Chương 13

Thời gian cứ thế mà trôi qua, Cầm Hoa được sự chăm sóc của lão già hành nghề bị gậy một ngày sức khỏe càng tốt hơn, nhưng lão già hành nghề bị gậy thì không được như thế.
Chỉ mỗi miệng ăn của riêng lão còn khó, huống chi còn một người nằm chực ra đó. Trời nắng hay mưa lão già hành nghề bị gậy đều phải cố gắng thêm chút nữa cho Cầm Hoa có miếng ăn, lại phải nhường chỗ nằm bé tẹo cho Cầm Hoa. Cầm Hoa lúc này sức khỏe đã ổn, nhưng lão già hành nghề bị gậy lại nằm yên một chỗ, chẳng dậy được nữa. Cầm Hoa nhìn thấy vậy mới gọi lớn:
_ Lão gia tử! Lão gia tử!
Lão già hành nghề bị gậy nghe tiếng Cầm Hoa gọi mình liền mở mắt ra nhìn, miệng thì thầm.
_ Cầm Hoa! Khi ta chết hãy chôn ta vào nơi mà bọn người kia định chôn ngươi đó, đừng quay lại nhà lao nữa, hãy đi sang xứ khác mà sống cho tốt, để không uổng công của ta cứu ngươi.
Cầm Hoa lắc đầu mà nước mắt lăn dài trên má.
_ Lão gia tử! Không! Không được nói gở như vậy, Cầm Hoa sẽ đi vào thành, sẽ kiểm thuốc, kiếm thức ăn cho lão gia tử.
Lão già hành nghề bị gậy nhìn Cầm Hoa với ánh mắt trìu mến.
_ Cầm Hoa! Ta biết số ta đã tận, chẳng có thuốc thang gì cứu được nữa. Ta suốt đời sống nhờ lòng tốt của người thiên hạ, nay cuối đời đã làm được một việc tốt, đó là cứu được một mạng người, người ta nói " cứu một mạng người hơn xây bảy cảnh chùa" thế thì giờ đây lão ăn mày này đã trở thành người giàu có rồi đó.
Cầm Hoa nghe lão già hành nghề bị gậy nói như vậy liền gật đầu nói:
_ Lão gia tử là người giàu có, thế thì lão gia tử phải gắng lên để hưởng thụ sự giàu có ấy.
Lão già hành nghề bị gậy lúc này đưa mắt nhìn lên mái tranh rách nát và nói nhỏ:
_ Người giàu có thường hay nghe hát ả đào, uống trà, ăn bánh, ngắm trăng, còn ta khi giàu có cũng sẽ làm như thế.
Cầm Hoa nghe lão già hành nghề bị gậy, thì liền lấy cây đàn Tiêu Tương mà nói:
_ Lão gia tử là người giàu có, hạ nhân xin hầu người một khúc đàn để người nghe thử, nếu hay thì lão gia tử hãy ban cho hạ nhân ít ngân lượng.
Lão già hành nghề bị gậy tuy không được làm quý nhân, nhưng cũng từng nhìn thấy liền làm như một vị quý nhân tiền ngàn, bạc đụn.
_ Các ngươi đâu hãy bày bàn ghế trong vườn hoa, đem cho ta rượu ngon thức ăn tốt, để ta ngắm hoa nghe đàn?
Cầm Hoa ứng tiếng dạ ran.
_ Xin lão gia chờ cho một chút có ngay, có ngay.
Lão già hành nghề bị gậy lại bảo:
_ Cho bọn con hát, đánh đàn vào đây hầu ta uống rượu, ngắm hoa.
Cầm Hoa lại nói:
_ Lão gia! Xin lão gia nghe tiểu nhân đánh khúc chúc thọ, người sống lâu trăm tuổi, thọ tỉ nam sơn.
Cầm Hoa lúc này mới để cây đàn Tiêu Tương lên gối lại so dây, một lúc sau thì tiếng đàn thánh thót vang lên với âm khúc vui tươi, như bọn trẻ con ngày tết tíu tít chúc thọ ông bà, lại nữa tiếng gõ cứ như nỗi lòng của người con hiếu thảo ngày đêm hầu hạ cha già bên gối. Lão già hành nghề bị gậy nghe tiếng đàn mà mỉm cười, một nụ cười mãn nguyện vì trước mắt của lão là một vườn hoa đẹp đang khoe sắc thắm. Lão trong chiếc áo gấm màu tía trong như một vị thượng vi hầu, với bọn hạ nhân vây quanh, kẻ rót trà, người chêm rượu, bọn cháu con đàn đàn lũ lũ bái lạy chúc thọ.
_ Chúc ông nội sống lâu trăm tuổi, thọ tỉ nam sơn.
_ Chúc ông cố sống như trời đất, vui vầy với cháu con.
Người gọi cha, kẻ kêu ông, đàn đàn lũ lũ. Ông lão khuôn mặt rạng rỡ, tay vuốt ve chòm râu bạc trắng như cước, nghe tiếng đàn, tiếng hát, lại nghe cháu, chắt đọc thơ chúc thọ. Ông lão gọi bọn hạ nhân lấy ngân lượng, ban cho bọn con cháu. Tiếng đàn của Cầm Hoa cứ vang lên, vang lên với những âm điệu vui tươi, cho đến khi ông lão mắt nhắm nghiền, nhưng khuôn mặt rạng rỡ, miệng mỉm cười với nụ cười hạnh phúc. Cầm Hoa nhìn thấy ông lão hành nghề bị gậy dương thọ đã hết, liền đánh lên khúc nhạc của người con trai hiếu thảo khóc thương trước linh cữu của người cha. Tiếng đàn cứ vang mãi vang mãi, cùng với đó là nước mắt của Cầm Hoa lăn dài trên má. Cầm Hoa lấy đạo hiếu tử mà để tang cho ông lão hành nghề bị gậy.
Cầm Hoa cũng chẳng có gì ngoài cái áo, chiếc quần đang mặc trên người liền cởi lấy mặc cho ông lão, lại lấy chiếc chiếu mà lúc trước vị quản ngục tốt bụng đã bó cho ông lão hành nghề bị gậy. Cầm Hoa làm theo lời của ông lão hành nghề bị gậy, liền đem ông lão chôn ở nơi mà lúc trước vị quản ngục tốt bụng bảo bọn ngục tốt chôn cất cho Cầm Hoa. Cầm Hoa lấy một khúc gỗ, cất công khắc chữ Cầm Hoa chi mộ. Hương chẳng có, đèn cũng không, bánh trái lại càng không, chỉ có tiếng đàn của Cầm Hoa đang nhớ đến người nằm dưới mộ.
Cầm Hoa lúc này đầu đội nón mê, mang cái áo, chiếc quần rách rưới, ngồi trước ngôi mộ của ông lão hành nghề bị gậy mà đánh đàn. Cầm Hoa cho dù có lúc đói đến hoa mắt, vẫn lấy đạo hiếu tử, phủ phục bên mộ đến bốn mươi chín ngày mới có ý rời đi.
Hôm nay như thường lệ, Cầm Hoa ôm cây đàn Tiêu Tương ra trước mộ của ông lão hành nghề bị gậy, thì thấy có một chàng trai trẻ đang sắp xếp bánh trái, nhang đèn, vàng mã, thức nhắm tốt với bình rượu. Cầm Hoa trông thấy người đó thì nhận ra đó là Trịnh Lân. Trịnh Lân vốn chí tang bồng, chẳng chịu chôn chân một chỗ, mới sang xứ khác để nhìn để ngắm cảnh đẹp, sự lạ trong trời đất, khi nghe tin Cầm Hoa chẳng còn trên thế nhân mới vội vàng quay về. Giờ đây Trịnh Lân đang ngồi bên cạnh ngôi mộ có dòng chữ Cầm Hoa chi mộ. Trịnh Lân đốt nhang, thắp đèn, rót rượu ra chén. Trịnh Lân rót rượu ra hai chén, chén rưới xuống đất, chén uống cạn, lại rơi nước mắt mà nói rằng:
_ Cầm huynh! Mới gặp nhau đó, cùng uống rượu đánh đàn, thế mà giờ đây âm dương cách biệt. Cầm huynh! Tại sao lại như vậy kia chứ? Tại sao? Tại sao? Một người tài hoa như Cầm huynh, mà sao trời chẳng cho được thọ, rồi đây muốn nghe tiếng đàn của Cầm huynh, Trịnh Lân nào biết tìm nơi đâu? Xuân qua, mai đào nở, nhìn sắc xuân mà nhớ người tri kỉ, nghe tiếng gió, nhìn đóa hoa mà nghĩ Cầm huynh đang đánh đàn. Ôi! Trịnh Lân được gặp Cầm huynh là phúc phận, nay tuy âm dương cách biệt, cũng xin lấy chén rượu mời Cầm huynh.
Trịnh Lân rót rượu ra chén, chén uống cạn, chén mời người đang nằm dưới mộ.
Tháng bảy mưa ngâu, Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau nơi dòng sông Ngân, nhưng những ngày đó cũng là ngày Vu Lan. Trịnh Lân lại ngồi bên cạnh mộ của ông lão hành nghề bị gậy, mà nghĩ đó là mộ của người tri kỉ có tên gọi là Cầm Hoa. Cầm Hoa một người tài hoa, nhưng bạc mệnh. Trịnh Lân nhìn ngôi mộ nhớ bạn hiền, chỉ biết lấy chén rượu cho vơi nỗi nhớ thương. Cầm Hoa giờ đây đầu đội nón mê tơi, mặc bộ quần áo của kẻ bần hàn, tay cầm gậy, tay xách bị, lưng đeo cây đàn Tiêu Tương. Cầm Hoa nhìn Trịnh Lân đang phủ phục bên cạnh ngôi mộ của lão hành nghề bị gậy kia, mà nhớ đến người bạn hiền, tài hoa, nhưng mệnh bạc. Cầm Hoa cúi đầu xuống hướng về ngôi mộ của ông lão lấy đạo con trai mà bái lạy. Cầm Hoa nhìn Trịnh Lân và nói nhỏ:
_ Trịnh huynh hãy tha thứ cho Cầm Hoa này vì không lộ mặt để huynh phải nhớ thương.
Cầm Hoa nhìn ngôi mộ của ông lão rồi nói:
_ Lão gia tử! Cầm Hoa sẽ làm như lời lão gia từng bảo, đó là đi đến xứ khác mà sống, giờ đây có Trịnh huynh ngày ngày hương khói cho lão gia tử, thì Cầm Hoa nơi xứ khác cũng an lòng.
Cầm Hoa nói xong liền lên đường, để lại bên cạnh ngôi mộ một người đang nhớ thương bạn hiền.
Muốn biết sự thế ra sao? Xin mời mọi người xem chương sau sẽ rõ.

Hết chương 13

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top