1

 "Chào bà cháu đi."

Tôi nắm chặt chiếc balo quân dụng nặng trĩu, nhìn qua bà tôi. Năm ấy bà đã hơn 60, tóc đã điểm bạc, khuôn mặt phúc hậu dịu dàng. Bà ôm một đứa trẻ hẵng còn đỏ hỏn trên tay, nó ngoan ngoãn chìm trong giấc ngủ trong khi ba nó đang cố kìm nén tiếng nức nở bật ra trên đôi môi tím ngắt.

Anh Vỹ, hàng xóm của tôi, một chàng trai tốt bụng chất phác, lớn hơn tôi vài tuổi. Vợ anh vì khó sinh mà mất, để lại cho anh đứa con gái tội nghiệp này. Trước khi đi vợ anh níu tay anh dặn dò. Dù có thế nào đi chăng nữa, anh cũng nhất định phải nuôi nấng nó, chăm sóc nó chu đáo. Nói rồi, chị xuôi tay.

Mắt anh đỏ hoen, nước mắt cứ trực trào ra như đê vỡ. Anh cúi người hôn xuống trán con bé, một nụ hôn tạm biệt. Dẫu biết đây chỉ là tập huấn quân sự, nhưng với sự khắc nghiệt của bọn chúng, anh nào biết được khi nào mới có ngày trở về.

Chợt một bàn tay ôm chầm lấy bàn tay tôi, siết chặt. Người tôi thương, em ơi, đợi ngày tôi trở về em nhé?

Mưa rơi đầy trên gò má em. Em cố chấp ôm tôi chặt cứng, mím môi để không bật thành tiếng, cả người em run rẩy, lẩy bẩy phát thương.

Trong một khoảnh khắc, tôi cảm thấy mình như chết lặng.

"Ngoan, đừng khóc. Em cứ như vậy làm sao tôi nỡ đi đây?"

"Vậy thì đừng đi nữa được không? Ở đây với em, đừng đi nữa..."

Nhìn vào đôi mắt ngập nước đỏ hoen kia, lòng tôi như bị ai cắt. Tôi nào muốn đi em ơi, tôi muốn ở đây cùng em, muốn yên bình cho hết cõi đời này. Nhưng thế sự xui rủi làm sao, bọn chúng bắt tôi đi em à, nếu tôi không đi thì chúng sẽ bắt bà, bắt em, mang đi đánh đập, hành hạ. Tôi phải đi để bảo vệ gia đình, cam chịu phục tùng chúng chờ ngày đất nước ta độc lập. Đợi ngày tháng yên bình trở lại, mình sẽ cùng nhau xây dựng một tổ ấm nho nhỏ, vui vẻ sống qua ngày. Em ha?

"Con đi thì nhớ giữ gìn sức khỏe. Thằng Vỹ có gì để mắt tới em nó giúp bà nha con. Khổ thân, con gái chân yếu tay mềm mà chúng nó cũng ép ra chiến trường cho bằng được. Cái bọn ác nhơn đó có ngày cũng phải gặp quả báo!"

Tôi vuốt mái tóc em, cười dịu dàng, chậm rãi khắc sâu khuôn mặt người thương vào trong tâm trí. Mai này tôi đi rồi em phải biết tự thương lấy bản thân mình, ăn uống đầy đủ, đừng lo nghĩ nhiều quá rồi ngã bệnh, tôi lo. Mùa đông lạnh nhớ phải tắm nước ấm, mặc quần áo dày một chút. Tôm cua giờ tôi không thể bóc cho em ăn được nhưng đừng vì vậy mà không ăn chúng nữa. Nếu... lỡ mai này có chuyện gì, mong em quên tôi đi, tìm người có thể che chở và khiến em hạnh phúc. Em nhé.

"Đồ điên. Đừng có nói xui xẻo. Chị về mà sứt mẻ miếng nào thì coi chừng em."

Mồm miệng thì đanh đá thế thôi chứ giọng thì nghèn nghẹn, tay lại càng siết chặt hơn. Tôi ước gì thời gian sẽ ngừng chảy trôi, dừng lại ở giây phút này mãi mãi.

----

Đoàn xe nổ máy, lần lượt nối đuôi nhau rời khỏi xã. Em vẫn đứng ở đó, tay liên tục chùi đi những giọt nước mắt không nghe lời. Ở lại mạnh khỏe nhé em, người ta chia tay nhau thì hứa sẽ trở lại, tôi chẳng dám hứa vì sợ hứa rồi nhưng không làm được, như thế thì đau lòng lắm. Đúng không em?

Siết chặt chiếc khăn tay còn vương mùi hương của em mà không tránh được trái tim đau nhói; hình bóng em cứ nhòe dần, nhòe dần. Tôi lau vội nước mắt, không muốn bỏ lỡ một giây nào còn được nhìn thấy bóng dáng kia. Xa cách nhau lần này chẳng biết bao lâu nữa mới có thể gặp lại, chỉ cầu mong đôi ta chỉ xa cách nhau về địa lý, niềm mong mỏi của em sẽ còn có ngày thành hiện thực; nhưng lỡ đâu ta xa cách âm dương, nước mắt trong em có cạn khô thì mãi mãi cũng chẳng thể thay đổi được gì.

Anh Vỹ ngồi bên cạnh thở dài, cũng len lén lau đi nước mắt. Trên xe loáng thoáng vài tiếng sụt sịt. Ai cũng mang nặng nỗi nhớ nhà, cũng mang sự oán hận chất đầy bên vai. Còn gì đau đớn hơn phải đi phục vụ cho kẻ thù, phải cầm súng chiến đấu cho kẻ mình căm ghét. Nhưng để bảo vệ gia đình, bảo vệ người thân, họ phải đi.

Và phải sống.

"Chị gái kia là gì của chị vậy?"

Cô bé ngồi cạnh đưa cho tôi một chiếc khăn giấy. Tôi khó khăn nói ra hai chữ "cảm ơn". Hít một hơi sâu, im lặng một chốc, tôi nhỏ giọng đáp:

"Người thương."

Cô bé gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu ý, ánh mắt nhìn về phía xa xăm.

Đợt huấn luyện quân sự này có kha khá nữ giới; có người còn trẻ, trông như vừa sang 18 không lâu; có người lại trưởng thành hơn nhiều, trông như đã gần 30. Tất cả họ đều có một điểm chung duy nhất, đó là đôi mắt luôn ứ đọng muôn vàn đau khổ thê lương. Nhìn nhau, ai cũng ngầm hiểu được nỗi đau của mỗi người.

"Má em vì vào đây mà bỏ mạng." Cái Liên – cũng là con bé ngồi cạnh tôi trên xe hôm ấy – ngửa cổ nhìn chòng chọc vào một tán cây đang ẩn nấp giữa trời đêm. Trong cái gió thoảng của rừng khuya, tôi vẫn nghe được giọng nó hơi run rẩy, như đang kìm nén sự tức giận.

"Ba má chị cũng vậy..." Tôi thở dài, ngón tay khẽ vuốt trên tấm hình gia đình đã cũ mèm. Chúng gieo rắc biết bao đau thương cho xứ mình, vậy mà mình vẫn phải ẩn nhẫn quy phục chúng. Ngày nhỏ nhìn gia đình tan nát, phủ một màu trắng xóa mà chỉ biết nức nở khóc; nay lớn rồi phải đứng lên, quyết tâm bảo vệ gia đình nhỏ này.

"Nếu được, dù có phải bỏ mạng, chị cũng muốn tiêu diệt chúng. Chỉ sợ ngày đó chưa tới thì đã chôn xác nơi này."

"Vậy thì càng phải sống chị ạ. Em còn mấy đứa em nheo nhóc ở nhà, em đi rồi thì tụi nó bơ vơ, tội nghiệp lắm. Chị cũng còn người thương với bà ngoại ở nhà, lại còn thêm ước nguyện riêng. Vậy thì hai chị em mình càng phải cố sống chị hen!"

Cái Liên cười rạng rỡ, đôi mắt tỏa ánh sáng long lanh đầy nhiệt huyết, giống như đôi mắt của em. Không biết giờ này em đang làm gì, đã ngủ chưa, hay vẫn còn thao thức nhớ kẻ đáng thương này.

Em ơi hãy ngủ thật ngon, tôi sẽ sớm về bên em thôi. Em nha.

----

"Không phải là chúng tôi chỉ đến đây để tập huấn thôi sao? Tại sao phải đi giết người?!"

Một anh lính hét lên đầy bất mãn, đôi mắt anh long sòng sọc và mặt đỏ gay. Tên sĩ quan phương Tây cao to vẫn ung dung hút một điếu xì gà, liếc anh một cái rồi thổi phù đám khói trắng vào mặt anh. Hắn dùng chân dụi điếu xì gà đỏ, bước chân hùng hổ vững vàng tiến đến trước mặt, tặng cho anh một cái đấm xây xẩm mặt mày. Mọi người sửng sốt, một vài người định rời hàng tiến tới đỡ anh dậy nhưng đã bị đội quân phía trước chĩa thẳng nòng súng. Tên sĩ quan kia hét to bằng tiếng Việt bập bẹ:

"Đứng yên tại chỗ hoặc tao cho chúng mày ăn kẹo đồng! Lời của chúng tao là mệnh lệnh, đứa nào chống đối lập tức bắn bỏ!"

Mọi người im lặng không dám động đậy, trong lòng nổi sóng gầm từng cơn. Có lắm người tức giận đến độ cuộn tay thật chặt, tạo ra tiếng răng rắc đầy cuồng nộ.

Sau ngày hôm ấy, chẳng ai thấy anh lính kia đâu nữa.

----

Một buổi sáng nọ, chúng choàng những dây xích qua tay chúng tôi, từng tốp từng tốp tiến về phía con tàu lớn bên cảng; hai bên là những binh lính lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn*. Chúng tôi "được" gặp mặt gã chỉ huy của đội quân đã tóm chúng tôi về đây. Gã nói thao thao bất tuyệt bằng một thứ tiếng mà chẳng ai hiểu rồi nhướn mày ra hiệu cho một gã to béo không kém bên cạnh. Hắn ta bắt đầu phiên dịch cho gã, nói rất nhiều, nhưng thứ duy nhất đọng lại trong đầu tôi sau những lời nói nhầy nhụa đầy sự giả tạo gớm ghiếc chính là lời hứa về việc ban phẩm hàm cho những lính sẽ sống sót và truy tặng những người sẽ hy sinh "cho Tổ quốc"*.

Và cứ thế, chúng tôi khởi hành đến chiến trường xa xôi với cái danh hiệu "tối cao" đầy "vinh dự" và đột ngột: Chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do*.

---

"Liên, tỉnh lại đi em. Liên!!!"

Tôi hét lên đầy đau đớn khi đồng đội của mình gục xuống. Con bé bị địch bắn trúng bụng, mất máu rất nhiều. Nó ôm vết thương đau đớn, anh Vỹ cùng một lính cứu thương đưa con bé lên cáng. Nó nhăn mặt, môi bặm chặt đến trắng bệch, mùi máu cùng mùi thuốc súng, mùi đất cát cứ hòa vào nhau. Nó kéo tôi lại gần, thều thào, đứt quãng nói:

"Chị Trà, chị... nếu sau này em có chuyện gì, chị làm ơn giúp em chăm sóc tụi nhỏ ở nhà. Chị giúp em... cho tụi nó ăn học. Nếu được thì chị giúp em bảo vệ tụi nó, đừng để tụi nó giống em, nha chị. Hứa với em... được không chị?"

"Được, chị hứa."

----

Sau hai năm, cuối cùng chúng tôi cũng được trở về.

Nhìn bàn tay thô ráp vì quen cầm súng đạn, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Em ơi, tôi về với em rồi.

Hai năm, không thư từ, không một lần trở về thăm nhà, hoàn toàn bặt vô âm tín. Cuối cùng tôi cũng trở về rồi, cũng có thể hoàn thành được ước muốn của em rồi.

"Giờ con bé My chắc cũng cao chừng này rồi đó ha. Cũng biết nói bi ba bi bô rồi. Anh cứ ngỡ chuyến này một đi không trở lại, không ngờ còn có thể trở về."

Anh Vỹ ngồi tựa cằm lên đầu gối, mắt hướng về hoàng hôn cháy rực trước mắt. Hai năm vật lộn nơi sa trường, chúng tôi không biết bao lần đi tới cửa âm phủ rồi lại trở về. Ngày ngày ăn khoai, ăn sắn, có hôm thì phải ăn cả cám heo; hôm nào hên thì được ăn một bữa cơm rau, tuy khô không khốc nhưng ai nấy đều ăn rất vui vẻ, không dám oán thán lời nào.

"Bữa nào em rảnh em sẽ kéo cả đàn em em qua nhà anh chơi với cái My. Tụi nhỏ nhà em thích mấy đứa con nít be bé lắm đó."

Lại nói đến Liên, con bé sau phát đạn ở bụng thì chảy rất nhiều máu, nhưng may mắn chữa kịp nên đã qua khỏi. Tỉnh dậy thì liền khóc sướt mướt làm các chị rối hết cả lên. Nó bảo lần này còn sống chắc là nhờ mẹ trên trời phù hộ cho em đó, nói rồi cười tít cả mắt.

"Không biết bà với Lài có khỏe không. Mong là lũ ấy không làm gì quá quắt với hai người họ."

Tôi mím môi, lòng lại dâng lên những cảm xúc khó chịu. Trái tim ngứa ngáy, thít chặt lại đến khó thở. Chiếc khăn tay ngày ấy em đưa đã nhạt màu dần, bức ảnh của em mà tôi luôn mang theo cũng nhấm nhem những vệt máu. Em ơi, chờ tôi, tôi về với em đây, em ơi...

----

Cuối cùng chúng tôi cũng cập bến.

Về lại với quê hương, nước mắt như trực trào khỏi khóe mắt. Hai năm xa cách mà ngỡ như đã lâu lắm rồi, lâu lắm...

Bỏ qua thái độ thờ ơ lạnh nhạt của tên quan cai trị, với bài diễn văn khiến người ta muốn phỉ nhổ vào mặt*; chúng tôi hân hoan hơn với niềm vui được đoàn tụ cùng gia đình. Những cái xác không hồn lúc này như được tiếp thêm sinh khí, bước chân càng thêm rạo rực. Chúng tôi ước gì mình có một đôi cánh như loài chim, có thể lập tức bay về nhà, gặp lại người thân mà mình hằng mong nhớ.

"Ai đấy? Nhà tôi có đủ đường rồi không mua nữa đâu, đi- Trà! Cháu về rồi đấy ư?!"

Căn nhà xưa vẫn giữ nguyên dáng hình cũ. Bà tôi tóc đã điểm thêm nhiều sợi bạc, bà lom khom quét cái sân bé tí. Trước cửa nhà có một bé gái khoảng 1 2 tuổi đang chăm chú nghịch những chiếc lá đã khô queo quắt. Bà dụi dụi mắt vài lần để chắc chắn rằng mình không nhầm. Tôi chạy đến ôm bà, òa khóc.

Bà ơi, cháu nhớ bà lắm. Bà còn khỏe không? Mấy nay trời lạnh bà có bị đau không?

Những nỗi nhớ ào ạt tuôn ra theo từng câu hỏi, nhìn mái tóc hoa râm điểm bạc của bà, tôi lại càng thêm xót xa.

"Lài ơi, Lài! Cái Trà nó về rồi đây này!"

Tôi buông bà ra, nhìn chằm chặp vào cửa nhà, chờ đợi người tôi hằng mong nhớ xuất hiện.

Em trong bộ áo nâu sồng cũ kĩ, mái tóc búi cao, khuôn mặt gầy gò hơn trước nhiều. Em không chạy lại ngay, em đứng đó, mắt đỏ hoe. Em ơi, tôi về rồi đây em ơi. Tôi về rồi em ơi.

Em lao đến ôm lấy tôi, òa khóc nức nở như một đứa trẻ. Cái ôm của em càng thêm siết chặt hơn bao giờ hết. Nước mắt tôi cũng không kiềm được mà thêm một lần nữa giàn dụa chảy dài. Tôi nhớ em, nhớ em rất nhiều. Sao em gầy quá, có phải em bỏ bữa đúng không? Ở nhà có ai gây khó dễ gì cho em không? Em ơi tôi thương em lắm. Thương em hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Tôi về rồi, về rồi đây em.

Đừng khóc nữa em ơi, em khóc tôi sẽ đau lòng lắm. Tôi về với em rồi này, về thật rồi đây em. Không còn là về trong những giấc mơ xa xỉ của em nữa, tôi ở đây, tôi về rồi.

----

"Cái Trà với thằng Vỹ ăn nhiều vào, đi lính có hai năm trời mà gầy như bộ xương thế kia. Có phải chúng nó bỏ đói bây không?"

Bà tôi vừa gắp miếng cá vào bát tôi, gắp miếng thịt vào bát anh Vỹ vừa càm ràm. Tôi chỉ cười cười không đáp, anh Vỹ thì vui vẻ và cơm vào miệng để còn mau ra nô đùa cùng bé con. Lài cũng gắp một miếng rau vào bát tôi.

"Chị ăn nhiều vào, chị chê em gầy mà chị còn gầy hơn em đấy."

Tôi vui vẻ gắp một miếng đậu vào bát em, giỡn lại một câu:

"Vậy hai đứa mình cùng bồi bổ. Gầy như vầy ôm không có ấm, không có đã gì hết trơn. Ha."

Em lườm tôi một cái, rồi cũng cúi mặt tủm tỉm cười. Lần đầu tiên sau hai năm, tôi lại được vui vẻ đến thế. Mùa đông kéo đến mà lại ấm áp lạ thường. Không còn những đêm thở dài, không còn những bữa cơm qua loa, không còn ngày ngày nhìn bom ngắm đạn, không còn những ngày nơm nớp lo sợ mình sẽ bỏ mạng ở nơi đất khách quê người. Chỉ còn lại cái ấm áp khôn nguôi của gia đình, của quê hương.

Mai này ngày tháng yên bình trở lại, mình sẽ cùng nhau xây dựng một tổ ấm nho nhỏ, vui vẻ sống qua ngày. Em ha?

---

Ba năm sau, đất nước ta tưng bừng mừng ngày độc lập, ai ai cũng hoan hỉ reo hò. Duy chỉ có em, em khóc nức nở trong ngày vui chiến thắng.

Cười lên nào em ơi, tôi muốn được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ ngày giải phóng của em.

Em ơi đừng khóc, đừng khóc mà. Em khóc, tôi không ôm em được, không lau được nước mắt cho em.

Đất nước yên bình rồi, chỉ là... tôi không thể thực hiện lời hứa cùng em.

Xin lỗi em, nếu còn có kiếp sau, tôi nguyện vượt muôn trùng bể tìm em, cùng em thực hiện lời hứa năm xưa. Em nha?

Kiếp này ta có duyên không phận. Hẹn em kiếp sau, ta lại trở về với nhau.

Em đừng khóc, tôi thương em nhiều lắm.

Thương em.


Hết.

----- 

*Các đoạn này được trích/viết dựa trên tác phẩm"Bản án chế độ thực dân Pháp" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quy tắc nhập ngũ trong truyện: Nam sẽ được ưu tiên nhập ngũ hơn nữ. Trong gia đình nếu có nam trên 18 thì sẽ phải đi nhập ngũ, trong trường hợp người nam đó qua đời trong lúc nhập ngũ thì người nam (đã trên 18) kế tiếp trong gia đình sẽ phải đi. Nếu trong nhà không còn nam hoặc nam chưa trên 18 thì người nữ (đã trên 18) sẽ phải đi. Còn nếu trong trường hợp gia đình đó có người nhập ngũ và còn sống thì nữ trong gia đình sẽ không phải nhập ngũ, nhưng nam (trên 18) vẫn sẽ bắt buộc phải đi

Ví dụ như gia đình của Trà: Ba Trà nhập ngũ nhưng mất, sau đó mẹ Trà phải đi. Khi mẹ Trà mất thì Trà phải đi. Nếu Trà cũng mất thì Lài sẽ phải nối gót Trà. Vì Lài ở chung với gia đình Trà nên cũng được tính là một thành viên trong nhà Trà.

Thông qua truyện ngắn này, mình cũng có một mong muốn mọi người hãy cùng nhau phổ biến tên gọi "Duyên gái/ duyên nữ" cho các tác phẩm đồng tính nữ ở VN. Cá nhân mình cảm thấy tên gọi này rất đẹp và dịu dàng, đậm chất VN, có thể dùng thay thế cho tên gọi "Bách hợp" của TQ hay "Yuri" của NB mà chúng mình thường gọi. Nếu có thể, hãy cùng nhau lan tỏa tên gọi này đến mọi người nha.

Cảm ơn mọi người vì đã ủng hộ ^^

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top