Chương 1: Người bạn thời thơ ấu.

Mùa hè năm 1970, sau khi bãi trường ở làng, tôi không còn dành nhiều thời gian để soạn giáo án hay chấm bài cho tụi nhỏ nữa, quỹ thời gian đó được chuyển qua phụ giúp má chuyện nhà cửa và đọc sách. Thành phố, quán trà là những nơi tôi ít khi lui đến, và má tôi hài lòng với điều ấy.

Nhà tôi có một mảnh vườn nhỏ thông với căn bếp ở gian sau, nơi có mấy thứ rau trái được má tôi chăm trồng.

"Đủ rồi đó."

Má nhìn mớ lá cách lấp đầy giỏ tre trên tay tôi, nói, rồi cùng tôi trở vào bếp, má bắt đầu vo gạo, xong rồi thì đưa tôi nước vo gạo để mà rửa rau, rửa rau xong lại tiếp tục lấy nước đó để rửa cá. Má con tôi loay hoay dưới bếp, còn ba tôi thường ngồi ở nhà trên đọc báo, ông đọc được nhiều chữ, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp, chữ Mỹ, ông ham đọc lắm, cũng có nhiều mối quan hệ, nên chỉ cần ông muốn thì dù sách báo có khó mua đến mấy hay ở tận nước ngoài thì cũng sẽ có người tìm về giúp ông cho bằng được, má tôi hay rầy ba vì số sách ông đọc xong chẳng bao giờ chịu bỏ đi, hay cho người khác, mà giữ lại rồi chất đầy trong phòng của hai vợ chồng, má thường đùa nhà tôi phải cất thêm một cái nhà kho nữa thì mới đủ chỗ để cho ông chứa sách.

"Bà ơi! Có anh Bảy qua thăm nè!"

Giữa chừng, bỗng trên nhà có tiếng của ba vọng xuống. Nghe vậy, má bỏ đũa, căn dặn tôi mấy điều rồi trở lên nhà. Bác Bảy Thiện là bạn thân của ba tôi, bác ấy là thương nhân có tiếng, còn ba tôi là một thầy giáo, nghe nói ngày xưa đều là học trò của thầy Trần Vĩnh - ông ngoại của tôi.

Tôi thường nghe ba và bác Bảy kể chuyện ngày xưa ông ngoại nghiêm khắc và khó tính nức tiếng, tuy ông mất sớm khi tôi còn chưa ra đời, nhưng nhìn cách mà má dạy dỗ tôi có thể mường tượng được phần nào.

"Chị Nho!"

Tiếng gọi thánh thót khiến tôi giật mình đến rơi cả đũa, xoay người, trông thấy một cô gái trẻ đứng ngay bậc thềm, rất trẻ, như thể chỉ vừa bước qua ngưỡng hai mươi, và rất Tây trong bộ váy dài ngang gối. Tôi thử lục lọi trí nhớ, tự hỏi mình có quen biết người này sao?

Có vẻ hiểu được dáng vẻ ngơ ngẩn của tôi, em càng trở nên thích thú, bàn tay thon của em vén mấy lọn tóc ra sau tai, lại đung đưa vai điệu đà, mỉm cười.

"Bộ em đẹp quá nên chị nhìn không ra à?"

Em ấy vừa cười vừa nói, để lộ ra chiếc răng khểnh duyên dáng. Răng khểnh. Bác Bảy. Tôi ngờ ngợ, có chút không tin, nhưng cũng có chút vui mừng, rụt rè dò hỏi:

"Út An hả?"

Em không trả lời, nhưng ý cười càng lúc càng đậm, tôi biết mình đoán đúng rồi, nhưng còn chưa kịp mừng rỡ, Diễm An đã chạy đến ôm lấy hai vai tôi, và gò má của chúng tôi lướt qua nhau. Rất nhanh thôi, nhưng tôi vẫn cảm nhận được cái man mát từ da của út An truyền đến từng thớ thịt, ấy nhưng cơn gió mùa hạ lại đang tung hoành khắp lối, gieo lại những hơi thở oi ả ở những nơi mà nó đi qua, khiến cho cái mát lạnh nơi gò má tôi nhanh chóng tan đi.

"Ca fait longtemps."

Có nghĩa là đã lâu không gặp. Diễm An chào theo kiểu Faire La bise của Pháp, khiến tôi nhất thời bối rối, tay chân lọng cọng không biết nên làm gì cho phải. Dù rằng lúc nhỏ cũng được cho học trường Tây, biết nói tiếng Tây, mà có chào theo kiểu Tây bao giờ đâu.

"A! Em quên mất, em làm chị khó chịu sao?"

Diễm An thì khác, em ấy du học ở Pháp chắc cũng đã ngót nghét tám năm, có quen cách chào kiểu ấy cũng dễ hiểu. Tôi cười xoà, lắc đầu, em mới thôi cảm thấy tội lỗi. Rồi út An rướn mình nhìn vào trong, vui vẻ đề nghị:

"Chị đang nấu cơm hả? Để em phụ chị."

Tôi nói không cần, nhưng em nhất quyết lướt qua tôi để đi đến nồi cơm đang sôi ùng ục, mở nắp, dùng muôi hớt phần nước đổ vào trong tô.

Tôi cũng trở lại để làm cho xong món canh gà, mọi thứ đã gần xong nên cũng không có nhiều việc để làm, tôi chỉ đứng khuấy rồi chờ cho đến khi nó sôi rồi nhấc khỏi bếp là xong.

"Em về hồi nào? Lần này em về luôn hay sao?" Tôi hỏi trong lúc tắt bếp.

"Non*, bây giờ em đang đang nghỉ hè, năm sau mới về luôn. Et toi**? Chị học xong chưa?"

*Không.

**Còn chị?

Tôi cười vì lối nói pha nửa Tây nửa ta của em ấy, đáp lại.

"Giờ chị đi dạy, ở trường Thượng Ngữ á."

Thượng Ngữ là trường tiểu học mà chúng tôi từng theo học.

"Vậy phải gọi chị một tiếng cô giáo rồi nhỉ? Cô giáo Nho."

"Sao phải phức tạp vậy? Gọi chị được rồi."

Tuy hồi đó tôi học trên Diễm An hai lớp, nhưng ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau. Vì cứ đến giờ ra chơi là giáo viên lại phát sữa, sữa từng là cơn ác mộng của tôi, khiến tôi luôn đau bụng mỗi khi uống chúng, tôi cũng ghét cái sự nặng mùi bơ và vị ngọt lờ lợ của nó, nhưng tôi không thể đổ chúng đi, vì nếu để giáo viên phát hiện tôi nhất định sẽ bị trách phạt, sau đó họ mà nói lại với nhà chuyện tôi bỏ mứa thì càng tồi tệ hơn nữa.

"Chị nhớ hồi đó ngày nào em cũng uống hai ly sữa, hình như có hiệu quả thật, em cao hơn chị rồi nè."

Giữa cái ngưỡng uống không được mà bỏ cũng không xong, Diễm An - vị cứu tinh của đời tôi khi ấy xuất hiện, và nói rằng em ấy rất thích uống sữa, có thể uống tận hai ly.

Tôi bước đến gần Diễm An, đưa tay chạm vào đỉnh đầu của em ấy, tôi cũng thử nhón chân mình, phải vậy tôi mới có thể cao hơn em một chút. Khi tôi nói ra những lời vừa rồi, tôi không chắc Diễm An có còn nhớ mấy chuyện trẻ con đó hay không, nhưng dù em còn nhớ hay đã quên, tôi cũng rất vui vì em đã trở lại.

Diễm An không trả lời tôi, miệng em ấy có hé mở như muốn nói gì đó rồi lại thôi, như bị mất giọng vậy, tôi đoán là em không nhớ, tôi mới đành tìm một câu chuyện khác để nói, bấy giờ mới để ý có lẽ thân nhiệt của em vẫn chưa thích nghi được với cái nóng mùa hè ở Việt Nam, lại thêm không gian trong bếp lúc nào cũng nóng hơn những gian phòng khác một chút, nên gương mặt em ấy mới ửng lên như vỏ táo chín.

"Nấu cũng xong hết rồi, em lên nhà trên trước đi, chị tự dọn được."

Tôi nói, nhưng Diễm An muốn giúp trọn vẹn. Hôm nay cả bác Bảy và Diễm An đều đến, vậy tôi đoán hẳn là cũng có anh Đạo - anh trai của Diễm An, anh rất giỏi, có bằng cấp y khoa Tấn Sĩ ở bên Tây, và hiện là đốc tờ của một thương xá lớn ở tỉnh.

Chúng tôi dọn cơm lên nhà trên, cùng nhau dùng bữa, tôi nhớ khi còn nhỏ bác Bảy thường hay cùng Diễm An và Minh Đạo đến nhà tôi chơi, rồi cùng ăn cơm như này, nhưng từ khi Diễm An qua Pháp, tuy bác và anh Đạo thỉnh thoảng vẫn hay lui tới nhà tôi, tôi lại cảm thấy những bữa cơm có gì đó không giống như trước, rất trống trải. Tôi vẫn luôn tự hỏi, điều gì đã đủ hấp dẫn khiến cho cô bé cấp hai năm ấy lại quyết tâm phải đi du học đến vậy?

"Để anh phụ Nho rửa chén nghen?"

Sau khi dùng xong bữa, anh Đạo cùng chúng tôi dọn chén ra sau nhà, đề nghị. Tôi vội xua tay:

"Thôi, anh là khách ai lại bắt anh phụ, anh với út An cứ ngồi ở nhà trên mà chơi."

Minh Đạo mặc kệ tôi từ chối, anh đi ngang qua Diễm An, xoa đầu em, xắn tay áo rồi ngồi xuống ghế xổm phía đối diện:

"Con út nó cũng là khách mà khi nãy nó phụ em được, thì anh cũng được chứ sao mà ngại."

Ý anh đã vậy, tôi cũng đành thôi, tôi quay sang Diễm An đang đứng bên cạnh mình:

"Vậy An lên nhà trên đợi chị nha, không ấy em vào phòng chị chơi cũng được, cửa không khóa."

"Dạ."

Diễm An gật đầu, xoay lưng rời đi, tôi và anh Đạo không mất quá nhiều thời gian, chỉ một loáng là xong được mớ chén dĩa. Sau đó như thường lệ, anh Đạo thường cùng với ba tôi và bác Bảy chơi đánh cờ ở trước sân. Tôi thì đi về lại căn phòng của mình, mở cửa, trông thấy Diễm An đang nằm trên giường mình, đôi mắt thiếp lại, phòng tôi được đặt ở phía trước, nhìn ra cửa sổ là có thể thấy được sân nhà, nên vào hè, phòng của tôi có phần nóng hơn bình thường, nghĩ vậy, tôi muốn giúp Diễm An mở quạt, nhưng thời khắc những cánh quạt bắt đầu xoay và phát ra những tiếng ồ ồ, tôi thấy em ấy dần mở mắt và nhìn về phía mình.

"Chị làm em thức à?"

"Làm gì có, em nhắm mắt để đó thôi."

Tôi đến giường, ngồi xuống bên cạnh em, khẽ nhìn thoáng qua người bên cạnh, tôi thấy đôi mắt em rũ xuống, từ lúc ở sân sau tôi đã mơ hồ cảm nhận có vẻ như Diễm An đang không vui điều gì đó, nhưng dù sao cũng nhiều năm mới gặp lại, dẫu từng thân thiết mấy cũng sẽ có phần xa cách, nên tôi không tiện hỏi, nhất thời không biết phải nói gì, nên căn phòng chẳng mấy chốc chìm vào im lặng, chỉ còn mỗi tiếng gió phát ra từ cánh quạt cũ và tiếng cười nói văng vẳng từ sân trước truyền qua những song cửa sổ.

"Cho chị nè."

Diễm An lấy trong túi một xấp vé bìa cứng để đi xe lửa, vé ở ga Sài Gòn có logo hình con cò trắng, ga An Bình có hình con khỉ, ga Arrat Cống Quỳnh hình cây cào cỏ và ga Chợ Lớn có hình xe cút kít, hồi còn nhỏ đứa con nít nào cũng sưu tầm cho mình một xấp dày để chơi tạt giấy, riêng tôi chỉ được lác đác vài tấm vì hiếm khi được đi chơi xa, nên với tôi những tấm vé ấy quý như báu vật, hồi bé Diễm An có biết chuyện đó, nên mỗi lần em ấy đi chơi đâu về đều tặng tôi một xấp. Lúc em ấy đưa chúng cho tôi, tôi bất ngờ vì em vẫn còn nhớ.

Tôi bước chân đến chiếc bàn gỗ đặt dưới khung cửa sổ, lấy trong ngăn bàn một chiếc hộp sắt nhỏ, bên trong cũng là một xấp vé tương tự, hơn quá nửa là được Diễm An tặng, tôi đều cất giữ chúng cẩn thận. Trên bàn có một hủ kẹo lớn, là giáo viên tiểu học, tôi thường mua nhiều kẹo để thưởng cho tụi học sinh mỗi khi chúng ngoan ngoãn hoặc đạt điểm cao, lâu dần lại thành quen, hễ gặp con nít đều muốn tặng kẹo cho chúng. Tuy Diễm An không phải trẻ con, nhưng tôi đưa kẹo cho em như một món quà gặp mặt.

"Sao em còn nhớ mấy này hay vậy?"

Tôi chìa viên kẹo trước mặt em, hỏi.

"Không nhớ mới lạ đó."

Diễm An nhận lấy, mở giấy gói rồi bỏ vào miệng. Em nói, nhẹ đến nỗi tưởng chừng có thể bị gió cuốn bay đi.

"Hửm?"

Nhưng tôi vẫn chưa hiểu lắm ý nghĩa của câu nói đó, tôi thấy em quay mặt nhìn sang nơi khác, thời khắc đó tôi nhận ra da của Diễm An rất trắng, nên chỉ cần màu sắc trên mặt thay đổi một chút cũng có thể dễ dàng nhận ra, tôi cảm thấy thời tiết hôm nay cũng không nóng lắm, nhưng mặt của Diễm An lần nữa lại ửng đỏ, tôi đi lại phía quạt, kéo nó lại gần Diễm An hơn, hy vọng em ấy cảm thấy mát hơn một chút.

"Mà hồi mới qua bển, sao út không trả lời thư của chị?"

Lại lần nữa tiếng rè rè của quạt là thứ âm thanh duy nhất tồn tại trong căn phòng, Diễm An nhìn tôi, lộ rõ vẻ lúng túng, mỗi khi như vậy, ngón tay em thường vô thức bấu vào đầu gối, tôi không nghĩ câu hỏi của mình sẽ khiến em ấy bối rối đến thế. Con nít ấy mà, cả thèm chóng chán, sớm buồn rồi lại sớm vui. Nếu là lúc nhỏ, tôi sẽ trách em có mới nới cũ, nhưng bây giờ tôi hiểu ai rồi cũng sẽ có cuộc sống riêng của mình, tôi sẽ chỉ nhớ những điều tốt đẹp mà em dành cho tôi ở những năm tháng thơ ấu, còn lại, tôi đều không bận tâm.

Tôi định nói với em những suy nghĩ của mình để em cảm thấy thôi áy náy, nhưng lời chưa kịp nói cũng đành phải nuốt ngược vào trong, cửa phòng đột ngột bật mở, má tôi đứng ở ngưỡng cửa, gọi:

"Hôm bữa chú Năm có qua cho mình trái bưởi, bây ra mà lột cho tụi nhỏ nó ăn."

"Dạ. Tụi con ra liền."

Tôi đáp, lúc má rời đi, út An ghé sát tai tôi hỏi nhỏ:

"Bác Loan không gõ cửa trước khi vô phòng chị hả?"

Tôi bĩu môi, đùa:

"Khóa cửa má còn la cho chứ ở đó mà gõ. Có mà gõ vô đầu ấy."

Diễm An tròn mắt, tôi có thể hiểu phản ứng của em ấy, chỉ cảm thấy biểu cảm đó rất buồn cười, cũng rất dễ thương. Ở phương Tây người ta tôn trọng mấy cái gọi là quyền riêng tư cá nhân, bác Bảy cũng từng đi học ở Tây, tư tưởng rất thoáng, hơn nữa má của út An mất từ khi em mới sinh, bác lại càng yêu chiều em hơn, nên em muốn gì bác ấy phần lớn đều nương theo, tôi chưa thấy bác ấy từ chối yêu cầu gì từ Diễm An bao giờ. Không giống như má của tôi, mấy cái tư tưởng của phương Tây đều bị bà cho là tạp nham, nhảm nhí.

Chúng tôi rời khỏi phòng, lúc ấy Minh Đạo đã ngồi sẵn ở phòng khách rồi, tôi nhìn ra sân, ba và bác Bảy vẫn còn ngồi đánh cờ ở bàn đá. Tôi lấy bưởi ra để gọt đãi khách như lời má dặn, trong lúc đó, Minh Đạo hỏi tôi:

"Bãi trường rồi, Nho có thời gian đi chơi với tụi anh không?"

Đây không phải lần đầu anh Đạo mời tôi đi đâu đó, tôi còn nhớ vừa vào cấp ba anh đã bắt đầu đứng đợi tôi trước cổng trường để hẹn gặp, chỉ là cảm thấy không có Diễm An, đi chơi hai người hình như không tiện lắm nên đều tìm cớ từ chối cả.

"Thời gian thì có nhiều lắm, nhưng hai người cũng hiểu rồi đó."

"Nhưng lần này có bé út nữa, nó lâu lâu mới về mà, chắc bác không làm khó đâu." Minh Đạo tiếp lời.

Tôi có thể nghe ra sự chắc chắn trong chất giọng của anh, tôi không hiểu điều gì đã khiến anh tự tin đến vậy.

"Vậy...nếu đi thì đi đâu?"

"Đi Đà Lạt cho mát, còn nếu sợ xa quá, thì mình đi Sài Gòn cũng được, anh biết nhiều chỗ chơi lắm."

"Nhưng anh Đạo không đi làm à?"

"Nếu em đi được thì anh tự biết sắp xếp, dễ mà."

"Vậy để Nho xin má thử, rồi báo với anh và em sau."

Nhận được cái gật đầu của tôi, hai anh em trông có vẻ vui lắm. Lúc này bưởi cũng gọt xong, tôi bày xếp chúng ra dĩa, Diễm An tinh nghịch chộp lấy vỏ bưởi mà đội lên đầu Minh Đạo như chiếc nón, hai anh em cứ như con nít mà cười rộ lên.

Tối hôm đó tôi ra trước sân, dưới hiên nhà có treo lồng nuôi một cặp chim Vàng Anh, nên mỗi đêm má thường ra đó ngắm nghía chúng một lúc, rồi ngồi xuống cái ghế bập bênh để hóng gió, cũng có hôm bà ngồi để may áo, hoặc nghe đài, hoặc đọc sách, ngoài chữ Quốc ngữ, má còn biết đọc chữ Hán do ông ngoại dạy. Tôi rón rén đi đến bên má từ phía sau, giúp bà xỏ chỉ vào kim, dù chưa kịp mở lời, nhưng bà nhìn sang tôi như hiểu thấu tâm can, hỏi:

"Bây sao đó? Muốn xin gì?"

Tim tôi nảy lên một cái, ấp úng:

"Dạ, anh Đạo với Diễm An có rủ con đi Sài Gòn một chuyến á má."

Má tôi mặt không chuyển sắc, giống như không bất ngờ, lại hỏi:

"Đi mấy ngày?"

Họ hẹn tôi bảy ngày, nhưng tôi chỉ dám đưa lên một bàn tay, nhưng rồi dưới sức ép vô hình từ đôi mắt của má, tôi rụt lại chỉ còn ba ngón tay.

"Đi đi." Sau khi kéo lên một ngón tay của tôi, má nói.

Anh Đạo quả đoán không sai, đúng là lần này có Diễm An về nên má dễ tính hơn hẳn. Tôi mừng rỡ cảm ơn má rồi chạy vào phòng, bắt đầu sửa soạn hành lý.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top