Phần I - Chương 8

Lần duy nhất mẹ ra tay đánh Thuỳ là lúc mẹ lén lấy trộm tiền riêng của cô, vết bỏng đó vẫn còn âm ỉ mấy ngày đến giờ cô vẫn không dám quên.

Còn bây giờ bà đã có đầy đủ lý do để đánh Thuỳ mỗi ngày.

Không biết bà tìm đâu ra một cây roi dài, tốc độ mài mòn của cây roi có thể thấy bằng mắt thường. Ghen ghét, đố kỵ, vừa quất vừa chửi, bà mắng cô tại sao được cậu Tư thương yêu hơn, mấy người họ hàng trong nhà hồi tết đều chỉ trích bà độc ác. Thật là một đám giả dối, ngày bình thường không thấy họ quan tâm, đến khi cậu Tư mở miệng trách móc thì lại ba hoa hùa theo.

Dần dà, cậu Tư không còn lý do để bà đánh Thuỳ nữa. Lúc phiền chán vì chuyện tiền nong bà cũng lấy cô ra trút giận, có hôm vì một câu nói xỉa xói của bà hàng xóm tầng dưới mà bà cũng đánh, thậm chí khi không tìm được lý do, bà ngứa tay ngứa chân thì bảo nhìn thấy mặt cô là thấy bực bội trong người. Gương mặt người khác có thể gây thiện cảm cho người khác, còn bản mặt của Thuỳ chỉ khiến mẹ càng nổi giận hơn.

Mẹ chỉ toàn lựa những lúc bố không có nhà để bạo hành Thuỳ, nhưng nào có giấu được ông. Một hôm ông về nhà, thấy cây roi dính chút máu tươi, không cần chất vấn mà nhìn cô một lượt từ trên xuống dưới, ngoại trừ cánh tay gầy yếu bị giấu nhẹm sau lưng thì trông có vẻ cũng chẳng hề gì. 

Ông dặn mẹ đánh con nhẹ tay chút để răn dạy thôi, thế này hàng xóm sang hỏi thăm thấy thì biết nói thế nào nữa. Cũng chỉ có một lần đó là bố ra mặt giúp cô, nhưng đổi lại chẳng được hiệu quả bao nhiêu.

Cũng may vết thương đa phần là trên lưng, trên tay cũng có. Về sau đi học bất chấp trời nóng Thuỳ cứ mặc áo tay dài. Lúc đầu còn đau đớn rớt vài giọt nước mắt, tủi thân vừa khóc vừa vùi đầu chép bài tập, dần dà cô còn có thể để cho vết thương nhiễm trùng sưng mủ mà thong thả giải được một bài toán. Chắc là địa ngục đã tôi luyện cho Thuỳ ít kỹ năng chịu đựng. Bây giờ cô đã biết rõ yếu đuối mà khóc lóc chẳng đổi lấy được sự dịu dàng của bố mẹ, vậy thì khóc để làm gì?

Thuỳ còn học được cách đỡ đòn bằng những phần thịt dày để tránh bị thương nặng nhất. Đau đớn ngược lại làm cô càng tỉnh táo, lạnh lùng chìa cho mẹ phần bả vai để bà trút giận, đánh xong còn không sao cả xoa vai, kéo áo đứng dậy về phòng, giống như vừa hoàn thành một nghĩa vụ.

Không những thế, Thuỳ còn chẳng nỡ để mình bị thương mà không chữa trị. Cô thường tranh thủ ban đêm lấy trộm tiền của bố để mua thuốc nhưng phát hiện bố cũng chẳng có bao nhiêu tiền, đều nộp lại cho mẹ rồi. Đương nhiên, cô cũng sẽ chẳng ngu mà đi trộm tiền của mẹ.

Thế là Thuỳ nghĩ ra một cách khác. Cô lấy vài món đồ không được để tâm trong nhà, thường hay mất lộn xộn, phải tốn thời gian lâu để tìm thấy đem đi cầm. Cô hỏi chú Hói tiệm cầm đồ ở quận kế bên, lâu lâu tan học ráng chạy thêm một vòng xa để bán. Càng làm càng quen tay, càng làm càng suông sẻ, mặc dù cơ thể bị bạo hành nhưng bù lại có thêm vài đồng vặt để tiêu pha.

Lần đầu tiên đến một nơi hỗn tạp như tiệm cầm đồ, một con nhóc ốm yếu như Thuỳ có hơi run, sợ bị người khác lừa, nắm được bí quyết rồi thì dần có thể bày ra vẻ mặt không biểu cảm đòi tiền ông chủ. Ông chủ sợ không dám thét giá với Thuỳ bởi cô nói mình có quen một băng trộm đang đói tiền, cái tiệm cũ của ông rồi cũng có ngày bị đập phá dễ như chơi. Thuỳ không biết ông chủ có tin lời mình nói hay không nhưng sau đó thái độ của ông tốt hơn hẳn. Ông còn tiết lộ tên ông là ông Kiên.

Cầm được tiền rồi Thuỳ cũng biết khôn hơn, chia thật nhỏ số tiền ra giấu nhiều nơi trong nhà, ngoài công viên, trên sân thượng của khu nhà tập thể... Như vậy cho dù mẹ hay người khác có vô tình phát hiện ra thì cũng chỉ coi là số tiền tiêu vặt chỉ đủ để mua một gói kẹo. Có tiền rồi cô cảm thấy mình rất an toàn.

Điều duy nhất khiến cô mỏi mệt chính là giấc ngủ hàng đêm mất đi càng nhiều. Thỉnh thoảng nhắm mắt lại, nghe được tiếng ong vo ve bên tai, rồi giật mình mở bừng mắt. Thuỳ sợ có ngày mình không khống chế được nỗi sợ mà hét lên, vậy chắc chắn sẽ rước lấy một đòn roi khác từ mẹ, thế nên cô lặng lẽ bò ra ngoài hành lang, tiếp tục thức trắng đêm đến sáng.

Lũ ong trở thành nỗi ám ảnh của Thuỳ tận cho đến lúc lớn.

Tuy vẫn chưa có tin xác nhận Kha và Chi quen nhau nhưng trong lớp đã ngầm thừa nhận bọn họ là một cặp. Ngày Quốc tế Phụ nữ, lớp tổ chức tặng hoa cho cô giáo và các bạn nữ trong lớp. Cô giáo nào có tiết dạy thì được nhận một giỏ hoa nhỏ được trích ra mua từ quỹ lớp, bạn nữ mỗi người nhận được một cành hoa hồng.

Thuỳ cũng có phần. Nhìn cành hoa trơ trọi còn chưa kịp tỉa sạch gai nhằm lẻ loi trên bàn, đám bạn ai có điện thoại xịn thì lôi ra chụp một bức hình làm kỷ niệm. Ngón tay cô đầy vết chai lướt nhẹ qua mảnh gai nhô ra nhọn hoắc. Hoa thật là đẹp, chắc là mới hái từ vườn.

Không lâu sau đó, trong lớp nổi lên một trận ồn ào. Thuỳ ngơ ngác quan sát tình hình, bạn cùng bàn lúc đó còn tốt tính giải thích, có người vì muốn gây ấn tượng mà muốn ôm các bạn nữ mỗi người một cái để tỏ lòng thành.

Thuỳ không biết tên nào lại ngáo ngơ tới mức đó, buồn cười nhìn sang người đang được tung hô ngại ngùng thẳng sống lưng, mỉm cười nhìn các bạn nữ vui vẻ xếp ngay hàng thẳng lối. Cô kinh ngạc thật lâu, không hiểu cậu ấy đã sắp thành đôi với Chi rồi còn bày ra trò này làm cái gì, ngơ ngác đứng dậy theo sự lôi kéo của bạn cùng bàn, là người thứ ba được ôm.

Ngước mặt nhìn vầng trán cao sáng lán của cậu ấy, Thuỳ cứ ngỡ đây là một giấc mơ.

Cả người không yên một chỗ, vừa nôn nao vừa hồi hộp. Đứng đối diện, nụ cười trên mặt cậu ấy không mảy may suy lệch chút nào. Thuỳ ngốc nghếch bắt chước những người khác vươn hai tay, vừa vặn tạo khoảng trống cho cơ thể người con trai cao lớn đó.

Trán cô rất kề với cổ áo sơ mi của cậu ấy, thấy được trên cổ cậu mang một sợi dây chuyền xích màu bạc lấp lánh, chắc là mang từ nhỏ. Sợ cậu nghe thấy tiếng tim đập như trống của mình, cô ngại ngùng nín thở. Trên người cậu có thơm mùi loại sữa tắm mà cô không bao giờ có tiền mua nổi.

Hai cái bóng của bọn họ dưới mặt đất chồng lên nhau, giống như tất cả sự cách biệt giữa cả hai đột nhiên biến mất ngay lúc này.

Thuỳ mất hồn run run khép hờ hàng mi. Cậu ghé sát tai cô thỏ thẻ.

Tám tháng ba vui vẻ nha.

Nói là ôm, thật ra chỉ là một cái ôm hờ, ngắn đến nổi chỉ vỏn vẹn kéo dài hai giây, nhanh đến nổi cậu không kịp thay đổi biểu cảm chờ mong trên mặt, chờ mong được kết thúc nhanh những cái ôm không quan trọng này mà đến để ôm người con gái cậu thích vào lòng.

Giây phút Thuỳ thầm may mắn tận hưởng sự tiếp xúc thân mật hiếm hoi giữa hai người, cũng là lúc cô nhận ra mục đích thật sự của cậu ấy. Tay cậu có chạm nhẹ vào lưng cô, chạm lên vết thương hở mới vừa được bôi thuốc, bây giờ lại bắt đầu trở nên đau nhói.

Cậu ấy vì muốn được ôm Chi mà chấp nhận ôm cả lớp, một hành động được Thuỳ cho là trẻ con lại như cái dằm đâm ngang vào lòng cô.

Thuỳ đã có một phần ngàn giây run rẩy thở dốc trong lòng cậu, nhỏ bé không khác gì một chú chim sẻ núp dưới bóng râm, chua xót khép lại hồi ức năm lớp mười với đầy rẫy vết thương trong lòng.

Thuỳ như bước trên mây, hai chân mềm nhũn, mãi khi về đến nhà đầu vẫn còn lơ mơ.

Chào đón cô là một bất ngờ cực lớn. Không, phải nói là kinh hồn khiếp vía. Cậu Tư đoan trang ngồi trên chiếc ghế nhựa nhỏ xíu, có vẻ không ghét bỏ nó quá bé so với cơ thể mình. Thấy cô vừa về, cậu liền nhìn sang câu khoé môi, tương phản với cậu là cả nhà ba người Thuỳ ngồi không yên ở phía đối diện, không buồn bày ra gương mặt hoà nhã khi có khách, còn nhìn Thuỳ chằm chằm như muốn lột da róc xương.

Thuỳ run run khép nhẹ cửa. Cậu vẫy tay để cô đến ngồi cạnh cậu. Thuỳ ngoan ngoãn ngồi xuống, dùng khoé mắt liếc trộm cậu. Hôm nay cậu Tư phá lệ ăn mặc chỉnh chu hẳn. Hôm nay cũng không phải ngày giỗ, cô nhất thời không hiểu mục đích của cậu đến đây làm gì. Có điều, dù sao Thuỳ cũng rất vui.

Cô gục đầu không dám nhìn bố mẹ, tầm mắt chạm phải những ngón tay cắt tỉa gọn gàng của cậu, đàng hoàng thong dong đặt lên hai đầu gối. Chúng không giống của cô, lúc nào cũng suy yếu co rút.

- Chủ yếu là thằng Khải nhà em hàng ngày một mình ở nhà cũng buồn, mẹ nó lại mất sớm. Có bé Thuỳ làm bạn với nó cũng vui.

- Chị là sợ nó làm phiền em thôi. – Cho dù là cúi đầu, cô cũng mơ hồ cảm giác mẹ đang không vui nhìn chòng chọc cái gáy mình, âm thanh sắc lạnh – Em mới về nước không lâu, đừng rảnh rỗi mà rước thêm cục nợ này vào người. Chị nuôi nó thêm hai năm nước rồi kiếm chồng gả ra ngoài thôi.

- Bây giờ chẳng giống xưa. Con gái học hành đàng hoàng cũng kiếm được công việc tốt, chị đừng mãi áp dụng tư tưởng kiểu đó cho con bé, phí hoài tuổi xuân.

- Sự cái gì nghiệp cái gì, chị chẳng hiểu. – Bà hừ lạnh – Với lại thằng Hải nhà chị còn nhỏ, có lúc anh chị bận thì còn có nó chăm. Lớn tí thì kiếm việc làm thêm cũng được.

Nghe đến đây, cậu Tư không biết hiểu gì mà bật cười. Có điều nụ cười nhạt nhẽo của cậu có mấy phần châm biếm.

- Chi phí nuôi dạy bé Thuỳ em trả tất, chị không cần lo.

Không chỉ mẹ mà cả bố cũng sững người, cả hai dường như chưa từng tưởng tượng đến đáp án này có thể thốt ra từ một người họ hàng. Thuỳ như con thú nhỏ bị làm cho giật mình, ngẩng phắt đầu nhìn cậu. Như đáp lại câu hỏi toát ra từ ánh mắt cô, cậu nhìn sang gật đầu cười, tay vỗ đầu cô hai cái.

- Mau về phòng thu dọn đồ đi. Nửa tiếng đủ không?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top