08 - END
Sau khi trở lại Trùng Khánh, cuộc sống mấy năm của chúng tôi êm đềm như nước, tôi đi dạy học ở trường Tiểu học, mãi đến khi đứng lớp tôi mới chân chính hiểu được câu "Bèo dạt gởi nước biếc, theo gió phiêu muôn nơi" có ý nghĩa gì. Cậu nhỏ đang làm công việc gửi – nhận trong một Trạm lưu trữ hồ sơ, nhưng thân phận trong thời chiến mang đến cho cậu không biết bao nhiêu phiền phức, cậu bị người ta mời đi nói chuyện, khi đó Cậu nhỏ đã 47 tuổi, vẫn là người ở Trạm hồ sơ lo lắng cho thân thể của cậu nên gọi điện cho tôi, tôi mới biết được. Khi tôi vội vàng chạy tới, nhìn thấy Cậu nhỏ đang viết Thư tạ lỗi, viết trọn cả hai tờ giấy, ký tên, mới tính là hoàn thành. Lúc ký tên, tôi nhìn thấy ngón tay của cậu vô tình cọ vào chữ viết bên cạnh, làm nhòe đi nét bút mực nhợt nhạt, giống hệt như dấu vết khi máy bay lượn qua để lại. Cuối cùng người ghi chép hỏi, "Người nhà của anh đâu?"
Tôi nhanh chân chạy vội đến bên cạnh cậu, nói với nhân viên ghi chép, "Người này là cậu tôi, ngoài tôi ra, không còn người thân nào khác." Chúng tôi sớm đã không còn nhà, nhà của chúng tôi bay lượn trên trời, trú ẩn nơi đám mây, loanh quanh nơi đầu hạ Trùng Khánh, núp gọn trong cơn mưa Côn Minh, đắm mình nơi Nhã An ngập tiếng gầm rú.
Không lâu sau cuộc nói chuyện kia, Cậu nhỏ liền bị bệnh, hơn nữa vết thương bị súng bắn nơi bả vai lúc trước tái phát, phải vào bệnh viện. Tôi muốn ở lại bệnh viện chăm sóc cậu, chung quy ngoại trừ tôi, cậu không còn người thân nào khác nữa. Nhưng cậu vẫn cố chấp không cần người ai chăm sóc. Cậu nói cả đời này cậu đã chia tay quá nhiều người rồi, sớm đã nếm trải hết tư vị của sự biệt ly, nửa đời trước đắng cay, nửa đời sau chua xót, chẳng có gì không thể chịu đựng nữa rồi.
Tôi hỏi cậu có đáng hay không, nghề nghiệp phi công chỉ ngắn ngủi có ba năm, đổi lấy sự xót thương và tưởng niệm dài dằng dặc suốt quãng đời còn lại. Cậu nói nếu cậu biết được liệu có đáng hay không, trước kia sẽ không bước chân lên con đường này.
Cậu sống trong bệnh viện mười tám năm, ở bệnh viện không một ai biết trước đây cậu là Không quân, chỉ có một vài người thoạt nhìn lớn tuổi hơn cậu hỏi rằng tại sao tuổi tác đã ngần này rồi, vẫn còn đơn độc một mình. Cậu chỉ cười nói từ rất sớm đã thành gia rồi, "Đối phương là một người phi công, người ấy đang bay đến một nơi xa xôi để cứu người, rất nhanh sẽ trở về thôi."
Sau khi già rồi, cậu thường quên đi rất nhiều chuyện, ví dụ như buổi trưa ăn cái gì, buổi chiều ngủ một giấc tỉnh dậy là quên mất. Cũng sẽ đột nhiên nhớ lại một vài ký ức tự rất lâu, chẳng hạn như cậu thường nhắc mãi về món canh cá thích uống nhất hồi còn ở Nhã An, cậu nói ở Trùng Khánh, sao mà chẳng uống được canh cá nào ngon như vậy nữa. Mỗi lần đi thăm cậu, cậu cứ luôn yêu cầu tôi đọc nhật ký thời trẻ của chính cậu cho mình nghe. Nhật ký của cậu bắt đầu từ ngày chúng tôi rời khỏi Trùng Khánh đến Côn Mình, vẫn luôn ghi chép đến tận khi chiến tranh kết thúc. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của cậu, lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, lần đầu tiên lướt ngang qua cái chết, lần đầu tiên trong lúc chiến đấu chứng kiến đồng đội và máy bay địch đồng quy vụ tận, tất cả vẫn sừng sững trong nhật ký, thay cậu ghi nhớ những năm tháng oanh liệt của mình. Còn cả mối tình đầu của cậu, tôi nói rằng cậu nguyện ý cùng Chú nhỏ bay lượn bên nhau, cùng nhau hạ cánh. Tại một trang nhật ký mỏng manh cuối cùng, tôi nhìn thấy lá thư kia, từ sau khi Chú nhỏ mất tích, lá thư ấy vẫn luôn không được mở ra.
Cậu thậm chí còn nhớ rõ "Ta ngóng trông hoa hòe bao giờ nở rộ", còn hỏi tôi, Tiểu Ngộ Chi, cây hòe gai trong nhà đơm hoa rồi sao? Cậu nói cậu muốn ủ mật ong để tôi pha nước uống, uống nước mật ong vào, buổi tối có thể ngủ an ổn, không bị tiếng máy bay gầm rú đánh thức nữa.
Hầu hết thời gian, rạng sáng cậu đã tỉnh rồi, khoác lên chiếc áo len mỏng màu xám nhạt, ngồi vào bàn xem nhật ký của mình. Chú nhỏ từng nói nét chữ của cậu vừa vững vàng vừa tiêu sái, hẳn là tính cách cho dù gặp phải sự phiền nhiễu cực đại đều sẽ không để trong lòng. Nhưng chú sai rồi, bởi vì tôi nhìn thấy nhật ký của Cậu nhỏ đã dừng lại vào mùa đông năm ấy khi chiến tranh kết thúc, vào năm ấy khi chúng tôi còn ở Côn Minh, suy nghĩ đủ loại biện pháp quay về Trùng Khánh. Tuy nhiên, khi chúng tôi cuối cùng có thể về đến Trùng Khánh, cậu lại nói trước khi về nhà muốn đi Nhã An nhìn thử một cái. Tôi nhớ rõ Nhã An vào mùa đông năm ấy vừa khô vừa lạnh, vài năm sau đó toàn bộ tỉnh Tây Khang bị xóa bỏ, Nhã An sát nhập vào Tứ Xuyên. Vì thế, ký ức về phi công trong tôi, vào ngày hôm ấy chấm dứt. Ngày ấy, cậu viết trong nhật ký, 「Không biết sau này có cơ hội quay lại đây hay không, nếu cậu muốn bay về, chúng ta hẹn gặp tại một nơi khác. 」
Cậu nhỏ của tôi, hiếm khi tôi nhắc về cậu với người khác, nhưng mỗi lần tôi nhắc đến, tôi luôn nói rằng cậu đang chờ đợi một người. Tuy rằng rất nhiều thời gian cậu thật ra đã không còn nhớ rõ được, bản thân đang chờ đợi điều gì, còn phải đợi bao lâu. Khi thiếu niên, cậu yêu thích hí kịch, trong những vở kịch ấy, chờ đợi chính là chuyện của chủ nghĩa lãng mạn nhất trên thế gian này. Cậu nhỏ ngược lại nói rằng, cậu không hề cảm thấy lãng mạn, cậu chỉ sợ rằng bản thân cứ luôn chờ đợi, nơi này không đợi được, vậy thì đến một nơi khác đợi tiếp.
Một buổi tối rất nhiều năm sau đó, Cậu nhỏ đột nhiên lôi toàn bộ ảnh chụp tập thể Đại đội Không quân và bức thư mà Chú nhỏ để lại sau khi mất tích ra khỏi nơi góc tối. Cậu ngắm tấm ảnh chụp chung, điểm qua từng tên từng đến một, cuối cùng đọc đến tên của Chú nhỏ, cậu chợt khựng lại, hơn nữa phảng phất như cậu muốn vĩnh viễn tạm dừng ở nơi ấy.
Cũng vào lúc này, cậu cuối cùng bằng lòng mở lá thư Chú nhỏ để lại ra. Hôm nay là ngày 15 Âm lịch, giống hệt như cái đêm tối khi chúng tôi một mạch rời khỏi Nhã An, vầng trăng tròn lẳn, còn sáng trong vắt. Tôi đứng lặng trước giường bệnh của cậu, đọc lên phong di thư Chú nhỏ để lại cho cậu.
「A Trình, nếu như chúng ta nhất định phải bước đến một ngày này, để cậu phải đọc phong thư này, vậy tớ muốn nói rằng nhất định tớ đã không còn con đường nào khác có thể đi nữa rồi. Nếu như thế, tớ cũng không có điều gì muốn dặn dò cậu, chỉ có hai nguyện vọng. Thứ nhất, đừng khóc, thứ hai, trước khi chiến tranh kết thúc, đừng quên tớ. Trừ điều này ra, nếu cậu bằng lòng, trời Nam biển Bắc, nhớ rằng hãy tìm được tớ.」
Nghe tôi đọc xong bức thư, Cậu nhỏ lâm vào sự trầm lặng, cứ thế nhìn ra ngoài cửa sổ hồi lâu. Lúc đầu cậu chỉ lẳng lặng ngắm nhìn mặt trăng, cậu cứ lẩm bẩm thì thầm mãi, "Mình không nên bỏ lại cậu ấy một mình ở nơi ấy." Tôi rất muốn tiến lên nói với cậu rằng không phải vậy, ngày đó đã xảy ra quá nhiều chuyện, chúng ta bắt buộc phải rời đi. Nhưng cái gì tôi cũng không thốt ra lời, nhưng lời nói này của tôi phơi bày trước ánh trăng càng hồ ngôn loạn ngữ.
Trước nay tôi vẫn luôn cảm thấy Chú nhớ vẫn còn sống trên đời này, tuy rằng dù thế nào tôi cũng không tìm được chú, tựa như tôi không tìm được người nhà của mình. Cậu nhỏ cũng nói, "Cậu sẽ đi tìm cậu ấy. Trước đây luôn là cậu ấy tìm cậu, lần này đã vài thập niên trôi qua mà người kia vẫn chưa trở về, chắc chắn là đã giận cậu rồi, cậu phải đi tìm cậu ấy, chỉ cần cậu đi thì cậu ấy nhất định sẽ đồng ý quay về." Cậu nói rằng, Chú nhỏ của con cái con người kia ấy, từ đâu tới đây thì về lại nơi đó, cậu phải tìm được cậu ấy.
Lúc tôi trở vào bệnh viện thì phát hiện Cậu nhỏ đã rời đi rồi. Y tá trong bệnh viện nói với tôi rằng, khi cậu rời khỏi bệnh viện, tinh thần minh mẫn lắm, làm thủ tục xuất viện thậm chí còn cười đùa trêu chọc mấy người y tá. Cậu nói cậu phải đi tìm một cây hòe gai to lớn, nếu tìm được rồi, cậu phải tự tay mình ủ mật ong, ủ xong lại tặng cho mỗi người trong bệnh viện một hũ. Y tá hỏi tôi có muốn đi tìm Đinh tiên sinh không. Tôi nói với anh ấy rằng không cần đâu, Cậu nhỏ chỉ là về nhà thôi.
Khi thu dọn đồ đạc, tôi phát hiện cậu chỉ mang theo hai thứ. Bức ảnh chụp tập thể Đại đội 5, và phong thư suốt 40 năm qua chưa dám mở. Hai thứ đồ này, chính là cả một đời của cậu.
Có lẽ, cậu đã trở lại phiến rừng rậm kia, cậu cũng giống như tôi, tin tưởng rằng Chú nhỏ sẽ ở nơi ấy đợi cậu. Cậu nhỏ và Chú nhỏ của tôi, bị chiến tranh, bị tín ngưỡng, cả những thứ gọi là trách nhiệm trói buộc cả cuộc đời, tôi tình nguyện tin rằng, sau này, hai người họ cuối cùng đã nhận được sự tự do thuộc về mình.
Sau này, tôi cũng đến cánh rừng rậm kia. Nghe người quản lý phụ trách nói, khoảng thời gian gần đây luôn nhìn thấy một ông lão thường xuyên lui tới, chỉ lẳng lặng ngồi thẫn thờ trước một tấm bia mộ cô độc, vừa ngồi xuống chính là cả ngày trời. "Chính là chỗ kia." Người kia nói.
Tôi nhìn theo hướng người kia chỉ, cái gì tôi cũng không nhìn thấy, nhưng dường như tôi nghe được âm thanh dịu dàng một thời tuổi trẻ, đang cất tiếng hát lên một bài ca đã nằm lòng trong tâm trí tôi.
Cao cao trên ngọn núi một cây hòe, tay vịn lan can vọng chàng tới.
Mẹ hỏi con gái vọng điều gì, ta ngóng trông hoa hòe bao giờ nở rộ.
END.
Tham khảo các tác phẩm: Phim tài liệu "Thấu Trời"; phim truyền hình "A Touch Of Green"; sách "A Touch Of Green", "Dòng sông chảy xiết", "Ký ức kháng chiến Không quân Trung Quốc, "Tắm máu trời cao: Lịch sử kháng chiến chống Nhật của Không quân Trung Quốc".
(Các tác phẩm mình dịch theo ý mình nên tên có thể không đúng lắm)
Một vài lời muốn nói: (Tác giả)
Về câu chuyện này, nguyên nhân là hè năm nay minh có xem được bộ phim "A Touch Of Green", lại một lần nữa đọc nguyên tác của Bạch Lão, vẫn cứ cảm động sâu sắc như cũ. Chẳng dám nói là tri ân Bạch Lão, chẳng qua chỉ là vì giấc mộng muốn viết về người phi công, nên mình muốn phải chăm chút thật kỹ cho câu chuyện này. Dưới thời đại đặc thù ấy, lựa chọn của mỗi cá nhân chính là bất đắc dĩ như vậy, hai bạn nhỏ của chúng ta lại dũng cảm đến thế. Tựa như điều A Trình đã nói trong câu chuyện này, em không biết rằng liệu có đáng hay không, bởi vì dù cho quay lại một lần nữa, em vẫn sẽ chọn rời quê hương để xông đến nơi trời xanh thuộc về riêng người phi công, Gia Kỳ cũng vậy. Dưới mịt mờ khói thuốc súng, nói ra lời yêu có lẽ thực quá tàn nhẫn, nhưng tình yêu vẫn chân chân thật thật tồn tại, chiến tranh có thể cướp đoạt đi nhiều thứ, nhưng tình yêu của người phi công chỉ thuộc về mình trời xanh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top