẩm. Bây giờ muốn tỏ sự cương quyết của mình, chàng phải xâm lăng lại đất đai kẻ thù, tàn phá một khu làng ở biên giới ấy, mang về một ít trâu bò và nô lệ. 

Chàng đi đi nhiều ngày. Trên đường thắng trận trở về, chàng lại rơi vào trạng thái trầm tư và đến hoàng cung với bao lặng lẽ buồn sầu. Bởi vì chàng đã nhận thấy mình hoàn toàn bị trói buộc, bị vướng bẫy không hy vọng thoát ra; toàn thể con người chàng và những hành động của chàng đều bị siết chặt bởi một mạng lưới quỷ quái yêu ma.

Trong khi khuynh hướng trầm mặc yếu thích đời sống tự nhiên nơi chàng càng ngày càng tăng trưởng, thì từ một nguồn suối khác, đồng thời cũng tăng trưởng tình yêu đối với Ravana, nỗi lo ngại cho mạng sống và tương lai. Tình yêu ấy thúc giục chàng hăng say hành động đến nỗi phải vướng vào mâu thuẫn xung đột càng ngày càng trầm trọng. Từ tình yêu ấy, tăng thêm sự xung đột trong lòng chàng; từ tình yêu ấy, tăng trưởng chiến tranh. Trong nổ lực đem lại công bằng, chưa gì chàng đã xâm phạm một đàn bò, khủng bố một khu làng, bắt bớ những người dân vô tội. Dĩ nhiên, từ hành động đó sẽ nảy sinh một trận trả đũa, một cuộc bạo động mới, và cứ thế tiếp tục mãi cho đến khi cả cuộc đời chàng, toàn thể đất nước của chàng lao vào cuộc chiến tranh và bạo động. Chính viễn tượng ấy làm cho chàng trở nên trầm mặc, ưu tư trên đường thắng trận trở về. 

Chàng đã đoán đúng. Nước láng giềng thù nghịch không để chàng yên. Những cuộc xâm phạm, cướp bóc gia tăng. Dasa lại phải lên đường hành quân để trả thù và tự vệ; khi kẻ thù rút lui, quân của chàng lại trả đũa bằng cách đánh phá dân làng của nước nghịch ở vùng biên giới. Càng ngày hình ảnh kỵ binh càng trở nên quen thuộc với dân trong thành. Ở nhiều làng biên giới bấy giờ luôn luôn có những đạo binh canh phòng cẩn mật. Những hội nghị quân sự chuẩn bị chiến tranh làm cho tâm trí họ xáo trộn. Chàng mất hết những ngày an ổn. Chàng không hiểu nổi cuộc chiến dai dẳng này sẽ có ích lợi gì, chàng đau buồn cho số phận những nạn nhân, cho thi thể những người chết. Chàng buồn, vì phải xa dần khu vườn và sách vở. Chàng tiếc sự an tịnh tâm hồn và những ngày yên ổn trong đời chàng đã không còn nữa. Chàng thường nói những điều ấy với Gopala người Bà-la-môn và đôi khi với vợ chàng. 

Có nên nhờ một vị vua nước láng giềng làm trung gian hoà giải không ? Về phần chàng, chàng sẽ sẵn sàng nhượng một ít đồng cỏ và làng mạc để đem lại hoà bình. Chàng thất vọng và hơi giận khi cả hai người, Gopala và vợ chàng, đều nhất quyết không đồng ý phương án như thế. 

Sự bất đồng quan điểm giữa chàng với Pravati đưa đến một trận gây gỗ kịch liệt, và chấm dứt bằng sự không nhìn mặt nhau. Chàng đã cố thuyết phục nàng với lời hơn lẽ thiệt, song nàng làm như thể mỗi lời chàng nói ra không phải là chống chiến tranh mà chỉ cốt chống nàng. Nàng nói dông dài cho chàng hiểu rằng quân thù sẽ lợi dụng tính hiếu hoà của chàng để bắt chàng ký hết thoả ước này đến thoả ước khác, mỗi lần lại phải nhượng đất và dân, mà cuối cùng chúng cũng không thoả mãn, sẽ trở lại gây chiến và cướp tất cả những gì còn lại. Nàng không quan tâm đến trâu bò hay làng mạc, mà đến số phận của toàn dân, sự tồn vong của tất cả mọi người . Nếu Dasa không biết bổn phận của mình đối với vương quốc, với con với vợ, thì nàng phải dạy cho chàng. Mắt nàng long lên, tiếng nàng the thé, đã lâu chàng mới lại thấy nàng đẹp làm sao, dữ dằn làm sao. Nhưng chàng chỉ cảm thấy buồn sầu. 

Những cuộc xâm lăng của quân thù ở vùng biên giới vẫn tái diễn, chỉ tạm ngưng trong mùa mưa. Bấy giờ trong triều chia hai phe rõ rệt : phe muốn hoà rất ít, ngoài Dasa chỉ vỏn vẹn vài vị Bà-la-môn già, những người trí thức ưa thiền định. Phe hiếu chiến của Pravati và Gopala chiếm đa số những tu sĩ Bà-la-môn và toàn thể võ quan. Cả nước hăng say chuẩn bị chiến tranh, có tin cho hay rằng nước láng giềng Govinda cũng đang luyện tập binh mã. Trưởng đoàn thợ săn dạy cho thái tử Ravana cách bắn cung, mẹ cậu đưa cậu đi xem mọi cuộc duyệt binh ứng chiến. 

Trong thời gian đó, Dasa thỉnh thoảng nhớ tới khu rừng nơi chàng đã ẩn náu với vị ẩn sĩ già đầu tóc bạc trắng ngồi đăm chiêu thiền định. Đôi khi chàng cảm thấy muốn đến viếng người, hỏi ý kiến của người. Nhưng chàng không biết vị ấy còn sống không, cũng không biết ông có chịu nghe và khuyên bảo chàng không. Nhưng dù ông ta còn sống và có khuyên bảo chàng, thì mọi sự cũng sẽ đi con đường của nó mà không gì thay đổi được. Thiền định và trí tuệ thật tốt, đó là những chuyện cao quý, nhưng chúng chỉ là một phương tiện bên lề cuộc đời. Khi bạn đang bơi trong dòng đời và vật lộn với sóng gió, thì những hành động và khổ đau của bạn không liên quan gì đến trí tuệ cả, chúng cứ tự đến, như thể định mệnh bảo ta phải hành động và đau khổ. Ngay cả những Thượng đế cũng không sống mãi trong an bình vĩnh cữu và trí tuệ vĩnh cữu. Họ cũng phải trải qua những hiểm nguy và sợ hãi, chiến đấu, đánh nhau, chàng đã biết điều ấy từ nhiều chuyện kể về những vị thánh. 

Bởi thế Dasa nhượng bộ, chàng không cãi với Pravati nữa. Chàng duyệt binh, chờ đợi chiến tranh đến, thấy trước nó trong những giấc mộng mị, và khi thân thể gầy mòn, mặt sạm đen, chàng thấy hạnh phúc cũng phai tàn và niềm vui cũng tan mất. Chỉ còn lại tình yêu đối với con trai chàng, tình yêu ấy tăng theo với nỗi lo ngại của chàng, với cảnh luyện tập và võ trang của quân lính. 

Sự thách thức của Govinda ngày càng trắng trợn và thường xuyên hơn. Hội đồng chiến tranh của chàng chỉ còn bất đồng về điểm nên đáp lại cuộc khuấy phá sắp tới của kẻ thù bằng một cuộc chinh phạt, hay nên chờ khi chúng vi phạm trầm trọng hơn mới ra tay, để cho mọi người ở giữa có thể thấy bên nào lỗi trước. 

Nhưng kẻ thù của chàng đã ra tay trước bằng một cuộc tấn công đại quy mô khiến cho Dasa và tất cả quân thiện chiến phải tức tốc hành quân đến biên giới. Trong khi đó quân lực chính quy của Govinda đã xâm nhập xứ sở, bao vậy kinh đô. Khi nghe tin, Dasa vội quày ngựa lại. Chàng biết vợ con chàng đang bị vây khốn, những trận chiến đẫm máu đang diễn ra tại các ngã đường trong thành. Chàng vội vã thúc ngựa về kinh, đánh một trận xáp lá cà với quân địch cho đến khi trời tối, rồi chàng ngã quỵ kiệt sức vì máu chảy từ nhiều vết thương trên cơ thể. 

Khi tỉnh dậy, chàng thấy mình bị bắt làm tù binh.

Cuộc chiến đấu đã thất bại. Thành phố và cung điện đã rơi vào tay kẻ thù. Chàng bị trói và dẫn đến trước mặt Govinda, hắn chào chàng một cách khinh bỉ và cho đưa chàng đến một phòng khác trong cung, đó là thư viện của chàng. Ở đây, đang ngồi thẳng đuột với gương mặt lạnh như đá, là Pravati vợ chàng. Quân lính võ trang canh gác sau lưng nàng. Nằm vắt trên gối nàng là con trai của họ, như một cành hoa gãy; con chàng với thân thể mảnh mai nằm bất động, mặt xám ngắt, y phục đẫm máu. Người đàn bà không quay lại khi chàng được dẫn vào. Nàng không thấy chàng, đôi mắt đã hết thần sắc nhìn chòng chọc vào thi thể nhỏ bé của Ravana. Nhưng Dasa thấy nàng dường như khác lạ, biến đổi hẳn. Một lát sau chàng mới nhận ra rằng tóc nàng, mới mấy hôm trước còn đen láy, mà hôm nay đã lốm đốm hoa râm. Nàng có vẻ như đã ngồi đấy từ lâu, câm lặng với thi thể đứa bé trên gối. 

"Ravana!". Chàng kêu lên. "Ravana, con ơi!". Chàng quỳ gối xuống. Mặt chàng áp xuống đầu đứa bé đã chết. Chàng quỳ xuống trong tư thế cầu nguyện trước người đàn bà câm lặng và đứa con đã chết, chàng khóc cho cả hai. Chàng ngửi thấy mùi máu me và tử khí hoà lẫn với mùi nước hoa trên tóc con chàng. Trong nỗi lặng câm, Pravati nhìn chòng chọc vào hai cha con.

Có ai lắc vai chàng. Ấy là một viên quan của Govinda đến bảo chàng đứng lên. Những người lính dẫn chàng ra ngoài. Chàng đã không nói một lời với Pravati, nàng cũng không nói gì với chàng. Hai tay bị trói, chàng được đặt lên xe đưa đến một khu trại trong lãnh thổ của Govinda. Ở đấy người ta nới lỏng dây trói cho chàng. Một người lính đem lại một gàu nước đặt trên nền đá. Cửa đã đóng và khoá lại. Chàng bị nhốt lại một mình. Một vết thương trên vai chàng đau nhức như lửa đốt. Chàng sờ soạng tìm gàu nước, thấm ướt tay và mặt. Chàng muốn uống nhưng lại thôi, vì chàng nghĩ như thế này sẽ chết nhanh hơn. Còn bao lâu nữa, hỡi trời, còn bao lâu nữa. Chàng ao ước được chết như cổ họng khát cháy của chàng mong uống nước. Chỉ có chết mới làm lắng xuống nỗi đau khổ hành hạ tâm can chàng. Chỉ có chết mới xoá nhoà được hình ảnh người mẹ với xác đứa con trên gối. Trong cơn đau khổ, may thay, vì quá mệt mỏi, chàng ngã quỵ và thiếp ngủ. Khi tỉnh lại sau cơn ngủ gật ngắn ngủi, chàng cố dụi mắt mà không được. Cả hai tay chàng đang bận nắm chặt một vật gì. Chàng cố sức mở mắt ra, thì thấy mình không còn ở giữa bốn bức tường nhà tù nữa. Ánh sáng đập vào chàng như một vố đánh thật mạnh, mặc dù lặng lẽ. Một cơn rùng mình vì kinh hãi chạy khắp người chàng từ sau gáy xuống dọc xương sống. Chàng chớp mắt một lần nữa, và mở lớn đôi mi. 

Chàng đang đứng giữa một khu rừng, hai tay cầm một bầu đầy nước. Dưới chân chàng, lòng suối phản chiếu những màu nâu lục. Xa hơn rặng phong kia, chàng nhớ lại, là gian chòi của vị ẩn sĩ đang chờ đem nước về, người đã cười một cách lạ lùng, người mà chàng đã yêu cầu dạy cho chàng thêm về Maya. 

Chàng đã không thua trận, cũng không có đứa con nào hết. Chàng cũng không từng làm vua hay làm cha ai cả. Đúng hơn, vị ẩn sĩ đã đáp lại lời yêu cầu của chàng, đã dạy cho chàng về Maya. Lâu đài, vườn tược, thư viện và quân lính, những lo âu của vương nghiệp và của người làm cha, chiến tranh và ghen tuông, tình yêu và nghi kỵ, tất cả thứ đó không là gì cả. Không , không phải hoàn toàn không , mà là huyễn. Dasa đứng đấy, rã rời, những giọt nước mắt lăn xuống má. Tay chàng run rẩy, làm nghiêng bầu, nước tràn ra chảy xuống đôi chân. Chàng cảm thấy nhu ai vừa chặt bớt tay chân mình, lấy bớt một cái gì từ nơi đầu mình. Bỗng chốc, những năm dài chàng đã sống, những kho báu chàng nâng niu, lạc thú chàng đã hưởng, nỗi đau chàng đã chịu, những kinh hoàng chàng đã trải, nỗi tuyệt vọng chàng đã nếm cho đến mé bờ cái chết - tất cả những thứ ấy đã tuột khỏi chàng, trở thành số không tan biến. Nhưng không phải hoàn toàn là không. Vì ký ức vẫn còn đó. Những hình ảnh vẫn còn trong trí chàng. Chàng vẫn còn thấy được Pravati đang ngồi, cao và cứng đơ, tóc trở màu hoa râm một cách đột ngột, đứa con trai trên chân nàng, như thể chính nàng vừa giết nó. Đứa trẻ nằm như miếng mồi của một con thú, đôi ống chân thỏng xuống một cách què quặt trên gối nàng. 

Ôi thật mau chóng, thật tàn khốc, thật kinh khủng và trọn vẹn làm sao, bài học chàng đã học về Huyễn hoá. Mọi sự đã bị xáo trộn một cách lạ kỳ, những năm dài trĩu nặng đã được thu gọn lại thành khoảnh khắc. Tất cả thực tại rộn ràng đó chỉ là một giấc chiêm bao. Vậy thì có lẽ chàng cũng đã chiêm bao tất cả những gì xảy ra trước đấy,câu chuyện về hoàng tử Dasa, về cuộc đời du mục, về cuộc hôn nhân, về việc báo thù, về sự ẩn náu của chàng bên vị ẩn sĩ. Tất cả những việc này đều là những hình ảnh mà người ta có thể ngắm trên bức tranh chạm trổ của một lâu đài; ở đấy hoa, tinh tú, chim, khỉ, và những thiên thần có thể được trông thấy giữa khóm lá. Và những gì chàng đang nếm trải ngay lúc này, những gì chàng thấy trước mắt sau khi tỉnh dậy từ chuyện làm vua, chuyện chiến tranh và bị cầm tù, những gì chàng thấy trong khi đang đứng bên bờ suối, cái bầu nước chàng vừa làm đổ một ít, cùng với tất cả những suy tư của chàng về mọi sự, phải chăng tất cả cũng đều là một thứ mộng huyễn như nhau? Đó không phải là ảo tưởng, là Maya sao? Mọi sự mà chàng còn sẽ trải qua trong tương lai, sẽ thấy bằng mắt và sờ bằng tay, cho đến lúc chết - tất cả đó có chút gì khác nhau với kinh nghiệm trước ? Tất cả đều là trò chơi, là giả huyễn, là bọt nước, là chiêm bao. 

Toàn thể lăng kính muôn mặt của cuộc đời với đủ cung bậc lạc thú và khổ sầu này, tất cả chỉ là mộng huyễn, Maya. Dasa vẫn đứng trơ ra đấy. Bầu nước lại bị nghiêng, đổ ra một ít làm ướt chân chàng và ngấm vào đất. Bây giờ chàng phải làm gì ? Múc đầy nước trở lại, mang về cho vị ẩn sĩ, để bị cười nhạo nữa về những gì chàng đã chịu đựng trong giấc chiêm bao ư ? Điều ấy không làm chàng vui lắm. Chàng đổ hết nước trong bầu, ném nó trên rêu rồi ngồi xuống thảm cỏ xanh mà khởi sự suy nghĩ nghiêm túc. Chàng đã quá ngấy chán cái trò mộng mị này, trò chơi quỷ quái với những lạc thú và đau khổ nghiền nát tim mình, làm cho máu mình đông lại, chỉ để đột nhiên bừng mắt dậy thấy tất cả chỉ là Maya và mình chỉ là một tên ngốc nghếch. 

Chàng đã ngấy chán mọi thứ. Bây giờ chàng không còn ham vợ con gì nữa, không ham ngai vàng, chiến thắng hay trả thù, không ham hạnh phúc hay trí khôn, không ham quyền lực hay đức hạnh gì nữa hết. Chàng chỉ mong được an tĩnh, được chấm dứt sự hỗn loạn này. Chàng không còn mong muốn gì ngoài việc chận đứng bánh xe quay bất tận này, chấm dứt cảnh tượng diễn biến đến vô cùng này và dập tắt tất cả. 

Chàng muốn tìm sự ngơi nghỉ, muốn dập tắt chính mình đi. Đó chính là điều chàng mong mỏi trong khi sấn tới kẻ thù trong trận chiến đấu cuối cùng, đánh vung vít và bị đánh trở lại, vung những nhát chém và nhận những vết thương, cho đến khi ngã gục. Nhưng rồi thì sao? Rồi thì có một giai đoạn ngắn ngủi bất tỉnh nhân sự, hay ngủ quên, hay cái chết, nhưng liền sau đó lại tỉnh dậy, lại phải nhận mạch sống vào tim, lại phải để cho dòng thác lũ những hình ảnh ghê rợn, kinh khiếp một lần nữa trút vào nhãn thức bất tận, không thể thoát khỏi, cho đến lần bất tỉnh kế tiếp, cái chết kế tiếp. Có lẽ đó chỉ là một sự tạm ngưng, một lúc ngơi nghỉ, một dịp để lấy lại hơi thở mà thôi. Không thể nào có sự dập tắt. Nó cứ tiếp diễn bất tận. 

Nỗi bất an làm chàng đứng lên lần nữa. Nếu đã không có sự nghỉ ngơi nào cho cái vòng lẩn quẩn khốn khổ này, nếu mong ước tha thiết nhất của chàng không thể nào thực hiện, thì sao bằng cứ múc đầy bầu nước mà mang về ông già cho xong, mặc dù ông ta không có quyền gì ra lệnh cho chàng. Đấy là một dịch vụ chàng được nhờ vả, một phận sự phải làm. Chàng có thể cứ vâng lời và thi hành phận sự ấy, như thế còn tốt hơn là cứ ngồi lì ở đây mà trầm tư về những cách tự huỷ. Nói cho cùng, thì vâng lời và phục vụ vẫn tốt hơn và dễ hơn nhiều, vô hại hơn nhiều, so với sự ra lệnh và nhận trách nhiệm. 

Chàng biết được chừng ấy. Được rồi, Dasa, hãy lượm bầu, múc đầy nước rồi mang về cho thầy đi. 

Khi chàng về tới chòi, vị thầy đón chàng bằng cái nhìn lạ lùng như dò hỏi, như thương cảm, lại như cái nhìn của một cậu bé ranh mãnh xí gạt được một đứa bé khác – cái anh chàng mục tử hoàng gia này, y chỉ có ra suối lấy nước rồi trở về không hơn mười lăm phút. Vậy mà đồng thời, y cũng đi ở tù về, đã mất một người vợ, một đứa con trai, một vương quốc, đã sống trọn một đời và đã thoáng thấy bánh xe sinh tử. Có lẽ y đã có dịp được thức tỉnh hơn một lần về trước, nếu không y đã không lai vãng tới đây và lưu lại lâu đến thế. Nhưng bây giờ dường như y đã được thức tỉnh đúng mức, đã có căn cơ thuần thục để bắt đầu cuộc hành trình dài. Cần phải mất nhiều năm chỉ để mà dạy cho y cách ngồi và thở. 

Chỉ bằng một cái nhìn ấy, cái nhìn chứa đựng mối tương giao sư đệ, chỉ với duy nhất một cái nhìn ấy, vị ẩn sĩ thâu nhận chàng làm môn sinh. Cái nhìn ấy đã đánh tan tất cả những tư duy vô ích trong đầu người đệ tử. Nó buộc chàng vào nếp sống kỷ luật và phục vụ. Từ đó chàng không bao giờ rời khỏi khu rừng.

Hermann Hesse (1877-1962), Nhà văn, nhà thơ Đức; giải Nobel Văn học năm 1946. Sinh năm 1877 tại Wuerttember, mất năm 1962 tại Thuỵ Sĩ. Con một nhà truyền giáo. Bỏ học thần học. Làm thợ thủ công, bán sách. Từ năm 1904, viết văn chuyên nghiệp. Năm 1911, ngán ngẩm văn minh Châu Âu, đi Ấn độ tìm hiểu Phương Đông. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, do có thái độ chống đối, bị coi là "phản quốc". Năm 1919 sang Thuỵ Sĩ, vào quốc tịch nước này – Hesse là đại diện tiêu biểu cho văn học nhân đạo tư sản Đức. Khuynh hướng siêu hình, tìm quan hệ giữa thiên nhiên và con người.

Con đường sáng tác của Hesse đi từ tình cảm cô đơn và nỗi buồn lãng mạn cuối thế kỷ 19 đến tầm nhìn rộng rãi, có trách nhiệm với xã hội, ước mơ và tin chắc vào hành động, và tương lai tốt đẹp hơn của con người. Phê phán xã hội tư sản.

Cuốn tiểu thuyết được chú ý đầu tiên là Peter Camenzind (1904) có ít nhiều tính chất tự truyện : một người nguồn gốc tầm thường, có tài và có nhiều hoài bão, không thích nghi được với xã hội tư sản và đời sống thành phố, đành trở về sống ở quên nhà. Cuốn tiểu thuyết Demien (1919) viết về tình trạng rối loạn của thanh niên tư sản. Cuốn tiểu thuyết Steppenwolf (Sói đồng hoang) (1927), phản ảnh tình trạng bấp bênh của nền cộng hoà Weimar với khả năng chủ nghĩa phát xít xuất hiện. Trong cuốn Narziss und Goldmund (1930), Hesse tìm thoát ly trong một câu chuyện cổ tích thời Trung cổ, hoà giải tư duy và hành động. Tác phẩm lớn nhất của Hesse là Das Glasperlenspiel (Những viên ngọc bằng thuỷ tinh) (1943), viết trong chiến tranh thế giới lần thứ hai : tiểu thuyết vừa phê phán, vừa có tính chất không tưởng và tượng trưng, nói lên khả năng và cần thiết hành động vì tương lai tốt đẹp của loài người (chuyện xảy ra vào thế kỷ thứ 23 : một nhóm trí thức kết hợp tư tưởng Đông và Tây sống riêng biệt ở một nơi. Các truyện (1915), Klingsors letzter Sommer (Mùa hè cuối cùng của Klingson) (1920), Siddharta (1922) - một bản tự truyện về sự cố gắng tự giải thoát – cùng đi đến kết luận : tình yêu con người phải thể hiện bằng hành động. Nhiều luận văn của Hesse có tư tưởng nhân đạo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: