Chuyện tình Bangkok

Trong giấc mơ vòng quanh thế giới của tôi, không hiểu sao Bangkok chưa bao giờ có mặt. Tôi thêm một lần đi ngược dòng Mekong chảy qua ba nước Đông Dương cá tôm đầy ắp. Sang Lào, tìm về đất nước triệu voi, tới cánh đồng Chum huyền bí. Qua Campuchia để thỏa thích ngắm thành cổ rêu phong Angkor Wat, đỉnh cao của văn minh nhân loại ẩn trong sâu thẳm đại ngàn. Dọc ngang qua các địa danh hồi còn nhỏ đã nghe các anh trong làng kể lại. Tuổi đôi mươi của họ, với ba lô xanh và mũ tai bèo, băng rừng vượt suối, "muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo", đối mặt với cái chết mỗi ngày trên chiến trường K, chống lại sự bạo tàn của Khmer Đỏ. Muốn tận tai nghe bài dân ca Miên huyền bí, nhìn vũ nữ Apsara in trên đá, hay bâng khuâng trước nụ cười Đức Thích Ca được gốc cổ thụ ôm choàng. Có lúc, lại mơ đứng trên dãy Trường Sơn ngóng cơn gió Lào bỏng cháy, bên nắng gió bên mưa bụi bay, thiêu sạm da trưa hè miền Trung ruột thịt.

Nào ngờ, vì một phút yếu lòng và nông nổi, tôi đã lạc bước theo nụ cười tươi hơn nắng, trong veo vẻo với hai má lúm đồng tiền và ánh mắt tình tứ niềm thương. Để rồi nhận ra Bangkok quyến luyến từng bước chân quen, dùng dằng nửa ở nửa đi, vừa lạ xa nhưng gần gần gũi gũi. Từ lần bất chợt đó đến bây giờ là bảy năm, tôi đến Bangkok bao lần không đếm nổi. Có lúc chỉ quá cảnh tại Suvarnabhumi nối chuyến về Sài Gòn, khi thì ghé lại thăm người-tình-giờ-đa-cũ còn đi học, lúc thì say đắm với giấc mơ thiên thần giữa đêm Khao San ồn ào.

Tôi đến Bangkok khi thành phố chầm chậm chuyển mình sang đêm. Cô hải quan kính cẩn đứng dậy chắp tay vải chào, khi tôi (nhớ lời dặn của em) làm thế trước. Mặt trời vừa kịp trốn chạy trên đường cao tốc từ sân bay về Assumption University. Cơn mưa phùn vội vã ùa qua không đủ làm ướt áo mỏng. Em bảo, mưa nơi này không đỏng đảnh như Sài Gòn của anh, ập tới bất kể lúc nào trong ngày rồi rảo bước đi không lời từ giã. Vào mùa, Bangkok chỉ mưa ban đêm, rả rích hoài tới sáng. Đêm nằm trong ký túc xá giữa khu vườn xanh mướt bóng cây, nghe ngoài kia mưa rơi nhẹ trên mái hiên, cồn cào gợi lên trong em nỗi nhớ Sài Gòn ở cách đây hơn một giờ bay, nhưng hiếm khi nào có dịp về thăm vì bài vở chất chồng. Em bảo: "Sinh viên mà anh, gần vậy chứ không có điều kiện". Chuyện em kể y chang thời sinh viên nghèo nước Mỹ, viết thư cho mấy đứa bạn ở Việt Nam cũng nghèo không kém. Tụi nó bảo một hai triệu ba má gửi vô, xài không tiết kiệm thì tới ngày giữa tháng là đối rã họng, lo đi mượn mấy đứa bạn chung phòng từng gói mì tôm hay ít gạo về nấu ăn lót lòng cho đỡ. Vậy chở tới đầu tháng có tiền nhà, trích ra hết một phần tử để ăn một bữa thiệt nó cho đã cơn thèm. Em kéo tôi tới trước cổng ký túc xá, chắp tay lạy pho tượng thần trong khám thờ nhang khói, có hoa lài và vạn thọ tươi thơm. Người Thái sùng đạo vào loại nhất nhì thế giới. Tôn giáo như thấm sâu vào máu thịt của họ rồi. Có lẽ vì thế mà phần lớn tâm tính họ nhân từ, ít khi nổi giận.

Bangkok nhá nhem rộn ràng với gánh hàng rong dọc con đường nhèm nhẹp nước mưa. Người ta bán đủ thứ món, từ côn trùng, cánh gà chiên, chả giò, hải sản xiên nướng, gỏi đu đủ, sâm bổ lượng, tới đặc sản Thái như xôi xoài, cá diêu hồng nướng muối ớt. Hai đưa vào khu bán đồ ăn vặt. Cả trăm gian hàng giữa trời mưa gió bão bùng vẫn nở nụ cười thiệt tươi khi có khách ghé. Chẳng mời mọc, chèo kéo, i ôi, không la làng, giành giật hay chặt chém khách. Em luôn miệng hỏi, anh ăn món này nhen, kia nhen, nọ nhen? "Ngon lắm, tin em đi mà". Cái bụng anh nhỏ xíu xiu, đâu phải máy xay mà cái gì cũng "dzọng" hết? Mà từ chối thì sợ em buồn. Cuối cùng thì tay xách nách mang, rước về nhà một đống đồ, vừa ăn, vừa hít hà, cay chua
kiểu Thái.

Đêm Khao San dường như không ngủ. Con đường ngắn ngủn ở trung tâm thành phố trước kia là chợ gạo, giờ là khu du lịch bụi đặc quánh người, gần như phố Bùi Viện ở Sài Gòn hay Tạ Hiện ngoài Hà Nội. Khách sạn hai bên đường để bảng kín phòng. Em bảo không mắc lắm đâu anh, chỉ cần vài mươi baht là có chiếc nệm ngả lưng. Tây ba lô mà, có tiền bạc gì nhiều, ngủ tí rồi dậy lang thang khắp đêm, đắm mình trong rượu bia, nhảy nhót loạn cuồng với các đôi chân miên man bất tận. Tiếng nhạc từ mấy bán bar bên đường ầm ĩ không át nổi tiếng cười nói rộn ràng lẫn tiếng rao hàng của chiếc xe bán kem dừa, trái cây, thịt nướng xiên que, chè nước cốt dừa, pad Thai, cá nướng, hay kebab thơm lừng và đặc biệt sầu riêng hạt lép, cơm dày, thơm ngon nhất thế giới. Anh mỏi chân quá! Muốn massage không? Thế là hai đứa ghé vào quầy bên đường với giá 150 baht để đổi lại ba mươi phút đồng hồ thư thái. Dưới đôi tay điêu luyện của masseur, các mạch máu dưới lòng bàn chân như giãn hết mức ra, khoan khoái lạ kỳ. Anh muốn ngâm chân vào bồn cho cá lòng tong rỉa da cho sạch không? Thôi, anh không chịu được nhột đâu. Thế làm sao anh có chịu được mấy lần em thọc lét vào hai bên hông? Không biết nữa, có thể do vì anh quá thương em nên đành chấp nhận.

Mọi âm thanh ầm ĩ từ các quán bar, pub hai bên đường, tới tiếng rao hàng tha thiết lẫn cười nói hô hố của gã Tây say sưa liêu xiêu, quàng vai bá cổ đi đày trên phố không thể nào át được nhịp đập hối hả trong lồng ngực của trái tim son trẻ. Hai bàn tay siết chặt. Mười ngón tay đan khít. Bờ môi loạng choạng tìm nhau, nồng nàn hơi ấm.

Khao San chỉ là một con đường ngắn ngủn giữa trung tâm Bangkok, nhưng chứa trong lòng nó giấc mơ nhỏ to dài nhất thế giới giữa em và anh, bất chợt nửa vòng trái đất tìm gặp nhau, như hẹn hò từ muôn kiếp.

Bangkok buổi sáng như cô thiếu nữ mới lớn, xinh tươi, ưỡn ẹo nằm rúc đầu vào ngực người tình không muốn trở mình thức dậy. Không khí dịu mát từ cơn mưa suốt đêm qua vẫn còn phảng phất. Mùi mồ hôi, da thịt, tóc gội xà bông, phả lên mặt, dán chặt cơ thể vào cái giường êm ấm. Tôi không muốn bước chân ra khỏi thế giới ngoài kia giữa dòng xe cộ, chỉ muốn nằm đó, siết chặt, hôn nhè nhẹ lên đôi mắt mở to như có trăm ngàn điều muốn nói. Mà thôi, phải dậy, để đi xem ngoài kia cuộc sống vội vã và hối hả thế nào. Rồi so sánh, nó không như Sài Gòn chỗ này, chẳng như Nha Trang chỗ kia, sao mà lặng lẽ giống Ninh Hòa... Bật cười với chính mình, hai đất nước tách rời, nền văn hóa khác nhau, thì sao so sánh cho được.

Hai đứa ghé chùa Vàng và cung điện nhà vua. Xứ này tất tần tật mọi thứ về đức vua phải được sùng bái. Em dặn dò: "Anh không được nói xấu vua bằng tiếng nước ngoài, lỡ bác tài hiểu được, anh sẽ vào tù ngồi cho đã nhé. Khi rớt tiền, cũng không được giảm lên mà phải cúi xuống nhặt. Vô rạp coi phim, trước hết là phải đứng dậy làm lễ chào vua". Vị thần mình chim, mặt người cao lớn và thần khi Hanuman hiên ngang đứng bảo vệ cung thành. Mấy ngọn tháp vút cao Ở ngôi chùa dát vàng không sư sãi nổi lên nền trời óng ả. Bangkok hôm đó tù mù tối, mây đen che phủ gần hết bầu trời, nhưng tới chùa Vàng, trời sáng bừng đến lạ. Tôi đứng chắp tay khẩn cầu hạnh phúc, bình an. Không biết Đức Phật nơi này có hiểu được tiếng Việt để chứng cho không. Mà thôi, Phật tại tâm, Phật ở trong lòng, hãy cứ cầu, biết đâu sẽ được.

Nắng lên. Giữa trưa, mặt trời như chảo lửa khổng lồ. Nắng mùa này thật đáng sợ. Ẩm ương và thiêu đốt, bừng bừng giống Hỏa Diệm Sơn nghi ngút khói làm nám hết mặt mày của bốn thầy trò Đường Tam Tạng, Vô tình lạc bước thỉnh kinh. Hàng cây ít ỏi bụi bám bên đường không làm dịu nổi cơn nắng. Hàng ngàn tòa nhà cao tầng đầy xi-măng, bê-tông cốt thép phản chiếu ánh mặt trời, làm tăng thêm hiệu ứng nhà kính, hầm hập phố xá xứ này. Ai than thở Sài Gòn kẹt xe, nóng nực ồn ào, muốn bỏ xứ mà đi, thì sang đây một lần thôi, mới thấy giao thông ở Việt Nam xá gì với Bangkok. Dẫu có monorail, subway, đường cao tốc trên cao, nhưng cả thành phố như một ổ kẹt xe vĩ đại. Tiến không được, lùi cũng chẳng xong. Bên trái toàn xe, bên phải toàn người. Thôi cứ kiên nhẫn đứng chờ vậy nhé.

Sông Chao Phraya lúc chiều về bất chợt trở thành nguồn cứu rỗi. Chiếc thuyền máy, khi chạy kéo tấm nhựa hai bên che nước, phóng êm ả giữa làn nước đục ngầu, theo đường sông, đưa hành khách về với bữa cơm gia đình êm ấm. Bangkok là thành phố của nắng gió mưa, của gánh hàng rong và xe tuk tuk rộn ràng. Cứ lên đó ngồi nhong nhong khắp phố, khi xuống xe, thơm thảo thì xếp hàng đưa cho bác tài xế vài đồng xu nhỏ, còn hết tiền thì bỏ đi cũng chẳng ai nói tiếng nào. Bangkok không quá hiện đại cũng chẳng cũ xưa, lúc nào cũng rực rỡ bởi hàng vạn taxi đủ màu sắc, hồng cánh sen, đỏ, vàng, cam, trắng. Trước khi ngồi phải mở cửa nói điểm đến, đợi bác tài xế gật đầu đồng ý mới được lên. Còn không thích hả, lắc đầu nhé. Em cười, taxi nhiều nhưng chảnh lầm. Họ không đi không ai ép được. Do chạy bằng gas nên giá rẻ vô cùng. Mấy chiếc xe bán trái cây rong trở thành nỗi nhớ. Chỉ 20 baht thôi, tôi sẽ có một túi thiệt to xoài, cóc, thơm và mấy bịch muối ớt bé tí teo nhưng cay đáo để. Cô hàng phốp pháp cầm con dao dài như thanh mã tấu, gọt vỏ, xắt xoài, chẻ cóc thật điệu nghệ, bỏ vào mấy que tre, nở nụ cười tươi. Đói quá, ghe lại hàng cơm. Phục vụ chậm có tiếng. Từ lúc gọi món tới khi bà chủ nhà to lớn, đúng định bưng đĩa cơm ra, để xuống bàn cái rầm cũng đã hết nửa tiếng rồi. Không chờ được thì đứng dậy đi ha, chẳng ép.

Tôi đến thăm và đưa quà cho Minh, người quen của một bạn tâm giao nhờ gửi. Minh rời Đắc Lắc phố núi sương mù, đầy dã quỳ rực thắm lúc thu về, vào Sài Gòn học đại học. Rồi không biết đưa đẩy thế nào, công ty gửi em sang đây, thuê nhà cho ở và đón khách Việt sang đi tour. "Nếu không có chỗ anh cứ tới đây ở đi. Em đi suốt mà. Lúc thì lòng vòng Bangkok, khi thì Pattaya, lúc thì cố đô Ayutthaya xưa cũ".

- Sống xứ này vui không em?

- Buồn chết cha! Có phải quê hương đâu mà hạnh phúc? Nhiều lúc em nhớ Sài Gòn, nhớ mẹ ở cao nguyên, muốn bỏ hết để quay về cùng với nắng gió thị thành và cơn mưa bất chợt. Còn không thì chạy về quê cũ, kêu mẹ kiếm ai đó làm mai rồi lấy chồng, Ở luôn không lang bạt nữa. Con gái có thì mà dặm trường thì không tốt. Nhưng em lỡ ký hợp đồng với người ta, thôi ráng chờ thêm một năm nữa, xong em nhất định về.

Hai tháng sau, Minh nhắn tin cho tôi: "Em đang ở Sài Gòn. Khi nào về Việt Nam hú em đi cà phê hay ăn trưa nhen. Em chấp nhận chịu phạt, về luôn rồi anh. Một bữa dẫn khách đi Pattaya, em vô facebook anh, đọc tới tản văn mang cái tựa vô cùng giản đơn "+84". Thế là giữa chốn đông người em vừa sợ, vừa lo, khóc muốn hết nước mắt. Tới Bangkok lật đật thu xếp về Việt Nam ngay. Em sợ một ngày nào đó trên màn hình điện thoại hiện con số vô hồn của người nhà báo tin dữ mà không kịp về chia biệt. Chắc em sẽ ân hận đến cuối đời mình".

Em dẫn tôi tới nhà hàng Việt Nam giữa lòng Bangkok. Chủ quản từng là người mẫu thời trang nổi tiếng, lấy chồng Ý, đi khắp thế gian rồi dừng lại đây để kinh doanh. Quán đủ sắc màu bởi những cây chuối xanh um và nhiều tấm lụa Hà Đông treo mắc khắp nơi, như tiểu thư Quỳnh Nga trốn mẹ cha dựng quán vắng bên cầu dệt lụa. Mấy tấm quảng cáo nhạc ngày xưa được trưng trong tủ kiếng. Những đĩa than của Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Giao Linh... đặt để trang trọng. Vài tấm hình của các nghệ sĩ cải lương danh tiếng như Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Phượng Liên gợi lên Sài Gòn xa nhớ. Giọng Thanh Thúy chầm chậm "Ai cho tôi tình yêu, của ngày thơ ngày mộng. Tôi xin dâng vòng tay mở rộng...", phút chốc làm đĩa cơm tấm rưng rưng nước mắt. Muốn dắt tay em về với Sài Gòn tức khắc, tức thì.

Tôi đứng đó giữa Siam sầm uất. Quảng trường rộng thênh thang, nhộn nhịp nhất của thành phố các thiên thần. Chợt nhớ bộ phim coi rất lâu, đã quên tên, chẳng ghi lòng cả đầu đuôi câu chuyện. Mang máng, chàng trai quỳ xuống giữa Siam rộng lớn, nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh của người tình, mỉm cười và hỏi. "Em có yêu anh không?". Cô gái nhún vai, hững hờ không nói. "Em có chấp nhận cùng anh đi hết năm tháng còn lại của cuộc sống này?". Cô cười khanh khách, ngắt lên mũi rồi bảo "anh khùng". "Em khùng thì có". Ừa thì có hai kẻ khùng đang suy nghĩ miên man về vài điều không thật.

iPod đang nhảy tới Tuyết rơi mùa hè: "Nếu anh gặp em từ đầu, có lẽ đã không ai qua bể dâu". Vài mối tình cũ, như cuốn phim quay chậm, thoắt trở về. Thuở trẻ trai, tôi miệt mài chạy đuổi theo đôi mắt buồn như chiếm trọn tâm hồn, nụ cười khoe cả hàm răng ngọc ngà trắng muốt. Nắng, gió, sương mù, mưa, bão của Sài Gòn ma mị cứ thế giẫm nát đời mình, đi qua và để lại bao vết xước khó liền da. Thuở nào đó, ước mơ được cùng với người yêu xây tổ ấm vò nát cả tâm can. Tôi sẽ bỏ hết việc làm, rời Mỹ, về giữa Sài Gòn thuê căn hộ nhìn ra bờ sông trên cao thành phố. Tôi xin đi dạy học hay Vô làm công ty bất động sản nho nhỏ. Sáng sớm ngồi bên vỉa hè uống cà phê cóc, ăn gói xôi hay ổ bánh mì lót dạ, xong xách cặp lên giảng đường dạy học. Chiều về chui vô bếp nấu mấy món ngon. Tối ôm nhau trên sô pha xem phim ngôn tình rồi ngủ quên ở đó. Sáng ra lại như con mèo quấn quýt, không muốn trở mình thức dậy đón mặt trời.

Để rồi năm tháng vụt qua như tia chớp, tình yêu thuở nào như lâu đài trên cát bỏng. Sóng biển tràn vào, xô ngã tất tần tật, cuốn cát ra thật xa ngoài khơi kia thăm thẳm. Chia tay, lỗi thuộc về ai không cần đùn đẩy. Con tim luôn có lý do riêng của nó, chẳng giải thích được.

- Thế Bangkok đẹp không anh?

- Đẹp.

- Thế Bangkok dễ thương không anh?

- Dễ thương.

- Thế anh có thích và yêu Bangkok không?

- Thích lắm.

- Thế anh có trở lại nơi này nữa không?

- Sẽ trở lại, để... thăm em...

Mối tình thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ n... đi qua không trở lại. Cứ ngỡ tim mình trơ như hòn sỏi nhỏ lăn lóc một góc biển sâu. Nào ngờ gã trai bất cần ngạo nghễ, cũng có một lúc như con thú dữ, gục ngã trước mũi tên bé xíu của thần tình yêu Eros mong manh.

Hai đêm, ba ngày, quá ít để hít thở bầu không khí, sống và hiểu tận tường mọi ngóc ngách của thủ đồ du lịch nhưng cũng đủ làm nặng hành trang đôi cánh thiên di. Không hoang đàng, chẳng sex show, không ra phố đèn đỏ nhìn cô gái chuyển giới chân dài, mặt mũi rạng ngời đứng hai bên đường đưa tay vẫy gọi như vẫn thường thấy trong phim. Tôi có mấy ngày lang bạt với ba lô, máy ảnh, thêm vài ngàn baht trong túi, cùng em ăn vỉa hè, nghi lề đường, tối về ký túc xá ngủ vùi chăn chiếu. Hết taxi, cuốc bộ, lại lên thuyền chạy dọc dòng sông nước đen thui bắn dính, vẫn niềm nở cười không lấy gì hờn giận, trách la.

Tạm biệt thành phố của thiên thần. Tạm biệt nụ cười lúm đồng tiền quyện chết hồn anh vào miền hoang vu nhất. Anh về em nhé. Nhưng trước khi đi, cho anh nắm tay em thêm lần nữa. Cho anh hôn lên mắt, má, trán em thêm lần nữa. Cho anh ngấu nghiến hôn lên bờ môi ấy như muốn biến nó làm của riêng mình. Chờ anh quay lại. Đừng bỏ anh đi đâu em nhé. Để hai đứa mình lại đi dọc hết phố phường của con gió chiều hây hẩy, ăn cho hết hàng trăm món ngon cay nồng đầu lưỡi, để nén nỗi sợ độ cao, ngồi thật lâu giữa đêm sâu trên tòa cao ốc chọc trời nhìn vệt đèn màu lấp lánh dài như vô tận. Biết đâu lúc đó, anh sẽ đủ dũng cảm như chàng trai trong bộ phim nọ, đúng giữa Siam nhộn nhịp, nói với ai đó một lời yêu thương nồng cháy. Anh sẽ ở cả tuần trong nhà trọ của em giữa Assumption University xanh mát bóng cây và viết nên chuyện tình nồng thắm. Đảm bảo, nó sẽ rực rỡ như chiếc taxi màu mè chở hai đứa ra phi trường và rưng rức buồn như ánh mắt em, lúc đứng vẫy tay chào anh, giữa thẳm sâu đêm nọ.

Về đi, chàng trai thiên di vạn dặm!

Thương tặng Thanh Châu,
Thanh Nhã và Lệ Minh
Tháng 6-2011

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top