1
//
Ký ức đầu tiên của bạn là gì?
Ký ức cuối cùng của tôi, không phải là người mẹ vất vả nuôi dạy tôi khôn lớn, tuy còn nhiều thiếu sót nhưng cũng không ngăn được việc tôi yêu bà, cũng không phải là người cha chẳng đáng mặt làm chồng, dù còn sống chả khác nào không tồn tại của tôi, mà là người anh hàng xóm - người kéo tôi đi dọc bờ biển tìm vỏ sò, giúp tôi đào chúng ra từ trong đống cát, dùng nước biển rửa sạch rồi lại chà mạnh vào góc áo của mình, sau đó nhét hết vào túi quần tôi.
Anh chỉ lớn hơn tôi hai tuổi, ở cái tuổi chẳng biết gì ngoài ăn chơi như tôi, anh đã có thể chăm lo chu đáo cho một đứa trẻ khác. Mỗi lần từ ngoài biển về, anh đều dẫn tôi qua nhà anh trước, lấy nước từ trong chậu rửa tay cho tôi xong mới dắt tôi về nhà mình. Sau khi tạm biệt nhau, tôi nhìn theo bóng lưng anh, trong lòng thầm mong ngày nào đó anh sẽ trở thành anh ruột của tôi, đến lúc đó hai đứa sẽ về chung một nhà, không bao giờ phải chia xa nữa.
"Wonwoo tới rồi đó hả, cầm hai quả táo này về ăn đi con."
Mẹ luôn dúi cho Wonwoo thứ gì đó mỗi lần anh đưa tôi về nhà, hoa quả lẫn rau củ, có đôi khi là miếng bánh gạo hay vài cái kẹo. Cha mẹ của anh Wonwoo qua đời không bao lâu sau khi anh ấy ra đời, từ đó anh sống với ông nội, ông lo sẽ không được thấy cháu mình trưởng thành nên đã dạy anh tính tự lập từ sớm, so với đám trẻ bằng tuổi, anh già dặn hơn rất nhiều. Hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau luôn sẵn sàng giúp đỡ hai ông cháu. Đáng tiếc người dân ở đây cũng chẳng phải dạng giàu có gì, nhất là khi còn bé, hòn đảo nhỏ của chúng tôi nằm ở phía bên kia bờ đại dương của đất liền, thiếu thốn đủ đường, chỉ có thể dựa vào biển tự cung tự cấp, hầu hết hàng hóa tới từ đất liền đối với mọi người đều là đồ quý hiếm.
Bọn trẻ con chơi với nhau, đứa nào cũng muốn chung đội với anh Wonwoo, bởi vì anh ấy chạy rất nhanh, nhiều lần đều là người cuối cùng không bị loại. Tôi cũng thích được ở cùng đội với anh ấy, có điều tôi chẳng mấy quan tâm tới kết quả thắng thua khi chơi. Cách anh ấy lướt đi thật nhanh đối với tôi không mang ý nghĩa chiến thắng mà là một loại hưởng thụ cái đẹp - tôi thích nhìn đôi chân thon dài và mắt cá chân để trần của anh bước nhẹ trên bãi cát đã bị sóng đánh làm ướt để lại những dấu chân nhàn nhạt. Tôi sẽ giẫm lên dấu vết ấy, trang trọng như một tín đồ thể hiện lòng chân thành của mình.
Cha tôi, một thủy thủ đã nhiều năm lênh đênh trên biển không trở lại, vừa về đến nhà đã cãi nhau với mẹ, khiến cho căn nhà loạn thành một đoàn. Hồi còn bé, tôi thích làm một tên "lính đào ngũ", thấy tình huống bất ổn lập tức chạy trốn sang nhà anh Wonwoo tìm sự yên tĩnh. để lại mẹ tôi chiến đấu chống lại người đàn ông kia. Buổi tối, tôi rúc vào trong người anh Wonwoo, ôm chặt cánh tay anh nghe ông nội kể chuyện xưa, vứt bỏ những chuyện không hay trong nhà ra sau đầu.
Khi anh Wonwoo vừa vào cấp Hai, ông nội đột ngột đổ bệnh qua đời, dì của anh đang làm việc ở một thành phố xa xôi vội vàng trở về lo tang lễ, ngỏ ý muốn dẫn anh đi nhưng anh từ chối. Bản thân dì anh chuyện nhà còn chưa lo xong nên cũng không cưỡng ép anh phải theo mình. Ông nội vốn là thợ mộc, cả đời cũng chỉ dành dụm được số tiền nhỏ, cộng thêm tiền dì thỉnh thoảng gửi đến, cũng tạm gọi là đủ cho anh sống qua ngày.
Kể từ ngày ông nội rời đi, anh Wonwoo càng trở nên ít nói hơn, ngoài trừ đi học thì hầu như không bước chân ra khỏi nhà. Học sinh tiểu học được tan sớm hơn nên chiều nào tôi cũng đứng đợi trước cửa nhà chờ anh về, sau đó dính chặt lấy anh vào trong nhà rồi cùng nhau làm bài tập. Chắc hẳn anh ấy phải thấy khó chịu lắm, đến cả tôi mỗi khi nghĩ đến ông nội còn phải òa khóc, thế nhưng từ đó đến giờ tôi chưa từng thấy anh rơi một giọt lệ nào cả.
Chỉ có lần duy nhất - vào ngày Tết Đoàn Viên năm ông nội qua đời, mẹ tôi có đưa cho anh một miếng bánh Trung Thu, anh đã đem nó đến nghĩa trang Tây Sơn và đặt trước mộ ông. Tôi đứng sau lưng anh cách đó không xa chờ anh nói chuyện với ông nội. thế nhưng anh không cất giọng dù là một lời, chỉ đứng im trước mộ lẳng lặng lau nước mắt. Thân hình gầy gò của anh tựa như một trang giấy mỏng manh, lúc nào cũng có thể bị gió thổi bay đi mất.
//
Một thời gian sau có bão tới, cha tôi vì tình hình thời tiết nên được nghỉ phép về nhà, cũng như những lần trước ông ta lại cãi nhau với mẹ, tôi bèn nhốt mình trong phòng ngủ làm bài tập, nghe tiếng chửi bới ấm ĩ của người lớn cùng âm thành vỡ tan của bình giữ nhiệt khi rơi xuống đất. Lúc này đầu tôi đau như búa bổ, nhịp tim đập dồn dập, vì vậy tôi bất chấp trời mưa xối xả nhảy cửa sổ chạy ra ngoài tìm anh Wonwoo.
Anh ra mở cửa nhìn thấy một chú gà con ướt sũng nước thì lập tức hiểu ra nguyên nhân, mọi chuyện xảy ra trong nhà tôi anh đều nắm rõ hết. Anh kéo tôi vào bên trong, lấy khăn lau khô tóc, tìm quần áo cũ của mình cho tôi mặc. phơi quần áo đã bẩn của tôi rồi ngồi xuống bên cạnh với vẻ mặt an ủi, chờ đợi cảm xúc kìm nén trong tôi vỡ òa.
Ban đêm chúng tôi nằm cạnh nhau trên giường. Bão đã đổ bộ vào hòn đảo, gió thổi nghiêng ngả, mưa rơi tầm tã khiến khung cửa sổ không ngừng run rẩy. Sống trên cái đảo này, bão tới đã thành chuyện hiển nhiên nhưng nó vẫn khiến tôi sợ hãi, ôm chặt lấy eo anh, đầu dán chặt vào bả vai anh. Anh nhè nhẹ vỗ lưng cho tôi, như một người mẹ dỗ con đi ngủ.
"Anh ơi, về sau chúng ta chuyển đến nơi nào không có bão nhé."
"Em muốn đi đâu?"
"Em không biết nữa, anh đi đâu em theo đó."
Anh vuốt vuốt gáy tôi, tỏ vẻ đồng ý.
"Anh ơi, anh nghĩ tại sao cha mẹ em lại không ly hôn?"
"Chuyện của người lớn phức tạp lắm, anh cũng không giải thích được."
"Kết hôn thật đáng sợ. Sau này em sẽ không kết hôn đâu."
"Nhưng nó cũng đem lại hạnh phúc mà đúng chứ, nếu như hai người không cãi nhau, mỗi ngày cùng ăn cơm cùng đi ngủ, như vậy là được rồi." Anh nhìn chăm chú lên trần nhà nửa ngày, nói tiếp: "Dù sao cũng tốt hơn một mình."
"Anh, nếu như anh cô đơn, em sẽ luôn ở bên cạnh."
Tôi đưa tay ra nắm lấy bàn tay anh, anh kéo tay tôi lại, bao bọc bàn tay tôi trong lòng bàn tay anh.
"Lớn lên chắc sẽ không cô đơn đâu," anh dịu dàng nói, "Ngủ đi Seokmin, ngày mai em còn phải đi học đấy."
Đó là một đêm giông bão chạy trốn khỏi căn nhà hỗn loạn, lòng tôi dưới cơn mưa trở nên lạnh buốt, nỗi sợ xen lẫn sự chán ghét hòa làm một dưới dòng nước xoáy. Lại là một đêm sau khi ông nội rời đi, chỉ còn tôi và anh ôm nhau chìm vào giấc ngủ, một người cô đơn như anh thu nhận một đứa lẻ loi như tôi, nhiệt độ cơ thể cùng hô hấp trầm ổn của anh bao bọc lấy tôi, là hàng rào bảo vệ kiên cố và yên bình nhất. Sau này tôi luôn nghĩ về đêm ngày hôm ấy, dường như đó là khởi đầu rõ ràng nhất về tình cảm mà tôi dành cho anh ấy.
//
Chúng tôi thường đạp xe dọc theo bờ biển hóng mát, gió biển thổi tung tà áo anh, thỉnh thoảng để lộ đoạn đường cong eo săn chắc. Nhiều lúc lười không muốn tự mình đạp xe, tôi sẽ leo lên yên sau ôm chặt lấy anh, tựa đầu vào lưng anh nhắm mắt lại. Những con sóng đánh tới rồi lại lùi ra xa bờ cát, đường ranh giới mờ ảo giữa bầu trời và mặt biển, tiếng hát không biết mệt mỏi của những con mòng biển bạc đầu, những nhịp xóc nảy của chiếc xe đạp, chầm chậm lướt qua tai khiến tôi mơ màng thiếp đi. Anh sẽ đánh thức tôi dậy nếu phát hiện ra, lo sợ tôi sẽ cắm đầu xuống đất.
"Lần sau nếu còn ngủ trên xe thì anh sẽ không chở em đi nữa đâu."
Lần nào anh ấy cũng nói như vậy, có điều nó chẳng thể ngăn cản tôi trèo lên sau xe anh ngồi lần nữa.
Chạng vạng tối mùa hè, lũ trẻ thích tụ tập thành một đám, cùng nhau leo lên rặng san hô ăn dưa hấu, còn về lý do tại sao lại ở đây, đại khái có cảm giác một nghi thức kỳ lạ nào đó. Cây cổ thụ đầu xóm thuộc về các ông bà cụ, nhà sinh hoạt cộng đồng là để các dì khiêu vũ các chú đánh bóng bàn, bọn trẻ con cứ thế ngầm chiếm dụng bờ đá ngầm, bởi vì nhẹ cân lại không bàn đến hình tượng, cho nên cứ tùy ý leo lên leo xuống, dùng bàn tay đầy bùn đất vò đầu bứt tai, giống như bầy khỉ con nghịch ngợm trong rừng. Chúng tôi ôm trái dưa hấu trèo lên chỗ rặng đá ngầm cao và to nhất, mỗi đứa một chỗ xếp thành hàng gặm dưa, nhìn từ xa trông như một hàng nấm khổng lồ mọc trên vách đá ngầm.
Tôi gặm dưa hấu, quan sát sự chuyển động của mặt biển trong chốc lát, tiếp đó đôi mắt quét qua từng đứa trẻ xung quanh, cuối cùng dừng lại trên mặt anh Wonwoo, nhìn không rời. Làm sao có thể tồn tại một người kể cả khi ăn dưa hấu cũng mang theo ánh mắt buồn đến vậy? Lúc tôi cần an ủi anh đều ở bên cạnh, thế nhưng khi anh ấy yếu đuối nhất, tôi lại không thể làm gì được.
"Anh ơi, em muốn lớn lên thật nhanh."
"Sao thế?"
"Lớn lên rồi, em sẽ biết làm thế nào để anh vui hơn."
Anh cười, vươn tay lau đi nước dưa hấu dính trên khóe miệng tôi. "Có em ở đây là anh hạnh phúc lắm rồi, nếu như không có em, sau khi ông nội rời đi, anh đã lập tức nhảy xuống biển."
Lần đầu tiên tôi nghe anh nói những điều như vậy, tôi nhìn anh, thử đoán qua nét mặt xem lời nói thật hay giả. Anh hướng về mặt biển phía đằng xa, nụ cười trên miệng vừa rồi đã biến mất, ánh mắt chìm trong làn mây mù dày đặc.
"Bất kể chuyện gì xảy ra, anh cũng không được chết, anh, anh đi rồi em sẽ đau lòng lắm."
"Anh biết, anh sẽ không như vậy." Anh lại nhìn tôi cười, lần này là thật lòng, tôi thấy khóe mắt anh cong cong, tràn ngập ánh sáng.
Tôi yên lòng, tiếp tục ăn dưa hấu.
Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ đi lòng vòng trong các con hẻm nhỏ. Hai bên đường lát đá chật hẹp là những ngôi nhà tự xây kiên cố, chủ yếu là hai tầng, ba bốn tầng cũng có; gạch, thép tấm, dải gỗ và bê tông đan xen lẫn nhau, được sơn theo màu tùy hứng, cả một con đường cũng không thể tìm nổi hai căn nhà có màu tương đồng. Trong nhà là dàn trúc treo đầy quần áo đang đung đưa phơi nắng, còn tôi chỉ sợ bị quần áo bay trúng mặt. Hầu hết mỗi nhà đều có một mảnh sân nhỏ, trồng vài chậu cây xung quanh vườn, tán lá rộng xanh mát, hoa rơi phủ kín cả mặt đất. Thùng carton, chậu nhựa, tấm xốp được chất thành đống ngẫu nhiên bên đường, sát cạnh đó cành cây dương xỉ vươn mình bám kín mặt tường. Những con chó lớn nằm ườn trước cửa nhà, tiếng ngáy ngủ còn to hơn cả con người. Ở một góc hẻo lánh nào đó có đặt một bức tượng Ông Địa, không xa là bức tượng thiên thần có khuôn mặt mập mạp tựa đầu vô cây đàn hạc mang phong cách Châu Âu, một già một trẻ, một Đông một Tây, trùng hợp như nào lại thành bạn tốt.
Chúng tôi đi xuyên qua những căn nhà cổ kính, nhảy nhót trên những bậc thang được lát đá. Nếu tình cờ bắt gặp một gia đình nhỏ ba người, hai đứa liền giống như hai chú chó con lang thang bám đuôi theo sau lặng lẽ quan sát, anh hâm mộ đứa nhỏ có cha mẹ đồng hành, tôi thì ghen tị với tình cảm gia đình hòa thuận của họ. Đôi lúc còn vô tình đụng trúng một cặp đôi đang ôm hôn trong góc, tôi chăm chú nhìn theo, anh Wonwoo lập tức túm cổ áo tôi lôi đi: "Lee Seokmin, em chưa đủ tuổi xem cái này."
"Không phải chỉ là hôn môi thôi sao, nhìn một chút cũng không chết được."
"Hôn kiểu gì mà còn sờ tới sờ lui nữa, thật biến thái."
"Sờ tới sờ lui như thế nào hả anh?"
"Giống như vậy này", anh luồn tay vào trong áo tôi, trong nháy mắt véo nhẹ vào eo tôi.
"A!" Tôi hét lớn, không phải vì đau mà vì tức giận khi bị lừa, tôi vội đuổi theo đòi đánh, anh đã dùng đôi chân dài chạy xa mấy mét, quay đầu lại cười với tôi.
Nụ cười của anh khi ấy tựa như bầu trời rực sáng, đứng ở bờ bên này nhìn sang phía đối diện - đồi núi trải dài xanh ngát đằng xa, những dãy nhà cao tầng dày đặc, một cây cầu bắt ngang từ đông sang tây, thuyền bè rải rác trên mặt biển, tất cả được dát vàng bởi ánh nắng chói chang từ mặt trời. Tưởng chừng giờ phút này chỉ còn cảnh đẹp tồn tại, tất cả những cảm xúc tiêu cực, bi thương, bất lực đều trở nên vô hình, ngay cả ống khói của nhà máy hóa chất cũng đang tạo ra những đám mây trắng thay vì gây ô nhiễm bầu không khí.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top