Chương 2

Quả thật cũng là lạ, từ khi Nhạc Lão đến ở nơi nhà họ Nguyễn, thì lão Tứ không đi lang thang khắp nơi, để tìm nàng Tiêu Tương nữa, mà ở nhà tựa gốc cây mai, nghe tiếng đàn của Nhạc Lão. Tiếng đàn réo rắt, lão Tứ tựa vào gốc mai mà ngủ ngon lành.
Lúc này tiết trời đã vào xuân, hoa mai nở khoe sắc vàng, lão Tứ tựa vào gốc mai mà ngủ, từng cánh mai rụng xuống theo làn gió xuân, đậu trên mái tóc của lão Tứ.
Lão Tứ lúc này không đi lang thang, khắp chốn, cùng quê để tìm nàng Tiêu Tương, nên đã được người nhà chải chuốt, mang áo sạch trông khá khôi ngô tuấn tú.
Nhạc Lão lúc này đang kéo khúc Tiêu Tương, vừa nhìn lão Tứ mà lắc lắc đầu.
_ Có thật là có chuyện như thế không? Một người vừa sinh ra đã gọi tên người từ kiếp trước, hay là đã gặp được người từ kiếp này, nên si tình mà ra vậy?
Nhạc Lão cứ kéo khúc Tiêu Tương cho lão Tứ nghe, nhưng mãi suy nghĩ mà trật nhịp, nào ngờ đâu lão Tứ đang ngủ lại kêu lên:
_ Nhạc Lão! Lão nghĩ đi đâu vậy? Đã trật nhịp rồi kìa.
Nhạc Lão nghe vậy thì tròn mắt ngạc nhiên, mới bảo:
_ Lão Tứ! Ta thấy ngươi ngủ ngon, lại ngáy khò khò, sau lại biết ta kéo trật nhịp kia chứ?
Lão Tứ lúc này chỉ lắc lắc đầu:
_ Nhạc Lão! Khi lão kéo đàn là lúc ta cùng nàng Tiêu Tương ngồi đối ẩm.
Lão Tứ nói xong lại bảo:
_ Nhạc Lão biết không? Ta đang ngồi đối ẩm với nàng Tiêu Tương, ở một nơi nắng ấm, lại toàn hoa thơm cỏ lạ, ở nơi đó có một thác nước từ trên cao chảy xuống, cứ như một dải lụa trắng đang uốn lượn giữa không trung. Không những thế, ở nơi đó ánh bảy sắc cầu vồng luôn hiện hữu trên bầu trời trong xanh, với con suối nhỏ nước chảy róc rách, cùng với đàn cá muôn màu tung tăng bơi lội. Tiếng thông reo, tiếng chim hót, bướm lượn, với muôn loài cùng chung sống với nhau chẳng tranh hơn thua, thật là một xứ thần tiên, chỉ tiếc ....
Lão Tứ nói đến đó thì ngừng lại, làm cho Nhạc Lão phải hỏi:
_ Lão Tứ! Chỉ tiếc cái gì kia chứ? Không lẽ vì Nhạc Lão này kéo trật nhịp mà lão Tứ không trọn vẹn một giấc mơ?
Lão Tứ không trả lời câu hỏi của Nhạc Lão, mà đứng dậy bước đi giữa vườn hoa mai đang tỏa hương thơm.
Từng cánh hoa mai theo làn gió xuân như muốn đuổi theo bước chân của lão Tứ. Lão Tứ cầm lấy một cánh hoa mai, mà nước mắt lăn dài trên má.
_ Tiêu Tương! Tiêu Tương! Giờ đây nàng đang lạc bước ở nơi đâu? Có hay không, ngày ngày, đêm đêm, ta luôn nhớ đến nàng. Ôi! Trời đất ơi! Sao nỡ chia loan, rẽ phụng, để người dương thế, kẻ ở cõi âm, chỉ gặp nhau ở đêm trường, trong cơn mộng mị. Tiêu Tương nàng ơi! Mỗi khi ta nhớ đến nàng thì trái tim của ta đau buốt, ta muốn đi tìm nàng, nhưng nàng cứ như bóng chim tăm cá, biết ở nơi đâu mà tìm. Tiêu Tương! Nàng ở nơi đâu? Xin nàng hãy hóa thành đóa hoa mai này rắc trên mái tóc của ta.
Lão Tứ giờ đây cứ như người đi trong cõi mộng, giữa vườn hoa mai. Nhạc Lão thấy như vậy, liền kéo một khúc Tiêu Tương. Tiếng đàn của Nhạc Lão cứ như gió, như mây đưa lão Tứ đến một nơi xa lạ, mà ở nơi đó có một người thiếu phụ đang bế con trẻ, ngồi trước ngôi nhà nhỏ, có lẽ người thiếu phụ kia đang chờ chồng trở về.
Một ngôi nhà nhỏ, như bao ngôi nhà nhỏ trên mọi miền quê đất Việt. Một ngôi nhà lợp tranh vách đất, nằm yên lặng sau lũy tre, con ngõ nhỏ được trồng cau xanh, đến một cái sân bằng gạch nung, ở nơi cái hiên nhà được đặt một chiếc chõng tre, mà ở nơi đó có người thiếu phụ đang bế con trẻ, chờ chồng đi làm về.
Vừa nhác thấy lão Tứ đi vào, người thiếu phụ đang bế con trẻ chưa kịp hỏi, thì lão Tứ đã kêu lên.
_ Tiêu Tương! Tiêu Tương! Chính là nàng rồi. Thế mà ta đã đi tìm nàng bao nhiêu lâu nay, không ngờ nàng đang ở nơi đây. Tiêu Tương nàng ơi! Nàng có biết không? Bao nhiêu lâu nay ta đi tìm nàng, đến phát điên, phát cuồng, chẳng ngại gió, chẳng ngại mưa, đến bữa quên ăn, đêm nằm chỉ nhớ mong đến nàng.
Lão Tứ lúc này nhìn thấy đứa con, trên tay của người thiếu phụ mới hỏi:
_ Tiêu Tương! Tiêu Tương nàng ơi! Đây là con hàng xóm, chứ ta nhớ chúng mình nào có con trẻ, ta cùng nàng ngày ngày học đạo, cầu trường sinh bất lão, để được sống mãi mãi bên nhau, cùng với đất trời.
Lão Tứ nói một thôi, một hồi làm cho người thiếu phụ kia vô cùng lo sợ, còn đứa trẻ trong tay lại khóc thét lên.
Tiếng khóc của con trẻ, làm cho người thiếu phụ kia hét toáng lên, vì vậy người làng nước nhanh chân chạy đến, bao vây lấy lão Tứ. Lúc này, có người đàn ông đang vác cuốc đi vào, nhìn thấy vợ con của mình bị người o ép, liền kêu lên:
_ Là kẻ nào? Là kẻ nào dám o ép, chọc giỡn vợ con của lão gia đây?
Bọn người làng nước liền đưa tay chỉ vào lão Tứ. Lão Tứ nhìn thấy như thế thì vô cùng ngạc nhiên, mình đi tìm nàng Tiêu Tương bao nhiêu lâu nay, chẳng quản mưa gió, thế mà nay tìm được, thì nàng đã có chồng, có con.
Lão Tứ nhìn thấy thế thì lắc lắc đầu:
_ Tiêu Tương! Không! Không phải như vậy? Chúng ta đã có lời thề hẹn, cho dù kiếp này, kiếp sau nữa, chúng ta vẫn mãi mãi bên nhau, chẳng bao giờ rời xa. Tiêu Tương nàng ơi! Lời thề hẹn chưa bay khỏi miệng, chưa ra khỏi đầu, sao giờ đây nàng đã quên mất lời thề hẹn của ta, mà gá nghĩa với người khác.
Chồng của người thiếu phụ kia, thấy lão Tứ một hai, cứ gọi vợ mình là Tiêu Tương, lại nói vợ mình đã quên mất lời thề, thì tức đến nổ đom đóm, không thể chịu được, liền nhằm lão Tứ mà đánh cho một trận nên thân, cứ gọi là chỉ còn lại một phần sống, may nhờ có làng nước lo sợ có án mạng, mới lựa lời khuyên ngăn. Nhưng cũng trói gô lão Tứ lại, đem giải ra sân đình, chờ đến ngày hôm sau, cho các vị tiên chỉ, hương thân, phụ lão xét xử.
Lão Tứ bị giải ra sân đình, ngồi tựa vào con nghê đưa mắt nhìn trời mà than thở:
_ Ông trời! Tại sao lại như vậy kia chứ? Người đó chính là nàng Tiêu Tương, là nàng Tiêu Tương, ta đã đi tìm bao nhiêu lâu nay, giờ đây mới gặp, thế mà giờ nàng là vợ con nhà người, lại chẳng nhận ra ta nữa là sao? Ông trời ơi! Hãy cho con biết là tại sao lại như vậy? Lời thề hẹn năm xưa có trời đất làm chứng nhân, thế mà giờ đây, nàng như người xa lạ chẳng hề nhận ra ta là cớ làm sao?
Lão Tứ lúc này ngồi ở sân đình, mặc cho chân tay bị trói, mặc cho bọn muỗi bu khắp thân mình. Lũ trẻ con nghịch ngợm, thường mỗi hôm hay ra sân đình chơi trò chơi, nay thấy ở sân đình có người bị trói gô ở nơi đó. Vốn được nghe chuyện của lão Tứ, nên lại lấy đất đá ném vào người lão Tứ đến chảy máu, có đứa lại lấy mo cau để đựng phân trâu rồi ném vào người lão Tứ. Thật sự đáng đời cho cái người không biết ở nơi đâu đến, lại nhận vơ vợ con của người. Lão Tứ bị ném bao nhiêu thứ, từ đất đá đến phân trâu đều chịu đựng hết cả, vì giờ đây, có gì đau khổ hơn, khi gặp lại người mình đã thề non hẹn biển, lại chẳng nhận mặt nhau.
Bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, chờ chờ, mong mong, đi tìm khắp chốn, cùng quê, đến râu tóc chẳng thèm cắt, áo chẳng thèm thay, người chẳng thèm tắm, lê đôi chân trần để đi tìm nàng, thế mà nay gặp nhau thì xem nhau như người xa lạ.
Muốn biết sự thế ra sao? Xin mời mọi người xem chương sau sẽ rõ.

Hết chương 2

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top