Chương 5: Sổ lồng.
Buổi sáng, tôi và ba chạm mặt nhau ở phòng khách, cả hai đều chuẩn bị đến trường, ánh mắt ba nhìn tôi có chút lạ, khiến tôi không thể nhìn thẳng vào mắt ông ấy như thường ngày, chắc ông đã biết chuyện, chắc là má tôi đã kể cho ông nghe hết. Tôi cúi gằm mặt, lí nhí hỏi:
"Má sao rồi ạ?"
Ba thở dài:
"Còn sốt, nằm ở trỏng á." Ông nhìn tôi thêm một hồi, tiếp lời: "Chuyện của con để thủng thẳng rồi tính, ha?"
Tôi gật đầu, yếu ớt như chú chim non vừa rơi lạc khỏi tổ. Rồi ông rời khỏi nhà, trước khi đi không quên xoa đầu tôi một cái. Lúc ấy tôi đi đến phòng má, gõ cửa nhưng má không trả lời, tôi đành đánh tiếng trước rồi bước vào trong, má nằm xoay lưng về phía tôi, tôi ngồi thụp dưới giường ngay bên cạnh bà, thỏ thẻ:
"Chiều nay con có hẹn với anh Đạo."
Tôi đã làm theo ý má, nhưng bà vẫn không nói chuyện với tôi. Tôi đứng dậy, đi về phía cửa sổ, khép lại để ánh nắng thôi làm lóa mắt bà, khi quay lại, tôi mới thấy dù má có đang nhắm mắt thì hàng chân mày vẫn chau lại. Tôi thở dài, rời khỏi phòng bà, đi đến trường.
Chiều đó tôi cùng anh Đạo đến một quán nước cách xa trường của mình để tránh gặp người quen, tôi kể cho anh nghe đại khái, không muốn giấu diếm gì ngoài việc người mà tôi thích là con gái, cũng là em gái anh.
"Nếu vậy, sao không cho anh một cơ hội đi?" Minh Đạo mỉm cười, bàn tay anh tìm đến bàn tay tôi, đôi mắt anh tràn đầy hy vọng, cũng tràn đầy niềm tin. "Tuy bây giờ em chưa thương anh, nhưng cưới về rồi cũng thủng thẳng thương, ông bà hay nói vậy mà?"
Sau buổi nói chuyện đó, nhà tôi phải dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa để nhà anh Đạo đến nói chuyện đại sự, lúc dọn chồng sách mà ba tôi để trong tủ kính ở phòng khách, lỡ tay đánh rơi một quyển tạp chí, tờ New York Times, ấn bản năm 1966, nó rơi chẻ vào trang mà ba tôi gập giấy lại để đánh dấu, lúc nhặt lên vô tình để tiêu đề rơi vào khóe mắt.
The Homosexual In America.*
*Vấn đề đồng tính ở nước Mỹ.
Ngay cả trong thuật ngữ thuần túy phi tôn giáo, đồng tính đại diện cho lệch lạc tính năng tình dục. Một sự thay thế tầm thường thảm hại cho thực tại. Một sự trốn tránh đáng thương khỏi cuộc sống thực tại. Vì thế, đồng tính không đáng nhận được sự đồng cảm. Không xứng đáng nhận được điều trị như một sự đọa đày cho nhóm thứ yếu, nó cũng không đáng được nhìn nhận là gì ngoài một căn bệnh ác tính.
Đó là những gì mà nó ghi, điều mà ba tôi đã đọc, và ông để tâm.
Một tuần sau, nhà anh Đạo mang lễ vật, cặp rượu, trầu têm đến nhà tôi làm lễ dạm ngõ. Cả hai nhà bàn chuyện, ai cũng muốn hôn lễ được tổ chức càng sớm càng tốt, ai cũng vội vã, nhà anh Đạo vội vã vì sợ tôi đổi ý, ba má tôi thì vội vã vì muốn tôi mau chóng chặt đứt đi cái ý niệm tình cảm hoang đường kia. Hôm đó ai đến nhà tôi cũng mặc áo dài và com lê sang trọng, đông đúc lắm, thế mà Diễm An lại không đến.
"À, nó nói muốn nhận việc ở công xưởng trên Sài Gòn nên dọn đồ lên trển ở luôn rồi."
Sau buổi lễ, tôi và anh Đạo cùng ngồi ở ghế đá, anh Đạo kể lại.
"Sài Gòn? Ở đây cũng có xưởng mà?"
"Không biết, hôm đó tự nhiên nó về khóc lóc với ba anh đòi lên Sài Gòn cho bằng được, ba thương con út lắm, nó muốn gì mà không được? Mà nó không kể cho em nghe sao? Anh tưởng hai người thân nhau lắm?"
Hôm đó mà anh nói, chắc là cái hôm Diễm An sang nhà tìm tôi.
"Ừm, tụi em lâu rồi không có nói chuyện với nhau."
Anh thoáng gật đầu:
"Thảo nào, dạo trước chơi cùng với em thấy nó vui vẻ lắm, mà gần đây trầm tính hẳn, hai người cãi nhau à?"
Tôi im lặng không đáp, rồi lại nhìn ra khoảng sân trước đầy nắng. Bất giác nhớ lại dáng vẻ lúc nhỏ của Diễm An, có lần tôi bị phạt quỳ ở ngoài sân, Diễm An bẻ một tàu lá chạy đến che nắng cho tôi, người lớn nói như nào em cũng không chịu vào, nhờ vậy mà tôi được má tha cho, nghĩ lại bất giác mỉm cười, mà sống mũi cứ cảm thấy cay cay.
Những ngày sau mọi thứ dần trở lại nhịp sinh hoạt vốn có của nó, chỉ ngoại trừ không khí nặng nề bủa vây bên trong mọi ngõ ngách của căn nhà và lò than hoạt động suốt ngày đêm để nấu thuốc của má tôi. Thuốc Đông y rất đắng, nhưng thuốc đắng dã tật, ba tôi nói vậy, hẳn đó cũng là ý của má. Nhưng chỉ thuốc thôi vẫn chưa làm má tôi cảm thấy đủ.
"Cái gì đây?"
Ba nhìn chén cơm mà má vừa đặt trước mặt tôi, hỏi.
"Cơm gạo lứt muối mè, để cân bằng âm dương, thầy thuốc kêu phần dương của nó nhiều quá, ăn cái này cho nó âm xuống."
Ba tôi khựng lại một lúc, rồi chép miệng, ra hiệu cho tôi làm theo ý của má.
"Vậy thôi ăn đi, má cũng muốn tốt cho con thôi."
Tôi nhớ đến tờ tạp chí mà ba đã đọc, hiểu ra đến cả ba cũng xem mình là kẻ có bệnh, tầm thường và thảm hại.
"Hôm nay con hơi mệt, con muốn ăn ở trong phòng."
Tôi nói, má có vẻ không hài lòng nên lộ ra vẻ cáu kỉnh, nhưng ba tôi cản lại trước khi má kịp nói gì đó.
"Đi đi."
Ba nói, tôi liền vội mang chén cơm vào trong phòng, chui nhủi như một con sâu quằn mình trong kẽ lá, mím môi nín nhịn, cố gắng kìm nén cái thứ quái quỷ gì đấy chực chờ chảy ra từ hốc mắt.
Cơm mặn lắm, nhưng không phải cái mặn của muối mè.
Mấy ngày sau, bên ngoài vang lên tiếng pháo trúc rộn ràng nổ ì đùng, báo hiệu đàng trai đang đến đón dâu, mấy người lớn đều mặc áo dài khăn đóng rất nghiêm trang. Gia đình tôi phụ trách về phần nghi lễ hỏi cưới, còn nhà trai được toàn quyền chọn lựa trang phục trong ngày cưới và đãi đằng bạn trẻ, vậy nên mới có chuyện phụ huynh mặc áo dài, còn cô dâu và chú rể chúng tôi lại mặc trang phục Tây phương.
"Cô dâu đẹp quá." Mấy người thợ trang điểm đưa tôi đứng trước gương, đồng loạt lên tiếng. Đôi Vàng Anh nay được treo tạm trong phòng tôi cũng reo lên ríu rít như đồng tình.
Váy cưới mà anh Đạo chuẩn bị cho tôi là chiếc váy màu trắng kim tuyến, trên đầu đội chiếc khăn voan màu trắng theo kiểu Tây phương che phủ mặt lại. Tôi nhìn hình ảnh phản chiếu của mình, cũng tự thấy bất ngờ, ngày trước hầu như chưa trang điểm bao giờ, nên dáng vẻ lộng lẫy hôm nay khiến tôi lạ lẫm.
Hôm nay hôn lễ diễn ra, tôi cứ tưởng Diễm An sẽ tìm cớ thoái thác không tới như những lần trước, nhưng lúc đứng bên trong màn, để ba má đón tiếp đàng trai, tôi nhìn ra bên ngoài, thấy Diễm An ngồi bên cạnh bác Bảy, trông em gầy hơn trước nhiều lắm.
"Kính thưa lưỡng tộc. Hôm nay là ngày 21 tháng 8 âm lịch, năm Nhâm Tý 1972." Ba tôi đứng giữa quan viên hai họ, cầm mảnh giấy nhỏ, đọc. "Tôi, Phan Văn Khoa, và vợ tôi, bà Trần Thị Thúy Loan, có được đứa con gái đầu lòng tên Phan Kim Nho, sau khi đã bàn bạc, thống nhất với ông Lê Hữu Thiện, ông có đứa con trai tên Lê Minh Đạo, thống nhất hai bên bắt tay kết tình sui gia. Vậy hôm nay, tôi xin thay mặt cho họ nhà gái, tuyên bố lấy ngày này là ngày tổ chức cho trưởng nữ Phan Kim Nho kết duyên cùng trưởng nam Lê Minh Đạo. Kể từ ngày này, hai họ Phan Lê kết chồng vợ, trăm năm hạnh phúc, đến ngày răng long tóc bạc."
Trăm năm hạnh phúc sao? Nếu ngay từ giây phút bắt đầu đã không hạnh phúc, tôi tự hỏi trong cái trăm năm ấy, thời khắc mà mình cảm thấy hạnh phúc sẽ rơi vào năm nào đây?
Đọc xong, ba má tôi cùng bác Bảy đốt cặp đèn long phụng, lạy trước bàn thờ gia tiên.
Ba má tôi là người nệ cỗ, nên bàn thờ hôm ấy được trang hoàng rất kì công với cặp rồng phụng kết bằng trái cây tỉ mỉ. Lư hương và cặp chân đèn loại hạng nhất đuợc ba tôi mướn chùi rửa bóng nhoáng cả tuần trước. Xung quanh bàn thờ là những tấm lụa kết hoa đỏ rực rất đẹp.
Phụ huynh làm lễ xong, đến lượt anh Đạo trịnh trọng thực hiện nghi thức lạy bốn lạy trước bàn thờ. Đồng hồ tích tắc trôi qua, thời gian để tôi lên xe trở về nhà chồng càng đến gần, khiến tim tôi càng trở nên trĩu nặng.
"Từ giờ phút này chúng tôi kết tình nghĩa sui gia, và đồng thời, tôi nhận cái phần này, để giao lại cho má nó, đeo cho con."
Họ ngồi xuống, bác Bảy đặt một hộp trang sức bọc nhung đỏ lên bàn, ba tôi đứng dậy, bắt tay với bác Bảy, nói. Dứt lời, mọi người đều dồn mắt về phía tấm màn, những phù dâu sau lưng cố ý vỗ vai tôi, đưa tôi cầm một bó hoa, nhắc nhở tôi ra ngoài.
Từ lúc tôi bước qua khỏi màn, đôi mắt của Diễm An chưa giây nào rời khỏi tôi, tôi biết điều đó, vì cũng chỉ có mỗi em tồn tại trong đôi mắt tôi, dù hình ảnh của em trở nên mờ ảo sau khăn voan trắng, nó vẫn xinh đẹp đến mức khiến trái tim tôi lại rung động thêm một lần nữa.
"E hèm!" Lúc má đeo bông tai cho tôi, bà cố tình húng hắng giọng, tôi nhìn bà, thấy cách mà bà nhìn Diễm An rất khác xưa, vì giờ đây nó chỉ toàn sự kiêng kị và khó xử. "Lơ đễnh cái gì? Tập trung vô."
Bà ghé sát vào tai tôi, thì thầm, rồi mau chóng ngồi lại xuống ghế, để anh Đạo bước đến bên cạnh tôi, anh run rẩy nắm lấy tay tôi, xỏ chiếc nhẫn vàng vào ngón áp út của tôi, vừa khít, nhưng tôi nghi ngờ, không biết liệu thứ ấy có dành cho mình không?
Cưới về rồi sẽ thương. Vậy lỡ như không thương thì biết phải làm sao? Dành nửa phần đời còn lại để chung sống với người mà mình không có tình cảm, liệu có thể không? Tôi thích trẻ con lắm, nhưng sinh con cho người mà mình không yêu, có thể sao?
Nếu những thứ ấy là không thể, thì huỷ bỏ hôn lễ này, lại càng không thể.
Tôi nén chặt hơi thở của mình, chầm chậm đeo chiếc nhẫn còn lại vào tay anh. Tôi nghe tiếng anh cười, tiếng thở phào của má, nối theo cùng tiếng vỗ tay chúc mừng của mọi người, rồi chiếc khăn voan chầm chậm được vén lên, tôi thấy trước mắt mình là gương mặt xinh đẹp của Diễm An, nụ cười rạng rỡ cùng với chiếc răng khểnh đáng yêu của em ấy, chiếc váy trắng càng khiến em trở nên bừng sáng trước mắt tôi, tôi yêu hình dáng cô dâu ấy, nhiều đến mức đủ để nó thắt chặt lồng ngực tôi lại.
"Em sao vậy?"
Giọng nói của Minh Đạo trầm thấp vang lên, kéo tôi trở về lại thực tại, một thực tại rằng một lễ cưới bình thường là một lễ cưới không thể thiếu đi chú rể.
"Sao em lại khóc?"
Bàn tay anh đặt lên gò má tôi, ướt đẫm.
"Con xin lỗi mọi người."
Tôi nói, gỡ tay anh, bó hoa trên tay không biết từ khi nào đã rơi xuống đất, hoa thường mỏng manh, chỉ một cú rơi đã khiến chúng lả tả rời khỏi cành.
"Nho! Đứng lại!"
Giọng má hét lên sau lưng, nhưng có lẽ bà đã quên rồi chăng? Con chim quý đã sổ lồng rồi, cớ sao bà lại còn mong nó trở lại?
Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện cửa sổ, nơi mà những lá thư của em thường được má đặt lên bàn, và tôi cầm trên tay, khúc khích cười mỗi khi đọc chúng, khung cửa sổ ấy từng chứng kiến tôi vì em mà mỉm cười, nay cũng thấy tôi vì em mà rấm rứt đến không thể ngưng lại.
Cốc cốc!
"Anh Đạo nè, nói chuyện với anh chút nha?"
Anh Đạo đã đẩy cửa đi vào và bước đến bên cạnh tôi, vậy mà tôi không tài nào giữ bình tĩnh nổi, cứ khóc mãi.
"Sao em lại đổi ý?"
Anh hỏi, giọng nhẹ nhàng bên tai.
"Em xin lỗi."
Tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài ba chữ ấy. Rồi anh quay mặt đi, vẻ hụt hẫng. Tôi đã nghĩ, dù Minh Đạo có tử tế đến mấy, nhưng sau những việc mà tôi làm với anh, anh sẽ nổi giận. Sau cùng, anh lại chỉ đặt tay lên đỉnh đầu tôi, xoa nó như cái cách mà anh thường làm với Diễm An. Rồi anh cứ thế lặng lẽ rời khỏi phòng tôi. Rất nhanh chóng, tôi thấy gia đình Diễm An và người bên đàng trai nối đuôi nhau rời khỏi sân nhà mình.
Cũng rất nhanh sau đó, tôi nghe thấy tiếng chân chạy xồng xộc về phía phòng.
"Đồ mất dạy! Gần xong xuôi hết rồi mà mày làm cái trò gì vậy? Khách khứa bỏ về hết rồi, vừa lòng hả dạ mày chưa?"
Tôi nắm chặt đầu mình, cảm nhận như nó sắp sửa nổ tung vậy.
"Bây giờ mày muốn cái gì? Mày muốn làm tao tức chết hả?"
Tôi đứng dậy, quay phắt người lại, nhìn thẳng bà bằng đôi mắt cay nồng của chính mình, không thể không bật cười:
"Muốn? Bây giờ má mới hỏi con muốn cái gì?"
Má cau mày nhìn tôi.
"Con muốn cưới người mà con thương, chứ không phải do má đòi sống đòi chết để mà ép con." Tôi nói, như hét lên.
Dường như dù tôi có nói lên nỗi lòng mình, má vẫn không hiểu tôi, hoặc bà không muốn hiểu cho tôi, vẫn sự giận dữ ấy, bà chỉ vào tôi, đay nghiến từng chữ:
"Tấm chồng như thằng Đạo mớ đứa con gái nó mơ còn không được. Lấy nó thì tốt cho cái thân mày chứ sung sướng gì cho tao?"
Tôi nén lại một tiếng nấc chực trào nơi cổ họng, thấp giọng, gần như cầu xin bà:
"Nhưng con cưới ảnh là vì con thương má, chứ không phải thương ảnh." Tôi tiến lại gần bà hơn, rụt rè nắm lấy đôi tay bà ấy. "Má cũng biết con thương ai mà?"
Chát!
"Mày điên rồi. Nho ơi! Mày muốn bôi tro trét trấu vào cái gia đình này hả Nho? Tao mà sớm biết đẻ ra cái thứ như mày thì hồi đó tao đẻ cái trứng luộc ăn còn ngon hơn!"
Một khoảng lặng kéo dài giữa chúng tôi, giống như trước những cơn giông bão bầu trời thường yên ả lạ thường. Và rồi những kìm nén bấy lâu bùng nổ như điên dại. Tôi lật tung cả căn phòng, phá huỷ tất cả mọi thứ mà mình có thể với tới. Xé toạc cả chiếc khăn voan mỏng dù nó chẳng có tội tình gì, đập vỡ mọi thứ và xé nát mọi thứ, cho đến tận khi lả đi vì kiệt sức mới cảm thấy thoả lòng.
Để rồi khi nhìn lại, căn phòng bừa bộn như thể vừa có một trận bão quét qua, và chiếc lồng chim đáng thương nằm lăn lốc trên mặt đất, trống không, đôi Vàng Anh không biết từ lúc nào đã bay đi.
"Trời ơi! Tôi nói cái gì cũng phải từ từ nói rồi mà?"
Ba bước vào phòng tôi, bàng hoàng trước tàn dư của một trận cãi vã.
"Con cũng không biết mình bị cái gì nữa, nhưng con cố hết sức rồi, có thuốc nào má đưa mà con không uống đâu?"
Đôi chân của má lạng choạng lùi về sau, tôi nghe tiếng bà thở dài, rồi bà thổn thức cất lên một âm thanh nghẹn ngào.
"Hay má để con ra nước ngoài sống đi?"
Giữa chúng tôi lại tồn tại một sự im lặng kéo dài đến điếc cả tai. Cho đến khi tôi gom đủ sự bình thản, ít nhất là trong giọng nói của mình:
"Thứ như con dị hợm lắm, để con đi đi cho khuất mắt má."
Giây phút má dùng "cái thứ" để định danh tôi, thì tình yêu, danh vị, hay sự bình thường, tôi đều không cần nữa. Những điều ấy chỉ dành cho con người, không dành cho thứ như tôi.
Cơ thể má đổ sụp xuống ghế, bàn tay bà vô tình đánh ngã chồng sách trên bàn, khiến quyển sổ màu xanh trời rơi xuống mặt đất, và rồi lá thư mà tôi luôn trân quý lộ ra trước mắt bà, bức thư bị bà xé thành từng mảnh vụn, dù tôi có ngày đêm cố gắng chắp nối lại, đến nay cũng chỉ được một nửa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top