XXVII

Xế chiều, bà Đốc có việc phải đi gấp bèn nhờ Nga trông Hạnh thay mình. Dĩ nhiên, bà chẳng thể biết đứa con út của bà vô cùng sung sướng vì sự vắng mặt ấy, mặc dù cô đã bị người yêu quở ngay rằng: "Chị mà cư xử như thế là hư đốn vô cùng tận."

Hạnh khoác thêm áo rồi bảo Nga dìu ra ngoài hóng mát, mãi đến khi chung quanh chẳng còn ai mới xòe tay ra đếm rồi bảo nàng:

- Đời này chị chỉ hư ba lần, đúng ba lần, em ạ. Lần một là chị quyết không lấy chồng, lần hai là bênh vực tình yêu của hai người con gái, và lần ba là dụ dỗ em.

Nàng cau mày đáp:

- Sao lại dụ dỗ em?

Cô mỉm cười, nhưng gương mặt lại toát lên vẻ sầu muộn:

- Nếu chị không quyết về làng tìm em lần nữa, chắc là em sẽ không bỏ làng để tới đây gặp chị. Tại chị nên em mới...

- Chẳng phải thế đâu.

Nghe vậy, Hạnh hơi nhướng mày ngạc nhiên. Nếu Nga thực không bỏ làng vì cô thì cô cũng bớt áy náy. Mà kể cũng đúng, nàng vốn là người đàn bà có tính thẳng thắn và gan dạ. Cô từng tận mắt thấy nàng vượt qua nỗi sợ của bản thân để chiều theo ý cô bằng cách tự tay bẻ cành dâu hòng đi "bắt ma", dẫu bản thân cũng kinh khiếp mất cả hồn vía.

Trong lúc cô thất thần, nàng đã dịu dàng tiếp lời:

- Thực ra em đã nhen nhóm ý định rời khỏi nhà bà Phán từ lâu. Bởi ngày cậu Phán còn sống, bà ta đã chẳng coi trọng em, huống chi là suốt ba năm sau ngày cậu ấy nằm xuống? Bà ta nhiếc móc em ghê gớm lắm, chị ạ. Tuy nhiên hễ nghĩ đến thầy u, em lại tự nhủ ta phải cắn răng cắn cỏ mà chịu đựng, cứ mặc kệ bà ta. Em không thể khiến thầy mất mặt trước học trò và u không thể phiền lòng thêm nữa, bởi lúc cậu Phán chết, u em thương em quá nên cứ khóc suốt, thành thử ốm mất mấy tháng giời.

Hạnh âu yếm vỗ vai Nga, ngước mắt nhìn vầng sáng yếu ớt như cây cầu vắt ngang trên bầu trời. Lòng chộn rộn trước nỗi buồn thương mà cảnh vật từ thinh không đưa tới. Hôm nay nhà thương yên ắng lạ, mọi khi giờ này, mấy người bệnh sẽ đi dạo hoặc ngồi ở đây trò chuyện với nhau vô cùng rôm rả. Tiếng nói cười vang vào buồng bệnh khiến những người yếu ớt hơn cũng gượng tỉnh táo, tự dặn mình phải cố mà sống tiếp để hưởng thêm những thú vui trên đời.

Cô khẽ gọi:

- Nga ơi.

Nàng se sẽ thưa vâng, sau đó vươn tay ra để Hạnh nắm, cuối cùng mân mê vết chai do cô cầm bút nhiều mà thành, dịu dàng hỏi:

- Chị muốn nói gì với em ư?

Cô đáp:

- Không. Chị chỉ muốn gọi em và được nghe tiếng em trả lời.

Nga bật cười:

- Thế thì buồn chán quá.

- Nghe tiếng người yêu thì làm sao mà buồn chán được? Vả lại chị đương nắm tay em, chị nhớ mấy lần trước phải dỗ dành mãi em mới đồng ý cho chị nắm.

Nàng quay mặt đi, cặp má ửng hồng đầy thẹn thùng:

- Chị nhớ nhầm rồi.

Hạnh vốn chỉ chờ có thế, cho nên vừa nghe nàng đáp đã mỉm cười tiếp ngay:

- Phải lắm. Chắc là chị yêu em nhiều quá nên hóa lẩn thẩn.

Nga đấm nhẹ vào đùi cô, liếc mắt đe nhưng chẳng có vẻ gì là nguy hiểm, sau đó lẩm bẩm:

- Nhưng bây giờ em chỉ tha thiết mong được chị nắm tay suốt đời.

Tim Hạnh đập rộn lên, lòng bồn chồn như dậy sóng sau câu nói ấy. Phải rồi. Chính cô đã đến bên Nga, đã lấy đi con người lãnh đạm của nàng và trao cho nàng một con người biết thổn thức. Nàng yêu cô, cần cô, chân thành và tha thiết; hệt như khóm hoa sắp chết héo cần hớp từng dòng nước mát để kéo dài sinh mạng.

Chợt, cô quay sang nhìn nàng, nhìn từ cặp mắt long lanh sáng đến đôi môi thắm xinh vô ngần. Nàng đẹp, nay tình yêu càng làm cho vẻ diễm lệ ấy nảy nở trên gương mặt cùng dáng điệu, cử chỉ. Để mỗi lần nàng lúng liếng làm duyên với riêng cô, là một lần linh hồn cô ngả nghiêng, chao đảo.

Nga và Hạnh im lặng ngồi cạnh nhau, mặc mặt trời rơi xuống phía Tây ngay trên đỉnh đầu, phai từ màu đỏ sẫm sang màu tím đậm đầy huyền diệu rồi dần dần đen hẳn. Bóng tối phủ quanh hai người như lúc ngủ trùm kín chăn, chỉ khác rằng chúng mang tới hơi lạnh cùng nỗi sợ miên man, chẳng hề có cảm giác ấm áp hay an toàn.

Nỗi cô đơn làm con người sinh lòng hoảng loạn như bị bỏ lại giữa một quãng không lạnh lẽo, thi thoảng cố thét lên mấy tiếng cầu cứu trong vô vọng rồi cuối cùng nín thinh, phải tiếp tục giấu trong tâm trí mình bởi không một ai nghe thấy.

Ít lâu sau, Nga đứng dậy, chìa tay ra trước mặt cô rồi bảo:

- Ta vào trong thôi, chị.

Hạnh bâng quơ:

- Chẳng biết mẹ đã về chưa.

Nàng đáp:

- Tối thế này hẳn là bà Đốc đã về. Có thể bà thấy hai ta đều vắng mặt nên không tìm nữa.

Rồi nàng cố tìm gương mặt cô trong bóng tối, mủm mỉm cười khi nghe cô nũng nịu rằng:

- Chị muốn ngồi riêng với em thế này mãi cơ.

- Nếu vậy chị nhất định phải mạnh khỏe, Hạnh ạ. Vì hai ta đều còn trẻ, ngày vui còn dài và còn nhiều thì giờ để ngồi riêng với nhau thật lâu.

- Chị rất muốn thế...

Nga không cho phép Hạnh nói tiếp mà kéo cô dậy. Người đàn bà vừa trải qua trận ốm thập tử nhất sinh nên thân thể nhẹ bỗng, hơi loạng choạng rồi nép vào vòng tay nàng. Một tiếng cười rất khẽ chợt thoảng qua tai khiến nàng ngượng ngùng mắng:

- Chị lại trêu em đấy.

Hạnh đứng thẳng lưng, đĩnh đạc trả lời:

- Chị có trêu em đâu?

- Chị mới... mới ghé vào người em.

- Tại chị choáng váng trước em đấy chứ?

- Hạnh ơi, sao mà chị...

Nga nói lấp lửng rồi thở dài, chợt nhớ tới thuở đầu gặp nhau, Hạnh cũng từng trêu đùa nàng như vậy. Song lúc ấy nàng chỉ nghĩ cô là tiểu thư đài các, cách nói năng hay pha trò đều lấy từ sách vở, bút giấy mà ra. Nào có nghĩ tính tình cô vốn đã lém lỉnh?

Hạnh hỏi nàng:

- Sao em lại thở dài?

- Em bất ngờ vì tưởng chị đứng đắn. Chị sẽ giống thầy chị, một người nghiêm túc, nói năng vô cùng cẩn trọng và nhất là sẽ chẳng bao giờ biết đến sự hóm hỉnh.

- Không, em ạ. Thầy chị rất biết đùa, đùa nhiều là đằng khác, nhưng chỉ với những người thân thiết mà thôi.

Cô ngừng một chốc và cắt nghĩa thật rõ:

- Chị giống thầy chị nhất, cũng chỉ đùa với những người thân yêu, ruột thịt.

Lần này, Nga không tiếp lời cô do mải tận hưởng niềm hạnh phúc đương thấm thía khắp tâm tưởng. Cái danh "người thân yêu" làm tim gan nàng râm ran vì sung sướng; vì cô gọi bằng giọng dịu dàng, âu yếm quá. Cô đã thỏa mãn ước mong được hưởng sự chân thành đầy giản dị trong đời nàng.

Lúc cả hai quay về buồng bệnh, bà Đốc đã ngồi trên chiếc giường kê thêm. Thấy Hạnh bước vào, bà cũng không hỏi cô đi đâu mà ân cần động viên:

- Hôm nay cái Hĩm nấu cháo ngon lắm. Con cố ăn nhiều cho lại sức.

- Con xin vâng.

Hạnh ngoan ngoãn ngồi xuống giường như đứa bé dễ bảo ban, sau đó đón lấy bát cháo từ tay Nga rồi nói:

- Mợ cũng ăn cùng tôi cho vui.

Nàng muốn lườm cô vì lại giở thói cợt nhả. Song lại nghĩ bà Đốc hãy còn ở đây bèn ôn tồn đáp:

- Cô cứ xơi trước, mặc tôi.

Hạnh tiếp lời:

- Sao lại mặc mợ được kia chứ? Mợ là người bạn thân thiết nhất của tôi và là người có ơn rất lớn với tôi.

Sau đó quay sang nói với bà Đốc:

- Lúc con về nhà bà Phán, chính mợ ấy đã chăm nom con từng chút một đấy, mẹ ạ. Vả lại mợ ấy cũng là người biên thư cho thầy con lúc thân thể bạc nhược này của con giở chứng. Tấm lòng của mợ ấy thực đáng quý, phải không mẹ?

Bà Đốc gật gù:

- Đúng thế, đúng thế. Lòng nhân hậu luôn luôn đáng quý.

Hạnh toan tiếp lời thì Nga đã vội trừng mắt đe vì sợ cô vui quá hóa lỡ miệng. Song người đàn bà ấy chỉ hơi nhướng mày, hỏi bằng vẻ ngây thơ:

- Sao mợ cứ nhìn tôi mãi thế? Mợ hãy ngồi xuống ăn với mẹ tôi kẻo nguội.

Nàng đã rõ việc Hạnh thích đùa dai, nói bỡn bèn quay đi, đúng lúc thấy bà Đốc mỉm cười bèn thưa rằng:

- Xin bà cho phép tôi ăn cùng.

Nụ cười trên môi bà Đốc tắt hẳn. Bà nghiêm mặt đáp:

- Mợ chớ tỏ ra xa cách với tôi như thế. Vả lại, mợ cứ gọi tôi bằng "bà" khiến tôi ngượng lắm, từ rày gọi tôi bằng "bác" cho thân mật. Mợ biết tên ông nhà tôi rồi chứ?

Nga gật đầu, bẽn lẽn trả lời:

- Vâng. Bác... bác Khiêm.

- Phải lắm. Mợ gọi tôi là "bác Khiêm gái" hay "bác gái" đều không can chi, miễn là mợ thoải mái. Chính miệng cái Hạnh đã kể mợ là người có ơn rất lớn với nó, nghĩa là mợ cũng có ơn rất lớn với gia đình tôi, cho nên mợ đừng khách sáo mãi, mợ Phán ạ.

Nàng ngần ngừ ít lâu và mạnh dạn đáp:

- Vậy... vậy bác cũng có thể gọi cháu là Nga, bởi chồng cháu đã chết ba năm nay, cháu chẳng còn là mợ Phán nữa. Cháu hưởng tiếng thơm mà chồng cháu để lại nhưng chẳng làm gì có ích, tự thân cháu cũng thấy hổ thẹn, bác ạ.

Bà Đốc gật gù, toan múc cháo cho Nga thì nàng đã vội đè tay lại, khẽ nói: "Bác hãy để cháu," bèn ngồi xuống và tiếp lời:

- Tôi gọi thế, liệu chị Phán ở nhà có trách tôi không?

- Thưa, xưa kia chồng cháu làm nhiều việc thiện nên người chung quanh không nỡ đổi lối xưng hô. Chứ như cháu vừa nói với bác, rằng cậu ấy đã nằm xuống mấy năm nay và đã quá thời đoạn tang. Người ta không gọi cháu là "mợ Phán" hay gọi mẹ chồng cháu là "chị Phán" nữa cũng chẳng phải chuyện to tát gì. Mẹ con cháu đâu thể can ngăn hay cấm cản chuyện ấy?

Bà Đốc nhìn Hạnh, sau đó dịu dàng nói:

- Nếu vậy tôi sẽ gọi mợ là mợ Nga cho phải phép.

- Cháu xin vâng.

Đoạn, hai bác cháu im lặng ăn hết phần cháo của mình, trong khi Hạnh hãy còn xúc từng miếng rất nhỏ. Cô không muốn ăn nhưng lòng ham sống thúc ép cô phải ăn, vì chỉ ăn mới có đủ sức lực để kéo dài hơi thở; mới có thể ở bên thầy mẹ, anh chị, các cháu và Nga. Họ đều là gia đình của cô, cô cũng hứa sẽ cho nàng một gia đình trọn vẹn, êm ấm.

Mải nghĩ ngợi, Hạnh chẳng kịp phát hiện Nga đã ăn xong từ lúc nào. Nàng đứng ngay bên cạnh nhìn bát cháo sắp hết của cô, mỉm cười khen:

- Hôm nay cô Hạnh ăn giỏi quá.

Hạnh ngước lên nhìn nàng:

- Mợ đương ví tôi với mấy đứa bé con ư?

Nga lém lỉnh đáp:

- Tôi nào dám, thưa cô? Tôi bất ngờ và rất mừng vì cô đã khá hơn nhiều đấy chứ? Vả lại, tôi thực lòng mong cô hãy như thế này mãi, cô Hạnh ạ.

Tuy người một điều cô, kẻ hai điều mợ nhưng ánh mắt dành cho nhau lại đầy tình tứ, thoát ly hẳn sự xa cách mà cả hai cố ý dựng lên. Ít lâu sau, cô phải quay mặt đi do sợ nếu đùa giỡn thêm đôi ba câu, cô sẽ buột miệng gọi nàng là: "Em Nga" chứa chan sự âu yếm, khiến bao công sức giả vờ từ nãy đến giờ đổ hết xuống sông bể.

Nga dọn dẹp bát đũa rồi mang đi rửa, mặc bà Đốc đuổi theo bảo không cần. Tuy nhiên nàng chỉ dặn bà mau đi tắm cùng Hạnh kẻo chốc nữa giời sẽ lạnh hơn, thấy bà vẫn ngần ngừ bèn nói thêm rằng:

- Có mấy cái bát thôi, bác ạ. Bác với chị cứ tranh thủ tắm trước, cháu đi nhanh rồi về.

Đoạn, Nga rảo gót thẳng ra giếng nước. Lúc bấy giờ đương có vài người ngồi giặt giũ, rửa bát đũa giống nàng. Họ hỏi han nhau về bệnh tình của chủ, của chồng con, chốc chốc lại buông tiếng thở dài. Âm thanh ấy khiến nàng cảm tưởng ở đây ai cũng như ai. Hễ bước vào nhà thương là giàu vẫn phải chịu đau đớn ngang với nghèo.

Người lắm tiền có thể mua thuốc đắt hơn, nằm trên chiếc giường lót đệm dày và căn buồng yên tĩnh hơn. Song nếu bệnh tình thình lình trở nặng, thì họ cũng có thể chết nhanh hơn kẻ ít của.

Chỉ có cái chết là chẳng phân chia giàu nghèo.

Đoạn, Nga ngồi xuống một góc rồi cắm cúi lau chùi những hạt gạo nấu nhừ dính trong bát. Tận lực tỏ ra lãnh đạm hòng tránh khỏi việc phải trò chuyện, giới thiệu mình ở nhà ai hay đương săn sóc người nào. Dẫu vậy, đời sống lại quyết không quên nàng, phải để nàng giáp mặt một người quen trên mảnh đất đầy rẫy sự xa lạ này.

Anh con trai đã dõi theo nàng từ ban nãy. Cố ngắm thật rõ gương mặt nàng dưới ánh đèn lù mù rồi mới lại gần và cất tiếng gọi:

- Mợ Phán.














---

02.2.2025

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top