Phần 1.1

Diệp Thanh Thanh vào cung đến năm thứ tư, trong cung lại bắt đầu tuyển tú.

Giang Hoàng hậu là người hiền hòa, sợ mọi người không được tự nhiên nên suốt buổi thỉnh an hôm đó, nàng nói rất nhiều câu an ủi phi tần, hơn nữa còn ban thưởng hậu hĩnh cho các cung. Sau khi rời cung Vị Ương, Chu Mỹ nhân nói nhỏ với Diệp Thanh Thanh: "Nếu Hoàng thượng tuyển tú thêm vài lần nữa thì hay rồi."

Diệp Thanh Thanh mỉm cười lắc đầu. Đương độ tiết xuân tháng tư, trong cung liễu rủ oanh hót, nàng chợt nhớ đến cây ngọc lan trồng ngoài khuê phòng từ hồi mình chưa vào cung, không biết năm nay hoa nở thế nào.

Diệp Thanh Thanh không phải người Trường An, quê nàng vốn ở Kiếm Nam. Kiếm Nam cách xa kinh thành, lúc mẹ tiễn nàng ra cửa, bà ấy cứ khóc mãi không thôi, khóc đến lạc giọng, buổi tối hôm trước còn cãi nhau với cha: "Tại sao ông cứ một mực đưa Thanh Thanh đi vậy hả, con nó có biết gì đâu, nó đi rồi, cả đời này liệu tôi còn cơ hội gặp lại con không?"

Cha nàng thì lại có vẻ tin chắc vào tương lai: "Chỉ cần nó hầu hạ Hoàng thượng và Thuần phi nương nương tận tâm tận lực, ngày lành còn lo thiếu chi, bà là nữ nhân suốt ngày rúc trong nhà thì biết quái gì? Hơn nữa, Thuần phi nương nương ở trong cung rất thích Thanh Thanh nhà ta, Hầu gia cũng vậy, tất nhiên sẽ không bạc đãi nó."

Diệp Thanh Thanh cảm thấy đầu óc cha mình nông cạn, hồi Thuần phi mới vào cung, mình chỉ mới lên năm. Mười một năm qua đi, chỉ e nương nương gặp lại còn chẳng nhận ra mình là ai, chứ nói gì đến bạc đãi hay không. Mẹ cũng không tán đồng ý kiến của cha: "Tôi không cầu con tôi được phước lớn như thế, tôi chỉ mong Bồ Tát phù hộ nó giữ được tính mạng, cái nơi kia là nơi như nào chứ..."

Không biết có phải lời khẩn cầu của mẹ làm cảm động trời cao hay chăng, mà từ khi Diệp Thanh Thanh vào ở trong cung Hòa Minh đến nay, mấy năm qua, cuộc sống của nàng cũng không tệ. Người đứng đầu cung Hòa Minh chính là Thuần phi nương nương, năm xưa nương nương vào cung, trông nàng ta cũng bình thường như bao người, vậy mà bây giờ lại có phần giống như thần tiên, ngày nào cũng chỉ làm thơ ngồi thiền. Diệp Thanh Thanh chỉ là phàm nhân, nàng không có hứng thú với mấy việc này. Tạ Mai ở chung cung với nàng, thường hay lén nói nhỏ: "Thanh Thanh, liệu có khi nào buổi sáng chúng ta thức dậy, Thuần phi nương nương mọc cánh hóa thành tiên bay mất không?"

Tạ Mai giống nàng, hai nàng đều đến từ Kiếm Nam, cùng nhau tiến cung, từng được thị tẩm dăm ba lần, Hoàng thượng đối xử với cả hai không tính là dịu dàng, nhưng cũng chẳng quá nghiêm khắc. Sau đó... không có sau đó nữa, dù sao Hoàng thượng có tiền, hai nàng bắt đầu cuộc sống dưỡng lão qua ngày trong cung. Lúc mới tiến cung, cả hai được phong Bảo lâm, sau ba năm vẫn là Bảo lâm. Ngày hôm qua Tạ Mai chải đầu cho Thuần phi nương nương, nương nương còn nói một câu không thể thật hơn: "Tư chất của các ngươi như vậy, có thể làm Bảo lâm đã coi như không tệ."

Tạ Mai giận đến mức đỏ mắt, lúc ra cửa, nàng ấy bèn nói nhỏ vào tai Diệp Thanh Thanh: "Sao lại nói vậy chứ? Lúc trước Hầu gia nói với cha chúng ta như nào? Nói là đưa chúng ta vào cung đặng giúp nàng ta, còn nàng ta thì sao? Bản thân vô dụng thì thôi đi, còn không cho chúng ta ngẩng đầu. Nếu mà nàng ta có lòng quan tâm, chịu khó nâng đỡ, đâu đến nỗi bây giờ cả hai chúng ta chỉ là Bảo lâm?"

Diệp Thanh Thanh cũng không biết an ủi nàng ấy như nào, Thuần phi nương nương nói năng chẳng bao giờ xuôi tai, chắc là do tu tiên quá lâu khiến nàng ta không quan tâm nhân tình thế thái nữa. Ngẫm lại thì trong cung này, Giang Hoàng hậu ôn hòa hiền lành, Lâm Hiền phi khoan dung công bằng, Trịnh Đức phi cởi mở lanh lợi, Chu Thục phi kính cẩn khiêm tốn; Ôn Quý phi thì lâu lâu phát ngôn mấy câu hú hồn, nhưng tựu chung cũng là người huệ chất lan tâm, đối xử thân thiện với mọi người. Thuần phi nương nương mà muốn giành cái ghế hoàng hậu với những người này, nhìn thôi cũng hiểu là giành không nổi.

Mà lý do khiến Diệp Thanh Thanh và Tạ Mai phải ngàn dặm xa xôi tiến cung, chính là vì cái ghế hoàng hậu của Thuần phi nương nương bị "tiện nhân họ Giang" cướp mất.

Chuyện này kể ra thì dài lắm, phải kể từ cấp trên của cha Diệp Thanh Thanh – Nam Dương hầu.

Ở vùng Kiếm Nam, bất kể châu huyện nào, chỉ cần hô một câu "Nam Dương hầu tới" --- là tất cả nam nữ già trẻ sẽ đua nhau chạy lên phố, chen lấn hòng chứng kiến phong thái của nam thần đứng đầu Kiếm Nam. Nam nhân nhắc tới Nam Dương hầu, họ sẽ khen ông ta là đại trượng phu dũng cảm hào sảng, không lệ thuộc bất cứ quy tắc nào; nữ nhân nhắc tới Nam Dương hầu, họ sẽ ca ngợi "Lưu lang" hào hoa anh tuấn, càng lớn tuổi càng phong độ ngời ngời; người già nhắc tới Nam Dương hầu, họ sẽ nói ông ta là anh hùng từ thuở thiếu niên, đánh đuổi Lục Chiếu cứu dân khỏi nước sôi lửa bỏng; ngay cả trẻ con khi mua tượng đất cũng đòi người ta nặn cho bằng được hình tượng Hầu gia cưỡi chiến mã cầm kích đánh đuổi quân thù.

Từ năm mười sáu tuổi, cha của Diệp Thanh Thanh đã theo Nam Dương hầu chinh chiến, thôn quê mà mẹ nàng sinh sống cũng được Nam Dương hầu cứu khỏi bóng đao ánh kiếm của quân Lục Chiếu; thành ra hai vợ chồng họ Diệp trở thành người hâm mộ cuồng nhiệt của Nam Dương hầu. Từ nhỏ, cha đã kể cho Diệp Thanh Thanh nghe Nam Dương hầu đa mưu túc trí như thế nào khi chinh chiến nơi sa trường, anh dũng thiện chiến ra sao. Diệp Thanh Thanh không giỏi thơ từ ca phú, nhưng hễ hỏi năm nào tháng nào Nam Dương hầu đánh trận nào, dùng binh ra sao, nàng đều có thể trả lời rành mạch.

Năm nàng lên năm, Nam Dương hầu đến Diệp gia dự tiệc, nàng trốn sau tấm bình phong mà nhìn lén ông ta. Ông ta thấy nàng, bèn vươn tay kéo nàng ra ngoài: "Tiểu Diệp Tử, con gái ngươi trông cũng dễ thương đấy, béo hơn chút thì càng xinh hơn!" Vóc người ông ta cao lớn cường tráng, cả đời ông ta xông pha trong gió tanh mưa máu, vậy mà tướng mạo lại vô cùng lịch sự nho nhã, giống như một quý công tử thông thạo thi thư, nước da của ông ta trắng hơn cha nàng, đôi mắt to hơn cha nàng; lúc ông ta cười rộ lên, tuy có mấy sợi râu lún phún nhưng tổng thể cũng đẹp hơn cha nàng nhiều.

Sau này, mỗi lần Diệp Thanh Thanh cãi nhau với các tỷ muội, nàng hay nói câu: "Chính miệng Hầu gia khen ta xinh đó, các ngươi tính là gì chứ!"

Nam Dương hầu anh tuấn, con gái của ông ta càng đẹp tuyệt trần, đại cô nương Hầu phủ tên là Bảo Trân, suốt ngày Hầu gia luôn miệng khen "Trân Trân nhà ta". Ai cũng nói đại cô nương xinh đẹp, chữ nghĩa giỏi giang, giống như tiên nữ trên trời, không biết lang quân ưu tú như nào mới xứng đôi với nàng ta.

Diệp Thanh Thanh từng nghe nhiều lời đồn về cô nương Bảo Trân này, nghe nói mẹ của cô nương Bảo Trân là quý nữ đến từ kinh thành, lén lút hứa hẹn cả đời với Hầu gia; có người lại nói vị quý nữ đó vốn họ Hứa, con gái trong tộc của Hứa Thái sư hại nước hại dân và Nhân Hòa Thái hậu hồng nhan họa thủy, Hứa gia và Hầu gia có thù không đội trời chung, Hầu gia bị Hứa gia vạ lây nên phải tới Kiếm Nam tòng quân; còn có người nói quý nữ họ Hứa sinh cho Hầu gia một đứa con gái rồi tusat, Hầu gia đánh trận với Lục Chiếu ở Kiếm Nam hơn một năm mới được thăng làm tướng quân, hôm nọ ông ta vừa thắng trận trở về doanh trại thì thấy một bà cụ ôm đứa trẻ giao cho mình.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top