Bầy muỗi đói ở Bangladesh
Giáo sư Sherman Silverman từng bảo, Bangladesh là nước sở hữu rất nhiều cái nhất thế giới: Nghèo nhất, đông dân nhất, mật độ dân số cao nhất và ô nhiễm nhất. Nhưng đó là nơi đáng để một lần đến thăm trong đời thay vì cứ du lịch tới các nước phương Tây giàu có.
Lịch sử Bangladesh khá phức tạp. Suốt thời kỳ bị Anh đô hộ, Bangladesh thuộc Ấn Độ. Vào năm 1947, trước khi trao trả độc lập sau cuộc cách mạng bất bạo động của lãnh tụ Gandhi, người Anh cũng kịp tác động để chia cắt phần đất hai bên hông theo đạo Hồi thành nhà nước Đông và Tây Pakistan cách nhau gần 1,6 ngàn km. Đến năm 1971, sau cuộc chiến đẫm máu với phía Tây làm hơn ba triệu người chết, phần phía Đông của Pakistan đứng lên giành độc lập và trở thành nhà nước Bangladesh hiện tại.
Theo lời thầy chỉ dẫn, mất gần 10 năm và sau ba giờ bay từ Bangkok, tôi mới đặt chân đến thủ đô Dhaka chật chội. Mặc dù là nước nghèo, nhưng Bangladesh "chảnh" lắm, chỉ miễn visa cho 23 nước, chủ yếu là Hồi giáo châu Phi. Phần lớn phải xin visa ngay tại cửa khẩu với giá 55 đô-la. Còn Việt Nam và 20 nước khác buộc phải xin visa tại đại sứ quán.
Chuyến đi cũng khá bất ngờ nên tôi không xin visa trước. Hậu quả là khi máy bay hạ cánh lúc hai giờ sáng, tôi phải lâm vào cảnh mắt nhắm mắt mở chen lấn với vài trăm người để đóng tiền lệ phí qua một cửa sổ bé tí, rồi tiếp tục chạy qua bên kia xếp hàng để mòn mỏi đợi hải quan cấp visa nhập cảnh. Phiền phức quá nên mỗi năm chỉ khoảng 125 ngàn người tìm đến để tham quan và khám phá đất nước này.
Cái cửa sổ bé tí tẹo đó đầy thương gia lấn công nhân đến từ Trung Quốc. Họ đi thành đoàn, xí xa xỉ xồ đủ thứ ngữ âm lạ lẫm. Bangladesh là trung tâm dệt may của thế giới, nên người Hoa vốn giỏi làm ăn, không bao giờ để mất cơ hội đến đây kiếm tiền. Họ mở các nhà máy khắp đất nước để tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt. Hèn chi, vài nhãn hàng yêu thích của tôi như H&M, Zara hay Abercrombie, dạo gần đây không "Made in Vietnam" hay "China" nữa, mà chuyển qua toàn hàng Bangladesh chất lượng không tốt bằng.
Giữa đêm đông, anh nhân viên mắt nhắm mắt mở ngồi đếm tiền mệt nghỉ. Thỉnh thoảng lại giơ tay đập muỗi bốp bốp, nhưng không thấy anh tỏ vẻ bực bội tí nào. Vẫn đều đều như cái máy (trước quyển hóa đơn in than ba lớp), viết rồi ghi, ghi rồi viết, sau đó đếm tiền, đưa phiếu, cảm ơn, chuyến qua người khác. Sau gần một tiếng đồng hồ chờ đợi tôi cũng đóng xong tiền, cầm biên lai qua dây bên cạnh xếp hàng trước hai người khác xin cấp visa.
Phải mất thêm một giờ đồng hồ nữa, bằng tất cả thủ thuật chen lấn, giả điếc, quăng cục lơ, nhảy từ hàng này qua hàng khác chứ không thể nào đứng im một chỗ chờ tới lượt mình bị chiếm mất khi các bạn Tàu chung quanh thản nhiên chen như chỗ không người. Ở đâu? Từ đâu đến? Làm gì? Tới đây chi? Tôi cần điện thoại của khách sạn. Nếu không có thì khỏi cấp visa. Nghiệt ngã quá. Tôi phải rà mở email của mình trong điều kiện không có internet để lấy số điện thoại đưa anh ta chứ không phải lên chuyến bay kế tiếp rời Bangladesh ngay lập tức.
Cuối cùng, sau gần ba tiếng đồng hồ tính từ lúc hạ cánh, tôi mới làm xong thủ tục thông quan trong cơn buồn ngủ đến ghê người, và muỗi. Lũ muỗi to gần bằng con châu chấu bay mọi lúc mọi nơi. Nó không tha bất kỳ ai, sang giàu hay nghèo khó, mặc đồ kín mít hay hở hang lời bụng. Chỉ cần quơ tay ra, tôi đã tóm ngay được cả bụm rồi. Hai nhân viên ngồi cạnh hành lý của Thai Airways thấy tôi nhe răng cười, tụi tôi chờ ông nãy giờ, trong khi vẫn luôn tay đập muỗi.
Tôi đi đến quầy taxi gần đó, đưa địa chỉ khách sạn để hỏi giá tiền. Bên cạnh, người đàn ông khắc khổ đang có chân lên ghế ngủ gật mà tay phải cầm vòng nhang muỗi tỏa khói hôi rình. Giờ mới để ý, cả sân bay lúc này ngập trong khói. Cái mùi nhang muỗi thiệt sự kinh hoàng, làm tôi xây xẩm mặt mày, đầu óc không tập trung nổi. Hèn chi trang web của bộ ngoại giao Mỹ cảnh báo người dân hạn chế đến đây vì Bangladesh là vùng dịch Zika trên bản đồ thế giới.
Thiệt tình mà nói, taxi lấy 100 đô-la tôi cũng ráng đưa, vì ở đất nước đó, vào thời điểm này, tôi không có nhiều lựa chọn. Cũng may khách sạn gần nên họ ra giá 10 đô-la. Trước khi đến đây tôi đã đọc kỹ các bài báo lấn chia sẻ của du khách trên mạng.
Dhaka cũng không an toàn cho lắm. Kể từ sau vụ các tay súng tấn công khách du lịch ở quận Gulshan, nơi được coi là giàu có, dành cho giới thượng lưu và du khách quốc tế, thì hầu như các khách sạn hoặc khu nhà ở đều có an ninh cầm súng bảo vệ và kiểm tra nhân thân cẩn thận ngăn ngừa khủng bố.
Bạn thử nghĩ, giữa màn đêm đen, trên đất nước nghèo đói nhất nhì thế giới, trong chiếc xe taxi cũ mèm, chẳng có điều hòa, bên cạnh tài xế với khuôn mặt lầm lì, không nói tiếng nào, đi qua cung đường cũ nát, dằn xóc, dưới ánh đèn đường tù mù là mấy chiếc xe phun khói đen thui... thì làm sao yên tâm cho được? Phải thần kinh thép lắm tôi mới không toát mồ hôi và lộ nỗi lo ra mặt. Taxi chở tôi vô một khu nhà to ở Gulshan, sau khi qua hai lớp an ninh lạnh như tiền, lăm lăm cầm súng. Anh chở tôi vòng tới, Vòng lui mấy bận mà không tìm thấy khách sạn đâu hết. Tôi nhủ thầm trong ruột, có khi nào nó chở mình tới một động nào đó rồi bán đi không? Thân tôi chắc không đáng giá gì, nhưng sợ nó nghĩ trong hai cái va li to kia, là đồ đạc áo quần quý hiếm rồi làm bậy thì khổ.
Tới bận thứ ba, anh ta xuống xe hỏi đường tới hai làn mới tìm ra khách sạn. Đó là khu chung cư có phòng cho thuê nên cứ cắm đầu tìm chữ "hotel" sao ra cho được. Nhưng rắc rối vẫn còn vì khu nhà chưa mở cửa. Anh taxi gõ cửa rầm rầm. Một hồi lâu, hai người xuống mở cửa với vẻ mặt hầm hầm, chắc do đang ngủ ngon mà bị đánh thức. Tôi nói tên, từ đầu đến. Họ chạy vô kiểm tra đặt phòng tới ba lần vẫn chưa ra. Chắc ông tới lộn chỗ rồi, qua khách sạn khác xem sao. Chỗ nào nữa trời? Tôi sực nhớ ra, đáng lẽ mình checkin từ ngày hôm trước chứ không phải hôm nay. Anh ta mò mò một tí rồi la lên, thấy tên ông rồi. Thế là tôi chính thức được vô ở rồi nhé. Tôi bo cho taxi 5 đô-la. Thiếu điều anh ta quỳ xuống lạy tôi luôn. Số tiền đó, chắc bằng cả ngày lương lái xe bạt mặt.
Trước khi cho tôi vào phòng, hai bạn lễ tân bảo chờ tí xíu. Một bạn khệnh khạng khiêng hành lý lên tận lầu bốn (vì không có thang máy), còn bạn kia cầm hai chai thuốc diệt muỗi xịt từ trước ra sau từ trên xuống dưới. Xịt một lèo hết sạch sành sanh. Xịt tới đâu, muỗi rớt xuống chết như sung. Suýt nữa tôi lên cơn suyễn vì cái mùi kinh hãi đó.
Tháng 4-2016
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top