Chương 37: Về quê ăn tết
Từ sau ngày đó Ái Nhân dường như hoàn toàn biến thành một người khác, không còn con nhỏ hay kiếm chuyện hay véo von như chim non bên tai cậu cả ngày như trước nữa. Thói quen đọc sách, truyện cũng bị từ bỏ, tất cả được chính tay nhỏ thu dọn cất vào những chiếc thùng carton để trên gác xép. Những nhân vật truyện tranh từng là thần tượng cũng đều được gỡ xuống để trơ ra một mảng tường nham nhở những vết đinh đóng. Qua đó Tuệ Minh cũng nhận ra một điều, lần đầu tiên Ái Nhân thực sự nghiêm túc với một ước mơ đến vậy. Thế mà ước mơ đó...
Tình trạng chiến tranh lạnh, cực kỳ tồi tệ này vẫn diễn ra cả khi ba đứa về quê đón tết cùng ông bà.
Với cái thói quen sờ quý tộc của Mỹ Duyên thì dường như cô bạn muốn đem theo tất cả đồ đạc của căn phòng về quê, chẳng bù cho Ái Nhân với Tuệ Minh rất nhanh, gọn, nhẹ đã đứng đợi sẵn ở cửa nhà từ lâu. Về sau không chịu nổi khi cô bạn cứ chạy lên rồi chạy xuống vì quên thứ nọ, thứ kia Tuệ Minh bèn lên tiếng:
''Duyên, nếu cậu không lỡ rời xa căn phòng này thì có thể ở nhà một mình, chúng tôi sắp lỡ xe rồi.'' Cậu nói rồi nhìn đồng hồ đeo trên tay, chỉ còn 15 phút nữa, nhà xe cũng đã gọi điện giục rồi. Trong từ điển của Tuệ Minh ngoài Ái Nhân thì không có người thứ hai khiến cậu nhẫn nại.
Mỹ Duyên đang chạy được nửa cầu thang chỉ để lấy thêm một chiếc váy mới mua, nghe cậu nói vậy liền khựng lại, ấm ức đi đến nhõng nhẽo với Nhân: ''Ái Nhân, cậu xem thái độ của Tuệ Minh kìa.''
''Đi thôi!'' Ái Nhân chẳng tỏ chút cảm xúc nào kéo vali của mình và Mỹ Duyên cùng đi, khi Tuệ Minh có ý định giúp liền bị nhỏ lạnh lùng từ chối, khiến bàn tay ai đó chơi vơi giữa khoảng không.
Hên cho hai đứa tụi nó là khi chạy ra đến đường chính thì xe khách chạy từ Mộc Châu về Thái Bình cũng chuẩn bị lăn bánh. Vừa bước lên xe nhìn cái cảnh người chật như nêm mà thi nhau thở dài ngán ngẩm 28 tết, cái ngày mà người ta đi xa quê cả năm lại như chim bay mỏi cánh tìm đường về tổ.
Trước đó hai hôm mẹ đã gọi điện đặt chỗ cho tụi nó nhưng Tuệ Minh lại nhường ghế của mình cho một bà cụ đã ngoài 70, nghe bà nói là về Thái Bình thăm con gái lấy chồng ở đó. Còn Ái Nhân thì trông thấy một chị nuôi con nhỏ mà phải nằm ở lối hành lang, người đi qua đi lại là bé con lại khóc ré lên trông đến tội nên nhường ghế của mình cho chị đó. Thành ra hai chỉ có Mỹ Duyên là được nằm ghế thoải mái chứ Tuệ Minh với nhỏ phải ngồi ở hành lang trên suốt quãng đường dài chừng 6 tiếng đồng hồ ấy.
Về đến quê nhà cũng đã 6 giờ sáng, vì xe đậu tận cổng làng nên tụi đứa nó chẳng cần ai đến đón. Ông Đổng đang lom khom bắt sâu cho luống rau ngoài vườn, trông thấy cửa cổng vang tiếng kẽo kẹt, con chó Vàng trong nhà thì vẫy đuôi tít mù thì nếp nhăn ở đuôi mắt khẽ xô lại, môi cười rất tươi.
Chạy ra mở cổng cho đám trẻ ông đưa tay xách hành lí cho đứa cháu gái, rồi hỏi han có mệt không. Tuệ Minh đương nhiên lắc đầu cười, đâu như con nhỏ nào đó hết ôm rồi hôn chùn chụt lên má ông nội, kêu ngồi lâu ê ẩm hết cả người, ...
Bà nội vừa từ trong nhà đi ra đã mặt mày tươi rói thẳng chỗ Tuệ Minh mà đi tới, tiếng guốc mộc gõ xuống nền gạch khẩn trương hơn bao giờ hết: ''Về rồi đấy hả các cháu, sao không điện trước để các chú ra đón.''
''Xe đỗ ngay đầu làng mà bà, bọn cháu đi bộ một đoạn là đến rồi.'' Tuệ Minh tươi cười choàng tay qua vai bà Đổng, hành động hết sức thân thiết. Bà Đổng đối với hành động yêu quý, hiếu thảo của đứa cháu trai này lấy làm vui mừng, càng nhìn càng thấy Tuệ Minh khôi ngô sáng dạ.
''Cháu chào bà ạ!'' Mỹ Duyên thấy mình bị ngó lơ khi ông bà chỉ mải săn đón hai đứa cháu của mình thì dâng lên cả đống tủi thân. Cũng may bà Đổng đã nghe qua về nhỏ, vốn máu yêu quý những đứa trẻ thông minh sáng dạ có sẵn trong người bà một tay đang khoác lấy Tuệ Minh, tay còn lại vơ luôn Mỹ Duyên:
''Cháu là Mỹ Duyên hả, bà nghe Ái Nhân nó nhắc về cháu suốt không ngờ cháu lại xinh đẹp, cao ráo như vậy.''
Có lẽ Mỹ Duyên sẽ thực sự rất lấy làm vui mừng nếu cái tên Ái Nhân đó được thay bằng Tuệ Minh, nhưng nhỏ biết đó sẽ là điều không thể nữa rồi, chỉ miễn cưỡng nói ra hai từ nhạt toẹt: '''Vậy ạ.''
''Bà nội, cháu nội của bà ở đây cơ mà.'' Ái Nhân thấy bà vừa đi ra đã lướt qua mình, tay mỗi bên đang ôm lấy hai đứa cháu nội nhà người ta thì ấm ức lắm đưa tay vẫy vẫy thu hút sự chú ý.
Nhưng bà Đổng chỉ cười móm mém, miệng tóm tém nhai trầu, chửi: ''Cha bố cố, đứa nào mà chả là cháu nội tôi hả, thôi mau vào nhà cả đi.''Bà Đổng nói rồi nắm tay Tuệ Minh với cháu dâu tương lai dắt vào nhà.
''Bà thật thiên vị.'' Ái Nhân phụng phịu.
Thế nhưng sự đố kị của nhỏ nhanh chóng bị xẹp xuống bởi cái xoa đầu đầy ấm áp của ông nội, tự dưng thấy cay sống mũi, nhỏ rúc vào lòng ông nội: ''Ông nội, chỉ có ông là tốt với con thôi.''
Ông Đổng chỉ lắc đầu, cười hiền hậu trước tính cách trẻ con của đứa cháu gái rồi cùng nó đi vào trong nhà.
Lôi trong vali ra túi quà tết của mẹ nhỏ đã chuẩn bị tối qua, Tuệ Minh cẩn thận đưa nó cho bà Đổng:
''Bà nội, bố mẹ con năm nay đều bận, bảo tụi con mong chút quà về biếu ông bà với hai chú.''
Cầm gói quà, bà Đổng bày rõ thái độ không hài lòng đặt riêng sang một góc, đến ngó xem bên trong có thứ gì bà cũng chẳng buồn xem, chỉ ngồi xích lại chỗ Tuệ Minh hỏi han chuyện học hành, rồi sao không về sớm hơn mấy ngày để chơi với bà. Mỹ Duyên cũng nhân đó nói xen vào, biết bà rất thích nghe chuyện của Tuệ Minh nên cả buổi đó cứ ngồi cạnh bà lôi cuốn tiểu thuyết có tựa đề ''Tuệ Minh'' ra đọc.
Ái Nhân nghe chuyện đến phát buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài vài cái rồi đứng dậy bỏ ra ngoài, con Vàng thấy nhỏ đi ra tự dưng cúp đuôi, miệng kêu ư ử chạy tuột vào trong gầm giường giống như bị khủng hoảng tâm lí.
Nhớ lại dịp tết năm ngoái về chơi, con Vàng khi ấy vẫn còn ngây thơ chưa hiểu sự đời nên ngỡ được cô chủ nhỏ vuốt ve là hành động yêu thương nên nó cứ nằm yên mặc nhỏ buộc dây pháo tét vào đuôi của nó, đến lúc châm mồi lửa hại con chó chạy hết một vòng quanh làng rồi trốn ở cái xó xỉnh nào đó, đêm 30 tết cả nhà ông Đổng khi ấy nháo nhác đi tìm chó, may mà thấy. Ái Nhân tối hôm đó cũng may được Tuệ Minh xin xỏ với cái lí do sắp sang năm mới, nếu không chắc nằm ôm mông hết ba ngày tết cho mà xem.
Ái Nhân đi tắt qua giàn thiên lí nhà bà Mười để sang nhà chú Lý em trai kế ngay sau bố, vừa trông thấy nhỏ bà Mười đã hơi tái mặt, theo phản xạ cất vội cái rổ đậu xanh bà đang lựa để chuẩn bị gói bánh trưng ra đằng sau lưng.
''Nhân, về ăn tết với ông bà nội đấy hả cháu?''
''Vâng ạ.'' Bắt gặp cái hành động đó của bà, Ái Nhân khẽ cụp mắt, lầm lũi nhảy qua bờ tường thấp chừng một mét để sang nhà chú Lý. Ngẫm thấy cái chuyện đó đã xưa lắm rồi tại sao bà Mười vẫn cứ cảnh giác với mình thế nhỉ.
Chẳng là có vài lần Ái Nhân về quê chơi cứ quen đi đường tắt qua nhà bà Mười, mà mỗi lần toàn đúng dịp nhà bà chuẩn bị gói bánh chưng, lúc cả nhà đang loay hoay rửa lá bánh, chẻ lạt thì cô cháu gái nhà hàng xóm đi ngang qua lại tốt bụng đem đậu với gạo trộn lẫn vào nhau hại nhà bà ý phải ra chợ đong thêm gạo và đậu xanh khác. Đôi lần như thế thiệt hại kinh tế ước chừng không nhỏ.
Sang đến nơi nhỏ đã thấy thím Huệ đang đãi gạo, cái Tí 12 tuổi ra dáng chị cả đang ngồi rửa lá bánh phụ mẹ, còn cái Tẹt 6 tuổi thì đang lăng xăng lấy tiêu, lấy muối cho bố ướp thịt. Vừa nhìn vào cảnh gia đình ấm áp, xum vầy cùng nhau tất bật chuẩn bị cho ngày tết mà nhỏ thấy cay sống mũi, lại nhớ đến gia đình mình trước nay vốn chưa từng cùng nhau chuẩn bị gói bánh chưng thế này, nhìn mà thèm thuồng cái không khí gia đình quá đi.
''Ơ, chị Nhân, Tẹt ơi chị Nhân về kìa.'' Cái Tí kêu lên, cái Tẹt thấy thế cũng cùng chị nó buông bỏ mấy việc đang làm chạy đến ôm chầm lấy nhỏ. Nhưng cái cảm giác được săn đón hạnh phúc vô bờ ấy chưa diễn ra được lâu thì hai đứa bé này đã chạy đến, đứa đánh đu, đứa đòi Tuệ Minh bế khi thấy cậu thong thả đi vào từ cổng chính. Cái Tẹt thì thôi rồi nhìn thấy anh Minh nó cứ như fan cuồng thấy thần tượng cứ hôn chùn chụt vào má cậu.
''Anh Minh, anh về khi nào đấy, em nhớ anh lắm luôn.''
''Em nhớ anh nhiều hơn cả Tẹt ý.''
''Không, em mới nhớ anh Minh nhiều hơn chị.''
Nhìn hai đứa em gái mình trông thấy trai là sáng mắt thậm chí còn chí chóe với nhau, mà Ái Nhân thầm cảm thấy mất mặt thay cho bọn con gái bây giờ, hám trai, quá hám trai. (Chị cũng hám bỏ xừ ra còn chê hai đứa em, chị lợi dụng người ta bệnh mà thực hiện hành vi đen tối của mình chị nhớ hông?.)
Đặt cái Tẹt xuống Tuệ Minh lễ phép chào chú thím, sau đó đưa quà cho thím Huệ: ''Bố mẹ cháu năm nay bận không về ăn tết được, bảo bọn cháu đem chút quà về biếu chú thím với hai em.''
''Hai bác đúng là cẩn thận quá, về chơi là tốt rồi, quà cáp làm gì cơ chứ? Chuyển lời cảm ơn của thím chú đến hai bác hộ thím nhé.'' Thím Huệ cười hiền, vui vẻ nhận túi quà rồi có ý bảo hai đứa vào nhà ngồi chơi, nhưng chú Lý thì khác chưa gì nhìn thấy cháu gái đã sai tới tấp bảo đi rửa lá bánh với bọn cái Tí, rồi nói hai đứa tụi nó đừng có bám lấy anh Minh để cho anh nghỉ ngơi.
Vâng, cháu Minh của chú là đi xa về, còn cháu là dùng cánh cửa thần kỳ của Đô rê mon để đến đây nên không biết mệt, giờ nhỏ mới phát hiện ra một điều hóa ra tư tưởng trọng nam khinh nữ có thể di truyền từ bà nội sang chú Lý. Mang một bụng ấm ức ngước lên nhìn Tuệ Minh mặt mày tươi rói được chú thím rót nước, hỏi chuyện như khách víp, Ái Nhân chỉ biết cặm cụi vào rửa đống lá cho xong.
Về quê chơi Ái Nhân thích nhất là được đi chơi chợ cuối năm, lúc này khắp con phố như được khoác lên mình bộ cánh rực rỡ, những cửa hàng bày biện hàng hoá, cây, hoa ra đến tận ven đường, người đi lại hối hả, nhộn nhịp mong sao chuẩn bị thật tươm tất đón chào năm mới.
Bánh trưng đã cho vào nồi luộc từ đầu giờ chiều, mọi công việc chuẩn bị cũng gần như tươm tất nên Ái Nhân cùng hai người bạn rất nhàn hạ cùng chú thím Lý ra chợ mua cây, hoa về trang hoàng nhà cửa.
Đỗ lại ngay hàng hoa ven đường, chú Lý vào ngắm mấy cây đào, thím Huệ kinh nghiệm nội trợ,mua sắm đã luyện đến độ lão làng như vậy chú lại không hỏi mà đi hỏi cái tên mọt sách cao kều: ''Tuệ Minh, cháu thấy cây này thế nào?''
Tuệ Minh quan sát cây đào chú Lý chỉ cũng đã lác đác hoa, về chơi mấy ngày tết là vừa tầm, nhưng thế cây có vẻ hơi to liền lắc đầu chỉ sang cây bên cạnh: ''Cây này đi chú, hiên nhà ông bà rất chật nên để cây này là vừa.''
Ờm, vậy là lời của thằng nhóc đó cực kì có lí làm ông chú gật đầu cái rụp, ngay lập tức mặc cả, kì kèo chút ít rồi rút bao hầu ra thanh toán. Rồi sau đó mua cái gì chú Lý cũng hỏi ý kiến Tuệ Minh, cũng có đôi lần cậu hướng ánh mắt ái ngại sang nhìn thím Huệ, thấy thế thím Huệ hỏi ý kiến chồng rồi dắt hai đứa cháu gái vào chợ xem quần áo.
Ái Nhân không biết ở quê hay mọi nhà đến năm mới đều có thói quen sắm sửa quần áo mới cho con trẻ trong nhà, chỉ biết ở nhà mình chưa từng hưởng qua cảm giác cùng bố mẹ đi sắm tết, mua quần áo mới, thích lúc nào liền mua lúc đó.
Thím Huệ mua cho Tí, Tẹt mỗi đứa hai bộ, trong lúc đó thím trông thấy bộ quần áo bà ba màu nâu liền vẫy Ái Nhân: ''Nhân, cháu xem bộ này có hợp với bà không?''
''Đẹp đấy ạ! Con mắt thím thật là cực kỳ có thẩm mỹ, bà nội nhất định sẽ thích.''
Thím Huệ được cô cháu gái nâng lên tận mây xanh liền quyết ý mua bộ bà ba này, chứ mọi lần có ý định cũng chỉ dám ngắm chứ có dám mua đâu, tính bà Đổng vốn khó mà, đưa túi quần áo cho Nhân, thím dặn: ''Vậy lát về cháu cứ nói là của mình mua biếu bà nhé!''
''Ơ thím, sao lại thế được ạ.''
''Thì cháu cũng biết tính bà rồi đấy!''
Thấy thím dè dặt nên Ái Nhân đành gật đầu: ''Vậy để cháu chọn cho ông lão một bộ cho đẹp đôi giống bà lão.''
Thím bật cười trước câu nói hóm hỉnh của Nhân rồi đưa tay ấn trán nhỏ, mắng yêu: ''Cái con bé này, dám nói ông bà thế hả?''
Thím Huệ với Nhân rất bận rộn lựa đồ, không giống Mỹ Duyên đi cùng mà tâm trí và ánh mắt cứ dõi về hướng chợ hoa đằng xa để tìm bóng dáng cậu, thi thoảng Ái Nhân có kéo nhỏ bạn lại hỏi ý kiến thì cũng ậm ừ cho qua chuyện.
Lúc chú thím Lý vòng qua chợ nông sản mua chút rau, thịt thì Ái Nhân vẫn đang mải mê với mấy sạp đồ chơi, còn đang đắn đo không biết mua bộ búp bê bác sĩ, hay búp bê nấu ăn vì vội đi quá không đem theo nhiều tiền thì từ trên đỉnh đầu vọng đến tiếng nói ấm áp của Tuệ Minh:
''Cô ơi gói giúp cháu hai bộ này!''
Định mua quà cho bọn cái Tí mà lại bị cậu ta giành mất, Ái Nhân tức mình bỏ sang quầy khác lựa đồ, trông thấy ở sạp hàng bên cạnh bày bán rất nhiều đồ cho người già liền chỉ vào chiếc cối giã trầu, hỏi một ông lão có dáng người cao gầy, gương mặt khắc khổ tầm tuổi ông nội mình:
''Ông ơi, ông cho cháu hỏi cái này bao nhiêu ạ?''
''Cháu gái, mua cho bà hả? Thôi năm hết tết đến rồi ông tính cháu 100 nghìn.''
Một trăm nghìn, Ái Nhân móc trong túi ra còn vỏn vẹn tám mươi nghìn, cũng tại lúc nãy mua kéo ăn rồi chứ không là đủ, liền ái ngại nhìn ông lão: ''Ông ơi cháu chỉ còn có 80 nghìn.''
''Cháu gái, thông cảm cho ông nhé!'' Thực ra thì chiếc cối này mà bán tám mươi nghìn ông chỉ có lỗ. Cũng may câu nói của chàng trai nào đó đã giải vây cho tình cảnh khó xử giữa hai ông cháu:
''100 nghìn đây ạ, ông cầm giúp cháu!''
Ái Nhân đưa ánh mắt chẳng mấy vui vẻ gì nhìn tên con trai bên cạnh, cậu muốn chơi phải không, để tôi xem trong túi cậu rốt cuộc có bao nhiêu tiền đều mang ra đây hết đi. Nghĩ là làm Ái Nhân ghé qua vài sạp hàng nữa, có khi toàn là những thứ chẳng liên quan cũng lao vào hỏi giá, cứ như vậy tiền trong túi người con trai vì muốn làm nhỏ vui kia cứ lần lượt ra đi, và đống đồ trên tay cứ ngày một nhiều hơn.
Cuối cùng chẳng biết vì thương sót túi tiền của cậu hay vì cảm thấy chơi đã đủ mà Ái Nhân gọi Mỹ Duyên hai đứa đi xe máy về nhà trước.
(Bật mí nha, Ái Nhân nhà ta biết đi cả phân khối lớn rồi đấy, chắc các bạn biết cả rồi nhỉ?''
Tuệ Minh ánh mắt đượm buồn dõi theo con nhỏ bướng bỉnh nào đó vụt đi mà trong lòng ngứa ngáy khó chịu, tự nói với chính mình: ''Đường đông người đó, cậu đi chầm chậm thôi!''
...
Về đến nhà Ái Nhân đem túi quần áo đưa cho Mỹ Duyên cầm, còn mình đem đống đồ đạc lỉnh kỉnh thím Huệ nhờ đem về . Bà Đổng ngồi trong nhà sốt ruột cứ đi đi, lại lại, thi thoảng lại dắng sao bọn trẻ chưa về. Vừa nghe thấy tiếng xe máy đỗ ngoài cổng đã tất bật đi ra mở cổng, thấy Mỹ Duyên liền tươi cười, hỏi han:
''Đi chợ mệt không? Đưa đây ta xem cháu ta đi chợ mua được gì nào?''
Hai bà cháu dìu dắt nhau đến ngồi trên chiếc chõng ngoài sân, mở túi ra là hai bộ quần áo bà ba của hai ông bà già thì cười híp cả mắt, xoa đầu khen ngợi: ''Cái con bé này, bố mẹ đúng là khéo dạy mà.''
Mỹ Duyên vốn định lên tiếng giải thích nhưng rồi thấy bà đang vui vẻ như vậy, cũng nhìn ra dù là thím Huệ hay Ái Nhân biếu thì bà đều không có biểu cảm vui vẻ như lúc này nên thôi.
Bà Đổng đang lúc cao hứng đi vào trong nhà thay luôn bộ đồ mới rồi đi ra sân, thấy cô cháu gái đang chật vật để mấy túi đồ xuống sân thì gọi: ''Nhân, cháu thấy bộ đồ này có hợp với bà không?''
Trong kí ức ít ỏi của mình Ái Nhân chưa từng thấy bà nội vui vẻ như vậy, đang định nói là thím Huệ biếu bà đấy thì câu nói sau cùng của bà khiến Nhân nín lặng, ánh mắt đem theo chút kì lạ nhìn Mỹ Duyên.
''Mỹ Duyên đúng là có mắt chọn đồ mà, vừa gặp bà chưa lâu đã biết bà thích gì rồi.'' Nói rồi còn tự ngắm nghía bộ đồ, dáng vẻ như thiếu nữ đôi mươi. Mỹ Duyên thoáng chút ái ngại chạy đến chỗ Ái Nhân, lúng túng: ''Kỳ thực mình chưa kịp nói đó là đồ thím mua, mình...''
''Thôi, không sao đâu, ai mua cũng vậy cả thôi, miễn bà vui là được rồi.'' Ái Nhân cười nhạt, ánh mắt thoáng buồn lẳng lặng đi vào trong nhà, phía sau vẫn là tiếng nói cười vui vẻ của bà nội với Mỹ Duyên, càng nghĩ mà càng tủi thân ghê gớm. Nhỏ rốt cục vẫn chẳng thể tìm nổi một lí do vì sao bà nội trước nay đều không thích mình, từ khi 6 tuổi biết nhận thức cho đến giờ điều này càng lúc càng rõ rệt.
Nếu thấy câu truyện hay thì 1 vote + 1 follow cho Rose nhé các bạn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top