Lối đi ngay dưới chân mình
Năm tôi học lớp bốn, người yêu của chị Hòa từ Mỹ gửi về tặng ba tấm bản đồ thế giới bằng tiếng Anh ép nhựa cẩn thận. Do gửi bưu điện, anh phải gấp làm tám nên khi mở ra nó bị gãy ngang dọc tùm lum. Chúng tôi quý lắm, treo giữa nhà, ngay phòng khách. Tôi đi qua đi lại, ngắm mỗi ngày. Và chẳng biết từ khi nào tôi đã thuộc lòng tất cả tên nước trên thế giới dù lúc ấy một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết.
Năm lớp bảy, tôi được cô Nguyễn Thị Răng dạy địa lý, mỗi tuần hai tiết ít ỏi. Tôi không mê mấy môn chính, cứ trông ngóng tới giờ cô để được dẫn đi khắp thế giới qua mấy bài giảng như thắp lửa trong lòng. Lên cấp ba, tôi học địa với thầy Trương Đình Ba và cô Nguyễn Thị Hương, điệu đàng nhưng nghiêm khắc. Thầy Ba là người "khám phá" khả năng tiếp thu và phân tích dữ kiện trong tôi từ rất sớm. Bằng kiến thức siêu việt của mình, thầy đưa tôi qua nhiều vùng đất, chỉ cho phương pháp áp dụng lý thuyết vào thực tiễn qua quan sát với số liệu, và thắp sáng trong tôi những ước mơ tưởng chừng không thật. Tới tận bây giờ, tôi chưa một lần làm thầy thất vọng vì đã đặt niềm tin vào tôi trong suốt những năm tháng đi dạy của mình. Mỗi lần có dịp về quê, tôi hay ghé thăm thầy. Thầy Ba lãng tại lắm rồi, nhiều khi phải hét to thầy mới nghe tận tường, vậy mà thầy vẫn thích đàm đạo chuyện đời với đứa học trò cưng năm cũ. Tôi khoe thầy về các chuyến đi không có điểm dừng. Thầy bảo: "Ngày xưa toàn dạy chay cho tụi bây, giờ bay lớn, có điều kiện đi khắp thế gian kiểm chứng, nhớ xem thấy dạy có đúng không nhen".
Năm lớp 12, tôi là học sinh giỏi văn của trường. Cùng với bạn Bảo Song, tôi đủ điều kiện thi học sinh giỏi văn tỉnh Khánh Hòa. Vậy mà sau một đêm suy nghĩ, tôi đăng ký thi địa lý. Quyết định ấy làm cô Lê Thị Loan - cô giáo dạy văn của tôi buồn quá chừng (tới tận bây giờ, mỗi khi gặp lại, cô vẫn còn trách móc). May mà hồi đó trời không phụ lòng người, tôi và Vũ Khánh Trường mang về hai giải khuyến khích quốc gia (có thể nói là duy nhất tới bây giờ) cho Trường Phổ thông Trung học Nguyễn Trãi. Ở Mỹ, môn tôi học giỏi nhất vẫn là địa lý. Giáo sư Sherman Silverman của Prince George's Community College hay gọi tôi tới văn phòng, đưa thông tin về chuyên ngành Địa lý (Geography) ở Đại học Maryland và kêu tôi ráng học mai sau về thay thế thầy. Nhưng cuộc sống của một người tị nạn không cho phép tôi theo đuổi ngành mình yêu thích. Tôi học và làm rất nhiều giờ, cộng với tiếng Anh vẫn là một rào cản lớn nên chỉ dám chọn các lớp ít đọc, viết, đào sâu nghiên cứu, mà tăng cường tính toán, logic cho dễ thở. Tôi chuyển trường, theo đuổi ngành công nghệ thông tin. Trong suốt quá trình học cũng đăng ký thêm nhiều lớp địa để hoàn thành các lớp đại cương và thỏa mãn niềm đam mê ngày đó. Ra trường, đi làm quản lý địa ốc, rồi học thêm thạc sĩ tài chính kế toán cho ba vui. Đôi khi "nhớ nghề" cũ, tôi cũng ước có ai nuôi mình vài năm, nghỉ làm, quay lại trường, học cho xong cái bằng, mai sau chồn chân mỏi gối, chán nước Mỹ, ôm gói về lại quê hương, làm ông thầy dạy địa đứng trên bục giảng, cất giọng trầm ấm dạy học trò như ngày xưa mong muốn.
Nói vậy thôi chứ dấu thời gian có quay ngược trở lại, tôi vẫn chọn cách mình đã bước để có được ngày hôm nay.
Ai cũng nghĩ tôi đi khá nhiều, nhưng chuyến bước chân ra thế giới của tôi bắt đầu vào tháng 6-2011, đến Bangkok, một năm sau khi ba mất. Trước đó, tôi thường về Việt Nam, đi lang thang từ Nam chí Bắc, rồi lặng lẽ về ngồi với ba những ngày bóng xế. Hai cha con không nói gì nhiều, ậm ừ cho qua chuyện. Ba lúc nào cũng muốn tôi lập gia đình, sinh con, đẻ cái mai sau nối dõi tông đường. Tôi lần lữa hoài, bảo thôi con còn trẻ ham chơi, vợ con sớm làm chi cho khổ cái thân. Ba tôi mất vào đêm 10-6-2010, đúng 10 năm sau ngày ông dắt chúng tôi rời Ninh Hòa sang Mỹ tìm kiếm tương lai. Thêm một mặt trời nữa đã tắt trong đời. Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi cả mẹ lẫn cha khi chưa tròn 29. Đó là tháng ngày đau buồn và tang thương nhất khi tôi mất hết động lực và niềm vui để sống. Tôi khóc rất nhiều, sụt cân, sức khỏe suy sút, bị suyễn quật ngã vào mùa đông năm đó, gắng gượng mãi mới qua khỏi sau bao ngày thở chẳng ra hơi. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để khỏa lấp nỗi buồn vô hạn này. May mắn thay, những chuyến đi dọc ngang đã trở thành niềm cứu rỗi.
Bảy năm, tôi đặt chân tới 45 bang nước Mỹ. Đi qua gần 60 nước Á, Âu, Mỹ, Úc và sang tận châu Phi. Một mình, với ba lô, máy ảnh, điện thoại, ít tiền mặt và thẻ credit, tôi lang thang tìm hiểu văn hóa, con người, món ăn lẫn niềm vui nỗi buồn của dân bản xứ mà không ghi chép lại. Kể sao cho hết ngày mưa to London rầu rĩ, nắng ráo Cyprus rực rỡ khi lên hình, buổi chiều buồn ở sân bay Lumbini xa lạ mà nước mắt lăn dài, bị bè bạn cho leo cây ở Paris phải tự mày mò tìm đường, rồi đêm một mình trong lâu đài cổ ở Rome giữa một đống dao, tỏi, thuốc ngủ và tiếng Chú Đại Bi vì cái bệnh sợ ma không thuốc nào chữa khỏi...
Và tôi nghĩ, ước mơ vòng quanh thế giới, từ miền cực Bắc tuyết rơi trắng xóa, đến đồng cỏ xavan khô cằn sỏi đá, sa mạc cát vàng nắng gắt ở châu Phi, đi dọc sông Nile, Amazon, Danube, Mekong xanh trong, ghé Rio de Janeiro với những thân hình bốc lửa, New York đêm dài không ngủ, London trầm mặc bên tiếng chuông tháp Big Ben, Buenos Aires rợp trời phượng tím, rồi Lumbini, Jerusalem, Bethlehem tâm linh khởi nguồn các tôn giáo... đều bắt đầu từ tấm bản đồ và cảm hứng năm xưa của thầy cô. Tấm bản đồ ấy, như một người bạn thiếu thời, nằm trong trí nhớ âm thầm, theo chân tôi không rời nửa bước. Từ trang sách, hình vẽ, quả địa cầu và các bài giảng, tôi hiên ngang đi ra thế giới bằng cái nhìn tò mò, khắc khoải của gã thanh niên ngoài 30 với bao chìm nổi, buồn thương.
Tôi viết xong bản thảo cuốn sách thứ 10 trong vòng hai tháng, chủ yếu vào mấy ngày cuối tuần sau chuyến về Việt Nam ăn Tết, đánh dấu năm thứ sáu bước vào thế giới của những người cầm bút. Đi rong trên những múi giờ sẽ đưa bạn vòng quanh thế giới không theo thứ tự địa lý hay thời gian nào. Tất cả, chỉ bằng cảm hứng, ký ức không ghi chép và cái nhìn có phần phiến diện. Tôi chỉ là cây bút nghiệp dư, không phải chuyên gia địa lý, lịch sử hay khảo cổ học, có một vài kiến thức trong bài tôi đọc từ internet và nghe kể lại nên chắc chắn sẽ có sai lệch và không để nguồn. Nếu có gì không phải, mong mọi người niệm tình thứ tha.
Chân thành cảm ơn chị Nguyễn Bích Hạnh của báo Thanh niên đã luôn ưu ái cho Cộng tác viên phương xa, thỉnh thoảng cho em lên trang sáng tác và ngày nào cũng tâm sự chuyện văn chương, đời sống. Cảm ơn chị Thái Thị Lệ Hằng của báo Khánh Hòa, luôn ủng hộ em hết mình dù mỗi năm gặp được đôi lần vội vã. Cảm ơn Hồ Khánh Vân về tên sách, những dòng thơ và bài giới thiệu viết ấm áp tặng anh. Cảm ơn Trương Thanh Thùy lúc nào cũng chịu đựng sự lèm bèm của anh và giúp anh giới thiệu tới báo chí. Cảm ơn Yến Trang luôn đặt niềm tin và khuyến khích anh viết lách. Cảm ơn anh Nguyễn Trọng Thái đã nhún nhường và chịu đựng trước các đề nghị không tưởng để có bìa sách đẹp. Cảm ơn Huỳnh Tấn Đức Linh, Trần Thái Hiển đã giúp anh chọn và sửa hình ảnh. Cảm ơn Huỳnh Tấn Bảo Linh đã giúp anh sửa chính tả. Cảm ơn Hiểu Phượng về sự ủng hộ lặng thầm. Cảm ơn các ca sĩ của Hữu Tài's Productions - Dương Quang Vinh, Đặng Thành Thiện, Lê Trần Tuấn Giang, Nhật Trần, Diễm Út đã gắn bó với mười lần ra mắt sách. Và chân thành cảm ơn tất cả cô bác, anh chị, bạn bè, em út, độc giả thân thương đã mua sách và ủng hộ tôi trên con đường viết lách trong suốt sáu năm qua, Một khi đã mang kiếp thiên di, trời sẽ cho bạn đôi chân trần không mỏi.
Lối đi ngay dưới chân mình. Dù nhỏ to, ít nhiều hay dài ngắn, khi có điều kiện bạn hãy mạnh dạn bước ra ngoài biên giới. Để thấy ngoài kia mọi thứ không hữu hạn và hoàn hảo như sách vở, báo chí hay những gì bạn nghĩ. Thế giới muôn màu, lòng người muôn trùng, đi để thấy mình luôn trẻ trung và năng động, dẫu không thể chối cãi một sự thật, năm tháng cứ mãi ra đi.
Maryland, những ngày chớm hè năm 2018
NGUYỄN HỮU TÀI
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top