London giữa mùa dã yên thảo
Em đã ở đâu một quãng đường trần?
Mùa đã yên thảo trên đầu anh loay hoay phía nào cũng không nguôi nhớ
Mỗi bước anh qua dùng dằng từng hơi thở
Tẩn ngẩn tần ngần, vương vướng nụ cười em.
(HP)
Năm lớp 12, khi vào ký túc xá Lê Quý Đôn ở Nha Trang học ôn thi quốc gia, tôi cầm theo cái máy cassette mà mua 50 ngàn ở tiệm cầm đồ và cuốn bằng nhạc nhão nhoẹt các bài hát thu âm bên hải ngoại. Khi bắt đầu những năm ba mươi của nhạc sĩ Trần Duy Đức qua tiếng hát thần sầu của nữ danh ca Lệ Thu là bài tôi nghe nhiều nhất. Nha Trang chiều cuối năm, gió biển se se lạnh, có hơi điện khi cậu học trò nhà quê mười bảy bẻ gãy sừng trâu mộng mơ nghĩ về năm tháng ba mươi? Không biết có phải cạo mặt mỗi ngày hay để râu lởm chởm? Lúc ấy đang ở Ninh Hòa, Nha Trang, Sài Gòn, hay xa tít tắp vùng trời nước Mỹ? Có sống được với nghề giáo viên yêu thích, hay phải chạy ăn từng bữa mà quên hết đam mê? Bạn bè có liên lạc thường xuyên hay lặn tắm mất hút? Có sánh bước với người mình thầm thương trộm nhớ hay sẽ mãi vò võ cô đơn?
Tôi mang mấy câu ấy hỏi đi suốt thanh xuân trên đất Mỹ. Bận rộn thì không nhớ gì, chứ rảnh rỗi vẫn hay nghĩ về quãng thời gian xa nhà ngắn ngủi nhưng nhiều kỷ niệm đó. Nhìn lại bước đường mình đã đi qua, mới thấy sức chịu đựng phi thường của con người giữa quăng quật cuộc đời. Người ta bảo cái gì càng mong đợi thì càng lâu đến. Nhưng tuổi tác thì khác, vào một cái nó đã tới trước mặt và tỏ vẻ kiêu hãnh thách thức rồi.
30 tuổi, ngoài công việc ổn định với số lượng kha khá, tài khoản ngân hàng có ít tiền và bằng đại học loại giỏi, tôi chẳng sở hữu gì nữa. Ba má bỏ tôi đi khi chưa kịp nói xong lời từ biệt. Ngày má mất, tôi không về để chịu tang và gục đầu khóc ngất trên cơ thể lạnh lẽo, khói hương nghi ngút vì chẳng đủ tiền. Ngày ba lìa bỏ cuộc đời, tôi chỉ kịp về nhìn mặt lần cuối qua tấm gương mập mờ rồi mấy tiếng sau đau đớn tiến ông về lòng đất lạnh. Bao nhiêu năm nay, tôi thèm cầm bàn tay tảo tần của má áp lên mặt, mong được nắm lấy bàn tay nhăn nheo của ba hẹn lúc trở về. Tôi muốn nghe tiếng mà thở dài mỗi khi gió mưa về giăng khắp lối, nghe giọng nghèn nghẹn của ba khi tôi cất bước giã từ. Nhưng ước mơ tưởng đâu giản đơn mà thiên thu không thể nào thực hiện được. Mãi mãi tôi chẳng gặp lại họ nữa bao giờ. Cái mốc 30 quả là kinh khủng. Nhưng dù muốn dù không thì số phận vốn vậy, có gào thét khóc la cũng chẳng thay đổi được gì. Người ta bảo nửa đời người rồi, hạ cánh đi là vừa chứ đừng lông bông nữa. Nhưng đó là thời đói khổ của ông Y Vân mấy chục năm trước. "Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời". Chứ giờ y học phát triển quá trời, 30 chỉ mới một phần ba thôi, tôi vẫn còn hai phần ba để nhìn đời và suy ngẫm.
Ngày rời Việt Nam ở tuổi 18, tôi nghĩ, tới 30 sẽ quay bước trở về. Giàu sang nghèo hèn gì cũng bỏ hết để làm lại từ đầu. Nhưng dấn thân rồi mới biết, cuộc đời không êm đềm như mình nghĩ. Buồn ghê. Tháng 9-2011 mộng mơ, tôi về giữa vòng tay ấm áp của gia đình và bè bạn trong tiệc mừng sinh nhật 30 mùa nắng lạ. Sài Gòn bao giờ cũng nhân hậu đón tiếp tôi trở lại. Thành phố vẫn dịu dàng từ phía trên cao, lung linh giữa ánh đèn đêm huyền ảo. Coffee Bean luôn yêu thương tôi mỗi sáng. Quán nhậu lề đường với hàng trăm câu chuyện trên trời dưới đất chưa bao giờ thôi hết vui cười. Ninh Hòa là nơi cho tôi ngủ cả ngày đêm không giật mình hốt hoảng. Các món ăn quên ngoài đường hay chị nấu lúc nào cũng giữ mãi mùi vị quen thuộc, chỉ cần ngửi là biết được hàng quán của ai rồi. Quyến luyến thế rồi cũng phải rời xa, để về lại bên kia trời kiếm sống.
Thay vì bay một lèo về Mỹ (sau khi dừng ở Tokyo như mọi khi), tôi phát hiện mình có thể dùng điểm thưởng của United Airlines để quá cảnh một chặng bất kỳ ở châu Âu hoàn toàn miễn phí. Lúc đầu tôi định ghé Paris hoa lệ, lấp lánh ánh đèn khi màn đêm buông phủ ở Eiffel, hay tới Rome, thành phố vĩnh hằng ngàn năm còn ghi dấu, hoặc về Copenhagen ngồi nghe nàng tiên cá hát giữa biển khơi... Suy đi nghĩ lại, tính tới tính lui, sực nhớ tới Hoàng đang đi học ở London, thế là nhắn tin cho em "Có rảnh không dẫn anh đi chơi?". Năm phút sau đã có câu trả lời đồng ý.
30 chẳn, lần đầu tôi đặt chân tới châu Âu. Và London trở thành miền nhớ khôn nguôi, chưa bao giờ thôi hết yêu thương mỗi khi tôi trở lại. Chiếc Boeing 747 của Thai Airways to lớn nhưng già khú rung lên bần bật mỗi khi qua vùng nhiễu động, cuối cùng cũng đưa tôi tới London sương mù che khuất. Do lần đầu bay của Thai Airways nên tôi không rành. Chứ sau này quen rồi, tôi mặc sức chọn máy bay, ghế ngồi, khoang hạng... để tạo sự thoải mái nhất cho mình trong mười mấy tiếng lơ lửng trên trời. Heathrow rộng kinh hồn, cổng này tới cổng khác xa lắc lơ. Đứng xếp hàng nhập cảnh cả tiếng mới được thông quan. Cuối cùng cũng ra được bên ngoài sau khi lấy hành lý trong tiếng nhạc rộn rã của Spice Girls, năm cô gái tuổi thanh xuân tươi đẹp.
If you want my future, forget my past
If you wanna get with me, better make it fast
Now don't go wasting my precious time
Get your act together we could be just fine.
Hoàng đợi tôi ngay tại công như lời đã hứa. Hơn một năm không gặp, cậu trai trẻ nắng gió Nha Trang ngày nào giờ trắng ra chút đỉnh, cao nhồng, ăn mặc chất và hiện đại hơn. Hai đứa mừng mừng tủi tủi ôm nhau giữa trời se lạnh xứ người, hỏi han về vài người bạn cũ. Biển quê em vẫn thế. Sóng to, gió lớn nồng nàn. Khách phơi mình trên biển mỗi độ hè và mang lại nguồn lợi khổng lồ cho thành phố. Sài Gòn nơi em học vẫn chưa bao giờ thôi quyến rũ. Ai lỡ một lần vương vấn, cứ nhớ mãi khôn nguôi. London đối xử với Hoàng hơi tệ. Số tiền để dành và gia đình tích góp đưa sang du học, gặp phải trường ma đóng cửa. Thế là toàn bộ tín chỉ và học phí bị mất sạch. Phải cày cuốc để làm lại từ đầu.
Hai đứa lên tubel, vòng vèo mấy line, nào là Piccadilly tới Central, District Line để về nhà trọ. "Mind the gap. Mind the gap", giọng cô gái rặt Anh vang lên dễ thương vô ngần. Lời thông báo ngắn gọn mỗi khi tàu vào ga là biểu tượng không thể thiếu của hệ thống tàu điện ngầm London, kêu gọi người ta chú ý khoảng cách giữa sàn tàu và sân ga, đề phòng tai nạn. London Underground là hệ thống tàu ngầm chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới (1863). Đây là sáng kiến vĩ đại của vương quốc Anh, nơi nổ ra cuộc Cách mạng công nghiệp. Hơn 150 năm sau, vòng tròn màu đỏ trên nền trắng với dòng chữ xanh da trời ghi tên ga đã trở nên thân quen với bao thế hệ người Anh và du khách khắp nơi. Dẫu giờ hơi cũ và tụt hậu, nhưng với 402km đường ray, kết nối 270 ga và chuyên chở hơn một tỷ hành khách mỗi năm đã tỏa đi khắp nơi trong thành phố, ra tận vùng ngoại ô, thực hiện triệt để chính sách giãn dân của London.
Nếu không có nó, chẳng biết mọi người phải xoay xở ra sao. Bữa nào tube bị trục trặc, chắc cả London tê liệt quá. Mỗi lần đi đâu xa, lại nhớ câu "Mind the gap" dễ thương của cô gái ấy.
London tháng Chín, sắp sửa vào thu. Nắng không gay gắt mà rót mật vàng ươm lên khắp mọi nẻo đường phố xá. Buổi sáng tinh mơ, hàng cây ven ga bắt đầu trở vàng, gió mười phương thổi nhẹ mơn man, thơm thơm mùi bánh nhà ai đang nướng. Hai đứa ngồi trên ghế gỗ đợi tàu. Hoàng chắc không có cảm xúc gì ngoài việc mong tàu đến thiệt nhanh, để về nhà nghỉ ngơi vì phải dậy sớm. Tôi lại muốn tàu đừng vội đến để thảnh thơi hít thở không khí thoáng đãng, nghe chim vu vơ hót trên cành cao và đợi chiếc lá úa vàng rơi xuống gót chân để nhặt về làm kỷ niệm.
Ngẫm ra cũng có lúc mình sến đớn đau, khác hẳn với vẻ ngoài lạnh lùng và bị nhiều người chửi là tàn nhẫn, khô khan và khó chịu. Tàu từ từ vào sân ga. Tôi nghĩ, đó là hình ảnh đẹp và bình yên lâu rồi mới tìm thấy được. Để rồi sau đó, lần nào có dịp đến đây, tôi cũng ra mấy ga trên mặt đất để ngồi. Chẳng để làm gì. Chỉ ngắm cảnh chung quanh và nhớ lại thời trai trẻ của mình, làn đầu đến với London mê đắm.
King's Cross! King's Cross! Trời ơi, cái bảng đỏ hiện ra ngay trước mắt mình mà tôi cứ nghĩ là đang nằm mộng. Không ngờ một ngày nào đó, tôi được chạm tay vào sân ga cổ tích này. Tôi nhìn trái phải, ngó trước sau, coi thử có trụ nào thiệt to giữa platform 9 và 10 của dân Muggle để lấy đà thiệt nhanh, chạy xuyên qua vào platform 9, nơi Harry Potter cùng các bạn bắt chuyến tàu Hogwarts Express trong bảy mùa thu đến trường Hogwarts học thành pháp sư và phù thủy. Cũng tại nơi này, trong thế giới nửa thực nửa ảo, sau khi bị Voldermort đánh chết phần hồn lưu lại trong người mình, Harry đã gặp thầy Dumbledore và kể cho nhau nghe cuộc hành trình gian nan đi tìm và tiêu diệt trường sinh linh giá.
Thế giới tưởng tượng của nhà văn Rowling phong phú quá, đã đi theo chúng tôi từ khi còn là đứa trẻ chập chững vào đời, cho tới giờ đã ngoài 30, nhưng từng chi tiết và nhân vật cứ gắn mãi trong đầu. Giờ đứng giữa nhà ga King's Cross, tự nhiên lòng rưng rưng muốn khóc. Do có người dân đi, nên tôi chẳng phải ghi nhớ đường làm gì cho mệt. Hoàng bảo chuẩn bị xuống thì tôi xuống, lên thì tôi lên. Có lẽ vì thế mà tới tận bây giờ tôi hơi mù tube ở đây. Hoàng bảo: "Em ở trọ trong căn phòng tầm 5m2 trong ngôi nhà chẳng lớn là bao của một chú Việt Nam lãnh trợ cấp xã hội.
London chật chội, giá nhà đắt nhất thế giới, nên thuê được phòng giá rẻ có chỗ ngủ và đi tắm là mừng lắm rồi. Ông sướng lắm anh ơi. Mỗi năm về Việt Nam sáu tháng trời, nhà ở đây cho thuê kiếm thêm, ngoài mớ tiền giúp đỡ từ chính phủ. Sếp tôi từng làm cho Bộ Xã hội Anh gần 30 năm trước, lúc chưa tới Mỹ. Nhiệm vụ của ổng là đi kiểm tra mấy người ăn tiền trợ cấp mà sống sang hơn cả nữ hoàng. Hệ thống an sinh xã hội nước Anh tốt cực kỳ. Nhiều người hồng làm gì, cứ sòn sòn đẻ con, rồi xếp hàng xin giúp đỡ. Mà họ không thèm ở nhà chật chội trong mấy khu ổ chuột đâu nha. Luôn chọn khu xịn và sang, phòng ốc tiện nghi cho thoải mái.
Bay 12 tiếng. Thêm hai tiếng ngồi tàu nữa mới về tới nhà. Tôi chỉ kịp tắm rửa, chẳng ăn uống gì, hai anh em mỗi người mỗi góc, nhắm mắt ngủ khò, giữa tiếng niệm kinh "A Di Đà Phật, A Di Đà Phật" thanh bình trong chiếc loa thùng, chủ nhà dặn mở thâu đêm suốt sáng.
Thủ đô nắng lên dẫu còn khá lạnh. Thành phố đa sắc tộc nhất thế giới với hơn 300 ngôn ngữ đang háo hức đợi chờ. Sau một giấc đã đời, việc đầu tiên phải làm là bắt tàu đến ga Waterloo thăm chuông đồng hồ Big Ben danh tiếng.
Khi đặt chân lên cầu Westminster trứ danh, tôi mừng phát khóc. Sông Thames mùa thu nước xanh trong, êm đềm chảy qua cây cầu đông khách. Thames không đơn thuần là dòng sông lớn, uốn quanh, chia cắt London thành hai bờ Nam - Bắc, mà còn mang trong lòng bao lịch sử kiêu hùng lẫn đau thương của thủ đô và cả nước Anh xinh đẹp. Từ di chỉ khai quật, các nhà khảo cổ đã xác định con người bắt đầu định cư bên dòng Thames khoảng 4,5 ngàn năm trước Công nguyên. Vào năm 43 sau Công nguyên, người La Mã đã lập nên Londinium, tiền đề của London, rồi người Anglo-Saxon chuyển đến cư trú vào thế kỷ 7. Sau hai ngàn năm đằng đẵng, London chuyển mình kỳ vĩ. Dưới đáy sâu trầm tích, Thames đã khóc cười với phố phường, chứng kiến bao đau thương, tang tóc. Sông chôn vào lòng hàng ngàn người chết vì dịch bệnh và hỏa hoạn, như sông mẹ, đi qua bao thế hệ cuộc đời, vào bóng bẩy thơ ca, làm nhiều người như tôi mơ ước chạm vào, giờ mới thỏa lòng, toại nguyện.
Và thoáng thấy bóng dáng Big Ben soi bóng dưới Thames, tôi mới biết mình đã thực sự đến London. Big Ben trên bưu thiếp trước tu viện Westminster, Big Ben trong tờ lịch treo tường, Big Ben biểu tượng cao quý của nước Anh, đang hiện ra sờ sờ trước mặt. Tôi không phải là người mắc chứng "ái vật" nhưng thiệt tình muốn hét thật to cho cả thế giới biết mình đang vui sướng và hạnh phúc thế nào khi đối diện với "người tình trong mộng". Big Ben là tên gọi thân thương của quả chuông bên trong tháp đồng hồ lớn. Còn tên thật của nàng là Great Bell (quả chuông lớn). Từ tiếng chuông đầu tiên vào năm 1859, Big Ben và nước Anh đã đi qua những khủng hoảng quốc gia, Thế chiến I, Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh... nhưng dáng vẻ oai phong của tháp chưa bao giờ mất. Chuông vẫn vang giòn khắp bốn phía thủ đô.
Tôi không muốn rời nơi này tỉ nào hết. Tôi muốn dựa vào thành cầu nghiêng mình xuống Thames xanh thẳm, để nhìn London Eyes, vòng quay Thiên niên kỷ khổng lồ, cao 135m lúc nào cũng đông nghẹt khách ngồi trong lồng kính ngắm 55 địa danh nổi tiếng nhất thủ đô từ thấp đến cao. Tôi muốn im lặng ngắm chuyến xe buýt hai tầng màu đỏ qua lại trên cầu. Bác tài nào cũng nhấn ga chầm chậm, không phải để né người khỏi tai nạn, mà để cho khách giơ máy ảnh hay điện thoại chụp hình, lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp lúc xe chạy ngang qua.
Hai đứa chầm chậm đi bộ xuống cạnh bến sông để có thể thấy toàn cảnh tu viện Westminster Abbey xây bằng đá vàng in bóng dưới Thames. Nằm trước nghị viện Vương quốc Anh, giữa hai ngôi tháp Big Ben và Victoria Tower, thánh đường có hai tháp chuông bằng đá giống Notre Dame ở Paris, luôn là một biểu tượng gắn liền với sự thăng trầm của thành phố. Được vua Edward the Confessor xây vào năm 1042, đến nay đã gần một ngàn tuổi mà Abbey chưa hề già cỗi. Là chỗ lên ngôi và an nghỉ của các vị vua, nữ hoàng của nước Anh hùng mạnh, nơi chôn cất hay khắc tên của những nhà khoa học nổi tiếng nhu Newton, Darwin và Shakespeare lừng danh.
Được nhà thiết kế nổi tiếng Giles Gilbert Scott giới thiệu vào năm 1924, hơn 90 năm sau, buồng điện thoại đó đã trở thành nền cho hàng tỷ tấm hình du khách đến London. Và tất nhiên, chẳng có lý do gì để tôi không có một vài pô ảnh với nàng ấy. Bao năm nhìn lại, tôi nghĩ, đó là hình ảnh lộng lẫy nhất của mình. Sau này đi nhiều thành phố khác như Oxford, Manchester, Blackpool, tôi cũng gặp các buồng điện thoại đó, nhưng hình như chỉ ở London nó mới rực rỡ, nồng nàn và tươi thắm, như mới được sơn từ tối qua. Thời đại công nghệ thông tin, smartphone thay thế vai trò của các buồng điện thoại công cộng nên chắc chẳng mấy ai dùng nó nữa. Nhưng biểu tượng muôn đời vẫn là biểu tượng. Mỗi đất nước, mỗi thành phố có một biểu tượng nổi tiếng đã vui rồi. Nhưng không hiểu sao ở London, cái gì cũng là biểu tượng.
Hai đứa xuống thuyền đi dọc Thames. Thay vì ngắm nàng ấy từ trên cầu cao, tôi có cơ hội ngồi trong lòng, sát một bên, len lén thò tay vọc nước và ngửi được mùi rong nồng ấm từ dưới đáy. Sông Thames, đoạn qua London có 33 cây cầu lớn nhỏ bằng đá, thép, bê tông, cầu vòm, dây võng, dây văng... nối hai bờ Nam - Bắc.
Cầu Sông Thames không chỉ là phương tiện qua sông, mà còn gieo thương nhớ cho bao nhiêu người già trẻ. Buồn ra cầu đứng cho bớt buồn. Vui chạy tới cầu chia sẻ sự hân hoan. Nhớ ai chạy ra cầu đứng nhìn cho đỡ tủi.
Cầu Tháp (Tower Bridge) kết hợp giữa cầu treo và máy nâng cho thuyền lớn đi là cây cầu đẹp nhất, làm xao xuyến lòng người qua mấy trang tạp chí. Trong nắng trưa, Cầu Tháp được xây theo lối Gothic, hoàn thành năm 1994, Với hai ngọn tháp cao 65m oai phong hiện lên uy dũng, bất chấp thời gian tàn phá. Thuyền đi qua City Hall có hình vỏ sò bằng kính và tòa nhà chọc trời khổng lồ The Shard ở phố Southwark đang dần dần hoàn thiện. Cầu Waterloo ngay tại nhà ga Waterloo đông người, gợi nhớ trận đánh kinh hoàng trên đất vương quốc Bỉ, đã làm vỡ tan giấc mộng vĩ cuồng của Napoleon, thống nhất châu Âu... Chui qua cầu London từng được bán với giá 2,5 tỷ đô-la cho doanh nhân người Mỹ, giờ đã thay hình đổi dạng từ cầu đá cong sang dầm hộp bê tông. Anh hướng dẫn cất giọng đọc bản đồng dao buồn của con nít xứ này:
"London Bridge is falling down
Build it up with wood and clay
Wood andclay will wash away
Build it up with bricks and mortar
Bricks and mortar will not stay
Build it up with iron and stell
Iron and sell will bend and bow
London bridge is falling down...",
Hay đó cũng là tiếng thở dài của dân London, cho cây cầu cả ngàn năm tuổi giờ chẳng còn hồn vía.
Chúng tôi xuống thuyền ngay bến Tháp London (London Tower) bên bờ Bắc của sông Thames. Trải theo dòng lịch sử, nơi đây từng là pháo đài, rồi cung điện, xưởng đúc tiền, kho vũ khí và Sở thú. Tương truyền nó là nơi bị ma ám nhiều nhất nước Anh. Tháp London từng giam nữ hoàng Elizabeth II (khi còn là Công chúa) và hàng ngàn người khác theo đạo Tin lành, rồi những người không từ bỏ niềm tin công giáo hoặc chống đối với vương lệnh của Elizabeth II khi bà lên ngôi. Hai đứa ngồi bệt trên thềm đá, nhìn bãi cỏ xanh bị hàng rào ngăn lại. Lũ bồ câu dạn dĩ nhào tới tìm thức ăn như chỗ không người.
Xa xa, Tháp Máu (Bloody Tower) hiện lên đau đớn. Tôi dỏng tai nghe hướng dẫn viên gần đó say sưa trình bày cho du khách. Sau khi vua Edward IV qua đời vào năm 1983, em trai của ông, Richard công tước xứ Gloucester, đã chiếm ngôi, giam cầm hai người cháu là vua Edward V và Richard trong tòa Tháp Máu. Mãi đến năm 1674, mấy người thợ sửa sang tòa tháp đã đào được hộp gỗ chứa hai bộ xương trẻ nhỏ, nhưng tới giờ hoàng gia vẫn chưa khẳng định đó là xác của vụ án năm xưa.
Dù hàng ngàn người bị giam cầm ở đây, nhưng chỉ có năm phụ nữ và hai đàn ông bị chém đầu trong khu vực của tháp để giữ danh tiếng cho họ. Đó là hoàng hậu Anne Boleyn vợ của vua Henry VIII, Catherine Howard và nữ hoàng Jane Grey. Gần 1,5 ngàn người khác bị chém ở ngọn đồi Tower. Đầu bị bêu thị chúng trên cầu London và thi thể được chôn dưới nền nhà thờ trong tháp. Người ta nói rằng, hồn ma không đầu, mặc váy trắng xóa của hoàng hậu Anne Boleyn thỉnh thoảng đi lại trong tháp. Hồn ma của Arabella Stuart, cháu gái nữ hoàng Mary xứ Scotland vẫn vất vưởng sau khi bị bỏ cho chết đói.
Rồi vua Henry VI, Jane Grey và các hoàng tử kể trên mấy trăm năm rồi vẫn chưa siêu thoát, oan hồn vật và dưới bóng trăng thanh.
Đói bụng quá, hai anh em tới gần đó mua đồ ăn. Đã đến nước Anh rồi thì phải thưởng thức đặc sản cá và khoai tây (fish and chips). Nắng bớt gắt hơn, nhạt dần giữa bãi cỏ xanh, trên nóc Tháp London và vàng đi hẳn. Tôi ngước mặt lên, để tia nắng lung linh nhảy múa lên da mình. Có cảm giác ngồi một tí thôi là đủ vitamin D cho cả mùa thu đông sắp tới. Dã yên thảo, loài hoa rực rỡ mùa hè với đủ màu đỏ, hồng, vàng, tím, ở Mỹ giờ có lẽ sắp tàn, thay bằng các nồng nàn thơm mát nhưng ở London sau vài tháng, sắc thắm hắt lên trời, lên mắt, lên tay, lên màu tường xám của những lâu đài xung quanh như bức tranh đẹp tuyệt trần, khó lòng phai nhạt.
Hai đĩa fish and chips thiệt bự được bưng ra để trước mặt. Mùi cá thơm lừng kèm mở khoai tây chiên giòn có miếng chanh và nước xốt trắng nhìn tôi thách thức. Nghe đồn có tới 10 ngàn cửa hàng như thế khắp nước. Ở đây gọi khoai tây chiên là chips chứ không phải french fries. Chắc do mối thù "bất cộng đái thiên" giữa người Pháp với Anh nên phải né. Mỗi năm, số lượng cá tuyết bị giết để lọc xương đem chiên chắc lên đến vài trăm triệu con. Và số khoai tây được thu hoạch cỡ hàng tỷ tấn. Tôi cắn miếng cá. Da giòn, thịt ngọt kinh hồn. Chỉ có điều ăn tới miếng thứ ba thôi là ngán vì dầu mỡ quá nhiều. Do tôi không thích khoai tây chiên, nên chắc chỉ ăn một lần cho biết.
No căng bụng. Hai đứa lại lên tàu qua Soho gần Chinatown để uống trà. Nếu như ẩm thực của người Anh vào loại chán nhất thế giới, thì ngược lại, họ lại rộng rãi và bao dung vô cùng với các thể loại trà. Trà sáng, trà trưa, trà chiều, trà tối. Hết trà xanh tới trà đen, trà chanh, trà lài, trà đậm, trà nhạt vào tất cả mọi ngày trong tuần mà không biết chán. Chuyện cũ kể rằng, người Anh thường ăn ngày hai bữa, sáng và tối. Khoảng thời gian chính giữa cách nhau cả nửa ngày, cho nên khoảng bốn giờ là bụng bắt đầu đói meo. Thế là nữ công tước Anna Maria xứ Bedford đã nghĩ ra món trà chiều kèm bánh ngọt để chống đói. Việc này lúc đầu chưa phổ biến trong giới quý tộc Anh. Sau đó lan rộng ra nhiều tầng lớp khác trong xã hội, dần dần trở thành một, thói quen chẳng những không bỏ được mà còn là đặc trưng của cả Vương quốc Anh. Chẳng biết người Mỹ có ảnh hưởng bữa trà chiều của dân Anh không, mà có thêm bữa ăn phụ khá nhẹ vào đầu giờ chiều gọi là brunch, mặc dù họ không quên bữa sáng với trưa và sau đó là tối. Có lẽ do ăn nhiều bữa quả, mà Mỹ là một trong những đất nước có số lượng người béo phì đứng đầu thế giới cũng không chừng.
Lúc này đã là giờ tan tầm nên phố xá bắt đầu đông những chàng trai, cô gái lần anh chị trung niên. Ai cũng ăn mặc lịch sự, cao ráo, xinh đẹp, đứng đầy các pub ven vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường vô tư cười nói. Họ bỏ hết công việc áp lực của một ngày lao động tại thành phố đắt đỏ nhất nhì thế giới, ở trung tâm tài chính toàn cầu, đứng đây cho mọi căng thẳng giãn ra, không cần uống say, chỉ ngà ngà thôi, tối về ngủ vùi, mai lại bắt đầu một ngày rất khác.
Hai đứa bỏ ly trà xuống, ra phố ngắm nhìn. Những chậu hoa trong ánh nắng chiều lả lơi mời gọi. Nghe đồn ở Soho nổi tiếng về câu chuyện bảy chiếc mũi bằng thạch cao có kích thước khác nhau, được ẩn giấu trên nhiều con phố. Đây là tác phẩm nhà điêu khắc Rick Buckley thực hiện vào năm 1997. Lúc đầu ông tạo 35 chiếc đủ kiểu hợp với màu tường rồi đem dán khắp nơi để chụp hình lưu giữ. Qua hôm sau, nó bị dẹp đi nhưng sau đó được gắn lại. Nhiều người tin rằng nếu tìm thấy tất cả bảy chiếc mũi này, họ sẽ có một cuộc đời giàu sang, ấm no và hạnh phúc. Tôi bảo hay mình đi loanh quanh, biết đâu tìm thấy rồi mặc sức đổi đời, không phải đi làm nữa. Hai anh em đi về phía phố Tàu rực rỡ cao cao lồng đèn. Mùi dầu mỡ, thức ăn quen thuộc xệc thẳng vào mũi. Đang nọ cành hông, chứ không cũng vô đó làm một tô mì hoành thánh kem há cảo cho đã đời. Sau này đi đến nhiều phố Tàu nổi tiếng ở New York, Los Angeles, San Francisco, Paris, Bangkok, Sofia, Chợ Lớn ở Sài Gòn hoặc ngay tại quê hương Ninh Hòa, tôi nghĩ, không đâu sạch và ít mùi như Chinatown ở London kỷ niệm.
Không khó để nhận ra tấm bảng "City of Westminster" hay "City of London" nằm ở nhiều góc đường như định phân ranh giới. London mà chúng ta biết là vùng Đại (Greater) London rộng lớn với gần 10 triệu người. Thành phố Westminster vốn là khu tự quản của London, chiếm phần lớn diện tích trung tâm thủ đô và khu West End. Hầu như các danh thắng nổi tiếng như Cung điện Buckingham, Cung điện Westminster, tòa nhà Số 10 đường Downing (nơi cư ngụ của các thủ tướng Anh) đều nằm ở thành phố Westminster này hết. City of London lại là một khu vực rất nhỏ trong vùng Đại London ấy. Là khu lõi chính lịch sử của London thuộc đế chế La Mã thời Trung cổ. Người ta vẫn hay gọi đó là khu Dặm Vuông (Square Mile) vì diện tích chi 1,12 dặm vuông bé nhỏ.
Nhưng ở đây lại có thị trưởng và hội đồng thành phố riêng. Và nghe đâu ngày xưa, mỗi lần các vị vua hay nữ hoàng từ City of Westminster muốn vào City of London, đều phải xin phép.
Soho luôn là góc phố năng động và tươi trẻ nhất của London bởi các pub, bar, quán cà phê, tiệm bánh ngọt dọc khắp ngả đường. Gần đó, còn một khu phố dành cho dân đồng tính. Phải công nhận giới trẻ London đẹp quá. Đúng kiểu thị thành cosmopolitan. Cái chất của áo quần, giày dép, đồng hồ, kiểu tóc, nước hoa lẫn từng bộ ria được chăm chút, săm soi cẩn thận. Dân thẳng (straight) đã lịch thiệp rồi, thì các bạn gay, ngoài một số ăn mặc lập dị, đủ sắc màu vui nhộn, phần còn lại tinh tế đến ngỡ ngàng.
Hoàng cao gần 1,8m nên chẳng lọt thỏm chút nào giữa đám đông. Tôi độn thêm giày cũng chỉ mới có 1,72m, nên thấy thiệt là buồn. Giá mà hồi xưa tôi chịu uống nhiều sữa tươi, chắc giờ không đến nỗi. Hai anh em đi vô mấy tiệm bán sex toy và tạp chí khiêu dâm cho biết với người ta. Đúng là xứ sở tự do về dục tính, tất tần tật mọi thứ đều được phô bày ra một cách rõ ràng, không e ngại.
Đêm tối lành lạnh. Tự nhiên thích chơi trò ú tim. Hai đứa đi về phía Đông, để mua tour khám phá về tên sát nhân Jack the Ripper và một phần bí mật không lời giải, từng là cơn ác mộng gieo rắc kinh hoàng khắp cả London. Tour bắt đầu ngay tại Durwald Street (xưa mang tên Bucks Row), vào ngày 31-8-1888, người ta bàng hoàng phát hiện ra cơ thể bầm tím của Mary Ann Nicholls với hai vết cứa sâu trên cổ làm cho đầu gần như rời ra và bụng bị rạch toang, các cơ quan nội tạng bên trong bị lôi hết ra ngoài. Chưa dừng lại đó, liên tiếp mấy ngày sau, các thi thể khác lần lượt được nhận dạng. Từ Annie Chapman, đến Elizabeth Stride, Catherine Eddowes, rồi nạn nhân thứ năm Mary Jeanette Kelly được phát hiện. Những người phát hiện ra xác chết than rằng sẽ bị ám ảnh đến cuối đời, không thể nào quên. Tất cả các nạn nhân đều có điểm chung là làm nghề gái điếm và cùng bị giết với cách thức phanh thây. Cả London hoảng loạn.
Khu phố nghèo Whitechapel phút chốc thành hang ổ của tên đồ tể giết người. Ai nấy cũng ở hết trong nhà không dám ra đường nửa bước. Bức thư của Jack được gửi đến hãng thông tấn Trung ương Anh như thách thức cả lực lượng cảnh sát. Ngoài năm phụ nữ bị giết có chung một kịch bản, sáu người khác bị sát hại ở nhiều nơi theo cách thức khác nhau. Trước dư luận giận dữ và sự hoảng sợ của đám đông, giám đốc Sở cảnh sát London là Charles Warren phải từ chức. Mọi sự tìm kiếm tên sát nhân đều đi vào ngõ cụt. Dấu vết quan trọng hắn ta để lại không được phân tích một cách rõ ràng. Những người bị nghi ngờ như Kosminski, Montague Druitt, Micheael Ostrog, hay Francis Tumblety hoặc tự tử chết, hoặc bỏ trốn ra nước ngoài đều không có chứng cứ phạm tội rõ ràng. Tên sát nhân tâm thần, bệnh hoạn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vụ án 11 phụ nữ bị giết một cách tàn nhẫn tới giờ vẫn mãi mãi chìm sâu vào bức màn bí mật, không lời giải đáp cho họ yên lòng nơi suối vàng.
Chúng tôi đi qua từng con đường, góc phố hơn trăm năm trước xác của từng nạn nhân lõa lồ được phát hiện. Khu ổ chuột khổ nghèo ở phía Đông East End ngày nào giờ được xây cất, thay đổi khá nhiều nhưng dễ dàng nhận ra vết tích u buồn và thê lương còn sót lại. Cả nhóm người không ai khuyên bảo, tự nhiên đứng sát lại gần. Có người sợ hãi run run. Vài cô gái đưa tay bụm miệng, mắt đỏ hoe khi chuyền tay nhau hình ảnh và bài báo về các nạn nhân tội nghiệp.
Trong ánh đèn leo lét, Whitecapel ảo mờ, gió se se lạnh. Vấn vương đâu đây trên từng viên gạch, mái ngói, bức tường, hàng cây, cọng cỏ, hồn ma của mười một nạn nhân năm cũ vẫn ngày đêm than khóc, đòi mạng kẻ sát nhân.
Thành phố hết sương mù rồi nắng to ban sáng, sau khi mặt trời về núi, đã khoác lên chiếc áo lộng lẫy sắc màu. Trụ đèn ven đường tỏa ánh sáng nhạt vàng, dịu dàng khôn tưởng. Hàng sao soi mình ven bóng. Buồng điện thoại và mấy chiếc xe buýt đỏ khắc khoải hơn giữa đêm thu. Nhà còn xa không em? Cũng không gần mà cũng không xa. Tiếc quá, nếu gần thì mình đi bộ. Anh không muốn ngồi trong tàu điện ngầm xuyên qua lòng đất. Muốn đi dọc hết phố xá chật chội nơi này và mang hết nỗi nhớ cất giấu tận trong lòng. Để năm năm, mười năm và nhiều năm sau nữa, mỗi lần có dịp kể cho ai nghe về London tuyệt mỹ, anh sẽ nói về đêm đầu tiên cùng với người bạn quý đi khắp cùng trên lối mòn bằng đá, ven các tòa nhà có ngàn năm lịch sử, giữa ánh điện đường huyền ảo, bên mấy chậu dạ yên thảo đêm khuya vẫn khoe sắc thắm và khẳng định tình yêu dành cho London nhiều vô cùng vô tận, một lần rời đi là quay quắt nhớ thương.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top