Chương 1

Gió bấc vừa kéo đến, bầu trời Bắc Bình* trở nên u ám và xám xịt màu lông chuột, tuyết đầu mùa rơi nhẹ, phố xá phủ đầy bụi bặm. Mặc dù ở thủ đô hiếm khi đổ tuyết, nhưng chẳng mấy người tỏ ra thích thú trước những bông tuyết này.

(*) Thủ đô Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1912-1928 (Wikipedia)

Tiếng còi tàu hỏa, tiếng tàu điện leng keng, hòa lẫn với âm thanh rao bán của các gánh hàng rong, tiếng lắc chuông bán thuốc, tiếng trống thu mua đồ cũ, tiếng mõ bán dầu... đủ loại âm thanh len lỏi vào từng ngõ nhỏ khắp thủ đô rộng lớn.

Bắc Bình không có mùa xuân và mùa thu, cái khắc nghiệt của trời đông thường đột ngột ập đến, người nào người nấy đều vội mặc thêm cái áo khoác da chống rét.

Hoặc là giống Kỷ Sương Vũ, chỉ mặc bộ trường bào rỗng phân nửa duy nhất mà y có. Gọi là "rỗng phân nửa" bởi bên trong lớp vải vẫn còn chút xíu bông, đủ để lấp một nửa áo, cũng chưa đến mức thê thảm lắm...

Toàn bộ tóc của Kỷ Sương Vũ giấu trong lớp lót của chiếc mũ nỉ, chỉ để lộ khuôn mặt thanh tú trắng trẻo như tuyết đầu mùa dưới mái hiên, hàng mi đen kịt phủ lên đôi mắt, đồng tử có phần nhạt màu hơn, nhưng trong suốt và có thần, giống như lưu ly dưới ánh trăng.

Y cúi đầu, cùng bảy, tám người nữa theo sau người hàng xóm Giang Tam Tân, bước vào cổng lớn nhà hát Trường Lạc.

Giang Tam Tân nhìn thoáng qua gương mặt cúi thấp của Kỷ Sương Vũ đôi lần, ngờ ngợ hỏi, "Sao cháu bán mặt ngoài đường suốt từ hạ sang đông mà vẫn trắng trẻo mập mạp thế nhỉ?"

Khuôn mặt Kỷ Sương Vũ không thuộc dạng béo tốt, thậm chí vì mấy ngày rồi không ăn uống tử tế nên còn hóp vào một ít. Nhưng Giang Tam Tân không biết hình dung sao cho chuẩn, có lẽ chính xác hơn phải gọi là mềm mại.

Dạo gần đây Kỷ Sương Vũ luôn đeo khăn quàng cổ nên trông chẳng rõ, bây giờ không có gì che chắn mới nhận ra.

Khuôn mặt ấy nào giống kẻ bữa đói bữa no có làn da xanh xao vàng vọt mà giống như đứa nhỏ được nuôi trong nhung lụa, mỗi bữa ăn cơm với trứng gà, vóc người khỏe khoắn, mặt mày tròn trịa, trông sáng sủa biết bao.

Dẫu ngũ quan không mấy khác biệt, nhưng Giang Tam Tân cứ luôn cảm thấy dung mạo Kỷ Sương Vũ kinh diễm gấp ngàn lần, chỉ tiếc vốn từ ngữ của ông có hạn, không biết diễn tả ra sao, ngắc ngứ nửa buổi mới phun ra mấy chữ "trắng trẻo mập mạp", đã là những từ mang tính thẩm mỹ cao nhất trong đầu ông rồi.

Kỷ Sương Vũ mặt không đổi sắc nói: "Chú Giang, bởi trời lạnh quá. Cháu để hết khăn quàng ở nhà cho mấy em rồi."

Giang Tam Tân cũng biết chuyện ba mẹ y qua đời vì bệnh, một mình y nuôi nấng các em bèn xúc động gật đầu. Có điều ông cũng thật lòng thương cho Kỷ Sương Vũ, mới nảy sinh ý định giúp đỡ hàng xóm láng giềng, dẫn y đến nhà hát kiếm tiền.

Dấn thân vào nghề kinh kịch là cần câu cơm phổ biến nhất lúc bấy giờ, nhưng ông chỉ chạy chọt mấy vai qua đường nho nhỏ thôi. Làm lâu rồi cũng được thăng lên thành quần chúng lão làng*. Diễn viên quần chúng trên sân khấu không cần phải diễn thạo, đôi khi có thể dùng cả người ngoài cho đủ nhân số, miễn là có mấy lão làng như ông chỉ đạo động tác trên sân khấu là được ngay.

(*) 跑龙套: vai quần chúng, đóng thế...

Ông thường xuyên đưa vài người bạn nghèo đến đây, nhất là những ai không có nghề nghiệp ổn định. Không chỉ ở mỗi nhà hát này, từ sân khấu kịch đến gánh hát ông đều dẫn nhóm quần chúng theo hết.

Chỉ cần có ông phụ trách, trên sân khấu chưa bao giờ xảy ra nhiễu loạn, vì vậy nên đoàn kịch nào cũng rất vui vẻ hợp tác với ông.

Mà Giang Tam Tân nào có biết, Kỷ Sương Vũ này, từ lâu đã không còn là "Kỷ Sương Vũ" nữa rồi!

Kỷ Sương Vũ hiện tại sinh ra ở thế kỷ 21, vốn là một đạo diễn chuyên nghiệp. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật, y đang ở thời kỳ đỉnh cao khi làm việc với nhiều nhà sản xuất và nhà hát lớn nhỏ. Ngay trước khi xuyên đến đây, y còn đang tổ chức tiệc mừng vì bộ phim mới đạt doanh thu vô cùng tốt.

Trong tiệc mừng y lỡ chè chén quá đà, chẳng biết sao khi tỉnh dậy đã thấy mình xuyên về gần trăm năm trước. Nhà thì chỉ có bốn mảnh tường trơ trọi, còn có bốn người em nheo nhóc khóc lên khóc xuống vì đói khát, hoàn toàn phụ thuộc vào anh cả. Thân là con trai độc nhất trong nhà, Kỷ Sương Vũ chưa từng nhìn thấy cảnh tượng này bao giờ.

Tại sao lại trắng trẻo mịn màng hơn á? Bởi vì y xuyên không chứ sao nữa!

Ban đầu Kỷ Sương Vũ cứ ngỡ mình xuyên hồn, nhưng sờ soạng bộ đồ ngủ bằng vải dạ trên người và mái tóc tẩy sáng màu trong gương, y bèn ngộ ra ngay mình đã đi cả hồn lẫn xác, trùng hợp là ở thời đại này cũng có người tên "Kỷ Sương Vũ", thậm chí có vẻ ngoài không khác biệt với y mấy.

—— Cũng không biết có phải "Kỷ Sương Vũ" ở đây đã bị hoán đổi với y đến trăm năm sau không nữa.

Lúc vừa đến đây, Kỷ Sương Vũ viện cớ đau họng qua mặt người ngoài mấy bận, từ từ moi hết tình huống trong miệng mấy đứa nhỏ ra, cũng nhận diện được sương sương hàng xóm xung quanh.

Mấy hôm rồi y cực nhọc quấn hết tóc lên, chờ tóc đen mọc ra, y nghĩ thời này đã làm gì đã có thứ gọi là thuốc nhuộm. Chưa kể còn không quen đường xá cửa nẻo, sợ sẽ bị để ý.

Theo Kỷ Sương Vũ suy đoán, y ngờ ngợ đây là một thế giới song song, bởi hướng phát triển của lịch sử nơi đây không nhất quán với nơi y sống, nói không chừng Kỷ Sương Vũ nọ chính là phiên bản song song của y cũng nên.

Mỗi ngày thức dậy, Kỷ Sương Vũ đều ngóng trông được trở lại với chiếc giường trong căn hộ của mình, sau đó sẽ vừa đói bụng vừa thất vọng rời giường nốc nước lạnh.

Quá nghèo, cái nhà nhà này thật sự quá, là, nghèo!

Nếu xuyên tới gia đình nào có vại gạo, ít ra y còn có thể bình tĩnh trải nghiệm thế giới của trăm năm trước. Nhưng đói bụng thì làm gì có tâm trạng, Kỷ Sương Vũ chưa bao giờ nếm trải cảm giác mười ngày nửa tháng mà chút thịt bằm cũng không được xơi.

Mà cứ coi như là một ngày nào đó sẽ quay lại được đi, y cũng phải đảm bảo mình không chết đói trước hôm ấy mới được.

Thế là Kỷ Sương Vũ bắt đầu bục mặt làm cu li ngoài phố, nhưng chẳng tích được mấy tiền, từ lúc đông tới lại không có ai mướn. Đang ngẫm nghĩ xem mình nên làm gì tiếp thì chú Giang tốt bụng nhà hàng xóm bỗng bảo có thể dẫn y đi làm quần chúng.

Lúc ấy Kỷ Sương Vũ vui như mở hội, quần chúng thì cũng phải đến trường quay, đó là nơi y vô cùng quen thuộc.

Chỉ cần có cơ hội chen vào, lấy bản lĩnh của y thì còn lo gì không kiếm được tiền, thân là đạo diễn, y biết quay chụp và hiểu khoảng bảy tám phần công việc trên trường quay hay hậu trường.

Mãi sau y mới biết mình hiểu nhầm —— quần chúng vốn là cụm từ mượn từ lĩnh vực kinh kịch.

Giang Tam Tân nói đi làm quần chúng là đến nhà hát chứ không phải phim trường điện ảnh gì sất.

Mà thôi, dẫu gì cũng kiếm được chút đồng bạc, tuy lương lậu của vài phân cảnh mang về nuôi thân vẫn còn nghèo với đói lắm...

Rốt cuộc đến khi nào mới có thể ăn thịt chứ?

"Muốn ăn thịt quá đi." Kỷ Sương Vũ lẩm bẩm.

"Lẩm bẩm cái gì đấy?" Một vai phụ lạ mặt đi bên cạnh anh hỏi, Kỷ Sương Vũ ngước mắt lên, anh ta lại kinh ngạc: "Sao vành mắt cậu đỏ au lên thế?"

Kỷ Sương Vũ: "Không có gì, thương thay cho thân phận nghèo túng của tôi thôi."

Người qua đường: "..."

Ờ thì nghèo thật.

Ai mà chẳng là người nghèo, nhưng vì nhà Kỷ Sương Vũ đông con nít, lại không còn cha mẹ, thế là đã nghèo còn tàn, khóc cũng đúng...

Người qua đường cân nhắc nói: "Nếu cậu từng học qua diễn xuất, chưa bàn đến việc diễn tốt hay không, ít ra còn khấm khá hơn bây giờ." Dù sao nhìn cái mặt này thôi cũng biết hóa trang xong sẽ không tồi.

Nói xong liền bị Giang Tam Tân trừng cho một cái, "Chú mày cứ lắm mồm."

Giang Tam Tân biết cha mẹ của "Kỷ Sương Vũ" cũng là dòng dõi thư hương, vì gia thế sa sút mới đâm ra chết trong bần cùng. Kỷ Sương Vũ là con trai trưởng trong nhà, đã từng sống những ngày không lo cơm áo gạo tiền, giờ lưu lạc đến mức phải làm công việc cấp thấp là đi xin ăn, chắc hẳn trong lòng cũng khó chịu lắm.

Kỷ Sương Vũ lại chỉ cười: "Có trách thì trách ngũ âm tôi không hoàn hảo."

Thời gian và không gian khác nhau, trước kia Kỷ Sương Vũ nghĩ thế nào thì y không biết, nhưng người lớn lên trong xã hội hiện đại như y thì chẳng thấy ấm ức xíu nào.

Mọi người đều bình đẳng, không phân biệt nghề nghiệp.

Chưa kể y còn là một đạo diễn, người lớn trong nhà cũng theo nghề kinh kịch, Kỷ Sương Vũ cũng bị ảnh hưởng sâu sắc.

Vả lại, người ta bảo hai ngành này ở Hoa Hạ vốn có liên hệ với nhau, khi điện ảnh du nhập Hoa Hạ, sức sáng tạo của người Hoa chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi nghệ thuật truyền thống. Bộ phim quốc nội đầu tiên được quay gần giống như là một vở hí.

Chịu thôi, y không biết hát cũng không biết diễn thật, không có thiên phú.

Trên thực tế, Kỷ Sương Vũ cũng từng nghe nhiều lời tương tự thế rồi, bao nhiêu người khuyên y nên lấn sân sang màn ảnh lớn bởi họ cảm thấy y có khuôn mặt rất điện ảnh. Mà lúc đó, chí lớn của y không đặt ở chỗ này.

Cái hồi mới bắt đầu chân ướt chân ráo làm phim, thậm chí có cả một tên con ông cháu cha rảnh rỗi ghé đến công ty, thấy y và một nhóm diễn viên đứng cùng nhau thì chỉ đích thân muốn nâng đỡ anh lên vai chính...

...

Quay lại với hí viện Trường Nhạc, hậu đài lúc này ồn ào như vỡ trận.

Trước khi vào, Giang Tam Tân đã dặn dò y hôm nay phải giữ thái độ khiêm tốn để không chọc giận những người ở đó, nhất là tay diễn viên đầu bài nổi tiếng vừa được mời về Nhà hát Trường Lạc gần đây - Ứng Tiếu Nông, nghe đâu tính tình chú ta không tốt.

Kỷ Sương Vũ mấy lần đến nhà hát này đảm nhiệm vài vai nhỏ, cũng gọi là hóng hớt sương sương được vài chuyện trong nhóm quần chúng nên biết tại sao họ lại ầm ĩ đến vậy.

Ông chủ nhà hát họ Từ, tên Từ Tân Nguyệt, tuổi tác thì không lớn lắm. Đây là sản nghiệp từ tổ tiên để lại, đất là của anh ta, nhà hát cũng của anh ta nốt, một tay quản hết. Anh ta đã ký hợp đồng lâu dài với gánh hát Hàm Hi, để họ ở lại nhà hát biểu diễn "Lưỡng hạ oa*", vừa xướng hí khúc vừa xướng côn khúc.

(*) Các diễn viên thuộc các thể loại kịch khác nhau biểu diễn trong cùng một vở kịch được gọi là Liangxiaguo.

Sức chứa của hí viện Trường Nhạc không lớn lắm, cùng lắm chỉ ngồi đủ ba, bốn trăm người, nhưng vị trí thì đắc địa, nằm trên đoạn đường phồn hoa nên việc kinh doanh lúc nào cũng thuận lợi.

Ông chủ trước đây, cũng chính là ba Từ Tân Nguyệt, là con gà trống sắt* nức tiếng trong ngành. Việc buôn bán giao cho Từ Tân Nguyệt thì cái tính ấy chỉ có nhân lên chứ chẳng kém đi, mọi người thường lén gọi anh ta là tiểu kê*, bủn xỉn.

(*) Ý chỉ dạng keo kiệt, vắt cổ chày ra nước

Nhưng bất kể là làm gì, nếu người khác tiến bộ mà mình cứ dậm chân tại chỗ, vậy có khác gì thụt lùi.

Các nhà hát khác thì vắt óc tìm cách đổi mới, nghĩ trăm phương ngàn kế mời gọi khách, ấy thế mà ông chủ Từ hẹp hòi lại không nỡ bỏ một xu tu sửa nhà hát, không đành lòng mời diễn viên nổi tiếng. Cứ thế này thì chẳng bao lâu lại ế sưng ế sỉa, heo hút như gió Bấc ngoài kia thôi.

Thậm chí có người còn nghe đồn bậy rồi tìm đến tận cửa, muốn mua đứt đất của anh ta.

Người mẹ lớn tuổi của Từ Tân Nguyệt lại đang sinh bệnh, tiền ra như nước. Có keo mấy thì cũng là đứa con hiếu thảo, ở thời đại này, ngoại trừ việc báo hiếu người lớn thì tuyệt nhiên không được tự ý động vào tài sản của tổ tiên, nếu không sẽ càng bất hiếu hơn, không chỉ bất hiếu với cha mẹ, mà còn bất kính với mười tám đời tổ tiên trong nhà.

Ông chủ Từ thấy bệnh của mẹ không buồn tiến triển, tranh thủ còn chút tiền dư, quyết tâm đập nồi dìm thuyền, cứu vãn việc kinh doanh ở nhà hát.

Anh ta thuyết phục đủ đường, bỏ vốn vào gánh hát Hàm Hi, lại mời cả vị diễn viên kinh kịch nổi tiếng đã lâu không xuống núi Ứng Tiếu Nông về dựng vở kịch mới về đề tài quỷ thần, tên "Miếu Linh Quan".

Mà nói là diễn viên nổi tiếng thế thôi, chứ giới kinh kịch này chừng năm năm lại đổi mới một lần, chắc chắn khả năng hút khách của Ứng Tiếu Nông đã không còn bằng những năm ấy, ai bảo Từ Tân Nguyệt không mời nổi, mà cũng không nỡ mời diễn viên đang "thịnh" ngày nay chứ.

Hơn nữa, Từ Tân Nguyệt còn đích thân đến Thượng Hải học hỏi các kỹ thuật thiết kế sân khấu sao cho thời trang và tiên tiến nhất thuở đó, sắm sửa thêm nhiều đạo cụ khác nhau, trang trí sân khấu theo phong cách phương Tây.

Dựng kịch xong xuôi, treo bảng thông báo bên ngoài, quả thật vé xem kịch bán rất đắt.

Đáng tiếc còn chưa đến phân cảnh cao trào, bên dưới đã vắng tanh, nhìn muốn tụt huyết áp.

Người ở hậu trường vốn tràn trề tự tin, dù sao giờ đây nhà nào cũng học cách dựng bối cảnh sân khấu phong cách Thượng Hải, mà phong cách ấy cũng từ kịch phương Tây mà ra, tả thực phông nền như vẽ tranh sơn dầu, hơn nữa họ có thiết bị dựng phối màu, vô cùng sống động.

Mà ngày nay, sân khấu kinh kịch Hoa Hạ chuộng nhất là bối cảnh kịch phương Tây.

Nào có ngờ sẽ thua lỗ.

Thấy tình hình này, tất nhiên là...họ phải đổ lỗi lẫn nhau thôi!

Gánh hát, Từ Tân Nguyệt và vị đầu bài nọ nóng tính lời qua tiếng lại.

Gánh hát trách Từ Tân Nguyệt không biết dựng bối cảnh, bố trí thiết trị không đủ khéo, bị mấy tên thiết kế bối cảnh ở Thượng Hải lừa rồi. Trách cả cổ họng Ứng Tiếu Nông không bằng ngày xưa, xướng không giữ được khán giả.

Ứng Tiếu Nông phản bác nói người đệm đàn của gánh hát làm khó mình, đệm giai điệu quá cao, không hát tốt được làm sao mà giữ chân người nghe.

Từ Tân Nguyệt nhân cơ hội chỉ trích bọn họ không để tâm đến cái nguy trước mắt, phí biết bao tiền của mình bỏ ra bố trí sân khấu, rồi cả tiền mời Ứng Tiếu Nông về...

Ứng Tiếu Nông và bầu gánh đồng loạt quay sang mắng anh ta: "Đừng ra vẻ nữa! Anh thì biết gì về hí kịch! !"

—— Ứng Tiếu Nông không hổ là diễn viên nổi tiếng xuất thân chính quy, hơn nữa yêu cầu cơ bản của vai Tịnh* là thân hình cao lớn, chú ta nhìn xuống Từ Tân Nguyệt, lớn tiếng nói. Từng lời bật ra, cách nhả chữ mạnh mẽ, rõ ràng và tròn trịa, như vả vào mặt Từ Tân Nguyệt cái chát.

(*) "Tịnh" tức là vai nam hào sảng, đặc trưng nổi bật là phải vẽ nhiều màu sắc trên mặt, nên còn được gọi là hoa kiểm

Từ Tân Nguyệt: "..."

Tức chết đi được! Trong mắt bọn họ có xem anh ta là ông chủ không, hay thực sự muốn nhìn anh ta rớt đài!

Cả đoàn chìm trong bầu không khí căng thẳng, ai cũng lăm le đổ lỗi cho người khác, thậm chí Từ Tân Nguyệt còn kéo tay một người ngoài cuộc là Giang Tam Tân vào mà hỏi, "Mấy ông nói xem là lỗi của ai?"

Giang Tam Tân nào dám trả lời, chỉ cười xòa, thầm nghĩ nếu cứ tiếp diễn thế này, hí viện Trường Nhạc gần năm trăm năm lại sắp lụn bại mất thôi.

"Tôi cảm thấy ba bên đều không sai." Một âm thanh tinh tế vang lên.

Nghe vậy, cả đoàn đều nhíu mày, Giang Tam Tân thì biến sắc.

Không sai, kẻ nói chen vào chính là Kỷ Sương Vũ ăn không đủ no nên lí nhí.

Từ Tân Nguyệt lườm một cái: Phàm là người ba phải, há mồm chỉ có cậu không sai hắn cũng không sai, tất cả mọi người đều không sai. Chẳng ai sai thì hà cớ gì lại thất bại ê chề? Do khán giả à?

Bỗng dưng lại mọc ra một tên ba phải, anh ta nhìn sang, "Cậu...cậu là người mới tới của gánh hát à?"

Nếu không vì vụ cãi nhau ngày hôm nay, Từ Tân Nguyệt sẽ chẳng bao giờ có giao thiệp gì với nhóm quần chúng này.

Anh ta vừa trông thấy vẻ ngoài xuất chúng của Kỷ Sương Vũ thì vô thức liên tưởng đến người làm nghề diễn, nhưng nom tuổi tác lại chẳng giống người vừa học diễn, thế là bèn đổ mọi mối nghi ngờ lên đám trẻ miệng còn hôi sữa vừa được tuyển vào của gánh hát Hàm Hi, chẳng trách lại có gan mở miệng.

Giang Tam Tân toát hết cả mồ hôi nói: "Ông chủ, đây là tôi dẫn đến..."

Giang Tam Tân dẫn đến...

Ra là quần chúng à?

Từ Tân Nguyệt tức đến bật cười: "Cậu đừng ở đó tỏ vẻ!"

Đây là lời vừa rồi Ứng Tiếu Nông và bầu gánh hát tặng cho anh ta, trong thổ ngữ Bắc Kinh có thể hiểu đơn giản và thô thiển là "Mày thì biết cái quái gì."

Vừa nãy bầu gánh và Ứng Tiếu Nông mắng anh ta thế đấy, nhưng suy cho cùng anh ta lớn lên ở nhà hát này, lại phụ trách suốt mấy năm trời, cho nên anh ta vẫn có kiến thức hơn một tay quần chúng nhiều, thôi thì đành học lại tặng cho Kỷ Sương Vũ.

Ứng Tiếu Nông cũng cười khẩy, chú ta là đầu bài có tiếng, lúc hưng thịnh nhất, trong cùng một vở kịch nhưng chú ta có thể nhận được nhiều tiền hơn cả lão sinh* hay đán*, xem như là độc nhất trong giới hoa kiểm.

(*) "Sinh" là cách gọi chung cho các vai nam, chia thành lão sinh, võ sinh, tiểu sinh

"Đán" là cách gọi chung của các vai nữ, chia thành thanh y (chính đán), hoa đán, khuê môn đán, đao mã đán, võ đán, thái đán, lão đán

Nhưng chú ta thì nóng tính, xưa nay thích đâm chọt, ngang ngược như cua, những ngày ở hí viện Trường Nhạc, chú đã cãi cọ với không ít người, đến cả Từ Tân Nguyệt cũng chẳng tha.

Lúc này Ứng Tiếu Nông vốn định hùa vào chế giễu đôi câu, sau khi cẩn thận ngắm nghía Kỷ Sương Vũ thì vuốt râu giả, thận trọng nói: "Chao ôi, ngoại hình đẹp đấy, để cậu ta nói thử xem."

Mọi người: "..."

Từ Tân Nguyệt sờ mặt, sao anh ta cứ cảm thấy mình bị chửi xiên chửi xẹo ấy nhỉ??

Kỷ Sương Vũ gặp mãi thành quen, "Cảm ơn ông chủ Ứng."

Mọi người: "... ..."

Từ Tân Nguyệt: Càng tức! !

_____^_^_____

Tác giả có lời muốn nói:

Kỷ Sương Vũ: Tui cần thịnh thế mỹ nhan để làm gì? ...Ồ, rất hữu dụng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top