2
Tình hình ở Thượng Hải ngày một gay gắt, tôi vẫn như cũ bị giam trong nhà, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Thỉnh thoảng chú Chu sẽ trộm cho tôi vài tờ báo từ thư phòng của cha để tôi bớt buồn chán, nhưng tình hình cũng không khá hơn là bao. Tôi ngày càng trở nên chán nản. Tàu chiến năm đó chung quy cũng chỉ là con hổ giấy không làm được gì. Không thể chống lại sự cướp đoạt, cũng giống như một quốc gia không tài nào phản kháng. Tôi luôn muốn làm gì đó nhưng mọi thứ lại chẳng đi đến đâu.
Giữa làn lửa đạn, các xí nghiệp và doanh nghiệp tư nhân trở nên ảm đạm. Cha tôi dưới sức ép của chính phủ và quân Nhật đã muốn thối lui, ông dự định sẽ nộp đơn từ chức.
Trước khi rời khỏi vị trí này ông muốn làm một chuyện cuối cùng, đưa tôi đi khỏi đây, đến Anh quốc. Đây là lần đầu tiên cha nói với tôi nhiều đến vậy, ông phân tích lợi và hại, Chung gia có tài sản ở Anh, còn có những mối quan hệ cũ, chị cũng sẽ nhờ một vài người đến chăm sóc tôi, tôi đến đó có thể sống thoải mái. Nhưng tôi từ chối quyết liệt, tình thế trong nước rối ren, Chung gia hiện tại lại bấp bênh, muốn tôi một mình xuất ngoại sống một cuộc sống tạm bợ, tôi làm không được.
Nhưng lần này cha không có ý định sẽ lắng nghe tôi. Tôi thậm chí đã tuyệt thực, cha cũng chỉ sai người trói tôi lại, cạy miệng bắt tôi ăn.
Tôi bỏ trốn. Đây là lần thứ hai tôi trốn đi. Tôi tìm đến người thầy cũ của mình, Thẩm Nhạn Nam.
Tuy rằng thầy đã đầu quân nhưng vẫn không thích hợp với việc đánh trận. Sau khi gia nhập lực lượng vũ trang, những năm qua nhiệm vụ của thầy chính là chiêu binh.
Chúng tôi vẫn tính là quen biết nhưng hôm nay tôi tìm đến đột ngột như vậy thầy vẫn giật mình. Tôi hỏi: "Thầy có thể đưa tôi ra tiền tuyến không?"
Thầy ấy vô cùng kinh ngạc sau đó thẳng thừng từ chối. Nhưng tôi rất nhẫn nại, ngày ngày đến làm phiền, rốt cuộc cũng khiến thầy ấy mềm lòng. Thầy nghiêm túc hỏi:
"Cậu suy nghĩ kỹ chưa? Lần này đi không phải chỉ nói tạm biệt là xong."
Tôi hỏi ngược lại: "Quê hương của tôi, sao tôi lại không dám?"
Thẩm Nhạn Nam cười to, vỗ tay tán dương, rốt cuộc cũng đồng ý thu xếp cho tôi gia nhập quân đội.
Trước khi rời Thượng Hải tôi lén trở về nhà một lần, để lại thư phòng của cha một phong thư nói cho ông biết sự tình. Tối đến, sau khi mở cổng hoa viên, tôi phát hiện chú Chu đã đứng sẵn ở bên ngoài như thể đang đợi tôi.
Chú ấy vẫn như xưa cúi đầu chào tôi: "Cậu chủ."
Tôi không đành lòng nói dối chú ấy, tôi thẳng thắn: "Chú Chu, cậu chủ muốn đi rồi. Chú bảo trọng, tôi sẽ tự chăm sóc bản thân."
"Cậu muốn đi đâu?"
"Tôi sẽ gia nhập quân ngũ, đến nơi tiền tuyến giữ gìn lãnh thổ."
"Cậu hà tất phải như vậy." Chú ấy buồn bã.
"Chú Chu, chúng ta cũng như cỏ dại vậy, hiển nhiên sẽ bất khuất, ngoan cường."
"Cậu chủ..." Ông bi thương gọi tôi.
"Chú Chu..." Vẻ mặt tôi tràn đầy sự cầu khẩn, tôi mong chú ấy có thể tác thành.
Chú Chu vẫn bí mật để tôi đi. Khi tôi đi vô cùng khẳng khái, không quay đầu nhìn lại một lần, cũng không phát hiện thật ra cha vẫn đứng trên lầu nhìn theo cho đến khi tôi rời khỏi tầm mắt.
Về sau tôi mới biết cha đã sớm nắm rõ hành tung của tôi. Cha biết tôi muốn đi đâu cũng không hề ngăn cản dù cho tôi là con trai duy nhất của Chung gia, tôi thậm chí còn chưa giúp cha nối dõi. Lần đầu tiên ông buông tay để tôi tự mình bước đi ở thế giới này, dùng cái giá đau đớn như vậy để đánh đổi.
Khi mới gia nhập, tôi không thể nào thích ứng được cuộc sống nơi đây. Những bộ quân phục thô ráp đến tróc cả da, tay chân nứt nẻ mỗi độ đông về khiến tôi đau rát đến mức không thể ôm chặt balo. Mỗi ngày sau khi hành quân bàn chân tôi đều máu me be bét. Lương thực thiếu thốn, tôi mang một bụng đói đến đêm, không thể ngủ đành phải có gì ăn đó. Đồ có thể ăn được thì khô khốc, khó ăn vô cùng, ăn đến mức việc đại tiện cũng trở nên khó khăn. Thỉnh thoảng còn bị các lão tiền bối gây khó dễ nhưng tôi không dám than khổ, tất cả đều phải cắn răng chịu đựng.
Tôi nghĩ những ai từng tham gia quân đội đều không thể quên được khoảnh khắc mình từng giết giặc. Lần đầu tiên tôi nổ súng là trong một trận chiến bảo vệ sơn thôn. Khi đó tôi vẫn là lính mới, trong quân vật tư thiếu thốn, lẽ ra sẽ không đến phiên tôi cầm súng nhưng pháo binh của địch quá mạnh, các binh lính dày dạn ở đây không còn lại mấy ai, ngay cả những người đảm bảo việc nuôi quân ở hậu phương cũng được đưa ra tiền tuyến, tôi không còn cách nào khác cũng chỉ biết run rẩy xông lên. Kẻ địch phía trước từng bước một áp sát, người dân ở hậu phương vẫn đang lần lượt di tản, chúng tôi không có cơ hội sợ hãi, chỉ có thể gắng gượng chiến đấu.
Tôi nhớ rất rõ viên đạn đầu tiên của mình ghim trúng vào vai địch, đối phương theo đó ngã xuống đất, tôi chưa kịp vui vẻ phải tiếp tục tập trung vào trận chiến cho đến khi chúng tôi thuận lợi yểm trợ mọi người di tản đến nơi khác. Trung đội trưởng lúc đó kéo tôi lại, hết lời khen ngợi tài năng thiện xạ cùng sự bình tĩnh của tôi. Sau đó tôi chính thức trở thành một người lính với khẩu súng trên vai.
Sau khi được cầm súng ra chiến trường, độ nổi tiếng của tôi ngày một tăng cao. Tôi quen biết thêm nhiều người, mọi người đối với tôi rất tốt, họ từ từ trở thành chiến hữu của tôi. Chúng tôi kết giao tình trên chiến trường, có thể sẵn sàng vì đối phương mà ngã xuống bất cứ lúc nào. Tất cả đều trở nên liều lĩnh, cả người chằng chịt những vết thương nhưng chiến trường cũng là nơi mài giũa ý chí chúng tôi ngày thêm kiên định.
Tôi trở thành một người trầm mặc kiệm lời, toàn thân toát ra dáng vẻ người khác khó mà tiếp cận, sắc bén như một mũi dao, không chút tương đồng với cậu chủ nhà họ Chung ở đường Trường Lạc. Mối liên hệ duy nhất còn sót lại có lẽ là chiếc tua tôi vẫn luôn giấu trong ngực.
Tôi tham gia quân đội, bôn ba hơn nửa vòng tổ quốc, vô số lần chiến đấu trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, mỗi lần như vậy đều phải dựa vào nỗi nhớ nhung cậu ấy mà gắng gượng sống sót trong ngàn mối tuyệt vọng.
Lần tôi cận kề với cái chết là ở trong trận chiến cuối cùng của cuộc đời - kháng chiến chống Nhật. Tôi không may bị bắn nhiều phát vào thắt lưng, bụng và đùi, máu thấm đẫm cả cơ thể và mặt đất. Tôi mơ hồ cảm nhận được sức lực của mình đang dần bị rút cạn. Tôi biết bản thân đã chạm đến cùng cực, không thể nào gắng gượng được nữa. Có lẽ hôm nay tôi thật sự sẽ chết tại đây.
Chiếc tua trên ngực bỗng nhiên nóng như lửa, mạnh mẽ thiêu đốt lồng ngực tôi, làm dấy lên trong tôi khát vọng sống sót. Tôi như thức tỉnh, chống tay trên mặt đất, từng chút một bò đến khu vực an toàn.
"Tôi không thể chết." Tôi tự nhủ.
Hai tay tôi bị cát đá cắt vào, máu thịt be bét, móng tay đều bị lật cả lên. Tôi như mất đi cảm giác đau đớn, máu chảy thành dòng và sự lạnh lẽo xuyên qua từng thớ thịt làm cơn buồn ngủ nhanh chóng ập đến. Nhưng tôi vẫn cố gắng trợn trừng mắt mà bò trên nền đất. Tôi không thể bỏ cuộc lúc này, nhất định không thể nhắm mắt tại nơi đây, tôi muốn đợi đến khi được cần vụ giải cứu.
"Tôi không thể chết!" Tôi lặp đi lặp lại với chính mình. Tôi vẫn chưa gặp lại Phác Chí Thành. Cậu ấy đã đồng ý, chúng tôi sẽ gặp lại nhau vào một ngày nào đó. Tôi muốn giữ cái mạng này đi gặp cậu ấy.
Niềm tin ấy đã nâng đỡ tôi đi qua hai giờ khói lửa. Mãi cho đến khi bệnh binh nâng tôi lên cáng, bản thân tôi không thể chống đỡ nổi nữa liền rơi vào hôn mê.
Tôi sống sót và nhận được chiến công hạng nhất nhưng chân của tôi đã không thể đi lại như xưa. Tôi chán nản xuất ngũ.
Đồng đội tiễn tôi ra ga tàu, tôi đứng trước cửa sổ vẫy tay với họ. Nhiều năm như vậy trên chiến trường tôi cũng kết giao được một vài người bạn tốt. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt của từng người, biết rõ đây có thể là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Tôi muốn khắc sâu họ vào trong tâm trí, cả đời này cũng không thể nào quên.
Tôi mang theo hành lý xuôi về phương Nam, trở về Thượng Hải. Xa nhà nhiều năm như vậy làm tôi suýt chút đã quên mất đường về nhà.
Sân trước vừa quen thuộc vừa xa lạ làm tôi có chút lo lắng. Khung cảnh phía sau cánh cửa làm tôi không khỏi kinh ngạc. Góc hoa viên luôn náo nhiệt trong trí nhớ của tôi bây giờ chỉ còn lại một mảnh tiêu điều hoang vắng. Ở đất Thượng Hải này trong trí nhớ của tôi, mỗi ngày đều sẽ tràn ngập người qua kẻ lại bưng bê lỉnh kỉnh, thùng này thùng kia đứng xếp hàng trước Chung gia chờ gặp cha tôi.
Hiện tại trước cổng đến một bóng người cũng không còn sót lại.
Tôi chậm rãi đi đến gian nhà chính, lúc này mới gặp được một người là chú Chu. Chú Chu so với lúc trước trở nên gầy hơn, tóc cũng bạc hết cả. Chú bưng chén canh vội vã bước đi hoàn toàn không chú ý đến tôi dù chỉ là một chút. Tôi nhẹ gọi: "Chú Chu."
Chú nghe tiếng thì quay đầu nhìn tôi, sợ hãi đến mức hai chân run lên đánh rơi cả chén canh. Tôi nhanh chóng đỡ chú ấy tránh những mảnh vỡ.
"Là cậu chủ sao?" Chú ấy không chắc chắn hỏi lại. Tôi bật cười, không ngờ tôi đã thay đổi nhiều như thế. Những năm tháng ấy tôi đã lớn trên lưng của chú nhưng đến chú cũng không nhận ra tôi.
"Chú Chu, là tôi." Tôi cười đáp.
Chú ấy nghe vậy lo lắng nắm tay tôi: "Đi theo tôi." Tôi có dự cảm không lành, vội vã đi theo.
Đi vào gian nhà chính tôi thấy chị đang ngồi ở đó. Chị ngồi xổm sắc thuốc cho cha, thấy tôi đi vào thì ngập ngừng gọi: "Lạc Lạc?" Tôi vội vàng đáp lại nhưng vẫn không nhịn được mà dời tầm mắt nhìn sang cha đang nằm trên giường. Ông không được ổn cho lắm, cả người không có tinh thần, gầy đi rất nhiều.
Chị không trách tôi, đứng dậy ra ngoài, khép cửa để lại không gian cho tôi và cha.
"Cha." Tôi quỳ gối trước giường, nắm chặt tay ông.
"Về rồi?" Cha vỗ vỗ tay tôi, như thể tôi vừa về sau một buổi chiều dạo chơi.
"Con về rồi."
"Trở về là tốt rồi, trở về là tốt rồi."
Cha nhìn tôi chăm chú: "Con trai ta lớn rồi."
"Ở trong quân đội rèn luyện nhiều năm, con đã trưởng thành rồi." Tôi cười đáp.
Chú Chu một lần nữa mang chén thuốc đi vào, tôi đứng dậy đón lấy. Cha thấy tôi khập khiễng liền trầm mặc một hồi, tôi cũng không nói chuyện, lặng lẽ đút thuốc cho ông.
"Con chịu khổ rồi." Sau khi uống xong ông đột nhiên nói.
"Bảo vệ quê hương không khổ sở chút nào, trái lại còn rất hạnh phúc."
"Ta thà rằng con là người kiêu căng, ngạo mạn, không thể chịu cực chịu khổ." Ông nhìn ra cửa sổ nhẹ giọng nói: "Ta chỉ mong con là một đứa ngốc, chỉ cần con không bệnh tật, sống một cuộc đời không chút bất trắc là quá đủ với ta."
"Là con bất hiếu, con làm cha lo lắng."
"Dù sao đây cũng là cuộc sống của con, con nên tự mình định đoạt."
Uống thuốc xong không bao lâu sau cha đã ngủ thiếp đi. Tôi rón rén ra khỏi phòng thì bắt gặp chị đang đứng đợi tôi ngoài hành lang.
Chị nói sau khi tôi rời đi, cha từ bỏ cái ghế hội trưởng khi sự nghiệp đang trên đỉnh, những năm vừa qua đều dồn hết tâm trí vào việc duy trì sản nghiệp Chung gia. Thấy tình hình trong nước hỗn loạn đã lâu vẫn chưa thể dẹp, các dòng dõi quyền thế bắt đầu nghĩ đến chuyện xuất ngoại, trong đó có Cố gia. Anh rể và chị tôi tình cảm mặn nồng, không đi cùng Cố gia mà chuyển đến sống ở Chung gia. Cha tôi đã già, nay cần có người chăm sóc.
Một thời gian trước, khi cha hay tin tôi bị thương nặng ở tiền tuyến thì đâm ra lo lắng quá độ nên ngã bệnh. Tôi nghe xong cảm thấy vô cùng có lỗi, vốn có ý định sang Triều Tiên tìm Phác Chí Thành, hiện tại tất cả đều phải gác lại. Tôi quyết định thời gian này sẽ ở nhà chăm sóc cha thật tốt.
Nhưng những tháng ngày này lại trở nên khó khăn.Tôi vốn đã quen với cuộc sống trong quân với những giấc ngủ tràn ngập mùi thuốc súng, sáng sớm tập luyện, nửa đêm hành quân, hiện tại đối với cảnh chăn ấm nệm êm, cơm ngon áo đẹp làm tôi không tài nào thích ứng được. Chưa kể đến cha liên tục giục tôi ra ngoài kết giao bạn bè, thậm chí muốn tìm cho tôi một mối hôn sự, tôi cũng chỉ có thể phản kháng một cách yếu ớt. Nhưng nhìn đến ánh mắt mong đợi của cha thì những lời từ chối chực chờ nơi đầu lưỡi đều phải nuốt ngược vào trong.
Trong lúc tôi đang phân vân có nên đăng tin tìm Phác Chí Thành trên nhật báo hay không thì bên ngoài truyền đến tin tức cuộc kháng chiến đã kết thúc trong thắng lợi, non sông gấm vóc nay đã quay trở lại.
Nhưng sau đó giới kinh doanh ở Thượng Hải biến đổi theo chiều hướng ngày một căng thẳng. Nhà nước tiến hành cải cách công - thương nghiệp, chia rẽ nội bộ giới thương nhân tư bản. Khi mọi người vẫn còn trong tình thế hoang mang thì cha tôi cùng với sự nhạy bén của mình đã đuổi hết tất cả người làm trong nhà, chú Chu vào một đêm nọ cũng mang theo hành lý lặng lẽ rời đi.
Gia đình tôi có một vài mối quan hệ, sóng gió không thể đánh tới, nhưng tôi vẫn lo lắng cho cha. Ông trước đây là Hội trưởng Thương hội, đương nhiên phải bắt ông làm gương. Nhưng tôi là một cựu chiến binh trong kháng chiến chống Nhật, vì thương tật nên giải ngũ, lẽ ra tôi nên được hưởng đãi ngộ tốt nhưng vì tình thế hiện tại mà mọi chuyện trở nên khó giải quyết.
Vẫn là cha tôi gắng gượng từ giường bệnh, trình ra một xấp giấy cho nhân viên điều tra, sóng gió lúc này cũng vì thế mà dịu lại.
Lúc này tôi mới biết được đó là những khoản tiền được ghi chép lại khi gửi đến quân đội của tôi, còn có lương thực, thuốc men cùng với bông băng. Đến lúc tận mắt thấy những thứ này tôi mới hiểu được, nuôi con đến 100 tuổi cũng cần hết 99 phần tâm tư đặt vào. Thì ra cha chưa bao giờ thôi lo lắng cho tôi, ông lo tôi ăn không ngon ngủ không yên mà âm thầm làm đến nước này.
Có những thứ này chứng minh, gia đình tôi được xếp vào hàng ngũ tư bản nhà nước, tài sản không bị tịch thu nhưng đóng băng trong ngân hàng, tiền lãi sẽ được trả đúng hạn.
Cha tôi hành động dứt khoát, thừa dịp cơn bão còn chưa quét đến, ông đem tất cả gia tài của mình nộp lên. Tài sản của Chung gia hiện tại đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước, nhà tôi từ đường Trường Lạc cũng chuyển đến một con ngõ nhỏ ở Thạch Khố Môn, bốn người cùng chen chúc trong một căn nhà có hai phòng nhỏ, tôi bắt đầu cuộc sống của một công dân tại đây. Lúc này tôi mới hoàn toàn thích nghi với cuộc sống sau khi xuất ngũ, gánh nặng đôi chân vẫn luôn như một tảng đá trong lòng, nay tôi đã có thể bỏ xuống.
(Thạch Khố Môn: những dãy nhà lô bằng gạch và gỗ cao không quá ba tầng xây liền kề nhau bên trong chiếc cổng đá tạo thành một con ngõ nhỏ tách biệt)
Sự quả quyết của cha cũng không thể bảo vệ được chị tôi và anh rể, vì nhà họ Cố đã di cư sang nước ngoài nên họ trở thành những phần tử nguy hiểm, cả hai đều bị hạn chế quyền tự do cá nhân, tiểu viện khi trước cũng bị tịch thu.
Chúng tôi cứ như thế sống qua ngày, tất cả đều chờ cho cơn bão qua đi. Tôi luôn nghĩ đây chỉ là một trải nghiệm ngắn ngủi, không biết được tai họa thật sự sẽ giáng xuống một cách lặng lẽ.
Chị tôi trước nay không rành thế sự, cuộc sống hiện tại khiến chị ngày càng trở nên buồn bã, tiều tụy. Anh rể vì muốn chị được vui không biết từ đâu mang về một hộp socola của Bỉ. Chị quả nhiên vui vẻ, hộp socola như gợi lại cuộc sống vô ưu vô lo trước kia. Chị rất hiếm khi ra khỏi nhà, nay lại ngồi đón nắng ở băng ghế đầu ngõ, hộp socola vẫn cầm trên tay. Hầu hết người dân quanh đây đều có hoàn cảnh nghèo khó, đã bao giờ được thấy món này. Bọn trẻ thấy chị ăn liền vây quanh, chị tươi cười chia hết hộp socola dù chỉ mới ăn được một thỏi.
Hôm đó chị vui vẻ cả một ngày, trước kia bát cơm gạo lứt của chị sẽ luôn chừa lại một nửa, bây giờ đã nhanh chóng ăn hết một chén đầy . Anh rể thấy chị vui như vậy cũng hứa mấy ngày nữa lại mang socola về.
Cả gia đình quây quần bên nhau. Đã lâu rồi tôi không thấy hạnh phúc như vậy.
Chuyện gì đã xảy ra sau đó? Một đám người cầm cuốc xông vào nhà, tôi chặn trước cửa cũng bị trói lại. Chúng lôi cha tôi từ trên giường xuống, chúng tôi bị tố cáo là tư bản, trong nhà có giấu socola ngoại.
Chúng không tìm được thứ mình muốn liền lao vào đập phá đồ đạc rồi đưa anh tôi đi. Chị tôi ngồi bệt xuống đất nức nở, tôi hiện tại không có tâm trạng dỗ dành chị ấy. Cha tôi bị lôi như vậy toàn thân đau nhức, trước mắt tôi chỉ có thể chăm sóc cho cha.
Hôm sau đi hỏi thăm tin tức tôi mới biết anh rể hiện tại bị giam trong ngục, chị tôi đấm ngực dậm chân, cả ngày đều rửa mặt bằng nước mắt. Tôi cũng biết rõ người đã tố cáo, đều là hàng xóm ngày ngày gặp mặt, đứa trẻ cầm socola không nỡ ăn liền mang về nhà rồi bị cha mẹ nó nhìn thấy. Hành động của họ đã khiến cả nhà tôi gặp tai vạ.
Chuyện không dừng lại ở đó. Ban đầu anh rể chỉ bị giam trong ngục, chúng tôi không được phép vào thăm nhưng biết được anh tôi ở trong đó vẫn sống tốt. Chỉ là về sau tình hình càng trở nên tồi tệ.
Anh tôi đường đường là con cháu Cố gia lại bị còng tay kéo đi khắp phố, cũng bắt đầu có người ném đất đá vào nhà chúng tôi. Thời điểm này mọi người không thể mua được trứng và rau tươi, những thứ ném vào đương nhiên sẽ là rau cùng với trứng thối.
Cuộc sống của chúng tôi chính thức sang một trang mới, sống những tháng ngày vô cùng khổ sở. Sức khỏe cha tôi ngày càng yếu, tôi biết cha gần như không chống đỡ được nữa nhưng tôi không thể làm được gì. Tôi chỉ có thể cố gắng để không gục ngã, như thế mới có thể bảo vệ cha không bị người ta đến bắt đi. Hơn một nửa bạn cũ của ông đều lâm vào tình cảnh như thế, không chịu được mà qua đời.
Không lâu sau đó có tin tức từ phía ngục giam truyền đến, anh tôi vì không thể chịu đựng được nữa đã dùng dây giày tự kết liễu đời mình.
Cha tôi hay tin lập tức ngất xỉu, mấy ngày sau cũng đi theo anh. Người thân đột ngột qua đời nhưng tôi cũng không có thời gian suy sụp. Tôi còn phải lo hậu sự, còn phải chăm sóc cho chị gái bắt đầu tìm cách làm hại bản thân.
Thời điểm tôi tứ cố vô thân chú Chu đã trở lại. Chú cùng tôi an táng cha và anh rể, giúp tôi giữ lại chút tôn nghiêm cuối cùng.
Trong nhà giờ đây chỉ còn hai người, cuộc sống cứ thế tiếp tục. Thần trí của chị lúc này đã không còn tỉnh táo, tôi phải trói chị ấy trong nhà mới có thể khống chế được.
Là đàn ông nên tôi không nhận ra được sự khác thường của chị, mãi đến khi bụng chị đã to lên thấy rõ, tôi mới muộn màng nhận ra chị mình đang mang thai.
Tôi lặng lẽ đi tìm chú Chu. Là chú một tay nuôi tôi khôn lớn, chú đương nhiên sẽ có kinh nghiệm.
Dưới sự hướng dẫn của chú, tôi bắt đầu học được cách chăm sóc phụ nữ có thai. Bệnh tình của chị ngày một nghiêm trọng, mỗi ngày đều rất vất vả, có lúc cũng sẽ tự làm hại đến bản thân. Tôi vừa chăm sóc chị vừa chăm sóc đứa bé trong bụng, đồng thời ngăn chị làm tổn thương chính mình. Mỗi ngày đều trôi qua trong mệt mỏi.
Tôi bây giờ phải lo cho ba miệng ăn, chỉ biết dành dụm từng phần mì và gạo để đổi một ít sữa yến mạch cho chị.
Thời gian này tôi rất hiếm khi nghĩ đến Phác Chí Thành. Những đêm muộn bên bờ vực sụp đổ tôi mới tình cờ nhớ đến cậu ấy, nhớ đến những tháng ngày tuổi trẻ không thể quay lại. Hiện tại lại như một giấc chiêm bao, muốn tìm cũng không một dấu vết.
Ngày chị sinh không có bà đỡ nào đồng ý đến nhà tôi, tôi lo đến mức tay chân lạnh ngắt, đành phải kéo một người phụ nữ qua đường vào đỡ đẻ cho chị. Em bé ra đời cũng là lúc chị tôi tỉnh táo trở lại, ánh mắt chị không còn trống rỗng vô hồn như trước, đây là ánh mắt đã lâu rồi tôi không được nhìn thấy. Chị kéo tay tôi gọi Lạc Lạc, dặn dò rằng hãy chăm sóc con trai giúp chị. Sau khi nhận được cái gật đầu đồng ý của tôi, chị như đã hoàn thành tâm nguyện, xuất huyết ngay sau đó.
Tôi biết ngày này rồi sẽ đến, tôi đã sẵn sàng cho điều này từ rất lâu.
Tôi không thể than khóc cho số phận bất công. Tôi vẫn phải sống, còn một đứa trẻ đang chờ tôi nuôi nấng.
Có lẽ thấy hoàn cảnh của tôi quá mức đáng thương nên người phụ nữ đó cũng không tố cáo. Nhưng chị sinh con động tĩnh quá lớn, không thể che giấu được. Tôi được điều đến trang trại ở Sùng Minh để cải tạo. Trước khi đi, người phụ nữ lặng lẽ nhét vào tay tôi một gói sữa bột, tôi không có gì để cho bà ấy, không thể làm gì khác đành ôm A Đàm dập đầu cảm tạ.
Đúng, tôi gọi đứa bé là A Đàm, là một bé trai. Chữ Đàm có nghĩa là tiếp nối, không chỉ là huyết mạch, nó còn mang theo tâm nguyện của tôi, tôi mong nó có thể sống lâu trăm tuổi.
Tháng ngày ở Sùng Minh cũng không tính là cực khổ, cuộc đời tôi đã đến bước này, tôi đã không còn cảm nhận được nỗi đau.
Ban ngày tôi cõng theo A Đàm đi làm việc, tối đến sẽ vệ sinh cho nó rồi hát ru nó ngủ. Gói sữa bột nhỏ chỉ đủ uống vài lần, ở đây không có nơi nào có thể đổi thức ăn lấy sữa bột. Tôi chỉ có thể xay gạo, sau đó dùng nó để nấu cháo cho đứa bé. Đứa trẻ sơ sinh nào có thể ăn được thứ này? Mỗi lần đút vào nó đều nhè ra, không thể ăn nên bụng sẽ đói, cứ thế khóc thật to. Rất nhiều đêm tôi ôm lấy nó, đung đưa hát ru cho nó nghe mới có thể đưa nó vào giấc ngủ. Đó là khúc ca từ Triều Tiên mà tôi từng nghe được từ Phác Chí Thành.
Dù tôi không có điều kiện tốt để nuôi A Đàm nhưng nó lớn lên rất đáng yêu, cũng rất ngoan ngoãn hiểu chuyện, tuy còn nhỏ nhưng đã biết phụ giúp người cậu này. Nó trắng trẻo như cục bột, nhìn nó sẽ không nhịn được mà có cảm giác muốn yêu thương.
Chú Chu nay cũng đã lớn tuổi nhưng vẫn kiên trì đến thăm tôi, không khi nào chú ấy đến mà không mang theo đồ ăn, khi là vài quả trứng, khi lại là mì sợi. Tôi đoán chú ấy không nỡ ăn, cố gắng bớt đi một chút thức ăn trong nhà mà mang đến. Tôi nợ chú Chu rất nhiều nhưng chú ấy hiển nhiên không mong cầu sự báo đáp từ tôi.
A Đàm lớn hơn một chút tôi bắt đầu dạy nó đọc sách, viết chữ. Khi đó không thi đại học, thậm chí không tìm được một quyển sách trong nhà nào nhưng tôi vẫn rất kiên trì, tôi dùng tay thấm nước rồi viết chữ lên bàn, viết từng chữ từng chữ. Đứa trẻ này rất thông minh nhưng nhiều lúc lại không kiên nhẫn, đây là lúc duy nhất tôi nghiêm khắc với nó. Dù chán nản nhưng nó vẫn phải tập viết chữ. Chú Chu vỗ tay cười khoái chí, chú ấy nói nó rất giống tôi khi còn bé.
Cuộc sống của tôi chầm chậm trôi qua, tôi đang đợi đến ngày A Đàm lớn lên, tôi luôn hy vọng vào tương lai nhưng con đường ở phía trước lại quá mờ mịt. Tôi dạy nó hãy giữ vững niềm tin từ trong tim, giông bão có lớn đến đâu cũng đừng như bèo dạt theo mưa, đừng dễ dàng bị người khác thao túng mà quên mất bản thân.
Ngày đó rồi cũng đến. Hôm đó chúng tôi nghe được ngoài thôn vang lên tiếng còi báo hiệu, những người chịu cải tạo tập trung ở đây rồi cũng được giải oan, được phép trở về nhà.
Nhà nước đem căn nhà của chị gái trả lại cho tôi, biệt viện của Chung gia trên đường Trường Lạc đã được cha tôi tự nguyện giao nộp lại từ sớm, nó đã không còn là tài sản của gia đình tôi.
Tôi đưa A Đàm về nhà. Trong nhà trống rỗng, đồ vật có giá trị đã bị chúng lấy sạch từ lâu, gương gắn trên tường cũng bị lấy mất. May sao chú Chu đúng lúc mang đến cho chúng tôi một chiếc giường, tôi và A Đàm cũng coi như có cái để nằm.
A Đàm vô cùng hiếu kỳ, nơi này trở nên rất lạ lẫm đối với nó. Không trách được nó, tôi chưa bao giờ nói với nó về Chung gia. Trước khi tất cả được làm rõ, tôi nói nhiều hơn một câu cũng là làm hại đến nó.
Tuy gió đã đổi chiều, những người hàng xóm cũng nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thiện cảm hơn nhưng tôi lòng luôn cảm thấy bất an. Tôi rất hay tỉnh giấc vào lúc nửa đêm, tôi sợ một lần nữa lại rơi xuống đáy.
Mãi đến khi biết tin nhà nước sẽ khôi phục lại kỳ thi đại học, trái tim tôi lúc đó mới được buông lỏng, gạt mây mù đón ánh trăng.
Chú Chu đến nhà tôi vào một buổi tối, trên tay ôm một cái rương, có lẽ chú mới vừa đào lên vì nó dính đầy bùn đất. Chú chuyển cái rương nặng trịch qua cho tôi: "Ông chủ có thể an tâm rồi, may mắn thay tôi đã hoàn thành nhiệm vụ."
Tôi đỡ lấy cái rương, trịnh trọng cúi đầu: "Chú Chu, chú vất vả rồi."
Cái rương này chính là thứ chú Chu đang mang theo vào đêm đó. Cha tôi sớm đoán được mọi chuyện, ông sợ tôi không cách nào xoay xở, đây là niềm hy vọng cuối cùng của nhà họ Chung, cũng là một cơ hội giúp tôi trở mình. Tôi tuyệt đối không để A Đàm ngụp lặn trong vũng bùn này cả đời, nó nên có cuộc một cuộc sống rực rỡ như ánh mặt trời ngoài kia.
Sau khi kỳ thi đại học được khôi phục tôi bắt đầu đưa A Đàm đến trường. Nó vốn thông minh, tôi cũng không bao giờ chểnh mảng trong việc dạy dỗ nó.
Quả nhiên nó được nhận vào trường đại học tốt nhất Thượng Hải. Chú Chu sau khi nhận được tin cũng đã yên tâm nhắm mắt mà không còn gì hối tiếc. Tôi cùng A Đàm mặc đồ tang, trở thành con cháu của chú tiễn chú nốt đoạn đường này. Chú Chu cả đời thiện lương, hy vọng kiếp sau của chú sẽ được hưởng phúc, mọi việc suôn sẻ.
Ngày A Đàm tốt nghiệp tôi cùng nó uống đến say mèm, mặc dù đã gục nhưng tôi vẫn cảm thấy rất tỉnh táo. Trong men say, tôi hướng về phía trời cao nâng ly:
"Kính, thời đại hòa bình!"
Nỗi uất ức đè nén gần nửa đời người đã khiến tôi bật khóc. Tôi khóc rất to, khóc cho cha tôi, cho chị tôi, cho anh rể, cho chú Chu, cho A Đàm.
Cũng là khóc cho tôi và Phác Chí Thành.
Từ trong ngực, tôi lấy ra một chiếc tua. Loài hoa được khắc trên miếng ngọc từ lâu đã không còn thấy rõ, nhưng bàn tay to lớn ôm lấy tay tôi ngày ấy vẫn làm tôi không cách nào quên được. Tôi vẫn chưa biết tên khúc hát đó.
Có lẽ kiếp này chúng ta không thể gặp lại. Phác Chí Thành, tôi luôn hy vọng mình có thể giữ lời nhưng tôi đã không làm được. Thật sự xin lỗi, tôi nên nói với cậu lời xin lỗi sớm hơn.
------------
Cố Đàm dưới sự chỉ dẫn của cậu mình, sau khi nhà nước tiến hành cải cách đã đón được một làn gió mới, anh ấy đã kiếm được số tiền đầu tiên bằng chính đôi tay của mình. Cố Đàm thật sự là một người có mệnh Thiên tử không sao vùi dập. Dường như tất cả bất hạnh của cuộc đời đều được nếm trải ngay từ thời thơ ấu nên hành trình sau này của anh đều nằm trên con đường bằng phẳng, không chút chông gai, thuận buồm xuôi gió.
Anh sau này yên bề gia thất, sự nghiệp thăng hoa, cuộc sống viên mãn, thật sự khiến bao người ghen tị.
Nhưng tính tình người cậu càng ngày càng trở nên kỳ lạ. Ông ấy không thích nói chuyện với mọi người, hầu hết thời gian đều tự giam mình trong phòng ngồi đờ đẫn, không quan tâm gì đến thế giới này. Mọi thứ đối với ông dường như đã dừng lại ở những năm 1970, thời đại sau này như không còn can hệ gì đến ông. Ông ấy không muốn bắt kịp thời đại, cũng không hề hứng thú với nó. Giống như mọi tâm nguyện của ông đã hoàn thành, lòng ông bây giờ thật sự đã chết.
Sau đó, Cố Đàm vẫn lắp một chiếc TV trong phòng cậu mình để ông có thể tiếp xúc với những thứ mới mẻ, mong tình trạng sẽ diễn biến tốt hơn. Trung Quốc khi đó vẫn chưa được coi là một đất nước giàu mạnh, cũng chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, chỉ có thể tìm hiểu một số thông tin qua báo đài. Từ đó chiếc TV như chiếm toàn bộ sự chú ý của ông, mỗi ngày đều ôm khư khư lấy nó, đến việc ăn cơm cũng phải để Cố Đàm dỗ dành. Ông dần dần trở thành một lão ngoan đồng.
(Lão ngoan đồng: ông lão có tính tình như trẻ con)
Nhưng xem TV quá nhiều khiến tinh thần ông lại trở nên không ổn định. Mỗi đêm vào đắp chăn cho cậu mình, anh nhận ra ông ấy luôn khóc trong giấc ngủ. Từ đó anh không cho cậu mình tiếp xúc với nó quá nhiều, giờ xem TV sẽ được quy định sẵn. Cố Đàm rất kiên nhẫn dỗ dành nhưng ông vẫn luôn gắt gỏng không đồng ý.
Mỗi ngày đều trôi qua như vậy, ông dần dần không còn hứng thú với nó nữa. Tuổi tác ngày một lớn làm sức khỏe của ông cũng ngày một kém đi, khi Cố Đàm cảm giác được có điều không ổn thì cậu anh đã không còn nhận ra người thân. Anh đưa ông đến gặp bác sĩ, bác sĩ lắc đầu nói đây là dấu hiệu tuổi già.
Thời gian ông tỉnh táo ngày một ít đi, có lúc sẽ nhận nhầm con trai của Cố Đàm thành anh, ôm nó vào lòng gọi A Đàm, ta sẽ cho A Đàm kẹo. Ông hay ngồi bên cửa sổ, cầm trên tay một chiếc tua đã cũ, đến màu sắc cũng bạc cả, không còn nhìn rõ được bông hoa được khắc bên trên, ngân nga mấy câu hát không ai hiểu được.
Một ngày nọ, ông nghe được tin tức trên TV nói Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao cùng một nước nào đó, ông vui vẻ gọi Cố Đàm.
"A Đàm, ta không còn nhiều thời gian nữa. Đến lúc này rồi ta muốn nhờ con một chuyện."
Nghe ông nói Cố Đàm không nhịn được đỏ hoe hai mắt: "Cậu ơi đừng nói vậy. Cậu cho con biết cậu muốn làm gì, dù có phải liều mạng con cũng sẽ làm cho cậu."
Ông nhìn chiếc tua trong tay, nhẹ giọng nói: "Ta có một người bạn, chúng ta đã hẹn với nhau sau này gặp lại. Nay ta sắp đi rồi, ta muốn gặp mặt cậu ấy lần cuối."
Cố Đàm vận dụng hết các mối quan hệ của mình, đưa một ông lão lên máy bay đến Hàn Quốc.
Họ không thông thạo ngôn ngữ nơi đây, lại còn tìm một người cách đây hàng chục năm về trước, Cố Đàm đã chi trả một số tiền lớn nhưng vẫn không tìm thấy chút manh mối. Anh mỗi ngày đi sớm về trễ, ở lại khách sạn hơn một tháng mới biết được một chút tin tức.
Trưa hôm đó trở về, anh nhìn về phía cậu với dáng vẻ muốn nói lại thôi. Ông gọi anh đến: "Cậu ấy chết rồi sao? Không sao, từng tuổi này rồi, sinh lão bệnh tử. Con nói đi, ta có thể chịu được."
Cố Đàm chỉ nói: "Cậu, con đưa cậu đến một nơi."
Cố Đàm đưa ông đến một ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc, ông tập tễnh đi vào ngôi nhà trống trải lạnh lẽo. Ở bên trong có một chiếc bàn thấp, trên bàn đặt một di ảnh, là một bức ảnh trắng đen. Người thanh niên ấy đang ngượng ngùng cười, gò má giương cao, ánh mắt tràn đầy niềm hy vọng.
Chung Thần Lạc dường như được gặp lại Phác Chí Thành, trước đây cậu ấy cũng đã mỉm cười với ông như thế này, rất dịu dàng, như thể trong ánh mắt chỉ có duy nhất một người.
Ông run run duỗi tay vuốt ve mặt kính, nước mắt rơi tí tách không ngừng.
"Thì ra cậu qua đời sớm như vậy, cậu thật tệ. Không biết đã bao nhiêu lần tôi muốn chết đi, nghĩ đến cậu đành phải từ bỏ ý định. Tôi không đếm hết được mình đã trải qua bao nhiêu cay đắng chỉ để đợi đến ngày gặp được cậu."
Phác Chí Thành đã mất cách đây rất lâu, ngay trước ngày đất nước độc lập, cậu ấy đã anh dũng hy sinh.
Chung Thần Lạc khóc đến mức ngất đi trước di ảnh của Phác Chí Thành. Cố Đàm vội vã đưa ông đến bệnh viện, sau khi tỉnh dậy ông kiên quyết muốn về nhà.
Ông thở dài lên máy bay trở về Trung Quốc, ông không thể làm phiền Cố Đàm thêm nữa. Không bao lâu sau ông cũng qua đời. Trước lúc lâm chung, ông gọi Cố Đàm đến, nắm lấy tay anh: "Đời này ta đã làm hết sức mình và nghe theo số phận. Nhìn con sống tốt như vậy gánh nặng trong lòng ta đã được trút bỏ, ta vẫn còn mặt mũi đi gặp mặt mẹ con. A Đàm, cảm ơn con giúp ta hoàn thành tâm nguyện, ta bây giờ không còn gì để tiếc nuối. A Đàm, con đừng buồn, ta rất mãn nguyện, ta biết cậu ấy đang đợi ta, ta phải đi rồi."
Cố Đàm vỡ òa khóc lớn, hệt như đứa trẻ năm đó ở đảo Sùng Minh vì đói mà không ngủ được. Thần Lạc khép hờ đôi mắt, nhẹ giọng hát khúc ca mà Phác Chí Thành đã hát để dỗ anh.
Phác Chí Thành, cậu đợi tôi lâu lắm phải không? Tôi đến rồi.
Thần Lạc như được gặp lại thiếu niên tên Phác Chí Thành. Cậu ấy mặc một bộ hanbok với chiếc tua xinh xắn trước ngực, mỉm cười đưa tay về phía cậu.
Tôi đến đón cậu.
Rốt cuộc cậu cũng đến rồi.
Thần Lạc mỉm cười nắm lấy tay cậu ấy, cơ thể liền rơi vào một vòng tay ấm áp cùng hương hoa thơm ngát. Là hoa đỗ quyên sao? Cậu hạnh phúc nhắm mắt lại.
------------
Là một ngôi sao nhí vững vàng trong cơn bão, Chung Thần Lạc vui vẻ đồng ý tham gia buổi hòa nhạc thiếu nhi quốc tế theo lời mời của CCTV. Trong giờ giải lao trước khi lên sân khấu, cậu được sắp xếp ngồi cùng một bàn với một cậu bé người Hàn Quốc.
Hai đứa trẻ mắt to mắt nhỏ nhìn nhau, có hơi tò mò với đối phương.
"Nǐ hǎo~" Chung Thần Lạc chào cậu trước, trang phục trên người cậu bé này thật vi diệu nha.
Cậu bé mặc đồ màu đỏ ở đối diện có chút hoang mang nhưng vẫn lễ phép đáp lại.
"Annyeonghaseyo."
Chung Thần Lạc ngây ra đó, đối phương không nói tiếng Trung. Cậu nghĩ cậu bé đó nhìn mình như vậy chắc là đang chào hỏi liền thử trả lời "Annyeonghaseyo."
Tuy phát âm không chuẩn nhưng đối phương vẫn có thể hiểu. Cậu bé đó gật đầu động viên, lặp lại: "An-nyeong-ha-se-yo."
Đây là đang sửa lỗi phát âm cho cậu phải không? Chung Thần Lạc nghe lời đọc theo cậu ấy, đối phương hào hứng gật đầu.
Thật sự thú vị, hai đứa trẻ nhanh chóng trở nên thân thiết, dùng ngón tay chơi cùng nhau trên mặt bàn.
Đến lúc lên sân khấu cả hai lại vô tình được ngồi cùng nhau. Thời gian chờ đợi quá lâu, Chung Thần Lạc vốn hiếu động liền liên tục sờ vào đầu cậu bé kia. Cậu bé tính tình dễ chịu, không để bụng Chung Thần Lạc cứ ngồi nhích tới nhích lui. Thời gian qua đi nhanh chóng, cuối cùng cả hai cũng hoàn thành phần trình diễn của mình. Trước khi chia tay vẫn cảm thấy lưu luyến nên cả hai đã cùng nhau chụp một bức ảnh.
Đêm đến, Chung Thần Lạc vẫn mải mê suy nghĩ về cậu bé với bộ hanbok. Thật sự thú vị nha.
-------------
Là thực tập sinh của SM, Park Jisung dựa vào khả năng vũ đạo xuất sắc của bản thân cuối cùng cũng được chọn vào đội hình ra mắt. Nhưng trước khi ra mắt được ba tháng, đột nhiên có một cậu bé đến từ Trung Quốc đã được thêm vào đội hình với tư cách là giọng hát chính. Cậu hết sức tò mò, cho đến khi nghe được giọng hát của Zhong Chenle trong một buổi đánh giá hàng tuần mới hiểu được, thì ra trên đời thật sự tồn tại một thanh âm như thế.
Nhưng sau khi tiếp xúc cậu mới biết Zhong Chenle là người vô cùng hoạt bát, hiếu động. Tiếng Hàn không tốt nên cung phản xạ cậu ấy rất dài, đợi đến khi chị phiên dịch giải thích thì cậu ấy mới có phản ứng. Người khác nói chuyện với cậu ấy cậu ấy đều phải dừng lại một lúc lâu, thời gian lúc ấy như ngưng đọng, vậy nên thường xảy ra những tình huống rất buồn cười.
Là đồng đội với nhau, sắp cùng nhau ra mắt, Jisung nghĩ mình nên có trách nhiệm đốc thúc, giúp đỡ đồng đội ngày một tiến bộ, tuyệt đối không phải vì Zhong Chenle quá đáng yêu.
Park Jisung sau khi tìm được một cái cớ liền nói chuyện với Zhong Chenle thường xuyên hơn, cũng như giúp cậu ấy luyện thêm tiếng Hàn. Zhong Chenle rất biết ơn Jisung đã giúp mình theo cách này, phát âm chuẩn nhất là ba chữ Park Jisung.
Cuối cùng NCT Dream cũng ra mắt. Một ngày nọ, Park Jisung như thường lệ lên mạng tìm kiếm tin tức về cậu ấy và Zhong Chenle, cậu rất bất ngờ khi đọc được một dòng tweet, cậu và Zhong Chenle đã từng gặp nhau vào năm 2013?
??? Cái gì đây?
Cậu lập tức nhấp vào đó, hình ảnh xấu hổ lúc trước hiện ra. Jisung cuối cùng cũng nhớ, quả thật khi đó có người đến ngồi cùng bàn với mình, hóa ra là Zhong Chenle?
Cậu rất nhanh đã tìm được Zhong Chenle đang uống sữa trong phòng nghỉ, đưa điện thoại cho cậu ấy xem. Zhong Chenle nhìn xong cũng ngơ ngẩn, hình như có một cậu bé như thế thật. Hóa ra là Park Jisung sao?
Cậu ngơ ngác nhìn Park Jisung: "Chúng ta là định mệnh phải không?"
Hết.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top