Chương 47: Ăn chung

Editor: Tiểu Màn Thầu

Eo Giang Đào đau nhức, toàn thân không còn chút sức lực nào. Cô nằm trên giường, mắt nhắm nghiền, mơ mơ màng màng không biết hôm nay là ngày nào, bản thân đang ở đâu.

Trời đã sáng từ lâu, ánh nắng chiếu qua cửa sổ, dù nhắm mắt vẫn cảm thấy khó chịu.

Giang Đào hít sâu một hơi, mở mắt ra, chống tay lên giường ngồi dậy.

Trong phòng không còn lộn xộn như tối qua nữa, Chu Lệ đã ra ngoài. Quần áo do anh cởi ra cũng không còn vứt lung tung dưới đất. Bộ đồ cô mặc tối qua cũng không thấy đâu, nhưng trên đầu giường lại đặt sẵn một bộ quần áo sạch sẽ để cô thay. Giang Đào vươn tay duỗi người một cái, chậm rãi mặc quần áo vào.

Mặc xong quần áo, cô bước ra ngoài, đi thẳng vào bếp.

Trong nồi nhỏ vẫn còn chút cháo đậu đỏ đang bốc khói nghi ngút. Cô mở nắp nồi lớn ra, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, bên trong là hai chiếc bánh bao nhân chay trắng tròn vừa mới hấp. Giang Đào chưa rửa mặt, hơn nữa vừa dậy cũng chưa thấy đói bụng, cô đậy nắp nồi lại rồi đi rửa mặt, xong xuôi cô đi ra nhà trước.

Cô còn chưa đến cửa đã nghe thấy giọng nói đầy ý cười của Chu Lệ:

"Đúng vậy, hôm nay chỉ có bánh bao nhân đậu hũ miến thôi, ngày mai mới có bánh bao thịt. Hôm nay không phải ngày họp chợ, khó mua được thịt tươi, sáng mai anh tới đảm bảo sẽ có!"

Giang Đào không lên tiếng, đứng ở cửa nhìn một lát, chờ đến khi khách mua bánh đi rồi mới bước tới.

"Anh dậy lúc nào thế?" Cô ngủ say quá, hoàn toàn không biết gì cả.

Chu Lệ quay đầu nhìn lại, mỉm cười bước tới hai bước:

"Em dậy rồi à? Anh cũng mới dậy thôi, bánh bao vừa mang ra không bao lâu nhưng hôm nay bán khá tốt. Em đã rửa mặt chưa? Đói rồi phải không, vào ăn chút gì đi."

Giữa chốn đông người, dù là vợ chồng cũng không tiện quá thân mật, Chu Lệ chỉ nắm tay cô một cái.

Giang Đào lại thoải mái hơn nhiều, trực tiếp kéo anh ngồi xuống ghế:

"Anh nghỉ một lát đi để em trông cho." 

Nói rồi, cô chợt nhớ tới Chu Bảo Bảo liền bảo: "Giờ này chắc Bảo Bảo dậy rồi, để em sang nhà cô đón con về nhé."

Ngoài cửa không có ai, Chu Lệ đứng dậy, cúi người ghé sát vào tai Giang Đào, thấp giọng nói:

"Anh đâu có mệt, mệt là em mới đúng."

Nói rồi anh nhanh như chớp hôn nhẹ lên vành tai trắng mịn của Giang Đào, sau đó sải bước ra ngoài:

"Em vừa ăn vừa trông hàng đi, để anh đi đón con."

Cái người này, sao tự nhiên lại trở nên lưu manh như vậy chứ.

Giang Đào đỏ mặt, lập tức quay người đi vào bếp.

Sáng nay buôn bán rất tốt, Giang Đào không biết Chu Lệ làm bao nhiêu cái bánh bao, nhưng đến khi anh bế Chu Bảo Bảo về, chiếc giỏ tre chỉ còn lại một tầng bánh dưới đáy. Thời gian vẫn còn sớm, tính ra làm thêm một hai nồi bánh nữa cũng kịp, nhưng nghĩ đến việc Chu Lệ phải ra ngoài tìm người có máy kéo để bàn chuyện hợp tác, Giang Đào không tính làm thêm nữa. Dù sao ngày mai là phiên chợ cần phải chuẩn bị nhiều bánh bao, Chu Lệ phải ra ngoài, cô ở nhà một mình cũng bận rộn không ít, không cần phải vì vài chiếc bánh bao nhân chay sáng nay mà vất vả thêm.

Chu Lệ đã ăn sáng trước đó rồi, sáng nay anh phải đến hai thôn khác nhau để gặp hai người mua cát nên anh vừa đặt Chu Bảo Bảo xuống liền vội vã ra ngoài.

Giang Đào còn chưa kịp nói với anh chuyện mớ hành, đành tạm gác lại.

Bánh bao nhanh chóng được bán hết, Giang Đào thu dọn giỏ tre, sau đó lịch sự nói với ba khách hàng rằng bánh đã hết, sau đó không còn ai hỏi nữa. Giang Đào đoán chắc Chu Lệ chỉ làm hơn bốn chục chiếc, lần sau làm thêm khoảng chục cái nữa là được.

Giang Đào rửa xong bát đĩa, thấy Chu Lệ đã giặt sạch quần áo thay ra tối qua, cô bắt đầu xử lý mớ hành.

Chu Bảo Bảo là một đứa trẻ cực kỳ ngoan, không những không quấy mà còn ngồi bên cạnh giúp mẹ nhặt hành.

Đứa trẻ nhỏ như vậy lẽ ra nên chơi đùa, Giang Đào bảo:

"Bảo Bảo, con đi chơi đi để mẹ nhặt hành là được rồi."

Chu Bảo Bảo lại không chịu:

"Không, con muốn giúp mẹ nhặt hành."

Trẻ con có ý tốt như vậy, đâu thể không cho con giúp, Giang Đào nghĩ một lúc rồi nói:

"Vậy chúng ta ra trước cửa nhặt đi, trong nhà lạnh quá, ngoài nắng ấm hơn. Con cứ nhặt nếu không muốn làm nữa thì đi chơi nhé."

Ra ngoài nhặt hành, nhân tiện giao lưu với hàng xóm

Nếu ra trước cửa nhặt hành, biết đâu lại có cơ hội giao lưu với hàng xóm láng giềng xung quanh. Tuy họ đã chuyển lên trấn được vài ngày, nhưng vì luôn bận rộn, ngoài ngày đầu bán bánh bao có tặng cho vài nhà xung quanh một ít, sau đó hầu như không có cơ hội tiếp xúc. Cũng không biết có nhà nào có con nhỏ không. Nếu có, nhân cơ hội này kết giao, có thể tìm bạn chơi cùng cho Bảo Bảo.

Chu Bảo Bảo vui vẻ đồng ý, hăng hái mang một chiếc ghế nhỏ ra ngoài.

Giang Đào đi ra sau, bê theo hành, chậu và ghế cho mình.

Hôm nay là một ngày đẹp trời, mặt trời lúc gần chín giờ sáng chiếu ánh nắng ấm áp lên người. Dù tuyết dưới đất đã bắt đầu tan nhưng không hề cảm thấy lạnh. Giang Đào vừa khéo léo nhặt hành, vừa đùa vui nói chuyện với Chu Bảo Bảo, nào là ở nhà bà thím có vui không, chơi với anh chị họ có vui không, hay buổi chiều có muốn sang đó chơi nữa không.

Trước đây chưa từng có người lớn nào nói chuyện với Chu Bảo Bảo như thế. Khi cô bé chơi cùng Chu Giai Giai và Chu Tiểu Mãnh ở nhà, vì cách biệt tuổi tác nên cô bé thường chỉ lặng lẽ đi theo sau. Nhưng giờ cô bé được Giang Đào vừa trêu đùa vừa trò chuyện, cô bé dần dần cởi mở hơn, bắt đầu nói nhiều hơn. Dù người cô bé nhỏ xíu nhưng giọng nói líu lo, nói chuyện không đầu không đuôi, thiếu mạch lạc và trọng tâm, nhưng Giang Đào vẫn cảm thấy thú vị.

Trẻ con là thế, đáng yêu hết mức, hay là vì cô đã vô tình mang theo "bộ lọc làm mẹ" rồi nhỉ?

Giang Đào cười trò chuyện cùng con gái thì thấy bà chủ hàng bán bánh tiêu bên cạnh đi ra đổ rác. Chị ta thấy cô ngồi trước cửa, không kìm được bắt chuyện:

"Cô em nhặt hành sớm thế? Chồng em đâu rồi, sao không làm cùng em?"

"Vâng, em nhặt sớm để lát nữa không phải vội. Chồng em ra ngoài có việc rồi, chỉ chút hành thôi, không cần anh ấy giúp." Giang Đào cười đáp.

Hôm nay không phải ngày chợ phiên, cũng chưa đến giờ nấu cơm, bà chủ bán bánh tiêu về nhà cũng chẳng có gì làm. Chị ta thấy Giang Đào cười tươi, thái độ thân thiện bèn đặt thùng rác xuống rồi bước tới trò chuyện:

"Nhà em bán bánh bao đúng là kiếm được tiền, nhưng chị thấy vất vả hơn nhà chị đấy. Không nói phải chuẩn bị trước bao nhiêu thứ mà ngày nào cũng phải dậy sớm bán hàng thế này, đến ngủ nướng cũng chẳng được."

"Làm gì có đâu chị, vất vả thì đúng nhưng tiền lời thực ra chẳng được bao nhiêu. Nhìn thì thấy bán nhiều bánh, nhưng bánh bao thịt một đồng bốn cái, bánh nhân chay một đồng sáu cái, khách mua nhiều nhà em còn tặng thêm. Nói thật, em thấy chắc chắn không lãi bằng chị bán bánh tiêu đâu."

Nguyên liệu làm bánh tiêu chỉ cần bột mì với dầu chiên, dầu còn dùng đi dùng lại được nên chi phí rất thấp, chưa kể giá bán bánh tiêu lại cao hơn bánh bao nhiều. Tính toán ra, chắc chắn bánh tiêu lãi nhiều hơn. Tất nhiên, cũng phải xét đến số lượng bán được.

Bánh tiêu nhà chị ta bán khá chạy, thực sự kiếm được nhiều tiền. Chị ta cũng không phủ nhận:

"Làm bánh tiêu là cần tay nghề, anh nhà chị có kỹ thuật tốt, làm nhiều năm rồi nên cũng ổn. Nhưng chị thấy bánh bao nhà em sau này chắc chắn cũng không tệ đâu. Tay nghề em khéo, bánh chay hay bánh thịt chị ăn đều thấy ngon hơn bánh bao của quán cũ trong trấn. Sau này chắc chắn sẽ kiếm được thôi!"

Giang Đào cười đáp:

"Vậy em xin nhận lời chúc tốt lành của chị. À mà chị ơi, em tên là Giang Đào, còn chưa biết nên gọi chị thế nào?"

"À, chị họ Vương, tên là Vương Hoài Hoa, em cứ gọi chị là chị Vương."

Vương Hoài Hoa trông khoảng ba mươi bốn, ba mươi lăm tuổi, đúng là đáng được gọi một tiếng "chị". Nói xong, chị ta nhìn Chu Bảo Bảo, khen:

"Cô bé nhà em ngoan ghê, nhỏ xíu mà đã biết giúp mẹ. Hai đứa con gái nhà chị, đứa lớn thì đỡ, đứa bé thì thôi rồi, không chịu ngồi yên một phút nào làm chị đau hết cả đầu."

Nghe chị ta nhắc đến con, lại là con gái, Giang Đào lập tức hỏi:

"Nhà chị có hai bé mấy tuổi rồi? Trẻ con mà, ngoan thì ngoan, nghịch thì nghịch, kiểu nào cũng có cái hay của nó. Chị đừng lo lắng quá, trẻ con nghịch ngợm sau này có khi lại thành đạt hơn ấy chứ."

Cha mẹ thương con, nghe người ta khen con còn sướng hơn khen mình. Dù Vương Hoài Hoa hay than phiền con bé nhà mình nghịch quá, nhưng thật lòng thương con, nếu không thì đứa bé đã không có tính cách như vậy. Nghe Giang Đào khen con gái nhỏ nhà mình sau này có thể có tiền đồ, chị ta vừa xua tay ý bảo không dám nghĩ, không mong chờ, nhưng mặt lại không giấu được nụ cười:

"Đứa lớn mười hai tuổi, đứa bé mới bảy tuổi."

"Thế thì còn phải chờ xem, nhiều khi mình không nghĩ tới lại thành sự thật đấy." Giang Đào cười nói, rồi nhìn Chu Bảo Bảo:

"Bảo Bảo, con có muốn sang nhà bác Vương chơi với các chị không? Hai chị cũng không lớn hơn con bao nhiêu đâu."

Lần đầu Giang Đào tiếp xúc với Vương Hoài Hoa cảm thấy khá tốt. Chưa kể, chồng của chị ta còn nhắc Giang Đào lý do vì sao không có khách trong phiên chợ lần trước. Vợ chồng họ khá thân thiện, trong nhà lại có đúng hai cô con gái, nên Giang Đào nghĩ có thể để Chu Bảo Bảo sang đó chơi.

Vương Hoài Hoa cũng rất nhiệt tình:

"Đúng vậy, con có muốn sang nhà bác chơi với các chị không? Nhà bác có hai chị lớn lận đấy!"

Dù sao Chu Bảo Bảo vẫn là một đứa trẻ, lúc này đã hơi bồn chồn không ngồi yên được nữa:

"Mẹ ơi."

Giang Đào mỉm cười:

"Đi đi, mẹ dẫn con qua, lát nữa nấu cơm xong mẹ qua đón con."

Chu Bảo Bảo gật đầu, cười ngại ngùng rồi nhảy chân sáo theo Giang Đào và Vương Hoài Hoa sang nhà bên.

Giang Đào nhìn thấy hai cô con gái nhà Vương Hoài Hoa, hai đứa đều ăn mặc sạch sẽ gọn gàng. Theo lời mẹ mình, cả hai lễ phép chào cô là "thím" và nhiệt tình chào đón Chu Bảo Bảo. Giang Đào xoa đầu con gái, yên tâm dặn:

"Con cứ ở đây chơi với các chị nhé. Nếu lát nữa chơi chán thì dẫn các chị sang nhà mình chơi."

Chưa đợi Chu Bảo Bảo trả lời, cô con gái nhỏ của Vương Hoài Hoa đã chạy đến nắm tay bé:

"Em gái ơi, em tên gì? Lại đây chị cho em xem búp bê Tây Dương của chị, búp bê Tây Dương của chị đẹp lắm đấy!"

Búp bê Tây Dương.

Giang Đào nhìn con búp bê Tây Dương được làm thủ công khá thô sơ. Cô nghĩ bụng, khi nào có dịp đi lên huyện, chắc chắn sẽ mua cho Chu Bảo Bảo một con. Ngày trước điều kiện không cho phép thì không tính, nhưng giờ có điều kiện rồi, trẻ con vẫn nên có vài món đồ chơi yêu thích của riêng mình.

"Em cứ yên tâm để cháu nó chơi ở đây." Vương Hoài Hoa nhìn bọn trẻ chơi với nhau mà bật cười.

"Chị Vương, vậy làm phiền chị nhé." Giang Đào thực sự rất yên tâm, chỉ là vẫn hơi ngại, vì dù sao cũng làm phiền nhà người ta.

Vương Hoài Hoa xua tay hào sảng nói:

"Em nói thế nghe xa lạ quá, hàng xóm láng giềng trẻ con chơi với nhau thì phiền hà gì chứ!"

Sau khi để Chu Bảo Bảo ở lại chơi với các chị, Giang Đào trở về nhà nhanh chóng xử lý sạch sẽ mớ hành. Vì nhà mới ở trấn gần chỗ nhà người giết thịt nên mua thịt rất thuận tiện, không cần vội. Cô tranh thủ thời gian chuẩn bị bữa trưa.

Chu Lệ nói sẽ về nhà ăn cơm nên cô nấu phần cho ba người. Hôm nay trong nhà không còn nhiều đồ mặn, cô dùng mỡ heo để hầm cải thảo với khoai tây. Ngoài ra, cô lấy một nắm hành lá thái thật nhỏ, một ít dưa muối rửa nhiều lần cho bớt mặn rồi cũng thái nhỏ, xào cùng ba quả trứng và một quả ớt khô, được một bát lớn trứng xào dưa muối thơm mùi hành và hơi cay cay.

Sau đó, cô lấy một bát lớn đựng cơm múc một phần ba mang sang nhà bên cạnh.

Cô mới vào cửa đã nghe thấy tiếng cười khúc khích của bọn nhỏ truyền từ sân sau, khiến Giang Đào cũng không nhịn được mỉm cười. Nhà trước không có ai, cô đi vòng ra sau, Chu Bảo Bảo đang chơi trò "đại bàng bắt gà con" thì thấy cô, cô bé liền buông tay con gái út của Vương Hoài Hoa, chạy ùa đến bên mẹ. Giang Đào nắm lấy bàn tay nhỏ của con, rồi hỏi con gái út của Vương Hoài Hoa, người cũng chạy đến ngay sau đó:

"Mẹ con đâu rồi?"

Cô bé chăm chú nhìn chằm chằm vào cái bát trong tay Giang Đào, rõ ràng rất thèm nhưng vẫn nuốt nước bọt rồi ngoan ngoãn trả lời:

"Mẹ con đang ở trong bếp. Thím ơi, thím đến đón Bảo Bảo về ăn cơm phải không? Thím nấu cơm nhanh thật đấy!"

Một cô nhóc nhỏ xíu mà đã biết nói chuyện như người lớn.

Giang Đào rất thích cô bé này liền trả lời như đang trò chuyện với người lớn:

"Đúng vậy, thím đến đón Bảo Bảo về ăn cơm. Đây là món thím nấu, con mang vào đưa mẹ con nhé, mọi người nếm thử xem có ngon không."

"Giảo Giảo, Dung Dung, ai ở ngoài đấy?" Vương Hoài Hoa nghe động tĩnh thì đi ra.

Con gái út của Vương Hoài Hoa tên là Trần Dung, cô bé vốn đã chìa tay ra định nhận bát đồ ăn, nghe thấy mẹ gọi liền rụt tay lại, chạy vội về phía mẹ:

"Mẹ ơi, là mẹ của Bảo Bảo, thím ấy mang đồ ăn sang, thơm lắm mẹ ạ!"

Cô bé thèm thật, dù đã hạ giọng nói nhỏ nhưng vẻ mặt thèm thuồng thì không che giấu nổi.

Vương Hoài Hoa bật cười, nhẹ nhàng vỗ vào tay con gái, nửa đùa nửa mắng:

"Con đúng là đồ tham ăn!"

Giang Đào bước tới, mỉm cười đưa bát thức ăn ra:

"Chị Vương, không có gì đặc biệt đâu, đây là dưa muối em xào, chị thử xem."

Dưa muối thì đúng là không phải món gì cao sang nhưng trong đó có cả trứng gà đấy!

Vương Hoài Hoa cảm thấy hơi ngại nhưng Giang Đào đã mang sang, người ta nhiệt tình như thế, mình từ chối lại càng không hay. Chị đón lấy bát cảm ơn:

"Đây là dưa muối xào trứng đấy, món ngon mà, cảm ơn em nhé, Tiểu Giang."

"Chị khách sáo gì chứ, hàng xóm láng giềng với nhau cả mà." Giang Đào đáp lại.

Sau khi cô đưa Chu Bảo Bảo về nhà, vừa rửa tay xong định để con ăn trước thì Chu Lệ đã trở về. Anh bước vào với nụ cười rạng rỡ, chẳng cần mở lời, Giang Đào cũng biết:

"Đàm phán được rồi à?"

"Ừ, xong cả rồi, họ đều đồng ý!" Chu Lệ vừa nói vừa bước đến rửa tay, 

"Còn một nhà nữa, ăn xong cơm trưa anh sẽ đi ngay. Nếu họ cũng đồng ý thì năm chiếc máy kéo sẽ sẵn sàng, đợi tuyết tan là có thể bắt đầu chở cát ngay. Nếu thuận lợi, trước Tết là hoàn thành được một mối rồi."

Người thuê chở cát là ở trấn bên khoảng cách không xa. Năm chiếc máy kéo, mỗi ngày chạy ít nhất hai chuyến, cũng được mười xe cát. Có lẽ chỉ cần hai ngày là đủ hai mươi xe, đáp ứng nhu cầu của bên đó.

Giang Đào giẫm lên nền tuyết dưới chân dặn dò:

"An toàn là trên hết, đừng gấp quá."

Chu Lệ gật đầu: "Ừ, anh cũng nghĩ thế."

Anh rất muốn kiếm tiền, nhưng anh và Giang Đào còn nhiều thời gian ở bên nhau, chẳng cần vội vàng kiếm chút tiền rồi xảy ra chuyện không hay.

Trong bữa ăn, Giang Đào kể chuyện để Chu Bảo Bảo qua chơi với con gái nhà Vương Hoài Hoa cách vách. Tiếp đó, cô nhắc đến chuyện hành lá:

"Anh xem chiều nay em có cần về quê một chuyến để gửi tiền hai bao tải hành cho bác cả không?"

Hôm qua bận ra ngoài, sáng nay lại bận bán bánh bao, Giang Đào không nhắc thì Chu Lệ hoàn toàn không để ý đến số hành đó. Nghe cô là Chu Lão Ngũ nhờ Trần Khải Quân mang đến, anh cũng hơi ngạc nhiên. Nhưng anh nghĩ giống vợ mình, có lợi thì cứ nhận, dù sao đó cũng là cha ruột, không cần phải khách sáo. Hơn nữa, tiền hành vẫn là anh tự trả.

"Không cần vội, quan hệ giữa anh với bác cả tốt lắm, cuối năm về quê gửi cũng được." 

Chu Lệ đáp, nhưng vừa nói xong lại nhận ra việc về quê dịp Tết. Không chỉ Giang Đào, ngay cả anh cũng chẳng muốn về bèn nói:

"Mua chút quà, sáng sớm mùng Một về một lát là được, không cần ở lại ăn Tết cùng."

Giang Đào nghĩ nghĩ cũng cảm thấy chẳng nhất thiết phải về. Dù có bị nói vài câu thì sao chứ, đâu mất miếng thịt nào. Không về, cả nhà ba người sẽ thoải mái hơn! Thế là cô liền gật đầu:

"Được, vậy nhà mình ăn Tết ở trấn."

Ăn xong bữa trưa, Chu Lệ vội vàng ra ngoài.

Giang Đào rửa xong bát đũa, Chu Bảo Bảo đã tự giác ngoan ngoãn đi ngủ. Cô khép hờ cửa, mang thớt và dao ra phòng trước ngồi băm hành. Xong xuôi, cô lại ngâm miến cho mềm, chờ Chu Bảo Bảo dậy dắt cô bé ra ngoài mua thịt và đậu hũ rồi lại nhanh chóng về nhà. Làm nhân bánh bao là công việc không hề đơn giản!

Cô đang bận rộn thì gia đình của Giang Hạnh đã đến.

Lưu Tây đẩy chiếc xe đạp, trên xe buộc chăn màn và một túi da rắn đựng đồ sinh hoạt. Mẹ của Lưu Tây xách hai túi quần áo của bà và Giang Hạnh, còn Giang Hạnh chỉ xách một túi nhựa nhỏ, bên trong là đồ trang điểm và mỹ phẩm của cô ấy.

Vì Lưu Tây còn phải vội đến huyện để kiểm kê sổ sách nên vừa đặt đồ xuống là anh ta đã vội đi đón xe. Từ trấn đến huyện mỗi ngày chỉ có một chuyến xe, nay sắp Tết nên buổi chiều mới bổ sung thêm một chuyến, anh ta phải tranh thủ nếu không sẽ lỡ xe.

Do đồ đạc nhiều, cả nhà họ đã đi bộ hơn nửa tiếng mới đến nơi. Dù sao Giang Hạnh cũng đang mang thai, vừa vào nhà liền ngồi xuống nghỉ.

Mẹ của Lưu Tây quen làm việc nặng nên sức khỏe tốt, bà không vội ngồi mà hỏi Giang Đào có nước nóng không để rót cho Giang Hạnh uống. Đi đường xa như vậy, không chỉ khát mà còn cần làm ấm cơ thể.

Giang Đào đang bận việc, hơn nữa sắp tới sẽ sống chung và mở cửa hàng cùng nhau lâu dài, nên không cần khách sáo quá. Cô chỉ vào bếp nói:

"Bình nước nóng ở trong bếp, thím cứ tự lấy nhé."

Mẹ của Lưu Tây là người hiền lành liền gật đầu, đáp một tiếng rồi đi vào bếp.

Khi bà bưng chén nước nóng nghi ngút khói quay lại, Giang Hạnh vừa nhấp từng ngụm nhỏ, vừa nhìn Giang Đào đang nhanh nhẹn băm hành ngạc nhiên nói:

"Chị, chị chuẩn bị sẵn nhiều hành thế này cho sáng mai à? Liệu có gói hết được không?"

Giang Đào vừa làm vừa trả lời:

"Được chứ. Lần trước bán hết sớm, lần này chị định gói 200 cái bánh bao nhân thịt. Chỗ hành này còn chưa biết đủ hay không đây. Nếu còn thiếu thì sáng mai chị sẽ băm thêm rồi trộn nhân sau."

Giang Hạnh cảm thán:

"Vất vả quá, còn phải băm nhân thịt nữa, đúng không?"

"Đúng rồi!" Giang Đào gật đầu, không ngại khen ngợi chồng mình:

"Nhưng từ lúc bán bánh bao đến giờ, nhân thịt đều do anh rể em băm đấy. Chẳng qua hôm nay anh ấy bận việc ra ngoài, lát nữa chị mua thịt về rồi tự làm cũng được."

Giang Hạnh bật cười:

"Anh rể thật tốt với chị quá!"

"Chồng em không tốt với em sao?" Giang Đào hỏi ngược lại rồi khen mẹ chồng của em gái:

"Hơn nữa, mẹ chồng em cũng tốt. Em vừa vào nhà ngồi xuống nghỉ, bà ấy đã vội đi lấy nước cho em rồi. Chị còn phải ghen tị với em đây này."

Giang Hạnh không nhịn được cười:

"Vâng, anh Lưu Tây và mẹ đều tốt với em lắm, nhưng em cũng tốt với họ mà. Sau này mẹ già, em chăm sóc bà chắc chắn không thua gì con gái ruột. Nhưng mà mẹ chồng của chị, dù cách mấy thôn em cũng nghe được danh tiếng của bà ấy, chị và anh rể đừng dại mà lo hết mọi chuyện. Bà ấy tốt với ai thì cứ để người đó lo việc dưỡng già!"

"Yên tâm đi, chị sẽ không ngốc như vậy đâu!" Giang Đào khẳng định chắc nịch.

Giang Hạnh lúc này mới hài lòng nhấp một ngụm nước nóng.

Mẹ của Lưu Tây lắc đầu bất đắc dĩ nói:

"Các con còn trẻ quá, không thể làm mọi việc tuyệt tình được. Đúng là mẹ Chu Lệ sai, nhưng nếu hai đứa thật sự mặc kệ bà ấy thì lời đàm tiếu cũng đủ dìm chết hai đứa."

Giang Đào đáp: "Chuyện cần lo thì chúng con vẫn sẽ làm. Nhưng những thứ không phải trách nhiệm thì cũng không thể ôm hết vào người."

"Hầu hạ bà ấy là chuyện không thể xảy ra. Nếu thật sự cần người chăm sóc thì đó cũng phải là con trai ruột của bà ấy. Dù sao cũng là bà ấy sinh ra nuôi lớn, còn con dâu chẳng nhận được gì tốt đẹp từ bà ấy thì tuyệt đối không làm!" 

Giang Hạnh trả lời dứt khoát, còn xúi Giang Đào:

"Nếu anh rể mù quáng mà bắt chị làm, chị cứ bỏ anh ấy đi là được."

"Anh rể em không như vậy đâu. Nếu anh ấy thực sự như thế, chị chắc chắn không sống cùng anh ấy nữa." Giang Đào đồng tình.

Mẹ của Lưu Tây chỉ biết bất lực lắc đầu. Hai cô con gái Giang gia đúng là người nào cũng mạnh mẽ hơn người. Nhưng may mà biết đạo lý, bà cũng chẳng lo sau này Giang Hạnh sẽ gây khó dễ cho mình.

Giang Đào chuyển chủ đề hỏi Giang Hạnh:

"Đúng rồi, người có máy kéo ở thôn em nói sao? Họ có nhận làm việc không?"

Giang Hạnh cũng theo đó nói sang chuyện khác:

"Có, hôm qua em với anh Lưu Tây đến nhà họ, đã nói xong rồi. Ngày mai, nhân dịp đi chợ, họ sẽ qua nhà chị một chuyến để nói chuyện với anh rể."

Giang Đào cười:

"Thế thì tốt quá, đỡ phải để anh rể em mất công đi thêm chuyến nữa!"

Vì mẹ con Giang Hạnh đến, Giang Đào băm xong hành, ngâm miến liền tranh thủ ra ngoài mua thịt và đậu hũ. Chu Lệ không có nhà, băm thịt lại cần rất nhiều thời gian nên cô phải nhanh lên mới kịp. Có điều cô đang băn khoăn không biết có nên bán đồ chiên vào ngày mai không. Cuối cùng cô vẫn mua thêm ba đồng xương gà. Bán bánh bao chỉ đông lúc sáng sớm, sau đó toàn khách mua lẻ tẻ liên tục đến mười một giờ là hết khách, cùng lắm thì tầm mười giờ cô chiên xương gà, bán được thì bán, không thì để nhà mình ăn.

Có điều khi cô về đến nhà đã thấy Chu Lệ đang ở nhà rồi.

Cô đã ngấm miến trước khi ra ngoài, trong khi cô đi cũng được một lúc lâu rồi, miến đã mềm, Chu Lệ đang ngồi cắt miến.

Chu Lệ nhìn thấy cô lập tức buông dao, đón lấy mọi thứ cô xách về nói:

"Không phải anh đã bảo sẽ về sớm sao? Sao em lại tự mình đi mua nhiều đồ như thế này."

Muốn gói hai trăm cái bánh bao nhân thịt và gần một cái bánh bao nhân chay thì đồ mua về không hề nhẹ.

Giang Đào xua tay nói:

"Em tưởng chiều tối anh mới về. Thế nào, người ta đồng ý chưa?"

Chu Lệ lắc đầu: 

"Anh ta không đồng ý, trừ khi việc nhiều quá mà anh không tìm được người khác mới phải nhờ đến anh ta còn không thì thôi. Anh ta đòi công cao quá."

Chu Lệ muốn kiếm tiền chêch lệch ở giữa, đương nhiên là ăn ở tiền công của người lái máy kéo, nhận tiền của chủ thuê một giá, phát cho người nhận việc một giá, vậy mới có thể kiếm chút lãi. Nhưng người này không muốn, anh ta yêu cầu không cần biết chủ trả bao nhiêu tiền vẫn phải trả cho anh ta mức công như anh ta ấn định lúc đầu. Anh nhận việc để kiếm tiền chứ không phải đi làm từ thiện, còn phải phục vụ theo ý người khác. 

Giang Đào an ủi: 

"Không đồng ý thì thôi, cũng chẳng sao, hôm nay Hạnh Nhi tới có nói với em, người có máy kéo ở thôn hai đứa đồng ý nhận việc, Hạnh Nhi đã bảo anh ta ghé qua tiệm nhà mình vào phiên chợ ngày mai, đến lúc đó anh bàn bạc với anh ta xem sao."

Tuy Chu Lệ có chút buồn bực, nhưng vì anh đã mời được bốn chiếc máy kéo nên cũng không quá để ý. Bây giờ Giang Hạnh lại giới thiệu một người, anh cười nói: 

"Tốt quá, anh đỡ phải mất công đi một chuyến. Ngày mai nói sau, Bảo Bảo thức dậy thì để con bé sang hàng xóm chơi, chúng ta nhanh chóng chuẩn bị nhân còn gói bánh, anh đi băm thịt trước."

Giang Đào không nhịn được cười, Chu Lệ cũng nói giống hệt cô.

Cô gật đầu, nhanh chóng cùng Chu Lệ bắt tay vào việc.

Sáng sớm ngày mai cần quá nhiều bánh bao nên trưa nay hai người đều chuẩn bị sẵn mỗi loại nhân một nửa. Nhưng lần này họ không gói trước, tuy trời lạnh thật, giờ gói trước xong mai đem lên hấp cũng không ảnh hưởng nhiều, không giống các mùa khác, vỏ bánh dễ bị lên men sẽ rất khó ăn. Nhưng nghiêm túc mà nói, dù gì bánh bao gói trước cả một buổi vẫn sẽ khiến hương vị kém ngon. Giang Đào muốn làm tốt tiệm bánh bao này, vì thế cô không muốn bất cứ việc gì ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của tiệm. Cho nên sau khi chuyển lên trấn, cô không định gói bánh bao trước quá sớm, trong lúc nấu hai nồi nước lớn rồi tranh thủ gói bánh bao vẫn kịp. 

Hai người bận cả một buổi trưa, Giang Đào tính nấu bữa tối đơn giản rồi buổi tối đi ngủ sớm một chút.

Giang Hạnh lại tới tìm nàng: "Chị cả, hai nhà chúng ta góp lửa thổi cơm chung đi, Bảo Bảo còn bé ăn chẳng đáng bao nhiêu, chị với anh rể là hai người, vừa lúc em với mẹ chồng cũng hai người, hai nhà góp tiền như nhau rồi ăn chung, chị thấy thế nào?"

Trong bếp chỉ có hai cái nồi, nấu riêng đúng là hơi phiền phức, huống chi buổi sáng cô bán bánh bao sẽ phải chiếm hết hai cái nồi, cũng không thể bảo Giang Hạnh và mẹ Lưu Tây mẹ không ăn cơm sáng được. Đầu tiên Giang Đào gật đầu, sau đó lại lắc đầu: 

"Ăn chung cũng được, nhưng nhà em ra hai phần tiền thì nhà chị ít nhất phải ra ba phần tiền, chị không tính Bảo Bảo, mà anh rể em một người có thể ăn bằng hai người luôn đấy."

Giang Hạnh cũng chưa nghĩ đến việc này, nghe Giang Đào nói vậy, cô ấy chỉ tay vào bụng mình nói: 

"Em đây cũng là hai người ăn đấy!"

Từ sau khi mang thai, khẩu phần ăn của Giang Hạnh thực sự đã tăng lên.

"Nhà chị chẳng phải còn có Bảo Bảo sao?" 

Hai chị em không ai muốn lợi dụng ai, Giang Đào kiên quyết nói:

"Nhà em tính hai phần, nhà chị tính ba phần. Em đồng ý thì cùng ăn, không đồng ý thì chia ra."

Với tình hình hiện tại, việc chia ra ăn riêng hoàn toàn không thực tế nên Giang Hạnh đành phải đồng ý.

Thế là bữa tối do mẹ Lưu Tây và Giang Đào cùng chuẩn bị. Đơn giản chỉ là cháo khoai lang, bánh bao nóng. Phần đậu hũ còn dư thì chiên lên, sau đó xào chung với dưa muối. Bữa tối như vậy là đủ.

Ăn xong, mẹ Lưu Tây liền thu dọn bát đũa để đi rửa.

Vì hai bên đã thống nhất ăn chung lâu dài nên khi giúp dọn dẹp, Giang Đào đề nghị:

"Nấu ăn thì chúng ta cùng làm, nhưng rửa bát nồi thì mỗi nhà chịu trách nhiệm một ngày, thím thấy vậy được không?"

Mẹ Lưu Tây vốn là người dễ tính, không để ý những chuyện như vậy nói:

"Được chứ, sao cũng được. Nhưng mấy đứa bận rộn cả ngày rồi còn thím thì chẳng có việc gì làm. Rửa vài cái bát nồi thôi, thực ra không cần chia ngày, thím làm luôn cũng được."

"Vậy thì không được đâu," Giang Đào cười, "Cháu được lợi lớn thế sao ngủ ngon được."

Giang Hạnh cũng góp lời:

"Đúng đấy mẹ, con là con dâu của mẹ, nhưng chị cả thì không phải đâu."

Mẹ Lưu Tây cười nói:

"Vậy thì tốt, thím không có con gái, nhận thêm một cô con gái nuôi cũng hay."

Câu nói này khiến cả Giang Hạnh và Giang Đào đều bật cười vui vẻ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top