Chương 4

Đó là màn pháo hoa đẹp nhất mà tôi được ngắm trong suốt cuộc đời này, tuy chỉ là thoáng chốc, mà lại khắc cốt ghi tâm, đủ để cho tôi của rất nhiều năm sau đó khi nhớ lại vẫn có thể mỉm cười.

Sớm giao thừa, lái xe của chú đưa chúng tôi đến sân bay. Bay chưa đến một tiếng, khi xuống máy bay bố đã đợi sẵn để đón chúng tôi rồi.

Đêm hôm trước, tôi đã tưởng tượng vô số lần cảnh tượng gặp lại bố. Tôi nghĩ mình phải kiên cường một chút, hờ hững một chút, lạnh lùng một chút, dùng thái độ xa cách để trả đũa ông. Thế rồi giữa sân bay đông nghịt người, vừa liếc mắt tôi đã nhìn thấy bố. Trông ông không thay đổi gì, chỉ hơi béo lên, nhìn thấy chúng tôi liền vừa cười vừa bước nhanh tới.

Khoảnh khắc đó, mắt tôi bỗng nhiên đỏ lên, suýt nữa thì không nhịn được mà rơi nước mắt, cả thân mình không thể động đậy.

“Vô dụng.” Chị đi tới, nói nhỏ một câu.

Tôi hít một hơi, nuốt nước mắt vào trong, đi theo chị đến đó. Chú thím đang nói chuyện với bố, tôi nhẹ gọi một tiếng, “Bố.”

Bố nhìn tôi bằng ánh mắt phức tạp, xoa đầu tôi, “Hoa Hoa lớn rồi, trở nên xinh đẹp rồi.”

Vẻ áy náy mơ hồ hiện lên trên mặt bố. Tôi nhịn xuống khao khát muốn lao vào lòng bố, cúi đầu, nước mắt nhỏ xuống giày, đọng thành một vệt nước mờ.

“Đây chắc là Hỷ Nghiên rồi. Ra dáng thật, vóc dáng cao quá.”

Chị chỉ lễ phép gọi một tiếng “bác”.

“Chúng ta đừng đứng đây nữa, mau lên xe đi về nhà thôi. Anh mượn xe đồng nghiệp, như vậy có thể ngồi xe về nhà ăn trưa.” Bố đã chuẩn bị trước, cầm lấy hành lý trên tay chú, đưa họ ra bên ngoài.

Bỗng nhiên có người kéo tóc tôi, “Đi hết rồi, còn không mau đuổi theo.”

Là chị gái. Tôi lau nước mắt, chầm chậm theo sau chị.

“Hỷ Nghiên, Hoa Hoa, đi nhanh lên.” Thím gọi.

Chị bỗng nắm lấy tay tôi, đi nhanh về phía trước, “Ngơ ngác cái gì, cẩn thận đi lạc lại bị bọn buôn người bắt mất.”

Tôi sửng sốt một chút, nhỏ giọng phản bác, “Sao có thể chứ.”

“Sao không thể, bọn buôn người chuyên bắt mấy đứa con gái ngốc như em, hai nghìn tệ*1 một người, bán vào núi làm dâu người ta, khi được cứu ra đã sinh cả chục đứa con rồi.” Chị dọa tôi.

Tôi bĩu môi, không nhịn được bật cười, ngẩng đầu nhìn đường viền khuôn mặt chị. Chị cố không biểu lộ gì, nhưng khóe miệng vẫn không khỏi nhếch lên.

Tay của chị ấm áp mà mạnh mẽ, khiến tôi cảm thấy dường như có thêm chút dũng khí, đủ để tôi dám đối mặt với tất cả những chuyện sắp phải đối mặt.

Nhà mới mua ở khu đẹp nhất của thị trấn, to hơn nhiều nhà bố được đơn vị cấp trước đó, sửa sang rất đẹp, ảnh cưới của bố và mẹ kế treo phía trên TV.

Chúng tôi vừa mới tới, bà nội liền ra mở cửa. Tôi lao vào lòng bà, “Bà nội”.

Bà ôm lấy tôi, lau nước mắt, “Hoa Hoa ngoan, Hoa Hoa ngoan, bà nhớ cháu quá.”

“Cháu cũng nhớ bà nội”. Tôi vừa khóc vừa nói.

“Mau vào nhà đi, chú hai, con cũng vào đi.” Bà nội cầm tay tôi dẫn vào nhà, “Để bà nội xem Hoa Hoa lớn chưa nào.”

Mẹ kế đi đến đỡ lấy đồ, “Chắc đã đói cả rồi, chúng ta ăn cơm luôn. Mẹ, lát nữa sẽ có thời gian nhìn Hoa Hoa, giờ đi ăn trước đã.”

Tôi ngừng khóc, nhìn bà ấy gọi một tiếng, “Dì Lưu.”

Ông nội cũng đứng lên, “Đi ăn cơm trước đã, ăn xong rồi nói.”

Có một đứa trẻ chập chững đi đến, nhìn tôi tò mò. Mẹ kế nhìn thấy liền nói, “Bằng Bằng qua đây chào chú thím đi.” 

Đứa bé nghe lời quay đầu, bập bẹ gọi chú thím. Thím cười, lấy ra một bao lì xì đưa đến ngực nó, nó vừa nhìn bao lì xì lại nhìn sang tôi.

Bà nội cười ôm lấy đứa bé, “Đây là chị, đây cũng là chị”. Bà chỉ tôi, rồi lại chỉ chị gái.

Đứa bé lại nghe lời gọi một tiếng. Tôi nhìn nó, khuôn mặt trắng trẻo mũm mĩm, đôi mắt trong veo, thoạt nhìn đã thấy rất được cưng chiều. Đây chính là em trai tôi, là con của bố tôi và một người đàn bà khác. Tâm tình bỗng nhiên hơi phức tạp, tôi không đáp lời, cũng không nhìn nó nữa, “Bà ơi, cháu đói rồi.”

Một bữa cơm mà khiến tôi no không chịu nổi. Ông bà nội liên tục gắp thức ăn cho tôi, dường như muốn bù đắp cho mấy năm gần đây. Mẹ kế ôm em trai nhỏ, vừa cho nó ăn, vừa nói chuyện nhà với thím.

Tôi không muốn nhìn, rồi lại không nhịn được mà lén quan sát đứa bé kia. Thấy nó đang nhìn mình, tôi lập tức ngoảnh mặt đi, lại gặp phải ánh mắt khinh thường của chị. Mặt tôi đỏ lên, lập tức cúi mặt tiếp tục ăn.

“Heo.” Chị nói bằng giọng chỉ hai người nghe được.

“Hỷ Nghiên nói gì với Hoa Hoa vậy?” Bà nội cười nhìn chị, “Tình cảm của hai đứa thật tốt.”

“Dạ, cháu đang bảo em ăn từ từ thôi, ăn nhanh không tốt cho dạ dày.” Chị lễ phép trả lời.

Tôi trợn mắt nhìn chị. Đây đúng là nói dối không chớp mắt mà.

“Cháu thật hiểu chuyện, tiêu sái lại lịch sự!” Mẹ kế khen chị, “Chắc cháu học đại học rồi?”

“Học cấp Ba, cũng sắp thi tốt nghiệp rồi ạ.”

“Trông cháu thông minh như thế, nhất định học rất giỏi.”

“Cũng bình thường thôi, nó không chịu cố gắng gì hết, cũng không nghe lời như Hoa Hoa. Được cái việc học hành của hai đứa chưa bao giờ khiến em phải phiền lòng”. Thím tiếp lời.

“Vậy chị nên để Bằng Bằng học tập hai chị, tương lai Hoa Hoa trở về, cũng cho nó lên tỉnh học.”

Tôi ngừng một chút, nghe ra được ý trong lời nói của mẹ kế, hơi nhếch miệng. Nhanh vậy mà đã tính toán hết cho con mình rồi sao? Thấy tôi sống ở nhà chú rất tốt, lại muốn sau này đưa tôi về, để con của bà ấy đi.

“Vậy cũng không khó, trường chúng cháu cũng có những bạn học từ huyện thi lên. Chỉ cần em cố gắng, nhất định có thể thi đỗ.” Chị thẳng thắn nói.

Thím cũng cười nói, “Hoa Hoa học rất tốt, sau này ít nhất cũng có thể thi vào đại học lớn của tỉnh. Dù bảo con bé tự đi tìm việc hay vào làm trong công ty của chú, con bé cũng đều nghe lời.”

Mẹ kế có chút không vui, nhưng lập tức cười che giấu, “Mọi người lo toan cho Hoa Hoa nhiều thật.”

Chú đang uống rượu với bố, chú ý đến mẹ kế, bèn nói, “Hoa Hoa vừa ngoan vừa nghe lời, em và Tuệ Như đều yêu thương con bé, đương nhiên phải lo toan cho con bé thật nhiều.”

Ông nội hài lòng gật đầu, “Con là chú con bé, đó là việc nên làm.”

“Vâng, hiếu thuận với bố cũng là điều chúng con nên làm. Khi nào bố mẹ lên nhà chúng con sống một thời gian đi ạ.”

“Bố mẹ già rồi, không muốn đi lại nhiều. Hơn nữa bố mẹ cũng không quen sống ở tỉnh thành lớn như vậy.”

“Một thời gian là sẽ quen thôi. Kiến Huy vẫn muốn trả hiếu bố mẹ, bố cho anh ấy một cơ hội đi ạ.” Thím cũng khuyên nhủ.

Ông nội lại nói gì đó, tôi cũng không nghe nữa.

Tôi đương nhiên cảm thấy chú thím vốn chẳng việc gì phải đối tốt với tôi cả, nhưng họ và chị lại bảo vệ tôi như vậy, khiến tôi cảm thấy ấm áp và an tâm. Nếu mẹ kế thực sự mở miệng nói đưa tôi về để cho em trai đi, có lẽ tôi thực sự sẽ không chịu nổi. Tôi đã từng vô cùng không muốn đi, bà ấy lại nhất định muốn đuổi tôi đi. Giờ tôi muốn ở nhà chú, cuối cùng cũng có thể yên ổn mà trưởng thành. Trừ phi chú thím thực sự không cần tôi nữa, nếu không, không ai có thể bắt tôi rời đi. Mẹ kế cũng không sai, chỉ là ích kỷ mà thôi, nhưng tôi cũng không thể không oán giận bà ấy.

Nhưng tôi biết, chú sẽ không bỏ rơi tôi đâu. Chú là người tôi kính trọng và tin tưởng nhất, đã từng đồng ý sẽ không vứt bỏ tôi nữa. Nghĩ tới đây, lòng tôi đột nhiên sinh ra cảm giác bài xích với ngôi nhà này. Đây là nhà của bố và mẹ kế, không thuộc về tôi, thế nhưng tôi cũng có nhà của mình, là nhà của chú thím, của chị gái và tôi.

-

Lần này chúng tôi về, thái độ của ông với chú thím đã tốt hơn nhiều. Thời gian thực sự có thể khiến chúng ta chấp nhận rất nhiều thứ mà trước đây ta không thể chấp nhận.

Nhà chúng tôi là người miền Nam chính gốc, không có tập tục ăn sủi cảo vào dịp Tết. Đến nhà chú rồi đều đón Tết cùng ông bà ngoại. Họ là người miền Bắc, ăn Tết nhất định phải có sủi cảo, bên trong miếng sủi cảo ngẫu nhiên còn có thể có một đồng tiền xu. Tôi không thích sủi cảo lắm, nhưng thường cố gắng ăn thật nhiều để lấy tiền. Cứ đến lúc này là chị gái sẽ tranh với tôi. Lòng tham của chị rất lớn, tốc độ ăn lại nhanh, cứ ăn cả cái một, hơn nửa tiền xu đã bị chị cướp mất. Tôi chỉ còn cách giương mắt nhìn. Những người lớn trông thấy đều không khỏi bật cười. Năm sau đó bà ngoại và thím cố ý gói nhiều tiền xu hơn. Cảm tạ trời đất, cuối cùng tôi cũng ăn trúng.

Thím đã chuẩn bị gói sủi cảo cho cả nhà ăn, người lớn đều rất hứng thú. Mẹ kế và bà nội tuy không biết làm sủi cảo, nhưng cũng có thể phụ giúp. Cả chú cũng tham gia.

Bố ngồi ở bàn trong phòng khách, trước mặt là TV, mọi người vừa gói sủi cảo vừa xem chương trình đêm giao thừa. Chương trình TV tuy nhàm chán, nhưng cũng đủ vui vẻ, bầu không khí trong nhà cũng rất hòa hợp. Tôi không giúp được gì, chỉ ngồi xem. Chị có vẻ không hứng thú gì với chương trình TV, lại thấy chán, lên tiếng chào rồi đi xin phép ra ngoài đi dạo.

Em trai hòa nhập vào không khí gia đình, có vẻ rất hưng phấn, ngồi trong lòng bố bập bẹ nói mấy câu. Tuy bố nghe không hiểu, nhưng lại cười lớn với nó, huơ tay múa chân tích cực. Nhìn thế này, nó quả thật giống bố như đúc.

Em trai chú ý tới tôi, đưa hai tay ra, “Chị bế, chị bế.”

Tôi bỗng thấy nôn nao, hơi do dự, tôi cũng không thực lòng muốn bế nó. Nhưng nhìn ánh mắt vừa chờ mong vừa khích lệ của bố, tôi vẫn đưa tay ra đón em.

Sức tôi không nhiều, bế một đứa trẻ hai tuổi mập mạp vẫn có chút khó khăn. Thằng bé cười khúc khích, vui vẻ nhích tới nhích lui trong lòng tôi, khiến tôi suýt nữa không giữ được nó. Mặc dù đứa bé hơi nặng, nhưng rất ấm áp, còn thoang thoảng mùi sữa. Nhìn thằng bé cười ngây thơ, cuối cùng tôi cũng không kìm được mà cười với nó. Thử sờ mặt em, thấy thật là mềm mại.

Thật khó tưởng tượng được. Lúc tôi rời khỏi nhà, em còn đang nằm trong bụng mẹ, không nhìn được cũng chẳng nghe thấy gì. Vậy mà trong chớp mắt đã biến thành một đứa bé bằng xương bằng thịt. Thực ra khi ấy tôi rất ghét em, ghét em cướp vị trí của tôi, ghét em cướp đi tình yêu của bố. Nhưng khi em thực sự nằm trong lòng tôi, tôi lại không thấy ghét như vậy. Em còn nhỏ như vậy, không hiểu chuyện gì, cũng chẳng có lỗi gì hết. Em thực lòng thích tôi. Tôi đúng là không có lý do gì mà trách em được.

Tay của em trai nghịch ngợm trên người tôi, không để ý mà giật sợi dây đỏ ở cổ, khiến miếng ngọc đeo trên dây cũng bị kéo ra ngoài. Đó là miếng ngọc mà chú tặng khi tôi đầy tháng, đã đeo ở cổ tôi từ khi còn nhỏ.

Em cầm nhìn ngắm một lúc, đột nhiên đưa vào trong miệng. Tôi vội vàng kéo tay nó, “Không ăn được.”

Em khó hiểu nhìn tôi, tôi bèn giải thích, “Cái này rất cứng, không thể ăn.”

“Muốn, muốn.” Em cố ý muốn giật lại miếng ngọc.

Tôi bị đau, vội vã giữ lấy tay em, hơi bối rối. Tất nhiên tôi không thể cho nó thứ này, nhưng lại không biết làm sao để từ chối.

“Ô kìa, Bằng Bằng thích đồ của chị.” Mẹ kế ở bên cạnh chú ý tới, cười híp mắt nói, “Hoa Hoa, con là chị, cũng nên có quà gặp mặt cho em trai chứ nhỉ?”

Mặt tôi đỏ lên. Trẻ con không hiểu chuyện, tôi sẽ không so đo với nó. Nhưng mẹ kế nói vậy, rõ ràng muốn tôi đưa miếng ngọc cho em. Dù thứ này đắt hay rẻ, thì đối với tôi nó luôn là thứ có ý nghĩa nhất. Ngày thường tôi còn ít khi tháo xuống, sao có thể dễ dàng cho đi được.

May mà ông lên tiếng, “Hoa Hoa cũng là trẻ con, nói cái gì mà quà gặp mặt chứ. Bằng Bằng, qua đây ông bế.”

“Là chúng con sơ suất. Bằng Bằng, lần sau cháu đến nhà thím ăn Tết, thím nhất định sẽ chuẩn bị quà cho cháu.” Thím cười nói với em, tuy nhiên sự chú ý của nó đã bị thứ khác hấp dẫn mất rồi.

Mẹ kế có chút không vui thở dài, “Ôi, Bằng Bằng nhà tôi làm sao bằng chị nó được. Dù sao Hoa Hoa vẫn là trưởng nữ nhà họ Phác.”

Bố nhíu mày, “Đã là thời nào rồi mà còn trưởng nam trưởng nữ. Không biết ăn nói thì nói bớt mấy câu đi.”

Mẹ kế hơi ngượng ngùng, cười khan rồi không nói nữa. Tôi bắt gặp ánh mắt chú thím nhìn nhau, dường như có ý không đồng tình.

Tôi bỗng cảm thấy bầu không khí trở nên nặng nề, xem TV cũng không vào nữa. Đúng lúc đó có người gõ cửa, tôi lập tức đứng lên đi mở cửa.

Là chị.

“Mau đi mặc thêm áo, chị đưa em ra ngoài.” Chị không vào, khi nói còn phả ra làn hơi trăng trắng.

“Làm gì?”

“Nói nhảm nhiều thế làm gì, mau đi đi.” Chị lại nói với người trong nhà, “Ông bà, mẹ, con đưa Hoa Hoa đi chơi một lúc.”

“Đi đâu? Bên ngoài lạnh thế, đừng đi xa quá đấy.” Thím dặn.

“Chỉ ngay dưới này thôi mà, không lạnh đâu.”

Tôi nhanh chóng mặc áo khoác. Thím không yên tâm, xoa xoa tay cho tôi rồi cầm khăn đến, “Quàng khăn vào. Cháu sợ lạnh, hơi tí là đã bị cảm rồi.”

Thím vừa nói vừa mặc áo khoác, đội mũ, lại quàng cho tôi mấy vòng khăn. Đến khi tôi gần như chỉ hở mỗi đôi mắt, thím mới cho tôi ra ngoài.

“Đúng là yếu ớt.” Chị vỗ tôi một cái, “Đi theo chị.”

Xuống dưới nhà tôi mới biết chị muốn làm gì. Chị mua mấy ống pháo hoa lớn đặt bên dưới, hai bên còn có một cái túi lớn, bên trong đựng các cây pháo bông nhỏ.

Tôi reo lên chạy tới. Mặt chị liền lộ ra vẻ đắc ý.

Chị đốt mấy cây pháo bông nhỏ cho tôi, rồi đặt cây pháo lớn vào giữa sân, “Xem đây!”

Chị châm pháo rồi chạy về bên cạnh tôi.

Trong khoảnh khắc, một ánh pháo hoa bay lên cao, sau đó nổ tung, sáng chói, lấp lánh bao nhiêu sắc màu. Hai, ba tiếng nổ sau, pháo hoa bay khắp trời, tỏa ra thật nhiều màu sắc và hoa văn, tươi đẹp rực rỡ, lộng lẫy vô cùng. Những cửa sổ ở tầng trên đều mở ra, tôi nghe thấy tiếng reo hò của trẻ con, tiếng tán tụng của người lớn...

Tôi vẫn nhìn lên cao, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Giữa thời khắc này, bao nhiêu khó chịu đều tan biến hết.

Chị quay sang tôi nói gì đó. Tôi không nghe thấy, lớn tiếng hỏi: “Chị nói gì?”

“Chị nói, có-đẹp-không?” Chị cúi đầu, hỏi tôi bằng giọng lớn hơn.

Tôi liên tục gật đầu, “Đẹp!”

Tôi nghĩ dáng vẻ của mình chắc chắn rất ngốc, nếu không sao chị có thể cười vui vẻ như vậy. Nụ cười của chị sáng bừng giữa ánh pháo hoa rực rỡ, khi sáng khi tối, đẹp đến mức khiến tôi cảm thấy không thực. Trong thâm tâm tôi không khỏi ao ước, nếu mình thực sự có người chị đẹp gái như vậy thì tốt rồi.

Tuy nhiên ao ước đó lập tức bị chị phá tan.

“Em-là-đồ-ngốc!” Chị hướng về phía tôi mà hét.

Tôi trợn mắt, hét lại: “Em-không-ngốc.”

Vậy mà chị lại cười. Dường như tối nay chị rất thích cười.

Tôi không phục, bĩu môi, nhỏ giọng lẩm bẩm: “Chị là đồ điên khùng xấu tính.”

“Gì hả?” Chị lớn tiếng hỏi.

Tôi ngẩng mặt lên, cười rạng rỡ, “Em nói, chị-là-giỏi-nhất!”

Chị cười đắc ý: “Đương nhiên rồi.”

Sau này tôi đã ngắm biết bao lần pháo hoa cùng bao nhiêu người, nhưng không có ánh pháo hoa nào đẹp hơn pháo hoa ngày hôm nay, không có pháo hoa nào khiến tôi vui đến vậy nữa. Rất nhiều năm sau, tôi nhìn pháo hoa trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, vừa long trọng vừa rực rỡ. Người xung quanh tấm tắc khen, trong lòng tôi lại dấy lên một niềm kiêu hãnh vô hình. Vì tôi biết, trong số họ, chẳng có ai thấy được ánh pháo hoa mà tôi từng ngắm.

Đó là màn pháo hoa đẹp nhất mà tôi được ngắm trong suốt cuộc đời này, tuy chỉ là thoáng chốc, mà lại khắc cốt ghi tâm, đủ để cho tôi của rất nhiều năm sau đó khi nhớ lại vẫn có thể mỉm cười.

Rất nhiều người nói, sắp đến năm tận thế. Ban đầu tôi cũng hơi lo sợ. Đương nhiên là tôi sợ chết, tôi còn trẻ như vậy, còn chưa trưởng thành, sao có thể cứ thế mà chết. Thế nhưng sau đó tôi lại nghĩ, nếu là tận thế, vậy mọi thứ trên thế giới này đều sẽ hóa thành hư vô. Bố mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại, mẹ và em trai, chú và thím, còn cả chị và tôi. Nghĩ đến đó, bỗng nhiên tôi lại không sợ nữa. Nếu tất cả mọi người đều biến mất, chỉ còn mình tôi sống, điều đó mới thực đáng sợ.

Chuyện gì phải đến sẽ đến, việc gì cần đối mặt sẽ phải đối mặt thôi.

-

Lời dịch giả: Rất nhiều năm sau đó, khi Hỷ Nghiên trở về, chị ấy đã hỏi Chính Hoa: “Hoa Hoa, em còn nhớ pháo hoa năm ấy, và lời chị đã nói với em không? Khi đó, không phải chị hỏi em pháo hoa có đẹp không...”

Hỷ Nghiên đã luôn đợi Chính Hoa, đợi cô ấy nghe được câu nói kia, đợi hơn mười năm liền. Thực sự khi đọc đến đây mình cảm thấy sự chờ đợi của Hỷ Nghiên rất xứng đáng được đền đáp.

Dưới đây là bài hát được sáng tác cho truyện, có tên “Bên anh đến già”. Trong bài hát có câu, “Em chỉ tiếc không thể bên anh đến già, để ngày ngày có thể nhìn thấy nụ cười của anh”. Nghe xong bài hát đã khiến mình có động lực dịch truyện hăng say hơn nhiều 

Tổng cộng chúng tôi ở quê ba ngày. Họ hàng đến chúc Tết và phải đi chúc Tết thực sự rất nhiều, chú đặt luôn mấy bàn ở nhà hàng tốt nhất huyện, tụ tập tất cả mọi người. Hôm đó tôi không đi. Tôi vốn không phải đứa trẻ giỏi ăn nói, gặp nhiều họ hàng như vậy, ngoài mỉm cười ra cũng chẳng biết làm gì nữa. Ánh mắt của họ, lời nói của họ, dù là thương xót hay ngưỡng mộ, tôi đều không có tâm trạng đối diện. Việc này đương nhiên còn phải cảm ơn mẹ, sáng hôm đó bà đã đến đưa tôi ra ngoài.

Tôi kinh ngạc phát hiện ra, mẹ thật quá khác so với trí nhớ của tôi. Trước kia mẹ tuy không tao nhã bằng thím, nhưng cũng xinh đẹp nền nã, tóc tai gọn gàng, quần áo thời thượng, đi giày cao gót nhịp nhàng. Nhưng người ở trước mặt tôi bây giờ không khác một bà nội trợ là bao, khuôn mặt vẫn xinh đẹp, nhưng khóe mắt đã có nếp nhăn thấp thoáng.

Mẹ con gặp nhau, vậy mà lại không nói nên lời.

Cuối cùng vẫn là mẹ lên tiếng trước, “Hoa Hoa lớn rồi.”

Mẹ cũng giống bố, không hề nói nhớ tôi, không hỏi tôi sống có tốt không, chỉ nói một câu, Hoa Hoa lớn rồi. Có lẽ, họ đều không có thời gian mà nhớ đến tôi. Trái tim người ta vốn nhỏ hẹp, có người mới rồi, đương nhiên không còn chỗ cho người cũ. Cũng có lẽ, họ đều mặc định rằng, tôi ở nhà chú thím nhất định sống rất tốt.

Tất nhiên là tôi sống tốt, thế nhưng, lẽ nào họ đều cho rằng, cứ vậy là có thể không cần có trách nhiệm, hoàn toàn bỏ mặc tôi, sống hạnh phúc vui vẻ cùng gia đình mới sao?

“Con tự khắc phải lớn lên. Cũng mấy năm mẹ không gặp con rồi, đương nhiên là không biết được.”

Lời vừa nói ra, tôi đã có chút hối hận. Sao lại tỏ vẻ không phục như vậy chứ? Bà ấy là mẹ tôi cơ mà...

Mẹ hơi lúng túng. Tôi cắn môi quay mặt đi, không muốn để mẹ trông thấy đôi mắt đang đỏ lên của mình.

Mẹ chợt thở dài, “Mẹ có lỗi với con.”

Tôi không lên tiếng. 

Mẹ nắm lấy tay tôi, nhẹ giọng nói, “Đi dạo với mẹ một lúc được không?”

Tim tôi mềm ra, gật đầu, để mẹ dắt tay tôi. 

Mẹ nói với tôi rất nhiều điều, sự khó xử của mẹ, tình cảnh của mẹ, gia đình của mẹ, quá khứ không thể quay lại của bố mẹ...

Tôi không biết nên nói gì. Có lẽ đúng là tôi quá không biết điều, quá thiếu bao dung, không thể hiểu cho nỗi khổ của mẹ. Nhưng mẹ là mẹ của tôi kia mà! Tôi đã nhìn thấy tất cả những người mẹ, mẹ của các bạn học, thím, thậm chí mẹ kế, họ đều yêu thương con mình sâu sắc như thế, chỉ sợ con phải chịu uất ức gì, không muốn con mình có gì không vui.

Thực ra mẹ cũng là một người mẹ như vậy, chỉ là bà ấy có hai đứa con, mà tình yêu của bà ấy không dành cho tôi.

Song dù sao tôi cũng yêu mẹ. Dù sao tôi cũng muốn tin rằng, không phải là mẹ không yêu tôi, chỉ là tình yêu của bà ấy đã trao hết nơi đứa trẻ mà bà ấy cho là quan trọng nhất kia rồi.

Cuối cùng tôi vẫn không kìm được, nhẹ nhàng nắm lấy tay mẹ.

Mẹ chợt dừng lại nhìn tôi, nước mắt đầm đìa, nói lần thứ hai, “Mẹ có lỗi với con.”

Tôi nhìn đôi mắt mẹ, đưa tay lau đi những giọt lệ trên khóe mi ấy. Nếu có thể, tôi còn muốn chạm vào những nếp nhăn kia.

Người mẹ run lên, cầm lấy tay tôi nhẹ vuốt, “Hoa Hoa, Hoa Hoa...”

“Mẹ không cần phải áy náy. Chú thím đối với con rất tốt, giờ con sống rất vui.”

“Nhưng...”

Tôi gượng cười, “Không nhưng gì hết. Con còn phải cảm ơn mọi người, đã khiến con có cuộc sống tốt như bây giờ.”

Cuộc gặp gỡ giữa hai mẹ con, cuối cùng lại thành ra là tôi an ủi mẹ.

Buổi trưa chúng tôi ăn cơm ở ngoài. Tất nhiên mẹ không thể đưa tôi về nhà ăn cơm. Đang là Tết, trong nhà ắt có nhiều khách khứa. Mẹ đi ra ngoài lâu như thế đã không dễ gì rồi.

Lúc đưa tôi về nhà bố, mẹ lấy ra năm trăm tệ*1 đưa cho tôi. Tôi đã nghe mẹ nhiều chuyện khó khăn trong nhà như vậy, đương nhiên nhất quyết không lấy số tiền này. Chúng tôi giằng co rất lâu mà mẹ vẫn không thể đưa tiền cho tôi, cuối cùng, bà ấy hơi giận, “Hoa Hoa, có phải con vẫn còn trách mẹ không? Không chịu để mẹ yên tâm gì cả.”

Nhìn đôi mắt mẹ lại đỏ lên, tôi lặng lẽ thở dài một hơi, cuối cùng cũng nhận lấy. Nếu tiền bạc có thể khiến mẹ yên lòng, vậy tôi sẽ đồng ý với bà ấy.

Lúc vào nhà, mọi người đều chưa trở về, chắc lại say sưa trên bàn rượu rồi. Chỉ có một mình chị gái đang chơi game.

“Vừa khóc đấy à?” chị cũng không ngẩng lên.

“Đâu có.” Tôi không chịu thừa nhận.

Chị nhìn qua tôi một lát, rồi lại cúi đầu, “Em đúng là không khá lên được, tưởng mình là Lâm Đại Ngọc*2 chắc, khóc có đẹp đẽ gì đâu.”

“Em khóc kệ em, không cần chị lo.” Tôi nhỏ giọng nói.

Chị bỗng ngừng lại, nhìn tôi, “Phác Chính Hoa, em đủ lông đủ cánh rồi đấy nhỉ? Về nhà nên to gan hơn phải không? Để xem sau này chị còn cho em về nhà nữa không.”

Tôi không phục, “Có về hay không cũng không đến lượt chị lo.”

“Em cứ đợi xem chị có lo được không nhé.” Chị nói một câu rồi tiếp tục chơi, không để ý tôi nữa.

Chơi, chơi, chơi! Chỉ biết chơi! Chẳng giống học sinh sắp thi đại học gì hết. Rốt cuộc đêm giao thừa đó tôi bị trúng tà gì mà thấy chị đẹp chứ. Rõ ràng là đáng ghét vô cùng.

Ngày trở về, bố tiễn chúng tôi đến sân bay.

Trên đường chú hỏi bố:

“Anh, anh có bằng lái xe từ khi nào vậy?”

“Năm ngoái. Năm ngoái ở cơ quan có mấy người đăng ký thi, anh cũng thi lấy một cái.”

“Vậy anh định bao giờ mua xe?”

“Ôi, kệ đi, đã tiêu hết tiền tiết kiệm mua cái nhà mới rồi, làm gì còn tiền mua xe nữa.”

“Em có một chiếc Accord*3 chưa dùng đến, bao giờ về đến nơi em bảo tài xế lái đến cho anh.”

“Thế sao được.” Bố lập tức từ chối, “Ở quê không dùng đến đâu, chú cứ giữ lấy.”

“Em bảo tặng anh là tặng anh, anh em một nhà khách khí gì chứ.”

Bố vẫn muốn cự tuyệt lại bị chú ngăn lại. Thím cũng khuyên thêm vào. Cuối cùng bố vẫn nhận.

Tôi bỗng cảm thấy mặt mình nóng lên, yên lặng cúi đầu.

“Thấy không, Tết đến, kiếm được chiếc xe.” Chị thấp giọng cười nhạo bên tai tôi.

Tôi trợn mắt lên, chị lại không nhìn tôi nữa, chỉ nhếch miệng cười.

Cuối cùng tôi đã làm một việc mà thậm chí chưa từng dám nghĩ đến. Tôi đã dùng sức cấu tay chị một cái.

“A!” Chị nhất thời không đề phòng, kêu lên.

“Sao vậy?” Thím hỏi.

Tôi mặt không đổi sắc nhìn chị. Chị mách đi, mách đi! Dù sao tôi cũng không sợ.

“Không có gì ạ, bỗng nhiên chân con bị chuột rút.”

“Đang yên đang lành mà chuột rút cái gì?” Thím ngạc nhiên hỏi.

“Thì con đang phát triển chiều cao mà.”

“Đúng đấy, anh nghe nói trẻ con lúc phát triển chiều cao sẽ hay bị chuột rút.” Chú thêm vào.

Thím cười, “Thì ra Hỷ Nghiên nhà ta vẫn là trẻ con.”

Chị cười phụ họa mấy tiếng, đợi thím quay sang chỗ khác mới ghé vào tai tôi nói, “Phác Chính Hoa, em ghê gớm quá rồi nhỉ? Em cứ đợi mà xem.”

Tôi chẳng buồn chớp mắt, làm bộ không nghe thấy.

Cuối cùng, tôi thực sự đã bị trả đũa.

Trước khi lên máy bay, bố ngập ngừng mãi mới nói, “Hoa Hoa, nghỉ hè năm nay lại về đây nhé.”

Tôi còn chưa mở miệng, chị đã cướp lời: “Nghỉ hè em ấy còn phải học thêm ạ. Sắp thi vào cấp Ba rồi, không chuẩn bị kỹ là không được.”

“Ai dạy thêm cho con bé?” Thím ngạc nhiên hỏi.

“Con đây!” Chị hùng hồn nói, “Hôm trước em ấy cầu xin con mãi, con mới đồng ý đấy.”

Nói xong nhìn tôi đầy uy hiếp, ý muốn nói, tôi mà không phối hợp sẽ cho tôi biết tay.

Tôi chỉ có thể nuốt hết lời muốn nói vào bụng, gật đầu thừa nhận. Lần này tôi về, Từ Huệ Lân đã về quê cô ấy đón Tết rồi, chúng tôi còn chưa được gặp nhau.

Phác Chính Hoa, mày điên rồi! Sao lại đắc tội với chị ấy chứ? Giờ bị người ta báo thù rồi, thấy chưa?

Hết chương 4

*Chú thích:

*1. 500 Nhân dân tệ, xấp xỉ 1,700,000 VNĐ

*2. Lâm Đại Ngọc: Nhân vật trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng

*3. Accord: Tên một loại xe hơi của hãng Honda



31/3/2006 - 31/3/2019 (theo giờ Hàn).

Chúc mừng kỷ niệm 13 năm debut của chị, Heo Solji.

Cảm ơn chị vì không từ bỏ. Vất vả nhiều rồi, cùng bước tiếp trên con đường trải đầy hoa chị nhé!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top