03
Ngày chúng tôi rời đi Trùng Khánh, trời đổ trận mưa như trút nước, đường đi trắc trở, xe chúng tôi giữa chừng xuất hiện sự cố, đành phải đi nhờ xe của những người hảo tâm qua đường, chờ đến nội thành gần đó rồi nghĩ cách mua vé tàu lửa. Có lẽ do chưa từng đi quá xa nhà, dọc đường tôi đều ốm sốt liên miên, vì để vỗ về tôi chìm vào giấc ngủ, thím Thụy Nghi cũng luôn hát bài ca "Ta ngóng trông hoa hòe bao giờ nở rộ" kia.
Khi đến được Côn Minh, đã không biết trôi qua bao nhiêu ngày. Sau khi thu xếp ổn thỏa, Cậu nhỏ mua một tờ báo, từ trên báo chúng tôi nhận được tin tức trong trận Không kích chỉ vài ngày trước, Trùng Khánh có 4000 người chết. Cậu nhỏ cứ vậy bóp chặt tờ báo thẫn thờ rất lâu, con số kia giống như từ đây đã khắc sâu trong lòng cậu.
Thời gian Trường Hàng Không rời đến Côn Minh gấp rút, bởi vậy khi đã đến Côn Minh, khóa 10 vẫn không ngừng chiêu mộ người, Cậu nhỏ may mắn lấy thân phận học viên cuối cùng của khóa 10 tiến vào trường học, giống như Chú nhỏ, cũng học khoa Tiêm Kích. Năm đó có rất nhiều trường học chuyển đến Côn Minh, tôi được xếp dự thính trong một ngôi trường tiểu học, mỗi ngày đều tan học từ rất sớm, tôi đứng tại nơi cổng trường đơn sợ chờ Chú nhỏ và Cậu nhỏ tới đón, sau đó dẫn tôi đến phía ngoài sân bay của Trường Hàng Không hai người xem máy bay hạ cánh. Cậu nhỏ khi đó vừa được tiếp xúc với máy bay, hết sức mới lạ, tầm xế chiều mỗi ngày chắc chắn sẽ lén lút bay nhiều thêm một chuyến. Chú nhỏ đôi khi cũng tiếp tay mà bay cũng cậu, đôi khi chỉ đứng trên mặt đất, cùng tôi chờ đợi cậu hạ cánh. Nếu Cậu nhỏ mãi vẫn chưa bay về, Chú nhỏ lập tức bay đi tìm cậu.
Trước khi hai người cùng nhau ngồi vào cabin, Chú nhỏ luôn trong trạng thái không yên tâm mà nhắc nhở cậu, "Nếu sợ hãi thì hãy nhìn tớ thôi, nhìn một cái liền không có gì nghiêm trọng nữa rồi."
Cậu nhỏ rì rầm một tiếng, "Tớ mới không sợ hãi."
Đôi mắt cậu sáng lấp lánh, dù nói không sợ hãi nhưng tôi biết mỗi lần khi cậu bay đến không trung, vẫn theo thói quen quay đầu nhìn Chú nhỏ. Chỉ vì cậu từng giải thích với tôi, mỗi một lần kết thúc khóa học thực tiễn, giáo quan nói rằng hãy tập viết ra những gì mình nhìn thấy được trên không trung, khi cậu hạ bút viết mới phát giác trong suốt chuyến bay của mình, bản thân cậu chỉ một mực tìm kiếm vị trí của Chú nhỏ thôi.
Tôi yêu cuộc sống này, cảm thấy giống hệt như khi còn ở Trùng Khánh. Nhưng tôi dần lờ mờ hiểu ra, những ngày tháng như vậy sẽ không kéo dài.
Mùa xuân năm sau đó, Cậu nhỏ và Chú nhỏ sóng vai nhau cùng tốt nghiệp Trường Hàng Không, gia nhập vào Trung đội 25 thuộc Đại đội 5 lực lượng Không quân. Tôi và thím Thụy Nghi một đường theo hai người rời khỏi Côn Minh, dọn vào một gian nhà trống ở vùng phụ cận Căn cứ Không quân Nhã An. Căn nhà này trước kia từng là nơi ở của một tiểu thiếu gia không quân giàu có quyền lực, hai năm trước đã mất tích trong lúc tác chiến, sau đó căn nhà này để không, không ai ở. Cậu nhỏ không phải người mê tín, cậu lại không thích việc Hàng Ủy cấp chỗ ở xuống dưới, vậy nên Chú nhỏ quyết định mua luôn căn nhà này.
Nhân viên Căn cứ Không quân tra xét nghiêm ngặt, để bài trừ những rắc rối không đáng có, trên tất cả văn kiện có thể chứng minh thân phận tôi, tên họ của tôi toàn bộ đều sửa từ 'Ân Ngộ Chi' thành 'Đinh Ngộ Chi'. Những năm ấy, ban ngày tôi tới trường học tiếng Anh, học Số học, buổi tối khóa chặt cửa trong phòng, nỗ lực lắng nghe xem trên bầu trời có tiếng máy bay hay không.
Những lúc nghe được tiếng động cơ gầm rú càng ngày càng gần, tôi biết chắc rằng đó là Cậu nhỏ hoặc Chú nhỏ đang bay qua. Mỗi người phi công khi bay qua khoảng trời trên nhà mình đều sẽ bay thấp và lượn một vòng quanh khoảng không ấy, rồi bay đi. Tựa như một cánh chim tự do, nhưng chắc chắn vẫn có một ngôi nhà để nó dừng chân.
Tôi cảm thấy phi công thần kỳ một cách tuyệt vời, họ đôi khi sát gần bên bầu trời mênh mông, đôi khi lại kề cận bên tôi. Tôi leo lên bệ cửa sổ tầng hai thì có thể nhìn thấy rõ ràng trong khoang buồng lái ấy, gương mặt của họ. Khi tôi lên đến trung học, căn phòng ở lầu hai có chiếc cửa sổ ấy được sửa thành thư phòng, tôi thường thường ngồi trước cửa sổ đọc sách, cũng nhân tiện chờ đợi máy bay của Cậu nhỏ và Chú nhỏ, lượn vòng thấp bên song cửa sổ của tôi. Thỉnh thoảng ở trường học cũng có thể nhìn thấy máy bay của hai người, tôi lập tức phe phẩy cánh tay chào hỏi hai người, tất cả bạn học các lớp đều hâm mộ tôi. Trẻ nhỏ có lẽ chỉ là như vậy thôi, bọn họ nhìn thấy người trong máy bay và người trên mặt đất chào hỏi nhau, liền cảm thấy người trên mặt đấy ấy hình như cũng đang bay lượn đến bầu trời cao cao kia.
Tôi của khi ấy thích nhất khoảnh khắc hoàng hôn trong cả ngày trời, bởi vì chỉ cần không có nhiệm vụ, cuộc huấn luyện của phi công sẽ kết thúc vào lúc hoàng hôn, đứng trong sân nhà là có thể nghe được tiếng động cơ đáp xuống của họ. Nghe được âm thanh này, thím Thụy Nghi bắt tay vào chuẩn bị bữa cơm tối, tôi ôm một quyển sách chạy đến bên gốc cây cổ thụ lớn ở sân sau, lơ đãng xem chưa đầy ba trang là có thể nhìn thấy hình bóng Cậu nhỏ và Chú nhỏ sánh vai nhau cùng về nhà. Trong bữa cơm, Cậu nhỏ kể rằng khi ở trên trời nhìn xuống nhà của chúng tôi, chỉ là một dấu chấm rất nhỏ rất nhỏ như số thập phân sau dấu phẩy. Môn Toán học tôi vừa được học về số thập phân, nghĩ thầm sao có thể nhỏ đến như vậy, nhỏ như vậy sao hai người có thể nhìn thấy hướng nhà mình mà hạ cánh ư.
Người phi công mỗi buổi huấn luyện kết thúc, phải viết tất tần tật những gì mình nhìn thấy vào bản báo cáo Phi hành. Bản báo cáo Phi hành của Cậu nhỏ thường xuyên thấy xuất hiện tên của Chú nhỏ, giống như lúc ở Trường Hàng Không vậy, hai người luôn đồng hành bên nhau. Bay lượn, hạ cánh, hướng lên trên có thể ngắm mây xanh, hướng xuống dưới có thể nhìn tổ ấm, mà bên cạnh mình chỉ có thể nhìn ngắm lẫn nhau. Hai người còn biết nấu ăn, phi công biết nấu ăn chẳng được mấy người, chỉ cần khi nào không phải làm nhiệm vụ, Chú nhỏ thường xuyên nấu canh cá cho tôi ăn.
Thím Thụy Nghi thỉnh thoảng không có nhà, Chú nhỏ đã giúp thím 'móc nối' vài quan hệ trên Hàng Ủy, thím muốn đi liên hệ thử với viên phi công có khả năng là con trai thím. Đôi khi liên hệ rồi, thím thậm chí vẫn tự mình tới xác nhận trực tiếp. Bởi vậy đêm tối khi nhớ nhà, Cậu nhỏ cũng cất tiếng hát bài ca dân gian kia cho tôi. Dần dần tôi cũng học được, "Ta ngóng trông hoa hòe bao giờ nở rộ", tôi cứ luôn hát chính câu này.
Trong khoảng sân nhà chúng tôi không có cây hòe gai, nhưng sân sau trồng một cây cổ thụ lớn, hình dáng khác hẳn so với những cây cối thông thường, thân cây quanh co uốn lượn tựa một con rộng, người nhà Không quân lân cận đều gọi là "Lão Long Thụ". Tương truyền rằng cách đây rất nhiều năm, đứng bên cạnh nó còn có một cây phượng, sau đó cây phượng bất ngờ bay đi, Lão Long Thụ đổ bệnh, nhờ có người dân xung quanh hợp sức vực nó dậy, chỉ là từ ấy nó luôn ốm đau bệnh tật, vết nứt trên thân cây cứ luôn trường tồn khắc sâu ở nơi đó. Từ khi căn cứ Không quân đóng quân ở nơi này, thường thường thấy gia quyến quân đội thắp hương cho Lão Long Thụ, trong miệng lẩm nhẩm niệm cho nó mau khỏi bệnh, nhưng thực tế, các cô các bác cảm thấy làm vậy có thể tích chút đức phúc cho người nhà ngày đêm bay lượn trên bầu trời kia. Chầm chậm, Lão Long Thụ ở thành đối tượng cầu phúc của người quanh xung quanh, mỗi khi phi công trong nhà có nhiệm vụ thì gia quyến đều chạy tới đây cầu mong bình an.
Những chuyện này đều do thím Thụy Nghi kể lại cho tôi nghe, thím nói thật ra thím không hề tin câu chuyện cây phượng đột ngột bay đi, nhưng vì người phi công mà cầu phúc, chung quy là chuyện tốt.
Khi nhiệm vụ được giao tới tấp nhất, vài tháng liền không gặp được Cậu nhỏ và Chú nhỏ là chuyện thường, có mùa đông một năm kia, hai người đi Trường Sa, khi trở về đã bước sang đêm giao thừa năm 30. Chúng tôi ăn lẩu vào bữa cơm tất niên, hai người về nhà vừa kịp lúc đồ ăn lên bàn, họ còn dẫn theo vài anh chàng phi công chưa kết hôn khác trong đội cùng về nhà. Đó là một cái Tết Âm Lịch náo nhiệt nhất tôi từng trải qua kể từ sau khi rời khỏi Đinh Gia.
Đêm đó chúng tôi đi theo tập tục xưa cũ đón giao thừa, qua 12 giờ đêm mới đi ngủ, Chú nhỏ ngồi bên mép giường ca hát ru tôi ngủ. Nghe vài lần Cậu nhỏ hát ca khúc dân gian kia, chú cũng học được rồi, thường xuyên cố gắng bắt chước giọng Trùng Khánh cất tiếng hát, "Ta ngóng trông hoa hòe bao giờ nở rộ."
Cậu nhỏ cười nhạo tiếng Trùng Khánh của chú nào có tí tiêu chuẩn nào chứ, tôi lại chẳng thấy như vậy, chỉ cảm thấy Chú nhỏ hát rất hay, mỗi lần chú hát tôi đều có thể nhanh chóng tiến vào mộng đẹp. Trong những năm tháng tôi còn chưa hiểu sinh tử là gì, bài ca dao này bầu bạn bên tôi qua từng đêm tối không ngủ được. Nó không còn là một bài ca dân gian hát lên nỗi tương tư nữa, chính nó đang cất tiếng hát lên thời thờ ấu của tôi, thời thanh xuân của tôi.
Mà thời thơ ấu và tuổi thanh xuân của tôi đã định sẽ kết thúc tại mùa thu năm Cậu nhỏ và Chú nhỏ mất đi người đồng đội đầu tiên của mình. Không chiến Trùng Khánh vào tháng 9, Đại đội 5 bay đến Trùng Khánh chi viện, một anh trai phi công tôi có quen biết bị máy bay địch bắn hạ, phát nổ. Người anh trai ấy là đội trưởng Trung đội 25, bởi vì cùng là người Trùng Khánh nên thân thiết hơn với tôi và Cậu nhỏ. Anh thích đọc sách, thích viết lách, từng nói với tôi rằng anh muốn biên soạn một quyển 《 Nguyên lý phi cơ Quân dụng 》, tôi đã đồng ý với anh khi nào phát hành chắc chắn sẽ mua mấy quyển tặng cho bạn học cùng xem. Một năm trước anh mới mất đi phụ mẫu, còn chưa lập gia đình, đề nghị của Đại đội trưởng được Hàng Ủy phê chuẩn, quyết định mai táng hài cốt của anh ở Khu mộ Không quân. Chú nhỏ viết thư nhờ thím Thụy Nghĩ đưa tôi đi Trùng Khánh, chú nói đó là người anh trai thân thiết, tôi nhất định phải tiễn đưa một đoạn đường. Ngày ấy, là lần đầu tiên tôi đặt chân đến cánh rừng rậm.
Lúc ấy tôi mới biết được, hầu hết các phi công hy sinh trong các trận không chiến của quá khứ mấy năm trước đều được chôn cất ở khu rừng này, bên bia mộ của họ chỉ khắc số hiệu, không có gì khác. Thậm chí một vài người đến phần mộ còn không có, chỉ có duy nhất một khối bia đá có khắc một số hiệu. Chú nhỏ nói, nếu một ngày nào đó chú hy sinh, cõi trở về của chú cũng sẽ ở nơi này. Khi chú thốt ra lời này, chú siết chặt tay Cậu nhỏ bên cạnh.
Chúng tôi chỉ ở Trùng Khánh ba ngày, sau đó bắt đầu rời đi trở về vùng căn cứ Không quân, bởi vậy chúng tôi còn chẳng bỏ ra được chút thì giờ này trở về Đinh Gia nhìn thử một cái. Nhã An cách Trùng Khánh cũng không tính xa xôi, nhưng lại trở thành nỗi tiếc nuối lớn nhất đời này của Cậu nhỏ.
Trung đội trưởng đã quên mình hy sinh trong trận Không chiến lần này, Cậu nhỏ đảm nhiệm chức vụ này. Áp lực đột ngột đè nặng trên vai cậu, nhiều đêm không ngủ yên giấc, tôi khờ dại cho rằng mỗi người đều có thể nghe "Tôi ngóng trông hoa hòe bao giờ nở rộ" mà tiến vào giấc ngủ, thì ra không phải. Sau đó, chuyện đáng sợ nhất ở nhà mỗi ngày đối với tôi chính là nghe thấy tiếp đập cửa. Người nhà của phi công, bọn họ sẽ đột ngột gõ cửa nhà tôi lúc nửa đêm, lớn tiếng chất vấn chức vụ Trung đội trưởng này của Cậu nhỏ lấy được bằng cách nào, vì sao ngay cả tính mạng người đồng đội của mình cũng không giữ nổi.
Mỗi một lần gia đình phi công chạy đến nhà, Cậu nhỏ đều đuổi tôi ra ngoài, cậu không cho phép tôi chứng kiến cảnh cậu không hề giải thích một lời, cứ thế để mặc cho người ta mắng chửi. Tôi đành phải chạy khắp nơi tìm Chú nhỏ, chú rất biết cách an ủi người khác, chỉ khi tìm được chú, gia đình những phi công ấy mới được khuyên giải quay về.
Trên tường nhà chúng tôi treo bức ảnh chụp tập thể Đại đội 5, Cậu nhỏ và Chủ nhỏ vai sát kề vai đứng chính giữa. Mỗi lần khi thực hiện nhiệm vụ trở về, bức ảnh kia lại thiếu đi mấy người. Từng người từng người dần dần biến mất khỏi bức ảnh tập thể Đại đội 5, Cậu nhỏ đều yêu cầu tôi nhớ kỹ tên của họ.
Buổi tối một ngày nọ, khi đang kiểm tra bài tập về nhà của tôi, Cậu nhỏ bất chợt nhìn chằm chằm sách giáo khoa Quốc văn, chăm chú nhìn hơn nữa ngày rồi nói với tôi, "Tiểu Ngộ Chi, vở bài tập của con cho cậu mượn một tờ giấy."
Tôi xé một tờ cuối cùng cho cậu, nhưng Chú nhỏ bên cạnh hình như nhìn ra ý đồ của cậu, lập tức ngăn lại và nói, không may mắn, đổi sang nơi khác viết đi. Cậu suy nghĩ hồi lâu, sau này tôi mới vỡ lẽ ra, Cậu nhỏ nhìn thấy《Thư Gửi Vợ》(4) trên sách giáo khoa, có lẽ nhớ đến phong di thư (bức thư tuyệt mệnh) người phi công bất cứ lúc nào cũng phải chuẩn bị đầy đủ, vẫn còn chưa đặt bút viết.
(4): 《Thư Gửi Vợ》là một phong thư cuối cùng được viết bởi liệt sĩ cách mạng Lâm Giác Dân viết vào tối ngày 24/4/1911 gửi cho người vợ Trần Ý Ánh. Trong bức thư tuyệt bút này, tác giả uyển chuyển khúc chiết biểu đạt tình cảm sâu sắc của mình với vợ và tình yêu sâu nặng đối với Tổ quốc vào lúc dầu sôi lửa bỏng. Ông lý giải một chân lý sâu sắc: Không có hạnh phúc của Quốc gia và Nhân dân, thì sẽ không có hạnh phúc chân chính của cá nhân. Toàn văn rất thiết tha, giọng văn uyển chuyện động lòng người, khiến người ta cảm động tận tâm can, có sức cuốn hút mãnh liệt. (Theo Baidu)
Nói đến di thư, trước nhiệm vụ đầu tiên sau khi tiến vào Đại đội 5, chính bởi vì chuyện di thư, hai người từng có một lần cãi lộn không hề vui vẻ. Cậu nhỏ không thích viết mấy thứ này, cảm thấy nếu như viết ra thì sẽ giống như thật sự từ trên bầu trời cao vời vợi rơi xuống. Đại đội trưởng đích thân tới khuyên nhủ cậu, khuyên không được, chỉ có duy nhất Chú nhỏ mới thuyết phục được cậu. Nhưng Chú nhỏ vừa mở miệng muốn nhắc tới việc này, Cậu nhỏ tức khắc nổi giận, "Vậy cậu nói xem, di thư của tớ phải đề ai nhận, là cậu hay là Ngộ Chi?"
Đây có lẽ cậu thật sự nóng nảy mới có thể nhắc lôi cả tên họ tôi vào. Chú nhỏ bất đắc dĩ ấn chặt bờ vai của cậu, "Tớ và cậu cùng một đội, mỗi ngày đều cùng nhau bay, cùng nhau hạ cánh, nếu xảy ra chuyện gì cũng phải cùng nhau trải qua, tớ không đủ tư cách nhận bức thư ấy."
Cậu nhỏ nghe xong càng tức giận hơn, "Cậu có biết nói chuyện không vậy?"
Chú nhỏ cười khổ một tiếng, "Tớ đây không phải là đang sợ nếu như chính mình xảy ra chuyện gì, cậu lại không biết đi tìm tớ ở đâu sao."
Cậu nhỏ lắc đầu, quật cường nói, "Ai nói tớ không biết, dù sao tớ cũng biết lái máy bay, trời Nam biển Bắc, dù ở đâu tớ đều có thể tìm được cậu." Có lẽ nhìn thấy sự kiên quyết trong cậu, Chú nhỏ lùi một bước, dùng giọng điệu nhẹ nhàng bông đùa nói, hai ta rốt cuộc là ai đi tìm ai thường xuyên hơn hả, khi còn học trong Trường Hàng Không, vừa kết thúc giờ học cậu luôn thích trộm bay đi khắp nơi, cậu có biết ở trên trời tìm kiếm khó đến nhường nào không. Cậu nhỏ bĩu môi, cúi đầu nhỏ giọng thầm thì, "Nếu cậu đã biết tìm một người khó khăn đến thế, vậy thì đừng bao giờ rời đi."
Sự kiện di thư cho dù coi như qua đi rồi, khuyên can mãi, Cậu nhỏ cuối cùng cũng sẵn lòng đặt bút viết xong và giao nộp lên trên.
Từ Trùng Khánh trở về, Cậu nhỏ luôn nhốt mình trong thư phòng tầng hai, luôn tay viết lách viết đến đêm khuya. Tôi hỏi cậu viết gì thế, cậu mỉm cười nói đang viết di thư. Cậu nói cậu sợ chính mình sẽ trở thành Trung đội trưởng thứ hai hy sinh, đến lúc đó tôi và Chú nhỏ ngay cả bức di thư cũng không nhận được, vậy thì quá nuối tiếc rồi.
Khi ấy tôi dõi theo bóng lưng cậu, cảm thấy người Cậu nhỏ cố chấp, nhất quyết không chịu đặt bút viết di thư kia, sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Trước kia, tôi từng mong hai người bay thật cao, nhìn ngắm trên bầu trời có cái gì, sau đó trở về kể cho tôi nghe. Hiện tại, tôi chỉ mong hai người sớm hạ cánh một chút, tôi đã không muốn biết trên bầu trời kia có gì nữa rồi. Tôi thậm chí còn phàn nàn với thím Thụy Nghi, "Buổi tối mấy ngày nay tiếng máy bay ầm ĩ thật đấy, con chẳng ngủ được gì cả." Thím Thụy Nghi nói rằng ngày mai dẫn tôi cùng ra ngoài mua mật ong, buổi tối trước khi đi ngủ uống một ly nước mật ong là có thể ngủ an ổn hơn rồi.
Nhưng mà buổi sáng ngày hôm sau trời đổ mưa trắng xóa, chúng tôi đều không bước chân ra cửa. Buổi tối mưa tạnh, Chú nhỏ đến Hàng Ủy nhận danh sách nhiệm vụ tháng tới, Cậu nhỏ ở trong thư phòng kiểm tra bài tập của tôi, đột nhiên có người gõ cửa, tôi giật mình hoảng sợ, còn tưởng rằng gia đình Không quân đến. Mở cửa mới nhìn thấy người đến là nhân viên mặt đất ở sân bay, anh ấy báo cáo rằng có một phi công đã bị kích thích từ nhiệm vụ lần trước, bất chấp mọi sự ngăn cản chạy tới sân bay rồi lái máy bay rời đi. Thời tiết xấu, người kia nhanh chóng mất liên lạc với mặt đất. Cậu nhỏ vội vội vàng vàng chạy đi theo anh ấy, tôi gọi điện thoại đến Hàng Ủy báo chuyện này cho Chú nhỏ, Chủ nhỏ chỉ an ủi tôi vài câu rồi lập tức cúp máy.
Hôm sau cả hai người đều không trở về nhà, thím Thụy Nghi đưa tôi đến trường. Ở cổng trường, tôi hỏi thím rằng Cậu nhỏ liệu có xảy ra chuyện gì không, thím nói, Chú nhỏ nhất định sẽ tìm bằng được Cậu nhỏ, bất luận cậu đang ở nơi nào.
Những lời này, tôi vẫn luôn khắc ghi tận tâm khảm cho đến một ngày nọ, khi Chú nhỏ không còn cơ hội để đi tìm kiếm Cậu nhỏ nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top