Chương 2
Đèn đỏ
---
Nói dối bác sĩ là một việc không hay ho, nhất là bác sĩ tâm thần.
Đới Lam hối hận ngay sau khi trả lời, cảm thấy trước mặt bác sĩ, lời nói dối này của mình thậm chí còn mỏng manh hơn tấm mành.
Mà vẻ mặt Tống Ý vừa rồi không hề thay đổi, Đới Lam không biết liệu bác sĩ Tống có phát hiện ra lời nói dối của mình hay không.
Tống Ý không hỏi thêm gì nữa, anh gõ phím Enter hai lần, máy in bên cạnh kêu tít tít bắt đầu hoạt động.
Anh cầm các giấy tờ vừa in xong đưa tới trước mặt Đới Lam, giải thích từng tờ một: "Khám lần đầu sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút. Đầu tiên phải đo nồng độ hormone, kiểm tra xem tâm lý có phải bị ảnh hưởng bởi hormone không. Tiếp theo dùng phương pháp NIRs* để kiểm tra các bước sóng não. Cuối cùng làm một số bài test gần giống với test SCL anh tự làm trước đây, sẽ có cả test chủ quan và khách quan, như vậy mới có thể thu được kết quả chính xác."
*phương pháp NIRs (Near Infrared Reflectance Spectroscopy – quang phổ hấp thụ cận hồng ngoại): đại khái là chiếu đèn, mình cũng không biết nên giải thích thế nào, mọi người muốn tìm hiểu thêm thì tra gg hoặc ai có hiểu biết về các kĩ thuật y tế thì comment cho mọi người cùng tham khảo nha.
Tốc độ nói chuyện của Tống Ý không tính là chậm, một câu giải thích dài với rất nhiều từ ngữ chuyên khoa phức tạp cứ thế tuôn ra. Nhưng Đới Lam nghe hiểu, hắn tỏ ra quen thuộc với các quy trình khám bệnh của khoa tâm thần một cách bất ngờ.
Nhưng nghe hiểu không có nghĩa là nghe theo, trong đầu Đới Lam chỉ có một suy nghĩ duy nhất: mặc kệ các loại xét nghiệm chó má này đi, ngắm zai đẹp vậy là đủ rồi, gia chuồn đây.
Không ngờ Tống Ý lại nói tiếp: "Nếu không có việc gì gấp thì anh đi xét nghiệm luôn hôm nay đi, ngày mai sẽ là bác sĩ khác trực, không phải tôi. Nếu anh trì hoãn thì phải đợi thêm một tuần nữa. Các xét nghiệm này làm nhanh thôi, có thể nhận kết quả trong ngày, làm xong thì ra quầy thủ tục tự động, quét chứng minh thư để xếp hàng vào đây khám lại. Nhớ đi lấy máu đầu tiên vì kết quả xét nghiệm máu phải mất một tiếng, trong lúc đó thì đi làm các xét nghiệm khác."
"..."
Đới Lam không nói gì, lần đầu tiên hắn gặp một bác sĩ giảng giải quy trình cẩn thận như vậy cho bệnh nhân.
Thế này sao có thể trốn về mà không áy náy đây.
Trước khi rời đi, ma xui quỷ khiến thế nào mà Đới Lam lại quay đầu nhìn một cái, hắn thấy bác sĩ Tống đang thoải mái ngồi tựa lưng trên ghế, hơi nghiêng đầu nhìn theo hắn như đang tiễn khách.
Ánh mắt Tống Ý như một sợi dây dài, vô tư câu mất ý đồ chuồn êm của Đới Lam.
Đới Lam rùng mình một cái, da gà nổi đầy sống lưng, hắn biết mình đã bị bắt bài.
Mười phút trước, người bệnh số 5 cũng ngồi đối diện với bác sĩ Tống, rất nhanh sau đó anh ta đã bị đánh xẹp khí thế, ngoan ngoãn trở về làm một bệnh nhân nghe lời.
Trong lòng Đới Lam lúc này cũng có cảm giác như vậy, hắn gật đầu với bác sĩ Tống, nói một câu "Bác sĩ vất vả rồi", sau đó nhanh chóng rời phòng khám.
Ra khỏi cửa, Đới Lam đọc lại một lần nữa giới thiệu vắn tắt về Tống Ý:
[Tống Ý, bác sĩ chủ trị Khoa Tâm thần:
- Chuyên gia trị liệu tâm lý, Trưởng ban Điều trị Trung tâm Y học Giấc ngủ...
- Chuyên môn khám và điều trị các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và các vấn đề về giấc ngủ vân vân...
- Có mười năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Tâm thần...
- Từng tham gia các hoạt động vì cộng đồng như phổ cập kiến thức khoa học trên truyền hình và radio...
- Từng tham gia 3 hạng mục nghiên cứu Khoa học Tự nhiên cấp quốc gia
- Có 6 bài báo được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục SCI*...
=>Lịch khám bệnh:
- Chiều thứ tư hàng tuần (Phòng số 1): Chứng rối loạn lo âu và Trầm cảm
- Sáng thứ bảy hàng tuần (Phòng số 2): Y khoa Tâm thể]
*Danh mục SCI (Science Citation Index) gồm khoảng 4000 tạp chí khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, có chất lượng cao nhất trên thế giới.
Những thông tin khác bỏ qua, nhưng từng tham gia nghiên cứu ba hạng mục Khoa học Tự Nhiên cấp quốc gia, được đăng bài trên tạp chí SCI.
Trong số các giáo sư trẻ tuổi, thành quả học thuật của Đới Lam có thể coi là xuất chúng, nhưng hắn vẫn không nhịn được mà tán thưởng năng lực của Tống Ý.
Thoạt nhìn chỉ tầm ba mươi tuổi.
Nhớ lại năm ba mươi tuổi mới được vài tạp chí cấp A* đăng bài, Đới Lam đã muốn vác mặt lên giời. Tuy khác ngành học nên so sánh sẽ khập khiễng, nhưng sự thật luôn là vậy, sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu.
*Các tạp chí được phân loại cấp A thường được cộng đồng giáo dục trong nước công nhận, nó có thể là một công trình nghiên cứu khoa học, luận án tiến sĩ,... có giá trị đánh giá chức danh chuyên môn cao cấp của một ngành nghề cụ thể nào đó.
Đới Lam cảm thán vị bác sĩ họ Tống mà hắn vừa gặp quả là một nhân tài trẻ tuổi đầy triển vọng, sau đó hắn rút di động, lần lượt quét mã thanh toán các biên lai xét nghiệm mà Tống Ý vừa in ra.
Trong khi quét mã hắn mới phát hiện, trên mỗi loại giấy yêu cầu xét nghiệm đều có một dòng "Tiền sử bệnh", trên đó ghi:
[Gần đây tâm trạng bệnh nhân không tốt, rất dễ cảm thấy phiền chán khi nghe người khác nói chuyện, có suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy cuộc sống vô nghĩa, khả năng ăn uống giảm, chất lượng giấc ngủ kém, khó ngủ, không loại trừ khả năng có xu hướng tự làm hại mình.]
"..."
Đệt.
"Đệt! Bác sĩ! Cậu nói đùa sao?"
Cho dù là trong phòng bệnh hay ngoài phòng bệnh, người khó kìm nén cảm xúc nhất chính là người nhà bệnh nhân chứ không phải chính bệnh nhân đó.
Tống Ý đã sớm quen với chuyện này, anh lạnh lùng nhìn vị người nhà bệnh nhân vừa rống lên, trầm mặc đưa phiếu điều trị đã đóng dấu đỏ ra trước mặt người bệnh số 7 tên Lý Cường, sau đó vỗ nhẹ lên tờ giấy--- đây là một cử chỉ an ủi kín đáo, có tác dụng trấn an người bệnh, làm cho cậu bé không bị ảnh hưởng bởi sự kích động từ bố mình.
Tính cả thời gian đào tạo và thực tập, Tống Ý đã có bảy, tám năm làm việc tại Chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần thành phố Nguyệt Cảng. Anh không thích tiếp xúc nhất là người nhà bệnh nhân, cũng không dưới một lần đề nghị người nhà và người bệnh cùng phối hợp điều trị bệnh tâm lý.
Ví dụ như người bệnh số 7 Lý Cường này, cậu bé vừa tròn 17 tuổi, đã trị liệu bằng thuốc tròn một năm nhưng không có tiến triển. Tống Ý từng thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân Lý Cường mắc bệnh trầm cảm đến từ gia đình cậu, cũng từng đề nghị cha mẹ cậu đi gặp chuyên gia tâm lý.
Nhưng sự ngạo mạn của một số bậc làm cha làm mẹ là thứ không dễ lay chuyển, đến lời bác sĩ nói cũng vô dụng.
Tống Ý nghiêm mặt nhìn người nhà bệnh nhân đang ngồi đối diện mình, dùng ngữ khí lạnh nhạt nói: "Tôi chưa bao giờ đùa giỡn với bệnh nhân."
Bố người bệnh biết mình vừa lỡ lời nên vội cúi đầu hạ giọng, gần như năn nỉ mà nói: "Bác sĩ Tống, mong cậu nghĩ cách khác giúp chúng tôi, Cường Cường còn trẻ, sao có thể xin nghỉ học để nhập viện chứ?"
"Bệnh tình của em ấy như thế nào, bác là người hiểu rõ nhất, hiện tại nhập viện là cách điều trị hiệu quả nhất. Bác cũng biết đấy, bệnh viện số 3 là bệnh viện duy nhất trong toàn thành phố Nguyệt Cảng chuyên môn khám và chữa các loại bệnh tâm lý, Chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần có đầy đủ trang thiết bi y tế phục vụ người bệnh, điều kiện ở đây thích hợp trị liệu hơn ở nhà và ở trường học."
Tống Ý không nói thêm gì nữa, nhưng bố của Lý Cường vẫn khăng khăng cố chấp: "Nhưng bây giờ xin nghỉ học sẽ khiến thành tích học tập của cháu tụt giảm, nếu sang năm mới quay về trường lớp, làm sao đuổi kịp bạn bè đã học vượt trước một năm? Hơn nữa cháu nó đang học cấp ba..."
Mỗi câu nói của bố Lý Cường đều khiến Tống Ý cảm thấy phiền chán.
Một năm quá những lời này đã bị bố mẹ Lý Cường lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Anh khó mà tưởng tượng ra những lời này đã ảnh hưởng thế nào đến tâm lý cậu bé bệnh nhân.
Tống Ý đứng dậy đặt tay lên vai Lý Cường, cúi đầu nói với cậu nhóc: "Em ra ngoài ngồi chờ một lát nhé, anh nói chuyện riêng với bố em được không?"
Lý Cường gật đầu không nói gì.
Tống Ý vẫn không buông tay trên vai cậu nhóc: "Chỉ đứng ngoài cửa chờ thôi, đừng đi xa quá. Có được không nào?"
"Vâng."
Cậu nhóc trả lời bằng giọng khàn đục.
Bên trong lời nói ấy chất chứa tâm tư phức tạp đến nhường nào, lúc này Tống Ý không có nhiều thời gian để suy xét.
Sau khi Lý Cường rời khỏi phòng khám, gương mặt hiền dịu của bác sĩ Tống lập tức trở nên rét lạnh.
Anh sợ Lý Cường đứng ngoài sẽ nghe thấy nên hạ thấp giọng hết mức: "Đầu tiên, Lý Cường là một người bệnh, là một người mắc bệnh trầm cảm nặng có khuynh hướng tự sát, sau đó em ấy mới là một học sinh lớp 11. Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, tâm lý của cha mẹ là gương soi của con cái, bác kích động như vậy, em ấy nhìn vào gương sẽ tự thấy bản thân mình là một kẻ thất bại, sau đó càng sinh ra sự tự ti và chán ghét bản thân mình. Chỉ cần bác thể hiện sự bình tĩnh, em ấy mới cảm thấy căn bệnh này không hề nghiêm trọng, như vậy mới có thể chuyển biến tốt."
Ngắn gọn đủ ý, càng nói dài dòng càng vô dụng.
Tống Ý không muốn nghe bố Lý Cường kể lể ba hoa như thím Tường Lâm*, anh nhanh chóng dặn dò các thủ tục nhập viện, đảm bảo rằng nếu gia đình đồng ý, anh sẽ cố gắng sắp xếp cậu nằm cùng phòng với các bệnh nhân đồng trang lứa.
*thím Tường Lâm là một nhân vật trong tiểu thuyết "Lễ cầu phúc" của nhà văn Lỗ Tấn, có người so sánh số phận thím bi đát giống như chị Dậu của văn học Việt Nam.
Khả năng của bác sĩ chỉ đến đây, quyền lựa chọn vẫn nằm trong tay bệnh nhân và người nhà của họ.
Tống Ý không biết rốt cuộc Lý Cường có nhập viện hay không, giống như anh không biết Đới Lam có đi xét nghiệm theo đúng quy trình mà anh yêu cầu hay không.
Bố Lý Cường rời đi rồi, Tống Ý có chút mệt mỏi tựa vào lưng ghế nghỉ ngơi chốc lát.
Hai người bệnh mà Tống Ý vừa gặp, một người 34 tuổi, một người 17 tuổi, chênh lệch gấp đôi, nhưng Tống Ý lại không nhịn được mà liên kết bọn họ cùng một chỗ.
Nghĩ một lát, anh vươn tay ấn nút gọi bệnh nhân tiếp theo.
Mỗi lần ngồi trong phòng chẩn bệnh đều phải gặp rất nhiều bệnh nhân, các khoa nội chính là như vậy, công việc hàng ngày trừ trực ban chính là khám bệnh. Trong một buổi chiều hôm nay, Tống Ý đã tiếp xúc tổng cộng ba mươi bệnh nhân.
Nhưng mãi đến giờ tan tầm anh cũng không thấy Đới Lam quay lại.
Đây là chuyện trong dự kiến, Tống Ý không chút dao động, trên đời này những bệnh nhân nằm ngoài khả năng cứu chữa của anh còn rất nhiều.
Tuy rằng Tống Ý rất muốn giúp đỡ Đới Lam.
Tống Ý không biết Đới Lam, nhưng cái tên này anh từng nghe qua--- Phó Giáo sư chuyên ngành Xã hội học, Đại học Nguyệt Cảng, từng có một luận văn được nhiều người biết đến mang tên <Hình thái gia đình ngẫu hợp trong xã hội hiện đại>.
Năm đó Tống Ý đọc được bài luận kia trên nền tảng học thuật CNKI*, sau đó anh lên Baidu tra cứu thông tin tác giả, không ngờ kết quả xuất hiện trên trang nhất lại là một video được đăng tải trên Bilibili.
*CNKI là cơ sở dữ liệu của Trung Quốc về các tạp chí học thuật, báo chí, tài liệu tham khảo và tài liệu bằng sáng chế, nó được xây dựng vào năm 1999 bởi Đại học Thanh Hoa.
Hóa ra Đới Lam còn là một UP-chủ* trong giới học thuật.
*Raw: UP主 chỉ những người làm nội dung bằng video rồi đăng tải lên các nền tảng như Bilibili, ví dụ như ở Việt Nam thì mình có Youtuber hoặc là Tiktoker.
Tài khoản Bilibili của Đới Lam có đăng một vài video phổ cập kiến thức khoa học liên quan đến chủ nghĩa nữ quyền và nghiên cứu xã hội, lúc ấy Tống Ý nhàn rỗi không có việc gì để làm nên lần lượt xem hết từng video một.
Đới Lam trong video khá dí dỏm, những khái niệm phức tạp và tối nghĩa đều được hắn giải thích rõ ràng bằng ngôn ngữ hết sức dân dã và dễ hiểu.
Quả là một nhà giáo ưu tú, một phần tử tri thức với phong cách mộc mạc và bình dị.
Cho nên Tống Ý khá bất ngờ khi một người như vậy lại mắc bệnh trầm cảm. Rõ ràng trên các video, Đới Lam luôn xuất hiện với tinh thần lạc quan yêu đời.
Có đôi khi rất khó để tìm ra nguyên nhân các bệnh tâm lý, mắc bệnh nghĩa là mắc bệnh, chiều nay mới tiếp xúc vài phút nhưng Tống Ý đã nhận ra tình trạng thiếu kiên nhẫn đến cực độ của Đới Lam, ngoài ra còn có sự phiền muộn ẩn giấu bên trong cảm xúc ấy.
Đúng là ông trời đố kị với người tài.
Có người bỗng gõ cửa phòng khám bệnh, lần này là gõ hai tiếng sau đó trực tiếp xông vào, một câu rủ rê vang lên: "Tống ca, đi ăn thôi."
Tống Ý bị đứt mạch suy nghĩ, sau đó cũng không muốn tiếp tục suy nghĩ nữa.
Người vừa bước vào là Văn Việt, bạn cùng trường đại học của Tống Ý đồng thời là bác sĩ chủ trị Phòng khám Tâm lý Trẻ em ở sát vách. Bọn họ đều được phân công trực ban vào chiều thứ tư hàng tuần. Mỗi khi tan làm Văn Việt đều kéo Tống Ý tới quán lẩu cạnh Đại học Y.
Lái xe từ Chuyên khoa Sức khỏe Tâm lý thành phố Nguyệt Cảng tới Đại học Y thành phố Nguyệt Cảng phải mất khoảng nửa tiếng, đó là trong điều kiện ngoài giờ cao điểm và không tắc đường.
Nhưng Văn Việt vốn ham ăn ham vui từ thời sinh viên, đừng nói là lái xe nửa tiếng, thậm chí rủ cậu ta ngồi tàu cao tốc đi ăn, cậu ta cũng sẵn sàng đi.
Thấy Tống Ý vẫn ngồi im không nhúc nhích, Văn Việt sáp tới lôi lôi kéo kéo, thò tay tắt máy tinh máy in giúp Tống Ý, vì miếng ăn mà tỏ ra ân cần hết sức.
"Hết giờ là hết việc, tôi cũng hết nói nổi cậu đấy, chẳng lẽ phải quỳ xuống xin cậu. Bác sĩ Tống yêu dấu của tôi ơi, mau rời khỏi cái ghế cứu khổ cứu nạn của cậu đi. Này nhá, cứ lề mề đi, lát nữa tắc đường cậu cầm lái đấy."
Tống Ý lười phản ứng lại, tối thứ tư đi ăn lẩu đều là anh lái xe, Văn Việt là người chỉ giỏi nói mồm, lúc nào cũng viện đủ lý do lý trấu để trốn lái xe, nào là cái gì, lối ra khỏi hầm đỗ xe có điểm mù thị giác, cậu ta bị cận lại quên mang kính nên sợ đâm chết người...
Đúng là vô tri.
Bãi đỗ xe không chỉ kẻ vạch ngay lối ra mà còn lắp đèn đường dành cho người đi bộ, muốn an toàn thế nào có an toàn thế ấy.
Hơn nữa Văn Việt không hề cận thị, lúc làm bài thi cuối kì cậu ta soi phao tinh như cú vọ.
Nhưng Tống Ý cảm thấy thà chọn lái xe còn hơn tranh cãi với cậu ta.
Hai người rời khỏi phòng khám, về văn phòng thay áo blouse ra sau đó gọi thang máy chạy xuống tầng hầm.
Văn Việt rất tự giác mở cửa ghế phó lái, chỉnh lưng ghế ngả ra sau một đoạn sau đó leo lên nằm như một đại gia vừa đặt xe công nghệ.
Trong lúc nhả phanh tay, Tống Ý quay đầu nhìn sang, nhắc nhở một câu: "Cài dây an toàn."
"Ui giời ơi, đây cài đây, nếu cậu không được Cục Quản lý Giao thông vinh danh là công dân tiêu biểu thì tôi sẽ gửi đơn khiếu nại!"
Văn Việt rất giỏi ba hoa, Tống Ý nói một câu cậu ta sẽ đáp lại mười câu. Nếu Tống Ý không để ý đến cậu ta, cậu ta sẽ tiếp tục lải nhải: "Tôi nói này Tống ca, cậu lái xe êm vãi, cài dây an toàn hay không cũng chẳng khác gì, cứ cậu cầm lái là tôi không có gì phải lo."
Tống Ý không lên tiếng trả lời, trước khi nhấn ga thì quay đầu một lần nữa, nhìn chằm chằm Văn Việt trong vòng hai giây. Người bên cạnh bị lườm đến sợ, ngoan ngoãn cài dây an toàn vào.
Có đôi khi Tống Ý cảm thấy mồm Văn Việt thiêng như bát hương, nói chuyện gì là xảy ra chuyện đó, thế nhưng đều xảy ra theo nghĩa ngược lại.
Tống Ý vừa đánh xe ra khỏi hầm, chuẩn bị rẽ trái để nhập làn chợt nhìn qua gương chiếu hậu thấy một người đi bộ lao sang đường ngay trước mũi một chiếc xe chuẩn bị rẽ vào hầm.
Anh không nghĩ nhiều mà nhấn chân phanh theo bản năng, cài số lùi sau đó đánh lái, tìm đúng một góc độ rồi dẫm nhẹ chân ga, chiếc xe của anh vọt sang áp sát chiếc xe kia.
Sau khi lùi lại một đường hình cung, đuôi xe Tống Ý vừa vặn chặn đầu chiếc xe phía sau.
Cũng may tài xế tuy đang đi với tốc độ cao nhưng cũng đạp phanh đúng lúc.
Người qua đường kia cũng không bị đâm, chỉ là ngã xuống mặt đường ngay góc va chạm giữa hai chiếc xe.
Tống Ý và Văn Việt lập tức mở cửa xuống xe. Cả hai đều là bác sĩ nên không hy vọng sẽ nhìn thấy có người mắc bệnh hoặc bị thương trước mặt mình, Văn Việt cũng không lảm nhảm nữa, mặt tái xanh chạy vòng sang bên đó.
Người vừa ngã dưới đất không hoảng không vội, hắn từ tốn bám vào thân xe đứng lên, tỏ ra không hề gì mà phủi bụi trên quần áo.
Vừa tao nhã vừa làm bộ làm tịch.
Trong lúc phủi quần áo, tài xế chiếc xe kia cũng mở cửa xuống xe.
Văn Việt thấy người qua đường nọ phủi bụi vô cùng điềm tĩnh, lại nhìn chủ xe kia hớt hải chạy xuống thì mở miệng trách móc: "Ở trong bệnh viện mà chạy xe hơn 30km/h? Anh cũng tài thật đấy, có biết bên Chuyên khoa này có rất nhiều người qua đường không thể tập trung như người bình thường hay không?"
Chủ xe cũng là người có hiểu biết, ông ta biết nếu vừa rồi không có chiếc xe đi ngược chiều này cản lại hẳn là sẽ xảy ra tai nạn. Nghe Văn Việt giáo huấn như vậy ông ta cũng không tức giận, nhanh chóng xin lỗi và nhận toàn bộ trách nhiệm, ông ta chủ động liên hệ công ty bảo hiểm, đồng ý chi trả các khoản phí sửa xe và phí khám bệnh vân vân...
Đánh người chạy đi không đánh kẻ chạy lại, đối phương là người thấu tình đạt lý như vậy, Văn Việt cũng không tranh luận gì thêm nữa. Cậu ta nhìn về phía Tống Ý hỏi ý kiến anh.
Mà sau khi Tống Ý xuống xe, vừa chạy tới liền nhận ra người qua đường suýt bị xe đâm vừa rồi chính là Đới Lam.
Tống Ý cau mày không nói gì, cứ như vậy lẳng lặng đứng nhìn Đới Lam phủi bụi trên quần áo.
Nếu vừa rồi anh không nhìn lầm, rõ ràng khi anh vừa lái xe ra, đèn tín hiệu giao thông đang là màu xanh; như vậy thì đèn dành cho người đi bộ qua đường chắc chắn phải là màu đỏ.
Vì sao Đới Lam lại không tuân thủ đèn tín hiệu?
Văn Việt đã tắt đài, không khí xung quanh bỗng trở nên an tĩnh, ánh mắt mọi người đều đổ dồn lên Đới Lam.
Mà Đới Lam không hề tỏ ra nao núng khi trở thành tâm điểm chú ý, sau khi sửa sang lại quần áo, hắn chậm rãi ngẩng đầu, lần lượt nhìn ba người đang đứng quanh mình.
Ánh mắt dừng lại trên người Tống Ý, Đới Lam cười cười chào hỏi: "Bác sĩ Tống à?"
Hắn tạm dừng một giây, sau đó tựa như vừa ý thức được điều gì đó, hắn lại mở miệng nói: "Vừa rồi là cậu cứu tôi phải không?"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top