Quỷ Trắng Nhà Lê

Ông Lê Khôi Nguyên ở tỉnh Cửu Long được biết đến là người tốt tính, luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con lúc khó khăn, cho họ có cái ăn cái mặc. Dù biết ông tốt tính là vậy nhưng bà con nơi đây vẫn có chút kiên dè khi vào nhà của ông làm việc. Bởi từ 18 năm trước đã có một lời đồn đại về việc ông có một cô con gái giống quỷ. Cho đến nay lời đồn ấy vẫn còn là do đã có nhiều người tận mắt thấy cô con gái đó khi đến nhà ông. Theo vài người kể lại thì đó là một đứa trẻ có mái tóc dài màu trắng, da trắng bạch và luôn ở trong phòng, sống rất khép kín. Lâu dần một đồn mười, mười đồn một trăm khiến cho những câu chuyện xoay quanh cô con gái càng xa rời thực tế, đến nỗi họ cho rằng đứa bé đó đã giết người.

Vài tháng trước ông Lê cho tìm thêm người làm trong nhà, mãi vẫn chưa có ai xin vào làm. Ngoài mặt thì bà con nơi đây không nói gì nhưng ai cũng có chung một suy nghĩ là người xin vào làm sẽ phải hầu hạ cho cô con gái giống quỷ kia nên không ai dám xin vào.

Sau một thời gian dài, tưởng chừng sẽ không tìm được ai vào làm, hôm nay lại đặc biệt có người đến đứng trước cổng. Người đến là một cô gái, mặt mày hốc hác u tối, tóc rối, bộ quần áo mặc trên người đầy mảnh vá, cả đôi dép cao su cũng bị sờn cũ mỏng dính. Trong nhà, một chàng trai nhìn ra cổng còn tưởng cô gái này đến xin ăn, nên vội mang ra một nắm cơm độn khoai được bọc trong tấm lá chuối để đuổi cô đi. Chàng trai đưa đến tay cô gái nhưng bị từ chối và đẩy ngược trở lại.

- Cảm ơn nhưng mà tui đến để xin việc.

Chàng trai dáng người thô kệch, mặt mày vốn đã trông rất khờ, sau khi nghe câu nói của cô gái thì càng khờ hơn. Hắn cứ nghĩ rằng phải túng quẫn đến mức nào mới xin vào làm ở vị trí mà ai cũng sợ. Chàng trai hết lòng khuyên:

- Nè! Cô nghĩ lại đi, vào là làm cho cô con gái chứ không phải người bình thường đâu.

Cô gái có chút nhíu mày, thẳng thắn đáp trả:

- Tui làm chớ có phải anh làm đâu mà sợ?

Hắn mở miệng tính nói rồi lại thôi, im lặng dẫn cô gái vào nhà nơi ông Lê cùng vợ đang uống trà chiều.

- Dạ thưa ông, cô này đến xin việc.

Ông Lê gương mặt điển trai, dáng người vạm vỡ, ông mặc một áo sơ mi đen phối với gi-lê xám và quần âu, dáng vẻ của ông đã làm lay động biết bao cô gái, ai ai cũng muốn được dựa dẫm vào ông. Tay ông cầm tách trà nâng lên nhấp một ngụm lấy giọng rồi quay sang ngước nhìn cô gái mới vào, xong lại liếc nhìn chàng trai. Ông quát lên giọng khó chịu.

- Thằng Gà, mày đưa nhỏ nào như lụm từ bãi rác ra vậy! Bộ mày nghĩ cái thứ rác rưởi này phục vụ được cho cô hai mày hả?

Chàng trai đưa cô gái vào tên là Gà, cứ nghĩ đưa vào thì ông sẽ dễ dàng nhận như những lần trước nhưng mà đây là lần đầu sau 3 năm làm ở cái nhà này nghe thấy ông nói nặng làm khó như vậy đối với một cô gái. Hắn lúng túng gãi gãi đầu khó hiểu nhìn ông.

- Vậy con dẫn cổ ra hả ông?

- Chứ mày muốn tao dẫn nó ra?

Bà Lê ngồi bên cạnh thấy ông Lê hành xử như vậy quá khó coi khẽ tằng hắng một tiếng:

- Làm vậy sao được, ít nhất cũng phải nghe con bé nói chứ. Giờ mà đuổi con bé đi ai mà dám vào nữa, đúng hôn?

Cô gái từ đầu đến cuối vẫn luôn cuối đầu, sau khi nghe cái giọng dịu ngọt như muốn đốn tim kia của bà Lê mới dám lén ngẩng đầu lên liếc nhìn. Ông Lê thở dài, đầu gật gật đồng ý cho nó cơ hội.

- Nói đi tên gì, nhiêu tuổi, quê ở đâu, biết làm cái gì?

Nó đứng thẳng người nhìn ông Lê mà vồn vã trả lời:

- Con 19 tuổi quê ở Sóc Trăng, cái gì con cũng làm được hết á.

- Vậy tên của mày là gì sao không nói luôn.

Nó đứng lặng ở đó, tâm trí rối bời không biết nên trả lời thế nào cho đặng. Rốt cuộc bản thân tên gì, tại sao mẹ chưa bao giờ đặt cho mình cái tên mà cứ mặc cho người khác gọi là con hoang. Nó lại gục đầu xuống, hai tay bấu chặt vạt áo, môi mím chặt cố nói thật nhỏ như không muốn ai nghe thấy:

- Con không có tên.

Ông Lê nhìn nó từ trên xuống dưới, ông thầm nghĩ gì đó rồi ho lên một cái, giọng cũng dịu đi đôi chút, chầm chậm hỏi:

- Rồi nếu tao không nhận thì bây làm gì?

- Thì con đi tìm việc tiếp, dù sao cũng phải kiếm tiền mới sống được.

Nó ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt ông, rung rẩy chờ đợi một câu trả lời. Ông Lê thấy nó tạm không có mục đích xấu nhắm vào cô con gái thì cũng xuôi lòng. Ông với tay lấy một trái quýt trên bàn rồi đứng dậy cười cười, vỗ nhẹ vào vai nó, như ngầm chấp nhận nó được vào làm. Ông bước lại gần nó, nét mặt dữ tợn, nói một câu cảnh cáo mà đã rất lâu chưa được nhắc lại:

- Làm không tốt thì tao chắc chắn mày sẽ không sống nổi!

Ông chỉ hiền khi không ai động đến con gái ông, vì đó là sợi dây kết nối duy nhất với người ông yêu.

Ông thay đổi thái độ quay sang bà Lê hạ thấp giọng xuống thân mật:

- Vậy mẹ sắp nhỏ coi chuyện trong nhà đi, tui đi lên tỉnh.

Hành động của ông làm bà Lê cười tít. Bà đứng lên đi đến chỗ cô gái hai tay mềm mại áp vào má nó nhéo nhéo, rồi vuốt lên chỉnh lại mái tóc rối bù, để nhìn rõ hơn gương mặt bị dính nhọ nồi đen xì của nó. Bà Lê cứ cười suốt, quay sang thằng Gà nói:

- Con coi dẫn em nó xuống nhà dưới tắm rửa đi, rồi lấy được bộ đồ nào mới mới thì đưa cho em.

- Dạ!
...

Cô gái sau khi tắm rửa thay đồ sạch sẽ tươm tất, gương mặt đã hết dính nhọ nồi, làm lộ ra gương mặt sáng sủa nét nào ra nét đó, mái tóc dài, tổng thể cả người nó trông cũng ưa nhìn không thua gì mấy cô chiêu.

Nó đứng trong nhà tắm hai tay vô thức sờ lên mặt, cảm nhận đôi bàn tay của bà Lê khi chạm vào má nó. Mới đầu mềm mại mát lạnh sau lại ấm áp nơi gò má, hơi ấm đó lan đến tận sâu trong lòng.

Cái nhéo má của bà Lê làm nó nhớ đến mẹ. Bởi từ khi bắt đầu có kí ức chưa lần nào mẹ nó dịu dàng với nó được như vậy. Mẹ nó không đánh đập, chửi rủa gì, hay cũng không yêu thương nó, chỉ cho nó ăn rồi bỏ mặc nó. Suốt 7 năm nó ở bên cạnh mẹ thì mẹ nó vẫn vậy vẫn lạnh nhạt với nó. Việc sinh nó ra rồi cho nó ăn dường như cũng chỉ là một phần trách nhiệm của người làm mẹ. Sự tồn tại của nó chỉ là sự cố không đáng có.

Thằng Gà thấy nó tắm xong liền kéo chạy tới chạy lui khắp nhà, lăng xăng giới thiệu cho nó biết hết người này đến người khác. Nhà ông Lê có bốn người làm việc vặt và mười lăm người làm ở kho lúa. Ông thuê người làm rồi bao ăn ở đầy đủ nhưng số người ở lại qua đêm chỉ có hai người. Người đầu tiên là một ông chú tên Lương, bị câm, xin vào làm ở kho lúa cũng được gần năm năm. Nghe nói chú Lương là người từ chỗ khác vào, chú đi tìm vợ mất tích suốt mấy năm liền không có kết quả nên mới xin làm nhà ông Lê rồi ở qua ngày. Người thứ hai là thằng Gà, ba năm trước được ông Lê phát hiện ra ở lu nước sau nhà, khi đó hắn bị thương ở đầu và không nhớ gì, hắn xin ông ở lại làm chân sai vặt rồi được đặt tên. Hắn ở lại một phần vì báo ân, phần còn lại do không biết đường về nhà. Hầu hết những người còn lại không ai dám ở nhà ông qua đêm là vì lời đồn và cũng do nhà ông càng về khuya càng âm u và luôn có cảm giác lạnh gáy.

Cô gái được dẫn đến trước một căn phòng có cái cửa lớn nhất. Đứng trước cửa mà thằng Gà cứ lo lắng vịnh vai nó mãi.

- Nghe anh nói nè, làm không được thì nghỉ liền đừng có liều mạng ở lại.

Lời nhắc nhở này làm nó bật cười, một tay đẩy vai khiến hắn đứng không vững lùi về sau.

- Đi ở đợ mà làm như đi đánh giặc không bằng.

- Không nghe thì thôi, hứ!

Thằng Gà mắt liếc ngang, môi chề ra, hai tay khoanh lại dứt khoát quay đi, hai chân đi mà cứ dậm mạnh xuống nền đất. Hình như là giận rồi.

Nó đứng nhìn dáng vẻ thô kệch kia đang giận dữ mà không khỏi buồn cười, đợi đến khi đã khuất bóng hắn mới quay sang gõ cửa.

- Dạ thưa cô hai, con là người mới xin vô làm cho cô.
Giờ con vô được không?

Căn phòng yên tĩnh trước mắt nhanh chóng phát ra một tiếng cạch, sau đó là giọng nữ nhẹ nhàng, từ tốn trả lời:

- Vậy vào đi.

Khoảnh khắc cánh cửa hé mở, từ bên trong thoát ra luồng gió nhẹ mát mẻ thơm ngát. Bên trong là một không gian rộng lớn có một cái tủ sách với kích thước và số lượng chiếm gần nửa căn phòng, cái tủ đó được xếp đầy sách và vài bức vẽ. Một cái bàn gỗ cạnh tủ, vài quyển sách nằm ngổn ngang trên bàn. Gió chiều mang theo hương hoa lùa vào từ cửa sổ, làm cho những trang sách nhẹ nhàng lướt qua tạo ra âm thanh êm dịu khi những trang sách xếp chồng trên nhau. Có cả giá vẽ tranh được đặt cạnh cửa sổ phía đông. Hai bên vách tường có thêm hai cánh cửa, một cửa dẫn đến phòng ngủ, cửa còn lại dẫn đến phòng kho trống.

Nó vào nhưng không thấy ai, chỉ có vài tiếng loạt xoạt từ căn phòng bên phải thu hút sự chú ý.

- Vào rồi thì phiền em lấy ấm trà trên bàn đi thay ấm khác cho chị nha.

Vẫn là giọng nữ đó, vậy còn người đâu?

Ấm trà bằng gốm sứ đặt sau những quyển sách nhanh chóng được nó cầm lấy. Nó không nói gì nhiều, ngoan ngoãn làm theo lời sai bảo của cô hai mang ấm trà xuống phòng bếp thay một ấm mới.

- Dạ!

Khi xuống đến phòng bếp liền bắt gặp thằng Gà đứng ở ngưỡng cửa thấp thỏm nhìn lên nhà trên, hắn không làm việc.

- Sao anh không làm việc đi, đứng đây làm gì?

Mặt hắn trông có vẻ còn giận, cái miệng thì nhết lên muốn đến tận mang tai, giọng cứ chao chát không dễ thương chút nào:

- Sao, cút lẹ còn kịp đó!

Thằng Gà bị ăn ngay một cú tán vào đầu từ một dì phụ bếp, hắn gục mặt xuống mếu máo, hai tay cứ ôm đầu xoa xoa chẳng dám nói nữa.

- Thằng này nó khùng khùng vậy đó, đừng có để bụng nghen.

Chứng kiến một màn như vậy, nó muốn khờ luôn giùm hắn.

- Đánh vậy có sao không? Lỡ ảnh ngu luôn thì sao?

Dì phụ bếp đưa tay xoa đầu thằng Gà, cười:

- Hổng sao đâu, cô hiểu nó như con cô! Mà sao con xuống đây?

- À, con xuống pha trà cho cô hai.

Nụ cười trên môi dì phụ bếp có chút ngượng nghịu khi nghe nhắc đến cô hai. Tay dì chỉ về phía cái tủ đen nhỏ đối diện với tấm phản gỗ cạnh cửa ra vào.

- Cái tủ đen đằng đó là đựng trà của cô hai. Rồi có gì không biết thì hỏi, cô đi làm trước.

Lý do để dì phụ bếp cười ngượng là vì bình thường việc mang hay pha trà, cũng như mang đồ ăn cho cô hai đều do chính tay bà Lê làm.

Cô hai là người không làm gì hại ai cả, nhưng đối với mọi người cô rất bí hiểm. Họ không thể lường trước sẽ có chuyện gì xảy ra nên không ai dám tiếp xúc hay chạm mặt.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top