Chương 1 - Túc Duyên (Thoại tiếng Mường + dịch)
Đôi mắt của tôi yếu ớt tựa như ánh chiều tà cuối nẻo. Mỗi khi đối diện nguồn sáng lúc đêm về, tầm nhìn của tôi tựa như phủ một làn sương mờ ảo. Ánh sáng ấy chợt nhòa, tan biến như ẩn như hiện, để lại trong tâm khảm tôi cảm giác chập chờn, khó tả. Tôi ngỡ rằng, những ánh nhìn tỏ rạng đời trước đã phai nhạt dần nơi đôi mắt này, như trăng thu cuối tháng cũng đành chịu cảnh mây mờ che phủ.
Tôi chẳng rõ là do ông trời còn chút lòng thương xót hay nhờ phép nhiệm mầu nào đó, mà từ khi đặt chân đến chốn này, đôi mắt bỗng sáng hẳn lên, tựa như bao lớp mờ đục năm nào đã trôi vào quên lãng, chẳng còn để lại chút vết tích trong tâm trí của tôi.
"Nhìn cái gì mà mi nhìn lâu thế?" (Tiếng Mường)
Nhìn trời mà hỏi ông trời... sao ông lại nỡ để con thế này?
Tôi im lặng rồi tự coi như đã trả lời người hỏi.
Ngoài trời, chốc chốc lại chớp giật liên hồi, sấm nổ vang rền tựa tiếng trống trận dội về từ chốn xa xăm, giống như cơn giận dữ của trời cao đã tích tụ từ ngàn năm trước. Thêm cơn mưa rào xối xả trút xuống nhân gian, nện từng đợt "bôm bốp" không ngừng nghỉ, âm vang đến ù cả hai bên tai. Những cơn gió lạnh lẽo lùa qua khe cửa sổ, mang theo hơi nước mát rượi, làm ẩm ướt gần hết gian nhà sàn. Vậy là, mùa hạ vẫn còn đó. Đúng là ông trời, nắng mưa cứ đổi thay như trở bàn tay. Khi mưa khi nắng, chẳng biết đâu mà lường.
Cơn chớp loé lên một lần nữa, sáng rực cả khoảng trời rồi lại chìm vào đen tối. Tôi thì vốn sợ cái ánh chớp lạ kỳ ấy, bất giác giật mình, đồng tử co lại, gương mặt cứng đờ chẳng dám nhúc nhích.Thoáng qua một hồi, tôi nghe có tiếng cửa sổ kéo kẽo kẹt, âm thanh khô khốc tựa lời thở dài của gỗ già nhuốm màu năm tháng. Một cánh tay thoáng vươn ra, trong lớp áo màu tràm, tay chẽn và nhẹ nhàng khép lại cánh cửa gỗ của gian nhà lại. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi mới theo phản xạ bất giác quay phắt lại phía sau.
Bá Điền.
Hắn là người đã cứu giúp tôi thoát khỏi đám trẻ ở cổng đền thờ thánh linh. Khi ấy, tôi bừng tỉnh và điều đầu tiên đập vào khứu giác là mùi đất ẩm ướt, hòa quyện cùng cảm giác mát lạnh từ lớp rêu xanh mướt dưới thân. Thoáng nhìn quanh, tôi nhận ra mình đang nằm dưới gốc một cây cổ thụ vĩ đại, tán lá rậm rạp của ngôi đền cổ xưa bao bọc lấy. Ánh sáng mặt trời như những dòng suối vàng, len lỏi qua những chiếc lá, rải rác chiếu rọi xuống khoảng đất xung quanh, tạo nên một khung cảnh vừa huyền ảo vừa tĩnh lặng, như thể thời gian ngừng trôi nơi chốn linh thiêng này.
Không khí quanh đây mang theo một cảm giác linh thiêng, như thể có một thế lực vô hình đang trông chừng. Những biểu tượng trên cổng, tôi đã được thấy ở đâu đó nhưng nghĩ mãi cũng không thể nhớ ra. Dường như kể lại một câu chuyện cổ xưa, một câu chuyện mà tôi không thể hiểu nổi. Tôi cố gắng gượng dậy, cơ thể vẫn còn đau nhức từ cú ngã. Mọi thứ xung quanh thật yên tĩnh, nhưng trong lòng tôi cứ cảm thấy có ai đó hoặc cái gì đó đang quan sát tôi. Trước khi tôi kịp hiểu hết những gì đang diễn ra. Từ ngoài cổng đền, đám trẻ con đang chơi đuổi bắt chạy đến.
Và thế cuộc gặp gỡ bắt đầu từ đây.
Đám trẻ con đấy láo toét vô cùng, tôi còn nhớ rằng chúng bốc cả nắm nhánh cây khô và đá sỏi dưới nền đất ẩm ná thẳng vào người tôi ngay trước mặt sân đền. Sau đó, tôi bị một cục sỏi phi vút, đáp mạnh căn giữa trán. Đầu ngửa luôn ra sau, phần thân theo quán tính đổ sập ngay lập tức. Từ đây, máu trên trán tôi chảy xuống mày, mũi, tô thành mấy dòng máu đỏ thẫm đến ghê sợ. Tôi vừa hoảng vừa mơ hồ. Một tay chống dậy, một tay theo phản xạ, tôi che lấy phần đầu khỏi bị thương thêm. Hai bên tai nhốn nháo tiếng trẻ con cười đùa, tiếng sỏi đá đáp đất thành tiếng "tanh tách". Chúng nó hô hào, hùa nhau nhạo báng, ném cho hết đống sỏi này rồi nhặt đống khác ném, đến khi có tiếng chân ngựa thì mới yên. Nheo nửa bên mắt, tôi cố mở mắt còn lại ra nhìn lần nữa, chúng nó vẫn đứng ở đó chỉ trỏ vào tôi.
Thình lình, một thanh niên cao ráo từ phương trời nào đó chắn ngang tầm nhìn của tôi, khiến mọi thứ xung quanh chợt trở nên tối mịt. Người đứng sau hắn, phẩy phẩy tay, thành công đuổi lũ trẻ chạy tán loạn. Một kẻ khác thì thong thả bước đến, đứng chắn nắng cho tôi. Trong khi đó, thêm một tên nữa xuất hiện, nhấc bổng vai tôi lên, kéo tôi đứng dậy, rồi vác lê tôi đi.
"Mi làm cái gì, để đám trẻ con ném đá vào người lắm thế? " (Tiếng Mường)
Nghe thấy tiếng dân tộc của mình, tôi ngước đầu lên, nheo mắt lần nữa để nhìn cho rõ người trên lưng ngựa. Lần này, mặt tôi buồn rầu xác định, hắn ta vẫn là người lạ. Chẳng mấy chốc, hắn lại hỏi tôi thêm một câu bằng tiếng Mường với đại ý là "mi bị câm à? ". Đến đây, tuy cuống họng của tôi khô khốc vì thiếu nước nhưng tôi cũng phải cố gắng để khởi động cơ miệng. Cuối cùng, tôi vươn người, ghé lại gần tai tên đang vác tôi mà thì thầm cho tên ấy nghe cho rõ.
"Tôi không biết nữa, cho tôi hỏi với, đây là chỗ nào vậy ạ?" , tôi hỏi. (tiếng Mường)
"Sao thế? Tên gì? nhà mi là ở đâu? nói đi ta cho người đưa mi về", một người trong số họ hỏi tôi. (Tiếng Mường)
"Gọi tôi là Mây cũng được", tôi chỉ cho họ gọi biệt danh của mình. (tiếng Mường)
Mây tức là Vân, tên của tôi là Vân, đệm là Văn, họ là Đinh.
"Mi có nhà không? Mi là người ở đâu?", người trên lưng ngựa lại hỏi. (Tiếng Mường)
"Tôi ở Hoà Bình, anh là người chỗ nào?", chẳng rõ vì sao tôi lại đến được chỗ này nên mặt mũi của tôi cứ nghệt ra. Tuy tôi chưa định hình được tình huống này nhưng tôi cũng không quên hỏi ngược lại bọn người Mường lạ đó.
"Bọn ta ở đây." (Tiếng Mường)
Một tên đội khăn xếp, đứng ở phía sau nghi có vẻ khó chịu, hắn xua xua bàn tay trước mặt của tôi và quát bằng tràng tiếng Mường với đại ý là "Hòa Bình là chỗ nào cơ, chỗ này mi không được nói linh tinh đâu!" và còn vài câu khác nhưng tôi nghe không rõ. Hắn nói xong xuôi, tôi nghe được câu có câu không nên tôi đứng cứng ngắt như khúc gỗ, nhìn chằm chằm bọn người ấy mà âm thầm đánh giá. Giọng điệu này e là không phải người Mường ở chỗ của tôi.
Tên đi cùng lại xổ một tràng tiếng Mường, nói với người khoác vai tôi với đại ý là "Bá Điền, nó bị điên đấy, không biết chào hỏi, đám trẻ con còn đánh được nó mà".
Tôi thì nhanh chóng tiếp nhận thông tin từ lời tên kia vừa thốt ra. Thì ra người rìu tôi đứng dậy có tên gọi là Bá Điền. Nhìn thoáng qua, tôi đoán hắn chừng đôi mươi tuổi. Mặc dù tên đó còn phảng phất nét thanh xuân nhưng cũng chớm có vẻ chững chạc của người trưởng thành. Hắn không quá cao lớn, dáng người vừa vặn, nước da hơi ngăm, đôi mắt một mí nhưng lại chẳng toát vẻ hung hiểm. Trái lại, thần thái của Bá Điền toát lên uy nghiêm, phong thái khiến người khác phải nể trọng. Lấy thí dụ, tên đứng sau khi hễ hỏi tôi xong lại quay qua nói với hắn như mách, kiêng nể hắn hơn người khác. Chợt trong lòng tôi nảy ra một ý nghĩ rằng có lẽ, Bá Điền chính là người có thể giúp tôi tìm đường về cuộc sống cũ, có thể trở về nhà.
"Anh ơi, anh giúp em tìm đường về nhà với, được không? Em đi lạc rồi, không biết đây là đâu nữa." (Tiếng Mường)
Nói xong câu đó, chẳng hiểu sao một gã đàn ông ngoài 30 tuổi như tôi lại rơi nước mắt. Khởi đầu của muôn điều huyền hoặc mà lòng tôi không thể thấu hiểu. Giờ đây, tôi đã chẳng còn là Đinh Văn Vân như ngày trước. Nhớ quê hương, nhớ ông bà, cha mẹ, anh chị, và bạn bè, nỗi nhớ ấy cứ dâng trào trong tôi. Phải nói rằng, suy nghĩ ấy càng lúc càng trở nên quẫn bách khi tôi biết rằng nơi mình lạc đến đây, nơi mà chẳng một ai hay biết về quê hương và chẳng có cách nào để tôi trở về. Ngay lúc này, tôi chẳng biết làm sao để tự an ủi, chỉ thấy lòng trĩu nặng mà phải tự mình đối diện với nỗi lo làm sao sống sót qua cơn đoạn trường để tìm lại đường trở về. Vì vậy, tôi chỉ có thể khóc để bớt sợ hơn.
Dưới gốc xi già của đền thờ chỉ nghe thấy tiếng khóc của tôi. Mấy gã người Mường "lạ" nghĩ rằng tôi sợ hãi. Lúc này, Điền đang đứng cạnh, hắn loay hoay một lúc, giật lấy khăn từ tay của tên bên cạnh và đưa cho tôi. Tôi vẫn đứng khóc ở đấy, vớ lấy túi vải hắn đưa để lau nước mắt, cứ lau rồi khóc, khóc rồi lại lau.
"Ta giúp mi tìm đường về nhà được. Nhưng bọn ta không biết về nơi mà mi gọi là Hoà Bình", Bá Điền nói với tôi. (Tiếng Mường)
Nhân danh cựu "học sinh giỏi Địa Lý cấp thành phố" tôi kết hợp trí nhớ và kiến thức còn lại, vội vàng miêu tả bằng tiếng Mường cho họ nghe thật rõ về phạm vi lãnh thổ và vị trí địa lý của tỉnh Hoà Bình: "Phía bắc của Hoà Bình giáp tỉnh Phú Thọ, phía nam giáp tỉnh Thanh Hóa, phía đông giáp tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và thủ đô Hà Nội, phía tây giáp tỉnh Sơn La ..."
Bọn họ không trả lời tôi.
"Kiểu gì vậy, giờ này, các anh còn đi ngựa với thiếu hiểu biết thế?", tôi bực dọc. Mấy tên ấy không trả lời, quay lại nhìn nhau.
"Mi mới thiếu hiểu biết ở đây ấy", Bá Điền nói. Điền một bên chống nạnh, một bên tay thì lay lay vùng trán rồi ngẩng lên trừng mắt với tôi.
"Nước Việt Nam mình có 63 tỉnh thành và tôi nhớ hết tên các tỉnh. Thế là tôi có hiểu biết hơn các anh rồi còn gì?"
"Nước Việt Nam?..."
Tôi thấy bọn họ liếc qua liếc lại, dạng như họ chưa nghe qua hai chữ "Việt Nam".
"Sau khi ngài về miền xuôi, an định đất nước xong xuôi. Ngài đã cử người lên thông báo về tên. Ngài đặt tên nước ta là Đại Việt", Bá Điền nói thêm.
Tôi đứng yên tại đó một lúc rất lâu. Đầu của tôi nhói như điện giật, tiếng nhại lại cứ "rì rầm" hai bên tai. Không gian trước mắt quay như mòng mòng, tôi loạng choạng, đứng không vững nữa mà suýt ngã nhào ra đất.
Đại Việt.
Đại Việt.
Đại Việt.
Kiểu sống như người Mường xưa, phân vùng đất như cách gọi thời Đinh Quách Bạch Hà?
"Có muốn đi theo ta về không? Mi mà ở dưới gốc cây này đến tối là không có cơ hội nhìn thấy mặt trời ngày mai mọc nữa đâu, này?", Bá Điền hỏi tôi.
Dĩ nhiên, tôi nào đâu còn đường nào khác, thuận theo ý Điền, tôi đi theo hắn. Mặc cho trong dạ còn vương bao nỗi băn khoăn.
***
"Với lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam từ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn,... lịch sử về người Mường của thời kỳ này ở các tỉnh như là tỉnh Hòa Bình, tỉnh Thanh Hoá,... còn khá mờ nhạt, còn thiếu nhiều tư liệu, nó được nằm lẫn trong bức tranh của lịch sử chế độ phong kiến việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, cùng tồn tại song hành với chế độ phong kiến trung ương tập quyến ở người Việt thì người Mường lại duy trì đó chế độ xã hội lang đạo do các dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hà cai trị dân Mường."
---
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top