BÌNH YÊN TRONG VẠN NGƯỜI XA LẠ (P3)

Tôi xin Cha cho ở cạnh mẹ thêm ba hôm nữa. Phần để dọn dẹp nhà cửa, phần để được...ôm mẹ. Tôi biết rằng sẽ phải rất lâu nữa mới lại được ôm mẹ, được tâm sự những câu chuyện cuộc sống. Tôi sắp có đứa con của chính mình, sắp làm mẹ, tôi sẽ không được yếu đuối, không được dễ dàng khóc như bây giờ. Con đường phía trước còn rất dài, cuộc đời có thể cho ta trăm ngàn lý do để khóc nhưng ta phải mạnh mẽ để cuộc đời thấy ta có trăm ngàn lý do để mỉm cười. Cười vì con, vì một lẽ sống mới, cười để mạnh mẽ bảo vệ đứa con vượt qua những định kiến xã hội.

Ngày hẹn với Cha cuối cùng cũng đến. Mẹ đưa tôi đến nhà Mở bằng xe máy. Nhà Mở cách Hà Nội khoảng 20km, nằm trong một huyện nhỏ ngoại thành và không dễ tìm. Sau gần 2 tiếng mò mẫm tìm đường, người tôi mỏi nhừ, lưng ngày một đau, mặt tê cứng vì gió. Con dốc hẹp đưa tôi và mẹ đi qua chiếc ngõ nhỏ đến cửa nhà Mở. Trước mắt, tôi chính là mái ấm của Cha, nằm khuất hắn sau những căn nhà cao tầng xung quanh. Căn nhà ba tầng được thiết kế thoáng mát, mỗi tầng đều có một ban công rộng. Tôi nhấc máy gọi cho cô Vân, người phụ trách toàn bộ nhà Mở. Cô Vân chắc đã được Cha báo trước nên tới đón mẹ con tôi rất nhanh. Cô mỉm cười từ xa, với tay mở chốt cánh cổng, mời chúng tôi vào nhà. Tầng một được sắp xếp làm phòng khách cũng là phòng sinh hoạt chung. Cánh cửa gỗ luôn rộng mở khiến tôi hiểu rằng nơi đây luôn rộng cửa chào đón những người hoàn cảnh giống tôi. Xởi lởi, thân thiện là cảm nhận đầu tiên của tôi về cô Vân. Cô ngoài 40, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Gương mặt cô so với những người cùng tuổi có vẻ chững chạc hơn. Người phụ nữ da rám nắng vì làm công việc đồng áng đầu tắt mặt tối đâu thể xinh đẹp bằng những người cùng tuổi an nhàn. Điểm tôi ấn tượng nhất trên gương mặt cô Vân chính là đôi mắt. Đôi mắt cô đẹp lắm, nó sâu thẳm, đôi mắt đó không có chỗ cho sự thương hại mà là sự yêu thương, tôn trọng, cảm thông. Cô Vân không nói giọng Hà Nội, cái quê quê trong câu chữ của cô khiến tôi thấy gần gũi, chất phác và tin tưởng.

- Chỉ với cháu uống nước nhé. Sao cháu kể cho cô nghe xem nào? Thằng đó nó vô trách nhiệm?

Cô Vân mở lại để xóa tan sự yên lặng. Tôi kể cô nghe mọi chuyện đã xảy ra, nước mắt lại bắt đầu lăn dài trên má. Thời kỳ bầu bí này kỳ lạ thật, nó khiến tôi mau nước mắt và dễ yếu lòng không chịu nổi. Như hiểu được nỗi giằng xé, đau đớn của tôi, cô tiếp lời:

- Thôi cháu ạ, âu cũng là cái số rồi, kệ nó đi. Phó thác hết cho Chúa. Vào đến đây rồi toàn bạn mạnh mẽ thôi. Cháu mạnh mẽ giữ lại con của mình còn hơn ối bạn bỏ con, giết con vì tiền đồ, tương lai, danh dự. Bỏ xong chẳng biết tương lai có xán lạn hơn không mà trước mắt là sự day dử, có khi còn day dứt cả đời người ấy. Cháu thử hỏi mình xem, liệu có sống thanh thản được không khi lúc nào lòng cũng chất chứa day dứt. Cháu cứ nhớ rằng gieo nhân nào ắt gặp quả đó.

Mẹ đồng tình với cô Vân:

- Đúng đấy chị ạ. Em cũng bảo cháu nếu muốn tiếp tục sống thanh thản, lạc quan phải đạp lên quá khứ. Qua rồi thì cho nó đi luôn để khỏi gặp lại.

- Vâng, các cháu vào đến đây rồi, cháu nào cũng có hoàn cảnh riêng. Có những đứa bị chính bố mẹ đẻ ruồng rẫy, ghét bỏ, coi như vết nhơ của dòng họ, gia tộc. Mà nào đâu đến nỗi thế. Ở đây, với bọn em, chúng nó là những đứa con gái mạnh mẽ khi dám đi tiếp con đường khó khăn đến vậy. Vào đây rồi, có chị có em cùng cảnh ngộ, chúng nó sẽ thấy đỡ tủi thân, đỡ tổn thương hơn. Là phụ nữ với nhau em hiểu chứ, có cái đau đớn nào bằng việc chửa đẻ mà không có chồng bên cạnh. Nó quá giỏi khi cố gắng gượng, gồng mình sống đến tận bây giờ. Cứ sống phó thác đi.

Mẹ tiếp lời:

- Con nghe cô nói đấy, cái gì buông được thì cứ buông, buông cho nhẹ lòng để dễ dàng bước tiếp.

- Cháu ạ, đừng buồn nữa. Ở đây cháu sẽ thấy ngược hoàn toàn cuộc sống ngoià kia của cháu. Khi cả xã hội quay lưng, ngay đến người thân ruột thịt cũng coi cháu như một vết nhơ, ấy vậy mà ở đây, có một chốn cho cháu ở, yêu thương cháu, giúp đỡ cháu vượt qua những gian khó phía trước. Các cô, các bác, Cha và các bạn trong nhóm đều là người lạ với cháu, chẳng có lý do gì phải mua dây buộc mình khi phải giúp cháu. Tất cả đều vì tình yêu thương thôi. Về đến đây rồi, cháu chỉ cần yên tâm nghỉ ngơi dưỡng thai. Ở đây tuy nghèo và thiếu thốn nhiều thứ nhưng cứ an yên, vui vẻ là được. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. May thay, lần này cháu về, Cha mới gom đủ tiền từ thiện để xây nhà to, hoành tráng cho mấy đứa chúng mày được ở sung sướng này.

Tôi cảm thấy nhẹ lòng. Sau những ngày tháng căng thẳng, áp lực, lần đầu tôi trút bỏ được mọi gánh nặng, băn khoăn, lo lắng, e sợ. Tôi có mẹ, có cô Vân, có Cha, có mọi người trong BVSS, sao tôi phải u uất, buồn đau chứ. Ngay giữa dòng người vô tâm, thờ ơ này, tôi may mắn tím được sự đồng cảm, một tình yêu thương vô điều kiện. Với tôi, chẳng có quyết định nào là đúng và sai cả. Mỗi quyết định chỉ đưa ta đến những con đường khác nhau, còn đúng hay sai là do cảm nhận của mỗi người. Nếu ta thấy nó đúng thì nó sẽ luôn là đúng và ngược lại. Tôi đã quyết định giữ lại đứa bé, tôi sẽ sống và bảo vệ nó đến cùng. Hắn không yêu thương tôi, không yêu thương đứa bé, tôi sẽ thay hắn làm việc đó. Hận hắn bao nhiêu, tôi sẽ yêu đứa bé bấy nhiêu, dạy nó trở thành một người tử tế, không bạc bẽo, vô trách nhiệm như bố nó.

Trời sẩm tối, tôi giục mẹ về sớm vì đường đất đi tối không an toàn. Khi bóng mẹ khuất dần sau những bức tường, tôi trở lại với không gian tĩnh mịch. Căn nhà to, mới là thế mà đồ đạc chẳng có gì nhiều. Phòng khách tối giản đến nỗi chỉ có vỏn vẹn một bộ bàn ghế gỗ kiểu dáng từ ngày xưa, một tủ sách, thứ đáng giá nhất trong nhà là bàn thờ với pho tượng Đức Mẹ, Thánh Giuse, Thiên Chúa và Thánh Giêrađô - vị thánh bảo trợ cho phụ nữ, trẻ em và các thai nhi. Giữa nhà có 1 cái tivi không dùng được vì dây điện không có, cáp và ăng ten cũng không, Cha đặt nó ở đó chắc với mục đích trang trí. Một quy định trong nhà Mở mà các bầu phải tuyệt đối tuân thủ đó là không sử dụng ĐTDĐ. Tôi đã nhờ mẹ mang đt về, thời gian đầu không có nó, tôi thấy khó chịu, bức bối vô cùng nhưng dần dần tôi cũng quen, hiểu và còn thấy thoải mái hơn rất nhiều khi không có di động.

Ở cùng đợt với tôi có cái Lanh. Lanh vào trước tôi mấy tháng, nó trẻ lắm, mới 19 tuổi chứ mấy. Dù đang mang bầu nhưng Lanh khá xinh, nước da trắng trẻo, dong dỏng cao. Con bé chứng kiến từ lúc nhà chưa được xây, mấy chị em còn phải ở căn nhà cấp 4 lụp xụp, nóng nực cho đến lúc Cha xây cất nhà mới và nó được về ở. Nó đã trải qua một cái Tết không người thân ở đây, ngay chính căn nhà Mở này. Tôi ngưỡng mộ bản lĩnh của con bé. Sự thờ ơ, lạnh lùng, vô trách nhiệm của thằng đàn ông đã tước đi quyền được hạnh phúc của nó. Lanh ở Nam Định lên, nhà theo Công giáo nên tuyệt đối không được phá thai, con bé cũng chẳng ngại ngần kể cho tôi nghe câu chuyện đau thương của mình:

- Em với bố nó quen nhau được gần 1 năm thì làm chuyện đó lần đầu tiên và lỡ có bầu. Lúc biết, em lo lắm, vì nhà em đi dạo còn nó bên lương. Ngày em kể với nó, nó im lặng, chẳng nói gì, bỏ em lại, vào Sài Gòn học lái xe và ở biệt trong đó, chẳng hỏi han em lấy nửa lời. Em khóc nhiều lắm, chủ yếu là do em sợ. Bố mẹ em lúc đó hoàn toàn chưa biết, em không biết nói như thế nào cả. Lúc mẹ em biết, thai được 2 tháng, mẹ em không có cách nào khác nên đành dắt em vào bệnh viện định giải quyết. Em sợ lắm, không biết đúng sai phải trái thế nào. Em còn yêu bố nó nhiều, vẫn hy vọng nối lại được với anh ta nhờ đứa bé này. Mặt khác, em lo cho thể diện gia đình. Nhà em ở quê nên chuyện "chửa hoang" nghiệt ngã lắm. Lúc chờ mẹ đóng viện phí, em vô tình gặp một bác người quen của mẹ, bác hỏi đầu đuôi câu chuyện xong có gọi mẹ em ra khuyên nữa giữ lại đứa bé, đừng bỏ vì nhà em đi dạo. Sau khoảng 1 tiếng thuyết phục, mẹ cũng xuôi xuôi và đồng ý cho em giữ lại đứa bé nhưng em biết mẹ không vui vẻ gì đâu. Sau đó, bác đưa em lên gặp Cha ngay lập tức vì sợ nếu em ở nhà, người nhà sẽ ép em phá thai. Cha cho em vào nhà Mở và cưu mang em đến bây giờ. Thấm thoát đã 5 tháng rồi.

Lanh kể chuyện của nó thật nhẹ nhàng như không còn chút đau đớn nào nữa. Có lẽ, đàn bà khi đã đau quá sẽ thành ra chai sạn với nỗi đau. Không đau vì đã quá đau rồi. Em nói hai chữ "chửa hoang" nhẹ nhàng vô cùng khi mà tôi vẫn loay hoay, chật vật gỡ mình ra khỏi nỗi ám ảnh của hai từ đó. Tôi ước có được sự bình thản ấy ngay tức khắc nhưng không thể, tôi cần thêm chút ít thời gian nữa tập buông, tập quên và thật nhiều thời gian nữa để gạt bỏ thù hận. Một khi đã buông bỏ được những thứ đó, chắc chắn tôi sẽ nhẹ lòng tiếp. Rồi đến một ngày, hắn và sự ghẻ lạnh của hắn sẽ không thể giày vò tôi thêm được nữa. Cũng đã hơn 1 tháng tôi không còn nhận được chút tin tức hay liên lạc gì từ kẻ phản bội ấy. Vô tâm và tàn nhẫn đến thế là cùng! Đến giờ phút này, điều đó không quan trọng nhiều nữa, tôi cần học cách bỏ đi những thứ bị hỏng. Tại sao đàn bà ngờ nghệch lại trở thành một kẻ bất cần, hờ hững? Tất cả đều do đàn ông tàn nhẫn, tàn nhẫn đến mức giết chết đi tình yêu thương và niềm tin của một trái tim.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top