Chương7: Mua dây buộc mình

Truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng của tác giả. Các sự kiện, địa danh có thực nhưng đã được hư cấu để phù hợp với tác phẩm. Mọi sự trùng hợp đều là ngẫu nhiên.  Xin đừng liên hệ với thực tế. Xin cám ơn!

——-
Dọc bờ kênh Vĩnh Tế, người dân tụ tập hình thành một xóm chợ bên sông, thuyền ghe tấp nập. Mấy sạp hàng được trải một lớp vải, bày hàng lên trên cực kì bắt mắt. Đàn ông mặc quần cộc xắn gối, đàn bà mặc váy dài hoặc quần đen, cổ quàng khăn rằn ri, tay phe phẩy quạt mời chào.

Thịt cá ắt là mới xẻ buổi sớm, miếng nào miếng nấy đỏ hỏn tươi rói, cá tôm quẫy đạp trong chậu tưng bừng. Trái cây rau củ mới hái, xếp trong thúng, thi thoảng được vẩy nước, nom căng mọng ngon lành. Có nhà bán gà, bày một hàng lồng tre cho khách dễ lựa. Bên cạnh là rổ trứng đầy ắp. Kèm theo đó là tiếng kì kèo trả giá của các dì các thím đi chợ ồn ào nhộn nhịp. Mỗi người đều kẹp theo giỏ đựng, thúng tre. Hễ mua được giá hời là lập tức hốt cho vào để tiện mang về.

Ngoài ra bên hông còn có mấy chú chó đang nằm phơi nắng, mặc cho người qua kẻ lại mà lim dim ngủ. Những vị khách đi thuyền xuôi dòng cũng cập tại bến, lững thững đi về hướng dịch trạm hay quán xá đằng xa. Ở góc chợ là gánh hát rong đang biểu diễn đờn ca tài tử, đủ cả đàn bầu đàn nhị. Cô ca sĩ trẻ tuổi diện áo bà ba, tóc xoã ngang lưng,  giọng ngọt như mía lùi liên tục ngân nga. Hầu như ai thảnh thơi đều đứng lại, cái đầu gật gù, nghe xong thì thẩy mấy xu mấy hào vào cái gáo dừa đặt trước mặt.

Bên cạnh đó, chợ này không hổ là chợ lớn nhất nhì chỗ này, không chỉ bán đồ tươi mà còn có những gánh hàng ăn uống khác. Người nấu phần nhiều là các cô các dì, tay chân nhanh nhẹn. Món ăn được đựng đậy sạch sẽ, màu sắc mùi vị ngon lành. Lướt một vòng, nào là bì cuốn, chè ngọt, hủ tíu,...

Trường Khanh đi bộ song song với Văn Bắc, ghi nhớ hết thảy vào đáy mắt. Khung cảnh gần gũi bình dị đến lạ lùng, làm anh không khỏi nhớ đến những phiên chợ quê ngày nhỏ hay được dạo chơi. Âm thanh đó, sự xáo động đó, mùi hương hỗn tạp đó, đánh thẳng vào tâm tưởng làm anh bồi hồi không nguôi.

Đến dãy hàng thủ công mỹ nghệ, anh đứng tần ngần lúc lâu. Các vật trang trí trang sức nhiều chủng loại, vừa có hàng thô sơ, vừa có hàng tinh xảo, muôn hình muôn vẻ. Đảo mắt một vòng, anh vô tình nhìn thấy một quầy bán lược và dầu dừa bình dân, bèn mua mỗi thứ hai cái. Dầu dừa được ép rất thơm, màu dầu trong vắt. Anh cực kì vừa lòng.

"Cậu mua lược tặng cho người trong lòng chăng?" - Văn Bắc im lặng đi theo một đường, đột nhiên thấy Trường Khanh móc túi trả tiền thì biểu cảm là lạ, hỏi một câu.

Trường Khanh sửng sốt. Anh cũng không nghĩ nhiều, đáp: "Nào có. Tôi mua cho má và bà dú ở nhà. Tôi chưa đâu vào đâu, sao nỡ làm khổ con nhà người ta."

"Đúng vậy. Tôi cũng nghĩ sự nghiệp là quan trọng." - Văn Bắc nhìn tay đang cầm đồ vật của anh, lơ đãng nói.

"Thế ông chủ đây đã có ý trung nhân chưa? Anh hào hoa như thế chắc khối cô mê mẩn đấy nhỉ?"- Anh cười, nháy mắt trêu.

Văn Bắc nhìn anh, hình như hắn ngại, lại nhìn sang chỗ khác mím môi.

Vốn tưởng chủ đề này đến đây là kết thúc. Anh ghẹo tôi, tôi ghẹo anh mỗi người một câu là xong. Nhưng đột nhiên lại nghe hắn nói trong họng: "Có rồi. Nhiều năm rồi."

Trường Khanh đang bận nhờ cô bán hàng gói đồ, nghe không rõ, tính hỏi lại thì thấy Văn Bắc đã chắp tay sau lưng, bỏ đi một mạch đằng trước. Trông bóng lưng cứ như đang hờn giận. Anh cầm gói hàng, nhanh chóng đuổi theo.

Anh thử ngẩng đầu nhìn, quái lạ, người này trông vẫn bình thản như thường. Ban nãy chắc chỉ là ảo giác của anh mà thôi.

Mua xong quà cho gia đình, anh lại hỏi đường đến nhà thuốc. Người dân Nam Kỳ bao đời nhiệt tình thân thiện, nghe anh hỏi lập tức chỉ cặn kẽ đến từng cửa hàng. Anh đứng nghe, liên tục nói cám ơn.

Hiệu thuốc nằm ở cuối chợ, từ xa đã nghe mùi thơm cỏ cây dược liệu. Anh thấy biển hiệu thì vô thức tăng nhanh bước chân. Văn Bắc vẫn đi bên cạnh, sải chân dài hơn, không nói gì.

Trước khi rẽ vào tiệm thì anh lại vô tình để ý thấy một đôi mẹ con đang ăn xin ở lề đường. Đứa nhỏ mới mấy tuổi, tóc để ba chỏm, quần áo rách rưới, nước mũi xanh lè chảy ra khô quắt, đang ngồi nghịch một trái cầu bằng bông vải dơ hầy. Người phụ nữ thì bị tật hai chân, da còn đang nổi các nốt mụn nước chảy mủ nhìn ghê vô cùng. Hình như người mẹ bị câm, chỉ biết ú ớ, đầu tóc rối bù không nhìn rõ mặt. Hai người không dám đứng gần các hàng quán, cũng không chèo kéo xin xỏ mà cúi mặt quỳ một bên. Vì ở góc hẻo lánh nên hình như không xin được gì.

Cảnh này lọt vào mắt Trường Khanh, anh mím môi xót xa. Tất nhiên anh không thể lờ như không thấy.

"Anh chờ tôi một chút nhé." - Anh quay sang nói với người đàn ông đang đứng bên cạnh.

"Cậu cầm đi." - Văn Bắc có lẽ đoán được, lục túi áo đưa cho anh thêm ít đồng bạc có sẵn.

Trường Khanh nheo mắt cười, cầm trong tay cảm tạ. Kế đến anh vòng lại chợ mua mấy cái bánh khoai mì, một nải chuối cau và một cái trống lúc lắc rồi đi tới chỗ bọn họ.

Người phụ nữ thấy vừa có đồ ăn vừa có bạc thì mừng rỡ, vừa dập đầu vừa kêu trong cổ họng. Anh thấy thị đi đứng không tiện, bèn lấy tay đỡ, ý không cần lạy. Thằng bé bên cạnh được cầm món đồ chơi mới, hai mắt tròn xoe quên cả khóc người lạ. Đến gần khi để ý mới rõ, trên da thằng bé cũng có lấm tấm mẩn đỏ.

Người ăn xin ngẩng đầu nhìn người hào phóng một cái, hình như bị giật mình, rồi lại vờ như không biết, tiếp tục cúi đầu, tay nắm chặt đứa trẻ vô thức siết một cái. Trường Khanh đứng gần, một cảm giác quen thuộc thoáng qua.

"Cô đợi một lát nghen. Tôi đi hốt thuốc cho hai người, quay lại ngay." - Nhìn thực trạng thê thảm đáng thương này, anh quả thực cầm lòng không đặng, tính đưa thêm chút thuốc bổ.

Lúc trở lại, hai mẹ con ăn xin đã đi đâu mất. Anh cầm mấy gói thuốc trong tay, thấy vừa lo vừa tội nghiệp cho đứa nhỏ. Nhìn chứng lở loét của cô, anh biết chắc nếu không vệ sinh kĩ và dùng thuốc thì rất nhanh sẽ bị hoại tử, phải cắt bỏ thịt thối. Đến lúc đó còn đau đớn hơn hiện tại nhiều lần.

Vốn anh còn định tận tay khám. Bởi nhẽ biểu hiện bệnh thoáng trông giống hệt nạn dịch hạch trước kia. Khi đó dân chúng hiểu biết hạn hẹp, y tế nghèo nàn, trải qua dịch truyền nhiễm, không có thuốc chữa, nhiễm trùng chảy máu mà chết, số người không qua khỏi vô số. Hà Tiên phồn vinh là thế chớp mắt cũng trở nên tiêu điều, xác chất thành đống, thiêu ngay trong đêm, tro đổ xuống biển để tránh lây lan. Người còn sống ở lại chỉ còn cách lập bài vị, không có mộ chôn, day dứt suốt đời.

Ông Đỗ chính là một trong những nạn nhân của nó, tuổi lớn không thọ, chết không kịp để lại di ngôn. Gia đình anh theo sau cũng rạn nứt chia năm xẻ bảy.

Cuộc gặp thoáng qua này kết thúc không như ý muốn. Anh không còn tâm trạng dạo chợ, mang theo mấy gói thuốc quay về quán trọ. Văn Bắc thấy anh mất hứng thì cũng không hỏi gì thêm, về theo.

Anh dặn dò hắn đi xông ngải cứu, tắm gội một lượt sạch sẽ rồi mới nghỉ ngơi. Quần áo của hắn anh cầm về phòng, cùng giặt nước nóng với quần áo của mình, phơi khô. Văn Bắc đồng ý, nhanh chóng làm theo mọi lời anh nói.

Rạng.

Trước lúc tiếp tục khởi hành thì mọi người sẽ tiến hành rà soát và kiểm tra lại lần cuối. Anh đứng bên cạnh Văn Bắc, nhìn mấy người đàn ông khệnh khạng khiêng hàng lên xe. Anh toan đến giúp một tay thì hắn đã nhét cho anh tờ giấy, bảo anh đứng đếm số lượng là được.

Anh cũng nói qua với Văn Bắc, đợi giao xong chuyến hàng thì mọi người có ba ngày xả hơi. Ba ngày này anh xin phép nghỉ, mục đích là về nhà cũ một chuyến. Hắn nghe xong gật đầu, còn đưa cho anh một tờ giấy gấp gọn, gợi ý nếu anh cần cứ đến địa chỉ trên đó tìm hắn là được. Anh nhận mảnh giấy, không vội mở ra mà nhét dưới đáy hòm cẩn thận.

Đương lúc Trường Khanh sửa soạn về phòng dọn dẹp đồ đạc thì góc áo bị một bàn tay nho nhỏ níu lại. Anh cúi đầu, hoá ra là chỏm tóc trái đào đã "bỏ trốn" hôm qua.

Hôm nay hai má đứa bé mẩn đỏ hơn trước, mắt to tròn mở ra hơi lờ đờ nhưng ngoan ngoãn không khóc quấy, ngước nhìn Trường Khanh chăm chú. Anh tính vươn tay xoa đầu nó nhưng khựng lại, nhìn xung quanh một vòng.

Ở góc khuất sau gốc bàng trước quán, người phụ nữ đang nép mình lấp ló, cắn môi vò vò vạt áo bồn chồn không yên.

Anh thở dài, bước tới.

"Sao hôm qua cô lại chạy?"

Nghe tiếng, cô nâng người đứng dậy, vai tựa vào thân cây, ngẩng đầu nhìn anh. Miệng mấp máy nhưng không phát ra tiếng. Bất chợt hai mắt cô đong đầy lệ, oà khóc.

Trường Khanh trở nên luống cuống. Này là chuyện gì? Anh chỉ mới hỏi một câu. Sao người phụ nữ trước mặt lại nức nở rồi? Ai nhìn vào sẽ nghĩ rằng anh bắt nạt phụ nữ chân yếu tay mềm mất.

Thằng bé con thấy mẹ lã chã rơi lệ, nó vội chạy đến dụi đầu vào chân thị ra chiều an ủi. Nó cố gắng bập bẹ nói không rõ chữ: "Má...nín...", nhìn thương không tả được.

"Cô đừng khóc." - Anh tiếp tục thở dài.

Văn Bắc thấy anh dùng dằng mãi, bèn ngừng tay, đi đến từ đằng sau, thình lình hỏi: "Chuyện gì vậy?"

"Là hai mẹ con hôm qua." - Trường Khanh nghiêng người, giải thích cho người đàn ông nghiêm mặt. Thấy hắn vẫn không nói năng gì, anh nói tiếp: "Tôi không biết cô ấy muốn gì nữa. Tôi hỏi một câu thị đã thành ra như vậy."

"Đại, gọi chú Giáp lại đây." - Văn Bắc quay đầu, lớn giọng hô một tiếng.

Chú Giáp nghe bảo ngài Bắc kêu mình, chạy tới: "Ngài gọi tôi."

Đại đứng bên cạnh Trường Khanh: "Vợ chú Giáp là người câm. Chú biết dùng thủ ngữ nói chuyện."

Anh gật đầu tỏ ý đã hiểu.

Chú Giáp được Văn Bắc nhờ thì quay sang thử nói chuyện với người phụ nữ. Nhưng có vẻ thị không biết thủ ngữ là gì, tròn mắt nhìn chú Giáp khua tay múa chân một hồi quên cả khóc. Chú Giáp đành ngẩng đầu nhìn Văn Bắc, khe khẽ ra hiệu.

Đột nhiên, Đại bỗng dưng nói một câu như sét đánh giữa trời quang: "Thằng nhóc con nọ, sao cứ hao hao cậu Khanh. Nó giấu cái mặt đi, lộ ra mỗi đôi mắt thì càng giống. Mọi người có thấy giống con không?"

"Nói tầm bậy gì đó?" - Văn Bắc nạt lên trước tiên, chặn luôn cả lời phân bua sắp trào ra khỏi cuống họng Trường Khanh. Anh cười khổ. Ăn có thể ăn bậy, nhưng nói không thể nói bậy được.

Đại biết mình vừa tào lao linh tinh, nín khe không dám hé răng chi nữa. Nó đứng gãi tai, đầu đánh sang chỗ khác.

Trường Khanh từ khoé mắt vẫn thấy người đàn ông cao lớn kia đang ngầm quan sát, anh hiểu mình không thể cứ kệ vờ cho qua như mọi khi. Đồn đãi một khi đã gieo xuống, thanh danh của anh lẫn người phụ nữ ăn xin tội nghiệp kia đều đi tong.

Anh cắn răng: "Tôi quả thực không biết cô này là ai."

Người phụ nữ đứng cúi đầu, đôi môi khô nứt mím chặt. Thị cứ thế đứng lặng lẽ khóc, hai hàng lệ dài chảy trên mặt. Khi nấc lên thì cô cuống quýt dùng tay áo rách rưới của mình lau đi nước mắt nước mũi nhoè nhoẹt. Trường Khanh nhìn gương mặt lem nhem sắp sửa bị cọ tới trầy da, tay chân đỏ ửng từng mảng mục rữa lộ cả máu thịt thì khuyên cô ngừng tay.

Gương mặt đó, kỳ lạ càng trông càng thấy quen. Thế là anh bèn đứng một bên trầm mặc suy nghĩ.

"Là cô!" - Một lát, anh bừng tỉnh.

"Cậu biết cô ta?" - Văn Bắc thấy anh reo lên thì cau mày, hai tay khoanh lại đặt trước ngực.

"Tôi nhớ ra rồi. Má cô ấy là một trong những người ở của nhà tôi, hay theo hầu má lớn."

Anh ngừng một lát, cố gắng lục lọi suy nghĩ, hồi tưởng chuyện cũ: "Nhưng tôi nhớ cô ấy có thể nói mà nhỉ. Chân chỉ bị thọt khập khiễng một bên, đâu tới mức què cả hai chân."

"Cậu nhớ chuyện lúc nhỏ?" - Văn Bắc liếc nhìn anh.

"Má cô ấy dắt theo, ngại con gái bị tật chậm chạp nên để cổ phụ việc cho heo gà ăn ở sân sau. Tôi từng gặp mấy lần." - Trường Khanh gật đầu quả quyết.

"Chuyện khác cậu có nhớ không?" - Hắn nói nhỏ.

"Chuyện khác là chuyện gì?" - Trường Khanh nhíu mày. Anh không hiểu.

"Thôi. Tìm hiểu xem sao cô ta lại ở đây. Tìm cậu có việc gì. Đứa trẻ..." - Văn Bắc xua tay, khoé miệng trễ xuống.

"Thằng bé không liên quan gì tới tôi đâu. Xin thề." - Trường Khanh vội vàng thanh minh ngay lập tức.

Người phụ nữ lần này có vẻ hiểu là họ đang nói về mình, bèn gật đầu như trống bỏi, dùng bàn tay xương xẩu xoa đầu đứa trẻ. Thị cắn cắn môi dưới, chỉ vào mình lắc đầu, lại chỉ vào mặt thằng bé, rồi quỳ xuống vái lạy. Cái trán đập trên nền đất kêu vang một tiếng, đỏ ửng lên.

Trường Khanh hết cách, đầu bắt đầu muốn đau, chỗ vết sẹo như đang nhói lên, nhìn Văn Bắc cầu cứu.

"Bây giờ cậu cứ hỏi có hoặc không, cô ta trả lời bằng cách gật đầu hoặc lắc. Cậu xem có được không?"

"Một ý hay. Vậy tôi hỏi cô vài câu nhé?"

Gật.

"Cô muốn tôi chữa cho đứa trẻ đúng không?"

Gật.

"Lúc trước má cô và cô từng làm việc ở nhà ông điền chủ Đỗ đúng không?"

Gật.

"Má cô dạo này thế nào rồi?"

Lắc. Rồi cô nhắm mắt ngả đầu một bên.

Trường Khanh hiểu ý nghĩa của hành động này. Hoá ra bà đã qua đời.

Một phần anh có ấn tượng là vì bà ta hay đi sau bà hai Lan, má lớn của anh. So ra bà rất được lòng má lớn, luôn thay bà Lan lo liệu việc ăn uống bếp núc của cả nhà.

Anh tuy không thường tiếp xúc với má lớn, nhưng anh thừa hiểu cái thói ưa sĩ diện của các quý phu nhân nhà quyền quý, lúc vui hay có nhã hứng sẽ thưởng thằng nô con ở rất đậm. Má của người phụ nữ trước mặt này lại khôn khéo như thế, tất nhiên phải tích góp được không ít của nả mới đúng. Hoặc giả là thị cứ mãi ở sân sau nuôi gà nuôi vịt, cực khổ nhưng cái ăn cái mặc cũng đâu phải lo.

Vậy thì có chuyện gì đã xảy ra, khiến người phụ nữ rơi vào bước đường này, tới mức phải đem theo con thơ lưu lạc? Còn cha đứa trẻ đang nơi nào? Sao nỡ để vợ con lăn lộn mưu sinh ốm đau tới bậc ấy?

"Việc cô bị câm xảy ra khi cô đến đây?"

Lắc.

"Lúc cô còn ở nhà tôi?"

Gật.

"Đứa bé này thì sao?"

Nhắc tới con, cô hơi rối trí, lại bắt đầu ú ớ, hai đầu ngón tay trỏ cấu vào nhau. Trường Khanh đành phải đổi cách hỏi: "Cha đứa bé còn sống không?"

Người mẹ ăn xin ngập ngừng một chốc, len lén nhìn anh, rồi khẽ gật đầu.

Biểu cảm Trường Khanh lập tức cứng đờ. Anh đã thấy ba loại biểu cảm khác nhau từ ba người đàn ông đứng kia rồi. Người vờ như bị điếc nghe không hiểu là chú Giáp. Người tò mò nhưng không dám thể hiện ra bên ngoài là Đại. Và người đang sa sầm mặt như toàn bộ trần gian này nợ tiền anh ta là Văn Bắc.

"Cha đứa bé có liên quan tới tôi không?"

Gật.

"Cậu phải hỏi cho rõ cha đứa bé có phải là cậu không? Hay là con rơi con rớt của ai trong nhà cậu." - Văn Bắc dùng tay xoa xoa trán cướp lời. Chắc là hắn không nghe nổi nữa.

Lắc rồi gật rồi lắc.

Quá phức tạp.

Trường Khanh vừa tức vừa buồn cười. Lòng tốt của anh đột ngột kéo anh vào cái rắc rối gì đây. Anh không thể nán lại đây lâu vì còn có việc phải giải quyết. Chuyện của hai mẹ con ăn xin này khiến lương tâm anh cũng không thể lờ đi được, đặc biệt là khi có thể nó có liên quan tới nhà họ Đỗ.

"Anh..." - Trường Khanh ngập ngừng.

Văn Bắc nhìn anh thật sâu. Trước lúc anh kịp hiểu ánh mắt đó nghĩa là gì thì hắn đã bặm bặm môi, chậm rãi nói: " Trước kiểm tra xem bệnh cô ta mắc là gì. Rồi hỏi cô ta chịu đi cùng không. Đi theo thì không được khóc lóc hay bỏ trốn, đặc biệt không được quậy phá, không được ăn cắp. Cho cô ta và đứa trẻ đi một xe riêng, thuê phu xe khoẻ mạnh vệ sinh kĩ lưỡng đánh xe."

Trường Khanh nghe xong thì hai mắt sáng rỡ. Hoá ra hắn hiểu hết những lời anh định nói định làm. Thay vì để anh chủ động mở lời, hắn trực tiếp phân phó công việc. Dù thật ra ở lập trường của hắn, hắn hoàn toàn có thể bỏ mặc không quản. Tất nhiên anh không có quyền trách hắn nếu hắn từ chối.

"Lần này tôi lại nợ anh." - Trường Khanh chắp hai tay thành quyền, cúi đầu thay cho lời cảm tạ.

Cuối cùng khởi hành được dời tới khoảng chính ngọ, thời giờ dư dả giúp anh tạm yên tâm sắp xếp mọi việc đâu ra đấy.

Ba người đàn ông nhanh chóng tản ra đi tắm rửa thay quần áo. Anh còn nghe loáng thoáng Đại bảo ông chủ hôm nay bỗng dưng làm việc tốt người tốt khác hẳn ngày thường. Có cậu Khanh là ông chủ dễ nói chuyện hẳn, chọc cho Văn Bắc lại nạt nó mấy câu.

Không chần chờ thêm, anh liền bắt tay vào làm, kê một chiếc bàn ở ngoài sân và mở hòm thuốc để khám bệnh cho hai mẹ con.

May mắn sau khi quan sát và kiểm tra, những nốt mủ lở không phải bệnh truyền nhiễm mà là do trúng độc. Độc này Trường Khanh đã từng thấy qua, bị lây lan do một loại côn trùng thường sống ở vùng nhiều cây cối đồng ruộng, khá dễ nhận biết. Thân nó chia thành ba đốt, có đuôi nhọn, đầu có hai sợi râu dài, có cánh mỏng để bay, có thể đi nhanh trên mặt nước. Chúng sinh sôi nhanh và nhiều, khi cắn sẽ làm da bị phồng rộp, chảy dịch vàng, lở loét lây lan kèm theo sốt nhẹ, đau nhức.

Nhìn mức độ phù nề và mưng mủ trên da của người mẹ, đoán chừng thị bị rất nhiều con côn trùng này tấn công cùng lúc. Vết cắn xuất hiện đã lâu nhưng do điều kiện vệ sinh chăm sóc quá kém, vết thương nhiễm trùng lây lan kéo dài tới nay không khỏi. Ngoài ra, anh phát hiện ra thêm một điểm kỳ lạ. Thông thường loại côn trùng kia không sống thành bầy đàn, chỉ hung dữ phòng vệ khi cảm thấy nguy hiểm. Cho nên rất ít khi có người bị thương nặng đến như thế.

Anh lại bảo cô há miệng để anh có thể kiểm tra bên trong. Cổ họng của người phụ nữ hoàn toàn bình thường. Dây thanh quản không có dấu hiệu bị tổn thương. Nhưng từ cuống lưỡi trở về trước thì hoàn toàn trơ trọi. Người phụ nữ này đã bị xẻo lưỡi, vết cắt sắc ngọt đầy tàn nhẫn. Khám đến chân, hai chân còn nguyên các mô da mềm nhưng xương khớp đã bị đánh lệch gãy. Có thể không băng bó nắn chỉnh kịp thời nên khi xương lành lại thì trục bị méo, làm dáng đi đứng dị hợm.

Từ trên xuống dưới, có thể thấy người phụ nữ này đã bị hủy hoại không còn chỗ nào lành lặn, không có chỗ nào giống con người bình thường. Ắt hẳn cô đã phải chịu nỗi đau đớn khủng khiếp kéo dài dẫn đến hình hài người chẳng ra người ma chẳng ra ma như điên như dại.

Đột nhiên một suy đoán nảy ra làm chính bản thân anh cũng sợ hãi. Đó là biết đâu chừng, cô gái kia bị người hãm hại. Đôi chân trở nên tật nguyền, lưỡi bị cắt bỏ, bị tra tấn bằng chất độc, và bị thẩy ra đường tha phương cầu thực. Phải là người có thâm cừu đại hận tới cỡ nào mới làm ra chuyện tàn ác tới dường ấy. Trường Khanh thực không dám nghĩ thêm nữa.

Anh cố gắng điều chỉnh sắc mặt, chuyển hướng sang khám cho đứa nhỏ. Vạn hạnh thằng bé hoàn toàn lành lặn, chỉ là bị suy dinh dưỡng và dị ứng phấn hoa. Các nốt mẩn đỏ nổi trên da chính là biểu hiện của chứng bệnh này. Chỉ cần uống thuốc và hạn chế tiếp xúc với các bụi phấn từ cây hoa là ổn.

Đồng thời, anh phát hiện thằng bé bị suy hô hấp, hơi thở hỗn loạn lúc mạnh lúc yếu, mũi có dịch đờm. Việc thằng bé hít thở không đủ làm đầu óc lơ mơ chậm chạp, người khác dễ lầm tưởng là nó ngoan ngoãn không quấy khóc. Thực tế là do nó mệt mỏi, dưỡng khí không đủ làm ảnh hưởng tới suy nghĩ tư duy.

Anh đắn đo một lúc mới mài mực bắt đầu viết đơn thuốc. Các loại dược liệu đặc biệt anh không có sẵn ở đây. Anh cũng phải tìm các loại thuốc thay thế để giá cả mỗi thang không quá đắt đỏ, nằm trong khả năng anh có thể kham được.

Một lát sau, Văn Bắc đã đi xuống lầu, cách anh tầm hai bước chân. Hắn mặc vest xám nghiêm chỉnh, chân đi giày tây nâu mũi nhọn, tóc tai chải chuốt gọn gàng không rơi một sợi thừa. Bên tay trái đeo một chiếc nhẫn hạt đen ở ngón giữa, nhìn sơ qua không giống ngọc mà giống đá.

Trường Khanh không rõ vì sao người này đột nhiên lại ăn mặc chải chuốt. Anh nghĩ chắc lát nữa hắn có việc cần làm, cũng không hỏi thêm, bèn quay trở lại tập trung vào chuyện trước mặt.

Làn da của anh trắng, thỏi mực lại đen. Hai màu tương phản đứng cạnh nhau trong phút chốc khiến người xem kinh diễm hoảng hốt. Dường như người đàn ông thoáng thất thần, ho khan vài tiếng mới bình thường trở lại. Cùng lúc đó, anh bắt đầu nhấc tay viết ra giấy. Bút vừa ngừng thì Văn Bắc đã tiến thêm một bước cầm lấy, sai người chạy đi mua. Trường Khanh híp mắt cười, không nói gì.

Kế tiếp anh đi vào quán, tìm mượn bà Bôm một phòng tắm cho hai mẹ con dùng. Anh tranh thủ quay về phòng, lục lọi túi đồ cho thị một bộ quần áo sạch để mặc tạm. Quần áo của người mẹ ăn xin tội nghiệp đã dơ bẩn và tả tơi tới mức không thể dùng được.

Văn Bắc lẽo đẽo sau anh nãy giờ không vui. Hắn giữ bộ quần áo trong tay: "Đồ này của nam."

"Đợi đến nơi tôi sẽ mua một bộ nữ cho cổ. Giờ gấp gáp quá đành vậy. Vết thương phải được giữ sạch mới mau lành."

"Đồ này lớn, cô ta mặc không vừa."

"Nhưng đồ của tôi chỉ toàn là cỡ này thôi."

Văn Bắc trừng mắt nhìn anh. Anh nhìn ngược lại hắn với ánh mắt vô tội, không hiểu tại sao người này cứ tiếc rẻ một bộ quần áo vải cũ của anh. Nếu tiếc, người nên tiếc là anh mới đúng chứ.

"Kêu bà Bôm đưa quần áo phục vụ của nữ lại đây." - Hình như hắn nghiến răng nghiến lợi nói ra câu này, sau đó mím môi.

"Vậy tiền bạc tiêu phí của hai mẹ con, anh cứ trừ vào lương của tôi nghen." - Trường Khanh lấy tay gãi gãi sóng mũi, lí nhí nói.

Chủ ý cứu người là anh. Chủ ý đem người đi cùng để tìm hiểu thực hư cũng là anh. Văn Bắc đã liên tục dung túng để anh tự tiện tới độ này. Hầu như không có một ông chủ nào tốt tính hơn hắn được nữa. Anh quả thực không dám làm phiền Văn Bắc thêm.

"Đi thay đồ, chuẩn bị lên đường." - Hắn nhìn anh, rồi đóng sầm cửa ra ngoài.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top