Chương 5+6


Chương 5:

Sau nhiều lần cưỡng ép và dụ dỗ, các bô lão hương thân, phú thương quý tộc rốt cuộc cũng chịu dời đi.

Đồng thời, theo sự phân phó của Yến Tư Không, họ ép hơn vạn bách tính dưới chân núi Áp Chủy phải di dân. Mặc dù quanh năm dân chúng phải chịu sơn phỉ quấy rối nhưng đất là mạng của họ, là thứ duy nhất bọn họ dựa vào để sinh tồn, nhất là mùa gieo cấy như đầu xuân, rất ít ai nguyện ý tòng mệnh, song mặc cho bọn họ có kháng cự và cầu khẩn thế nào, cuối cùng vẫn bị đao kiếm ép phải rời đi.

Yến Tư Không đứng trên tường thành Trung Khánh nhìn hàng người thật dài, không khỏi nhớ tới năm ấy triều đình bỏ bảy châu Liêu Bắc, y bị ép phải theo người nhà rời khỏi vùng trời nam Thái Ninh, khi ấy ngỗng trời kêu thảm cánh đồng, đó cũng là bắt đầu bi kịch của cuộc đời y.

Dân đen, dân đen, mạng như cỏ rác.

Chỉ hơn mười ngày ngắn ngủi họ đã thu nạp thêm hơn hai vạn tân binh. Thông qua Trần Mộc, Yến Tư Không sắp xếp Nguyên Nam Duật vào làm tân binh được huấn luyện trong doanh. Trước đây Nguyên Nam Duật chỉ là một nhân sĩ giang hồ, không lĩnh binh chiến đấu, nhưng tôi luyện bản thân bên Phong Dã ba năm đã có thể tự mình đảm đương một phương. Đương nhiên, tác dụng lớn nhất trong hành động lần này của Yến Tư Không là phải thay từng người bên cạnh Trần Mộc thành người của mình, khi tìm được cơ hội rồi, y sẽ lặng lẽ thay Tiền Phi Đồng và Hầu Danh hoặc thẳng tay diệt gọn, để cuối cùng Trần Mộc chỉ có thể dựa vào mình y.

Trưng binh nhanh như thế, nguyên nhân chính bởi Vân Nam nghèo khó, rất nhiều người bụng ăn không no và sống bằng nghề cướp bóc, vì để kiếm bữa cơm nên nguyện ý tòng quân, nhưng người như vậy, tới nhanh thì đi cũng nhanh, rất dễ trở thành đào binh. Dưới sự điều khiển của Yến Tư Không, trong vài ngày Nguyên Nam Duật đã giết gần trăm người, chỉ cần nhập ngũ mà tự ý rời doanh hoặc không nghe sai bảo thì đều giết như nhau, chẳng mấy chốc dọa hết các sĩ tốt chiêu mộ không ai dám làm càn.

Lén chế tạo gấp hơn sáu ngàn chiếc đèn trời xong, Yến Tư Không quan sát thiên tượng mấy ngày, rốt cuộc cũng chọn được một hôm trời quang mây tạnh lại có gió Nam, chân núi Áp Chủy đều đã xếp sẵn sĩ tốt, sau đó từng chiếc đèn trời được thắp lên, bay lên bầu không.

Đêm hôm ấy có lẽ là đêm hùng tráng nhất, khó quên nhất mà bách tính Trung Khánh từng thấy, đếm không hết những chiếc đèn trời theo gió Nam bay về núi Áp Chủy, bầu trời tờ mờ tối lại bị chiếu sáng như ban ngày. Những chiếc đèn trời như những con đom đóm lơ lửng, lại như lửa từ trên trời giáng xuống, từng chiếc từng chiếc rơi xuống nơi sâu nhất núi Áp Chủy.

Chưa được bao lâu xung quanh núi đã bừng bừng khói lửa, lúc đầu chỉ là những đốm lửa rải rác, sau cùng lửa ngày một lớn hơn, càng ngày càng lan rộng, cho đến khi hòa cùng một đám, cả ngọn núi liền chìm trong biển lửa đáng sợ.

Đô Chưởng nằm mơ cũng không nghĩ tới tộc chúng dựa vào thiên thời địa lợi xưng hùng xưng bá trong núi, hoành hành dằng dặc hai triều đại lại bị diệt tộc bằng cách như thế.

Sách sử tạm thời gọi cuộc chiến này là --- "Chiến" --- có một đoạn miêu tả không rõ về nó: Đèn trời rơi như mưa, lửa trên núi Áp Chủy cháy ba ngày ba đêm, tộc Đô Chưởng tuyệt tích từ đó.

Chỉ mấy lời ngắn ngủi đó không đủ để miêu tả một phần vạn cảnh tượng thê thảm ba ngày ba đêm kia.

Hơn hai vạn người tộc Man Chưởng bị đốt sống trong hỏa hoạn, có trốn xuống núi cũng bị tướng sĩ chân núi vây giết tại chỗ. Hỏa hoạn không chỉ đốt sạch miệng núi Áp Chủy, mà cũng đốt sạch nhà cửa đồng ruộng của bách tính dưới núi. Sau khi hết lửa, Hầu Danh đích thân lĩnh binh lên núi, lùng bắt đám man phỉ còn lại theo lệnh của Trần Mộc --- đuổi, tận, giết, tuyệt.

Nghe nói đêm lửa điên cuồng đó, tiếng tộc Đô Chưởng hét thảm thấu trời xanh, bách tính trong thành Trung Khánh cũng không dám yên giấc, tiếng khóc trẻ con nỉ non cứ không ngừng.

Yến Tư Không đứng trên gác thành nhìn biển lửa, mặt không đổi sắc hỏi Nguyên Nam Duật: "Đệ có biết trận lửa này đốt chết bao nhiêu người không?"

Trong lòng Nguyên Nam Duật cảm xúc ngổn ngang, nghe được lời ấy không biết đáp thế nào.

Yến Tư Không thì thào tự hỏi tự trả lời: "Cả đời Gia Cát Khổng Minh đốt bốn trận lửa, vì cứu Lưu Bị mà đốt sườn Bác Vọng, liên Ngô kháng Tào mà đốt trận Xích Bích, vì định Vân Nam mà đốt binh Đằng Giáp, vong hồn chết dưới lửa Khổng Minh ước chừng mấy trăm vạn, nhưng trận cuối cùng hỏa thiêu Tư Mã Ý trời lại giáng mưa to, dập tắt hẳn chí Bắc Phạt của ông. Ông nói rằng hỏa công quá tàn nhẫn, tất bị trời phạt, đệ nói xem, trận mưa đó có phải ý trời không?"

Nguyên Nam Duật hít sâu một hơi, giọng nói lạnh lùng của Yến Tư Không khiến lòng cậu bí bách. Nhìn lửa bùng bùng núi Áp Chủy, nghĩ đến có bao người vùng vẫy trong núi, lòng ai có thể bình tĩnh đây?

Hiển nhiên Yến Tư Không cũng không cần Nguyên Nam Duật trả lời, y tiếp tục nói: "Hôm nay ta một đuốc diệt tộc, nếu có trời phạt..." Y cười khổ: "Thì cứ giảm tuổi thọ ta, nhưng xin đừng khiến chuyện ta cần làm sắp thành lại bại."

Nguyên Nam Duật nhanh chóng nói: "Hành quân đánh trận há lại không thương vong, Đô Chưởng tàn hại bách tính, làm nhiều chuyện ác, chết chưa hết tội, ngươi không cần phải lo trời phạt gì cả, ngươi đang...thay trời hành đạo."

Yến Tư Không cười nhạt: "Sói ăn dê, dê ăn cỏ, giết sói là trừ hại cho dê, giết dê là trừ hại cho cỏ, trên đời không có chuyện gì là thay trời hành đạo, chỉ là biện hộ cho bản thân mà thôi."

"Tư Không..." Nguyên Nam Duật nhìn Yến Tư Không, chợt cảm thấy bản thân chưa từng thực sự hiểu người này, hơn nữa có lẽ về sau cũng chẳng thể hiểu được, nhưng cậu vẫn cảm thấy đau lòng như cũ: "Đừng nhìn nữa, về nghỉ ngơi đi."

Yến Tư Không gật đầu: "Lệnh các tướng sĩ dốc hết toàn lực, lùng kẻ tẩu thoát, phải đảm bảo nhổ cỏ tận gốc, vĩnh tuyệt hậu hoạn."

"Được."

------------------------

Trận hỏa hoạn này không chỉ gây chấn động Vân Nam, mà còn truyền khắp thiên hạ.

Đô Chưởng bị diệt tộc, các sơn phỉ Vân Nam khác thấy được thủ đoạn tàn nhẫn và sự quyết tâm diệt trừ phản loạn của triều đình cũng nhất thời hoảng loạn, biết điều, không dám ra ngoài tác quái nữa.

Tiền Đồng Phi phái vài sứ thần đi thuyết hàng, tộc nào liều chết không theo thì lập tức phái binh đi diệt sạch, không chừa một ai. Cứ như vậy, hầu hết các sơn phỉ còn lại không còn cách nào khác ngoài quy thuận triều đình, nạn trộm cướp gây hại cho Vân Nam trăm năm cứ thế được giải quyết nhanh chóng.

Nhờ chiêu mộ dân chúng nhập ngũ và bố trí sơn phỉ đã lập tức gia tăng binh lực trong tay Trần Mộc lên gấp đôi, đạt hơn năm vạn người, hệt như lời Yến Tư Không hứa hẹn ngày hôm đó với hắn.

Trần Mộc tâm phục khẩu phục với tài thao lược của Yến Tư Không, đồng thời cũng khiếp sợ sự tàn nhẫn vô tình của y, nên ngôn từ cử chỉ càng thêm cung kính, không dám vượt khuôn. Để chặt đứt tơ tưởng của Trần Mộc, Yến Tư Không cũng nghiêm túc hơn trước rất nhiều, cho nên hai người tạm thời bình yên được một thời gian.

Gặp đúng thời, Tây Bắc cũng truyền đến tin Lang vương thu phục Đại Đồng, từ đó, toàn bộ Tây Bắc đều nằm trong sự khống chế của Phong Dã.

Song Phong Dã cũng không phải thuận buồm xuôi gió, Phong gia đóng quân ở Đại Đồng gần ba mươi năm, giết vô số người Mông Cổ và các bộ lạc khác nên vẫn ghi hận cũ, ví dụ như nhân tố quan trọng để nghị hòa --- thủ lĩnh Chahar Nadakhan, thúc cữu huynh đệ của gã đều chết trong tay quân Phong gia, bọn chúng lại được lợi từ triều đình nên không chịu quy thuận Phong Dã, còn định chém đầu sứ thần mà Phong Dã phái đi nghị hòa sang.

Nếu Chahar không chịu hợp tác thì Phong Dã nắm Hà Sáo chẳng khác nào nắm một núi vàng mà không thể đào mỏ, nghiêm trọng hơn hết chính là ngày nào Chahar còn không chịu quy thuận thì ngày đó Phong Dã không dám vào Trung Nguyên, bằng không hậu phương Đại Đồng mà nổi dậy, hắn sẽ hết đường lui.

Yến Tư Không nghe được tin này thì cũng sốt ruột thay Phong Dã, nhưng nước xa không cứu được lửa gần, y chỉ mong Phong Dã có thể sớm thu phục Chahar, với khả năng của Phong Dã chắc là chuyện sớm muộn thôi.

Phong Dã cũng hành động theo ước định của hai người, hắn công khai ủng hộ Sở vương đoạt lại ngôi vị Thái tử danh chính ngôn thuận, Thanh Quân Trắc, diệt gian tà, lập lại trật tự.

Bây giờ thế cục đã định, Yến Tư Không và Trần Mộc đang tăng cường binh mã, lương bổng và lôi kéo phiên vương xung quanh. Bây giờ Trần Mộc đang nắm năm vạn binh, không hề lấy danh diệt giặc để che đậy sự thật trưng binh -- mà có che cũng không che giấu nổi. Hắn công khai đại nghiệp mưu phản, điên cuồng chiêu mộ binh mã, mưu sĩ, tiền bạc. Hắn thân là trưởng hoàng tử, lại có sự ủng hộ của Phong Dã, được lòng người hơn hẳn Trần Xuân chỉ biết dựa vào hoạn quan. Người chủ động hưởng ứng nhiều vô kể, đại quân bành trướng với tốc độ kinh người.

Tin Sở vương mưu phản lan toàn bộ giang sơn. Loạn trong giặc ngoài, triều đình đã bấp bênh.

Mà lúc này, Yến Tư Không rời khỏi Phong Dã đến bên người Trần Mộc đã hơn nửa năm.

Một hôm, Nguyên Nam Duật mang mật thư Phong Dã gửi đến, hắn muốn Yến Tư Không lập tức trở về Đại Đồng.

Trong thư chỉ viết: Chuyện ngươi cần làm đã thành, mau trở về. Đừng để ta nói lần hai.

Yến Tư Không cau mày nói: "Bây giờ điện hạ còn cần chúng ta, vẫn chưa đến lúc trở về."

"Bên cạnh Sở vương còn rất nhiều mưu sĩ, bây giờ nó đã nắm chắc đại binh, chúng ta không cần thiết phải ở lại nữa."

"Nguyên nhân là vậy ta mới không thể đi." Yến Tư Không nhìn Nguyên Nam Duật: "Ta xếp người vào đại quân là để tước Hầu Danh, sớm muộn gì ta cũng phải diệt trừ kẻ này để nó chỉ có thể dựa vào mình ta."

Nguyên Nam Duật trầm ngâm nói: "Tư Không, ngươi thông minh như vậy, hẳn ngươi phải hiểu rõ ngươi cần Lang vương kiềm chế Sở vương, cũng dùng Sở vương để điều khiển Lang vương, phải khiến cho hai bọn họ hợp tác. Nếu ngươi đắc tội với Lang vương, cho dù ngươi có binh mã của Sở vương thì có ích lợi gì? Trái lại, chỉ cần trong tay ngươi có Lang vương, ngươi còn sợ Sở vương không nghe lời ngươi sao?"

Yến Tư Không trầm mặc.

Nguyên Nam Duật thở dài: "Ngươi không muốn về là vì không muốn gặp hắn, đúng không?"

"...Ta gặp hắn làm gì." Yến Tư Không cười lạnh. Y cần gì phải tự rước nhục chứ? Cách xa xôi ngàn dặm, y còn có thể nhớ lại Phong Dã khi xưa từng tốt như thế nào, còn khi mặt đối mặt rồi, y chỉ muốn bỏ trốn.

Nguyên Nam Duật hờ hững nói: "Ngươi tự quyết định đi!" Cậu đặt thư mật lên bàn.

Yến Tư Không nhìn con chữ quen thuộc trên giấy, mệt mỏi nhắm mắt lại.

Chương 6:

Mặc dù Yến Tư Không ở Vân Nam xa xôi nhưng các tin tức vẫn vô cùng nhạy bén.

Bây giờ Liêu Đông đang trong cục diện giằng co bế tắc, Trác Lặc Thái không công thành nổi, Triệu Phó Nghĩa đánh mãi không xong. Năm đó Đại Đồng và Ngõa Lạt cũng như thế, nhưng phòng tuyến Đại Đồng kiên cố, bách tính quan nội* chăm chỉ làm ăn, các tướng sĩ lên ngựa thì đánh giặc, xuống ngựa thì cày cấy, phần lớn lương thực đều có thể tự cung tự cấp, nhưng Liêu Đông thì lại khác, hơn hai mươi năm trước bảy châu Liêu Bắc binh bại di dân, giờ đã thành đất hoang, toàn bộ Liêu Đông như sơn hà nhật hạ**, quân phí dựa cả vào triều đình, ngày nào cũng tốn một núi bạc, trở thành vết mủ triều đình không thể chữa lành.

*Quan nội: chỉ miền tây Sơn Hải Quan, Trung Quốc

**Như sơn hà nhật hạ: như mặt trời xuống núi = không còn như xưa.

Hàn Triệu Hưng vẫn ở lại nước Kim khiến người người thóa mạ như trước, còn về Triệu tướng quân có âm thầm liên lạc với hắn hay không thì không biết.

Tạ Trung Nhân bị thẩm trong ngục một năm, cái gì phải nhận đã nhận hết cả rồi, bao gồm cả việc trước đây lão thiết kế hãm hại Phong gia, nhưng bởi vì Phong Dã 'lật lọng', không chịu quy hàng nên Chiêu Vũ đế đương nhiên không dại gì mà tự vả mặt mình đi công khai án oan của Phong gia trước toàn dân. Hiện tại lão giữ mạng cho Tạ Trung Nhân cũng chỉ vì lão vẫn còn tác dụng với Phong Dã và Hàn Triệu Hưng.

Tình hình trong kinh đều được Xà Chuẩn mật báo, đương nhiên, những tin đồn trong triều đình và dân gian cũng được Xà Chuẩn thẳng thắn báo cho y . Trên đời vốn không tường nào không lọt gió, lời đồn y trở giáo theo Phong Dã, âm thâm trợ giúp Sở vương sớm đã truyền khắp, ngoài việc chưa có bằng chứng xác thực ra thì ai cũng thấy rõ, rất nhiều chuyện xứng với thực.

Yến Tư Không cũng không thấy có gì kỳ lạ, ít nhất những người bên cạnh Trần Mộc như Tiền Phi Đồng, Hầu Danh và mấy thuộc hạ thiếp thân đã đoán ra thân phận của y, tuy rằng trên mặt nổi, y vẫn đang bị Phong Dã giam trong đại lao ở Kiềm Châu không thấy ánh mặt trời.

Cho dù tên chó hoàng đế có biết thì thực tế vẫn không làm gì được y. Người nhà duy nhất của y ở kinh thành chính là nữ nhi thân sinh của lão, trừ phi Vạn Dương sinh nhi tử còn có thể uy hiếp, nhưng bây giờ thời buổi loạn lạc cũng không rảnh động tay động chân với y.

Song triều đình cũng phản ứng nhanh chóng lắm, tin Sở vương mưu phản vừa truyền đến kinh sư, triều đình đã phái người tới nghị hòa, mà hai người được chọn lại cực kỳ đúng đắn.

Một người là giảng sư của Trần Mộc năm đó - Hoắc đại học sĩ Hoắc Lễ, sau khi Nhan Tử Liêm mất vì bệnh, lão được thăng là thủ phụ Nội các, nhưng bởi không chịu nổi hoạn quan nên đã cáo lão hồi hương, bây giờ tuổi đã bảy mươi. Một người nữa là ngoại công* của Trần Mộc, lão vốn chỉ là một quan nhỏ quản lí một trạm dịch ở phủ Tế Nam, đưa nữ nhi của mình vào cung làm cung nữ, lại chẳng ngờ được Hoàng đế lâm hạnh, còn sinh được trưởng hoàng tử, đáng tiếc Huệ phi không được sủng ái, lão vẫn chỉ mãi làm chức quan nhỏ kia, lúc Trần Mộc được phong làm Thái tử cũng không nhờ vả được gì, bây giờ một bước lên mây từ Ngũ phẩm thăng thành Thị lang Tam phẩm, tuy chức này ở Lễ bộ nhàn hạ, nhưng thăng chức quá nhanh, chưa bao giờ nghe, đủ để thấy Chiêu Vũ đế hiện tại mất bò mới lo làm chuồng thế nào.

*Ngoại công: Ông ngoại.

Phái hai kẻ như vậy tới rõ ràng muốn lôi kéo tình cảm, xem ra Chiêu Vũ đế vẫn còn tỉnh táo, không hề hy vọng xa vời Phong Dã mang huyết hải thâm cừu giết cha diệt tộc trên lưng vẫn có thể quy hàng, trái lại còn biết mở đường cho Trần Mộc quay đầu trở về kinh đô.

Hai người này khiến Yến Tư Không cảm giác được một mối nguy to lớn.

Cũng không bởi vì hai bọn họ có tình cảm sâu đậm gì với Trần Mộc, một người là lão sư hữu danh vô thực, dạy học cho Trần Mộc được mấy lần, một người là ngoại công từ lúc sinh ra đến giờ hiếm lắm mới gặp mặt, chỉ dựa vào bọn họ thì không thể dao động quyết tâm của Trần Mộc, nhưng sự xuất hiện của hai kẻ đó đã cho thấy được --- Chiêu Vũ đế đang yếu thế.

Giả dụ, Chiêu Vũ đế ý thức được sự nghiêm trọng của tình hình hiện giờ, loạn trong giặc ngoài, bản thân thì hai mặt chịu địch, vật lộn hết sức e vẫn vào bước đường cùng, để tự bảo vệ mình, lão phế bỏ Trần Xuân, lập lại Trần Mộc làm Thái tử, khi ấy sẽ không còn lý do cho Phong Dã và Trần Mộc mưu phản nữa. Khi Trần Mộc đăng cơ rồi, còn phải phụng dưỡng Chiêu Vũ đế hết quãng đời còn lại.

Lúc đó, kẻ địch duy nhất của họ cũng chỉ còn mình Phong Dã. Nếu kết hợp binh lực cả nước với lực lượng Chahar đánh gọng kìm từ hai phía, Phong Dã sẽ trở thành cái đích của trăm mũi tên, chắc chắn phải chết. Hơn nữa, nếu Trần Mộc thật sự trở lại làm Thái tử, tương lai bị làm khó ra sao, đều không thể đoán trước được.

Sau khi làm rõ chuyện này, Yến Tư Không chỉ cảm thấy dựng tóc gáy, sinh ra ý định ám sát hai người Hoắc Lễ nửa đường, song nghĩ lại, y lại cảm thấy không ổn, nhất định phải khiến Chiêu Vũ đế và Trần Mộc cùng bỏ suy nghĩ này đi, y phải cho Chiêu Vũ đế thấy, Trần Mộc ghi hận lão nhiều năm, đồng thời cũng phải làm cho Trần Mộc biết, cái bọn họ muốn là ngôi vị hoàng đế chứ không phải Thái tử.

Nhận được tin chưa đầy bao lâu Trần Mộc đã tới tìm y, vừa thấy mặt đã nói thẳng vào vấn đề: "Tiên sinh đã nhận được tin chưa?"

Yến Tư Không gật đầu: "Hoàng đế phái Hoắc các lão và Hứa đại nhân tới khuyên hòa, thương cho Hoắc các lão đã bảy tư mà vẫn phải lặn lội đường xa như vậy, chẳng biết ăn vào có được hay không nữa."

"Thật không ngờ lão lại phái ngoại công tới đây..." Trần Mộc lạnh nhạt nói: "Lúc mẫu phi còn sống, lão ta chẳng quan tâm, coi bà như không khí. Giờ lão mới nhớ tới người nhà của nương ta, quả thực nực cười." Giọng điệu hắn vừa phẫn hận vừa thống khoái.

"Điều này chứng minh rằng điện hạ thực sự khiến lão cảm thấy bị đe dọa." Yến Tư Không nói: "Phải chúc mừng điện hạ."

Trần Mộc cười nhạt: "Tiên sinh nói phải, cả đời lão ta chưa từng để mẫu tử con vào mắt, bây giờ lại phải phái người đi cầu con."

"Điện hạ phải hiểu rõ, sở dĩ lão cố kỵ con là bởi vì trong tay con đang nắm năm vạn binh mã, tương lai còn có thể nhiều hơn. Nếu con thỏa hiệp với lão, không những sẽ trở lại vạch xuất phát, mà thậm chí còn bởi vì con mang lòng mưu phản, chờ một ngày có cơ hội rồi, lão sẽ không tha cho con."

"Tiên sinh yên tâm, con rất tỉnh táo."

Yến Tư Không đứng dậy đi đến bên cửa sổ, nhìn trăng sáng ngoài kia, nhẹ giọng nói: "Hiện tại đương nhiên điện hạ phải tỉnh táo, nhưng Hoắc các lão học phú ngũ xa*, rất giỏi ăn nói, Hứa đại nhân lại là ngoại công của điện hạ, hai người này ra mặt, hiểu chi dĩ lý, động chi dĩ tình**, ta lo điện hạ bị thuyết phục."

*Học phú ngũ xa: học vấn uyên thâm

**Hiểu chi dĩ lý, động chi dĩ tình: ý chỉ dùng tình để cảm động lòng người, dùng đạo lý để làm người khác hiểu

"Tiên sinh khinh thường quyết tâm của con rồi, con sẽ chiêu đãi bọn họ chu toàn theo đúng lễ nghi, nhưng..." Trần Mộc nheo mắt lại, ánh mắt sắc bén: "Ai cũng đừng hòng ngăn cản con giành lại ngôi vị hoàng đế vốn thuộc về mình."

Yến Tư Không gật đầu, chăm chú nhìn Trần Mộc: "Giả sử, hoàng đế bằng lòng phế Trần Xuân, lập điện hạ lên làm Thái tử thì sao?"

Trần Mộc rủ mắt.

Yến Tư Không cười nhạt: "Điện hạ cơ trí hơn người, kỳ thực đã nghĩ tới, đúng không?"

"Tiên sinh yên tâm, con sẽ không dễ dàng dao động."

"Điện hạ gặp mặt Các lão và Hứa đại nhân, ta không tiện đứng ra, ta đây sẽ chờ tin từ điện hạ."

Trần Mộc đứng lên, đi tới bên cạnh Yến Tư Không: "Vì sao tiên sinh không tin con? Tiên sinh mất chưa đầy một năm để cho con sức mạnh chống lại triều đình, con hiểu tiên sinh đã dụng tâm lương khổ ra sao, nếu không có tiên sinh thì sẽ không có con ngày hôm nay, sao con dám để tiên sinh thất vọng chứ?"

"Đương nhiên là ta tin điện hạ, đại nghiệp điện hạ chưa thành sẽ không dừng bước trước tiểu lợi." Yến Tư Không nhìn Trần Mộc, nghiêm mặt nói.

Trần Mộc cũng lẳng lặng nhìn Yến Tư Không, nhìn một lúc lâu, nhìn đến thất thần, mới lẩm bẩm: "Dưới ánh trăng tiên sinh thật đẹp."

Yến Tư Không hơi nhíu mày: "Điện hạ."

"Tiên sinh." Trần Mộc ngắt lời: "Tiên sinh tận tâm tận lực, vất vả đêm ngày vì con, con vừa cảm kích lại yêu thương. Từ sau khi mẫu phi qua đời, trên đời này không còn ai tốt với con hơn tiên sinh, con tin tưởng tiên sinh, ỷ lại tiên sinh, thích thầm tiên sinh, coi tiên sinh là người thân cận nhất trần đời, tiên sinh bảo con kiềm chế thế nào được?"

Yến Tư Không lạnh lùng nói: "Điện hạ là người muốn gây dựng nghiệp lớn, há lại để thứ tình cảm vô dụng ngăn cản hồng đồ bá nghiệp của mình?"

"Nếu con yêu một nữ nhân tầm thường, hoặc sủng ái phi tần như phụ hoàng của con, tiên sinh hoàn toàn có thể quở trách con. Nhưng tiên sinh không giống vậy, tiên sinh là sư phụ của con, là mưu sĩ của con, tương lai sau này sẽ là tể tướng của con, hai chúng ta tay nắm tay nhất định có thể tái hiện lại thời thái bình thịnh thế Đại Thịnh. Con không thể rời bỏ tiên sinh, đời này không muốn xa rời tiên sinh, cũng sẽ không ai có thể thay thế địa vị tiên sinh trong lòng con."

Yến Tư Không trầm mặt xuống, y lui về sau một bước, thở dài nặng nề: "Điện hạ, ta là nam tử, lại là..."

"Phong Dã cũng là nam !" Trần Mộc kéo tay Yến Tư Không, vẻ mặt không cam lòng: "Tiên sinh lấy Hoàng tỷ, còn sinh tiểu quận chúa, nếu người chỉ tuân theo đạo thường, không gần với long dương, cả đời này con chắc chắn không làm khó tiên sinh, nhưng tiên sinh rõ ràng là có thể, vậy tại sao con không được? Con trở thành hoàng đế, con có thể cho tiên sinh toàn bộ thiên hạ này, đây chẳng phải là điều tiên sinh muốn sao?"

Yến Tư Không nghiêm nghị nói: "Cái ta muốn là quân thánh thần hiền, là phò tá điện hạ trị quốc an bang, không phụ sở học một đời, chứ không phải lấy sắc thị nhân, trở thành trò cười cho thiên hạ."

Trần Mộc lạnh giọng đáp: "Nói bậy, tương lai con làm Hoàng đế, kẻ nào dám nói xấu tiên sinh nửa chữ, con liền chu di cửu tộc hắn!"

"Điện hạ..." Yến Tư Không muốn rút tay về lại phát hiện không làm sao rút nổi, y mệt mỏi nói: "Điện hạ, thần nguyện xông pha khói lửa, quyết không chối từ vì điện hạ, duy chỉ chuyện này, thần làm không được."

Trần Mộc nghiến răng nói: "Là bởi vì Phong Dã sao?"

"Không phải, vô luận có phải bởi vì Phong Dã không, thần tuyệt đối không thể vượt quá lễ vua tôi."

"Người không tuân lễ giáo, coi trời bằng vung như tiên sinh đi nói chuyện vua tôi không cảm thấy gượng lắm hay sao!" Trần Mộc cả giận nói: "Phong Dã từng làm nhục người như vậy, giờ hắn cũng đang lợi dụng người, người tội gì phải nhớ mãi không quên hắn như thế chứ!"

Những lời này chẳng khác nào đâm trúng tim đen của Yến Tư Không, y cao giọng nói: "Điện hạ càng nói càng hoang đường, trong lòng ta chỉ có đại nghĩa quốc gia, không có nhi nữ tình trường, đến bao giờ điện hạ mới có thể hiểu nỗi khổ tâm của thần?"

Trần Mộc mím môi, vẻ mặt dữ tợn nhưng đang cố kìm nén. Hắn lưu luyến thả tay Yến Tư Không ra, mất mác nói: "Con thích tiên sinh, khó kìm lòng nổi, tiên sinh có chọc giận con, con cũng hết cách."

Yến Tư Không hít sâu một hơi: "Điện hạ và Tề phu nhân sinh một hài tử đi! Như vậy điện hạ có thể trưởng thành hơn." Nói bóng gió ra, y hy vọng Trần Mộc mang cái suy nghĩ hoa trăng của mình lên người tiểu thiếp, đừng ôm mộng về mình nữa.

"...Con sẽ không để nàng sinh hài tử của con."

Yến Tư Không ngẩn người: "Vì sao? Điện hạ nhất định phải nhiều con nối dõi."

"Con sẽ không để một nữ nhân xuất thân hèn mọn sinh hài tử cho con." Con ngươi đen láy của Trần Mộc nhìn chằm chằm Yến Tư Không, ẩn sâu trong đó là cảm xúc thâm trầm khó đoán: "Kỳ thực bây giờ con có thể hiểu suy nghĩ của phụ hoàng rồi."

Yến Tư Không trầm mặc.

"Một ngày nào đó, khi con ngồi lên ngai vàng, há lại đi truyền giang sơn cho một hoàng tử không nơi nương tựa?"

"Điện hạ quá lo lắng rồi, tương lai điện hạ lấy chính thê, lập đương nhiên phải là con vợ cả."

"Lỡ chính thê không có con thì sao?" Trần Mộc nở nụ cười âm lãnh: "Bi kịch của con không thể xảy ra trên người nhi tử của con nữa."

Yến Tư Không nhất thời chấn động trước ánh mắt lạnh lùng của Trần Mộc. Rốt cuộc bắt đầu khi nào, thanh niên vừa tròn hai mươi này, tiểu vương gia vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành trong lòng y, đã có ánh mắt như thế?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top